Nhà báo Quang Đạm - “Cây đại thụ” tài năng và bản lĩnh

Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Quang Đạm, những người làm báo trẻ có thể học hỏi được rất nhiều bài học quý qua nhiều thập kỷ vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là bản lĩnh của người làm báo cách mạng dù bị hàm oan.

Tọa đàm “Quang Đạm – Nhà báo, nhà trí thức cách mạng” đã được Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức sáng 19/12 tại Hà Nội.

Nhà báo Quang Đạm (tên thật là Tạ Quang Đệ, sinh năm 1913, mất năm 1999) là một trong những cây đại thụ đầu tiên của Báo Nhân Dân. Trải qua hơn nửa thế kỷ cầm bút, ông được đánh giá là một nhà báo tài năng và bản lĩnh, một trong những cây bút hàng đầu của báo chí cách mạng Việt Nam.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi

Khẳng định “nhà báo Quang Đạm là một trong những bậc tiền bối để các lớp nhà báo hôm nay học tập, noi gương”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi bày tỏ: Tọa đàm là một trong những hoạt động tri ân, tưởng niệm các bậc nhà báo tiền bối có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam; góp phần vào việc giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng các nhà báo trẻ.

Chia sẻ về điểm nổi trội trong “tính cách Quang Đạm”, nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đặc biệt đề cao khả năng tự học của một nhà “đại tự học”. Bằng tự học, nhà báo Quang Đạm giỏi chữ Hán, thành thạo tiếng Pháp, biết tiếng Nga, tiếng Anh, văn phong trong sáng, khúc chiết. Ông có bằng cử nhân Luật rất sớm và đến tuổi tri thiên mệnh vẫn cần cù học, nhận bằng Phó Tiến sĩ Triết học.

Trưng bày “Ngọn bút vinh quang, cuộc đời thanh đạm” do Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ toạ đàm

“Quang Đạm bước vào nghề báo bằng báo liếp, những bài viết nghiệp dư dán lên tấm liếp tre cho các cán bộ trong cơ quan cùng đọc. Ngày 11/3/1953, báo Nhân Dân ra số đầu tại Việt Bắc, Bộ Chính trị chỉ định Ban Biên tập, trong đó có Quang Đạm, bên cạnh những nhân vật như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Thanh…

Công lớn của Quang Đạm không chỉ ở chỗ chung tay xây dựng tờ báo từ thời còn trong trứng nước mà sau này còn góp phần đưa Báo Nhân Dân trở thành một tờ nhật báo tiếng nói của Đảng, phù hợp với xu thế báo chí hiện đại đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, góp phần nâng cao dân trí”, nhà báo Phan Quang nhận định.

Ở một góc nhìn khác, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nhớ đến nhà báo Quang Đạm như một trong những người đi tiên phong gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt: “Trong quá trình tác nghiệp báo chí, khi chữa bài, bác Quang Đạm đều giải thích cho chúng tôi vì sao đoạn ấy, câu ấy lại sửa như vậy, cụm từ nào dùng theo Hán – Việt có thể “Việt hóa” để bạn đọc dễ hiểu thì nên dùng. Cho đến nay, chúng tôi vẫn viết theo cách viết của bác Quang Đạm”.

“Nhà báo Quang Đạm là người trực tiếp soạn thảo những bản quy định về cách dùng từ, viết chính tả cho chính xác, nhất quán, đặc biệt là việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên báo Đảng… Cách viết ngắn gọn, sáng rõ trên Báo Nhân Dân nhiều năm trước đây được sinh viên nhiều trường đại học xem là chuẩn mực để phân rõ đúng sai trong cách dùng từ, chính tả…

Rất tiếc, cách làm tốt đẹp về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ấy đã không được tiếp nối, phát huy. Hiện tượng sính “nói chữ”, dùng tiếng nước ngoài tràn lan ngày càng tăng, gây bất bình cho người đọc”, nhà báo Đặng Minh Phương, nguyên Trưởng Cơ quan thường trực Báo Nhân Dân tại Đà Nẵng chia sẻ thêm. 

Toàn cảnh Tọa đàm

Không chỉ là một nhà báo lớn, Quang Đạm còn là học giả, nhà hùng biện, mà một trong số những bài nói chuyện hay nhất của ông là nói về sự nghiệp báo chí và văn phong báo chí của Bác Hồ.

Bên cạnh đó, Quang Đạm còn là một người thày, từng tham gia viết giáo trình, góp phần không nhỏ vào việc đặt nền móng cho cơ sở lý luận báo chí Việt Nam, trực tiếp giảng dạy nhiều thế hệ nhà báo ngay từ lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng (năm 1949) đến những năm sau này ở Trường Tuyên huấn Trung ương.

Tuy nhiên, con đường làm báo mà Quang Đạm gửi gắm toàn bộ trí tuệ và tâm huyết bỗng một ngày phải tạm dừng. Cuối những năm 60 thế kỷ trước, do một số thông tin chưa được kiểm chứng, chi bộ đã “khai trừ, lưu Đảng, buộc Quang Đạm phải nghỉ việc.

Sau này chúng tôi được biết các đồng chí Trường Chinh, Mười Hương đã chỉ đạo và muốn minh oan cho Quang Đạm. Đồng chí Mười Hương đã đến Ban Tổ chức Trung ương tìm hồ sơ về việc Quang Đạm bị đề nghị kỷ luật nhưng không tìm thấy văn bản nào liên quan, vì vậy cũng không thể ra quyết định phục hồi cho Quang Đạm. Lịch sử có những khúc quanh và cuộc đời mỗi con người cũng có những khúc quanh như thế”, nhà báo Hải Đường, nguyên Ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân Dân kể lại.

Dù bị hiểu sai, Quang Đạm vẫn có một phong cách sống, bản lĩnh sống đáng nể phục. Những năm cuối đời, ông vẫn lặng lẽ sống và viết, cống hiến cho độc giả nhiều trang viết về đạo lý, tri thức ở đời. Những trang viết đó càng làm sáng tên ông trong làng báo nước nhà.

Bình Minh

Tin nổi bật