Nâng cao hiệu quả của truyền thông trong chống dịch và bảo vệ Tổ quốc

Tại hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2021, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo và đề xuất đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo năm 2022.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, diễn ra sáng 23/12, tại Hà Nội, với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, thẳng thắn, các đại biểu tham luận, trao đổi những vấn đề cần quan tâm trong công tác tuyên giáo; chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo và đề xuất đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo năm 2022 và những năm tiếp theo.

Bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa

Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của đất nước cơ bản ổn định, quốc phòng-an ninh được giữ vững và tăng cường.

Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam... đã đặt ra những yêu cầu mới về công tác, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và an ninh quốc gia.

Trước bối cảnh đó, Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng đã chủ động bám sát sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, chủ động, tích cực triển khai tốt các nhiệm vụ, các mặt công tác trọng yếu, trong đó có công tác tuyên giáo, tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ toàn quân, tạo sự đồng thuận cao, sự thống nhất về ý chí và hành động để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Năm 2022, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác tuyên giáo bảo đảm nền nếp, hiệu quả, chất lượng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết XIII của Đảng.

Bộ Quốc phòng tích cực, chủ động nắm tình hình, tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, định hướng dư luận, công tác thông tin đối ngoại, công tác tuyên truyền văn hóa, văn nghệ, thi đua khen thưởng... để xây dựng cho cán bộ, chiến sỹ có bản lĩnh chính trị, kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Toàn quân tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác tuyên giáo, tuyên huấn trong Quân đội để quán triệt, thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII, các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội và triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, thiết thực, hiệu quả các kết luận, các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư…

“Đây là cơ sở để tiến hành thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức, biên chế quân đội giai đoạn 2021-2026 để xây dựng quân đội tinh gọn mạnh, làm tiền đề để xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại từ năm 2030," Trung tướng Trịnh Văn Quyết nêu.

Quán triệt nghiêm sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác tuyên giáo, công tác thông tin đối ngoại, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các phương tiện, nòng cốt là các cơ quan báo chí, để nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại.

Cùng với đó, các cơ quan báo chí quân đội tiếp tục giữ vững vai trò nòng cốt trong tuyên truyền nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đối ngoại quốc phòng và đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan báo chí của Trung ương và các địa phương trong cả nước để làm tốt công tác tuyên truyền về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, tạo nên sự đồng thuận, sự giúp đỡ, sự ủng hộ của nhân dân cả nước.

Kết hợp tốt công tác thông tin đối ngoại với đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động xây dựng lòng tin chiến lược đối với các nước chúng ta có quan hệ đối ngoại quốc phòng.

Ông Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, trình bày tham luận tại hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương tham mưu lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các cơ quan báo chí vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong triển khai thực hiện các giải pháp để đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong nhân dân.

Cùng với đó, Ban Tuyên giáo Trung ương sớm ban hành chiến lược về thông tin đối ngoại nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các lực lượng làm công tác tuyên giáo, báo chí trong toàn quốc để đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới, làm tốt hơn nữa việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh của Việt Nam ra thế giới để góp phần xây dựng hình ảnh, tăng cường hợp tác chiến lược trong phát triển kinh tế.

Xây dựng ngân hàng thông tin về phòng, chống dịch

Nói về truyền thông y tế trong đợt dịch thứ 4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Một trong những đổi mới nổi bật của truyền thông y tế trong đợt dịch thứ 4 là việc tận dụng ưu thế của mạng xã hội, xây dựng ngân hàng thông tin từ đầu tháng 5 đến hết tháng 10/2021."

