Nghề báo
Truyền thông TQ quan tâm việc VN nhận tàu ngầm
Submitted by nlphuong on Fri, 03/01/2014 - 20:30Ngay khi tàu ngầm Kilo 636 Hà Nội được đưa về tới cảng Cam Ranh an toàn, Tân Hoa Xã đưa tin cho biết, việc nhận chiếc tàu ngầm Kilo 636 Hà Nội đầu tiên đã thu hút sự chú ý lớn tại Việt Nam.
Tàu ngầm Hà Nội đang được hoàn tất các công việc tháo dỡ tại cảng Cam Ranh. Ảnh: Dân Việt |
Theo thông tin đăng tải trên VOV, Tân Hoa xã ngày 1/1 đưa tin với nhan đề “Việt Nam nhận tàu ngầm đầu tiên do Nga chế tạo” với nội dung: Một tàu vận tải hạng nặng chở theo chiếc tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam do Nga chế tạo đã vào cảng Cam Ranh vào cuối ngày 31/12/2013 sau chuyến đi kéo dài một tháng rưỡi từ St Petersburg của Nga.
“Tàu ngầm diesel mang tên Hà Nội là chiếc đầu tiên trong 6 tàu ngầm Kilo lớp 636 mà Việt Nam đặt mua từ Nga để hiện đại hóa hải quân của mình”, Tân Hoa xã dẫn nguồn tin từ cơ quan truyền thông Việt Nam cho biết.
Bản tin trên Tân Hoa xã cũng dẫn một số thông số kỹ thuật của chiếc tàu ngầm này: “Chiếc tàu ngầm có lượng giãn nước hơn 3.000 tấn, có thể lặn sâu tối đa 300 mét và phạm vi hoạt động từ 6.000 - 7.500 hải lý, trong thời gian 45 ngày đêm, với 52 thành viên thủy thủ đoàn. Nó là sự lựa chọn tốt nhất cho trinh sát và tuần tra”.
Việc nhận chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên đã thu hút sự chú ý lớn tại Việt Nam.
Tân Hoa xã trích dẫn phát biểu của một độc giả tên Hải nói với tờ Thanh Niên online rằng: "Tôi thấy rất vui. Từ nay, quân đội nhân dân Việt Nam sẽ có khả năng mạnh hơn để bảo vệ đất nước".
Tàu ngầm Kilo thứ hai sẽ về Việt Nam tháng 3/2014 ?
Sáng 2/1, tại vùng nước tiếp giáp giữa cảng dân sự Cam Ranh và quân cảng Cam Ranh, khu vực gần mũi Hời (vịnh Cam Ranh, TP Cam Ranh), tàu mẹ Rolldock Sea đã hạ cánh cửa chắn sau lái, “khoe” trọn tàu ngầm Kilo Hà Nội.
Dự kiến ngày 3/1, tàu mẹ Rolldock Sea sẽ được bơm chìm xuống biển để Kilo 636 Hà Nội có thể tự ra ngoài và vào neo ở cầu cảng, chính thức hoạt động trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc.
Theo báo Tuổi Trẻ, dự kiến giữa tháng 1/2014, lễ đón chính thức tàu ngầm lớp Kilo 636 Hà Nội sẽ được tổ chức tại Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Sau khi giao tàu ngầm Hà Nội cho phía Việt Nam, tàu vận tải Rolldock Sea sẽ quay về Nga, tiếp tục vận chuyển tàu ngầm Kilo thứ hai mang tên Hồ Chí Minh về Cam Ranh, dự kiến vào tháng 3/2014.
“Khi đã nhận đủ hai tàu ngầm lớp Kilo Hà Nội và Hồ Chí Minh, một lễ đón chính thức với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và cả đại diện nhân dân sẽ được tổ chức trọng thể” - thông tin cho hay.
Cũng theo Tuổi Trẻ, tàu ngầm lớp Kilo 636 được ví như là “hố đen dưới đại dương” nhờ được bao bọc bên ngoài bằng một lớp cao su đen đặc biệt có khả năng không cho gây tiếng ồn khi tàu vận hành. “Để bảo vệ lớp cao su đặc biệt này, khi tàu neo tại cảng hoặc không lặn, phải tưới nước làm mát tàu hằng ngày” - nguồn tin này nói.
Ngoài ra, trên báo Thanh Niên dẫn thêm nhận định của chuyên san Kanwa Defense Review rằng tàu ngầm Kilo của Việt Nam được trang bị kính tiềm vọng, hiện đại hơn tàu ngầm cùng lớp của một số nước đã trang bị trước đây. Đặc biệt, trang Militaryrussia dẫn một số nguồn tin tiết lộ tàu HQ186 Khánh Hòa và HQ187 Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ được nâng cấp hơn nữa trong dự án Kilo 63661-63663, vượt trội hơn các thế hệ cũ về hệ thống động lực, giảm tiếng ồn và tự động hóa điều hành tác chiến.
H.Nhì tổng hợp
VietnamNet
Truyền thông thế giới 2013: Ồn ào “cuộc chiến trong bóng tối”
Submitted by nlphuong on Fri, 03/01/2014 - 10:19Làng truyền thông thế giới 2013 dày đặc sự kiện, nhưng tuyệt nhiên không có sự kiện vui. Báo giấy gần như đã “chạm đáy” khủng hoảng, truyền hình đã hết thời “kiếm tiền như nước” còn báo điện tử thì chẳng mấy dễ chịu trong trào lưu “thu phí truy cập”. Ồn ào nhất trong năm là “cuộc chiến trong bóng tối”, cuộc chiến mà ở đó các báo đua nhau phơi bày những sự thật chấn động về hoạt động nghe lén của Mỹ và phương Tây.
Lộ diện những sự thật chấn động
Cuộc chiến trong bóng tối đã gây ra cơn khủng hoảng ngoại giao chưa từng có. |
“Cuộc chiến trong bóng tối” là cách ví von của một tờ báo về cuộc chiến đấu của giới truyền thông trong công cuộc săn tìm những thông tin mật - những thông tin còn trong bóng tối - về hoạt động do thám của nhiều nước.
Có thể nói, chưa bao giờ báo chí lại “tung bom” nhiều đến thế như trong năm 2013. Chỉ trong tháng 10/2013, 5 nhật báo hàng đầu của Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha đã liên tiếp tung ra những “quả bom” thông tin chấn động. Nổ phát súng đầu tiên là ngày 21/10, nhật báo Pháp Le Monde dẫn những tài liệu của cựu điệp viên Snowden tiết lộ NSA đã ghi âm tới 70,3 triệu cuộc điện đàm và tin nhắn SMS của công dân Pháp trong giai đoạn từ ngày 10/12/2012 đến ngày 8/1/2013. Điều đáng nói là, theo Le Monde, hơn 70 triệu cuộc nghe lén mà NSA thực hiện trong vòng chưa đến 20 ngày này không chỉ nhằm vào những nghi phạm khủng bố mà còn cả những nhân vật cấp cao trong giới kinh tế hoặc chính trị của nước Pháp. 3 ngày sau, ngày 24/2, nhật báo Anh The Guardian tung ra cú đấm khác vào Washington với tiết lộ Mỹ lén theo dõi điện thoại của 35 nguyên thủ quốc gia. Cơn choáng váng chưa kịp tan thì ngày 25/10, tuần báo “L’Espresso” của Italia tung hê việc cơ quan chuyên “nghe ngóng” của Anh là GCHQ đã hợp tác với tình báo Mỹ và Anh, không chỉ nghe ngóng mỗi chuyện “chống khủng bố” - vốn là lý lẽ biện minh cho hoạt động do thám - mà còn nghe ngóng cả các “ý định chính trị” của Chính phủ Ý (như chuyện tại sao thủ tướng Ý hồi năm 2011 lại chống lại kế hoạch can thiệp vào Libya...). Chỉ một ngày sau, ngày 26/10, tờ Der Spiegel của Đức tuyên bố có trong tay nhiều tài liệu mật khẳng định Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ (NSA) đã nghe lén Thủ tướng Angela Merkel của họ từ năm 2002 đến nay, từ khi bà còn chưa làm Thủ tướng Đức. Tờ Der Spiegel còn khiến anh bạn Mexico điên tiết khi tiết lộ rằng NSA còn thâm nhập vào hệ thống thư điện tử của ông Felipe Calderon khi ông giữ chức Tổng thống Mexico. Chưa hết, 4 ngày sau, nhật báo El Mundo của Tây Ban Nha khiến cuộc khủng hoảng nghe lén của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) tiếp tục lan rộng khi dẫn tài liệu mật của Edward Snowden chứng minh chỉ trong vòng một tháng (từ tháng 12/2012 đến đầu tháng 1/2013) NSA đã nghe lén tới 60,5 triệu cuộc điện thoại tại Tây Ban Nha. Thậm chí có ngày “cao điểm”, NSA nghe lén tới 3,5 triệu cuộc gọi.
