Syndicate content

Nghề báo

Viết blog có nhuận bút

(ICTPress) - YuMe có điểm độc đáo là trang mạng xã hội đầu tiên trả nhuận bút cho người viết.

Mạng Thông Tin YuMe ra đời ngày 16/10/2008. Yume có 11 chuyên mục được sắp xếp khoa học. Bên cạnh nguồn thông tin đa dạng được thể hiện một cách gần gũi từ các cây bút mạng, bạn đọc có thể tương tác nhanh với tác giả bài viết thông qua những tiện ích của mạng xã hội như bình luận, gửi tin nhắn, chia sẻ bài viết…

Bạn đọc có thể tìm đọc các bài viết hay của các cây bút uy tín như nhà văn Lý Lan, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Quang Lập, Dương Bình Nguyên, nhạc sĩ Quốc Bảo, nhà thơ Đỗ Trung Quân, nhà báo Trung Nghĩa, đạo diễn Phạm Hoàng Nam, nhiếp ảnh gia Hải Đông, Trần Việt Đức, giáo sư Nguyễn Vân Nam… trên mạng thông tin YuMe.

YuMe có điểm độc đáo là trang mạng xã hội đầu tiên trả nhuận bút cho người viết. Chương trình nhuận bút được ra mắt nhằm ghi nhận những đóng góp tích cực, những thông tin giá trị mà các cây bút chia sẻ với cộng đồng. Các bài viết hay sẽ nhận được nhuận bút dựa vào lượt xem của bài viết. Mức tính nhuận bút thấp nhất là mức 10 đồng/lượt xem và tối đa là 50 đồng/lượt xem. Hiện tại trên YuMe đã có thành viên nhận được hơn 4 triệu đồng nhuận bút/tháng. Nhuận bút của tháng sẽ được thanh toán qua cổng thanh toán trực tuyến Mobiví.

YuMe cũng thường xuyên tổ chức các giải thưởng dành cho Bài viết xuất sắcCây bút triển vọng của tháng: Giải thưởng được tổ chức hàng tháng và đã khởi động từ tháng 12/2010. Cuộc thi Truyện ngắn YuMe 2011 được tổ chức từ 15/4 - 15/7/2011 đã thu hút sự tham gia của hơn 1.000 tác giả với hơn 2000 tác phẩm dự thi. Đây là cuộc thi về văn học mạng đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam và từ cuộc thi này, tập truyện “Thành phố không mặt người” cũng được xuất bản trên toàn quốc.

YuMe hiện có hơn 3,3 triệu thành viên, gần 600 cây bút chuyên nghiệp, lượt xem trung bình mỗi ngày hơn 2 triệu lượt. Mỗi ngày, hơn 30.000 bài viết được cập nhật tại YuMe, trong đó những bài viết hay được giới thiệu tại trang chủ để hàng triệu bạn đọc cùng theo dõi.

 Mai Vân

New Zealand đóng cửa Hiệp hội báo chí

Cơ quan thông tấn quốc gia của New Zealand sẽ đóng cửa trong tuần này, đánh dấu sự kết thúc của một tổ chức tin tức 132 năm tuổi đã góp phần hình thành bản sắc của đất nước New Zealand.

Phòng tin tức chính của Hiệp hội báo chí New Zealand ở Wellington (Ảnh: AP).

Hiệp hội Báo chí New Zealand (NZPA) được cho là một nạn nhân của sự thay đổi công nghệ và quyền sở hữu phương tiện truyền thông. Hầu hết các tờ báo của New Zealand đã vào tay hai đế chế truyền thông Úc, và khi các báo này chia sẻ chuỗi câu chuyện với nhau, nhu cầu cần một nhà cung cấp tin tức bên ngoài của họ giảm đi đáng kể.

Là một cơ quan thông tấn, NZPA thường bán dịch vụ của mình cho bên báo chí, đài truyền hình và nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến thay vì đưa tin trực tiếp tới tay độc giả. NZPA đã cố gắng thích nghi trong những năm gần đây bằng cách tìm kiếm nhà phát sóng mới và những khách hàng trực tuyến bên ngoài khu vực truyền thống của nó là chuỗi các tờ báo, nơi nó đồng sở hữu theo mô hình hợp tác xã. Tuy nhiên, cuối cùng NZPA đã bị ép ra.

Trong thời kỳ hoàng kim những năm 1980 - 1990, NZPA có đội ngũ hàng chục nhà báo, bao gồm cả các phóng viên ở London, Sydney, Hồng Kông và Washington. Các báo New Zealand cũng thường đặt hàng những câu chuyện được công chúng quan tâm với cơ quan này.

Rồi mô hình này bắt đầu bị phá vỡ khi các tờ báo hợp nhất và internet trở thành trào lưu. Với chuỗi báo chí có thể làm cho câu chuyện ngay lập tức có sẵn phục vụ đối tượng rộng trực tuyến rộng khắp, vai trò của NZPA bị lu mờ. Đến năm 2005, hầu hết các tờ báo đã ngừng đặt hàng bài viết với NZPA.

Cú đánh cuối cùng khiến NZPA gục ngã là khi Fairfax Media, một tập đoàn Úc sở hữu hơn 70 tờ báo New Zealand, quyết định kết thúc mối quan hệ kinh doanh với NZPA.

Một số người coi động thái này là một ví dụ khác của việc các công ty Úc ngày càng gia tăng kiểm soát đối với kinh tế New Zealand. Các công ty có trụ sở tại Úc hiện đang thống trị giới truyền thông, lĩnh vực ngân hàng và thâm nhập cả vào khâu bán lẻ của New Zealand.

Paul Thompson, điều hành biên tập của Fairfax, phát biểu: NZPA từng là một phần quan trọng, là "người đầy tớ tuyệt vời" của ngành công nghiệp báo chí trong nhiều thập kỷ qua, nhưng tình hình thay đổi.

Hoài Thanh
(Theo CL/Guardian)

Khuyến khích các tác phẩm về biển đảo

(ICTPress) - Bưu chính, Viễn thông và công nghệ thông tin trong an ninh quốc phòng tại các vùng sâu vùng xa, nơi biên giới, các vùng biển đảo của Tổ quốc là nội dung của các tác phẩm tham dự cuộc thi “Thông tin và Cuộc sống” năm 2011 lần thứ 3 được Ban tổ chức khuyến khích.

Tác phẩm "Bưu tá vùng sâu" của tác giả Lê Anh Dũng đoạt giải Ba cuộc thi năm 2010

Cuộc thi này được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) phát động nhân kỷ niệm 66 năm ngày thành lập ngành Bưu điện (15/8/1945-15/8/2011), 64 năm ngày thành lập Công Đoàn Bưu điện Việt Nam (30/8/1947-30/8/2011), 66 năm kỷ niệm Cách mạng tháng 8 thành công (19/8/1945-19/8/2011) và Quốc khánh 2/9.

