Nghề báo
Lòng dân
Submitted by nlphuong on Mon, 03/02/2014 - 12:15Tết này, Tết Giáp Ngọ - 2014, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa. Vị tướng huyền thoại đã đi vào lòng dân, mãi mãi trong tâm khảm mọi người, sống mãi cùng non sông đất nước Việt Nam.
Bức ảnh xúc động của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp với cháu nội - Võ Thành Trung. Ảnh: Duy Anh |
Ngày 4 tháng 10 năm 2013 (ngày 30 tháng 8 năm Quý Tỵ), Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại về cõi vĩnh hằng. Hàng triệu người, mọi tầng lớp, giai tầng xã hội tiếc thương vô hạn Đại tướng. Trời đổ mưa, dòng người đổ lệ. Không ai bảo ai, mọi người đổ về Hà Nội, ngôi nhà số 30, đường Hoàng Diệu; về nhà tang lễ quốc gia; đứng dọc 2 bên đường phố để được thắp nén nhang trầm tiễn biệt Đại tướng. Hơn 60 cây số dọc quốc lộ 1A từ sân bay Đồng Hới đến Vũng Chùa, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình - quê hương Đại tướng, dòng người đứng chật hai bên đường tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Hàng ngàn người đến khu nhà tưởng niệm, nơi Đại tướng cất tiếng khóc chào đời 103 năm trước, làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy để khóc ông. Vô số người xúc động, rơi nước mắt bên màn ảnh nhỏ xem truyền hình trực tiếp lễ tang Đại tướng. Và từ ngày ấy đến nay, đã hơn 100 ngày, không ngày nào ở Vũng Chùa vắng bóng người dân khắp mọi miền Tổ quốc đến viếng Đại tướng. Mỗi ngày, dòng người đến viếng ông vẫn đông đảo. Mộ ông lúc nào cũng ken dày những bó hoa tươi.
Hình ảnh Đại tướng cao lồng lộng mà rất đỗi bình dị giữa đời thường. Ông tưới cây phong lan cho hoa mau trổ bông; ông ăn chay, ngồi thiền như cụ ông ở khu phố này. Thấy chuyện bất bằng, ông tâm huyết viết bài góp ý kiến, vì dân vì nước, vì an sinh. Ông dành cho cháu nội nụ hôn cứ như ông tiên vậy. Ông là vị tướng tài, lẫy lừng chiến công, lúc nào cũng nghĩ đến cuộc sống của mọi người. Hàng triệu người - không bà con họ hàng, chưa một lần gặp đã khóc ông từ lòng mình, từ chính trái tim. Khóc để nói với những người đang sống, những ông chức cao quyền trọng, sống sao cho phải đạo làm người, đạo làm đầy tớ của dân; sống sao cho dân mến, dân thương, dân kính trọng. Lòng dân là thước đo - tấm lòng, trái tim của muôn dân dành cho ai, hướng về đâu, minh bạch và khách quan lắm, có muốn cũng không được. Ông ra đi mà lòng người cảm thấy chông chênh. Ông là chỗ dựa vững chãi trong cuộc đời.
Giáo sư Vũ Khiêu viết về Đại tướng: “Võ công truyền quốc sử; Văn đức quán nhân tâm”. Vẫn giáo sư Vũ Khiêu: “Bao nhiêu nước mắt khóc Bác Hồ, gần nửa thế kỷ sau bao nhiêu nước mắt lại khóc bác Giáp”. Nhà sử học Dương Trung Quốc gọi ông là Nhân tướng, vị tướng đại dũng, đại đức, đại nhân. Dù nói ra, hay im lặng nhưng không gì là dân không biết. Ai sống ra sao, ai sống vì dân, vì nước, ai sống chỉ lo thu vén cho mình, nhà mình, không gì là dân không biết. Đám tang vị danh tướng - học trò gần gũi, xuất sắc của Bác Hồ, chúng ta chứng kiến những gì đẹp nhất của lòng dân, con Lạc cháu Hồng. Đã lâu rồi, người dân như có chung một nỗi niềm. Đại tướng xa rời trần thế về với thế giới người hiền, tiếng khóc nghẹn lại. Cả dân tộc như có chung một tổn thất chẳng gì bù đắp được, ai ai cũng như xích lại gần nhau, bên nhau, cùng nhau trong niềm đau thương chung. Cả dân tộc nắm tay nhau, thể tất mọi phiền muộn thường ngày, nghiêng mình trước một nhân cách lớn, không bao giờ quỳ gối trước bất cứ thế lực nào, bất cứ kẻ thù nào, dù to lớn - cường quyền, hung hãn đến mấy. Dân đã thờ ai, chẳng bao giờ nhầm. Lòng dân là vậy, mãi mãi như vậy.
Sau khi đánh đuổi được giặc Minh khỏi bờ cõi, cụ Nguyễn Trãi đã tấu trình với vua Lê Lợi khi được hỏi, cái gốc của mọi lễ nhạc là lòng dân, là làm sao cho nơi thôn cùng, xóm vắng không có tiếng kêu than. Tư tưởng đó của cụ Nguyễn Trãi vẫn vẹn nguyên tính thời sự cho đến ngày nay. Từ đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ngẫm ra nhiều điều hệ trọng về lòng Dân, ý nguyện của Nhân dân.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một nhà báo đích thực. Ông viết báo, làm báo - lấy báo chí làm vũ khí chiến đấu thực hiện lý tưởng cách mạng cao cả. Ông am tường sâu sắc nghề báo. Lúc sinh thời, ông rất quan tâm đến hoạt động báo chí, dành nhiều tình cảm cho phóng viên trong và ngoài quân đội. Uy tín, tầm ảnh hưởng của ông trong báo giới gần như tuyệt đối. Đám tang của Đại tướng - trước, trong và sau đại tang - hàng ngàn bài viết, tấm ảnh, trang báo, chương trình phát thanh - truyền hình được thực hiện trong nước mắt, với niềm tiếc thương vô hạn Đại tướng - Nhà báo Võ Nguyên Giáp.
Đón Tết Giáp Ngọ - 2014, hơn một trăm ngày Đại tướng về cõi Tiên. Đất nước, non sông, hàng triệu triệu con tim - tấm lòng kính trọng, thương tiếc ông vô hạn, vị nhân tướng huyền thoại của Nhân dân!
Hà Yên
Nguồn: Tạp chí Người làm báo
Thiên tình sử làng báo thế kỷ 20
Submitted by nlphuong on Sun, 02/02/2014 - 09:25Ghi lại tư liệu 5 cuộc chiến lớn, bao trùm hơn 20 năm chiến tranh khốc liệt nhất của thế kỷ XX, trong đó có hàng loạt bức ảnh chiến tranh kinh điển, Robert Capa đã được vinh danh là phóng viên ảnh chiến trường vĩ đại nhất thế kỷ 20. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng Robert Capa còn là nhân vật chính của câu chuyện tình được xem là đẹp nhất làng báo thế kỷ 20. Càng không nhiều người biết rằng một nửa yêu thương của tay máy người Tây Ban Nha lừng danh này cũng là một nữ phóng viên chiến trường quả cảm.
Tình đồng nghiệp trở thành tình yêu
Robert Capa và Gerda Taro tác nghiệp trên chiến trường. |
Nghề báo thực sự đã là “ông tơ, bà nguyệt” trong câu chuyện tình Robert Capa - Gerda Taro. Đôi uyên ương, dù cùng chung gốc gác Hungary trong huyết quản nhưng lại đến từ hai quốc gia khác nhau: Gerda Taro, tên thật là Gerta Pohorylle, lớn lên trong một gia đình người Đức - Hungary gốc Do Thái ở thành phố Stuttgart, miền nam nước Đức, còn Robert Capa, tên khai sinh là Andre Friedmann sinh ra tại thủ đô Budapest (Hungary) và định cư ở Paris (Pháp). Thêm nữa, Gerda Taro hơn Robert Capa đến 3 tuổi (Gerda Taro sinh năm 1910 còn Robert Capa sinh năm 1913).
Năm 1933, Gerda Taro bị bắt vì phát hành tờ rơi chống phát xít, sau khi được trả tự do vào năm 1934, Taro bị buộc rời khỏi nước Đức, tới lánh nạn tại Paris, Pháp. Cũng trong thời điểm này, Andre Friedmann cũng phải chọn Paris làm nơi định cư để trốn chạy sự truy đuổi của Đức quốc xã. Cách biệt về tuổi tác, khác nhau về nguồn gốc xuất thân nhưng hoàn cảnh xô đẩy đã khiến hai con người xa lạ dần xích lại bên nhau. Tuy nhiên, những tương đồng trong công việc mới thực sự là ngọn lửa nhen nhóm lên tình yêu giữa họ. Công việc của một phóng viên - BTV nhiếp ảnh cho hãng ảnh Alliance Photo đã giúp Taro có nhiều cơ hội được gặp gỡ với Endre Friedmann, lúc ấy đang là một nhiếp ảnh gia tự do, vẫn thường cộng tác với Alliance Photo. Từ một mối quan tâm chung: nhiếp ảnh, Andre Friedmann và Gerda Taro đã “say” nhau lúc nào không biết. Chỉ rõ một điều rằng tình yêu dường như đã là nguồn động lực bất tận để Andre Friedmann - Gerda Taro làm việc và làm việc không ngừng, bất chấp mọi nguy hiểm. Giữa họ, dường như không chỉ là một đôi tình nhân đơn thuần mà còn là cặp bài trùng ăn ý. Chàng dạy nàng về nhiếp ảnh còn nàng dạy chàng cách hoàn thiện bản thân. Họ đã kề vai sát cánh trên những hành trình rong ruổi gian nan và cũng đầy lãng mạn.