“Cuộc chiến trong bóng tối” đã bùng nổ, khốc liệt và vượt ra khỏi những ranh giới mà các tòa soạn dự đoán. Người dân các nước thì tự hỏi: đâu rồi tự do và quyền riêng tư cá nhân khi mọi thứ bị xâm phạm nghiêm trọng? Lòng tin về cái gọi là “dân chủ”theo đó cũng biến mất. Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và các nước, các châu lục rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ chưa từng có. Từ sự thật được phơi bày này, quốc gia nào cũng rơi vào cả hai khả năng nghe lén và bị nghe lén. Bản thân chính những người tung “bom”- các cơ quan báo chí- cũng nhận ra một sự thật chua chát rằng họ cũng là một trong những đối tượng trọng yếu chịu sự theo dõi gắt gao của các cơ quan an ninh.
Năm 2013 là một năm không mấy dễ chịu với giới truyền thông Anh và Nhật Bản khi xuất hiện các quy định, dự luật giám sát, hạn chế quyền tác nghiệp. Tại nước Anh, ngày 19/3 khi Thủ tướng Anh David Cameron ký ban hành bộ quy định mới về việc “đặt các cơ quan báo chí, truyền thông Anh vào vòng giám sát của hệ thống luật pháp”, các tờ báo và tập đoàn truyền thông của xứ sở sương mù đã phản đối vô cùng gay gắt trước việc bị “cưỡng ép” đeo lên đầu chiếc “vòng kim cô”. Theo họ, quy định mới đã đi quá giới hạn và đe dọa 318 năm tự do ngôn luận tại Anh. Tại Nhật, tình hình cũng gay gắt không kém khi ngày 6/12/2013, Thượng viện Nhật Bản thông qua dự luật bảo vệ bí mật quốc gia. Dư luận và giới truyền thông Nhật Bản đã phản ứng dữ dội trước những điều khoản quy định hình phạt cứng rắn hơn đối với những quan chức để rò rỉ thông tin hoặc các nhà báo nỗ lực săn tin tuyệt mật...
Báo giấy “chạm đáy” khủng hoảng
Ngày 31/7/2013, Tổng thống Mỹ B. Obama, trong chuyến thăm trung tâm hoàn thiện hàng (Fulfillment Center) của công ty thương mại điện tử Amazon ở TP. Chattanooga, bang Tennessee, Mỹ, đã tuyên bố một câu “xanh rờn”: thời hoàng kim của báo giấy đã xa. Nhìn vào bức tranh ảm đạm của báo in trong năm 2013 vừa qua, sẽ thấy rõ rằng báo giấy không những đã đi qua quá xa thời hoàng kim mà còn đang gần như chạm đáy của cơn khủng hoảng tồi tệ. Tại Mỹ, tổng doanh thu quảng cáo của ngành công nghiệp báo giấy trong năm 2013 không bằng doanh thu quảng cáo của một mình hãng tìm kiếm Google (ước tính chừng 60 tỷ USD). Cuộc khủng hoảng báo in ở Đức tồi tệ đến mức không chỉ đã buộc cả những hãng thông tấn lớn nhất nước này như DAPD phải ngừng hoạt động mà còn dẫn tới sự ra đời của một từ phức mới: “Zeitungssterben”, có nghĩa là “cái chết của báo in”. Có cảm giác như việc mà các các ông chủ báo in quan tâm nhất cũng như thực hiện thành công nhất trong năm qua chỉ là... bán. Bán hết mọi thứ có thể, từ bán trụ sở như nhật báo Mỹ Washington Post, bán bớt báo để giảm gánh nặng tài chính như Tập đoàn New York Times bán tờ Boston Globe với giá rẻ mạt, đến rao bán... chính mình, như tập đoàn Forbes Media. Cái thu được lớn nhất từ những cuộc mua bán đổi chác ấy, đơn giản chỉ là tiền, tiền để các tờ báo hoặc “tiêu dè qua ngày” để tồn tại hoặc để phục vụ cho một nguồn mưu sinh khác. Còn nếu không phải là bán, mua thì là chuyện “tách” hay “phân khu” mảng xuất bản, báo giấy thành khu vực riêng biệt để dễ bề phân chia lợi nhuận vì đôi khi với kết quả kinh doanh èo uột, mảng báo chí xuất bản trở thành “gánh nặng” với cả tập đoàn. Thu hút dư luận nhất là việc cả hai tập đoàn truyền thông lớn Time Warner, đều tuyên bố tách mảng xuất bản.
Thực ra, nói cho công bằng, các ông chủ báo in đích thị không phải là những kẻ “há miệng chờ sung” và câu chuyện “bán mình” chỉ là giải pháp cuối cùng họ bất đắc dĩ phải thực hiện mà thôi. Chẳng phải tận đến bây giờ mà trước đó từ rất lâu, họ đã làm mọi cách có thể để duy trì sự sống cho những đứa con báo chí của mình, trong đó, phổ biến nhất là cuộc “di dân” hay chuyển đổi sang loại hình báo điện tử. Tuy nhiên, “sống khỏe” được trên vùng đất mới không phải là chuyện dễ dàng. Nó không nằm ở câu chuyện tài năng mà là ở khía cạnh “thích ứng”, “hợp đất, hợp người” trên mảnh đất truyền thông kỹ thuật số- báo điện tử. Thế nên, người thành công nhiều mà kẻ thất bại cũng chẳng ít. Sự thất bại của tờ Times-Picayune có tuổi đời lên tới 175 năm, tạp chí danh tiếng Newsweek hay trước đó là Philadelphia Inquirer trên hành trình số hóa thực sự là những bài học đáng giá cho các tờ báo in đang “ngăm nghe” chuyển sang dạng thức điện tử. Bối rối, lạc lối trên hành trình bảo vệ sự tồn tại của mình, nhiều tờ báo hiện đang ở thế “có bệnh vái tứ phương”, trong đó có việc hết mua lại bán, hết tách lại nhập như đã nói ở trên, hồi hộp chờ đợi điều kì diệu sẽ đến, làm thay đổi tình cảnh của họ. Nhưng trong bối cảnh kinh doanh báo in “siêu khó” như hiện nay, kể cả những ông trùm được mệnh danh là “phù thủy truyền thông” như R.Murdoch cũng cảm thấy hoa mắt, chóng mặt. Tỷ phú Jeff Bezos, người vừa thâu tóm tờ Washington Post và đang được các cổ đông của tờ này nuôi hy vọng sẽ vực dậy, đưa báo trở lại thời hoàng kim, thậm chí còn thừa nhận “báo in sẽ chết trong 20 năm tới”.
“Tử địa” Syria
Theo báo cáo của tổ chức Phóng viên không biên giới, trong năm 2013, ít nhất 52 nhà báo đã bị sát hại. Trong đó, phần lớn thiệt mạng tại Syria- đất nước giờ đây được coi là một trong những “tử địa” kinh hoàng nhất với giới báo chí. Nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải vì sao tác nghiệp tại Syria lại nguy hiểm đến thế, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do chính phủ Damascus luôn tìm cách hạn chế tối đa các phóng viên nước ngoài tác nghiệp
tại nước mình. Để có thể đưa tin tại đây, phóng viên nước ngoài chỉ còn có một lựa chọn khả dĩ hơn là đi theo quân nổi dậy. Đơn cử như hai phóng viên chiến trường nước ngoài nổi tiếng nhất chết trong cuộc nội chiến Syria trong năm 2013 là Marie Colvin và Anthony Shadid đều đã phải “lẻn vào Syria” với sự giúp đỡ của phe nổi dậy. Nhưng điều này có nghĩa là họ phải hứng chịu một cuộc sống vô cùng bất trắc khi bất cứ lúc nào, ở đâu, mọi vũ khí hạng nặng, tên lửa, bom sát thương cao đều có thể trút xuống đầu họ. Chưa hết, điều kiện sống và tác nghiệp vô cùng tốn kém, khắc nghiệt: trước khi đi phải đóng tiền bảo hiểm nhân mạng khoảng 1.000 USD/ tháng, phải ngủ ở căn cứ phe nổi dậy, dưới làn đạn pháo và trên cái chiếu trải ở sàn với giá thuê 50 USD/đêm, thuê một chiếc xe tốn 250 USD/ngày, rất khó kiếm được một người hỗ trợ ở địa phương hay phiên dịch, nỗi lo sợ hằng đêm bị cưỡng hiếp hay phân biệt giới tính, và đặc biệt là “nếu bạn bị thương nặng thì thà chết quách đi còn hơn vì bạn sẽ không đủ tiền trả cho việc cứu chữa!”- một phóng viên chiến trường cay đắng tâm sự. Cánh phóng viên chiến trường vẫn ví von một cách chua chát: Những nhà báo đến chiến trường Syria phải nín thở vượt biên “như những kẻ buôn lậu”, đôi khi viết một bài chỉ hưởng nhuận bút “bèo” 70 USD và chết tức tưởi từ bom rơi đạn lạc. Nguy hiểm, vất vả, thiếu thốn, là thế dường như không cản nổi tình yêu nghề báo, sự say mê với nghiệp “làm báo chiến trường” của những phóng viên chân chính.