Chất liệu dự thi sẽ là các bài viết, hình ảnh và video clip, kịch bản truyền thanh, kịch bản quảng cáo, TVC quảng cáo, cho các sản phẩm, dịch vụ, hình ảnh của VNPT, qua đó Ban tổ chức mong muốn lựa chọn được những tác phẩm phản ánh chân thực nhất, sống động nhất và ý nghĩa nhất những hoạt động của VNPT trong đời sống xã hội.

Ở phần thi tác phẩm viết, mỗi tác giả được gửi tối đa 5 tác phẩm dự thi. Bài viết có thể bao gồm: truyện ngắn, ký, hồi ký, phóng sự, chân dung, bài viết cảm xúc, tác phẩm kịch bản sân khấu, kịch bản phim truyện, phim truyền hình, kịch bản truyền thanh, kịch bản ý tưởng TVC quảng cáo…

Ở lĩnh vực ảnh, các thí sinh được gửi dự thi tối đa không quá 10 ảnh. Ảnh dự thi có thể chụp bằng phim hoặc máy ảnh kỹ thuật số, ảnh màu hoặc đen trắng. 

Với lĩnh vực Video Clip, tác phẩm dự thi có độ dài không quá 10 phút, nội dung bám sát những hình ảnh của VNPT trong sự phát triển chung của nền Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam hoặc những lĩnh vực như: Vì lợi ích cộng đồng, nhân đạo, sản xuất và kinh doanh, những gương người tốt việc tốt,… mà VNPT đang thực hiện.

Cuộc thi “Thông tin và Cuộc sống” lần thứ nhất đã diễn ra thành công vào năm 2009 với gần 600 tác phẩm dự thi của gần 200 tác giả từ mọi miền tổ quốc, trong đó có 83 tác giả là cán bộ công nhân viên thuộc VNPT. Bước sang năm thứ hai, cuộc thi cũng đã nhận được sự tham gia đông đảo của hơn 300 tác giả với gần 1.000 tác phẩm dự thi. Trong đó, có khoảng 700 tác phẩm ảnh, 200 tác phẩm viết và hơn 20 Video clip được dàn dựng công phu, chất lượng.

Hệ thống giải thưởng của Cuộc thi Thông tin và Cuộc sống năm thứ ba được mở rộng với những giá trị giải thưởng lớn hơn trên cả 3 hệ thống giải thưởng cho 3 thể loại tác phẩm dự thi: Ảnh, bài viết và video clip. Mỗi hệ thống giải gồm 1 giải nhất, 2 giải Nhì, 2 giải ba và 2 giải khuyến khích. Các tác phẩm giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích sẽ nhận được phần thưởng với giá trị tương ứng của mỗi giải là 15 triệu đồng, 7 triệu đồng, 5 triệu đồng, 2 triệu đồng. Tổng cộng giá trị giải thưởng không kể các hiện vật của nhà tài trợ lên đến 129 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn dành các phần thưởng hấp dẫn của các nhà tài trợ cho hệ thống giải chính thức cũng như hệ thống giải do độc giả bình chọn qua Website và SMS. Các giải thưởng phong trào cho các tập thể trực thuộc VNPT do Công đoàn Bưu điện Việt Nam trao tặng vẫn tiếp tục được duy trì.

Ban tổ chức cũng khuyến khích cán bộ công nhân viên VNPT tham gia các tác phẩm phản ánh và tôn vinh các gương điển hình người tốt việc tốt trong sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ của Tập đoàn.

Các thành viên Hội đồng chung khảo là những nhà chuyên môn uy tín đã theo sát cuộc thi suốt 2 năm qua gồm: Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Trưởng Ban Văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam, Giám đốc hệ Phát thanh có hình VOVTV; Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh - Vũ Huyến; Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thị Thu Huệ và đại diện của VNPT.

Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi dự kiến được tổ chức cuối tháng 11/2011.

Bài dự thi xin gửi về:

Qua đường bưu điện: Ban tổ chức cuộc thi “Thông tin và Cuộc sống” - Toà soạn Báo điện tử VnMedia 142 Lê Duẩn - Hà Nội.

Qua địa chỉ E-mail: thongtinvacuocsong@vnmedia.vn

Trang web chính thức của cuộc thi:  http://vnmedia.vn/thongtincuocsong; http://thongtincuocsong.vnmedia.vn.

Giải báo chí toàn quốc về dân số - kế hoạch hóa gia đình năm 2011

(ICTPress) - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm truyền thống công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) (1996 – 2011) và ghi nhận, động viên, khen thưởng những cán bộ, phóng viên, cộng tác viên, thông tin viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương có tác phẩm báo chí chất lượng tốt tuyên truyền về DS-KHHGĐ, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Bộ Y tế, phối hợp với Hội nhà báo Việt Nam tổ chức Giải báo chí toàn quốc về Dân số - KHHGĐ năm 2011.

Ảnh minh họa: baodientuchinhphu

Các tác phẩm dự thi cần phản ánh chính xác, kịp thời, hiệu quả các nội dung sau:

-  Việc phổ biến, tuyên truyền, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, luật pháp và chính sách của Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và của các địa phương, cơ sở trong cả nước (cụ thể là Kết luận 44-KL/TW ngày 01/4/2009 của Bộ Chính trị về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ; Pháp lệnh Dân số, Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh DS và các Nghị định hướng dẫn thực hiện; Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 18/8/2010 -của Chính phủ ban hành kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 44-KL/TW ngày 01/4/2009 của Bộ Chính trị, Quyết định của Chính phủ về Tháng hành động quốc gia về Dân số, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2011 - 2015).

-  Những thành tựu, kết quả của công tác DS-KHHGĐ trong 50 năm qua (1996 - 2011), đặc biệt là những thành tựu, kết quả đạt được trong giai đoạn 2001 – 2010 và năm 2010 của cả nước, của các địa phương, cơ sở (cụ thể là Mức sinh giảm mạnh và đã được duy trì ở mức thay thế; tốc độ gia tăng dân số nhanh đã được kiềm chế)… Giới thiệu, tuyên truyền các tập thể, cá nhân trong cả nước và quốc tế có thành tích xuất sắc đối với công tác DS-KHHGĐ thời gian qua.

-  Những khó khăn, thách thức và định hướng của công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011 – 2020 của các nước, của các địa phương, cơ sở (cụ thể là Mức sinh biến động khó lường và rất khác biệt giữa các tỉnh; nhu cầu cung cấp phương tiện, dịch vụ KHHGĐ cho khách hàng ngày càng lớn…).

- Tiến độ, giải pháp và kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch năm 2011 như: giảm tỷ lệ sinh, tỷ số giới tính khi sinh, tỷ lệ sáng lọc trước sinh, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh, số người sử dụng mới các biện pháp tránh thai hiện đại của các địa phương. Đặc biệt là phát hiện, giới thiệu những điển hình tiêu biểu, những kinh nghiệm hay, những cách làm có hiệu quả của các địa phương, cơ sở trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch năm.

