Nghề báo
Nhà báo Thu Hà: “Sự kiện đặc biệt càng phải đảm bảo chuẩn xác, không được cảm tính!”
Submitted by nlphuong on Mon, 17/03/2014 - 13:25"Đã có lúc dư luận nghiêng về khủng bố khi phát hiện có 2 hành khách dùng hộ chiếu ăn cắp, có lúc lại nghiêng về vấn đề nổ máy bay…".
Nhà báo Thu Hà - Trưởng phòng Chào buổi sáng, Ban Thời sự, Đài THVN - người theo sát sự kiện máy bay MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích - khẳng định rằng tất cả tin tức đều được các phóng viên bảo đảm sự chuẩn xác tuyệt đối.
Chia sẻ với phóng viên VTV Online về quá trình tác nghiệp trong sự kiện được xem là “bí ẩn” của ngành hàng không, nhà báo Thu Hà nói: “Mới đầu, khi nghe tin có vụ mất tích máy bay của Malaysia, xuất phát từ nhiệm vụ phụ trách mảng “An toàn giao thông” của chương trình Chào buổi sáng, chúng tôi đã liên lạc ngay với Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải để biết chi tiết vấn đề, những điều gì có thể rút ra hoặc cảnh báo về an toàn hàng không. Tuy ban đầu thông tin chưa liên quan trực tiếp đến Việt Nam nhưng góc độ an toàn hàng không là vấn đề rất được quan tâm nên chúng tôi đã ngay lập tức có mặt tại Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng không của Việt Nam ở khu vực sân bay Gia Lâm, cùng với các đồng nghiệp và thiết bị Live U có thể đưa tin trực tiếp”.
Nhà báo Thu Hà - Trưởng phòng Chào buổi sáng (Ảnh: Quang Phát) |
Là sự kiện mang tính quốc tế và hết sức đặc biệt, nhà báo Thu Hà khẳng định trong quá trình đưa tin, đội ngũ phóng viên, biên tập viên thời sự của VTV luôn đặt yếu tố chuẩn xác lên hàng đầu. “Càng là sự kiện đặc biệt, càng phải đảm bảo sự chính xác khi đưa tin. Vậy nên từng từ ngữ trong các bản tin đều phải đảm bảo sự chính xác tuyệt đối, không được nói quá, nhận định không được cảm tính, không được nhất nhất nghiêng theo bất cứ giả thiết nào. Nếu chỉ sai một từ cũng rất nguy hiểm!” - chị chia sẻ.
Khi được hỏi rằng có điều gì ảnh hưởng tới quá trình tác nghiệp của các phóng viên trong bối cảnh đang có sự nhiễu loạn thông tin bởi khá nhiều nghi vấn được đặt ra cho sự kiện, chị khẳng định: “Đúng là đến lúc này, mọi tin tức về chiếc máy bay được cho là rất bí ẩn, thậm chí nhiễu loạn. Có những lúc tưởng là có hy vọng rồi gần như lại mất hy vọng, có lúc có thông tin rằng thấy vật thể lạ trông giống như một bộ phận của chiếc máy bay. Hay thông tin gần nhất là có dấu hiệu máy bay ở eo biển Malacca, rồi Trung Quốc công bố ảnh vệ tinh nghi mảnh vỡ máy bay mất tích… Tất cả được được đưa ra rồi lại phủ nhận, hy vọng rồi lại mất hy vọng.
Trước tất cả các thông tin đó, phóng viên của chúng tôi vẫn bám sát thông tin của Sở chỉ huy của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn để có thể cập nhật những thông tin chính thống nhất của quá trình tìm kiếm chiếc máy bay tới khán giả truyền hình.
Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra mà chúng ta không lường trước được nên mọi tin tức phải chuẩn xác, không được cảm tính, không được nhận định quá sớm hoặc dùng từ sai. Đã có lúc dư luận nghiêng về khủng bố khi phát hiện có 2 hành khách dùng hộ chiếu ăn cắp, có lúc lại nghiêng về vấn đề nổ máy bay… nên bất cứ bản tin nào cũng cần đặt tiêu chí thận trọng lên trên hết”.
