Tạp chí Anh dự báo kinh tế Việt Nam ổn định giai đoạn 2017-2021

Báo cáo của Bộ phận phân tích thông tin (EIU) thuộc tạp chí Economist (Anh) cho biết Việt Nam sẽ duy trì ổn định kinh tế trong giai đoạn 2017-2021 bất chấp những biến động trong nước và quốc tế. 

(Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo EIU, kinh tế Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng nhằm bảo đảm mức tăng trưởng 6,3% trong cả năm nay nhờ các chính sách quyết liệt của chính phủ. Dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng nhẹ lên mức 6,5% trong năm 2018. 

Về tổng thể trong cả giai đoạn này, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo ở mức 6,2-6,3%, duy trì được vị thế là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. 

EIU tỏ ra lạc quan về sự phát triển lành mạnh của lĩnh vực tiêu dùng tư nhân, nhờ mức lương tăng nhanh và khả năng tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn. 

Bên cạnh sự phát triển của du lịch, kinh tế tư nhân cũng sẽ được tạo điều kiện phát triển mạnh hơn nhờ thông thoáng về thủ tục và cơ chế trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng. 

EIU đánh giá đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt trong khối các doanh nghiệp sản xuất đồ điện tử xuất khẩu, sẽ tiếp tục đà tăng trưởng, là động lực thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng 9,1% trong năm nay. Đây là kết quả một phần của việc các nhà đầu tư rút khỏi thị trường lao động Trung Quốc để cắt giảm chi phí.

Tuy nhiên, xuất khẩu tăng trưởng cũng đồng nghĩa với việc tăng nhập khẩu, và tác động đến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). 

EIU dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại trong giai đoạn 2019-2020 vì lý do trên, kết hợp với sự thắt chặt chính sách tiền tệ của Việt Nam, và các yếu tố bên ngoài như kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trước đó. 

Về vấn đề lạm phát, EIU nhấn mạnh áp lực về lạm phát của Việt Nam trong giai đoạn 2017-2021 sẽ luôn ở trong tầm kiểm soát. Dự báo lạm phát trong hai năm 2017 và 2018 sẽ lần lượt là 3,4% và 3,8%, so với mức 2,7% trong năm ngoái.

EIU nhận định rằng hiện nay là thời điểm thuận lợi để Việt Nam tiếp tục xu hướng tự do hóa nền kinh tế trên ba động lực. 

Thứ nhất là các thỏa thuận thương mại quốc tế. Bên cạnh việc triển khai các thỏa thuận kinh tế hiện có trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN, giai đoạn 2017-2021 cũng là thời điểm Việt Nam triển khai thực hiện các thỏa thuận thương mại tự do quan trọng với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á-Âu và Liên minh châu Âu (EU). Bất chấp những trở ngại do việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam cần tiếp tục tiến trình tự do hóa kinh tế và hỗ trợ thương mại mở một cách sâu rộng hơn. 

Thứ hai, xu hướng tự do hóa kinh tế tại Việt Nam cũng sẽ được hỗ trợ nhiều bởi quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đang trở nên hiệu quả hơn, đóng góp trực tiếp cho sự ổn định tài khóa vĩ mô. 

Thứ ba, tái cấu trúc ngành ngân hàng cần tiếp tục là ưu tiên chính của chính phủ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục các nỗ lực hiện nay nhằm củng cố lĩnh vực ngân hàng thông qua các biện pháp sáp nhập và mua lại. Về lâu dài, Việt Nam sẽ từng bước nới rộng trần tỷ lệ sở hữu đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào các ngân hàng Việt Nam đang ở mức 30% hiện nay.

Theo TTXVN

Tin nổi bật