- Những khó khăn, bất cập trong quá trình tổ chức triển khai công tác DS-KHHGĐ của các địa phương và cơ sở…

Các loại hình báo chí tham dự Giải là: báo in, báo điện tử, báo nói (phát thanh) và báo hình (truyền hình).

Tác phẩm báo chí được xét thưởng bao gồm các thể loại: bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, điều tra, bút ký báo chí… được các cơ quan thông tấn báo chí trong cả nước sử dụng kể từ ngày 11/7/2010 (ngày Dân số thế giới) đến hết ngày 15/10/2011.

Mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi tối đa 03 tác phẩm tham dự.

Thời gian nhận tác phẩm từ ngày 1/4/2011 đến hết ngày 15/10/2011 (tính theo dấu Bưu điện) được gửi về: Ban Thư ký Giải báo chí toàn quốc về công tác DS-KHHGĐ, Hội Nhà báo Việt Nam, 59  Lý Thái Tổ, Hà Nội.

ĐL

Viết về sự nghiệp Ðại đoàn kết toàn dân tộc

Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa công bố thể lệ Giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ 9 năm 2011.

Theo đó, các tác phẩm dự giải cần có tính phát hiện, phản ánh chính xác, kịp thời các nội dung: Triển khai các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động; Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; Tình hình và kết quả thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; Phản ánh những tình cảm, nguyện vọng và việc làm tốt đẹp của các nhân sĩ, trí thức, các chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong các dân tộc, kiều bào ta ở nước ngoài…

Đối tượng tham gia dự giải là các nhà báo chuyên và không chuyên, các cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Mỗi tác giả được gửi tối đa 5 tác phẩm ở các thể loại: báo viết, báo phát thanh, báo hình, báo điện tử và ảnh báo chí.

Các tác phẩm dự giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ 9 phải là các tác phẩm được các cơ quan thông tấn báo chí trong cả nước sử dụng từ ngày 1/10/2010 đến ngày 30/9/2011.

Ban Tổ chức sẽ trao giải thưởng cho các loại hình báo chí với các mức thưởng: Giải A mỗi giải 15 triệu đồng; giải B mỗi giải 10 triệu đồng; giải C mỗi giải 5 triệu đồng và giải khuyến khích mỗi giải 3 triệu đồng.

Các tác phẩm dự giải gửi về địa chỉ: Thường trực Hội đồng Giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc”, số 46, Tràng Thi, Hà Nội. Hạn cuối nhận tác phẩm dự thi đến hết ngày 30/9/2011.

NL

Một góc báo chí “rất Hà Nội”

Hà Nội không có những “con đường báo chí” như Sài Gòn. Hà Nội cũng chưa có nhiều người quen mua và đọc báo mỗi sáng như ở Sài Gòn. Mua một tờ báo ở Hà Nội khó hơn mua mấy tờ báo giữa Sài Gòn. Vậy nhưng mỗi khi nhắc tới một không gian báo chí ở Hà Nội, tôi vẫn không thể quên được hình ảnh những người đàn ông tay cầm ghi đông xe đạp, đầu đội mũ cối, mũ lưỡi chai, nghiêng nghiêng đứng hàng giờ trước những trạm thông tin phường.

Hồi trước những nơi ấy còn được làm bằng bảng đen, sau đó được bảo vệ bằng những tấm lưới mắt cáo chứ chưa phải trong khung nhôm cửa kính như bây giờ. Ngoài việc viết, dán thông báo tin tức của phường còn có thêm báo chí vì thế việc đọc báo tại những điểm công cộng như thế vẫn thường thấy phổ biến. Bây giờ, những hình ảnh ấy vẫn có thể bắt gặp, một khi bạn đi qua phố Phan Đình Phùng, đoạn vỉa hè gần báo Quân đội nhân dân, hay đoạn phố Quang Trung cắt Trần Quốc Toản, hay trên phố Lý Quốc Sư... Vài tháng gần đây, báo Hà Nội mới mỗi ngày cũng dán báo trước cổng tòa soạn, nên nhiều cụ ông vẫn tranh thủ những lúc trời râm mát đảo qua đó theo dõi những thông tin thời sự của đất nước.

Tôi có thể không thích những chiếc loa phường bởi sự xuất hiện không đúng lúc hay vị trí không hợp lý của nó, nhưng với những trạm thông tin thế này, mỗi khi thấy đám đông, mà thường chủ yếu các cụ già chúi vào đọc trong tôi lại xôn xao những hình ảnh về một thành phố an bình, chậm rãi.

Địa điểm đọc báo lãng mạn bậc nhất ở Hà Nội thường được các cụ già chăm chú đọc, đó là trên các ghế đá quanh hồ Hoàn Kiếm. Nếu Bờ Hồ phía bên Bưu Điện thường xuyên đông đúc người lạ mặt, là nơi các đôi uyên ương thường chọn để thực hiện những bộ ảnh cưới thì phía đối diện, đoạn từ nhà Khai trí Tiến Đức tới góc đường Hàng Khay luôn luôn là điểm hẹn của nhiều cụ già. Đó là khoảng không gian không chỉ đọc báo, mà rất nhiều câu chuyện báo chí của Hà Nội, của cả nước và của cả thể giới được đưa ra bàn luận sôi nổi dưới các góc nhìn.

Một góc báo chí rất riêng của người Hà Nội

Đó là “không gian của độc giả”, còn với những người làm báo, mỗi góc phố, mỗi con đường có một tòa soạn nào “đóng đô” cũng đều có một quán cà phê hay quán trà chén là “điểm hẹn” của cánh phóng viên nhà báo. Trước cổng báo Đại Đoàn Kết, đúng dốc Hàng Kèn nổi tiếng, hơn một năm trở lại đây có quán trà chén của vợ chồng một chàng trai trẻ tên Đức. Ban đầu chỉ là một quầy bán báo nhỏ, với một số đầu báo hạn chế. Nhưng bán báo không thôi có lẽ sẽ khiến người Hà Nội không mấy quan tâm. Thế là vợ chồng Đức bày thêm mấy chiếc ghế nhựa, mấy chục chiếc cốc chén và cái ấm bán nước trà. Bây giờ, góc phố này luôn tấp nập các nhà báo, để từ đây, nhiều cuộc hẹn được thực hiện, nhiều đề tài được nảy sinh.