Truyền thông bị tin tặc hoành hành
Chưa năm nào cánh hacker lại chĩa mũi dùi vào các cơ quan truyền thông nhiều và gay gắt như năm 2013 vừa qua. Tại Mỹ, hầu hết các nhật báo, kênh truyền hình lớn đều lần lượt trở thành nạn nhân tấn công của tin tặc. “Quý bà tóc bạc” - The New York Times là nạn nhân đầu tiên trong giới truyền thông Mỹ bị hacker tấn công. The Wall Street Journal (WSJ) cũng lên tiếng tố cáo hacker Trung Quốc đã nhằm vào tờ báo của mình trong nhiều năm qua. Hãng thông tấn Bloomberg cho biết hệ thống máy tính của mình đã gặp phải nhiều vụ xâm phạm, cố gắng thâm nhập trái phép, truyền hình Mỹ cũng bị hack. Ngày 21/2/2013, mạng Twitter phát đi tin trang web chính thức của kênh truyền hình NBC- một trong bốn mạng truyền hình lớn nhất tại Mỹ- tại địa chỉ NBC.com đã bị hacker hạ gục và lây n h i ễ m mã độc. Không c h ỉ truyền thông M ỹ , các cơ sở truyền t h ô n g của nhiều nước khác như Reuters, BBC, Financial Times, Guardian của Anh, AFP của Pháp, Al Jazeera của Arab cũng chịu chung số phận.
Hệ quả tiêu cực của những cuộc tấn công này thì đã rõ, nhưng điều khiến các cơ quan truyền thông cũng như các cơ quan chức năng đau đầu nhất lại là rất khó xác định một cách chính xác thủ phạm thực sự của những vụ tấn công đình đám này. Tuy nhiên, theo giới quan sát, nguyên nhân chính của những vụ tấn công liên tiếp vào các cơ quan truyền thông nằm nhiều hơn ở khía cạnh chính trị. Tuy nhiên, những trường hợp “bắt tận tay day tận mặt”, có biện pháp xử lý cụ thể như trên không phải là nhiều bởi bản chất thế giới mạng là ảo và những tội phạm trên thế giới đó phần lớn là chẳng dễ vạch rõ chân tướng. Nhưng khó mấy, cũng phải tìm cho ra cách để... diệt tin tặc. Bởi nói như một chính khách Mỹ : cuộc tấn công mạng, tình báo mạng hiện là mối đe dọa hàng đầu đối với nước Mỹ, nguy hiểm hơn cả những vụ tấn công khủng bố trên đất liền.
Năm 2013 là năm mà giới truyền thông bị dư luận “rung chuông” phê phán nhiều nhất với tội danh “ngày càng cạn dần tính nhân văn”. Công chúng báo chí đã vô cùng phẫn nộ trước việc tờ tạp chí nổi tiếng Rolling Stone số xuất bản trung tuần tháng 7/2013 đã “giương” ảnh Dzhokhar Tsarnaev- đồng phạm của vụ đánh bom đẫm máu tại Boston, Mỹ ngày 15/4 - lên làm nhân vật trang bìa. Một câu hỏi được đặt ra: đạo đức, tính nhân văn của người làm báo ở đâu khi tung lên trang bìa ảnh một nghi phạm khủng bố nhưng trông không khác gì một ngôi sao nhạc rock? Sau sự việc trang bìa của Rolling Stone, dư luận và báo giới lại một lần nữa phẫn nộ trước sự vụ đài truyền hình Hàn Quốc KBS tường thuật trực tiếp cảnh tự vẫn. Việc một tên giết người cũng có thể trở thành nhân vật trang bìa, hay cảnh tự vẫn cũng có thể lên sóng truyền hình trực tiếp khiến dư luận chua chát “ngộ” ra rằng thời nay, lên báo, lên truyền hình, đơn giản chỉ phụ thuộc vào độ “hot”, khả năng câu... view cao mà thôi.
Hồng Sâm
Nguồn: Nhà báo và Công luận
108 nhà báo bị thiệt mạng trong năm 2013
Submitted by nlphuong on Thu, 02/01/2014 - 09:15(ICTPress) - Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà báo quốc tế (IFJ), năm 2013, tổng số nhà báo và những nhân viên truyền thông đã thiệt mạng khi tác nghiệp là 108 người, giảm 10% so với năm 2012.
Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, IFJ cho rằng chính phủ các nước cần nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn tình trạng đổ máu trong ngành truyền thông và đảm bảo tính mạng cho các nhà báo.
Hiệp hội này cũng kêu gọi các chính phủ chấm dứt tình trạng miễn trừ truy tố với các hành vi bạo lực chống lại các nhà báo và nhân viên truyền thông.
Theo IFJ, trong 5 quốc gia “tử địa”, Syria đứng đầu với với 15 nhà báo thiệt mạng, đứng thứ 2 là Iraq với 13 nhà báo; Philippines và Ấn Độ cùng ở vị trí thứ 3 với 10 nhà báo thiệt mạng tại mỗi quốc gia, tiếp sau là Somalia với 7 người thiệt mạng và Ai Cập với 6 người.
Nếu xét theo khu vực, châu Á - Thái Bình Dương lại là nơi hoạt động báo chí nguy hiểm nhất với 29% nhà báo thiệt mạng ở khu vực này, cao hơn Trung Đông và thế giới Ả rập với 27%.
IJF đại diện cho hơn 600.000 nhà báo ở 134 quốc gia, cho biết các nhà báo nữ đã phải đối mặt với các cấp độ bạo lực gia tăng. 6 người đã bị giết hại trong năm 2013 và nhiều người khác là nạn nhân của bạo lực tình dục và sự hăm dọa.
Đầu tháng 12/2013, Tổ chức các phóng viên không biên giới (RSF) cho biết số vụ bắt cóc nhà báo năm 2013 tăng đột biến với 129% so với năm 2012, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp tin tức đến công chúng.
Những con số của IFJ còn bao gồm những nhà quay phim và người dẫn chương trình.
Trong một thông tin riêng, Viện báo chí quốc tế (IPI) có trụ sở tại Vienna, Áo đã đưa ra số nhà báo bị giết hại trong năm 2013 là 117 người và trở thành năm có số nhà báo thiệt mạng lớn thứ hai trong Danh sách theo dõi của Viện này bắt đầu từ năm 1997
Viện này cho biết Trung Đông và Bắc Phi là những khu vực có số người làm việc liên quan đến nghề báo thiệt mạng cao nhất, với 38 người. Năm tồi tệ nhất là năm 2012, với 132 nhà báo bị giết hại, trong số đó có 39 bị giết hại trong cuộc xung đột ở Syria, IPI cho biết.
Mai Nguyễn
Gặp người được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hướng dẫn viết báo
Submitted by nlphuong on Wed, 01/01/2014 - 14:10Ông Nguyễn Trung Hiếu, từng làm phóng viên Thông Tấn xã giải phóng, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương cho đến ngày nghỉ hưu. Ông Hiếu cho biết lúc làm báo vụ viên, Đại tướng khuyến khích ông viết tin các trận thắng của quân ta cho Đài phát thanh giải phóng và Đài tiếng nói VN.
Qua đó, Đại tướng chỉ cho ông Hiếu có những nhận định, bình luận mang tính cổ động quân dân, phát huy thế mạnh toàn dân đánh địch và là đòn tâm lý chiến đánh vào tinh thần địch. Năm 1965, khi chia tay về nhận nhiệm vụ mới, Đại tướng khuyên ông Hiếu: “Cậu viết tin tốt và nhanh, sau này có điều kiện nên xin đi học nghiệp vụ viết báo để phục vụ cách mạng, nhân dân”.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh(1/1/1914 - 1/1/2014), ông Nguyễn Trung Hiếu, báo vụ viên của đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ năm 1964-1966, kể về những kỷ niệm chưa từng tiết lộ.
Nằm viện cùng Đại tướng
Gần tuổi “thất thập cổ lai hy”, trí nhớ của ông Hiếu về những ngày tháng sát cánh bên đại tướng vẫn rõ mồn một. Sau thời gian phục vụ Đại tướng những năm 1964 - 1965, ông Hiếu được điều về Trung ương cục miền Nam ở Tân Biên. Đến tháng 6-1966, ông Hiếu bị nhiễm trùng máu, viêm cơ tim nên được chuyển đến bệnh viện ở căn cứ Trung ương cục miền Nam điều trị. Trong thời điểm chiến tranh khốc liệt, giặc bố ráp thường xuyên nên điều kiện thiếu thốn thuốc men, trang thiết bị y tế cũng như bác sĩ giỏi nên sức khỏe của ông Hiếu ngày càng xấu đi. Sau một cơn hôn mê sâu, ông Hiếu hồi tỉnh và thảng thốt khi nhìn thấy Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nằm giường bệnh bên cạnh. Đại tướng ra hiệu nằm yên khi thấy cán bộ của mình nhỏm người dậy tính hỏi thăm sức khỏe ông.
