Nghề báo xứ Chùa Vàng

Xuân 2014, quan hệ hợp tác báo chí Việt Nam - Thái Lan bước qua tuổi 20, một mốc son đáng nhớ trong quan hệ báo chí 2 nước. Cuối tháng 10-2013, đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam, do Chủ tịch Hội, nhà báo Thuận Hữu làm Trưởng đoàn đã có mặt ở thủ đô Bangkok tham dự các hoạt động kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ báo chí Việt-Thái. Báo Việt  bàn chuyện báo Thái, cũng là một nét Xuân, góp phần làm sâu đậm thêm tình đồng nghiệp, sự tương đồng quan hệ đoàn kết, hữu nghị hợp tác giữa 2 nước.      

Ông “vua” báo ở Phuket!

Phuket là hòn đảo du lịch kỳ thú, một trong những thiên đường nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á. Phuket, bên bờ Ấn Độ Dương còn được nhiều người biết đến bởi sức sống phi thường, sau trận tàn phá của cơn sóng thần lịch sử năm 2004.

Các đồng nghiệp Liên đoàn Báo chí Thái Lan có dụng ý khi sắp xếp chương trình mời đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam đến thăm Phuket đúng vào 2 ngày nghỉ cuối tuần. 20 năm báo chí 2 nước Việt Nam-Thái Lan thiết lập quan hệ, cũng là 20 lần Hội Nhà báo 2 nước tổ chức đoàn nhà báo chính thức qua lại gặp gỡ, giao lưu.

Đoàn nhà báo Việt Nam cùng Tổng Biên tập Amnat Jongyotying (ngoài cùng bên trái) và các đồng nghiệp nhật báo Pak Nua (Chiang Mai). Ảnh: Quốc Toàn

Đây là lần đầu tiên bạn chính thức tổ chức một đoàn nhà báo Việt Nam đến thăm trung tâm du lịch nổi tiếng Phuket. Trên chuyến bay FD3025 của Hãng Hàng không Thái Air Asia, cất cánh từ Sân bay Suvarnabhumi-Bangkok, duy nhất chỉ có 1 công dân Phuket, 180 hành khách còn lại là du khách các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Pháp. Ngày cuối tuần, Sân bay quốc tế Phuket phục vụ 30 chuyến bay đến từ Bangkok dành cho du khách, không kể số du khách của 15 chuyến bay đến từ các sân bay quốc tế khác.

Đến Phuket, đoàn nhà báo Việt Nam có dịp tiếp xúc, gặp gỡ nhiều đồng nghiệp trên hòn đảo xinh đẹp. Phó Chủ tịch Hiệp hội Báo chí Suchart Hirankanokkul, cùng Trợ lý Tỉnh trưởng tiếp các nhà báo Việt Nam ngay trên bãi biển. Ông Suchart cho biết, Hiệp hội Báo chí Phuket có hơn 200 hội viên. Đảo phuket có 4 tờ báo in, 3 đài phát thanh, 2 hãng truyền hình cáp, trung tâm sản xuất chương trình và tiếp sóng của Đài Truyền hình quốc gia.

Ngày 23-9-2012, đoàn nhà báo Việt Nam đến thăm nhật báo Siangtai Times (Tiếng nói miền Nam), tại nhà số 1/25 đường Thepkrasattree, Muang, Phuket 83000. Ông Chaovapong Mekarakul, Chủ tịch Tập đoàn Siangtai Times nhiệt huyết, mến khách chuẩn bị đón các đồng nghiệp Việt Nam từ sáng sớm. Chaovapong xuất thân từ một gia đình công nhân nghèo, gốc Trung Hoa, có 6 anh em. Là anh trai lớn, lúc 15 tuổi ông đã là một thanh niên vừa bán báo, vừa làm thợ lắp kính và sửa chữa đồng hồ.

Xã hội Thái Lan ngày đó bị giới chủ và chính quyền o ép, người làm công ăn lương bị ức hiếp. Chaovapong nuôi tham vọng làm báo, để được phản ánh việc bị ức hiếp lên báo. Vừa tham vọng, vừa mê say nghiệp báo từ nhỏ, năm 1975, công việc kinh doanh đang thuận lợi, Chaovapong bàn giao nghề lắp kính và sửa chữa đồng hồ cho các em, gom góp được 5.000 bath, mua mảnh đất gần 1 ha làm nhà xưởng, để thực hiện ước nguyện làm báo, in báo, mặc cho mẹ và các em phản đối.