Nhưng ngồi ở đó nhiều lần, nhất là vào các buổi sáng, có một hình ảnh khiến cho tôi nhớ nhất, đó là vóc dáng của một cụ già dáng cao, gầy, bước đi nhanh nhẹn, thường ăn vận rất chỉnh tề, chân đi giày, đầu đội mũ. Một hình ảnh đặc trưng của trí thức Hà Nội thuở xưa. Cụ thường tới một cách lặng lẽ, ghé qua sạp báo và mượn một tờ rồi ra lấy một chiếc ghế nhựa màu xanh tựa lưng vào tường ngồi đọc mải miết. Bất kể ngày nắng hay mưa, bất kể đầu tuần hay ngày thứ bảy, miễn rằng cứ thấy vợ chồng “chủ sạp báo kiêm quán nước” dọn dẹp bày biện là ông tới. Cụ đọc xong một tờ báo, lại ra đổi tờ khác, rồi tờ khác. Lần lượt mỗi buổi, cụ đọc khoảng chục tờ báo, từ trang 1 cho tới trang cuối, gần như không sót mục nào. Vị khách ấy đã trở nên quen thuộc, và góp thêm vào “không gian” một điều gì đó… rất Hà Nội.

Trước đây ở số 62 phố Trần Quốc Toản, nằm trong khuôn viên của Hội Nhà báo Hà Nội, có một quán mang tên “cà phê Báo” vì nơi này khách chủ yếu là nhà báo. Người coi sóc quán này cũng là một người trong nghề: nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến (báo Hà Nội mới). Vì thế cách bày biện bài trí đồ vật trong quán cũng rất… báo chí. Ở đây còn trưng bày bộ sưu tập những vật dụng thời bao cấp mà nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến kỳ công sưu tập trong nhiều năm. Tiếc là bây giờ, không gian ấy đã không còn, và nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến đành mang theo cái thương hiệu “cà phê Báo” mà chưa biết… đặt ở đâu.

Quán cà phê cũng là nơi "hút" cánh nhà báo, phóng viên

Còn không gian có phần phóng khoáng và đa dạng thậm chí khá ồn ào nữa ở Hà Nội, đó là trước cửa Nhà thờ Lớn và góc phố Hàng Hành. Nếu góc phố Hàng Hành trước đây được nhiều người làm báo chọn vì sự thuận tiện, thì nay điểm lý tưởng và “hút” nhất là quanh Nhà thờ Lớn. Mấy quán cà phê ở đây là điểm tập kết của các phóng viên ở nhiều cơ quan thông tấn khác nhau. Nhất là các nghệ sĩ nhiếp ảnh hay ngồi “chém gió”. Cánh nhà báo trẻ cũng thường gọi điện hoặc nhắn tin một câu rất nhanh gọn: "Nhà thờ nhé". Thế là biết ngay một cuộc hẹn đã được ấn định, chỉ việc phóng xe đến. Và những câu chuyện đường gần đường xa, những câu chuyện buồn vui của nghề lại được chia sẻ.

Theo Hoàng Thu Phố

Người Hà Nội

Kiểu “Tây” hay “ta”

Có lẽ ai bước vào nghề báo cũng đều nghe nói và có lần thử thực hành lối viết tin theo dạng “kim tự tháp ngược” và cũng chú ý đến những yếu tố thường nghe nhắc đến: ai, cái gì, ở đâu, khi nào, tại sao và như thế nào. Điều này càng đúng với những phóng viên trẻ vừa mới tham dự các khóa tập huấn do nhà báo nước ngoài phụ trách.

Ảnh minh họa: hibicc

Thế nhưng sự đời không đơn giản như sách giáo khoa nghề báo. Thực tế ít khi phóng viên mới vào nghề áp dụng hình thức viết ngược này vì nhiều lý do. Trước hết, tâm lý người Việt chúng ta thích cái gì cũng có đầu có đũa. Từ nhỏ chúng ta từng nghe người lớn la rầy, yêu cầu kể chuyện gì cũng phải từ đầu mà nói. Vì vậy, không lạ gì chúng ta thường đọc một bản tin dài, bắt đầu bằng lai lịch một công ty liên doanh, sau đó là quá trình hoạt động qua nhiều thời gian và cuối cùng mới nói chuyện chính: bên nước ngoài mua lại phần góp vốn của bên Việt Nam và biến liên doanh thành công ty 100% vốn nước ngoài. Đây là một quán tính không dễ gì sửa đổi dù người viết, sau khi đọc tin đã đăng, mới sực tỉnh mình viết sai “nguyên tắc” rồi.

Thứ hai, việc áp dụng hình thức tháp ngược một cách cứng nhắc lại không được người đọc chấp nhận, và chính người viết cũng cảm thấy có gì đó không ổn, lai “Tây”. Lấy một tin giả định như sau:

Một quan chức Ngân hàng Nhà nước hôm qua cho biết sẽ cấp thêm hai giấy phép thành lập công ty chứng khoán cho hai ngân hàng nữa.

Ông Lê Đức Thúy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói với phóng viên trong một cuộc họp báo thường kỳ tại Hà Nội rằng Ngân hàng Nhà nước tuần tới sẽ cấp cho Ngân hàng XXX và Ngân hàng YYY giấy phép thành lập các công ty chứng khoán trực thuộc các ngân hàng này.

“Chúng tôi đã xem xét hồ sơ và sẽ chính thức trao giấy phép vào thứ Hai tuần tới,” ông Thúy cho biết.

Sau khi thấy điều không ổn nói trên, biết tin mình vừa viết trông dài dòng không tự nhiên và chấp nhận lối viết thông thường, phóng viên chữa lại:

“Trong buổi họp báo thường kỳ vào ngày 12-3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy cho biết thứ Hai tuần tới sẽ trao hai giấy phép thành lập công ty chứng khoán cho hai ngân hàng gồm XXX và YYY, nâng số công ty chứng khoán đã được cấp phép lên bốn công ty.”

Phải nói ngay trường hợp này là cách làm đúng chứ không phải lúc nào phóng viên cũng buộc phải theo cấu trình hình tháp ngược một cách cứng nhắc như bản thảo đầu tiên. Vấn đề ở chỗ hiểu cấu trúc này như thế nào và áp dụng vào việc viết báo cho người dân Việt Nam ra sao.

Khác với người dân phương Tây, thường phải liếc qua hàng chục trang báo mỗi sáng để nắm thông tin bao quát và đọc kỹ những tin nào mình thích, dân Việt Nam còn thời giờ để đọc chậm, đọc hết cả tin. Cấu trúc câu của tiếng Việt khác với cấu trúc câu tiếng Anh cho nên không thể cứng nhắc đưa yếu tố thời gian ra sau: ông XYZ nói vào hôm qua… Diện tích trang tin của báo Việt Nam còn ít, không thể hào phóng viết theo dạng vòng tròn đồng tâm, câu sau mở rộng thêm một chút như báo chí nước ngoài.