Nguồn tin: vtv.vn
Ghi nhận của PV thường trú Đài THVN tại các điểm bỏ phiếu ở Crimea
Submitted by nlphuong on Sun, 16/03/2014 - 20:45Chứng kiến cuộc trưng cầu dân ý có rất nhiều quan sát viên nước ngoài cùng hàng nghìn phóng viên quốc tế.
Có mặt tại điểm bỏ phiếu số 08164 ở trung tâm Simferopol (thủ phủ Crimea), PV Duy Nghĩa cho biết chỉ sau 4 giờ đồng hồ kể từ khi bắt đầu đã có trên 30% cử tri đến đây bày tỏ ý nguyện của mình, ủng hộ việc sáp nhập vào Liên bang Nga hoặc tồn tại một phần ở Ukraine.
PV Duy Nghĩa tại điểm bỏ phiếu ở TP Simferopol - thủ phủ Crimea (Ảnh: VTV Online) |
Vào lúc 8h giờ địa phương (khoảng 13h giờ Việt Nam) hôm nay (16/3), người dân tại nước Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine đã bắt đầu cuộc trưng cầu dân ý về việc bán đảo này sẽ ở lại với Ukraine hay trở thành một chủ thể sáp nhập vào Liên bang Nga. Chứng kiến cuộc trưng cầu dân ý có rất nhiều quan sát viên nước ngoài cùng hàng nghìn phóng viên quốc tế.
Theo thông tin từ PV Duy Nghĩa, thủ tướng Crimea – Aksyonov – và con gái là 2 trong số những người đầu tiên đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ngày hôm nay tại điểm bỏ phiếu số 08069 ở phía Tây TP Simferopol.
Sau khi bỏ phiếu, trả lời phỏng vấn báo giới, ông Aksyonov đã bày tỏ hy vọng rằng cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra thành công và kết quả cuộc trưng cầu sẽ không dẫn tới một cuộc khủng hoảng nào. Ông gọi cuộc trưng cầu dân ý này là thời điểm lịch sử. Ông nói: “Chỉ có tiến lên phía trước, mọi việc sẽ kết thúc một cách tốt lành”.
Nguồn:vtv.vn
Nhuận bút báo in, báo điện tử không quá 5 lần lương tối thiểu
Submitted by nlphuong on Sat, 15/03/2014 - 23:45(ICTPress) - Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ 1/6/2014.
(ICTPress) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ngày 14/3 đã ký ban hành Nghị định 18/2014/NĐ-CP quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.
Ảnh: petrotimes.vn |
Nghị định này quy định về chế độ nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí (gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử), xuất bản phẩm, người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin, phục vụ cho sự sáng tạo tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm, người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm.
Theo điều 7 của Nghị định này khung nhuận bút tối đa cho báo in, báo điện tử được chia làm 8 loại. Mỗi loại có hệ số để tính, thể loại tin tối đa là 10 đơn vị hệ số, thể loại trực tuyến và media có mức nhuận bút tối đa là 50 đơn vị hệ số. Giá trị một đơn vị nhuận bút bằng 10% tiền lương áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức, hay còn gọi là lương tối thiểu hiện nay là 1.150.000 đồng. Theo đó, nhuận bút được tính cho báo in, báo điện tử tối đa sẽ không quá 5 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm áp dụng. Nghị định này chỉ quy định khung tối đa, do vậy, các cơ quan báo chí vẫn có thể chủ động cân đối thu chi trong hoạt động của mình.
Khung nhuận bút cho tác phẩm báo in, báo điện tử |
Nghị định 18 cũng quy định tác giả làm theo chế độ hợp đồng với cơ quan báo chí sử dụng tác phẩm, sáng tạo tác phẩm ngoài định mức được giao của cơ quan báo chí, được hưởng 100% nhuận bút.