Yêu Andre Friedmann, giờ đã đổi tên thành Robert Capa, Gerda Taro chấp nhận lùi về phía sau, làm hậu phương vững chắc giúp người yêu thương mau thăng tiến. Trên cương vị là trợ lý riêng của Robert Capa, Gerda Taro đã vạch ra cho chàng nhiếp ảnh gia tài năng một kế hoạch tác nghiệp bài bản, công phu. Thậm chí, Gerda Taro còn vạch ra một chiến dịch quảng bá tên tuổi cho Robert Capat, rằng “Robert Capa là nhiếp ảnh gia tuyệt vời”.
Nữ phóng viên chiến trường đầu tiên tử trận
Khi cuộc nội chiến Tây Ban Nha nổ ra vào năm 1936, Robert Capa và Gerda Taro đã chớp lấy cơ hội để nâng cao chuyên môn của họ, đồng thời tham gia vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít. Chính tại đây, ngày 5/9/1936, Capa đã có cho mình một trong những bức ảnh để đời mang tên The Falling Soldier - chớp lại được khoảnh khắc ngã xuống của người lính dân quân anh dũng. Sau Barcelona, họ tiếp tục đi hàng trăm cây số đến Aragon, Madrid, Toledo, Cordoba. Giống như trước, các bức ảnh họ gửi đã được các tờ báo ở Paris đón nhận nồng nhiệt.
Nhưng mọi chuyện không thể mãi êm đềm. Giấc mơ nào đẹp đến mấy cũng đến hồi kết thúc. Dường như định mệnh đã sắp đặt cho Taro một kết cục cuối cùng. Trong các chuyến tác nghiệp trước, bà thường đi chung với Robert Capa, nhưng chuyến đi ngày 25/7/1936 ấy, người đồng hành với bà là nhiếp ảnh gia người Canada, Ted Allan. Muốn chứng tỏ bản thân cũng như sở hữu những hình ảnh ấn tượng nhất, nữ phóng viên người Đức đã không màng tới nguy hiểm, khiến bản thân rơi vào tình huống không thể kiểm soát nổi. Ngày hôm đó, Gerda Taro lăn lộn trong các đường hào ở Brunete, phía Tây Madrid, thủ đô Tây Ban Nha, cùng những người lính Cộng hòa. Bom dội và máy bay oanh tạc mặt đất, nhưng Taro vẫn không ngừng chụp ảnh. Say nghề tới mức Taro nhảy cả lên một xe ô tô đang chở thương binh để tác nghiệp. Nhưng bất hạnh đến thật bất ngờ. Chiếc xe ô tô Taro đang đứng tác nghiệp đột ngột đụng phải một chiếc xe tăng. Gerda Taro bị nghiền nát và mất vào ngày hôm sau ở một bệnh viện gần đó. Theo ghi nhận của báo chí thế giới, Gerda Taro đã trở thành nữ phóng viên chiến trường đầu tiên tử trận.
Trả lại tên cho em
Sau cái chết của Gerda Taro và cả khi Taro còn sống, dường như những thành quả công việc của bà đều đã bị đồng hóa với công việc của người tình, Robert Capa. Vì thế, nếu tên tuổi của Robert Capa được công nhận ở tầm quốc tế, Gerda Taro gần như bị quên lãng. Sau cái chết của Robert Capa vào năm 1954 ở Thái Bình (Việt Nam), cái tên Gerda Taro chỉ thảng được nhắc đến một cách hết sức khiêm tốn. Nếu không có hé lộ của Susana Fortes, trong cuốn tiểu thuyết Waiting for Robert Capa, viết về chuyện tình Robert Capa - Gerda Taro, hay cuốn sách Gerda Taro: Inventing Robert Capa của tác giả Jane Rogoyskaya, cùng 2 bộ phim về cuộc đời Taro, sẽ chẳng mấy ai biết được rằng chính Gerda Taro đã là một phần đáng kể trong sự nghiệp huy hoàng của Robert Capa. Năm 2007, người ta tìm thấy một chiếc vali ở Mexico, trong có 4.500 tấm phim, ảnh của Capa, Taro và đồng nghiệp của họ. Trong số này có cả những hình ảnh của Taro mà trước đây vẫn được cho là của Capa. Đơn cử như bức The Falling Soldier lừng danh. Năm 2010, ICP đã tổ chức triển lãm những bức ảnh của Taro.
Từ giờ khắc ấy, công chúng nhiếp ảnh mới rõ một điều rằng, làng nhiếp ảnh báo chí thế kỷ 20 không chỉ có Margaret Bourke-White, Martha Gellhorn, Marie Colvin… mà còn có Gerda Taro - một phóng viên ảnh can đảm được cả thế giới ngưỡng mộ. Rằng, Gerda Taro là một cái tên xứng đáng được công chúng tôn vinh vì những cống hiến bất chấp giới tính cho nhiếp ảnh hơn việc chỉ là người phụ nữ sau lưng, “núp bóng” nhiếp ảnh gia huyền thoại Robert Capa.
Hà Hồng
Nguồn: Nhà báo và Công luận
Cám ơn nhà báo!
Submitted by nlphuong on Sat, 01/02/2014 - 08:15Thêm một mùa xuân mới lại về, báo chí lại nở rộ như hoa mùa xuân đa sắc màu và đa chủng loại. Kế thừa truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, những người làm báo luôn là những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng - văn hoá góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân ta bước vào một năm mới với nhiều thắng lợi mới.
Hội báo xuân tỉnh Anh Giang 2014 (Ảnh: baoangiang.com.vn) |
Đúng như Bác Hồ dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng, cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Còn nguyên Tổng Bi thư Lê Khả Phiêu đã nói: “… Là nhà báo chân chính phải lựa chọn xử lý thông tin nhanh chóng trung thực, chính xác, phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của công chúng, đúng định hướng chính trị của Đảng. Tác động tích cực có hiệu quả đến tiến bộ xã hội. Đó là sức mạnh của báo chí, trách nhiệm xã hội của báo chí…”.
Bác Hồ dạy: “Người làm báo phải luôn tâm niệm: Mình phục vụ ai? Viết cho ai? Và viết như thế nào?...”. Những người làm bao là những người có bản lĩnh chinh trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, ngoài ra họ còn có năng lực nghề nghiệp. Nói đến báo chí là nói đến tiếng nói của Đảng, mục đích của Đảng là làm cho dân giàu, nước mạnh, đấu tranh chống tiêu cực, bài trừ các tệ nạn xã hội giữ vững chinh trị. Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi nhà báo cần nắm bắt vấn đề, xử lý thông tin chuẩn xác bằng bản lĩnh chính trị kiên cường, bằng đạo đức nghề nghiệp trong sáng và trình độ chuyên môn giỏi.
Chất lượng báo chí luôn là mục tiêu hàng đầu của một tờ báo trong đó bao gồm chính trị, văn hóa, khoa học, để đạt tới chuẩn mực: Đúng, hay, đẹp và có hiệu quả kinh tế, xã hội ngày càng cao. Báo chí nước ta sau 28 năm đổi mới đã có bước phát triển vượt bậc về số lượng, chất lượng và đã hình thành một thị trường báo chí hết sức sôi động.
Từ bao cấp đã chuyển sang tự cung, tự cấp “Báo nuôi báo” đó là một bước tiến vượt bậc. Tạo được một thị trường báo chí là một bước phát triển rất lớn. Bắt được hơi thở của nhịp sống đất nước, nhiều tờ báo đã đầu tư cải tiến không những về kỹ thuật in ấn mà còn tăng thêm trang và các chuyên mục có nội dung hợp với cuộc sống đang phát triển hiện nay, đồng thời tránh cho tờ báo không bị khô cứng một chiều.
Đã có không ít tờ báo cập nhật thông tin rất nhanh chóng cac vấn đề nóng hổi, bức xúc trong đời sống thực tế, diễn biến hàng ngày của đất nước, nên đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân đón nhận. Có nhiều trang báo in thêm trang màu, đưa thêm nhiều chuyên mục như: Gia đình xã hội, bóng đá, thời trang, văn học nghệ thuật… làm phong phú thêm “mâm cơm” tinh thần, khiến cho người đọc càng thêm tò mò muốn đọc.
Báo chí hấp dẫn có nhiều người đọc mới đưa được chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước xuống tận người dân. Báo chí mà người đọc không quan tâm tức là tờ bao đó không có tác dụng, hiệu quả chính trị xã hội chưa cao. Báo chi là phải phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Nhà báo cũng là người lao động bằng tri tuệ, chất xám của mình. Họ đã làm ra được sản phẩm báo chí có chất lượng cao, vừa có ích cho Đảng, cho xã hội vừa hấp dẫn lại vừa bán chạy ở thị trường. Đó là trách nhiệm vừa là lương tâm của người làm báo trong thời kỳ đổi mới của đất nước.
Mùa xuân về, cầm những tờ báo xuân trên tay với đủ “sắc hồng ngàn tia”, ta mới cảm nhận hết được sức lao động, sự sáng tạo miệt mài không ngơi nghỉ của những người làm báo để có được món ăn tinh thần cho độc giả trong những đầu xuân năm mới. Xin cảm ơn những người làm báo trong cả nước.
Hoàng Bích Hà
Nguồn: Nhà báo và Công luận
Báo chí không chỉ cung cấp thông tin mà còn phải tuyên truyền để xây dựng lòng tin
Submitted by nlphuong on Fri, 31/01/2014 - 07:15Năm 2013, báo chí đã làm tốt vai trò là cầu nối của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội với nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại tình trạng báo chí thông tin thiếu chọn lọc, nội dung giật gân, câu khách, chất lượng nghiệp vụ của báo chí; công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên nhiều nơi còn buông lỏng. Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã khẳng định như vậy trong cuộc trò chuyện đầu năm cùng báo Nhà báo và Công luận.