Chaovapong Mekaraku đã nói là làm, quyết không lùi bước. Ngày 16-10-1978, cách đây đúng 34 năm, báo Siangtai Times số đầu tiên phát hành rộng rãi ở Phuket và chỉ một thời gian ngắn sau đó đã lan tỏa rộng khắp toàn khu vực 14 tỉnh miền Nam Thái Lan. Từ tờ tuần báo, Siangtai Times tăng lên tuần 2 kỳ, 3 kỳ, nhanh chóng trở thành nhật báo tiếng Thái, xuất bản  tiếng Anh, tiếng Trung. Cùng với nhật báo in 30 vạn bản/kỳ, Siangtai Times còn có đài phát thanh, phủ sóng toàn khu vực.

Sự nghiệp làm báo, kinh doanh báo chí của Chaovapong gặp không ít khó khăn. Tài chính của báo vào những thời điểm khủng hoảng kinh tế, chịu nhiều áp lực nặng nề. Năm 1987, do tác động của khủng hoảng tài chính trong nước và khu vực, kinh nghiệm kinh doanh trên lĩnh vực truyền thông chưa nhiều, tờ báo mới ra đời được 9 năm đã nợ nần chồng chất, tổng nợ hơn 10 triệu bath. Ngân hàng Phuket quyết định phong tỏa tài sản, thu nợ. Anh em trong gia đình phê phán; vợ ông không thể chịu được nên chia tay.

Chủ tịch Chaovapong không nản chí: “Thà chết, nhất định không từ bỏ nghiệp báo”. Ông lại đi vay tiền, huy động vốn liếng từ bạn bè, bán tài sản gom góp được để trả nợ, vực dậy tờ báo. Hơn 10 năm sau, Siangtai Times lại gặp khủng hoảng, nợ nần và tiếp tục bị ngân hàng phong tỏa tài sản. Một lần nữa, Chủ tịch Chaovapong cùng các cộng sự lại “quyết đấu”, bằng mọi cách vực dậy nhật báo Siangtai Times. Chủ tịch Chaovapong lại tuyên bố: “Thà chết, nhất định không bỏ sản nghiệp báo chí”. Việc đầu tiên, ông cho “tái cấu trúc” tập đoàn; cải tổ khâu phát hành và quảng cáo. Bộ máy gọn nhẹ, cắt bỏ những “cấu trúc” thừa, không hiệu quả; tạm thời cắt bỏ những ấn phẩm chưa sinh lãi; liên kết-liên doanh với các đối tác có vốn để nuôi sống tờ báo.

Năm 2012, Chủ tịch Tập đoàn Siangtai Times, đã bước qua tuổi 67, nhưng con người ông tràn đầy sinh lực, lòng yêu nghề báo vẫn cháy bỏng, bộc lộ qua từng cử chỉ, giọng nói mê say. Cách đây 2 năm, ông đã quyết định qua Cộng hòa Liên bang Đức mua dây chuyền in ấn hiện đại thay thế hệ thống in ấn cũ kỹ lạc hậu. Khi báo giấy có khó khăn, tập đoàn đầu tư ngay hệ thống báo mạng internet, để thu hút quảng cáo trong và ngoài nước. Nhật báo Siangtai Times biết khai thác triệt để  điểm mạnh tuyệt đối (so với các báo in ở Bangkok, vận chuyển đường xa, báo đến tay bạn đọc chậm). Tin tức thời sự cập nhật, nhanh nhạy, kịp đến độc giả đầu giờ sáng mỗi ngày. Và ông đã thắng.

Năm 2013, tập đoàn tiếp tục đổi mới công nghệ làm báo mạng, xây dựng trụ sở mới khang trang trên một khu đất mới. Với vị thế mới, Tập đoàn báo chí Siangtai Times tiếp tục phát triển bền vững.

