Nhà báo và… văn hóa đọc

Văn hóa đọc nói chung và văn hóa đọc báo nói riêng ở Việt Nam hiện nay đang có dấu hiệu xuống cấp - không chỉ việc bạn đọc ngày càng trở nên dễ dãi với những thông tin, bài báo, vô hình chung đã cổ xuý cho trào lưu báo chí lá cải lên ngôi mà đáng buồn hơn, chính các nhà báo cũng góp mặt vào “đội ngũ” này bằng việc không đọc, không xem, không có mặt tại hiện trường, không chứng kiến trực tiếp sự kiện, vẫn viết tin bài và thậm chí đăng cả chùm bài điều tra… nhiều kỳ. Không những vậy, trên mặt báo, bằng cách tưởng tượng, bịa đặt, thêm mắm thêm muối, “bé xé ra to”, bất chấp hậu quả…, họ tiếp tục nuông chiều bản thân với thói quen “phán”, hùng hồn “dạy bảo” công chúng phải thế này, phải thế kia…                                               

Có thể “nhận diện” một vài cách đọc hiện nay, từ đó suy nghĩ về phương pháp đọc của nhà báo để thấy rõ hơn tác nghiệp báo chí luôn gắn liền với… sự đọc.

Ưu tiên đọc báo mạng

Thử hỏi, hiện nay, có bao nhiêu nhà báo trẻ vào thư viện mỗi ngày? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ - Ảnh: DAILYPICTURES.INFO

Nếu không có bạn đọc, báo chí - trước hết là báo in, đương nhiên không tồn tại.

Sự xuất hiện Internet là một trong những bước ngoặt quan trọng, tác động lên nhiều nghề, nhiều ngành, trong đó có báo chí, và báo in. Nếu trước kia, bạn đọc quen thuộc với những trang báo in thì giờ đây, bạn đọc có dịp tiếp cận với một thứ báo mới mẻ hơn: báo mạng. Cơn bão bùng nổ công nghệ thông tin cũng dẫn tới sự bùng nổ của báo mạng, đặc biệt trong những năm gần đây. Điều đó đã tác động mạnh đến văn hóa đọc báo của bạn đọc. Bạn đọc bắt đầu làm quen và dần tạo cho mình thói quen đọc báo mới: báo mạng.

Nhà báo cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Hằng ngày, hàng giờ, một bộ phận những người làm báo phải túc trực trên mạng để không bỏ lọt bất cứ một thông tin nào mới nhất vừa được đăng tải lên trên các kênh khác nhau. Đa phần các nhà báo đã hình thành thói quen mới là… vào mạng “để biết hôm nay có gì”, từ đó tìm kiếm đề tài, cập nhật thông tin, bổ sung kiến thức cho bài viết và làm giàu phông văn hóa. Điều đáng nói là thông tin trên mạng phong phú nhưng thật giả lẫn lộn, đan cài nhau. Nếu không biết chắt lọc, kiểm chứng thông tin và sa đà vào đó, nhà báo cũng trở thành “nạn nhân” của công nghệ như bất cứ ai. Không ít trường hợp nhà báo lướt web và vội vã bê ngay thông tin vào bài viết, không thèm kiểm chứng lại, góp phần gây nhiễu loạn thông tin, bất chấp lương tâm, trách nhiệm của người cầm bút.

Một thực trạng đáng buồn là ngày càng nhiều nhà báo, đặc biệt là nhà báo trẻ xa rời với thư viện, với việc đọc sách để bổ sung vốn tri thức, vốn sống của mình. Nếu thời sinh viên họ say mê với những trang sách, miệt mài trên ghế giảng đường thì sau khi ra trường, làm nghề, thói quen đó dần bị lãng quên. Vì bận rộn và phải chạy đua thông tin “nóng”, họ thường vào mạng để tra cứu thông tin cho nhanh, mà không dành thời gian để nghiền ngẫm một cuốn sách, hay lên thư viện tìm tòi tư liệu.

Trường hợp phóng viên trẻ mới về tòa soạn báo, được sếp cho mượn sách quý về nghề để học hỏi thêm, một thời gian khá dài sau đó, khi bị yêu cầu trả sách, mới ớ người nhớ ra và vội vàng chữa thẹn bằng câu: “Em chưa đọc xong, mới chỉ đọc được có mấy trang đầu”… không phải là chuyện hy hữu ở các tòa soạn. Như thế để thấy rằng, giờ đây, thói quen đọc sách đã trở thành thói quen xa xỉ đối với đội ngũ nhà báo trẻ. Thử hỏi, hiện nay, có bao nhiêu nhà báo trẻ vào thư viện mỗi ngày? Câu trả lời vẫn bỏ ngỏ.