Thời gian trả hết nhuận bút cho tác phẩm sử dụng không quá 60 ngày. Theo điều 4, Nghị định 18/2014/NĐ-CP, chậm nhất 60 ngày, kể từ ngày tác phẩm được đăng tải, công bố, bên sử dụng tác phẩm phải trả hết tiền nhuận bút cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ 1/6/2014.
Mai Nguyễn
Phóng viên quốc tế đánh giá cao khả năng tìm kiếm của VN
Submitted by nlphuong on Fri, 14/03/2014 - 06:45“Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam đã làm hết sức mình và với tư cách là một công dân Trung Quốc, chúng tôi đánh giá điều đó rất cao."
“Việt Nam đã và đang rất nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia bị mất tích”.
Đây là nhận xét chung của hầu hết những phóng viên ở các hãng truyền thông quốc tế đang tác nghiệp tại Phú Quốc.
Đông đảo phóng viên quốc tế có mặt tại Phú Quốc đưa tin về vụ tìm kiếm máy bay mất tích |
Theo anh Yan Hao, biên tập viên của Tân Hoa xã, trong những ngày tác nghiệp tại đây, đoàn công tác của Tân Hoa xã cũng được tạo điều kiện tháp tùng cùng với chuyến bay ra vùng tìm kiếm trên biển. Anh rất tin tưởng vào khả năng cũng như những cố gắng của Việt Nam trong việc phối hợp tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích.
Anh Yan Hao nói: “Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam đã làm hết sức mình và với tư cách là một công dân Trung Quốc, chúng tôi đánh giá điều đó rất cao. Chính phủ Việt Nam đã rất sẵn sàng để giúp đỡ những hành khách trên chiếc máy bay này. Tôi biết có khoảng hơn 10 hãng thông tấn và báo chí từ Trung Quốc đang ở đây và tôi tin rằng một số hãng nữa sẽ tiếp tục đến. Chúng ta đều hy vọng điều kỳ diệu sẽ sẽ xảy ra, nhưng cho tới nay vẫn chưa hề có bằng chứng nào về việc đó”.
Anh Yan Hao, biên tập viên của Tân Hoa xã |
Rất đông phóng viên đến từ các hãng truyền thông quốc tế có mặt để đưa tin về cuộc tìm kiếm này ở Phú Quốc trong những ngày qua. Theo như anh Yan Hao thì riêng Trung Quốc đã có hơn 10 hãng thông tấn đến Việt Nam đưa tin. Các điều kiện cho phóng viên tác nghiệp cũng đã được quan tâm.
Anh Pang Tak Cheung ở Truyền hình cáp Hồng Kông |
Anh Pang Tak Cheung ở Truyền hình cáp Hồng Kông (Trung Quốc) cho rằng: “Khi có thông tin có vật thể lạ ở Vũng Tàu thì phía quân sự Việt Nam đã lập tức cử máy bay và tàu đến để kiểm tra, nhưng họ không thấy gì. Dẫu sao thì đó là phản ứng rất nhanh chóng”./.
Lam Hiếu
Vụ máy bay Malaysia mất tích: Hơn 100 PV quốc tế tác nghiệp không mệt mỏi tại Phú Quốc
Submitted by nlphuong on Wed, 12/03/2014 - 11:10Lần đầu tiên người dân huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã đón tiếp đội ngũ phóng viên quốc tế hùng hậu hơn 100 người đến tác nghiệp.
Từ khi xảy ra vụ việc máy bay của Hãng hàng không Malaysia mất tích, cùng với quá trình tìm kiếm liên tục của các đơn vị chức năng Việt Nam, lần đầu tiên người dân huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã đón tiếp đội ngũ phóng viên quốc tế hùng hậu hơn 100 người đến tác nghiệp.