Cho nên, theo ý kiến riêng của người viết bài này, phóng viên trẻ hãy làm một phép thử: nếu mình kể tin đó cho bạn bè, người thân nghe, mình sẽ bắt đầu như thế nào thì khi viết tin cũng nên bắt đầu như thế đó. Nếu làm được điều này một cách nhuần nhuyễn, không gượng ép, thì chính là bạn đang viết theo hình thức tháp ngược, là đang đưa mọi yếu tố who, what, when, where, why, how vào tin mà không còn ngại đang viết theo lối “Tây” hay “ta”. Nói cách khác, biết mình muốn nói gì và nói nó ra - đó là câu mở.

Ví dụ, dự một hội nghị, chúng ta có thể thấy mất thì giờ một cách vô ích vì diễn tiến hoàn toàn như trong chương trình in và phát trước: cũng đọc diễn văn khai mạc, cũng phát biểu ý kiến và đọc tham luận, xong rồi phát biểu kết thúc hội nghị. Tất cả đã được in và phát trước. Bây giờ mở đầu tin như thế nào đây?

Nếu hôm đó về nhà, bạn không có hứng thú kể lại cho ai nghe về hội nghị thì chỉ nên viết một tin ngắn và đưa vào mục tin vắn. Nhưng nếu bạn về và hào hứng kể lại, trong hội nghị hôm nay, ông gì đó có cho biết sẽ ký kết một dự án lớn mà trước đây nhiều báo săn tin chưa được…, bạn hãy bắt đầu tin của bạn với thông tin này và khi đó bản thân hội nghị chỉ là thông tin nền cho biết bối cảnh nguồn tin phát ra tin trên.

Nhìn một cách khác, bạn hãy hình dung trang báo chật, tin nhiều, nhiệm vụ của bạn là kể làm sao cho người đứng trang nghe lọt lỗ tai và chừa cho bạn mấy cột báo. Kể với mục đích thuyết phục như vậy, bạn sẽ phải nhớ lại chi tiết gì hay nhất, hấp dẫn nhất, thời sự nhất để tung ra ngay từ đầu. Sau đó, bạn phải dùng những chi tiết đắt nhất, minh họa rõ nhất, và củng cố tính chính xác để tiếp tục thuyết phục người đứng trang. Một cách khác nữa là tưởng tượng bạn đang phải viết một bức điện tín gởi đi nước ngoài, mỗi chữ tốn mất cả chục ngàn. Chỉ với suy nghĩ này thôi, bạn sẽ phải tiết kiệm lời, sao cho nói càng ít mà kể được hết điều muốn nói là tốt nhất.

Quá trình này cũng là quá trình sắp xếp viết tin từ lúc mở cho đến lúc kết. Phần đông các bạn ít chú ý đến cái kết của tin bài. Thật ra, đây chính là phần sẽ còn đọng lại trong tâm trí người đọc. Nên gia công làm sao để chính bạn hài lòng với cái kết bài như từng trăn trở làm sao mở bài cho hay; như vậy chắc chắn các bạn sẽ để lại một ấn tượng tốt ở người đọc.

                                                                                                           Theo Nguyễn Vạn Phú

“Nhà báo viết về nghề báo” – Nhà Xuất bản trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Những cách viết mào đầu hấp dẫn

Khởi đầu một cái gì đó đều khó, huống hồ muốn có sự khởi đầu hấp dẫn. Dưới đây là những ví dụ về cách viết mào đầu hấp dẫn cho một tác phẩm báo chí, hãy cùng tham khảo.

Mào đầu dẫn dắt

Hãy tránh xa cách vào đề theo kiểu sách giáo khoa và hãy thử một mào đầu có tính chất giai thoại, với lỗi dẫn dắt có đôi chút hư cấu. Loại này ứng dụng rất tuyệt với với những chủ đề vốn khô khan hoặc các vấn đề khoa học có tính lý thuyết cao. Đây là đoạn mở đầu bài báo nói về những tiến bộ trong ngành khám chữa bệnh thính giác:

“ Một vài năm trước đây, một người bạn ngoài 40 tuổi kể với tôi rằng chị bị điếc từ năm lên sáu. Sau một ca phẫu thuật, thính giác của chị trở lại hoạt động bình thường. Xúc động nhất, chị kể, là khi tỉnh thuốc mê, thấy cô y tá mở vòi nước trong phòng tắm, chị có thể nghe được tiếng nước đang chảy.” Đó là một giai điệu tuyệt với”, chị nói.

Nếu tác giả dùng mào đầu bài viết để kể về lịch sử của ngành Y tế khám chữa bệnh thính giác hoặc tập hợp những thống kê, số liệu khoa học về việc hiện có bao nhiêu người đang bị các bệnh về thính giác… phóng viên có thể sẽ đánh mất độc giả của mình ngay lập tức.

Mào đầu bằng một nhân vật

Chuẩn bị viét một bài báo mà trong tay không có số liệu hoặc chưa đủ các tư liệu cần thiết, bạn hãy liều mình mào đầu bằng một nhân vật có liên quan đến chủ đề. Thực ra, bản thân nhân vật, khi được coi là điển hình, cũng đã là một dạng tư liệu hấp dẫ và đầy sức sống. Sau đây là mào đầu trong một bài viết về trào lưu sống thử trong thanh niên, sinh viên xa nhà hiện nay:

“D, sinh viên trường Nông lâm và Q, sinh viên Ngoại ngữ mới quen được một tuần, đến ngày thứ 8 đã kéo nhau về sống thử vợ chồng. Từ ăn mặc, chợ búa, mua sắm đến cả việc học hành lẫn “XX” đều không thể không chung”.

Tương tự như thế, sau hai đoạn tiếp theo, tác giả lại tiếp tục vẽ ra một bức tranh khác với nhân vật là cặp “vợ chồng sống thử” làm công nhân tại một khu công nghiệp. Cuối cùng trong đoạn kết, tác giả đưa ra quan điểm của những người ngoài cuộc về vấn đề này. Bài viết hoàn toàn không cung cấp số liệu, chỉ minh chứng bằng nhân vật và đưa ra một số ý kiến do tác giả thu thập được song vẫn khiến người đọc thấy hấp dẫn và tin cậy.

Mào đầu dựng cảnh

Một nhà báo kể lại: Sau khi tiếp xúc với hai người phụ nữ chuyên làm nhiệm vụ giúp việc chăm sóc người cao tuổi, tôi đã quyết định viết về họ. Tôi đã cố gắng thử đi thử lại tới năm, sáu lần viết mào đầu nhưng không thành. Nhân vật, công việc và sự tất bật của họ cứ hiện lên trước mắt mà tôi không biết túm vào đâu để bắt đầu bài viết. Một ý tưởng chợt loé lên, tôi “bê” nguyên sự bận rộn và nhiệt tình của họ vào mào đầu để chính nó tự nói lên tất cả. Đó là lý do tôi chọn một mào đầu dựng cảnh để có thể diễn đạt được ý tưởng của mình:

“Chuông điện thoại réo vang; Mẹ tôi đang cần đi chụp Xquang. Việc này phải mất tới vài ngày mà tôi đang bận đi công tác, không thể đưa bà đi được không?”