Đọc để… copy & paste

Nhiều nhà báo chỉ đọc để copy và paste, “làm giàu trên lưng người khác”. Đó quả là việc không chấp nhận được. Điển hình là những trang thông tin điện tử chuyên đi ăn cắp bài của các trang chính thống khác rồi tổng hợp, xào nấu lại để câu view. Để có một tác phẩm báo chí, người phóng viên phải lăn lộn vất vả, đi thực tế, có những bài viết phải trả bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí bằng máu nhưng những “phóng viên” nhiều trang tin điện tử chỉ ngồi nhà, trong phòng lạnh, không dầm dãi nắng mưa rét mướt; họ thảnh thơi lên mạng, đọc rồi copy và paste một cách “vô tư”, biến của người khác thành của mình một cách “hồn nhiên”. Cách làm này đang là một “đại dịch” gây nên sự phẫn nộ của không ít những người làm báo chân chính. Có thể thấy, thói quen ăn cắp bài của các phóng viên báo mạng ngày càng trở nên trắng trợn, công khai.

Tình trạng này đã khiến cho những người làm báo không thể làm ngơ. Điển hình là vụ Báo Năng Lượng Mới dọa kiện báo điện tử Baomoi.com ra tòa vì lấy bài mà không xin phép. Hay hàng loạt các Tổng biên tập báo Dân Trí, VTC news,... bức xúc trước tình trạng trang điện tử 24h.com.vn “bắc nồi nấu cháo trên lưng người làm báo” và đồng tâm kêu gọi Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm minh vụ việc này. Đó quả là một thực trạng nhức nhối, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng tuýt còi để giải quyết vấn nạn trên, tạo nên bầu không khí trong sạch cho báo chí.

“Copy-paste” trở thành “thủ phạm” gây ra tình trạng ngán ngẩm, nhàm chán với bạn đọc vì nhiều tờ báo, trang tin cứ na ná nhau, chẳng có tin, bài nào thực sự độc quyền của báo A bay báo B. Bạn Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Lần nào lên trang web mình cũng thấy tràn lan các bài báo giống nhau, có khác chăng chỉ là... cái tiêu đề báo”. Tình trạng “xào nấu”, “chế biến” lại tin bài của nhau trên báo mạng chưa biết đến bao giờ mới triệt tiêu, nếu một bộ phận nhà báo và công chúng chưa thay đổi cách đọc dễ dãi, chạy theo thị hiếu tầm thường như hiện nay.

Chỉ moi móc thông tin, đời tư

Không chỉ ăn cắp từ các tờ báo khác, các phóng viên báo mạng giờ đây còn có một cách lấy nguồn tin từ... Facebook. Họ vào Facebook để đọc và cập nhật tình hình hàng ngày, hàng giờ của của các “sao” rồi nhanh tay xào nấu, tổng hợp thành một bài viết rất hoành tráng và giật tít bài thật kêu nhằm thu hút sự chú ý. Thậm chí, có những phóng viên viết bài phỏng vấn mà không hề gặp mặt đối tượng, tự ngồi nhà, tra cứu, đọc và lắp ghép “râu ông nọ cắm cằm bà kia” một cách vô tư. Cách làm báo như thế cho thấy phóng viên không hề đầu tư thời gian, công sức để đọc, tìm kiếm tư liệu về con người, nhân vật, sự kiện mà chỉ thuần túy moi móc đời tư đáp ứng sự tò mò của bản thân, thỏa mãn sự hiếu kỳ của bạn đọc, không mấy bận tâm rằng mình đang xúc phạm nhân vật của mình, làm ảnh hưởng đến tinh thần và khả năng sáng tạo của họ. Không ít nghệ sĩ vẫn phải “cực chẳng đã”, bức xúc lên tiếng, yêu cầu các trang báo mạng phải gỡ bài, xin lỗi công khai vì tự ý đưa tin không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của họ. Nhưng, những tin bài kiểu này vẫn “như nấm sau mưa” hàng ngày, hàng giờ trên các trang báo mạng.