Có mặt tại Phú Quốc từ ngày 9/3, chỉ 1 ngày sau vụ mất tích máy bay của hãng hàng không Malaysia, anh Chin Ly Horn - phóng viên thường trú của Tân Hoa Xã tại Campuchia là một trong những phóng viên quốc tế đầu tiên được cử đến Việt Nam để đưa tin về công tác tìm kiếm cứu hộ. Được biết, mỗi ngày anh Chin Ly Horn chuyển về trụ sở tại Bắc Kinh 2-3 tin theo các diễn biến. Đây được xem là một nỗ lực đáng ghi nhận bởi anh tác nghiệp trong hoàn cảnh không thông thuộc địa bàn và không có phiên dịch tiếng Việt.
"Tôi chỉ nghĩ rằng rất nhiều người trên thế giới đang quan tâm theo dõi tin tức liên quan đến vụ chiếc máy bay mất tích của Malaysia. Vì vậy công việc của tôi là làm thế nào chuyển được những tin tức ấy càng nhanh, càng tốt cho khán giả", anh Chin Ly Horn chia sẻ.
Đặc biệt khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VTV, anh Chin Ly Horn nhấn mạnh: "Tôi thấy rằng Chính phủ Việt Nam đã huy động rất nhiều lực lượng và phương tiện để tham gia vào hoạt động tìm kiếm, cứu hộ và họ đã làm rất có trách nhiệm”.
Những ngày qua, phóng viên quốc tế đổ về Phú Quốc tác nghiệp rất đông (Ảnh: NLĐ) |
Để cập nhật tin tức một cách nhanh nhất các thông tin liên quan tới việc tìm kiếm máy bay mất tích, các phóng viên quốc tế đã luôn cố gắng sử dụng quỹ thời gian một cách hiệu qua nhất. Mọi người tranh thủ nghỉ ngơi, ăn uống trong lúc chờ phỏng vấn, ghi hình, ghi âm. Sảnh sân bay, mái hiên hay thậm chí hành lang cũng dễ dàng trở thành nơi nghỉ tạm.
Theo những gì phóng viên VTV quan sát, các phương tiện tác nghiệp của quốc tế cũng đa phần là gọn nhẹ và cực kỳ tiện dụng, đảm bảo cho khâu vận chuyển và hoạt động lâu dài. Hơn 100 phóng viên quốc tế có mặt tại Phú Quốc những ngày qua đa số đến từ các đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử của Trung Quốc, Hong Kong. Ngoài ra còn có mặt nhiều hãng truyền thông lớn của thế giới như Reuters, BBC, AP, AFP… Từ sáng đến tối, hầu như các phóng viên quốc tế không hề mệt mỏi trong các hoạt động nghiệp vụ của mình.
Quốc Minh
Nguồn: vtv.vn
“Liệu báo chí có thể khai thác tài liệu “mật” để đưa tin?”
Submitted by nlphuong on Wed, 12/03/2014 - 08:00“Một nhiệm vụ quan trọng của báo chí theo Luật Báo chí là đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác.
Luật sư Phạm Đức Giang, Giám đốc Công ty Luật DGI đã đặt vấn đề như vậy, khi được hỏi ý kiến về vụ việc một tờ báo mới đây đã đưa tin về sự khác nhau trong hai dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - một loại tài liệu mật trong ngành thanh tra theo Quyết định số 588/2004/QĐ-BCA(A11) ngày 25/6/2004 của Bộ Công an.
Luật sư Phạm Đức Giang, Giám đốc Công ty Luật DGI. |
Ông nói: “Một nhiệm vụ quan trọng của báo chí theo Luật Báo chí là đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác. Để làm được điều này, pháp luật đã cho phép và tạo điều kiện sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để thu thập và khai thác các nguồn thông tin. Tuy nhiên, việc thu thập, sử dụng và khai thác thông tin phải theo quy định của pháp luật”.
Vậy hiểu như thế nào về cụm từ “theo quy định của pháp luật”?
Điểm b Khoản 1 Điều 15 Luật Báo chí quy định nhà báo được khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật. Ông Giang cho rằng, cần hiểu quy định này từ cả hai góc độ. Một là cách thức thu thập thông tin phải phù hợp với pháp luật, và hai là cách thức sử dụng và công cấp thông tin cũng phải phù hợp với pháp luật.