“Chuông điện thoại tiếp tục réo: Ông nội tôi…”

Sau đó tác giả liệt kê tiếp hai cuộc gọi nữa, cũng vẫn giữ nguyên hình thức thể hiện và tiếp đó nhà báo viết: “Mỗi lần nhấc điện thoại là một lần họ nói câu đồng ý. Họ luôn vui vẻ và sẵn sàng giúp đỡ. Họ chính là những người giúp việc gia đình tại thung lũng Lehigh, ở Guthsville, PA”.

Mào đầu gây sốc

Chẳng có gì hấp dẫn độc giả bằng một mào đầu gây sốc. Bạn có thể bắt đầu bài báo bằng một lời phát biểu, một hình ảnh sốc. Mào đầu này đặc biệt hiệu quả với những bài viết mang tính cảnh báo.

“Scott chết khi em mới được năm tuổi rưỡi. Em sinh ngày 29 tháng 12 năm 1969. Lúc mới sinh, Scott trông rất kháu khỉnh với mái tóc xoăn vàng nhạt và đôi mắt xanh to. Đặc biệt, em khỏe mạnh, háu ăn và hiếu động.

Nhưng rồi, Scott đã bị nhiễm bệnh Tay-sachs…”

Đây là mào đầu trong bài viết cảnh báo về nguy cơ mắc bệnh Tay-sachs, một loại bệnh di truyền lặn với nhiễm sắc thể thân gây ngu đần và mù ở trẻ em. Căn bệnh này đang gia tăng trong khi nhiều cặp vợ chồng còn thờ ơ và thiếu hiểu biết về nó.

Đôi khi, muốn gây sốc cho độc giả, bạn có thể dùng đại từ nhân xưng để trực tiếp gọi và trò chuyện với độc giả ngay trong mào đầu.

“Những người cao tuổi nên thận trọng với những lời đường mật của một số tên dược sĩ dởm khi chúng nói rằng đang gửi đến cho các ông bà những thiết bị y tế được tài trợ bởi Chương trình của chính phủ Mỹ về chăm sóc người già trên 65 tuổi”.

Đưa ra câu hỏi

Một cách viết mào đầu khá quen thuộc là sử dụng câu trích dẫn của một nhân vật có thế lực kèm theo giới thiệu tên, xuất xứ, chuyên môn của người đó hoặc bối cảnh phát ngôn.

“ Ngày 2/10, phát biểu trên truyền hình. Cảnh sát trưởng Iran Blair của thành phố London (Anh) đã xin từ chức với lý do “vì đặt lợi ích của người dân và Sở Cảnh sát London lên trên hết”.

Dùng đoạn hội thoại

Hội thoại là một trong những nguyên liệu quan trọng mà phóng viên có thể sử dụng để viết mào đầu. Đối với một bài báo mà chủ đề có vẻ mang chút kịch tính thì mào đầu hội thoại rất hiệu quả. Đây là đoạn mở đầu trong một bài viết về tôn giáo:

“Mẹ, thế là mẹ đồng ý rồi phải không. Con phải từ bỏ mọi thứ con yêu vì Đức cha Moon và niềm tin của người”, Athur, cậu con trai 22 tuổi của tôi đang nói qua điện thoại, “Âm nhạc của con, chiếc trống của con, căn hộ và cả bạn gái của con nữa”.

Trong đoạn mở đầu hiện lên hình ảnh hai mẹ con và những tâm tư của họ. Câu mở đầu tạo kịch tính và những cảm xúc khác nhau cho người đọc.

Mào đầu thể hiện quan điểm . Cuối cùng, nếu bạn không thể sử dụng được mào đầu nào trong số trên, bạn hãy nghĩ đến việc bắt đầu bài báo bằng việc đưa ra một lời tuyên bố, thể hiện một quan điểm. Mào đầu này đọc có vẻ hơi “thật thà” nhưng bù lại để tạo niềm tin với độc giả. Chú ý dùng những câu giản dị, rõ ràng và thẳng thắn. Đây là mào đầu của bài viết “Liệu luật pháp có đối xử sai với phụ nữ”:

“Công việc của tôi là bào chữa cho những phụ nữ mang tội giết chết những người đàn ông đã lạm dụng tình dục họ. Tôi gặp khách hàng của mình trong nhà tù”.

Mào đầu tiên không chỉ là một minh chứng cho tính xác thực của bài báo, bộc lộ quan điểm của tác giả mà còn là một lời mời độc giả bước vào… nhà tù cùng tác giả.

Lưu ý khi viết mào đầu

Dù bài viết của bạn đề cập vấn đề gì đi nữa thì điều bạn muốn nói phải được nhận ra ngay trong đoạn mào đầu, thậm chí, nếu có thể, nằm ngay trên tít.

Khi bạn đang viết về một tộc người nào đó, cần phải chắc chắn độc giả của bạn có thể biết tộc người đó là ai ngay từ những câu đầu tiên.

Hãy viết một mào đầu hấp dẫn nhưng không được phép gây chú ý quá mức so với toàn bộ bài báo vì sẽ khiến độc giả hiểu lầm, đánh giá bài viết là “đầu voi đuôi chuột”, mào đầu hay nhưng càng đọc càng chán.

Không sử dụng đoạn mô tả dài dòng ngay trong phần mở đầu Hãy dùng những câu ngắn và những đoạn văn ngắn

Theo Duy Hoàng
Tạp chí Người làm báo Thanh Hóa/Nghề báo

Từ ngữ và nỗi đau

Hai bà cùng xóm ngồi chuyện vãn. Một bà hỏi: “Lúc này con Bảy nhà chị đi đâu mà thấy vắng?”. Bà kia trả lời: “Nó đi giúp việc nhà cho người ta ở trên phố”. Bà kia vọt miệng: “Đi ở đợ thì nói đi ở đợ cho rồi; còn bày đặt nói “đi giúp việc nhà”! Người mẹ có đứa con đi “ở đợ” bỗng nghẹn lời.

Minh họa: Khều

Nói “giúp việc nhà” (gần đây có từ “ôsin” cũng hàm nghĩa tương tự) thay vì nói “ở đợ”, hoặc “làm đầy tớ”, “con đòi”, “con sen” thì có gì sai? Không hề, mà ngược lại nó còn tế nhị và thể hiện một cái nhìn thân thiện với những người nghèo khổ đi làm công việc cực nhọc mà hữu ích này. Cái cách nói trắng, nói huỵch toẹt như vậy trong trường hợp này chỉ bộc lộ một thái độ coi thường, khinh miệt thường thấy trong những xã hội phong kiến, thực dân trước đây hoặc nơi những người ăn nói khinh suất, thiếu cân nhắc, thậm chí có khi là hợm hĩnh.

