Sách của nhà báo: "Nhà báo - Luật sư và 67 chuyện nhỏ nhưng không nhỏ"

Nhà báo  Luật sư (NB-LS) Ngô Tất Hữu, đầu năm 2014, cho ra mắt bạn đọc tập sách “Nhà báo-Luật sư và 67 chuyện nhỏ nhưng không nhỏ”(NXB Lao động - Xã hội, quý I-2014). Đây là cuốn sách thứ hai(cuốn thứ nhất xuất bản năm 2012) tập hợp các bài báo của ông viết đăng trên báo Bảo vệ Pháp luật.

Nội dung cuốn sách gồm 2 phần: Phần 1 - “Nhà báo - Luật sư”, với 7 bài, ghi lại những kỷ niệm nghề nghiệp khi ông là phóng viên TTXVN và làm báo gần đây. Từ đó rút ra những bài học nghiệp vụ cho nghề ký giả. Trong bài “Phải xác định rõ chủ đề”, kể lại một lần đi theo đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Quốc hội, năm 1978, viết bài,làm tin.Tác giả đưa bản thảo tin vừa viết lên Văn phòng Quốc hội để đồng chí Trường Chinh cho ý kiến. Khi gặp nhà báo, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi cũng là lời nhắc nhở ông về nghiệp vụ làm báo: - Là người cầm bút đồng chí có biết cái khó nhất của người viết là gì không? Cái khó nhất của người viết là xác định chủ đề bài viết. Viết cho ai đọc? Viết để làm gì? Người viết tuyệt đối không được hời hợt, tùy tiện viết theo cảm tính, không có mục đích chủ đề rõ ràng” (tr.13).

Phần II, phần chính của cuốn sách, gồm 67 tiểu phẩm, khai thác sử dụng vũ khí sắc bén của báo chí, với đề tài là những câu chuyện đời thường gắn bó với đời sống thường ngày của mỗi người dân. Tác giả đưa những “đường dao giải phẫu” của người thầy thuốc, mổ xẻ, phân tích, phê phán những cái sai, cái xấu, cái bất cập của cơ quan quản lý địa phương, bộ, ngành về KT-XH với cái nhìn của nhà báo đồng thời là luật sư, nên lập luận logic, có cơ sở pháp lý vững chắc, rất thuyết phục bạn đọc. Ở đây, thấy rõ lợi thế của sự hiểu biết pháp luật của người làm báo. Theo Tổng Biên tập báo Bảo vệ Pháp luật, các bài báo đó của NB-LS Ngô Tất Hữu, đã góp phần làm cho báo Bảo vệ Pháp luật ngày càng khởi sắc, đi vào cuộc sống gần gũi với bạn đọc, là tài liệu trao đổi bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho phóng viên trẻ.

Tiếc là cuốn sách có đôi sai sót nhỏ (nhầm lẫn nơi có chùa Keo (Vũ Thư,Thái Bình) là quê hương đồng chí Trường Chinh(tr.16); một chỗ khác lại viết “đồng chí (Trường Chinh) giở đến đoạn về thăm quê hương Bà Điểm, Hóc Môn” (tr.14). Lại nữa: Ngoài bìa 1 cuốn sách, đã đề tác giả là “Ngô Tất Hữu”, các bài ”đã đăng báo Bảo vệ Pháp luật”, thì dưới mỗi bài báo đưa vào sách, hà tất nhắc lại ”Ngô Tất Hữu”, mà chỉ cần ghi số báo, thời gian đăng, để bạn đọc tra cứu khi cần.

                                                                                                                     Minh Nguyên

Nguồn: Tạp chí Người làm báo

Tin nổi bật