Cụ thể, đối với tài liệu của cơ quan, tổ chức nhà nước, Khoản 6 Điều 5 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/4/2002 quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí đã quy định việc sử dụng tài liệu của các tổ chức phải theo đúng những quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước ngày 28/12/2000.
Đồng thời, Điều 9 quy chế bảo vệ bảo mật nhà nước trong ngành thanh tra được ban hành kèm theo Quyết định số 1657/2005/QĐ-TTCP ngày 6/9/2005 của Thanh tra Chính phủ đã quy định rất chặt chẽ về tìm hiểu và sử dụng các tài liệu mật của ngành này. Theo đó, tùy theo mức độ mật, tài liệu chỉ được phổ biến, sử dụng trong phạm vi giới hạn đối tượng nhất định.
Ông Giang nêu ví dụ: “Đối với tài liệu mật thì chỉ được phổ biến đến những người, những đơn vị có quan hệ đến việc thi hành văn bản. Việc tìm hiểu, sử dụng cũng phải ở nơi bảo đảm an toàn do thủ trưởng đơn vị quyết định, chỉ được ghi chép, ghi âm, ghi hình khi được phép của thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý bí mật nhà nước cần phổ biến. Người được nghe, được tìm hiểu, ghi chép, ghi âm, quay phim, chụp ảnh phải bảo quản, sử dụng bí mật nhà nước được phổ biến như tài liệu gốc”.
“Điều này có nghĩa, khi thu thập, khai thác, sử dụng tài liệu mật của cơ quan tổ chức, báo chí phải tuân thủ các nghĩa vụ mà pháp luật đòi hỏi đối với tài liệu mật đó. Việc làm lộ bí mật nhà nước sẽ có thể bị truy tố về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước, hoặc tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước quy định tại Điều 263 và Điều 264 Bộ luật Hình sự 1999”.
Tuy nhiên, LS. Phạm Đức Giang cũng băn khoăn: “Danh mục tài liệu mật của mình hiện nay còn quá dài, nhiều tài liệu không đáng coi là mật, thì lại được đóng dấu mật. Chưa hết, nhiều tài liệu sau một thời gian nhất định không còn là mật nữa nhưng công tác rà soát để thay đổi độ mật, thậm chí là giải mật. Đây cũng là vấn đề cần được giải quyết để cơ quan báo chí có thể điều kiện thực hiện tốt hơn nhiệm vụ thông tin của mình”.
Nguồn: Báo Xây dựng
Bộ Quốc phòng yêu cầu cung cấp thông tin kịp thời cho các phóng viên Việt Nam và quốc tế
Submitted by nlphuong on Mon, 10/03/2014 - 15:50Với phóng viên nước ngoài, đặc biệt là phóng viên Trung Quốc cần tạo điều kiện để phóng viên ra hiện trường tìm kiếm bằng máy bay hoặc tàu thủy của Quân đội.
Sáng 9-3, Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam - Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh Hàng không quốc gia đã đến Cục Cứu hộ - Cứu nạn/Bộ Quốc phòng - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn làm việc và chỉ đạo việc cung cấp thông tin báo chí về vụ máy bay Malaysia mất liên lạc.
Trung tướng Võ Văn Tuấn đang điện đàm chỉ đạo tìm kiếm máy bay Malaysia mất liên lạc. Ảnh: Thế Long. |
Tại buổi làm việc, Trung tướng Võ Văn Tuấn chỉ đạo: Cục Cứu hộ - Cứu nạn - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn thường xuyên nắm chắc, cập nhật thông tin về lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất liên lạc để thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí trong và ngoài nước. Với phóng viên nước ngoài, đặc biệt là phóng viên Trung Quốc cần tạo điều kiện để phóng viên ra hiện trường tìm kiếm bằng máy bay hoặc tàu thủy của Quân đội.