Báo chí đã làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình
+ Trên cương vị là “tư lệnh tối cao" của ngành truyền thông, ông đánh giá thế nào về bức tranh toàn cảnh báo chí Việt Nam trong năm 2013?
- Hiện nay, cả nước có 838 cơ quan báo chí in, 92 báo, tạp chí điện tử, 67 đài phát thanh, truyền hình, trong đó số lượng cac kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá là 179 kênh, với 104 kênh chương trình truyền hình quảng bá. Mặc dù bao chí đang gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn nỗ lực đổi mới về nội dung và hình thức, đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin của người dân.
Trong năm 2013, bối cảnh tình hình quốc tế có những diễn biến phức tạp, nền kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn nhưng có thể nói bao chi đã làm tốt vai trò, trach nhiệm là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân, với những kết quả đang ghi nhận. Trước hết, cần phải khẳng định rằng, cac cơ quan bao chi đã thực hiện tốt nhiệm vụ chinh trị của mình, thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chinh trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế; kịp thời phat hiện, đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng, lãng phi và cac hành vi tiêu cực xã hội khác, tham gia giam sát, phản biện chính sách, phát huy quyền làm chủ của người dân thông qua diễn đàn bao chí; phat huy tính chủ động, sáng tạo, tich cực tuyên truyền các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ nhằm phat triển kinh tế, ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chinh phủ.
Có thể nói, những thuận lợi, khó khăn của tình hình trong nước, cùng với xu thế toàn cầu hóa thông tin và sự bùng nổ của truyền thông xã hội đã tác động trực tiếp đến hoạt động báo chí, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan chủ quản và sự nỗ lực của các cơ quan báo chí và hàng vạn nhà báo, báo chí nước ta đã khẳng định vai trò, sứ mệnh hết sức cao cả là thông tin, tuyên truyền, xây dựng lòng tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, huy động mọi sức mạnh của toàn xã hội vượt qua khó khăn thử thach đưa đất nước tiếp tục đi lên.
Quy hoạch báo chí: khó nhưng không thể không làm
+ Tại kỳ họp thứ 6 QH Khóa XIII, Bộ trưởng có đề cập tới vấn đề quy hoạch báo chí Việt Nam. Bộ trưởng có thể vui lòng cho biết khái quát về việc quy hoạch này và tại sao lại đặt ra vấn đề quy hoạch báo chí trong thời điểm này, thưa ông?
Quy hoạch bao chi được đặt ra trên cơ sở đòi hỏi khách quan từ thực tiễn phat triển của hệ thống báo chí. Đó là vẫn còn sự chênh lệch lớn về sự hưởng thụ thông tin bao chí giữa cac khu vực, địa bàn, vùng, miền. Mặc dù, chúng ta có nhiều bao chí nhưng chất lượng chưa tương xứng, còn chồng chéo về tôn chỉ, mục đich, nội dung, đối tượng phục vụ, dẫn đến việc báo chí khai thác thông tin thiếu chọn lọc, nội dung giật gân, câu khach, làm giảm chất lượng chính trị, chất lượng văn hoa, chất lượng khoa học, chất lượng nghiệp vụ của báo chí; công tác quản lý, giáo dục chinh trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên nhiều nơi còn buông lỏng; vai trò quản lý Nhà nước, vai trò của cơ quan chủ quản báo chí được phát huy nhưng hiệu lực quản lý còn hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển của các loại hình báo chi trong tình hình mới. Ngoài ra, chúng ta chưa nghiên cứu, phân loại, xac định tinh chất, nhiệm vụ của bao chi để có cơ chế, chinh sách phù hợp.
Mục tiêu phát triển trong lĩnh vực bao chí hiện nay là xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, có đủ khả năng đap ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phat triển đất nước, hội nhập quốc tế. Do vậy, chúng ta sắp xếp lại cac cơ quan bao chi trên cơ sở xác định rõ điều kiện hoạt động, tôn chỉ, mục đich, đối tượng phục vụ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động bao chi, từ đó xây dựng cơ chế tài chinh, chinh sách tài trợ đặt hàng đối với cac ấn phẩm báo chí, cac chuyên mục, chương trình, kênh chương trình phát thanh, truyền hình phục vụ nhiệm vụ chinh trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu; đồng thời phát triển mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện trên cơ sở thi điểm xây dựng một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm. Quy hoạch chính là để quản lý, để phát triển sự nghiệp báo chí nước nhà theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, phục vụ ngày càng tốt hơn mọi nhu cầu của xã hội đối với bao chí.
+ Quy hoạch báo chí là cần thiết nhưng có nhiều ý kiến cho rằng đây là một “cuộc cách mạng lớn”, rất khó để thực hiện một cách triệt để, rốt ráo, Bộ trưởng có đồng ý với quan điểm này?
- Hiện nay, hiện trạng phat triển của hệ thống báo chí với những bất cập của nó đang đặt ra cho chúng ta những vấn đề lớn trong công tác quy hoạch cần được thống nhất từ nhiều phía. Mục tiêu của quy hoạch là làm cho nền bao chí của chúng ta ngày càng lớn mạnh, do đó, công tác quy hoạch có thể còn nhiều việc phải làm nhưng chúng ta phải kiên trì, thực hiện từng bước, vướng mắc ở khâu nào thì thống nhất để tháo gỡ, có như vậy mới đạt kết quả mà mục tiêu quy hoạch đề ra.
Có thể nói quy hoạch báo chí là một việc khó, nhất là trong tình hình hiện nay, song là một việc không thể không làm vì đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước các cấp đối với báo chí đã được quy định trong Luật Báo chí hiện hành. Quy hoạch chinh là cơ sở để quản lý báo chí, để góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng nước nhà chuyên nghiệp, hiện đại, đủ, hợp lý về số lượng, cao về chất lượng, đóng góp ngày càng xứng đang cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Quan tâm đầu tư nhiều hơn đến báo điện tử
+ Nói về quy hoạch báo chí, Bộ trưởng cũng cho biết sẽ tập trung vào nâng cao chất lượng báo điện tử để sẽ đưa báo điện tử trở thành loại hình truyền thông chủ lực, hiện đại với nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng không nên dành quá nhiều sự ưu ái cho các trang thông tin mạng, báo điện tử khi chính loại hình truyền thông này là thủ phạm chính gây ra cái gọi là “khuynh hướng” báo lá cải, thông tin sai lệch, thiếu định hướng trong làng truyền thông Việt Nam hiện nay?
- Đúng là trong thời gian vừa qua, nhiều thông tin được đăng trên bao điện tử và cac trang thông tin điện tử có nội dung sai sự thật, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam. Về những vi phạm này, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung xử lý nghiêm khắc, đồng thời hoàn thiện các văn bản quy phạm phap luật để quản lý tốt lĩnh vực này. Tuy nhiên, thực tế thì báo điện tử đang và sẽ ngày càng chiếm ưu thế trong thông tin, tuyên truyền. Trong xu thế phat triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội hiện nay, nâng cao chất lượng báo điện tử chính là nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền nhằm phục vụ có hiệu quả phat triển kinh tế, xã hội của đất nước. Thông tin chinh thống càng nhanh bao nhiều, những thông tin xấu trên mạng và trong dư luận xã hội càng bị hạn chế bấy nhiêu. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để báo chí của chúng ta làm chủ về thông tin. Báo điện tử nếu được quan tâm đầu tư về nguồn nhân lực, tài chinh và cơ chế chính sách sẽ đáp ứng tốt nhiệm vụ mà mục tiêu quy hoạch đề ra.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí
+ Người xưa có câu “lúa tốt thì không còn cỏ dại”. Rõ ràng bên cạnh những mặt tích cực, báo chí vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Trong năm 2014, Bộ Thông tin và Truyền thông, trên tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí sẽ làm như thế nào để chúng ta có nền báo chí truyền thông vận hành thực sự hiệu quả, nề nếp và lành mạnh?
- Báo chí không chỉ đưa tin, cung cấp thông tin, mà còn chinh là phải thực hiện tốt nhất chức năng tuyên truyền để xây dựng lòng tin. Muốn báo chí làm tốt nhiệm vụ xây dựng lòng tin, hạn chế việc phản ánh những cái xấu, cai tiêu cực trong xã hội thì cần phải xây dựng một xã hội tốt. Việc làm này đòi hỏi phải có sự tham gia của toàn xã hội, của cả hệ thống chinh trị, cac ngành, cac cấp, cac tổ chức xã hội. Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, mặt ưu điểm của báo chí sẽ là chủ đạo, những hạn chế, yếu kém sẽ được khắc phục. Để làm được điều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong công tac quản lý nhà nước, từ việc hoàn thiện hệ thống phap luật về bao chi, cụ thể là trong năm 2014, việc sửa đổi Luật Bao chi sẽ tiếp tục triển khai để trình Quốc hội vào năm 2015. Bên cạnh đó, công tac thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tiếp tục được tăng cường; công tac đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ can bộ báo chí tiếp tục được chú trọng, đặc biệt, đề cao trach nhiệm của cơ quan chủ quản trong quản lý cơ quan báo chí thuộc quyền. Cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cac cơ quan báo chí và hàng vạn phóng viên, biên tập viên; sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cơ quan chỉ đạo, quản lý bao chi và cơ quan chủ quản bao chí, chúng ta tin tưởng rằng năm 2014 sẽ là năm báo chí gặt hái được những thành công, xứng đang với niềm tin mà Đảng, Nhà nước dành cho giới báo chí nước nhà.