Ấn tượng “đạo đức nghề báo”

Từ trung tâm du lịch biển phía Nam Phuket, chúng tôi đáp máy bay về Bangkok, rồi từ Sân bay Don Muang, bay thẳng đến Chiang Mai, thành phố lớn thứ 2 của Thái Lan. Chiang Mai là trung tâm du lịch nổi tiếng ở phía Bắc, thành phố của nhiều núi cao, với những tòa nhà, dãy phố uốn lượn dọc hữu ngạn con sông Ping xinh đẹp, một trong những phụ lưu lớn nhất của sông Chao Phraya. Khí hậu Chiang Mai khá mát mẻ, mùa đông gió lạnh từ phương Bắc tràn về, nhiệt độ có lúc xuống 10-12oC, nhiều sương mù. Người Thái coi Chiang Mai như Đà Lạt của Việt Nam.

Chiang Mai, theo ngôn ngữ bản địa vùng Bắc Thái Lan có nghĩa là thành phố mới. Mới theo nghĩa là tỉnh lị-đô thị hóa, quy mô và tốc độ phát triển nhanh. Tỉnh Chiang Mai hơn 1,6 triệu dân có đăng ký thường trú chính thức, riêng thành phố Chiang Mai hơn 700.000 dân. Cách thủ đô Bangkok 800 km về phía Bắc, Chiang Mai là một trong những trung tâm du lịch-kinh tế-tài chính-thương mại của Thái Lan; phát triển hàng đầu ở khu vực Bắc Thái Lan; trục đường giao thương kinh tế nối liền Nam Trung Hoa với Myanmar, Ấn Độ, khu vực Tây Á.

Ông Amnat Jongyotying, cố vấn-nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Các địa phương Thái Lan; Tổng Biên tập Báo Pak Nua của tỉnh Chiang Mai, cùng Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Chiang Mai-chủ khách sạn Victoria đón chúng tôi tại sân bay. Hội Nhà báo Chiang Mai có hơn 200 hội viên, thành viên của Hội Nhà báo Các địa phương. Tại Chiang Mai có 8 cơ quan báo chí, bao gồm báo in, báo điện tử và đài phát thanh, 2 hãng truyền hình cáp, cơ quan thường trú của Đài Truyền hình quốc gia. Báo Pak Nua là một trong những tờ báo có uy tín tại Chiang Mai, có bản tiếng Thái và bản tiếng Anh (Chiang Mai Port), phát hành 30.000 bản/kỳ; báo điện tử, mỗi ngày có gần 1 triệu lượt người truy cập. Nguồn thu nhập chính của các báo là từ quảng cáo (chiếm khoảng 75% doanh thu). Những năm gần đây, do tác động của suy thoái kinh tế, báo chí Chiang Mai gặp không ít khó khăn-đặc biệt là báo in, nhưng báo chí Chiang Mai vẫn đứng vững, phát triển ổn định.

Tiến sĩ Phongphan Jongyotying - Tổng Biên tập Báo Pak Nua, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Các địa phương Thái Lan là nhà báo nhiều kinh nghiệm, có uy tín không chỉ ở Chiang Mai mà còn được coi là “nhà báo của khu vực phía Bắc”. Năm 2011, bà được Hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn Báo chí Thái Lan giới thiệu-với số phiếu gần tuyệt đối, vượt qua hai ứng cử viên khác, thực thi trọng trách Ủy viên Tư vấn các vấn đề chính sách kinh tế-văn hóa-xã hội của Quốc hội Thái; các thành viên của Ủy ban này, được coi là viên chức nhà nước, trực thuộc Chính phủ, do Chính phủ chi trả lương, phương tiện đi lại, mỗi khi thi hành công vụ.