Đồng thời, Phó tổng Tham mưu trưởng cũng chỉ đạo điều thêm các cơ quan chức năng có liên quan đến Cục Cứu hộ - Cứu nạn để tham mưu, đề xuất các phương án tối ưu trong việc tìm kiếm máy bay Malaysia mất liên lạc.
Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân
Bộ TT&TT tạm dừng cấp phép ấn phẩm báo chí mới
Submitted by nlphuong on Mon, 10/03/2014 - 15:25(ICTPress) - Cục Báo chí rà soát ấn phẩm phụ và báo cáo Bộ trong thời gian tới để quản lý báo chí nói chung và ấn phẩm phụ nói riêng.
(ICTPress) - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước TT&TT tháng 1 và 2/2014 ngày 10/3 đã thông báo thông tin trên.
Ảnh minh họa |
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết Chính phủ mới đây đã ra thông báo trong khi chuẩn bị báo cáo Quy hoạch Báo chí toàn quốc đến năm 2020 để trình Bộ Chính trị ban hành, Bộ TT&TT tạm dừng cấp phép thành lập mới các cơ quan báo chí mới và xuất bản thêm các ấn phẩm báo chí, đồng thời rà soát, giảm bớt những tờ báo hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng đề nghị Cục Báo chí, Bộ TT&TT rà soát ấn phẩm phụ và báo cáo Bộ trong thời gian tới để quản lý báo chí nói chung và ấn phẩm phụ nói riêng.
"Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2020 dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 4. Đây là cuộc cách mạng báo chí để có những cơ quan báo chí hợp lý, chất lượng ngày càng cao hơn phục vụ cuộc sống xã hội tốt, sự điều hành của chính phủ, diễn đàn của nhân dân”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
HM
Thống nhất văn bản xử lý hành chính phóng viên đưa tin sai sự thật
Submitted by nlphuong on Sun, 09/03/2014 - 23:10Bộ Tư pháp đã có kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề liên quan đến quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với báo chí đưa tin sai sự thật.
Theo ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp đã có kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề liên quan đến quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với báo chí đưa tin sai sự thật.
Ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp. |
Thời gian qua, sau khi Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bảnđược ban hành, một số cơ quan báo chí đã phản ánh sự mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với báo chí đưa tin sai sự thật.
Nội dung được các cơ quan báo chí phản ánh tập trung vào hai vấn đề chính. Thứ nhất là hành vi đưa tin sai sự thật được quy định tại nhiều nghị định xử phạt VPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhưng mức phạt có sự khác nhau so với mức phạt được quy định tại Nghị định số 159/2013/NĐ-CP. Thứ hailà pháp luật hiện hành quy định nhiều cơ quan có thẩm quyền xử phạt VPHC đối với hành vi đưa tin sai sự thật của báo chí.Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Tư pháp đã chủ động rà soát các Nghị định của Chính phủ về xử phạt VPHC được ban hành theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đồng thời chủ trì, phối hợp với với các bộ ngành có liên quan để xử lý các vấn đề mà báo chí nêu.
Theo đó, Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt VPHC trong hoạt động báo chí, xuất bản được áp dụng để xử phạt đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật do cơ quan báo chí thực hiện và hành vi cung cấp thông tin sai sự thật do phóng viên thực hiện.
Mục đích chính của các nghị định xử phạt VPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác là xử phạt cá nhân, tổ chức thực hiện việc cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật, không bao gồm phóng viên và cơ quan báo chí. Tuy nhiên, do mô tả hành vi tại các nghị định này chưa thật sự rõ ràng nên có thể hiểu trong đó có việc phạt hành chính đối với các cơ quan báo chí và phóng viên. Để bảo đảm tính minh bạch, thống nhất trong quá trình thực hiện pháp luật, ngày 28-2-2014 Bộ Tư pháp đã có Công văn số 579/BTP-PLHSHC kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề sau:
Đối với các nghị định xử phạt trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác có quy định hành vi cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật, đề nghị sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong các nghị định để làm rõ phạt cá nhân, tổ chức vi phạm, không bao gồm cơ quan báo chí và phóng viên. Đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật do cơ quan báo chí thực hiện; hành vi cung cấp thông tin sai sự thật do phóng viên thực hiện sẽ áp dụng xử phạt hành chính thống nhất theo Nghị định số 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Hương Nguyên
Nguồn: nhandan.org.vn
Dàn dựng, xử lý photoshop trong ảnh báo chí: Phóng viên ảnh Việt Nam có hay dàn dựng?