Hồng Sâm - Ngọc Lành (Thực hiện)
Nguồn: Nhà báo và Công luận
Thư chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
Submitted by nlphuong on Thu, 30/01/2014 - 23:20Nhân dịp năm mới 2014, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng,Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã có Thư chúc mừng gửi toàn thể cán bộ, hội viên, những người làm báo cả nước. BBT xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Đồng chí Thuận Hữu - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (Ảnh: congluan.vn) |
Nhân dịp năm mới 2014, Xuân Giáp Ngọ, thay mặt Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, tôi thân ái gửi tới toàn thể cán bộ, hội viên, những người làm báo và qua các đồng chí tới gia đình, lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất.
Trong năm 2013, các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương đã thể hiện rõ vai trò là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, đồng hành cùng đất nước và dân tộc trong quá trình xây dựng và phát triển. Hội đã tích cực tham gia công tác quản lý, chỉ đạo báo chí, tập hợp, động viên, đoàn kết hội viên - nhà báo phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, đồng thời quan tâm bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ và xây dựng tổ chức hội trong sạch, vững mạnh.
Đội ngũ hơn 20 nghìn hội viên - nhà báo trong cả nước thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Đảng, với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, có ý thức nâng cao trình độ nghiệp vụ, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng cao. Báo chí đã tuyên truyền, cổ vũ thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin đầy đủ, khách quan tình hình trong nước và quốc tế, tạo sự đồng thuận xã hội để đưa đất nước vượt qua khó khăn, vươn lên phía trước.
Sang năm mới, để tiếp tục thực hiện những dự định tốt đẹp, những mục tiêu đã đặt ra, các cấp Hội, hội viên - nhà báo cần nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, phát huy truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, khắc phục các yếu kém hạn chế để phục vụ đắc lực hơn nữa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, sự tin yêu của nhân dân.
Chúc các đồng chí một năm mới dồi dào sức khỏe, gia đình hạnh phúc, đạt nhiều thành tích trong công tác báo chí.
Thân ái và quyết thắng!
Thuận Hữu,
Ủy viên BCH Trung ương Đảng,
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
Làm báo thời MS-DOS
Submitted by nlphuong on Thu, 30/01/2014 - 07:00Mới hôm rồi tình cờ thấy một bàn máy đánh chữ cũ kỹ nằm ở góc phòng khách nhà người quen, ký ức về những ngày làm báo cách đây hơn 20 năm lại quay về. Tháng 9-1991, tôi vào làm cho tờ Vietnam Investment Review (VIR) khi tờ báo này chuẩn bị ra mắt số đầu tiên. Đây là tờ tuần báo bằng tiếng Anh chuyên về kinh tế đầu tiên của Việt Nam do Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cùng một số nhà báo người Úc thực hiện. Còn chừng ba tuần nữa là đến ngày ra báo thế mà các tay nhà báo Úc nhởn nhơ như không. Nick Mountstephen rủ tôi ra Lê Lợi mua đồ nghề. Loay hoay một hồi chúng tôi chở về chừng bốn chiếc bàn máy chữ loại xài rồi.
Ảnh: Uyên Viễn. |
Các bạn phóng viên trẻ giờ này chắc không hình dung nổi, đến thập niên 1990 rồi mà nhà báo vẫn phải viết tay là chủ yếu, ai dùng bàn máy chữ để viết tin là đã “tân tiến” lắm rồi. Mua máy chữ hôm trước, hôm sau chúng tôi lại phải ra nhà sách mua đủ loại bút xóa để “tẩy tẩy, xóa xóa” chứ không lẽ cứ gõ vài dòng là quẳng vào thùng rác, thay giấy khác.
Trong tòa soạn lúc ấy có anh Hoàng Ngọc Nguyên, là cây bút chủ lực của VIR trong những ngày đầu nhưng vẫn giữ vai trò người xuất bản tờ Saigon News Reader bán chạy trong giới đầu tư nước ngoài ở Sài Gòn dạo đó. Anh Nguyên là “phù thủy” trong sử dụng bàn máy chữ để “sản xuất” tờ báo này - một mình anh vừa làm phóng viên, biên dịch viên, người dàn trang, người gõ bài - tất cả thực hiện trên bàn máy chữ. Cái tài của ảnh là làm sao canh chừng để tin chấm dứt đúng cột, đúng khuôn khổ. Thậm chí vì tờ báo chỉ bằng khổ giấy A4 nhưng cũng chia thành hai cột, anh vừa gõ tin của cột này, vừa gõ tin của cột bên kia! Sản xuất xong tờ báo (thường là buổi sáng, dịch tổng hợp mọi tin kinh tế chính của báo trong nước), anh cho người photocopy thành mấy trăm bản và phân phối đến các văn phòng đại diện các công ty nước ngoài khắp thành phố. Bảo đảm giờ có đủ phương tiện trong tay, kể cả phần mềm dàn trang trên máy tính, khó lòng kiếm ra người có thể làm ra tờ báo trong vòng mấy tiếng đồng hồ như anh Nguyên.
VIR cũng là nơi đầu tiên mua tin các hãng thông tấn nước ngoài, tôi nhớ hình như mua tin của AFP trước tiên. Lúc đó vì chưa có máy tính, chỉ có máy fax, thế là tin từ AFP liên tục đổ về, chạy ra ào ào từng cuộn giấy. Lúc đầu tôi hăm hở đọc hết vì chưa bao giờ có dịp tiếp cận tin nhiều và nóng hổi như thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau là đầu hàng không kham nổi.
Chất liệu đầu vào là tin bài đánh máy hay nhận bằng fax nên khi đưa xuống nhà in, nhân viên phòng máy phải gõ vào một lần nữa. Nhiệm vụ của bọn tôi là ngồi bên cạnh để sửa lỗi vì nhân viên đâu rành tiếng Anh, gõ sai là chuyện thường. Nhưng cũng nhờ thế bọn tôi tiếp xúc rất sớm với máy tính, dù chỉ là gõ văn bản.
Cũng may là một thời gian ngắn sau, các tay nhà báo người Úc không biết kiếm đâu ra được mấy máy vi tính đời 286 và 386, màn hình đơn sắc, có cái không có ổ cứng. Muốn khởi động, trước tiên phải bỏ vào ổ đĩa mềm loại 5,25 inch đĩa chương trình MS-DOS để chạy. Máy chạy rồi mới lấy đĩa ra, bỏ đĩa chương trình Word Perfect vào. Lúc đó Microsoft Word chưa thịnh hành, ai nấy đều dùng Word Perfect 5.1. Cũng chẳng ai bày, tôi mày mò bấm F1 (chương trình giúp đỡ) và tự học các phím tắt để sử dụng phần mềm này viết bài. Các bạn trẻ ngày nay ắt cũng khó hình dung màn hình máy tính lúc đó không phải ở dạng “What you see is what you get” như hôm nay, nó chỉ là một màn hình đen hay xanh với con trỏ là dấu gạch ngang nhấp nháy. Phải học thuộc các lệnh để trình bày và xử lý văn bản. Tính toán thì có Lotus 1-2-3 chứ chưa có Excel, cơ sở dữ liệu thì dùng dBase chứ đâu đã có Access.
Trưa, lúc mọi người chợp mắt, tôi tò mò mở máy ra “vọc”, cứ thử hết file exe này đến file com khác. Nhiều lúc chỉ gõ lệnh cls để khoái trá thấy màn hình dọn sạch trơn. Thấy file command.com “không dùng làm gì cả”, bèn xóa (đây là file chủ chốt của hệ điều hành MS-DOS), tiện tay xóa luôn các file autoexec.bat và config.sys vì cứ nghĩ để chúng làm gì cho chật chội. Dại dột đến thế, may nhờ có các anh kỹ thuật viên dưới phòng máy nhà in lên phục hồi giùm.
Có nhiều chuyện cười ra nước mắt như thế - chẳng hạn một sếp VIR một hôm kêu ầm lên là máy hỏng, kỹ thuật phải vào sửa gấp. Hóa ra hôm trước ổng nhét ổ đĩa mềm vào, viết bài và cuối ngày tắt máy quên lấy đĩa ra. Khi mở máy trở lại vì ổ đĩa mềm chỉ chứa dữ liệu chứ không phải ổ đĩa khởi động nên máy đứng cứng ngắc, làm sao chạy được. Lúc đó máy tính là một cái gì đó người ta phải đối xử như “nâng trứng, hứng hoa”; ai cũng nghĩ phải xây phòng riêng, lắp máy lạnh máy mới chạy! Ngày nay khi ổ cứng máy tính chừng 500GB, RAM 4GB, tốc độ xử lý trên 2GHz là chuyện thường có lẽ ít ai ngờ có thời máy tính chỉ có ổ cứng 30MB, tốc độ xử lý chỉ có 6MHz, còn RAM bao nhiêu thì chẳng ai biết nữa.
Nhờ có máy tính, công đoạn nhờ nhân viên nhà in gõ lại coi như không cần thiết nữa nhưng tôi và Alex McKinnon, một nhà báo Úc rất trẻ, vẫn phải thường xuyên xuống nhà in để theo dõi nhân viên dàn trang. Lúc đó phần mềm dàn trang phổ biến là Ventura, chạy chậm như rùa. Báo chí Việt Nam đã chuyển từ sắp chữ chì sang dàn trang trên máy tính nhưng tít vẫn phải vẽ tay và co chữ, font chữ thì rất linh hoạt, bài dư một chút thì bung ra, thiếu một chút thì co lại, bất kể nguyên tắc trình bày báo. Tờ VIR với những nguyên tắc không thể du di phải cử người xuống phòng máy để hỗ trợ nhân viên dàn trang cắt tin bài hay chọn bài khác cho vừa chỗ chứ không co dãn cỡ chữ. Cũng nhờ vậy mà học sơ qua Ventura rồi sau này là PageMaker và QuarkXPress.
