1. Cách đây nhiều năm, khi ấy ông còn là Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, còn tôi, một phóng viên trẻ mới vào nghề được may mắn phỏng vấn ông trong vòng nửa tiếng đồng hồ. Khi ông ra sách "Năm tháng xa xanh", bài phỏng vấn của tôi được đăng trang trọng ngay trang đầu tiên của cuốn sách và được ông gửi tặng. Quả thực khi phỏng vấn ông về chủ đề 30/4 năm ấy, đến nay tôi vẫn thấy tiếc vì không có nhiều thời gian để hỏi. Khi tôi đọc "Năm tháng xa xanh" tôi lại càng tiếc hơn khi có quá nhiều câu chuyện với nước mắt, nụ cười trên chiến trường ông kể lại tường tận và đầy xúc động. 

Nhà báo Trần Mai Hưởng thuộc lớp phóng viên tay bút, tay súng của Thông tấn xã Việt Nam, đem cả tuổi 20 đi khắp chiến trường chống Mỹ. Ông đã tới những mặt trận nóng bỏng nhất như Quảng Trị năm 1972, theo các cánh quân "thần tốc" trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975. Và sau này còn đi cùng các cánh quân tình nguyện sang Campuchia đánh quân Ponpot giải phóng đất nước Ăngco khỏi họa diệt chủng, lên biên giới phía Bắc trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới... Cuộc đời làm báo những năm tháng tuổi trẻ gắn liền với bom đạn, gắn liền với khói lửa chiến tranh, với mọi cung bậc của khổ đau và chiến thắng. Thế nên, ở ông là cả một cuốn từ điển sống mà chúng tôi, những nhà báo của thời bình luôn trân quý.

Cuộc gặp lại bốn chiến sĩ trên xe tăng 846 trong bức ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975” đầy xúc động.

Ông từng bảo: "Người phóng viên chúng tôi chấp nhận mình như những người lính, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì công việc chung. Hồi đó sự hy sinh trong suy nghĩ của chúng tôi rất bình thường,  ai cũng có thể ngã xuống bất cứ lúc nào. Ngày hôm nay có thể làm việc, ngày mai có thể qua một trận B52, qua một trận càn, vướng phải một bãi mìn… có nhiều đồng đội của tôi nằm lại, không về". 

Trong câu chuyện của ông, hình ảnh chiến tranh ác liệt thực sự như nỗi ám ảnh mà đến tận hôm nay, sau 43 năm những kí ức về nó dường như không phai mờ. Làm sao có thể phai mờ khi chặng đường từ năm 1972 đến 1975 là biết bao cung bậc của cảm xúc, trải qua biết bao cuộc gặp gỡ rồi chia xa, những nỗi đau khi đồng đội ngã xuống và cả những niềm hạnh phúc tột cùng khi nước nhà thống nhất. Chiến tranh rất ác liệt, các chiến trường từ Quảng Trị, Thừa Thiên, Tây Nguyên, Khu 5, Nam Bộ,… lúc bấy giờ bom đạn dữ dội, sự hy sinh không tả xiết. Ông bảo, người phóng viên chiến trường xông pha vào trận mạc để ghi lại, chụp lại những khoảnh khắc lịch sử, coi nhiệm vụ cung cấp thông tin là một lẽ sống. Thậm chí, có những bức ảnh, những bài viết để đưa một cách kịp thời nhất, ông không còn đủ thời gian nghĩ đến cả sự sống chết. Bởi với ông, mặc nhiên ra chiến trường, mặc nhiên coi những mớ tài liệu, những bức ảnh "chộp" được còn quý giá hơn cả tính mạng và sự hy sinh vì thế cũng trở nên bình thường...

2. Khi trò chuyện về công việc làm báo trong chiến tranh, tôi thấy ở nhà báo Trần Mai Hưởng một ngọn lửa của sự đam mê và trách nhiệm. Những câu chuyện của ông là bài học thiết thực và ý nghĩa đối với người làm báo hôm nay. Ông kể rằng, ngày đó, công việc của phóng viên chiến trường là đi và viết, đêm ngày không nghỉ, nhưng không phải lúc nào cũng gửi bài được về ngay. Thế nên có nhiều tiếc nuối, nhiều nỗi buồn vui nghề nghiệp. Như chuyện về tác phẩm "Gặp những người khởi nghĩa" ông viết phản ánh cuộc sống mới ở Quy Nhơn sau ngày giải phóng. Nhưng rất tiếc là do hành trình quá vội và việc liên lạc với Hà Nội có trục trặc, nên ông phải mang theo bài viết này đến tận Nha Trang. Từ đấy trở đi, việc chuyển bài về nhà rất khó khăn. Càng xa Hà Nội, lại lên máy ở những thành phố lớn nên khả năng bắt sóng, phát tín hiệu ngày một khó khăn. Ông tâm sự: "Tôi là phóng viên viết tin bài, những khoảnh khắc mà "một ngày bằng hai mươi năm" này, có mặt tại chỗ mà không chuyển được thông tin về là điều rất bức xúc và cả một nỗi ân hận lớn về trách nhiệm của mình cũng như khát vọng nghề nghiệp. Cái khó nhất là phải thường xuyên di chuyển, không có thời gian ổn định để có thể căng ăng ten thật cao ở những nơi xa thành phố"...

Bức ảnh ”Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975“ của nhà báo Trần Mai Hưởng đã trở thành biểu tượng của ngày toàn thắng.