Submitted by nlphuong on Fri, 07/03/2014 - 11:19Chuyện dàn dựng trong ảnh báo chí VN là câu chuyện có thật. Một số phóng viên ảnh có tài dàn dựng như thật, chả bù cho người khác, chụp thật mà như giả.
Chuyện dàn dựng trong ảnh báo chí VN là câu chuyện có thật. Một số phóng viên ảnh có tài dàn dựng như thật, chả bù cho người khác, chụp thật mà như giả. Phóng viên Lao Động đã phỏng vấn hai phóng viên ảnh năng động trong làng ảnh báo chí VN: Lương Xuân Trường (Giải C ảnh báo chí quốc gia 2013) báo “Nông thôn ngày nay” và Trần Tiến Dũng (báo Tuổi trẻ).
Một bức ảnh trong phóng sự ảnh “Săn cá kiếm” của Lương Xuân Trường. |
Anh nghĩ gì về tình trạng dàn dựng, xử lý ảnh qua photoshop của một số nhà báo trong làng ảnh báo chí VN ? Theo anh hiện tượng đó có nhiều không và nguyên nhân vì đâu?
- Trần Tiến Dũng (báo Tuổi trẻ): Có một số ảnh sử dụng trên báo hiện nay được người ta dùng photoshop thêm bớt chi tiết cho phù hợp với bài báo và để cho ảnh ấn tượng hơn. Có thể đó là ảnh của cộng tác viên (ctv) gửi đến mà người trực ở tòa soạn không để ý, hoặc dễ dàng cho qua. Một số tờ báo sử dụng phóng viên ảnh, ctv ảnh từ những nghệ sĩ nhiếp ảnh - đây có thể là lý do một số ảnh được dàn dựng quá mức, hoặc dùng photoshop để làm cho bức ảnh hoàn hảo nhất mà quên đi tính trung thực của ảnh báo chí.
Thêm một lý do phải dàn dựng là phóng viên chịu áp lực về thời gian khi bắt buộc phải có ngay trong ngày có một bức ảnh theo ý “tưởng tượng” của người phụ trách. Theo tôi, dùng photoshop để thêm bớt chi tiết trong một ảnh báo chí là không thể chấp nhận được, còn dàn dựng một cách trung thực để có được một bức ảnh thì có thể tạm chấp nhận trong điện kiện ảnh báo chí ở VN chưa được coi trọng lắm như hiện nay. Trước đây, tôi có tham gia soạn thể lệ và chọn ảnh một vài cuộc thi ảnh có tính chất báo chí, tôi buộc phải loại hết những bức ảnh được dàn dựng quá mặc dù hình thức rất đẹp và ấn tượng.
Lương Xuân Trường (báo Nông thôn ngày nay): Tình trạng phóng viên xử lý ảnh qua phoshop là không thể chấp nhận được. Trong công tác tòa soạn có thể xử lý photoshop vì những mục tiêu cụ thể, trong những trường hợp cụ thể, chủ yếu liên quan đến tính thẩm mỹ. Khi xử lý phải được trao đổi kỹ giữa PV, BTV, thư ký tòa soạn, thậm chí lãnh đạo báo. Người sửa là kỹ thuật viên, PV, BTV không được trực tiếp sửa. Hiện tượng PV tự ý sửa làm sai lệch ảnh bằng photoshop ở VN theo tôi còn nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do PV không ý thức rằng đó là sai lầm rất lớn, tòa soạn lại ít người hiểu về ảnh báo chí, quan niệm ảnh là "minh họa" cho đẹp vẫn phổ biến. Rất ít người nghĩ rằng việc đó có thể khiến tòa soạn mất uy tín trầm trọng.