Cũng vậy, khi người ta gọi những người làm nghề quét rác cho sạch đường phố là “công nhân vệ sinh” thì cái cách nhìn đối với người quét rác đã không còn vẻ coi thường, khinh rẻ, không như khi ta gọi họ là “phu quét đường”, “người quét rác”.

Thực ra, có rất nhiều ví dụ tương tự trong ngôn ngữ xứ mình. Và những cách gọi như thế không phải là một cách tránh né, che giấu cái hèn kém (có nghề nào là hèn kém đâu!) hoặc làm giảm đi nét nghĩa tiêu cực như kiểu nói “điều chỉnh giá xăng dầu, điện nước” nhưng đúng ra phải nói là “tăng giá...”, nói “bệnh tiêu chảy cấp” thay vì “dịch tả”,... mà chính là cách nói tế nhị, thân thiện mà vẫn đúng về mặt ngữ nghĩa. Nó mở ra cho người sử dụng ngôn ngữ những khả năng chọn lựa thích hợp và điều đó cho thấy sự phong phú của tiếng Việt. Ông bà ta chẳng từng dạy: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói...”, “Học ăn, học nói, học gói, học mở” đó sao?

Nên cảm ơn những ai đã nghĩ ra những từ ngữ tế nhị và thân thiện như thế. Và cũng nên phát triển những cách gọi như thế.

Tiếc là nhiều năm trở lại đây đã xuất hiện xu hướng dùng từ cộc lốc, thô nặng. Dường như với nhiều người, sự tế nhị và mềm mại của tiếng Việt là không cần thiết; và khi nói năng, giao tiếp bình thường họ cứ việc giản lược, vật chất hóa thô bạo, ẩu tả, chẳng mảy may nghĩ rằng cách nói và lời lẽ của mình có thể tạo nên nỗi bực dọc, phiền muộn nơi người nghe hay đối tượng được gọi tên. Chẳng hạn, các cụm từ như “xuất khẩu lao động”, “chợ lao động”, “chợ cơ bắp”, “chợ người”... mà giờ đây đã được dùng rất nhiều trong lời ăn tiếng nói hàng ngày và cả trong văn bản.

Trước nay, với từ “xuất khẩu”, ta thường dùng gắn với các loại hàng hóa, vật dụng, nông sản..., chẳng hạn: xuất khẩu lúa gạo, xuất khẩu cao su, xuất khẩu tôm cá, hạt tiêu, hạt điều... Đến khi mở cửa giao thương với thế giới, tổ chức đưa người đi lao động ở các nước, thì sẵn tiện ghép luôn (không rõ ai đã có công sáng chế!) từ “lao động” vào “xuất khẩu”, thành ra cụm từ “xuất khẩu lao động”. Cách gọi như vậy khác nào vô tình đánh đồng người lao động với lúa gạo, cá tôm, cao su, tiêu điều...?

Chính cái cách định danh sai về mặt cấu tạo từ ngữ và cả trong nhận thức, quan niệm này đã dễ dàng dẫn đến những lối nói xấc xược, gây sốc vẫn thường nghe như “đám lao động xuất khẩu”, “bọn lao động xuất khẩu”! Xin nhắc rằng, việc đi lao động nước ngoài để mưu sinh là chuyện bình thường mà hầu như nước nào cũng có và hoạt động đưa người đi lao động nước ngoài đem về nhiều lợi ích cho đất nước.

Người lao động trong nước hoặc ở nước ngoài đều đáng trọng như nhau, trừ phi họ vi phạm pháp luật. Sao không gọi một cách đáng hoàng, tử tế và đúng đắn là “người đi lao động nước ngoài” hoặc “đưa người đi lao động nước ngoài”... Vẫn biết rằng ngôn ngữ vốn có quy luật tiết kiệm (nói tắt, nói gọn), thế nhưng sử dụng ngôn ngữ cần phải có văn hóa, không thể bảo rằng để nói gọn mà ta có thể nói năng thiếu cân nhắc, có thể gây tổn thương người khác. Vả lại, như đã nói, trong nhiều trường hợp cần sự tế nhị, ngôn ngữ sẽ cho ta những lựa chọn thích hợp. Còn với những trường hợp “chợ người”, “chợ lao động”... thì hỡi ơi, nhưng những người lao động nghèo khổ, thất nghiệp bị xô vào cái mà có người vô cảm gọi là “chợ” ấy chính là đồng bào của ta, và biết đâu trong số đó có cả những anh em, bè bạn, bà con sa cơ thất thế của ta! Có cách gọi nào ít đau xót hơn chăng?

Ngôn ngữ gắn với cảm xúc, tư duy. Chính qua lời ăn tiếng nói mà người ta biết được cách nhìn, thái độ và cả trình độ văn hóa của một người hoặc một cộng đồng về những gì đang diễn ra chung quanh.

Theo Công Thắng

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

"Con mắt biên tập"

LTS: Tác giả cuốn sách là những nhà báo và chuyên gia tên tuổi trong giới truyền thông Mỹ. Bà Jane T. Harrigan là giáo sư khoa báo chí ở Đại học New Hampshire kiêm cố vấn cho nhiều ấn phẩm đa dạng. Bà Jane đã có 23 năm giảng dạy nghiệp vụ biên tập. Còn Karen Brown Dunlap là giám đốc Viện Báo chí Poynter ở Florida và đã hai lần tham gia ban giám khảo giải thưởng báo chí Pulitzer.

"Con mắt biên tập" là cuốn sách nghiệp vụ báo chí đầu tiên trong tủ sách "Nghề báo" do công ty Sài Gòn truyền thông thực hiện. Nhà báo Trần Trọng Thức, người có nhiều đóng góp với các tờ Tin Sáng, Tuổi  Trẻ, Lao Động, Thời báo Kinh tế Sài Gòn... và hiện nay là tờ Doanh nhân Sài  Gòn Cuối tuần đã viết lời giới thiệu cuốn sách. Tuần Việt  Nam xin trân trọng giới thiệu tới quí vị độc giả:

Bài báo đến với bạn đọc là một quá trình không đơn giản bởi phải qua rất nhiều công đoạn. Tác giả những bài viết có chất lượng cao thường được độc giả yêu mến và cảm phục, thế nhưng người làm cho bài báo ấy hoàn chỉnh hơn, chính xác hơn và hấp dẫnhơn lại không được mấy ai biết đến. Đó là các biên tập viên, thường được ví von là "những nhà báo thầm lặng".

L.R.Blanchard thuộc hệ thống báo chí Gannett nổi tiếng trên thế giới, khi nói về tầm quan trọng của biên tập viên đã cho rằng, một Ban Biên Tập thật giỏi với những biên tập viên trình độ nghiệp vụ trung bình cũng chỉ có thể cho ra đời một tờ báo xoàng xĩnh. Một Ban Biên Tập tầm thường mà có những người biên tập đầy năng lực thì có thể đưa ra công chúng một tờ báo hạng khá. Một Ban Biên Tập bản lĩnh được hậu thuẫn bởi những người biên tập giỏi thì bảo đảm xã hội có được một tờ báo thật hay. Ông nói thêm: "Dù người viết nổi tiếng đến thế nào đi nữa, bài của họ chỉ có lợi hơn nếu được người khác đọc và biên tập".