Trong quá trình tác nghiệp, sự năng nổ, xông pha là rất quan trọng để kịp thời nắm bắt tình hình tin tức chiến tranh cũng như vấn đề thông tin đầy đủ cho công chúng. Những bài viết được ra đời dưới bom đạn là những bài viết còn sức nặng với thời gian nhưng ít ai biết rằng để có được những tư liệu, phóng viên chiến trường đã phải trải qua không ít gian khó, có cả máu và nước mắt. Nhà báo Trần Mai Hưởng kể lại câu chuyện về tối hôm nghe tin Đà Lạt giải phóng, mọi người muốn vòng lên đó vì nghe nói đường cũng đã thông. Nhưng ông đề nghị được quay lại Nha Trang, cần có bài về Phan Rang càng sớm càng tốt. "Tôi hiểu rằng, nếu có bài kịp thời về Phan Rang thì rất tốt cho công tác thông tin nói chung vào thời điểm đó. Thế là sáng hôm sau, chia tay anh em lên Đà Lạt, tôi lại một mình phóng xe cả trăm cây số về Nha Trang. Đường mới, lại một mình, ngoài súng ngắn, tôi mang theo cả khẩu Carbin báng gấp lấy ở sân bay Thành Sơn. Dù sao có thêm vũ khí cũng cảm thấy an toàn hơn ở một vùng chiến sự đang còn nóng. Rất may là không có chuyện gì xảy ra. Một buổi sáng trời rất đẹp. Cảnh sắc cuộc sống ở một vùng mới giải phóng đã cuốn hút tôi, nên không thấy nguy hiểm mà đường cũng chẳng xa! – Ông tâm sự.

3. Nhắc đến nhà báo Trần Mai Hưởng, người đọc thực sự ấn tượng về những tác phẩm đầy ý nghĩa, giàu chất nhân văn như Bích La Đông giải phóng, trên vành đai điện tử, Huế đỏ cờ bay, Đà Nẵng ngày đầu giải phóng, Ngày vui ở khu phố Bàn Cờ... Các tác phẩm viết của ông phần lớn đều viết dưới dạng phản ánh, ghi chép lại sự kiện nhưng rất ngắn gọn, súc tích và cảm động. Tôi thích cái cách ông đặt tít, luôn rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề. Cái cách ông lựa chọn chi tiết, rất độc đáo và tinh tế. Đặc biệt, cái cách ông khép lại một bài viết, rất giản dị mà ấn tượng. Trong những bài viết vào mùa xuân năm 1975, kết thúc bài luôn là sự khép lại đầy hào sảng, đầy niềm tin tưởng vào chiến thắng. Chẳng hạn như đoạn kết trong Đà Nẵng ngày đầu giải phóng, ông có viết: "Và cũng bão táp đã đem lại bình minh cho thành phố. Nắng sớm trên thành phố cửa biển Đà Nẵng hôm nay sao mà rực rỡ! Một cuộc sống mới đang bắt đầu". Chia sẻ về điều thú vị này, nhà báo Trần Mai Hưởng cho rằng, người làm báo không chỉ cung cấp thông tin mà còn phải định hướng dư luận xã hội. Vì thế, phải làm sao mang đến cho người dân những phản ánh chân thực nhất về cuộc sống, đồng thời cũng đem đến cho họ những niềm hy vọng, sự động viên tinh thần và đó chính là giá trị đích thực của một tác phẩm báo chí trong chiến tranh.

Là phóng viên viết tin nhưng nhà báo Trần Mai Hưởng lại có những bức ảnh để đời, làm nên tên tuổi của ông. Trong đó đặc biệt là bức ảnh xe tăng của quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Trần Mai Hưởng theo mũi đột phá tiên phong của quân đoàn II thuộc cánh quân Duyên hải tiến vào Dinh Độc Lập sớm nhất, ông đã chụp được bức ảnh lịch sử ấy. Bức ảnh này đã trở thành biểu tượng của ngày toàn thắng và nhà báo chộp được khoảnh khắc này, hôm nay nhắc lại vẫn đầy niềm xúc động vì được trở thành chứng nhân ghi lại một phần lịch sử. Điều đáng trân trọng hơn nữa là, sau này khi trở về thời bình, dù trên cương vị lãnh đạo hay khi lúc nghỉ hưu, ông vẫn dành thời gian đi thăm lại chiến trường xưa, dành thời gian gặp lại những nhân vật một thời của mình. Từng mảnh đất, con người năm tháng "xa xanh" đã trở thành ký ức, là một phần trong trái tim, cuộc đời ông. Sự gặp gỡ trong duyên phận nghề nghiệp đến duyên phận đời thường có lẽ ít ai được nếm trải trọn vẹn như thế. Gần đây, ông kể lại đầy hạnh phúc: "Ngày 22/4/2016 tôi có dịp gặp lại bốn chiến sĩ trên xe tăng 846 trong bức ảnh "Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975" do tôi chụp với tư cách là Phóng viên TTXVN vào thời khắc đó. Rất mừng thấy các anh vẫn mạnh khoẻ, bình an, gia đình con cháu có nhiều tin vui...". Ông - một người từng là lãnh đạo cao nhất của TTXVN - nhưng lại luôn vui với niềm vui giản dị của một phóng viên chiến trường năm xưa...

Nguồn: Hà Vân/congluan.vn