Ngành Y tế đã sẵn sàng “cởi mở” với báo chí

(ICTPress) - “Bộ Y tế gần đây đã có chủ trương truyền thông đi trước một bước. Lãnh đạo Bộ Y tế, các Sở Y tế, bệnh viện đã có những bước cải thiện lớn về truyền thông, cởi mở hơn”.

Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế Vũ Mạnh Cường đã khẳng định tại buổi giao lưu "Báo chí với cơ quan quản lý nhà nước" do Hội nhà báo Việt Nam tổ chức sáng nay 15/3 trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2016 đang diễn ra từ 13 - 15/3 tại Hà Nội.

Đại diện các Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Khoa học và Công nghệ là các cơ quan quản lý nhà nước đã tham gia buổi giao lưu.

Buổi giao lưu "Báo chí với cơ quan quản lý nhà nước" trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2016

Tại buổi giao lưu, ông Vũ Mạnh Cường đã cho biết thời gian vừa qua, ngành Y đã rất cố gắng, nỗ lực để tạo khả năng tiếp xúc nhiều hơn giữa báo chí và các cán bộ của Ngành. Bộ Y tế gần đây đã có chủ trương truyền thông đi trước một bước. Lãnh đạo Bộ Y tế, các Sở Y tế, bệnh viện đã có những bước cải thiện lớn về truyền thông, cởi mở hơn. Hiện nay, Bộ Y tế không chỉ họp báo định kỳ mà còn tổ chức họp báo ngay khi có bất cứ sự kiện nào.

Ông Cường khẳng định: Những người làm công tác Y tế hiện nay đang dần xóa mối lo ngại với báo chí và cởi mở hơn rất nhiều. Vụ Truyền thông, Bộ Y tế đang làm một loạt các công tác như tập huấn cho các Sở. Các Sở hiện nay đều có bộ phận truyền thông. Các bệnh viện lớn đã có trung tâm chăm sóc bệnh nhân, khách hàng, quan hệ với công chúng, trong đó có quan hệ với báo chí.

“Đến thời điểm này, ngành Y tế sẵn sàng tiếp xúc để cung cấp thông tin, vấn đề các nhà báo có gọi điện đến hay không hay là lấy thông tin không chính thống”, ông Cường đã trao đổi.

Ông Cường cũng cho hay các thầy thuộc hầu hết đảm nhận hai vị trí “thầy thuốc” “thầy giáo” bởi vì hầu hết các thầy thuốc đều đi giảng dạy. Bản chất “hai lần thầy” nên các thầy thuốc rất khiêm tốn, ngại lên báo. Họ cũng đã từng chưa thoải mái với nhà báo.

Cũng trao đổi về sự cởi mở với báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết các nhà báo có thể liên hệ trực tiếp với Vụ Truyền thông, các Cục, đơn vị chuyên ngành thuộc Bộ Y tế để có thông tin chính thống, kịp thời bởi các đơn vị này trực tiếp thực hiện các công tác chuyên môn. Thứ trưởng sẵn sàng trả lời nhưng không thể đáp ứng hết được do công tác quản lý, thực hiện công tác chuyên môn và tham gia nhiều hoạt động nên chưa thể kịp thời trả lời có thể làm “kỳ vọng thành thất vọng”.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng mong muốn: “Đối với báo chí, ngành Y tế cứ trung thực, cứ chân thành, điều gì chưa đạt thì tìm cách giải quyết cùng vượt qua khó khăn, chứ không phải né tránh phóng viên. Không có việc gì thì cũng vui với nhau để tạo mối quan hệ gần gũi”.

Trước đó, tại buổi giao lưu này, nhiều nhà báo theo dõi ngành Y tế và một số lãnh đạo các cơ quan báo chí đã đề xuất kiến nghị cần có cơ chế hợp tác tích cực, cởi mở hơn để cung cấp thông tin, làm sao để ngành Y và báo chí cùng song hành.

Các nhà báo Trần Bá Dung, Hội nhà báo Việt Nam; Lan Anh, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng; Mai Kim Thoa, Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới và nhiều nhà báo cũng đã chia sẻ nhà báo gặp rất nhiều áp lực nhất là làm báo điện tử cần nhanh chóng, thông tin kịp thời, chính xác… rất cần sự hợp tác của cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Y tế…

Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc cho biết ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo là hai ngành quan trọng đối với cuộc sống của mỗi người. Thầy thuốc, thầy giáo và nhà báo cũng có những gần gũi. Báo chí rất quan trọng, là công cụ hàng đầu của công tác tư tưởng. Thực tế việc hình thành nên tâm trạng xã hội tích cực và không tích cực, báo chí có vai trò quan trọng hàng đầu.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Mai Đức Lộc cũng cho rằng hiện nay nhiều hình ảnh đầu tiên của một sự kiện, sự việc còn đến từ mạng xã hội, do đó áp lực sự nhanh chóng, chính xác, kịp thời chưa bao giờ áp lực như bây giờ. Những người làm báo, các cơ quan báo chí, cấp hội cần hiểu rõ hơn những thử thách trong công tác quản lý của hai lĩnh vực này.

HM

Tin nổi bật