Vai trò của người biên tập ngày càng quan trọng cùng với quá trình phát triển của truyền thông nói chung và báo chí nói riêng. Đã từ lâu, nhiệm vụ của biên tập viên chủ yếu là sửa sai, gạn lọc và trau chuốt câu cú làm cho bài viết giản dị, dễ hiểu. Để làm công việc vừa nói một cách hoàn mỹ, người biên tập cần tra cứu, đối chiếu tài liệu và hội ý với người viết. Bài viết sau khi được sửa sẽ trở nên trong sáng, mạch lạc và ít sai sót hơn. Nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ, anh ta còn phải sống trong dòng thời sự chủ lưu, có trí phán đoán, sự uyên bác trong nhiều lĩnh vực, óc biện luận và phản biện, trí tưởng tượng, đức tính thận trọng và khiêm tốn, đồng thời cũng phải biết hoài nghi.

Giờ đây khái niệm biên tập đã được mở rộng, biên tập viên có mặt hầu như ở các khâu quan trọng trong quá trình sản xuất của một tờ báo với nhiều chức danh khác nhau, từ biên tập nội dung đến biên tập kỹ thuật, từ biên tập tít tựa các bài viết đến hình ảnh và cả biên tập trình bày trang báo...

Với ban biên tập, họ là một bộ phận tham mưu đắc lực về nội dung tờ báo. Với phóng viên họ là người bạn đồng hành cùng làm việc, có khi tham gia từ bước đầu tư duy đề tài, trao đổi thông tin lẫn giúp hoàn chỉnh bài viết.

Khái niệm huấn luyện viên viết báo (Writing-coach) được nói đến trong cuốn sách nghiệp vụ báo chí mà bạn đọc đang cầm trên tay có thể cho chúng ta hình dung biên tập viên làm việc như một huấn luyện viên trong thể thao. Họ không dạy dỗ mà cùng làm việc và chia sẻ thông tin với phóng viên, biết phát huy thế mạnh của từng người trong đội ngũ và tôn trọng phong cách của các cây viết.

Sửa bài nhưng không được sửa ý, đó là nguyên tắc mà người biên tập nào cũng thuộc nằm lòng. Chính sự tôn trọng ý tưởng của người viết khiến báo chí phản ánh được những góc nhìn khác nhau về một vấn đề được xã hội quan tâm, mới không bị rập khuôn như cách hiểu máy móc báo chí là một công cụ.

Với cộng tác viên, biên tập viên làm vai trò trung gian giữa người làm báo và người viết báo. Vai trò ấy khiến việc sửa bài cho người bên ngoài đôi khi khó khăn và phức tạp hơn. Đã có không ít các bậc học giả, các chuyên viên mà tên tuổi đã trở thành "thương hiệu" khi thấy bài viết của mình bị sửa đôi chút đã vội phê phán tòa soạn một cách nặng nề rằng: đẻ đứa con ra không ai muốn con mình bị cắt chân, cắt tay. Thật ra người biên tập không độc ác như vậy, anh ta chỉ cắt những mẩu thịt thừa và vài dị tật của cơ thể ấy mà thôi.

Thế nhưng điều này không phải lúc nào cũng được các tác giả đồng tình. Chẳng hạn không ít cộng tác viên là chuyên viên lỗi lạc, nội dung các bài viết của họ nhiều khi được chuyển tải bằng những ngôn ngữ có tính bác học, phù hợp với phong cách nghiên cứu. Nhưng khổ nỗi, tờ báo lại có yêu cầu là làm sao để hầu hết độc giả của mình nắm bắt được những kiến thức uyên thâm ấy bằng một thứ ngôn ngữ đời thường dễ hiểu, đó là ngôn ngữ của báo chí. Cho nên tìm được một chuyên viên, một học giả, một nhà văn viết báo giỏi là điều rất quý đối với một tờ báo. Nếu không được như vậy, thì công việc của người biên tập sẽ rất nặng nề để tranh thủ được sự vừa lòng cả hai phía người viết và người đọc.

Thực tế cho thấy để bài báo hoàn chỉnh hơn thì công việc biên tập nên khởi đầu từ chính tác giả. Người viết, nếu được trau dồi kỹ năng sẽ biết những nguyên tắc căn bản về sửa bài để tránh bớt những sơ sót, cũng như để hoàn thiện cách sử dụng từ ngữ và lối hành văn. Bài viết của những nhà báo thận trọng sau khi qua tay người biên tập giỏi có khả năng sẽ tăng thêm hiệu ứng, tờ báo tạo thêm được uy tín với độc giả.

Báo chí là một sản phẩm của xã hội. Định chế xã hội dù có khác nhau nhưng đạo đức nghề nghiệp vẫn cần được chuẩn hóa trên cơ sở tôn trọng sự thật, tính trung thực và khách quan, vì sự tiến bộ mọi mặt của con người và sự phát triển của cộng đồng. Làm thế nào để góp phần làm cho xã hội ngày hôm nay tốt hơn hôm qua và ngày mai tốt hơn hôm nay, phải chăng suy nghĩ đó đã khiến ngày càng có nhiều người thuộc các lĩnh vực hoạt động khác nhau tham gia vào đời sống báo chí.

Trong một không gian viết báo ngày càng được mở rộng như vậy thì "Con mắt biên tập" (The Editorial Eye) của hai tác giả Jane T. Harrigan và Karen Brow Dunlap được Sài Gòn Media và báo Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu với người đọc vào thời điểm này rõ ràng đã đáp ứng nhu cầu của những người yêu nghề báo. Có thể xem đây là một cẩm nang nghiệp vụ đúng nghĩa với những chỉ dẫn chi tiết dành cho cả người viết lẫn người làm báo, không chỉ bổ ích cho phóng viên mới vào nghề tránh được những vấp ngã mà còn giúp những ai muốn đi xa hơn trong nghề viết hệ thống lại kỹ năng cơ bản.

Nội dung cuốn sách này còn bổ sung cho những khiếm khuyết trong giáo trình báo chí ở các trường đại học hiện nay, nơi mà những nhà báo tương lai được truyền đạt kiến thức đại cương và lý thuyết nhiều hơn các kỹ năng nghiệp vụ của báo chí thế giới đang phát triển không ngừng.

Không quá đáng khi nói rằng, "Con mắt biên tập" là một đóng góp đáng kể trong việc hoàn chỉnh phong cách viết báo hiện đại mà chúng ta đang hướng đến./.

Theo Tuần Việt Nam, VietnamNet