Sức mạnh truyền thông xã hội nhìn từ vụ khủng bố Paris

Không chỉ thắng thế trong cuộc đua truyền tải thông tin về sự kiện “nóng” nhất toàn cầu những ngày qua – Paris bị khủng bố tấn công – mạng xã hội còn một lần nữa chứng tỏ thế mạnh vượt trội của mình trong nhiều hoạt động xã hội khác liên quan tới sự kiện.

Cập nhật tin tức nhanh nhất, phong phú nhất

Hầu như tất cả các cơ quan truyền thông trên thế giới đã đồng loạt đưa tin đậm nét về vụ khủng bố nhắm vào người dân Paris đêm 13/11 làm chết hơn 150 người và 200 người bị thương – vụ việc khiến cả thế giới bàng hoàng bởi bạo lực được xem là đẫm máu nhất kể từ Thế chiến thứ 2 đến nay đã “mò” đến tận “kinh đô ánh sáng” – thủ đô biểu tượng của tình yêu và hòa bình.

Các tờ báo lớn trên thế giới đều đưa tin về vụ khủng bố ở Paris.

Các tạp chí thời trang nổi tiếng thế giới như Vogue hay WWD đều chuyển qua hình nền giao diện cờ Pháp với những dòng thương cảm trên trang chủ của mình. Đài NBC (Mỹ) rút ngắn các quảng cáo để dành thời gian trình chiếu những video phóng sự về Paris. Đài ABC hoãn phát sóng các chương trình đã được lên lịch của hãng để tập trung mang đến cho khán giả những cái nhìn đa chiều và đầy đủ nhất về thảm kịch tại Paris, bất chấp ảnh hưởng đến những hợp đồng quảng cáo của đài truyền hình này bị phá vỡ. CNN sẵn sàng làm gián đoạn của chương trình đang chiếu theo lịch trình để phát sóng những báo cáo trực tiếp mới nhất được gửi về từ thực địa.

Tuy nhiên, dù có “tăng tốc” đến mấy, báo in và truyền hình cũng không thể “địch nổi” với mạng xã hội về độ cập nhật tin tức về sự kiện. Ngay sau khi sự việc kinh hoàng ở Paris xảy ra, các thông tin về nó đã được nhanh chóng được cập nhật từng giây trên các mạng xã hội như Facebook hay Twitter.

Nhiều tờ báo lớn của Pháp và thế giới đã dẫn lại những thông tin được người dùng cập nhật, chia sẻ trên mạng xã hội về vụ khủng bố. Thậm chí nhiều hãng tin sử dụng chính tài khoản Facebook, Twitter… của mình để chia sẻ trực tiếp về vụ việc hay như một cổng giao tiếp để tiếp nhận thông tin trực tiếp từ những người dùng mạng xã hội khác có mặt tại hiện trường. Trên mạng xã hội có định hướng tin tức như Twitter, các hashtag (nhãn từ khóa được bắt đầu bằng dấu #) liên quan đến Paris hiện cũng được cập nhật liên tục và thậm chí còn xuất hiện trong top các hashtag được bàn đến nhiều nhất trên phạm vi toàn thế giới.

Kích hoạt tính năng kiểm tra tình trạng an toàn

Ngay sau chuỗi khủng bố đẫm máu xảy ra, người dùng Facebook tại Paris được gửi các thông báo bởi ứng dụng “Safety Check” trên điện thoại để phản hồi về sự an toàn của họ. Theo đó, khi Facebook nhận ra điện thoại của bạn đang ở trong khu vực bị ảnh hưởng vì vụ tấn công ở Paris, sẽ có câu hỏi xuất hiện: “Bạn có an toàn không?”. Nếu không bị ảnh hưởng sau các vụ tấn công, người sử dụng sẽ chọn lựa “Tôi an toàn” và ngay lập tức thông tin này sẽ được cập nhật trên tài khoảng Facebook của họ. Vị trí của người sử dụng được xác định qua thông tin đăng ký trên Facebook. Ứng dụng này có thể được sử dụng ở tất cả mọi nơi trên thế giới và tất cả các hệ điều hành Android, iOS cũng như trên máy tính.

Vụ khủng bố ở Paris đã làm chấn động cả thế giới.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên Facebook kích hoạt ứng dụng “Safety Check”. Ưng dụng này được Facebook sử dụng lần đầu tiên sau thảm họa kép động đất và sóng thần tại Nhật Bản hồi tháng 3/2011 và sau đó mỗi khi có một thảm họa mới xảy ra, như vụ động đất tại Nepal hồi tháng 5/2015 hay sao trận bão Patricia hồi tháng 10 vừa qua… và sau đó cứ mỗi lần thế giới có một biến cố xảy ra trên phạm vi rộng, mạng xã hội này lại kích hoạt Facebook Safety Check tại khu vực đó để người dùng có thể dễ dàng cập nhật được thông tin về tình trạng bản thân với bạn bè mình.

Phương tiện hữu dụng để cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ

Không chỉ dừng lại ở việc cập nhật tin tức, mạng xã hội còn là cách nhiều người bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ những người dân Paris. Nhiều người dùng Facebook đã thêm màu quốc kỳ Pháp vào avatar nhằm chia buồn và cảm thông với đất nước này. “Peace for Paris”, một tác phẩm thiết kế do nhà thiết kế đồ họa người Pháp Jean Julien, đã được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội.
Trên mạng xã hội Twitter, hashtag đang được sử dụng nhiều nhất ở thời điểm thực hiện bài viết này là #PrayForParis (tạm dịch: cầu nguyện cho Paris). Chỉ cần click và hashtag này, bạn có thể đọc được vô vàn lời chia sẻ, động viên của cộng đồng mạng trên toàn thế giới gửi đến người daân Paris. Các nguyên thủ quốc gia, những người nổi tiếng như Thủ tướng Anh David Cameron, CEO Facebook Mark Zuckerberg… cũng đã sử dụng mạng xã hội Facebook hay Twitter để bày tỏ cảm xúc và gửi lời chia sẻ đến người dân nước Pháp.

Người dùng Twitter cũng sử dụng hashtag #PorteOuverte (tạm dịch: cửa mở đấy) để thông báo rằng họ sẵn lòng chia sẻ chỗ ở trong lúc khó khăn cũng như cung cấp các thông tin như đại sứ quán cho những ai có nhu cầu. Đây được đánh giá là một hành động đẹp và nghĩa hiệp của người dân Paris trong khoảnh khắc vụ tấn công khủng bố đang bao trùm một tâm lý hoang mang trên khắp châu Âu và nước Pháp. Người dân Paris và các nơi khác cũng đã sử dụng mạng xã hội như một công cụ đểtìm kiếm bạn bè và người thân của mình vì sợ rằng họ đã trở thành nạn nhân của cuộc tấn công. Ngay từ tối 13/11, đặc biệt sau cộng đồng mạng xã hội ở Pháp đã tổ chức nhiều chiến dịch hỗ trợ người bị nạn, hỗ trợ các du khách hoảng sợ.

Trong nỗi đau thương gây nên bởi tội ác man rợ của chủ nghĩa khủng bố, nhờ sự kết nối của mạng xã hội, người dân trên toàn cầu sát cánh gần nhau hơn.

Nguồn: Hà Trang/congluan.vn

Tin nổi bật