Gần 50 năm qua ông Hiếu giữ chiếc máy truyền tín hiệu được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tặng trong chiến dịch Xuân Hè năm 1965. |
Ông Hiếu được biết đại tướng bị nhồi máu cơ tim, đang trong tình trạng nguy kịch. Mỗi ngày một cơn sốc đau tim lại dày vò Đại tướng, nhưng ông chỉ lăn qua, lăn lại, cong người gồng chịu cơn đau, tuyệt nhiên không có một tiếng kêu rên. Khoảng vài ngày sau, bác sĩ Thanh Trúc xuất hiện điều trị nên tình trạng sức khỏe Đại tướng được cải thiện rõ rệt, ông có thể đi dạo được. Qua lời kể của bác sĩ và những cán bộ cao cấp của Trung ương Cục đến thăm Đại tướng thì biết tình trạng bệnh Đại tướng nguy kịch, Bác Hồ ra lệnh điều trực thăng đưa bác sĩ của Khoa Thần kinh - Tim mạch (Bệnh viện Việt - Xô) bay từ Hà Nội đến Phnom pênh (Campuchia). Từ Phnom pênh, tình báo của Trung ương cục dùng xe honda đón ở sân bay và chở bác sĩ Trúc vượt hàng trăm cây số đến bệnh viện.
Dù chống chọi với những cơn đau nhưng Đại tướng không quên bệnh tình của cán bộ mình, ông dặn y bác sĩ: “Tôi như vậy đủ rùi, đồng chí kế bên cũng bị viêm tim nặng, chuyển thuốc của tôi qua cho đồng chí ấy”. Sau lời dặn của Đại tướng, mỗi ngày ông Hiếu được tiêm thêm thuốc nên sức khỏe hồi phục dần. Chế độ trái cây, sữa được nhiều nên Đại tướng thường chia sớt cho ông Hiếu và những chiến sĩ đang nằm viện. “Tôi tự nhủ mình sống được nhờ được chữa bệnh “ké” Đại tướng”, ông Hiếu giọng nghèn nghẹn nói. Trong lúc bệnh tình nguy kịch, nhưng theo lời kể của ông Hiếu, Đại tướng luôn lạc quan, yêu đời. Có hôm Đại tướng hỏi đùa: “Đồng chí có chịu được thuốc B12 hay B Du (tiếng Pháp của B 12 là B Douze)?”. Những ngày nằm viện, có ai đến thăm ông đều hỏi thăm tình hình chiến trường, căn dặn làm tốt công tác chỉnh huấn để mở chiến dịch mới. Ngoài hỏi chế độ ăn uống, ông còn hỏi cụ thể: “ Bộ đội có trà uống không, có thuốc hút không?”
Ngày được ra viện, Đại tướng động viên ông Hiếu: “Cậu bịnh cũng giống tui, cậu còn trẻ sẽ vượt qua được thôi, cứ vui vẻ đi. Tôi lớn tuổi mà xem có bệnh như không có bệnh”. Đại tướng còn căn dặn: “Cậu còn trẻ mà giữ nhiệm vụ quan trọng cho cuộc kháng chiến, cố gắng cống hiến cho cách mạng đến ngày thắng lợi”. Đây cũng là lần gặp cuối cùng giữa ông Hiếu và Đại tướng.
Đại tướng hay đùa
Năm 1964, ông Hiếu mới tuổi đôi mươi, vừa tốt nghiệp khóa điện đài, báo vụ viên được điều về phục vụ Sở chỉ huy tiền phương Quân giải phóng Miền Nam đang mở chiến dịch Đông - Xuân năm 1964 - 1965, tấn công địch ở miền Đông Nam bộ. Khi đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh giữ nhiệm vụ Bí thư Trung ương cục miền Nam, kiêm Bí thư Quân ủy Miền và trực tiếp chỉ đạo Sở chỉ huy tiền phương.
Do đặc thù công việc, nhóm điện đài được bố trí gần lán trại của Sở chỉ huy tiền phương nên hằng ngày ông Hiếu đều gặp đại tướng. Ông Hiếu có nhiệm vụ tổng hợp thông tin chiến trường, nhận các điện mật, hỏa tốc từ Hà Nội và Trung ương cục miền Nam để báo cáo cho đại tướng. Nghe danh Đại tướng từ khi thoát ly vào rừng, ông Hiếu khá bất ngờ về thái độ dân dã theo phong cách Nam bộ của Đại tướng trong lần gặp gỡ đầu tiên. “Vừa thấy tôi bước vào, Đại tướng giọng vui vẻ hỏi: “Đi đâu đó đồng chí?”. “Báo cáo thủ trưởng có điện hỏa tốc từ Hà Nội”. “Đâu, đưa tao coi”. Xem xong Đại tướng khen: “Chữ tốt quá ta, mang qua cơ yếu giải mật liền”, ông Hiếu nhoẻn cười nhớ lại.
Có lần mang điện qua được Đại tướng giữ lại uống trà và hỏi ông Hiếu: “Đồng chí có nhớ nhà không?”. Vừa trả lời có nhớ, ông Hiếu đánh bạo hỏi: “Gia đình chú sao?”. Ông cười: “Đồng chí cứ gọi đồng chí, chứ không có đồng chí “chú”. Đại tướng có thói quen thức khuya nghe đài về tin tức thời sự, đặc biệt thích nghe kể chuyện đêm khuya. Có đêm ông nói: “Mấy truyện này hay lắm, mình nghe mình nhớ lắm”. Ông Hiếu cũng thưa lại: “Dạ! con nghe cũng khoái”. Đại tướng cười khà: “Hết bộ đội “chú” lại có bộ đội “con”. Bộ phận điện đài của ông Hiếu thường thức cả đêm, Đại tướng hay ghé thăm hỏi: “còn trà không”, rồi đưa cho một bịch trà, khi về ông còn dặn nửa thiệt, nửa đùa: “Các chú nấu nước pha trà cho kín, máy bay địch mà thấy đốm lửa là tiêu đấy nha ”. Ông còn hỏi vỗ vai vừa hỏi, vừa kiểm tra: “Anh Tư (tên ông Hiếu) làm dữ ha, có khi nào ngủ quên không mấy đồng chí, có đứt “phiên việc” (liên lạc) nào không ?”
Vừa qua ông hiến tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN để trưng bày nhân 100 năm ngày sinh đại tướng. |
Đối với cần vụ, ông đối đãi thân tình như chú cháu, một lần đưa quần áo dơ cho cần vụ giặt, ông dặn như thiệt: “Cháu giặt giùm, phơi ngoài chỗ trống nhưng phải cảnh giới không máy bay địch thấy ném bom hư hết, không có đồ mặc”. Khi nằm viện phải truyền thuốc, có lúc chế độ chảy nhanh quá làm đại tướng đau, ông nhỏ nhẹ nói y sĩ: “Hôm nay tôi thấy nhểu nhanh quá, đồng chí giảm chậm chút thôi, không tôi sốc”.
Bằng mọi cách cứu thương binh
Những trận đánh năm đó khốc liệt, quân ta chiến thắng nhiều chiến dịch như Bình Giã (Bà Rịa - Vũng Tàu), giải phóng hai huyện Hoài Đức, Tánh Linh (Bình Thuận)…nhưng thương vong quân ta cũng không ít. Đại tướng ra lệnh cho các đơn vị, bộ đội địa phương, dân quân du kích bằng giá nào cũng mang được xác chiến sĩ về an táng. Đại tướng còn căn dặn ghi rõ tên tuổi, quê quán, đơn vị, ngày hi sinh của từng chiến sĩ để sau giải phóng dễ tìm kiếm hài cốt. Mỗi lần mang tổng hợp số liệu thương vong, ông Hiếu lại thấy sắc mặt đại tướng thất thần, buồn rười rượi. Đi thăm các thương binh, Đại tướng yêu cầu ông Hiếu điện hỏa tốc các đơn vị tập trung tất cả thuốc men, gom bác sĩ quân y, dân y cứu chữa thương binh.
Ông Hiếu nhớ như in lời Đại tướng ra lệnh: “Trong vòng một giờ phải báo tôi đã điện được hay chưa, bao giờ có đủ cơ số thuốc, bác sĩ”. Khi đoàn bác sĩ đến, Đại tướng mừng ra mặt, dẫn đoàn xuống khám cho thương binh và dặn “Trong quá trình điều trị nếu có khó khăn gì báo tôi liền”. “Đại tướng còn dặn cán bộ hậu cần tập trung đường sữa cho thương binh, tăng khẩu phần ăn”, ông Hiếu hồi tưởng.