Những năm đó, công nghệ thông tin có những bước tiến nhảy vọt, máy tính lên đời 386, 486 và cuối cùng Windows 3.1 ra đời. Một điều lạ là máy mạnh lên nhưng phần mềm ngày càng nặng nề nên cứ phải nâng cấp phần cứng liên tục. Tôi nghĩ cả thế giới trong một thời gian dài làm ra bao nhiêu là đổ tiền cho Bill Gates và các hãng phần cứng, chẳng lạ gì anh chàng này trở thành tỉ phú trong một thời gian ngắn. Còn nhớ đó là thời gian vàng son của máy PC, cứ vài tháng là có con chip mới, cuộc đua tốc độ xử lý cứ mải miết chạy, đến mấy năm gần đây mới tạm dừng.
Có lẽ cũng vì lần đầu tiên tiếp xúc với công nghệ, giới làm báo lúc đó có sự tò mò, thích tìm tòi ứng dụng công nghệ vào công việc mà dường như thiếu vắng trong giới phóng viên trẻ ngày nay. Tôi nhớ lúc đó một chuyên viên kỹ thuật người Úc đang xây dựng cơ sở dữ liệu cho toàn bộ các số báo VIR vào một đĩa CD, truy xuất dễ dàng. Lúc rảnh rỗi anh này giúp bọn tôi viết các macro để tự động hóa các khâu biên tập. Các bạn biên tập viên đều biết bài nhận từ nhiều nguồn sẽ có nhiều cách viết khác nhau nên việc đầu tiên là chuyển hết về phong cách mà tờ báo đang áp dụng. Anh thu gom hết mọi biến thể, mọi sửa đổi mà các biên tập viên chỉnh sửa bài vào thành một macro (tập hợp các lệnh thực hiện tự động) chạy ngay trong MS Word. Biên tập viên nhận bài, chỉ cần bấm một nút, ngay lập tức máy sẽ tự động rà soát biên tập kỹ thuật cho mình - rất nhanh và rất tiện.
VIR in được hai số ở TPHCM thì phải chuyển ra in ngoài Hà Nội. Nick, Alex và tôi khăn gói ra thủ đô, hành lý lúc đó chỉ là cây thước để vẽ ma két báo. Mọi chuyện lặp lại với nhà in báo Hà Nội mới. Mấy tháng sau, bộ máy tạm ổn, tôi quay về TPHCM thì nảy sinh việc liên lạc bài vở giữa hai đầu đất nước. Một thời gian dài chúng tôi phải dùng fax, lại phải quay về cách nhờ nhân viên phòng máy gõ lại bài đã gõ trong Sài Gòn. Sau một thời gian mày mò, bọn tôi mua hai cái modem, nối với đường dây điện thoại. Cách làm thật thủ công, bây giờ ai nhìn vào ắt phải cười ngất. Sau khi thu gom chừng năm bài từ văn phòng TPHCM, tôi gọi điện cho Lê Quốc Vinh, phóng viên ngoài Hà Nội, hai bên cùng mở modem lên và quy ước, “một, hai, ba” cùng nhấn enter để đường dây thoại chuyển thành đường dây data, hai modem sau một hồi rè rè, rít rít đã bắt tay được với nhau và hai máy mới bắt đầu chuyển bài cho nhau. Thủ công là vậy nhưng “phát hiện” này giúp tiết kiệm cả đống thời giờ gõ lại bài cũng như tránh sai sót chính tả.
Tiếp theo đó là sự xuất hiện dịch vụ thư điện tử (e-mail). Thoạt tiên chỉ có Netnam (anh Trần Bá Thái) và Teltic (anh Nguyễn Anh Tuấn) cung cấp, mỗi ngày hai nơi này nối mạng với máy chủ ở Úc mấy lần để nhận thư và gửi thư. Tôi nhớ lúc đó anh Nguyễn Anh Tuấn, sau này làm Tổng biên tập tờ VietNamNet có vào Sài Gòn chơi và cho tôi một tài khoản e-mail. Từng cá nhân mỗi khi muốn nhận thư cũng phải truy cập một số điện thoại nào đó, modem cũng rít lên từng hồi trước khi kết nối vào được mạng máy chủ.
Tuy nhiên, e-mail là bước tiến làm thay đổi công nghệ làm báo mạnh mẽ (nên nhớ lúc đó chưa có Internet). Bọn tôi học được nhiều thủ thuật sử dụng e-mail mà nay hóa ra thừa thãi. Ví dụ mặc dù chưa có Internet, vẫn có thể lấy được tin bài từ một trang web bằng cách gửi e-mail đến một địa chỉ nào đó, trong tiêu đề ghi một dòng lệnh nào đó. Nhờ e-mail, nhà báo nay đã có thể gửi thư phỏng vấn người ở tuốt bên Mỹ hay bên Anh. Nhờ e-mail việc gửi bài thủ công theo kiểu “một, hai, ba” chúng ta cùng bấm enter đã biến mất.
Sau này cũng có nhiều công nghệ khác biến mất như thế. Chẳng hạn trong một thời gian dài, mặc dù đã dàn trang trên máy tính, vẫn phải in ra trên giấy can và nhân viên nhà in vẫn phải cắt dán thủ công toàn bộ tờ báo lên bảng súp-po. Sau này nhà in chuyển thẳng từ file nên nghề cắt dán (montage) này đã mai một. Nhớ khoảng năm 1989, tôi có dịp đưa một nhà báo nước ngoài đi chụp ảnh ở Huế. Lúc đó đám cưới chụp một hai cuốn phim màu là sang lắm rồi nên các bạn tưởng tượng tôi đã há hốc như thế nào khi anh chàng phóng viên ảnh này chơi một ngày hết 40 cuốn phim, loại 36 tấm mỗi cuộn. Nay máy kỹ thuật số chụp bao nhiêu không ai để ý và có lẽ mọi người cũng dần quên cuộn phim Kodak ngày xưa.
Năm 1997 lúc tôi chuyển về làm cho tờ Saigon Times Daily, công nghệ đã khá phổ biến. Chúng tôi mua tin của Reuters và truy cập tin bằng đường dây riêng. Lúc đó Reuters có gói dịch vụ Business Briefing thật tuyệt vì ngoài tin của Reuters người dùng có thể truy cập mấy ngàn tờ báo khắp thế giới, tin tức nóng hổi. Nay có Internet thì chuyện đọc báo khắp nơi là chuyện bình thường nhưng lúc đó, cứ tưởng tượng ngồi ở Sài Gòn mà có thể nhảy vào đọc tờ Time hay Washington Post mới phát hành là chuyện khó hình dung. Bọn tôi lúc đó cũng ăn gian, ví dụ đưa tin về hội nghị thượng đỉnh ASEAN ăn đứt báo bạn vì tiếp cận và tham khảo đủ loại tin bài mà phóng viên báo khác đưa lên mạng Business Briefing.
Cuối năm 1997, Việt Nam chính thức kết nối Internet. Ngay năm sau đó chúng tôi tổ chức cuộc thi thiết kế trang web trên tờ Saigon Times Daily mặc dù không biết gì nhiều về thiết kế web. Giám khảo là những nhân vật tin học nổi tiếng lúc đó như anh Hoàng Minh Châu của FPT, chị Đồng Thị Bích Thủy (Đại học Khoa học Tự nhiên) và hãng IBM đồng ý tài trợ giải thưởng cuộc thi là máy tính xách tay IBM, lúc đó có giá chừng 3.000 đô la! IBM còn cho mượn máy mạnh để giám khảo sử dụng chấm bài cho nhanh nữa. Bên cạnh nhiều thí sinh dùng màu sắc lòe loẹt, chữ chớp chớp, uốn lượn... vẫn có những người thiết kế các trang web đơn giản mà lại đẹp và sang trọng. Có lẽ nhiều bạn thí sinh thời đó đã theo nghề thiết kế web cho đến nay. Chẳng bao lâu sau hàng ngàn trang web Việt Nam lần lượt xuất hiện.
Nhìn lại, hoàn toàn không có gì tiếc khi phải bỏ công sức học nhiều lệnh trong DOS mà nay có ai xài nữa đâu, cũng không có gì ganh tỵ khi ngày xưa phải chật vật với ổ đĩa 1,2MB thường xuyên bị hỏng hóc so với các thanh USB vài ba GB mà phóng viên nào ngày nay đều phải có. Lúc đó để cài Microsoft Word phiên bản mới nhiều lúc cần đến 8, 9 đĩa mềm, mà có lúc cài đến đĩa số 7 nó lại báo hư mới tức. Chặng đường làm quen với công nghệ là một phần của nghề báo thời mở cửa - không thể đổi cho bất kỳ món gì - dù đó là chiếc kính Google Glass hay nắm xôi của thằng Bờm.
Nguyễn Vạn Phú
Nguồn: thesaigontimes.vn
Nghề báo xứ Chùa Vàng
Submitted by nlphuong on Wed, 29/01/2014 - 13:10Xuân 2014, quan hệ hợp tác báo chí Việt Nam - Thái Lan bước qua tuổi 20, một mốc son đáng nhớ trong quan hệ báo chí 2 nước. Cuối tháng 10-2013, đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam, do Chủ tịch Hội, nhà báo Thuận Hữu làm Trưởng đoàn đã có mặt ở thủ đô Bangkok tham dự các hoạt động kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ báo chí Việt-Thái. Báo Việt bàn chuyện báo Thái, cũng là một nét Xuân, góp phần làm sâu đậm thêm tình đồng nghiệp, sự tương đồng quan hệ đoàn kết, hữu nghị hợp tác giữa 2 nước.
Ông “vua” báo ở Phuket!
Phuket là hòn đảo du lịch kỳ thú, một trong những thiên đường nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á. Phuket, bên bờ Ấn Độ Dương còn được nhiều người biết đến bởi sức sống phi thường, sau trận tàn phá của cơn sóng thần lịch sử năm 2004.
