Tham vọng quá lớn của New York Times

Từ tháng 11 tới, nguyên Tổng giám đốc Hãng hãng tin Anh BBC Mark Thompson sẽ tới Mỹ làm TGĐ điều hành tập đoàn truyền thông The New York Times Company (NYT Co).

Trong bản thông báo cho các nhân viên ngày 14.8, ông Arthur Sulzberger Jr, Chủ tịch tập đoàn cho biết: "Mark sẽ làm việc cùng với ban điều hành và tôi để mở rộng hoạt động kinh doanh báo điện tử của chúng ta ra khắp toàn cầu". Tuy nhiên, đây là tham vọng quá lớn của NYT Co.

9 tháng ròng cho "ứng viên lý tưởng"

Trước khi ký hợp đồng với Mark Thomson, NYT Co có 9 tháng trời "bơ vơ". Bởi kể từ tháng 31/12/2011, khi NYT Co phải cắn răng móc hầu bao tới hơn 15 triệu USD, gọi là "phí hỗ trợ thôi việc" để "đuổi khéo" Tổng giám đốc Janet Robinson, NYT Co vẫn không thể tìm cho mình một "ứng viên lý tưởng" cho vị trí đang khuyết.

Thời cơ (đúng lúc Mark Thomson muốn rời bỏ BBC, cộng với mức lương khủng 1 triệu USD/năm, khoản thưởng "nóng" khổng lồ 3 triệu USD) đã giúp NYT Co kéo về mình vị TGĐ điều hành mà họ cho là đáp ứng hoàn hảo những tiêu chí mà họ đề ra.

Không quá khó hiểu trước nỗi vui mừng của NYT Co khi nhận được cái gật đầu của Mark Thomson. Thị hiếu truyền thông hiện nay cho thấy truyền thông kỹ thuật số đã trở thành xu thế không thể khác, nếu không muốn nói là sự lựa chọn tối ưu của mọi loại hình truyền thông, trong đó có báo in. Và một trong những nhân vật truyền thông đương đại được đánh giá là tài ba nhất trong việc này chính là Mark Thomson.

Gần 10 năm nắm quyền lãnh đạo BBC, công lao lớn nhất mà người đàn ông 55 tuổi này mang lại cho hãng tin nhà nước Anh này là việc mở rộng BBC sang lĩnh vực truyền thông đa phương tiện, thông qua các website, dịch vụ tin tức và các kênh kỹ thuật số. Trong đó nổi bật nhất là sự phát triển iPlayer, một dịch vụ giúp người xem theo dõi mọi sản phẩm của BBC trên mạng. Bên cạnh đó là việc biến trang BBC Online trở thành trang tin tức nổi tiếng nhất trên thế giới. Và đây chính là điều NYT Co đang cần: đưa những tờ báo của NYT Co vào tương lai số hóa một cách hiệu quả.

"Tốt không phải bao giờ cũng hay"

Câu ví von này có vẻ khá giống với tình cảnh hiện nay của Mark Thomson và NYT Co. Không ai có thể phủ nhận "năng lực điều hành một tổ chức lớn, lớn hơn nhiều so với NYT Co" của Mark Thomson, chỉ có điều, ai cũng biết NYT Co không hề là bản sao, nếu không muốn nói là phiên bản hoàn toàn khác với BBC.

Trong đó nét khác biệt lớn nhất là việc BBC là một hãng tin nhà nước, sống chủ yếu nhờ những đồng tiền ngân sách do chính phủ cấp. Còn NYT Co, đơn thuần là một tổ hợp truyền thông tư nhân, hoạt động trong một môi trường báo chí thuần thương mại, sống nhờ nguồn quảng cáo và doanh thu phát hành. Bởi vậy, nhiều người nghi ngại cho rằng Thompson có thiên hướng của một chính trị gia hơn là một nhà quản trị và những thành công ông thu được, là tại một hãng truyền thông nhà nước với môi trường làm việc tách biệt với các áp lực thương mại từ lĩnh vực truyền thông tư nhân.

"NYT Co phải chứng tỏ bản thân mỗi ngày để giữ độc giả và các nhà quảng cáo. BBC dĩ nhiên không cần làm thế tại nước Anh" - Nhà nghiên cứu độc lập từ công ty tư vấn Huber Research Partners Craig Huber tỏ ra thận trọng. Thế nên, nói như nhà bình luận Roy Greenslade: sự lựa chọn Thompson làm người lãnh đạo kế tiếp của NYT Co là vừa có thể là một quyết định sáng tạo vừa là một "quyết định rủi ro".

Một cái khó lớn nữa mà Mark Thomson sẽ phải đối mặt là việc dù là một tổ chức tin tức tiếng tăm và lâu đời, sở hữu những tờ báo lẫy lừng như New York Times, International Herald Tribune, Boston Globe... nhưng NYT Co cũng không tránh khỏi thảm cảnh kinh doanh bi đát.

NYT Co đã đánh mất 7 tỷ USD trên thị trường chứng khoán kể từ năm 1999 tới nay do kinh doanh thua lỗ trên mảng quảng cáo. 5 năm gần đây, tập đoàn liên tiếp sụt giảm doanh thu và đã mất hơn 300 triệu USD lợi nhuận ròng. Để cắt bỏ những mảng hoạt động sa sút và bù đắp thua lỗ, NYT Co đã phải bán đứt quyền sở hữu tới 16 địa phương và tiến hành thu phí trực tuyến (tháng 3/2011). Tuy nhiên, những giải pháp đó chưa đủ giúp NYT Co chống chọi với khó khăn. NYT Co trông đợi vào tài lãnh đạo của Thompson để khôi phục tốc độ tăng doanh số và thúc đẩy hoạt động trên Internet. Nhưng, đây rõ ràng là gánh kì vọng quá nặng đổ lên vai Mark Thomson.

Hà Trang

(Theo Công luận)

Tin nổi bật