Đọc lướt, đọc nhanh, đọc cẩu thả

Không ít nhà báo đọc văn bản, tài liệu, ghi âm theo kiểu đọc lướt, đọc cẩu thả. Điều đó dẫn đến hậu quả là việc đưa thông tin thiếu chính xác, thậm chí sai lệch, gây ảnh hưởng đến đối tượng đưa tin. Như trường hợp “cười ra nước mắt” ở hành lang của một kỳ họp Quốc Hội: thấy báo bạn phỏng vấn, phóng viên cũng xô vào chĩa máy ghi âm rồi về viết đăng bài đàng hoàng nhưng sau đó bị kiện vì: không biết tên người mình viết bài phỏng vấn nên đã đề tên sai. Thậm chí, có phóng viên nghe chữ tác, đánh chữ tộ, gọi điện phỏng vấn nhưng không nghe rõ đầu đuôi câu chuyện và nhanh nhảu đưa tin khiến dư luận một phen hoang mang.

 Đọc, đọc nữa, đọc mãi

Nhà báo nào cũng biết mình cần phải trang bị vốn sống, vốn kiến thức để có thể viết đúng, viết hay, nhưng từ “biết” đến “làm” khoảng cách vẫn còn đó. Do yêu cầu công việc, nhà báo phải tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau, nhiều nguồn tin khác nhau, đỏi hỏi trước khi tác nghiệp cần có sự chuẩn bị chu đáo để không bị lỗi khi tác nghiệp, không bị sai lệch khi sử dụng thông tin trong bài viết. Không ít trường hợp phóng viên phỏng vấn đưa ra những câu hỏi ngô nghê, không mang tính chất chuyên môn khiến người được phỏng vấn “mất hứng”, thậm chí từ chối trả lời. Một “lỗi tác nghiệp” khá phổ biến: không ít phóng viên sau khi phỏng vấn về, cứ thế cắm cúi dựng bài, không chịu đọc lại, tìm hiểu kỹ thêm thông tin liên quan khiến bài viết hời hợt, nông cạn, thiếu chiều sâu hoặc sai cả kiến thức cơ bản. Thế nên, khi đưa tin, viết bài về một vấn đề mà mình không rõ, không có chuyên môn thì việc đọc, nghiên cứu về vấn đề đó đối với mỗi người làm nghề báo là điều thiết yếu .

Đó chính là văn hóa đọc của người làm báo.

Có lẽ, câu chuyện về nhà báo Phan Quang là điển hình cho lớp nhà báo có tâm huyết và say mê đọc. Ở ông có vốn kiến thức và chiều sâu văn hóa do tích lũy trong quá trình sống và miệt mài đọc của mình. Mỗi câu, mỗi chữ ông đều cẩn thận, tỉ mỉ tra cứu. Theo ông, viết báo dùng cái mắt, cái tay, cái miệng của phóng viên là chính, vẫn không thể thiếu sách báo và tư liệu tham khảo. Và việc đọc tư liệu là làm cho độc giả tin bài viết của ta là chân thực, không tùy tiện hư cấu. Ông vẫn luôn giữ thói quen tra cứu và đọc cẩn thận, tỉ mỉ của mình trong suốt mấy chục năm làm nghề. Đây có thể coi là một trong những tấm gương về văn hóa đọc của nhà báo.

Một nhà báo có câu nói vui ngụ ý rằng: “Nhà báo, tưởng là biết nhiều thứ nhưng kỳ thực lại chẳng biết thứ gì”. Nói như vậy để thấy rằng, làm bất cứ nghề gì, đặc biệt là nghề báo luôn cần phải đọc, phải học hỏi để nâng cao vốn trí thức, văn hóa của mình. Có như vậy, chúng ta mới có được một bài báo đúng, báo hay, mang lại những giá trị thông tin thiết thực chứ không đơn thuần chỉ là trò giải trí, mua vui cho một bộ phận công chúng hiếu kì. Văn hóa đọc tác động to lớn lên văn hóa làm báo, góp phần định hướng bạn đọc. Thiết nghĩ, vấn đề này là vấn đề cần làm và nên làm đối với mỗi phóng viên, tòa soạn báo thực sự có trách nhiệm và tâm huyết, để góp phần đem lại bầu không khí trong sạch cho báo chí, tránh những “con sâu làm rầu nồi canh”.

“Không ít trường hợp nhà báo lướt web và vội vã bê ngay thông tin vào bài viết, không thèm kiểm chứng lại, góp phần gây nhiễu loạn thông tin, bất chấp lương tâm, trách nhiệm của người cầm bút”.

Thanh Mai

Nguồn: Tạp chí Người làm báo

Tin nổi bật