"Do dịch bệnh bùng phát tại nhiều địa phương, các cơ quan báo chí rất khó khăn tiếp cận tâm dịch, các khu điều trị bệnh nhân nặng, khu cách ly tập trung… Vì vậy, Bộ Y tế đã thành lập những tổ truyền thông trong thành phần của các bộ phận thường trực/Tổ công tác của Bộ Y tế hỗ trợ các địa phương chống dịch ở tâm dịch để xây dựng các nội dung truyền thông chính xác, kịp thời, tạo nên ngân hàng thông tin (bao gồm các bài viết, ảnh, video…) cung cấp cho các cơ quan báo chí, truyền thông. Gần 2.000 tác phẩm báo chí, phản ánh các nỗ lực của Bộ Y tế, chính quyền và nhân dân các địa phương, các lực lượng y tế trong triển khai chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19,” Bộ trưởng Bộ Y tế nêu.

Bộ Y tế cũng thiết lập kho dữ liệu truyền thông cho đội ngũ làm truyền thông y tế tại các địa phương, các sản phẩm truyền thông phòng, chống dịch và tiêm vaccine phòng COVID-19 được sản xuất sẵn bằng nhiều hình thức khác nhau như infographic, video… trên nhiều nền tảng.

Các sản phẩm truyền thông cung cấp các thông điệp, khuyến cáo phòng, chống dịch đơn giản, dễ nhìn, dễ nghe, dễ hiểu và được truy cập, sử dụng miễn phí.

Ông Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế trình bày tham luận tại hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết một trong những hoạt động quan trọng của ngành Y tế trong năm 2021 là công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 với việc triển khai Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 năm 2021-2022 từ tháng 7/2021.

Việc tiêm chủng loại vaccine mới, được phát triển chưa lâu đòi hỏi ngành Y tế phải tiếp cận cẩn trọng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân.

Do vậy, truyền thông về tiêm chủng bám sát các xu hướng tâm lý người dân, khuyến cáo người dân chủ động, ủng hộ, tích cực tham gia tiêm chủng; cập nhật liên tục thông tin về các vaccine được tiêm chủng tại Việt Nam, hướng dẫn theo dõi sức khỏe và phản ứng sau tiêm chủng; xử lý các khủng hoảng truyền thông và thông tin sai lệch về tiêm vaccine.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện chiến dịch, hệ thống tuyên giáo đã giữ vai trọng trong việc thông tin đúng và đủ để nhân dân an tâm phối hợp với chính quyền và ngành Y tế thực hiện tốt mục tiêu bao phủ vaccine cho người dân Việt Nam trong năm 2021.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: “Trong đợt dịch thứ 4, ngành Y tế cùng với các lực lượng truyền thông phát huy những kinh nghiệm quý báu trong công tác truyền thông phòng chống dịch COVID-19 năm 2020. Đó là minh bạch hóa và chủ động thông tin, phát huy sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, sự thâm nhập và lan tỏa của hệ thống tuyên giáo để truyền thông tới người dân các nội dung phòng, chống dịch."

"Song song với đó, những sự nỗ lực, cố gắng, cống hiến hết mình của nhân viên y tế và các lực lượng tuyến đầu trên mọi miền Tổ quốc cũng như sự chi viện, hỗ trợ của các đơn vị y tế trên toàn quốc đã được thông tin đầy đủ đến người dân và cộng đồng, góp phần cổ vũ, động viên lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao,” Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Trong công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 của đợt dịch thứ 4, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo đài Trung ương và địa phương tạo dòng chảy thông tin chính thống, minh bạch về phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, việc đổi mới cách thức và nội dung thông tin, chuyển đổi kịp thời, linh hoạt định hướng công tác truyền thông, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, góp phần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông phòng, chống dịch của Bộ Y tế.

Nhấn mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có công tác truyền thông trong thời gian tới còn rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của mỗi cán bộ y tế và toàn ngành Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết trong năm 2022, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục các khó khăn, hạn chế, phát huy các bài học kinh nghiệm để truyền thông mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn đến người dân, đáp ứng những yêu cầu của Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 cũng như thực hiện các nhiệm vụ của ngành trong năm 2021./.

Nguồn: Quỳnh Hoa-Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=764629
Tin nổi bật