Nâng cao kỹ năng viết về phòng, chống tác hại của thuốc lá

Nhằm tăng cường, phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của các cơ quan báo chí trong công tác truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá, ngày 25/9 tại Hà Nội, Bộ TT&TT, Tổ chức Healthbrigde Canada tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin và kỹ năng viết bài về phòng chống tác hại của thuốc lá cho phóng viên báo, đài Trung ương và địa phương.

Đây là một trong những hoạt động góp phần thực hiện Quyết định số 229/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020” và Quyết định số 517/QĐ-BTTTT về việc ban hành Kế hoạch tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin và Hội nghị tập huấn kỹ năng viết bài truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho phóng viên báo, đài Trung ương và địa phương.

Toàn cảnh Hội nghị

Tại sự kiện, phóng viên báo, đài được chia sẻ thông tin về công tác phòng chống tác hại của thuốc lá của các nước trên thế giới; lợi ích của chính sách thuế thuốc là và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới; thuế thuốc lá ở Việt Nam và đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm thuốc lá; ý kiến cộng đồng về vấn đề tăng thuế thuốc lá; kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của tăng thuế thuốc lá tới buôn bán và làm việc ở Việt Nam.

Nhiều phóng viên cũng chia sẻ ý kiến về hậu quả của việc hút thuốc lá; những kinh nghiệm, kỹ năng viết bài truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá và cách tiếp cận, truyền tải thông điệp hiệu quả,

Đa số các phóng viên đều thống nhất: Hiện nay, với sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông, các tin, bài về tác hại của thuốc lá và công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã, đang được xây dựng, đăng tải, phát sóng nhiều, thường xuyên hơn. Nhưng một vấn đề đặt ra là không ít các tin bài này thường được viết, xây dựng theo lối mòn, đơn điệu, dập khuôn, thậm chí là sao chép lại của nhau gây nhàm chán cho người đọc, người nghe, người xem. Mặt khác, việc truyền thông cũng không tránh khỏi những hạn chế như: Một số cơ quan báo chí chưa quan tâm, chưa coi đây là nhiệm vụ của cơ quan báo chí mình; vẫn còn vi phạm pháp luật trong việc đăng tải các hoạt động tài trợ của doanh nghiệp thuốc lá, đặc biệt là nội dung tuyên truyền chưa sâu rộng, chưa cập nhật các thông tin mới nhất, hữu ích nhất và chưa có ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Để khắc phục những hạn chế trên, ông Võ Thanh Lâm, Vụ truởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh: Ban tổ chức hy vọng qua hội nghị, các phóng viên, biên tập viên sẽ cập nhật được những kỹ năng, thông tin để viết bài truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá, những ngộ nhận về sự thật về thuế thuốc lá, lợi ích của việc tăng thuế thuốc lá… Qua đó, các phóng viên, biên tập viên sẽ có nhiều tác phẩm báo chí mới có chất lượng, có giá trị truyền thông sâu sắc để ngày càng nâng cao hơn nữa công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới: Thuốc lá đang gây ra tổn thất lớn về sức khỏe, kinh tế trên toàn cầu và ở Việt Nam. Hút thuốc lá gây ra 7,1 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, bao gồm gần 900 nghìn ca tử vong do phơi nhiễm khói thuốc lá. Mỗi năm, hút thuốc lá gây ra tổn thất hơn 1.400 tỷ USD trên toàn cầu.

Phó Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, ông Jun Nakagawa cho rằng: Ở Việt Nam, cứ hai nam giới trưởng thành thì một người hiện đang hút thuốc. Việc sử dụng thuốc lá đang gây ra hơn 40.000 ca tử vong do thuốc lá mỗi năm. Con số này sẽ tăng lên 70.000 người chết vào năm 2033 trừ khi các biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả được thực hiện.

Về mặt kinh tế, việc sử dụng thuốc lá tại Việt Nam được ước tính gây thiệt hại kinh tế hàng năm hơn 24.000 tỷ đồng do chi phí điều trị bệnh và mất năng suất lao động.

Một trong các lý do chính cho tỷ lệ hút thuốc nam cao ở Việt Nam là do giá thuốc lá thấp, với mức giá sếp thứ 19 trong số 20 quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Thực tế, giá thuốc lá thấp là do thuế thấp. Thuế thuốc lá ở Việt Nam chỉ chiếm 36% giá bán lẻ. Đây cũng là mức thấp nhất trong số các quốc gia trong khu vực.

Mỹ Bình

Tin nổi bật