Còn dàn dựng, cần phân biệt rõ dàn dựng chụp với mục tiêu sáng tác nghệ thuật hay chụp ảnh báo chí. Nếu là sáng tác nghệ thuật thì được tuy nhiên vẫn không nên quá đà dẫn đến sai lệch hiện thực cuộc sống. Bởi nhiếp ảnh luôn được "mặc định" với chữ chân thực. Người xem luôn coi đó là sự thật.
Với báo chí việc thay đổi hiện thực là không được phép. Tuy nhiên một số ít trường hợp,do quá eo hẹp về thời gian tôi có đề nghị đối tượng được chụp làm cái việc họ vẫn làm, ở nơi họ thường làm theo hướng tái tạo lại công việc (công việc đó họ vẫn làm chứ không phải không làm nữa). Những trường hợp này thường là công việc nhà hoặc lao động giản đơn. Ảnh dùng theo nghĩa “minh họa”thực sự. Nếu chụp phóng sự ảnh hoặc những ảnh mang tính thể hiện bản chất con người, sự việc, vấn đề thì không được dàn dựng. Trước đây (khoảng trước năm 2000), khi mô típ ảnh đèm đẹp được ca ngợi, việc dàn dựng để chụp ảnh không phải là việc xấu, thậm chí còn là một phần năng lực PV.
Sự thay đổi quan niệm, đề cao tuyệt đối tính chân thực trong ảnh báo chí là xu thế chưa bền vững. Xu thế đúng đắn này vấp phải một trở lực là nó dường như đi ngược lại xu thế chung về sự xuống cấp của đạo đức xã hội, trong đó có báo chí. Trong nhiều trường hợp chuyện cơm áo lớn hơn chữ nghề. Tin viết vội, ảnh chụp nhanh… trở thành năng lực sinh tồn của PV nhất là giai đoạn này, báo điện tử phát triển mạnh. Nhu cầu có những khuôn hình “hot” thường trực ép lên người cầm máy, điều kiện tác nghiệp, sống trong hiện tại khiến người ta dễ dối trá trong nghề.
Bản thân anh có bao giờ làm như thế (dàn dựng, xử lý photoshop)?
Trần Tiến Dũng (Báo Tuổi trẻ): Tôi chưa bao giờ dùng photoshop thêm bớt chi tiết vào ảnh báo chí. Còn dàn dựng đề được một bức ảnh đăng báo: tôi tự cho mình một giới hạn để có được một bức ảnh mà sự kiện đã qua hoặc khi thời gian và điều kiện không cho phép mình lưu lại đó lâu hơn nữa. Nhớ có lần được phân công chụp một nhân vật có liên quan đến máy tính (hồi xưa dùng máy tính để bàn chưa có laptop) mà hôm đó cúp điện, tôi phải nhờ nhân vật bày ra những gì liên quan đến công việc của họ đang làm và họ chỉ lặp lại những gì mà họ đã làm trước đó. Tôi buộc phải “dàn dựng” như vậy để có ảnh gửi ngay về tòa soạn – như thế chắc không có gì sai lệch sự thật! (cười)! Tuy nhiên, tôi cũng rất áy náy và không thoải mái khi phải làm như thế để được một bức ảnh.
Lương Xuân Trường (báo Nông thôn ngày nay): Khi mới có photoshop, tôi cũng rất thích, đã từng học, từng sửa (khoảng năm 2000) nhưng sau đó thì thôi ngay. Thậm chí bây giờ tôi không nhớ nổi thao tác cắt dán trong ảnh như thế nào. Tôi làm biên tập viên ảnh tại báo khá lâu, khi cần bôi đen, làm mờ mặt cho nhân vật cũng phải đề nghị kỹ thuật viên làm. Tôi cũng rất mong các tòa soạn tuyên chiến với nạn dàn dựng và photoshop khi chụp và sử dụng ảnh trên báo.
Nguồn: laodong.com.vn