Các đồng nghiệp Liên đoàn Báo chí Thái Lan có dụng ý khi sắp xếp chương trình mời đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam đến thăm Phuket đúng vào 2 ngày nghỉ cuối tuần. 20 năm báo chí 2 nước Việt Nam-Thái Lan thiết lập quan hệ, cũng là 20 lần Hội Nhà báo 2 nước tổ chức đoàn nhà báo chính thức qua lại gặp gỡ, giao lưu.
Đoàn nhà báo Việt Nam cùng Tổng Biên tập Amnat Jongyotying (ngoài cùng bên trái) và các đồng nghiệp nhật báo Pak Nua (Chiang Mai). Ảnh: Quốc Toàn |
Đây là lần đầu tiên bạn chính thức tổ chức một đoàn nhà báo Việt Nam đến thăm trung tâm du lịch nổi tiếng Phuket. Trên chuyến bay FD3025 của Hãng Hàng không Thái Air Asia, cất cánh từ Sân bay Suvarnabhumi-Bangkok, duy nhất chỉ có 1 công dân Phuket, 180 hành khách còn lại là du khách các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Pháp. Ngày cuối tuần, Sân bay quốc tế Phuket phục vụ 30 chuyến bay đến từ Bangkok dành cho du khách, không kể số du khách của 15 chuyến bay đến từ các sân bay quốc tế khác.
Đến Phuket, đoàn nhà báo Việt Nam có dịp tiếp xúc, gặp gỡ nhiều đồng nghiệp trên hòn đảo xinh đẹp. Phó Chủ tịch Hiệp hội Báo chí Suchart Hirankanokkul, cùng Trợ lý Tỉnh trưởng tiếp các nhà báo Việt Nam ngay trên bãi biển. Ông Suchart cho biết, Hiệp hội Báo chí Phuket có hơn 200 hội viên. Đảo phuket có 4 tờ báo in, 3 đài phát thanh, 2 hãng truyền hình cáp, trung tâm sản xuất chương trình và tiếp sóng của Đài Truyền hình quốc gia.
Ngày 23-9-2012, đoàn nhà báo Việt Nam đến thăm nhật báo Siangtai Times (Tiếng nói miền Nam), tại nhà số 1/25 đường Thepkrasattree, Muang, Phuket 83000. Ông Chaovapong Mekarakul, Chủ tịch Tập đoàn Siangtai Times nhiệt huyết, mến khách chuẩn bị đón các đồng nghiệp Việt Nam từ sáng sớm. Chaovapong xuất thân từ một gia đình công nhân nghèo, gốc Trung Hoa, có 6 anh em. Là anh trai lớn, lúc 15 tuổi ông đã là một thanh niên vừa bán báo, vừa làm thợ lắp kính và sửa chữa đồng hồ.
Xã hội Thái Lan ngày đó bị giới chủ và chính quyền o ép, người làm công ăn lương bị ức hiếp. Chaovapong nuôi tham vọng làm báo, để được phản ánh việc bị ức hiếp lên báo. Vừa tham vọng, vừa mê say nghiệp báo từ nhỏ, năm 1975, công việc kinh doanh đang thuận lợi, Chaovapong bàn giao nghề lắp kính và sửa chữa đồng hồ cho các em, gom góp được 5.000 bath, mua mảnh đất gần 1 ha làm nhà xưởng, để thực hiện ước nguyện làm báo, in báo, mặc cho mẹ và các em phản đối.
Chaovapong Mekaraku đã nói là làm, quyết không lùi bước. Ngày 16-10-1978, cách đây đúng 34 năm, báo Siangtai Times số đầu tiên phát hành rộng rãi ở Phuket và chỉ một thời gian ngắn sau đó đã lan tỏa rộng khắp toàn khu vực 14 tỉnh miền Nam Thái Lan. Từ tờ tuần báo, Siangtai Times tăng lên tuần 2 kỳ, 3 kỳ, nhanh chóng trở thành nhật báo tiếng Thái, xuất bản tiếng Anh, tiếng Trung. Cùng với nhật báo in 30 vạn bản/kỳ, Siangtai Times còn có đài phát thanh, phủ sóng toàn khu vực.
Sự nghiệp làm báo, kinh doanh báo chí của Chaovapong gặp không ít khó khăn. Tài chính của báo vào những thời điểm khủng hoảng kinh tế, chịu nhiều áp lực nặng nề. Năm 1987, do tác động của khủng hoảng tài chính trong nước và khu vực, kinh nghiệm kinh doanh trên lĩnh vực truyền thông chưa nhiều, tờ báo mới ra đời được 9 năm đã nợ nần chồng chất, tổng nợ hơn 10 triệu bath. Ngân hàng Phuket quyết định phong tỏa tài sản, thu nợ. Anh em trong gia đình phê phán; vợ ông không thể chịu được nên chia tay.
Chủ tịch Chaovapong không nản chí: “Thà chết, nhất định không từ bỏ nghiệp báo”. Ông lại đi vay tiền, huy động vốn liếng từ bạn bè, bán tài sản gom góp được để trả nợ, vực dậy tờ báo. Hơn 10 năm sau, Siangtai Times lại gặp khủng hoảng, nợ nần và tiếp tục bị ngân hàng phong tỏa tài sản. Một lần nữa, Chủ tịch Chaovapong cùng các cộng sự lại “quyết đấu”, bằng mọi cách vực dậy nhật báo Siangtai Times. Chủ tịch Chaovapong lại tuyên bố: “Thà chết, nhất định không bỏ sản nghiệp báo chí”. Việc đầu tiên, ông cho “tái cấu trúc” tập đoàn; cải tổ khâu phát hành và quảng cáo. Bộ máy gọn nhẹ, cắt bỏ những “cấu trúc” thừa, không hiệu quả; tạm thời cắt bỏ những ấn phẩm chưa sinh lãi; liên kết-liên doanh với các đối tác có vốn để nuôi sống tờ báo.
Năm 2012, Chủ tịch Tập đoàn Siangtai Times, đã bước qua tuổi 67, nhưng con người ông tràn đầy sinh lực, lòng yêu nghề báo vẫn cháy bỏng, bộc lộ qua từng cử chỉ, giọng nói mê say. Cách đây 2 năm, ông đã quyết định qua Cộng hòa Liên bang Đức mua dây chuyền in ấn hiện đại thay thế hệ thống in ấn cũ kỹ lạc hậu. Khi báo giấy có khó khăn, tập đoàn đầu tư ngay hệ thống báo mạng internet, để thu hút quảng cáo trong và ngoài nước. Nhật báo Siangtai Times biết khai thác triệt để điểm mạnh tuyệt đối (so với các báo in ở Bangkok, vận chuyển đường xa, báo đến tay bạn đọc chậm). Tin tức thời sự cập nhật, nhanh nhạy, kịp đến độc giả đầu giờ sáng mỗi ngày. Và ông đã thắng.
Năm 2013, tập đoàn tiếp tục đổi mới công nghệ làm báo mạng, xây dựng trụ sở mới khang trang trên một khu đất mới. Với vị thế mới, Tập đoàn báo chí Siangtai Times tiếp tục phát triển bền vững.
Ấn tượng “đạo đức nghề báo”
Từ trung tâm du lịch biển phía Nam Phuket, chúng tôi đáp máy bay về Bangkok, rồi từ Sân bay Don Muang, bay thẳng đến Chiang Mai, thành phố lớn thứ 2 của Thái Lan. Chiang Mai là trung tâm du lịch nổi tiếng ở phía Bắc, thành phố của nhiều núi cao, với những tòa nhà, dãy phố uốn lượn dọc hữu ngạn con sông Ping xinh đẹp, một trong những phụ lưu lớn nhất của sông Chao Phraya. Khí hậu Chiang Mai khá mát mẻ, mùa đông gió lạnh từ phương Bắc tràn về, nhiệt độ có lúc xuống 10-12oC, nhiều sương mù. Người Thái coi Chiang Mai như Đà Lạt của Việt Nam.
Chiang Mai, theo ngôn ngữ bản địa vùng Bắc Thái Lan có nghĩa là thành phố mới. Mới theo nghĩa là tỉnh lị-đô thị hóa, quy mô và tốc độ phát triển nhanh. Tỉnh Chiang Mai hơn 1,6 triệu dân có đăng ký thường trú chính thức, riêng thành phố Chiang Mai hơn 700.000 dân. Cách thủ đô Bangkok 800 km về phía Bắc, Chiang Mai là một trong những trung tâm du lịch-kinh tế-tài chính-thương mại của Thái Lan; phát triển hàng đầu ở khu vực Bắc Thái Lan; trục đường giao thương kinh tế nối liền Nam Trung Hoa với Myanmar, Ấn Độ, khu vực Tây Á.
Ông Amnat Jongyotying, cố vấn-nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Các địa phương Thái Lan; Tổng Biên tập Báo Pak Nua của tỉnh Chiang Mai, cùng Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Chiang Mai-chủ khách sạn Victoria đón chúng tôi tại sân bay. Hội Nhà báo Chiang Mai có hơn 200 hội viên, thành viên của Hội Nhà báo Các địa phương. Tại Chiang Mai có 8 cơ quan báo chí, bao gồm báo in, báo điện tử và đài phát thanh, 2 hãng truyền hình cáp, cơ quan thường trú của Đài Truyền hình quốc gia. Báo Pak Nua là một trong những tờ báo có uy tín tại Chiang Mai, có bản tiếng Thái và bản tiếng Anh (Chiang Mai Port), phát hành 30.000 bản/kỳ; báo điện tử, mỗi ngày có gần 1 triệu lượt người truy cập. Nguồn thu nhập chính của các báo là từ quảng cáo (chiếm khoảng 75% doanh thu). Những năm gần đây, do tác động của suy thoái kinh tế, báo chí Chiang Mai gặp không ít khó khăn-đặc biệt là báo in, nhưng báo chí Chiang Mai vẫn đứng vững, phát triển ổn định.
