Trong câu chuyện của nhà báo Đinh Quốc Hồng với gần 30 năm trong nghề, trải qua bao lần tác nghiệp mưa lũ, sạt lở... có quá nhiều kinh nghiệm quý cho những người trẻ hôm nay khi tác nghiệp tại “điểm nóng” này.

Ám ảnh thân phận và nỗi niềm người cầm bút...

Tôi biết nhà báo Đinh Quốc Hồng nhiều năm nay, cũng đã có dịp viết về ông với câu chuyện của một cây bút say mê đi, say mê viết, có câu nói nằm lòng “đi khổ, viết dễ”. Ở khu vực đại ngàn Tây Bắc, các nhà báo thường trú cũng hay kể chuyện về ông với sự kính trọng chữ tâm, chữ tầm trong nghề nghiệp. Và hôm nay, khi được nghe về chuyện tác nghiệp vùng bão lũ mới hiểu những lời ca tụng ấy thật chẳng ngoa chút nào.

Ông tâm sự rằng, với phóng viên thường trú, điểm nóng nào trên địa bàn hầu như đều phải có mặt. Trong cuộc đời làm nghề không ít những điều day dứt trăn trở  nhưng có những nỗi ám ảnh không thể nào quên được với người cầm bút chính là những chuyến tác nghiệp vùng mưa lũ, sạt lở. Năm nay mưa lũ, sạt lở ở Lào Cai không lớn, không thiệt hại về người là điều thật may mắn. Nhưng cách đây mấy năm, cứ nhắc đến lũ là ông cảm thấy “lạnh cả sống lưng”. Không phải vì sợ phải tác nghiệp mà xót xa bởi sự tàn phá khủng khiếp của nó. Câu chuyện ở bản Tùng Chỉn năm 2008 ở Lào Cai khiến cho nhà báo Đinh Quốc Hồng vẫn còn nghẹn ngào khi nhắc đến. Sáng sớm hôm ấy, sau khi nghe nói tình hình bên trong bản đang rất nguy cấp, có rất nhiều người đã thiệt mạng mà không tìm thấy được thi thể. Ngay lập tức nhà báo Quốc Hồng bỏ hết mọi công việc và cùng một phóng viên ở báo Lào Cai trực tiếp đến và đưa tin.

Chia sẻ mất mát với người dân bị lũ quét ở Nậm Chàm, xã Bản Cái, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai

Hai nhà báo đầu tiên lao vào “điểm nóng” nhưng càng đi thì chặng đường càng trở nên khó khăn. Cho đến nửa chừng thì anh bạn đồng nghiệp kia bỏ cuộc quay về vì do đã có tuổi không đi được nữa, một mình nhà báo Đinh Quốc Hồng lại tiếp tục men theo con đường rừng đã mênh mông biển nước. Đoạn đường quá khó khăn, đã có lúc tưởng như không có lối thoát, loay hoay không biết làm thế nào thì ông bắt gặp được mấy người dân đang chèo thuyền vào và bằng sự khéo léo ông nhờ họ cho qua. Khi vào đến xã Tùng Chỉn thì mọi thứ đã tan tác hết rồi. “Tôi ấn tượng nhất là khi đi qua trụ sở UBND xã Tùng Chỉn thì thấy mọi người nháo nhác hết cả và đập vào mắt là mấy cái quan tài được xếp thành hàng dài nằm chỏng chơ. Tự dưng giữa núi rừng đang ngập nước mờ sương, màu đỏ của chiếc vải che quan tài nổi lên khiến tôi rợn cả người. Mặc dù tôi đã từng tiếp xúc với rất nhiều thi thể của các vụ bão lũ trước, kể cả những người bị nổ mìn do chiến tranh vậy mà khi đến đây, nhìn thấy cảnh tượng như vậy, cảm giác vẫn có phần hoảng sợ. Cho đến tận bây giờ, vẫn cảm thấy vừa thương vừa bất lực, thương cho những người dân nhỏ bé nơi đây, năm nào cũng phải chịu nỗi đau thương ấy” – nhà báo Đinh Quốc Hồng chia sẻ.

Chứng kiến những cảnh tượng ấy, người cầm bút có thể không kìm lòng được nhưng nhiệm vụ vẫn phải tiếp tục đi sâu vào trong bản, nước ngập trắng xóa không thấy ruộng vườn bản làng đâu cả. Ông quyết định đi theo mấy đồng chí bộ đội, bám men theo con suối. Đến gần một con suối lớn, vì nước chảy quá mạnh nên các đồng chí bộ đội cùng các anh công an dân phòng phải chặt một cây gỗ lớn bắc qua làm cầu để đi. Một vài anh bộ đội qua trước sau đó cắm cọc và căng dây để mọi người còn lại qua dễ hơn. “Bài vở tin tức là rất quan trọng nhưng trong những lúc như vậy, phóng viên cần phải đi theo những người có kinh nghiệm, các anh bộ đội biên phòng hoặc người dân của bản vì họ nắm rõ địa bàn. Đặc biệt là khéo léo, nhẹ nhàng nhờ họ giúp đỡ chứ đừng nghĩ mình là nhà báo mà yêu cầu này, yêu cầu khác...” – nhà báo Quốc Hồng nhấn mạnh. 