Đại tướng vốn thức khuya làm việc nên hút thuốc rất nhiều, lúc đó thuốc Thăng Long giấy bạc thuộc loại ngon nhất. Thi thoảng ông ghé bộ phận điện đài cho vài gói hút để “đuổi muỗi”. Gần cuối năm 1965, ông Hiếu được điều về Trung ương cục miền Nam. Ngày rời đơn vị, ông Hiếu lên chào Đại tướng và xin gói thuốc hút trên đường đi. Đại tướng làm mặt nghiêm nói: “Nhỏ mà hút thuốc dữ vậy?”. Nói xong ông quay sang cần vụ nói đưa hai gói thuốc và hộp sữa, lương khô cho ông Hiếu. Đây là lần cuối cùng ông Hiếu được phục vụ Đại tướng cho đến ngày ông nằm viện cùng Đại tướng.
Gần 50 năm qua, kể từ lần gặp cuối cùng, ông Hiếu luôn nhắc nhớ đến những ân tình của đại tướng dành cho cán bộ, chiến sĩ và riêng ông. Qua bao lần chuyển nhà, thăng trầm của thời cuộc, ông Hiếu vẫn giữ chiếc máy truyền tín hiệu mà Đại tướng tặng ông như một điểm tựa tinh thần, như động lực để suốt đời ông cống hiến “cho cách mạng, cho nhân dân” như lời Đại tướng căn dặn.
Nhất Phiến
Nguồn: Nhà báo và Công luận
Bài báo cuối cùng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Submitted by nlphuong on Tue, 31/12/2013 - 09:50Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là vị đại tướng thứ hai của Quân đội nhân dân Việt Nam sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông sinh tại làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 1/1/1914, đến nay vừa tròn thế kỷ, muộn hơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp ba năm nhưng lại ra đi trước người anh cả của quân đội đến 47 năm. Ông cũng là một vị tướng huyền thoại để lại dấu ấn sâu đậm vào thời kỳ dân tộc ta trải qua những biến động sâu sắc nhất trong lịch sử hiện đại: từ làm Cách mạng tháng Tám đến thành công đến thống nhất nước nhà, đổi mới, phát triển.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng vợ. Ảnh tư liệu |
Mùa hè năm 1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ chiến trường miền Nam ra báo cáo công việc với Bộ Chính trị và Bác Hồ. Đây cũng là thời gian ông thăm gia đình, nghỉ ngơi mấy bữa trước khi trở lại mặt trận.
Gia đình ông sơ tán về một thuôn thuộc huyện Mỹ Đức, cuối tỉnh Hà Tây (cũ). Gần đấy có hợp tác xã Phù Lưu Tế nổi tiếng về chuyên canh trồng dâu nuôi tằm, nữ chủ nhiệm hợp tác xã được tuyên dương Anh hùng lao động. Một lần ông cho gọi tôi cùng đi. Về làm việc với xã, ông đề nghị mời thêm lãnh đạo huyện, tỉnh và chuyên viên Ban Nông nghiệp Trung ương dự. Ông vừa nhận ra một vấn đề: hợp tác xã Phù Lưu Tế đạt thành tựu tốt trong chuyên canh, nhưng lại để cho năng suất đồng lúa của mình giảm sút đều đều. Nguyên nhân đơn giản thôi: vùng chuyên canh cây công nghiệp được Nhà nước cung cấp lương thực, người dân đã có gạo từ “trên” tháng tháng xe tải chuyển về, thì việc gì còn phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời vì mấy sào ruộng bạc màu cho khổ cái thân!
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhận ra tràn lan tư tưởng ỷ lại vào bao cấp. Các vùng chuyên canh cây công nghiệp, chuyên chăn nuôi gia súc ở nông thôn tất yếu ngày càng mở rộng, nếu người dân các vùng này lơ là nghề truyền thống ông cha, bỏ bê ruộng lùa mà cứ chăm chăm chờ hạt gạo từ nơi khác chở về, thì sức mấy Nhà nước ta cáng đáng nổi! Một lý do nữa ai cùng nhìn thấy tuy chẳng mấy ai nói công khai: chiến tranh cứu nước ngày càng ác liệt, đế quốc Mỹ ngang ngược vừa cho máy bay oach kích Thủ đô ta, nhu cầu về lương thực của quân đội, của chiến trường và của cả hậu phương nữa chắc chắn sẽ ngày càng căng thẳng, nơi nào tự mình cũng cần phải cố gắng hơn một chút…
Sau khi phát biểu tại cuộc họp, ông bảo tôi cùng ông viết một bài báo ngắn gọn. Hai anh em hì hục mấy buổi. Làm một bài báo chẳng phải là việc mới đối với ông, nhưng lần này rất thận trọng. Ông không còn trọng trách lãnh đạo nông thôn. Nói sao đây cho không chênh với chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mở rộng các vùng chuyên canh, phát triển nông nghiệp toàn diện? Viết cách nào không dội nước lã vào nhiệt tình những người đang ngày đêm chăm chút ruộng dâu nong kén, làm ruộng ăn nằm, nuôi tằm ăn đứng? Trình bày sao cho khẩu phục, tâm phục, để rồi sau khi ông đã trở vào Nam chiến đấu, anh em cán bộ địa phương vẫn nhiệt tình vận động bà con hãy tự cung ứng một phần cái ăn, giảm được chừng nào hay chừng ấy sự bao cấp của Nhà nước…
Cuối cùng rồi bài báo cũng xong. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đọc lại, ký tắt vào góc trái bản đánh máy và trao lại cho tôi. Tiễn tôi ra tận cổng, ông bắt tay chặt và dặn: “Phan Quang giữ lấy. Chờ bao giờ chỗ mình điện sang thì Quang cho lên số bao ra ngày hôm sau”.
Tôi hiểu tín hiệu: ông tạm biệt đứa em. Lúc nào báo Đảng trân trọng đưa lên trang nhất bài viết về nông nghiệp với tên ký quen thuộc Nguyễn Chí Thanh thì lúc ấy tác giả không còn ở miền Bắc. Cánh chim bằng đã sải cánh vào với đồng bào đồng đội của ông đâu đó trong Nam rồi.
Đau đớn thay, tín hiệu chờ đợi không bao giờ đến. Thay vào là tin buồn thông báo qua Đài Tiếng nói Việt Nam làm cả nước sững sờ: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã qua đời sau một cơn tai biến vì bệnh tim. Vị đại tướng của nhân dân ra đi, để lại ngọn gió Đại Phong lồng lộng trên quê hương miền Bắc, ký thác đồng bào đồng chí tấm lòng và phong cách Nguyễn Chí Thanh.
Phan Quang
Nguồn: Báo VOV
Báo chí & “không gian cộng đồng” năm 2013
Submitted by nlphuong on Tue, 31/12/2013 - 07:00Khi “không gian cộng đồng” không còn bó hẹp
Đất nước Việt Nam vừa trải qua những ngày thương nhớ, nuối tiếc vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đã có rất nhiều tin, bài báo và hình ảnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng cả trong nước và quốc tế ca ngợi Đại tướng như người anh hùng dân tộc, Vị tướng của nhân dân ở thế kỷ 20. Những hình ảnh, những dòng chữ thấm đẫm nước mắt về sự ra đi của Đại tướng làm xúc động lòng người. Tất cả người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đã chờ đón mất mát này như một tất yếu sẽ xảy ra trong cuộc đời sống một con người. Tuy nhiên, khi tin Đại tướng qua đời, nhiều người mới cảm thấy thực sự của sự mất mát và không ai bảo ai, mọi người tìm đến các thông tin, mong muốn được biết hơn nữa về Đại tướng, về những chiến thắng lẫy lừng của Quân đội Việt Nam trong các trận đánh dưới sự lãnh đạo của Đảng mà Đại tướng được mệnh danh là “Người anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Người dân cũng muốn được chứng kiến về các cuộc viếng thăm của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế trong những ngày tang lễ qua các phương tiện báo chí truyền thông.
Báo chí của chúng ta đã làm rất tốt để đáp lại mong mỏi đó của những người dân.
“Cũng trong sự kiện này, các trang mạng xã hội như Facebook và một số diễn đàn của các nhóm trên mạng đã không ngừng cập nhật hình ảnh, thông tin, cảm nghĩ của cá nhân trước sự ra đi của Đại tướng” - Ảnh: INTERNET |
Tuy nhiên, vẫn còn những phàn nàn chưa thỏa mãn của công chúng đối với báo chí trong việc đưa tin liên quan đến lễ tang Đại tướng. Để thỏa mãn nhu cầu của mình, nhiều người đã chuyển sang xem kênh truyền hình của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Kênh này đã sử dụng các máy quay phim, đặt trên các tuyến đường theo dõi giao thông của hệ phát thanh VOV giao thông, để tường thuật truyền tải hình ảnh đoàn xe tang chở Đại tướng đi qua ra sân bay quốc tế Nội Bài về quê hương của Người ở Quảng Bình. Hình ảnh không rõ ràng nhưng đã đáp ứng nhu cầu được chứng kiến đoàn xe tang Đại tướng rời Thủ đô Hà Nội của công chúng. Cũng trong sự kiện này, các trang mạng xã hội như Facebook và một số diễn đàn của các nhóm trên mạng đã không ngừng cập nhật hình ảnh, thông tin, cảm nghĩ của cá nhân trước sự ra đi của Đại tướng.