Bà nói: Báo chí và mỗi nhà báo hành nghề cần có đạo đức nghề nghiệp. Chúng tôi xây dựng hình mẫu một “nền báo chí vì công dân”, bảo vệ quyền lợi của người dân, vì vậy chúng tôi được người dân tin cậy. Nhà báo hoạt động trong tổ chức Hội Nhà báo Chiang Mai không được lợi dụng danh nghĩa báo chí để mưu cầu quyền lợi riêng tư.
Ý kiến của bà Phongphan Jongyotying được Chủ tịch Liên đoàn Báo chí Thái Lan, ông Chavarong Limpattapanne khẳng định tại cuộc hội thảo báo chí ngày 22-10-2012, tại Hà Nội. Vai trò của báo chí đối với  phát triển kinh tế bền vững: Các nhà báo, nhất là nhà báo viết về kinh tế, về hoạt động doanh nghiệp không cho phép vụ lợi, lợi dụng nghề nghiệp để tìm kiếm lợi ích riêng. Nhà báo dũng cảm chịu xả thân, vượt qua hiểm nguy, lý giải cặn kẽ các vấn đề của nền kinh tế, đứng về lợi ích công dân, bảo vệ quyền lợi công dân.

Đối với báo chí Chiang Mai, bà Phongphan Jongyotying kể lại một sự kiện, xảy ra cách đây chưa lâu, chồng bà-ông Amnat Jongyotying, lúc đó là Tổng Biên tập Báo Pak Nua cho đăng bài về tệ tham nhũng trên các công trình xây dựng. Bọn mafia đã thuê côn đồ hãm hại, bắn lén, khi ông vừa bước ra khỏi tòa soạn. Ông thoát chết trong gang tấc, nhờ cấp cứu kịp thời và điều trị trong bệnh viện hơn 3 tháng. Ông Amnat trở thành “thần tượng” cho các nhà báo dũng cảm đấu tranh chống cái ác, chống lại những hành vi đi ngược lại quyền lợi người dân. Sau này, ông Amnat là một trong số 3 nhà báo Thái Lan được Bộ Ngoại giao Mỹ đặc cách mời sang Mỹ viết bài, đưa tin-chứng kiến các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Giữa năm 2012, đến thăm và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh và các Hội Nhà báo khu vực Tây Nguyên-Nam Trung bộ, khi bàn về đạo đức nghề báo, ông Amnat và các đồng nghiệp Thái Lan đều cho rằng, ở Thái Lan có một số nhà báo, vì tiền bạc mà bẻ cong ngòi bút. Liên đoàn Báo chí Thái Lan kêu gọi các nhà báo phải tự giác rèn luyện đạo đức nghề báo. Hội Nhà báo-phóng viên kinh tế, thuộc Liên đoàn Báo chí Thái Lan trong tiêu chí hoạt động, và các kỳ sinh hoạt nghiệp vụ, luôn nhắc nhở các phóng viên coi trọng đạo đức hành nghề, cùng với việc nâng cao kiến thức, sự hiểu biết, năng lực tác nghiệp.

Đạo đức nghề báo, ở Thái Lan cũng như Việt Nam, hay bất kỳ nơi nào trên thế giới đều được coi trọng. Điểm cốt lõi của đạo đức báo chí Thái Lan là thông tin trung thực-trung thực là đặc trưng cơ bản của nền báo chí chân chính. Tùy theo đặc điểm, truyền thống, tập quán từng quốc gia, dân tộc; nền tảng chính trị của từng nền báo chí mà nhấn mạnh điểm này, điểm kia. Tuy nhiên, điểm chung nhất của đạo đức báo chí vẫn là thông tin trung thực, nhà báo dám dấn thân, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi.

Chủ tịch Chaovapong đúc kết 3 bài học thành công về sự nghiệp báo chí trong cuộc cạnh tranh truyền thông sinh tử này. Thứ nhất, khi dấn thân vào sự nghiệp này thì phải sống chết với nó, không bao giờ cho phép bỏ cuộc. Thứ hai, dù khó khăn đến mấy cũng phải chăm sóc chu toàn cuộc sống cho cộng sự (và gia đình họ) đã thủy chung, gắn bó với mình. Nếu luôn có họ bên cạnh, sống chết với mình thì chẳng khó khăn nào mà không vượt qua-kể cả khó khăn gay gắt sau thảm họa sóng thần lịch sử năm 2004. Thứ ba, đam mê, dám làm, dám chịu, nhưng phải biết thay đổi công việc, thay đổi chính mình; phải dám cắt bỏ cái đã trở thành lực cản.   

 Quốc Toàn

Nguồn: Tạp chí Người làm báo

Tin nổi bật