Năm ấy, trận lũ đã cuốn cả một bản làng người Dao, 23 người mất. Một số người thì trôi ra sông Hồng, số còn lại thì mắc kẹt bởi đá, ai may mắn thì tìm thấy, còn lại thì bị vùi chôn bởi đất đá. Sau trận lũ thì trời lại nắng to, toàn bộ người dân rồi cán bộ đều lội bùn tìm thi thể những người còn sót lại. Theo quan  sát, ông thấy ở giữa chỗ bùn đá ngay cạnh một cái cây lớn có bóng của một người phụ nữ Dao trên đầu đội khăn đỏ. Trời thì nắng chang chang người phụ nữ ngồi giữa những bãi đá ngổn ngang, gục đầu khóc. Ông vỗ vai an ủi nhưng người phụ nữ không đứng dậy vì chị mới tìm được cái túi mắc lại dưới gốc cây của người mẹ già bị lũ cuốn trôi. Chị có kể lại là vừa tối hôm trước mẹ chị đang ngồi thêu chiếc túi này cùng với người cháu. Đến sáng ra tỉnh dậy thì hai bà cháu đã bị lũ cuốn đi mất. Ông cứ nhớ mãi người đàn bà trong lũ ấy, thấy con người cui cút, đơn độc giữa thiên nhiên, cảnh tượng đấy là tâm điểm để ông viết các tác phẩm ghi nhanh, phóng sự về bão lũ với một nỗi trăn trở, nặng lòng.

Khéo léo xử lý và nhân văn trong các khuôn hình

Tôi nghe chuyện tác nghiệp của ông với rất nhiều kĩ năng, rút ra bài học để trong những tình huống tương tự biết cách xử trí, ứng phó. Rõ ràng, không phải cứ lao vào, cứ chạy theo mà tác nghiệp vùng lũ cần nhiều kinh nghiệm và cách xử trí khôn ngoan để an toàn cho thông tin và tính mạng mới là điều quan trọng nhất. Câu chuyện sạt lở ở bản Phìn Ngan cách đây mấy năm mà nhà báo Quốc Hồng kể lại cũng cho thấy việc tác nghiệp trong “điểm nóng” này sẽ phải trải qua không ít lần “đứng tim”, không hiếm dịp phải đắn đo cách tiếp cận, cách chia sẻ, cách làm việc thận trọng dù đó chỉ là một cái bấm máy. Nghe được tin sạt lở, nhà báo Đinh Quốc Hồng lội bộ vào bản khi đất đá sạt lở xuống lấp hết đường, cả bản như vùi trong đất. “Tôi choáng váng khi ngay cạnh mình là những thi thể của các cháu bé bị đất vùi lấp không còn nhận ra ai, chỉ được che đậy bởi những cành cây nhỏ. Xót xa đau đớn vô cùng nhưng vì công việc, tôi vái lạy rồi chụp ảnh thật nhanh và che lại cành cây cẩn thận. Thực sự những tình huống như thế, phải có một tinh thần thép, một sự từng trải mới đủ bản lĩnh tiếp tục tác nghiệp” – nhà báo Đinh Quốc Hồng xót xa nhắc lại.

Nhà báo Quốc Hồng vào vùng lũ quét Nậm Chàm

Có một lần tác nghiệp lũ ở Bắc Hà, sau khi cùng một số đồng nghiệp đi xuống tới nơi thì ông có đi xung quanh để xem tình hình. Bất ngờ nhà báo Quốc Hồng nhìn thấy có một người đàn ông lúi húi trong một cái nhà sập. Theo phản xạ nghề nghiệp ông chui vào thì thấy người đàn ông ấy không nói gì cả, người hốc hác, chết lặng, bê bết đất. Phía đằng sau người đàn ông có xác người con trai bị chết trong trận lũ và được người dân tìm được đưa về. Nhìn cảnh tượng người đàn ông canh xác con không rời đi mới thấy cái tàn khốc của bão lũ thật khủng khiếp. Nhà báo Quốc Hồng phải đấu tranh tư tưởng trong việc chụp ảnh tình huống thương tâm này. Ông bảo rằng, chụp ảnh phải hết sức nhân văn, chỉ để lộ một phần hình ảnh, chọn góc chụp sao cho vừa lột tả được sự mất mát vừa không khoét sâu thêm nỗi đau người trong cuộc. Tức là khi mình làm thì cố gắng tiếp cận sự thật nhưng tránh những điều bất nhẫn...

Có thể nói, với nhà báo Quốc Hồng, thân phận con người rất nhỏ bé trước bão lũ luôn khiến ông động lòng trắc ẩn. Và cũng từ sự ám ảnh ấy đã trở thành chất liệu, tạo nên thần thái trong mỗi bài viết giàu thông tin của ông. Ông bảo rằng, không ai mong trong lũ lụt hay thiên tai có sự mất mát nào cả, nhưng khi chứng kiến sự thiệt hại ấy trực tiếp, bản thân người cầm bút sẽ truyền tải thông tin, thông điệp xác thực hơn, đầy đủ hơn. Và rõ ràng, bài viết về sự kiện ấy không chỉ dừng lại ở các con số, chạy sau sự kiện mà còn có những cảnh đời, thân phận... Đó là điều không dễ làm nhưng với nhà báo Đinh Quốc Hồng, dù không còn trẻ nữa, ông vẫn luôn tác nghiệp ở vùng bão lũ trong tâm thế sẵn sàng đương đầu với những khó khăn.

Nguồn: Hà Vân/congluan.vn