Tiến sĩ Phongphan Jongyotying - Tổng Biên tập Báo Pak Nua, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Các địa phương Thái Lan là nhà báo nhiều kinh nghiệm, có uy tín không chỉ ở Chiang Mai mà còn được coi là “nhà báo của khu vực phía Bắc”. Năm 2011, bà được Hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn Báo chí Thái Lan giới thiệu-với số phiếu gần tuyệt đối, vượt qua hai ứng cử viên khác, thực thi trọng trách Ủy viên Tư vấn các vấn đề chính sách kinh tế-văn hóa-xã hội của Quốc hội Thái; các thành viên của Ủy ban này, được coi là viên chức nhà nước, trực thuộc Chính phủ, do Chính phủ chi trả lương, phương tiện đi lại, mỗi khi thi hành công vụ.
Bà nói: Báo chí và mỗi nhà báo hành nghề cần có đạo đức nghề nghiệp. Chúng tôi xây dựng hình mẫu một “nền báo chí vì công dân”, bảo vệ quyền lợi của người dân, vì vậy chúng tôi được người dân tin cậy. Nhà báo hoạt động trong tổ chức Hội Nhà báo Chiang Mai không được lợi dụng danh nghĩa báo chí để mưu cầu quyền lợi riêng tư.
Ý kiến của bà Phongphan Jongyotying được Chủ tịch Liên đoàn Báo chí Thái Lan, ông Chavarong Limpattapanne khẳng định tại cuộc hội thảo báo chí ngày 22-10-2012, tại Hà Nội. Vai trò của báo chí đối với phát triển kinh tế bền vững: Các nhà báo, nhất là nhà báo viết về kinh tế, về hoạt động doanh nghiệp không cho phép vụ lợi, lợi dụng nghề nghiệp để tìm kiếm lợi ích riêng. Nhà báo dũng cảm chịu xả thân, vượt qua hiểm nguy, lý giải cặn kẽ các vấn đề của nền kinh tế, đứng về lợi ích công dân, bảo vệ quyền lợi công dân.
Đối với báo chí Chiang Mai, bà Phongphan Jongyotying kể lại một sự kiện, xảy ra cách đây chưa lâu, chồng bà-ông Amnat Jongyotying, lúc đó là Tổng Biên tập Báo Pak Nua cho đăng bài về tệ tham nhũng trên các công trình xây dựng. Bọn mafia đã thuê côn đồ hãm hại, bắn lén, khi ông vừa bước ra khỏi tòa soạn. Ông thoát chết trong gang tấc, nhờ cấp cứu kịp thời và điều trị trong bệnh viện hơn 3 tháng. Ông Amnat trở thành “thần tượng” cho các nhà báo dũng cảm đấu tranh chống cái ác, chống lại những hành vi đi ngược lại quyền lợi người dân. Sau này, ông Amnat là một trong số 3 nhà báo Thái Lan được Bộ Ngoại giao Mỹ đặc cách mời sang Mỹ viết bài, đưa tin-chứng kiến các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Giữa năm 2012, đến thăm và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh và các Hội Nhà báo khu vực Tây Nguyên-Nam Trung bộ, khi bàn về đạo đức nghề báo, ông Amnat và các đồng nghiệp Thái Lan đều cho rằng, ở Thái Lan có một số nhà báo, vì tiền bạc mà bẻ cong ngòi bút. Liên đoàn Báo chí Thái Lan kêu gọi các nhà báo phải tự giác rèn luyện đạo đức nghề báo. Hội Nhà báo-phóng viên kinh tế, thuộc Liên đoàn Báo chí Thái Lan trong tiêu chí hoạt động, và các kỳ sinh hoạt nghiệp vụ, luôn nhắc nhở các phóng viên coi trọng đạo đức hành nghề, cùng với việc nâng cao kiến thức, sự hiểu biết, năng lực tác nghiệp.
Đạo đức nghề báo, ở Thái Lan cũng như Việt Nam, hay bất kỳ nơi nào trên thế giới đều được coi trọng. Điểm cốt lõi của đạo đức báo chí Thái Lan là thông tin trung thực-trung thực là đặc trưng cơ bản của nền báo chí chân chính. Tùy theo đặc điểm, truyền thống, tập quán từng quốc gia, dân tộc; nền tảng chính trị của từng nền báo chí mà nhấn mạnh điểm này, điểm kia. Tuy nhiên, điểm chung nhất của đạo đức báo chí vẫn là thông tin trung thực, nhà báo dám dấn thân, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi.
Chủ tịch Chaovapong đúc kết 3 bài học thành công về sự nghiệp báo chí trong cuộc cạnh tranh truyền thông sinh tử này. Thứ nhất, khi dấn thân vào sự nghiệp này thì phải sống chết với nó, không bao giờ cho phép bỏ cuộc. Thứ hai, dù khó khăn đến mấy cũng phải chăm sóc chu toàn cuộc sống cho cộng sự (và gia đình họ) đã thủy chung, gắn bó với mình. Nếu luôn có họ bên cạnh, sống chết với mình thì chẳng khó khăn nào mà không vượt qua-kể cả khó khăn gay gắt sau thảm họa sóng thần lịch sử năm 2004. Thứ ba, đam mê, dám làm, dám chịu, nhưng phải biết thay đổi công việc, thay đổi chính mình; phải dám cắt bỏ cái đã trở thành lực cản. |
Quốc Toàn
Nguồn: Tạp chí Người làm báo
Công an tỉnh Gia Lai xin lỗi 2 phóng viên
Submitted by nlphuong on Tue, 28/01/2014 - 12:05Biết tin một số cán bộ Công an xã Trà Đa, TP. Pleiku (Gia Lai) xúc phạm PV đang tác nghiệp, Giám đốc CA tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Trưởng CA TP. Pleiku xác minh, đồng thời có văn bản xin lỗi 2 PV.
Nội dung Công văn thể hiện tinh thần cầu thị của Công an tỉnh Gia Lai. |
Ngày 21/1, Pháp lý Online có đăng bài “Gia Lai: Công an xúc phạm phóng viên đang tác nghiệp”, phản ánh việc một số cán bộ tự xưng là Công an xã Trà Đa, có lời nói bất nhã, cản trở và xúc phạm danh dự phóng viên Nguyễn Tâm của Pháp lý Online và Ngô Khắc Lịch của báo điện tử Kiến thức khi 2 phóng viên này đang tác nghiệp đúng quy định.
Sau khi bài báo được đăng, ngày 23/1, ông Trần Đình Thu - Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai khẳng định với Pháp lý online: “Quan điểm của Giám đốc là không bao che. Kể cả cán bộ công an chính quy của TP.Pleiku, nếu có hành vi xúc phạm phóng viên cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
Ngày 26/1, Toà soạn Pháp lý Online và phóng viên Nguyễn Tâm đã nhận được Công văn số 116/CAT-PV11 ngày 24/1/2014 của Công an tỉnh Gia Lai, phản hồi thông tin góp ý của Pháp lý Online. Nội dung Công văn thể hiện thiện chí tốt đẹp và tinh thần cầu thị của Công an tỉnh Gia Lai qua sự việc nói trên.
“Công an tỉnh Gia Lai gửi lời xin lỗi, lời cảm ơn chân thành đến cá nhân các phóng viên và quý Báo vì đã kịp thời phản ánh sai phạm của lực lượng công an xã trong quá trình thực thi nhiệm vụ; mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp từ quý Báo, để xây dựng lực lượng Công an tỉnh nói chung, Công an xã nói riêng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Về nội dung sự việc báo nêu, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Trưởng Công an thành phố Pleiku xác minh làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và phản hồi cụ thể cho quý Báo”. - trích Nội dung Công văn số 116/CAT-PC11.
Sau khi nhận được Công văn xin lỗi và cảm ơn của Công an tỉnh Gia Lai, phóng viên Nguyễn Tâm và Ngô Khắc Lịch cho biết, ủng hộ quan điểm của Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai và nội dung phản hồi tại Công văn 116. Qua Pháp lý Online, 2 phóng viên cũng trân trọng gửi lời cảm ơn đến Công an tỉnh Gia Lai vì đã kịp thời quan tâm xem xét sự việc để lấy lại danh dự cho 2 phóng viên; tạo nên sự công bằng, văn minh và độc lập về nghề nghiệp của ngành công an với cơ quan báo chí.
Diễm Phương
Nguồn: Tạp chí Pháp lý
Một số lưu ý dự Giải báo chí Quốc gia Lần thứ VIII - Năm 2013
Submitted by nlphuong on Sun, 26/01/2014 - 23:15(ICTPress) - Thực hiện Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 29/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giải báo chí Quốc gia và căn cứ Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí Quốc gia, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải Báo chí quốc gia Hà Minh Huệ đã ký văn bản số 01/HD-HĐGBCQG về việc Hướng dẫn Tuyển chọn tác phẩm báo chí xuất sắc dự Giải báo chí Quốc gia Lần thứ VIII - Năm 2013.
Theo đó, dưới đây là một số lưu ý trong Hướng dẫn tuyển chọn dự Giải báo chí năm 2013:
Lễ trao giải báo chí Quốc gia Lần thứ VII - Năm 2012 (Ảnh: Thanh Hải) |
Điều kiện dự Giải
1- Về tác giả:
Là công dân Việt Nam, bao gồm các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, có tác phẩm báo chí xuất sắc được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo in, đài phát thanh, đài truyền hình, báo điện tử…) do Bộ Văn hoá - Thông tin (trước đây) và nay là Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.
- Tác giả dự Giải không vi phạm các Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí và luật pháp khác.
2- Về tác phẩm:
Là tác phẩm đã được sử dụng từ ngày 01/01/2013 đến 31/12/2013 trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được nêu ở trên.