Cũng có lẽ, chưa bao giờ những người sử dụng mạng xã hội lại đồng nhất đến như thế khi họ đăng tải và chia sẻ những hình ảnh, những cảm xúc cá nhân bày tỏ sự khâm phục về vị Đại tướng tài đức vẹn toàn.
Sự phát triển của công nghệ thông tin Internet đã làm sống lại “không gian cộng đồng” của Nhà tư tưởng người Đức, Habermas. Ngày nay, người dân không cần phải đến quán trà, quán cà phê để diễn thuyết, tranh luận và chờ được đăng ý kiến của họ trên truyền thông đại chúng nếu có mặt phóng viên ở đó. Người dân đã làm chủ nhu cầu hưởng thụ thông tin của họ. Và không gian cộng đồng của thế kỷ 21 không còn nhỏ hẹp trong quán trà, hay quán cà phê của Habermas mà nó không có giới hạn. Với chiếc điện thoại trên tay, người dân có thể chia sẻ bất cứ gì họ muốn, bất cứ lúc nào họ muốn lên không gian cộng đồng mênh mông, đó là mạng xã hội. Họ không phải “lụy” vào báo chí như trước mà có thể chủ động tham gia vào cuộc chơi cùng cung cấp, chia sẻ đăng tải thông tin cho công chúng và cho cả báo chí. Công nghệ thông tin đã mang lại sức mạnh cho người dân: họ ở thể chủ động trong việc tìm kiếm thông tin và cung cấp thông tin. Đây cũng là thách thức lớn nhất đối với nhà báo và các cơ quan báo chí.
Thách thức “đi ra khỏi chiếc hộp”
Tác động của công nghệ thông tin với sự thay đổi trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành truyền thông đã được nhiều nghiên cứu nói đến, cũng không còn là vấn đề mới mẻ. Nhu cầu tiếp nhận và tâm lý tiếp nhận thông tin của công chúng cũng đã thay đổi. Thói quen và nhu cầu đọc báo giấy giường như không có ở lớp tuổi trẻ thế hệ 8X, 9X mà thậm trí cả những thế hệ lớn tuổi hơn. Thay vào văn hóa đọc báo in truyền thống, nghe đài truyền thông hay ngồi trước TV xem là văn hóa lướt mạng, họ xem báo chí qua mạng và rồi lại đăng tải thông tin lên mạng.
Thách thức của của cơ quan báo chí và nhà báo hiện nay trước sự phát triển của công nghệ thông tin đó là làm thể nào kết hợp giữa báo chí truyền thống và các loại hình báo chí mới. Họ đang rất cần có chiến lược số, truyền thông đa phương tiện. Họ cần phải mạnh dạn “đi ra khỏi chiếc hộp” đó là thói quen làm báo chí truyền thống, xóa bỏ những nếp làm việc và suy nghĩ đưa tin theo kiểu cũ, để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của khán giả, độc giả của thời đại Internet. Sự kiện đám tang Đại tướng như đã phân tích ở trên là một ví dụ. Khi đài truyền hình Trung ương chưa đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của người dân thì họ tự phục vụ chính họ: họ tự chụp ảnh, quay phim đưa lên các mạng xã hội như facebook, Youtube, Twitter… Họ chính là người xuất bản. Tính gác cổng thông tin của báo chí đã vượt khỏi tầm kiểm soát của nhà báo và cơ quan báo chí. Báo chí vẫn đóng một vai trò quan trọng trong xã hội nếu như báo chí tự điều chỉnh mình bằng kết hợp truyền thông mới thông qua ứng dụng tối đa công nghệ thông tin.
Truyền thông hội tụ hay truyền thông đa phương tiện là vấn đề chiến lược, chứ không phải vấn đề về không gian, nguồn lực, công nghệ hay thời gian. Cho đến hiện nay, còn nhiều cơ quan báo chí, truyền thông vẫn e ngại, đưa ra đủ mọi lý do để biện minh cho sự trì hoãn hoặc phản đối việc triển khai truyền thông đa phương tiện. Truyền thông đa phương tiện cũng không phải là một lựa chọn mang tính hình thức mà đó là yếu tố cần thiết cho việc vận hành hiệu quả một phòng tin hiện đại ngày nay trên cơ sở công nghệ giúp cho việc tổ chức sản xuất rẻ, không tốn kém. Các cơ quan truyền thông có thể triển khai truyền thông đa phương tiện không phải bỏ ra chi phí lớn. Thực tế của một số cơ quan báo chí, truyền thông cơ nước ngoài và ở Việt Nam cho thấy họ chỉ có một vài phóng viên làm việc trong một văn phòng với kích cỡ nhỏ nhưng hoạt động truyền thông đa phương tiện rất có hiệu quả. Có nhiều cơ quan truyền thông truyền thống có công sở, phòng rộng, có tới hàng trăm nhân viên biên chế nhưng sản phẩm của họ lại chỉ phục vụ một số lượng độc giả không lớn. Vấn đề không nằm ở kích thước của cơ quan truyền thông, vấn đề là việc thay đổi để thích nghi với chiến lược, sao cho phù hợp với cơ quan và công chúng.
Việc có những thông tin nhất quán trên tất cả các phương tiện truyền thông sẽ củng cố thêm thương hiệu của cơ quan. Việc quản lý chất lượng tập trung sẽ đảm bảo chất lượng nội dung tốt nhất trên mọi loại kênh thông tin của cơ quan báo chí đó. Áp dụng chung một kế hoạch thống nhất sẽ đảm bảo nguồn cung cấp ổn định thông tin độc quyền về những vấn đề đang được công chúng quan tâm nhất.
Nắm lấy cơ hội
Những lợi ích của chiến lược truyền thông đa phương tiện sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho các cơ quan báo chí. Việc thu thập tin tức được sắp xếp hợp lý sẽ cải thiện tốc độ phản ứng và hiệu quả với thông tin, giảm sự chồng chéo trong phân công công việc, từ đó tiết kiệm chi phí cho nguồn lực. Đặc biệt quan trọng trong bối cảnh công chúng của báo in đang giảm mạnh, dự báo một tương lai không mấy sáng sủa của báo tin thì phương thức truyền thông đa phương tiện sẽ có khả năng thích ứng với nhiều cơ hội kinh doanh mới từ các nguồn lực sẵn có. Những cơ hội và thách thức cho mà các cơ quan báo chí Việt Nam đang hiện hữu và cấp bách đòi hỏi họ cần phải hành động.
Về cơ bản, việc cạnh tranh để thu hút nhà quảng cáo cũng không có mâu thuẫn với việc làm tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của độc giả - khán giả. Để độc giả quan tâm đến báo chí thì nhà báo cần phải phản ánh những vấn đề gắn với quyền lợi của họ, những vấn đề họ đang trăn trở. Như nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt trong bài Sứ mệnh của Nhà báo nhân kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam đã viết: “Các nhà báo không chọn báo chí như một nghề chỉ để kiếm sống... Báo chí đang và sẽ được nhìn nhận đúng như vai trò mà xã hội luôn chờ đợi ở mình: hành xử có trách nhiệm hơn với đất nước, với dân tộc”.
PGS. TS. Đinh Thị Thúy Hằng
Nguồn: Tạp chí Người làm báo
55 tin tức thú vị bị thế giới bỏ sót trong năm 2013
Submitted by nlphuong on Mon, 30/12/2013 - 21:05Khoảng 2% dân số châu Âu mang trong mình gene bệnh “viêm cánh”. Bệnh cúm Nga chẳng hề liên quan gì đến nước Nga. Phụ nữ nhìn già nhất vào lúc 3h30 chiều ngày thứ Tư hàng tuần...
Báo chí thế giới trong năm 2013 vẫn tiếp tục mang đến cho độc giả những gì tốt nhất mình có thể, nhưng có lẽ, sự bùng nổ thông tin dữ dội đã khiến chúng ta bỏ sót không ít những sự hiểu biết vô cùng thú vị.
Trước khi bước sang năm 2014, hãy cùng Infonet điểm lại một số thông tin mà đa số độc giả có thể đã không biết.
1. Đồ uống nóng có thể có các vị khác nhau tùy thuộc vào màu của cốc đựng.
2. Chúng ta có thể cầm nắm các vật ướt dễ dàng hơn khi da ngón tay nhăn nheo. Điều này lý giải cho việc tại sao khi tiếp xúc lâu với nước, phần da trong lòng bàn tay của con người lại bị nhăn lại. Đó là một sự tài tình của quá trình tiến hóa mà đến nay các nhà khoa học mới lý giải được.
