Nhà báo Tạ Lan - Đài Tiếng nói Việt Nam: Viết về khoa học công nghệ, làm sao để hấp dẫn?

Mặc dù liên tiếp nhận Giải Nhất - Giải thưởng Báo chí về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ở loại hình phát thanh trong nhiều năm, thế nhưng nhà báo Tạ Lan (Ban Thời sự VOV1- Đài Tiếng nói Việt Nam) vẫn luôn đau đáu đi tìm câu trả lời: Viết về khoa học công nghệ, làm sao để hấp dẫn?

Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Tạ Lan xung quanh câu chuyện này.

Lại một lần nữa trong Lễ trao giải Báo chí về KH&CN, cái tên Tạ Lan được nhắc đến trong danh sách tác giả giành Giải Nhất. Điều này có làm chị bất ngờ?

Không chỉ cá nhân tôi mà các bạn đồng nghiệp của tôi chắc cũng cùng chung cảm xúc với tôi, đó là rất xúc động, hạnh phúc và tự hào khi công sức và thành quả lao động của mình trong thời gian qua đã được ghi nhận, động viên, khích lệ bằng Giải thưởng Báo chí về KH&CN. Bên cạnh sự tự hào thì chúng tôi cũng ý thức được trách nhiệm của mình là cần phải làm tốt hơn nữa công việc được lãnh đạo giao phó trong thời gian tới, đó là truyền tải những thông tin KH&CN đến với thính giả và bạn đọc cả nước.

Viết về KHCN quả thực là điều không dễ, bởi bản thân nó đã mang tính hàn lâm, khó hiểu. Vậy chị đã vượt qua những khó khăn ấy như thế nào?

Tôi đã có khoảng thời gian viết về KHCN là 10 năm. Và trong khoảng thời gian ấy tôi có may mắn được làm việc, được gặp gỡ với nhiều nhà khoa học, các chuyên gia cả trong và ngoài nước, được làm việc với các đồng chí làm quản lý ở các bộ ngành khác nhau. Trong những lần gặp gỡ ấy thì nhiều người có chia sẻ với tôi rằng: “Làm khoa học vừa khó vừa khổ lại vừa khô”. Tôi tin là mọi người cũng đồng tình với nhận định này. Tôi cũng tin là các bạn đồng nghiệp của tôi cũng đồng ý với tôi rằng, viết về KHCN cũng tương tự như vậy, cũng vừa khó vừa khổ lại vừa khô.

Nhà báo Tạ Lan (thứ 2 từ phải sang) trong Lễ trao giải Báo chí về KH&CN năm 2018 (Ảnh: VOV)

Bạn biết là những thông tin khoa học thì vốn dĩ đã khô khan và không phải ai cũng hiểu được, nhưng khi viết về khoa học bạn vẫn phải đảm bảo truyền tải những thông tin ấy đến với người nghe, đến với bạn đọc một cách chính xác nhất, nhưng vẫn phải sinh động, dễ hiểu và cuốn hút, thì đấy là công việc không phải dễ dàng gì. Chính vì vậy mà tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiều của các nhà khoa học các chuyên gia trong việc đóng góp ý kiến để bài viết của mình khi được gửi tới thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam đảm bảo được các tiêu chí dễ nghe, dễ hiểu, cuốn hút người nghe nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác của khoa học.

Được biết hiện nay chị là thành viên chủ nhiệm của Câu lạc bộ Nhà báo KH&CN. Chị có thể chia sẻ thêm một chút thông tin về Câu lạc bộ này?

Nhà báo KH&CN là một câu lạc bộ trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam được thành lập ngày 27/7/2011, với vai trò là cầu nối giữa các nhà báo  với các Bộ, ngành, Viện, doanh nghiệp… hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Thông qua các chương trình hội thảo, hội nghị, tòa đàm, gặp gỡ do Câu lạc bộ phối hợp với các cơ quan, ban ngành tổ chức, giúp cho các nhà báo có thêm “sân chơi” ý nghĩa; giúp các tổ chức khoa học công nghệ nâng cao công tác truyền thông về các hoạt động của mình, đồng thời các nhà báo có thêm hiểu biết, kiến thức cũng như kinh nghiệm do các nhà khoa học chia sẻ nhằm nâng cao công tác chuyên môn nghiệp vụ của mình trong quá trình tác nghiệp và viết bài. Đến nay, Câu lạc bộ đã thu hút khoảng trên dưới 100 thành viên, là các nhà báo viết về KHCN ở các cơ quan báo chí khác nhau trên cả nước.

Là người nhiều năm theo dõi mảng KHCN, chị đánh giá thế nào về các tác phẩm báo chí viết về KHCN hiện nay?

Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận với nhau rằng, lĩnh vực KHCN ở Việt Nam không có nhiều vấn đề “nóng”. Chính vì vậy mà những thông tin về KHCN thường không thu hút được sự quan tâm của đọc giả. Các bạn đồng nghiệp của tôi cũng thường than thở với tôi rằng, viết về KHCN thường rất ít view, trong khi theo tôi được biết các tác phẩm báo chí viết về kinh tế, y tế, giáo dục… thường rất nhiều view.

Vâng, xin cám ơn chị.

Nhà báo Tạ Lan (tên thật là Tạ Thị Lan) hiện làm việc tại Ban Thời sự VOV1- Đài Tiếng nói Việt Nam. Chị là thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo KH&CN. Ngày 18/5/2019 chị vừa giành Giải Nhất- Giải thưởng Báo chí về KH&CN với Giải Nhất với loạt tác phẩm về cách mạng 4.0. Trước đó, năm 2018, chị đã giành Giải Nhất với tác phẩm “Sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ: Nói không với công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường”.

Được bắt đầu tổ chức từ năm 2012, Giải thưởng Báo chí KH&CN được Bộ KH&CN tổ chức nhằm trao tặng cho các tác giả là công dân Việt Nam, có tác phẩm báo chí xuất sắc về KH&CN, đã đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Giải thưởng có mục đích nâng cao nhận thức xã hội về vai trò và tác động của KH&CN trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông về lĩnh vực này. Ngoài ra, Giải thưởng còn tạo động lực nhằm khuyến khích các phóng viên, cơ quan báo chí tích cực tham gia tuyên truyền về KH&CN, góp phần đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào cuộc sống và sản xuất kinh doanh; nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của KH&CN trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Nguồn: Dương Lê (thực hiện)/congluan.vn

Tin nổi bật