Những tác phẩm được sử dụng trong thời gian này đã được trao giải thưởng ở các cuộc thi của địa phương, ngành hoặc liên ngành Trung ương vẫn được quyền dự Giải báo chí Quốc gia, nhưng cần ghi rõ mức giải và cuộc thi do đơn vị nào tổ chức.
Những tác phẩm đăng hoặc phát sóng nhiều kỳ, nếu những kỳ đầu được sử dụng trước ngày 01/01/2013 mà chưa tham dự Giải báo chí Quốc gia năm 2012 thì được gộp vào các kỳ sau (đăng từ 01/01/2013 đến 31/12/2013) để thành tác phẩm hoàn chỉnh tham dự Giải 2013.
Tiêu chuẩn xét chọn
1- Về nội dung:
Bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương, phản ánh kịp thời và sâu sắc tình hình thực tế, có tính phát hiện, phục vụ thiết thực sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh trung thực đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, việc triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước trong năm 2013; khuyến khích các tác phẩm báo chí về các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, phê phán chống lại các hành vi tiêu cực, tham nhũng, những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; thông tin chính xác và kịp thời những sự kiện quốc tế quan trọng.
Không xét tác phẩm có yếu tố hư cấu (thơ, tranh vẽ, tiểu phẩm, ký văn học, câu chuyện văn nghệ, truyện ngắn, tạp văn…).
2- Yêu cầu về chất lượng và hiệu quả xã hội của tác phẩm:
+ Thông tin chính xác, trung thực, khách quan.
+ Nêu được vấn đề mới, có tính phát hiện.
+ Đề cập những vấn đề Đảng, Nhà nước, nhân dân quan tâm, có tính định hướng dư luận cao, thuyết phục, có tác động tích cực đến đời sống xã hội.
+ Tác phẩm biểu dương điển hình tiên tiến, nhân tố mới phải được cơ quan quản lý chuyên ngành xác nhận đã phát huy hiệu quả trong thực tế.
+ Tác phẩm đề cập những vụ việc tiêu cực phải được các cơ quan có thẩm quyền kết luận là đúng sự thật hoặc đã được các tổ chức, cá nhân sai phạm thừa nhận và khắc phục.
+ Tác phẩm đề cập đến lĩnh vực chuyên ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, lịch sử, còn có những ý kiến khác nhau thì phải được cơ quan có thẩm quyền chuyên ngành thẩm định.
3 - Hình thức thể hiện
a- Đối với báo in, bao gồm: tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, phóng sự, điều tra, ký báo chí, ghi chép, tiểu phẩm báo chí…:
+ Mỗi tác phẩm là một tin hoặc một loạt tin (không quá 05 tin), một bài hoặc một loạt bài (không quá 05 kỳ) của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên, về cùng một sự kiện, cùng một đề tài và thực hiện bằng cùng một thể loại báo chí. Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng báo khác nhau.
b- Đối với báo nói:
+ Mỗi tác phẩm phải là một (hoặc một loạt) tin, bài về một chủ đề, một sự kiện hoặc một đối tượng, phát một kỳ hoặc nhiều kỳ.
+ Thể hiện được đặc trưng của báo phát thanh là âm thanh rõ ràng, tiếng nói nhân vật, tiếng động, âm nhạc bảo đảm chất lượng, hấp dẫn.
+ Ở cả ba loại giải phát thanh, thời lượng tác phẩm dài nhất không quá 60 phút.
c- Đối với báo hình:
+ Thể hiện được đặc trưng của báo hình là hình ảnh động.
+ Kỹ thuật hình ảnh phải đạt yêu cầu chất lượng.
+ Ở cả ba loại giải báo hình, thời lượng tác phẩm dài nhất không quá 60 phút.
d- Đối với ảnh báo chí:
+ Tác phẩm ảnh bao gồm ảnh đơn, nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh, được thể hiện bằng ảnh màu hoặc đen trắng.
+ Đối với nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh về một nội dung đăng báo có nhiều ảnh, chỉ tuyển chọn mỗi nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh không quá 10 ảnh, đăng trên cùng một số báo hoặc cùng thời điểm xuất bản (đối với báo điện tử).
+ Không xét ảnh ghép, ảnh xử lý bằng vi tính, ảnh phong cảnh.
e- Đối với báo điện tử:
+ Phải là tác phẩm sáng tạo lần đầu, viết riêng cho báo điện tử; không xét những tác phẩm lấy từ báo in.
+ Thể hiện được đặc trưng của báo điện tử.
+ Mỗi tác phẩm là một tin hoặc một loạt tin (không quá 05 tin), một bài hoặc một loạt bài (không quá 05 kỳ) của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên, về cùng một sự kiện, cùng một đề tài và thực hiện bằng cùng một thể loại báo chí. Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng tải khác nhau.
- Riêng đối với Ảnh báo chí: Để khuyến khích và thu hút được nhiều hơn các tác giả, tác phẩm ảnh báo chí, Hội đồng Giải báo chí Quốc gia chấp thuận các tác giả có thể tự gửi tác phẩm (đủ điều kiện và tiêu chuẩn nêu ở trên) về Ban Thư ký tổng hợp Giải, không qua Ban tuyển chọn ở cơ sở. Số ảnh này không tính vào chỉ tiêu tác phẩm được gửi dự Giải của cơ sở (quy định dưới đây)
Mỗi tác giả hoặc mỗi nhóm tác giả chỉ được chọn gửi 01 tác phẩm dự Giải và mỗi tác giả chỉ được đứng tên ở một tác phẩm hoặc trong một nhóm tác giả (Tác giả là người quay phim, được đứng tên tối đa trong 03 nhóm tác giả).
Giải báo chí quốc gia Lần thứ VIII năm 2013 gồm 5 loại giải với 11 giải chính thức và Giải phụ do Hội đồng Giải xem xét, như sau:
1- Giải Báo in có 3 giải, gồm: Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn; Giải Xã luận, bình luận, chuyên luận và Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép.
2 - Giải Ảnh báo chí có 1 giải, gồm: Giải Ảnh đơn, Nhóm ảnh, Phóng sự ảnh.
3 - Giải Phát thanh có 2 giải, gồm: Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, Chuyên đề phát thanh tổng hợp và Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký.
4 - Giải Truyền hình có 3 giải, gồm: Giải Tin, phóng sự, ký sự; Giải Bình luận, giao lưu, toạ đàm và Giải Phim tài liệu truyền hình.
5 - Giải Báo điện tử có 2 giải, gồm: Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận và Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép.
Giải phụ: Do Hội đồng Giải xem xét quyết định, tùy tình hình cụ thể./.
Thủ tướng yêu cầu chủ động cung cấp thông tin cho báo chí
Submitted by nlphuong on Sat, 25/01/2014 - 23:35* Bộ Tư pháp xin lùi thời gian báo cáo Thủ tướng việc “ai cũng được phạt báo chí”
Thủ tướng chủ trì hội nghị VPCP - Ảnh: Anh Vũ |
Thủ tướng cũng tỏ ra sốt ruột trong việc chậm đôn đốc các bộ ngành soạn thảo, ban hành các văn bản hướng dẫn pháp luật, vì đây là trách nhiệm của Chính phủ để hoàn thiện thể chế cho nhà nước pháp quyền, quyền làm chủ của nhân dân và nền kinh tế thị trường vận hành tốt hơn dưới sự quản lý của nhà nước. “Năm 2014 đừng để chậm, nợ các văn bản quy định hướng dẫn luật. Phải bám sát từng bộ để thúc đẩy làm cho nghiêm túc việc này. Đây là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm xã hội với đất nước, với nhân dân. Chưa nói tới việc kịp thời gian, tiến độ vì năm nay nhiều luật có hiệu lực, chưa nói quy định sát cuộc sống, tính khả thi nhưng trong hàng nghìn quy định chỉ cần có một vài điều không khả thi sẽ gây hiệu ứng không tốt”, Thủ tướng nhắc nhở.
Thủ tướng đặc biệt yêu cầu VPCP phải chủ động cung cấp thông tin cho nhân dân, cho báo chí và toàn xã hội, kể cả trong lẫn ngoài nước được biết về hoạt động của Chính phủ. Cung cấp thông tin một cách kịp thời, chính xác sẽ ngăn chặn thông tin bất lợi, xuyên tạc.
* Chiều cùng ngày, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng đại diện của nhiều bộ ngành liên quan đã có cuộc họp về thẩm quyền xử phạt hành chính đối với báo chí. Trả lời PV Thanh Niên, ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho biết mặc dù Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ ngành rà soát các quy định để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22.1, nhưng do vấn đề phức tạp nên Bộ Tư pháp sẽ có văn bản gửi Thủ tướng xin lùi thời gian báo cáo. “Tại cuộc họp này, có rất nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau, không thống nhất được nên chúng tôi phải xin thêm thời gian”, ông Liên nói. Một cán bộ có trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết tại cuộc họp, một số ngành vẫn bảo lưu quan điểm có nhiều cơ quan có thẩm quyền xử phạt, tuy nhiên nếu theo hướng này sẽ phát sinh sự chồng chéo, rắc rối.
Trước đó, Thanh Niên đã phản ánh qua loạt bài Ai cũng được phạt báo chí nêu rõ đối với hành vi đưa tin không đúng sự thật thì báo chí ngoài bị điều chỉnh bởi nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí xuất bản có thể còn bị điều chỉnh bởi hàng loạt nghị định trong các lĩnh vực giá cả, thống kê, y tế... Việc cùng một hành vi nhưng cho phép nhiều cấp, ngành cùng được xử phạt đang phá vỡ tính thống nhất về lãnh đạo và quản lý báo chí, gây rối rắm, bất khả thi và chồng chéo về thẩm quyền xử phạt.
Anh Vũ - Thái Sơn
Nguồn: Báo Thanh Niên, ngày 22/1/2014