3. Trên thế giới hiện nay có 2 hãng chuyên nhân bản những chú ngựa dùng trong một Polo.
4. Có khoảng 2% dân số châu Âu bị mắc các khiếm khuyết về gene dẫn tới mắc bệnh hôi nách.
5. Bệnh cúm Nga (Russian flu) thực ra chẳng liên quan gì đến nước Nga. Người ta phát hiện ra virus gây ra căn bệnh này trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và đặt tên cho nó với ý đồ muốn “đổ cái xấu” về phe XHCN.
Bệnh cúm (Ảnh minh họa) |
6. Phụ nữ nhìn già nhất vào lúc 3h30 chiều ngày thứ Tư hàng tuần.
7. Hoàng tử Charles của nước Anh chưa hề sử dụng hệ thống tàu điện ngầm London kể từ năm 1986 đến nay.
8. Thượng viện (The House of Lords) của Anh có hẳn một trường tập bắn súng riêng.
9. Con đồi mồi cái có thể lưu giữ tinh dịch của con đực trong cơ thể trong khoảng 75 ngày.
10. Sự bồn chồn có tác dụng tốt đối với khả năng tập trung của đàn ông nhưng lại có tác dụng ngược lại đối với phụ nữ.
11. William là họ có mức sụt giảm thành viên lớn nhất thế giới kể từ năm 1901.
12. Haribos - hãng sản xuất kẹo rất nổi tiếng của Đức được đặt tên ghép từ tên của ông chủ sáng lập ra hãng (Hans Riegel) và tên thành phố quê hương của ông (Bonn).
13. Những người điều khiển máy bay không người lái cũng bị mắc các chấn thương về tâm lý sau chuyến bay giống hệt những phi công lái máy bay chiến đấu.
14. Loài khỉ rất ghét và luôn tránh xa những người có tính ích kỷ.
15. "Aunt" là cụm từ tìm kiếm khiêu dâm phổ biến nhất ở Syria.
16. Cây cối thường tiết ra các loại mật có chứa chất caffeine để gây nghiện cho các loài côn trùng giúp thụ phấn và bắt chúng phải “trung thành” với hoa của mình.
17. Nam Phi (South Africa) được gia nhập nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) chỉ vì tên của quốc gia này ghép vào sẽ làm “đẹp” cụm từ viết tắt (BRICS) hơn là thêm Nigeria.
18. Số lượng hươu ở Anh hiện nay nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ kỷ Băng Hà trở lại đây.
19. Trong vũ trụ, nước mắt không thể rơi được.
20. Steve Jobs và Steve Wozniak (hai người sáng lập hãng Apple) đã từng là thành viên của một nhóm hacker có tên là Homebrew Computer Club.
21. Trong một bữa tiệc tối của người Thụy Điển, bạn không bao giờ nên gấp khăn ăn của mình (biểu thị kết thúc bữa ăn) trước chủ nhà.
22. Phụ nữ thường cảm thấy rất hài lòng và thỏa mãn với những giọng nói trầm, khàn.
23. "Lucifer" and "." (dấu chấm) là những cái tên bị cấm khi đặt tên cho trẻ em mới sinh ở New Zealand.
24. Người Pháp gọi máy bộ đàm di động là talkie-walkie, ngược hẳn với cách gọi của người Mỹ (walkie-talkie - vừa đi vừa nói).
25. 6 x 8 là phép nhân trẻ em hay sai nhất trong khi phép nhân 9x12 khiến chúng mất nhiều thời gian nhất.
26. Thời gian sẽ “ngừng trôi” nếu bạn có chuyện vui (Mọi người sẽ có xu hướng nhớ rất nhiều và rất chi tiết về một chuyện gì đó hơn thông thường sau khi trải qua một chuyện vui vẻ).
27. Trẻ em đã học được cách nhăn mặt ngay từ khi còn trong bụng mẹ nên khi vừa sinh ra chúng đã biết cách biểu lộ sự khó chịu, không thích thú cái gì đó.
Đàn ông thiếu ngủ sẽ si tình hơn bình thường (Ảnh minh họa) |
28. Đàn ông thiếu ngủ sẽ si tình với phụ nữ mãnh liệt hơn bình thường.
29. Mãi gần đây hải quân Mỹ mới bắt buộc tất cả các thông điệp chính thức phải được soạn thảo và gửi hoàn toàn bằng chữ in hoa.
30. "God's bones" (xương của Chúa) là câu chửi thậm tệ nhất trong thời Trung cổ.
31. Chuyến bay từ Sydney (Australia) đến Dallas (Mỹ) của hãng Qantas là chuyến bay thương mại có khoảng cách xa nhất thế giới (13.790 km).
32. Người Pháp không có từ nào để biểu thị “một nụ hôn kiểu Pháp” cho đến mãi gần đây. Ngày nay người Pháp dùng từ "galocher".
33. Ký hiệu “và” (&) thực ra là một chữ cái nằm trong bảng chữ cái Latin và vị trí của nó là ở cuối cùng (sau chữ cái Z).
34. Hãng chuyên bán thức ăn nhanh McDonald có một quy định là không áp dụng dịch vụ “drive-thru” (ngồi trên xe mua hàng rồi đi luôn) với những người cưỡi ngựa.
35. Dưới thời đế chế Áo - Hung, người ta có thể đi bên trái hay bên phải đường tùy thích.
36. Số PIN (mã số cá nhân bí mật) ít được sử dụng nhất là dãy số 8068.
37. Những người đi mua sách sẽ có xu hướng mua các cuốn sách có tựa đề lãng mạn hay sách dạy nấu ăn cao gấp 6 lần bình thường nếu họ ngửi thấy mùi sô-cô-la.
38. Đến nay, các nhà khoa học vẫn không thể biết thực sự vì sao một chiếc xe đạp lại hoạt động được.
39. Ở Kenya, đến nay người ta vẫn lưu giữ phong tục khỏa thân chạy trong đêm.
40. Mặc quần áo rằn ri là một hành vi khiếm nhã ở quốc đảo Barbados.
41. Đàn ông có khuôn mặt rộng có thể khiến những người ở xung quanh anh ta trở nên ích kỷ hơn.
42. Các trợ lý của Bill Clinton đã dạy ông ta một thế võ nhu thuật (Jujitsu) để tránh cái ôm của ông Yassar Arafat trước ống kính báo chí.
43. Những đội cứu hộ ở Cuba thường dùng thỏ để đánh hơi và tìm kiếm người mất tích, mắc kẹt trong các ngôi nhà bị đổ.
44. Khi rót rượu trắng, người ta có xu hướng rót nhiều hơn so với việc rót rượu màu.
45. Nguyên tắc “đi tiểu toàn cầu” khẳng định rằng loài voi, bò, dê và chó đều mất 21 giây để xả hết nước trong bọng đái của mình.
Tốc độ đi bộ của đàn ông sẽ giảm 7% khi đi cùng vợ hoặc bạn gái.
46. Tốc độ đi bộ của đàn ông sẽ giảm 7% khi đi cùng vợ và bạn gái nhưng không đổi khi đi cùng với những người phụ nữ khác. Khi đi cùng một người đàn ông, tốc độ có xu hướng gia tăng.
47. Người dân xứ Wales (Anh) rất thích mặc đồ lót màu đỏ còn người dân vùng Tây Bắc nước Anh lại mua rất nhiều roi da (để tạo cảm giác mới lạ trong sinh hoạt tình dục).
48. Cái tên khởi thủy của hãng Amazon là Relentless (tàn nhẫn, không thương tiếc...). Chính vì thế ngày nay nếu bạn truy cập vào địa chỉ www.relentless.com bạn vẫn được đưa về trang chủ của Amazon.
49. Những con chó đang bồn chồn khó chịu sẽ cúp đuôi về phía trái còn nếu cúp đuôi về phía phải (theo hướng nhìn của con chó) có nghĩa là nó đang vui vẻ.
50. Khoảng thời gian hiệu quả nhất trong ngày để uống cà-phê là vào lúc từ 09:30 đến 11:30 sáng.
51. Mật khẩu hộp thư thoại của cầu thủ Wayne Rooney là Stella Artois (tên một loại bia rất phổ biến ở Anh).
52. Trong quân đội Nga có một đơn vị chỉ bao gồm toàn những người sinh đôi.
53. Bộ não của một con chim ruồi chiếm 4,2% trọng lượng cơ thể của nó. Đây là loài có bộ não lớn nhất (so với tỷ lệ trọng lượng) trong số các loài chim.
54. Tỷ lệ một người nào đó có cơ hội gặp được một người “đồng điệu về tâm hồn” là 1/10.000.
55. Các bà mẹ luôn luôn có cảm giác đứa con út thấp bé hơn thực tế bất chấp chiều cao và cân nặng của chúng không hề thua kém những đứa trẻ cùng lứa khác.
Lam Giang
infonet.vn
Các nhà báo nên đọc bài này!
Submitted by nlphuong on Sun, 29/12/2013 - 14:21Trong 6 tháng cuối năm 2013 đã có hàng loạt quy định xử phạt hành chính nhằm vào báo chí trong các lĩnh vực thống kê; quản lý giá, phí lệ phí, hoá đơn; giáo dục; khí tượng thuỷ văn…
Theo đó đều có điều khoản quy định phạt tiền đối với hành vi trích dẫn không đúng nguồn gốc thông tin khi phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm. Xem ra các cơ quan báo chí là đối tượng “chịu trận” trong các quy định này.
Thực ra nếu báo chí vi phạm thì bị phạt và thực tế đã có báo đài bị phạt tiền triệu. Tuy nhiên soi kỹ các văn bản mới tinh, các nhà báo đã “ngất trên cành quất” khi thấy Chủ tịch xã cũng có quyền xử phạt báo chí!? Có người lo ngại, quan xã ở nước ta à uôm lắm, ngộ nhỡ họ phạt sai, phạt ẩu thì sao?
Xem kỹ thấy có rất nhiều cấp có quyền xử phạt báo chí. Có thể kể ra là Chủ tịch UBND các cấp từ xã, phường, thị trấn đến quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài ra, các thanh tra viên đang thi hành công vụ, Chánh Thanh tra sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ; Chánh Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ... cũng có quyền xử phạt.
Xin nhớ rằng theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử phạt báo chí thuộc thanh tra chuyên ngành thông tin - truyền thông; Chánh Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông; Chánh Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông, và Chủ tịch UBND cấp huyện trở lên...
Các chuyên gia pháp luật chỉ ra rằng trong Nghị định 159 với 38 điều đã quy định mọi hành vi liên quan đến hoạt động báo chí của cá nhân và tổ chức, xuất bản... nếu vi phạm hành chính sẽ bị xử phạt nhẹ nhất là cảnh cáo và nặng nhất là phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Trong khi đó, Điều 1 khoản 3 Nghị định 159 quy định: “Các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động báo chí, xuất bản không quy định tại nghị định này mà quy định tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác thì áp dụng các quy định đó để xử phạt”. Cụ thể, Điều 8 Nghị định 159 đã quy định đầy đủ các hành vi: Không viện dẫn nguồn tin hoặc viện dẫn sai nguồn tin khi đăng, phát trên báo chí; Đăng tin, phát thông tin sai sự thật, đăng, phát thông tin xuyên tạc, vu khống... với những mức phạt rất cụ thể. Tuy nhiên, các nghị định nói trên vẫn áp vào để xử phạt là trái với khoản 1 Điều 3 Nghị định 159 và các văn bản quy định về xử phạt trong hoạt động báo chí đang giẫm chân lên nhau.
Trao đổi với báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng: Nếu quy định xử phạt báo chí nhiều quá hay lạm dụng quy định xử phạt báo chí sẽ vô hình trung cản trở tác nghiệp của báo chí. Báo chí cần có khoảng rộng để hoạt động, tác nghiệp, nếu đưa tin sai đã có Luật Báo chí điều chỉnh, Tổng Biên tập phải chịu trách nhiệm và cá nhân nhà báo đưa tin sai cũng sẽ bị xử lý, xử phạt theo luật định.
Vì vậy với các quy định liên quan đến xử phạt vi phạm báo chí cũng thế, cũng nên “một cửa một dấu”, nếu không hợp lý, hợp lệ thì các cơ quan soạn thảo, ban hành phải chủ động sửa đổi kịp thời cho phù hợp. Trong trường hợp phát hiện sai phạm hồ sơ nên gửi về Thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông để xử lý để nhà báo “tâm phục khẩu phục”!
Bảo Dân
Nguồn: Báo Công lý
Nhiều gala đón năm mới trên VTV
Submitted by nlphuong on Sun, 29/12/2013 - 13:15Đài Truyền hình VN phát sóng nhiều chương trình hấp dẫn dịp Tết dương lịch. “Dấu ấn năm 2013", ngày 1/1 trên VTV1, là chương trình nhìn lại những sự kiện nổi bật của năm qua trên tất cả các lĩnh vực.
“Buổi sáng đầu tiên" phát sóng từ 5h30 đến 8h ngày 1/1 (VTV1) chuyển tải không khí chào đón năm mới tại Việt Nam và nhiều nước.
Gala "Gặp gỡ VTV" phát sóng lúc 20h55 ngày 31/12 trên VTV1, mô tả một năm nhiều dấu ấn của VTV, với 5 chủ đề khác nhau, dưới sự dẫn dắt của BTV Diễm Quỳnh và MC Trấn Thành.
Gala "Chào 2014" (ảnh) phát sóng 20h ngày 1/1 (VTV1) có chủ đề tình yêu dẫn dắt khán giả du ngoạn khắp thế giới thông qua âm nhạc, qua những hình ảnh đẹp chắt lọc, những câu chuyện tình yêu bất hủ.
Đ.T.T
Nguồn: tienphong.vn
Nhân sự báo Sài Gòn Tiếp Thị trước nguy cơ mất việc
Submitted by nlphuong on Thu, 26/12/2013 - 23:25Saigon Times Group dự định chỉ tiếp nhận măng-sét tờ Sài Gòn Tiếp Thị. Còn 107 con người của tờ báo này nếu muốn ở lại sẽ phải thi tuyển từ đầu với số lượng được nhận rất hạn chế.
Sài Gòn Tiếp Thị từng là một trong những tờ báo hay của Việt Nam. |
Theo chủ trương của các cơ quan chức năng, từ 1.3.2014, báo Sài Gòn Tiếp Thị sẽ được chuyển giao cho Saigon Times Group. Tuy nhiên, thông tin từ mới nhất cho biết Saigon Times Group dự định chỉ tiếp nhận măng-sét tờ báo, còn nhân sự tổng cộng 107 con người nếu muốn ở lại sẽ phải thi tuyển lại từ đầu với số lượng được nhận rất hạn chế.
Thông tin trên đã khiến toàn bộ cán bộ, nhân viên, phóng viên của Báo Sài Gòn Tiếp Thị trải qua một kỳ giáng sinh buồn. Họ sẽ phải dự thi để được tiếp tục làm việc cho măng - sét của một tờ báo mà họ đã gắn bó, góp công gầy dựng từ nhiều năm qua. Số đông không được tuyển trở thành thất nghiệp và phải tự đi tìm việc.
Trước thông tin và diễn biến như trên, tập thể phóng viên, nhân viên báo Sài Gòn Tiếp Thị tỏ ra rất hoang mang. Sài Gòn Tiếp Thị là tờ báo từng nổi tiếng hay về nội dung, đẹp hình thức. Thành lập từ năm 1995, gần 19 năm gắn bó với bạn đọc, Sài Gòn Tiếp Thị từng là một trong những tờ báo hay nhất Việt Nam với nhiều cây bút xuất sắc, lưu dấu ấn trong lòng bạn đọc khắp nơi.
Giờ thì vì khó khăn, tờ báo sẽ phải nhập về Sài Gòn Times Group, được biết qua tên gọi Thời báo kinh tế Sài Gòn. Trụ sở đặt tại 25 Ngô Thời Nhiệm dự định sẽ phải bán đi để thanh toán các khoản nợ. Giới thạo giá cả cho rằng, tòa nhà này có giá trị lớn hơn nhiều so với các khoản nợ của báo. Phần tài sản dôi ra, dự kiến sẽ được sung công quỹ nhà nước theo quy định
Từ nhiều ngày qua, trên trang cá nhân của rất nhiều nhân viên, phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị đã thể hiện sự buồn bã.
Nhà báo Mạnh Quân, văn phòng Sài Gòn Tiếp Thị tại Hà Nội ví von: “Nếu như biết rằng, các ấn phẩm của Sài Gòn Times Group nhiều bản cũng thua lỗ thì việc lấy măng sét Sài Gòn Tiếp Thị về liệu có khác gì Vinalines nhận tàu của Vinashin?"
Một số chuyên gia lĩnh vực kinh tế, báo chí phân tích, Sài Gòn Tiếp Thị hoàn toàn có thể tự phục hồi mà không cần phải sáp nhập. Đó là tờ báo này có thể bán trụ sở trả nợ. Và với doanh thu hiện nay, tờ báo vẫn hoạt động tốt.
Được tin báo Sài Gòn Tiếp Thị lâm vào tình cảnh như trên, nhiều bạn đọc tỏ ra tiếc nuối với ấn phẩm đã thành thói quen hàng ngày của mình.
“Tờ báo có nhiều cây bút với hàng loạt bài viết in sâu vào lòng người. Ở mỗi thể loại báo chí, mỗi lĩnh vực, báo luôn có những bài viết hay về góc nhìn, phân tích kinh tế, ẩm thực, văn hóa. Tôi rất tiếc nếu phải từ giã tờ báo mình từng yêu quý”, Anh Xuân Vũ, một bạn đọc ở quận Bình Thạnh cho biết.
Nguồn: Một thế giới