Một góc báo chí “rất Hà Nội”

Hà Nội không có những “con đường báo chí” như Sài Gòn. Hà Nội cũng chưa có nhiều người quen mua và đọc báo mỗi sáng như ở Sài Gòn. Mua một tờ báo ở Hà Nội khó hơn mua mấy tờ báo giữa Sài Gòn. Vậy nhưng mỗi khi nhắc tới một không gian báo chí ở Hà Nội, tôi vẫn không thể quên được hình ảnh những người đàn ông tay cầm ghi đông xe đạp, đầu đội mũ cối, mũ lưỡi chai, nghiêng nghiêng đứng hàng giờ trước những trạm thông tin phường.

Hồi trước những nơi ấy còn được làm bằng bảng đen, sau đó được bảo vệ bằng những tấm lưới mắt cáo chứ chưa phải trong khung nhôm cửa kính như bây giờ. Ngoài việc viết, dán thông báo tin tức của phường còn có thêm báo chí vì thế việc đọc báo tại những điểm công cộng như thế vẫn thường thấy phổ biến. Bây giờ, những hình ảnh ấy vẫn có thể bắt gặp, một khi bạn đi qua phố Phan Đình Phùng, đoạn vỉa hè gần báo Quân đội nhân dân, hay đoạn phố Quang Trung cắt Trần Quốc Toản, hay trên phố Lý Quốc Sư... Vài tháng gần đây, báo Hà Nội mới mỗi ngày cũng dán báo trước cổng tòa soạn, nên nhiều cụ ông vẫn tranh thủ những lúc trời râm mát đảo qua đó theo dõi những thông tin thời sự của đất nước.

Tôi có thể không thích những chiếc loa phường bởi sự xuất hiện không đúng lúc hay vị trí không hợp lý của nó, nhưng với những trạm thông tin thế này, mỗi khi thấy đám đông, mà thường chủ yếu các cụ già chúi vào đọc trong tôi lại xôn xao những hình ảnh về một thành phố an bình, chậm rãi.

Địa điểm đọc báo lãng mạn bậc nhất ở Hà Nội thường được các cụ già chăm chú đọc, đó là trên các ghế đá quanh hồ Hoàn Kiếm. Nếu Bờ Hồ phía bên Bưu Điện thường xuyên đông đúc người lạ mặt, là nơi các đôi uyên ương thường chọn để thực hiện những bộ ảnh cưới thì phía đối diện, đoạn từ nhà Khai trí Tiến Đức tới góc đường Hàng Khay luôn luôn là điểm hẹn của nhiều cụ già. Đó là khoảng không gian không chỉ đọc báo, mà rất nhiều câu chuyện báo chí của Hà Nội, của cả nước và của cả thể giới được đưa ra bàn luận sôi nổi dưới các góc nhìn.

Một góc báo chí rất riêng của người Hà Nội

Đó là “không gian của độc giả”, còn với những người làm báo, mỗi góc phố, mỗi con đường có một tòa soạn nào “đóng đô” cũng đều có một quán cà phê hay quán trà chén là “điểm hẹn” của cánh phóng viên nhà báo. Trước cổng báo Đại Đoàn Kết, đúng dốc Hàng Kèn nổi tiếng, hơn một năm trở lại đây có quán trà chén của vợ chồng một chàng trai trẻ tên Đức. Ban đầu chỉ là một quầy bán báo nhỏ, với một số đầu báo hạn chế. Nhưng bán báo không thôi có lẽ sẽ khiến người Hà Nội không mấy quan tâm. Thế là vợ chồng Đức bày thêm mấy chiếc ghế nhựa, mấy chục chiếc cốc chén và cái ấm bán nước trà. Bây giờ, góc phố này luôn tấp nập các nhà báo, để từ đây, nhiều cuộc hẹn được thực hiện, nhiều đề tài được nảy sinh.

Nhưng ngồi ở đó nhiều lần, nhất là vào các buổi sáng, có một hình ảnh khiến cho tôi nhớ nhất, đó là vóc dáng của một cụ già dáng cao, gầy, bước đi nhanh nhẹn, thường ăn vận rất chỉnh tề, chân đi giày, đầu đội mũ. Một hình ảnh đặc trưng của trí thức Hà Nội thuở xưa. Cụ thường tới một cách lặng lẽ, ghé qua sạp báo và mượn một tờ rồi ra lấy một chiếc ghế nhựa màu xanh tựa lưng vào tường ngồi đọc mải miết. Bất kể ngày nắng hay mưa, bất kể đầu tuần hay ngày thứ bảy, miễn rằng cứ thấy vợ chồng “chủ sạp báo kiêm quán nước” dọn dẹp bày biện là ông tới. Cụ đọc xong một tờ báo, lại ra đổi tờ khác, rồi tờ khác. Lần lượt mỗi buổi, cụ đọc khoảng chục tờ báo, từ trang 1 cho tới trang cuối, gần như không sót mục nào. Vị khách ấy đã trở nên quen thuộc, và góp thêm vào “không gian” một điều gì đó… rất Hà Nội.

Trước đây ở số 62 phố Trần Quốc Toản, nằm trong khuôn viên của Hội Nhà báo Hà Nội, có một quán mang tên “cà phê Báo” vì nơi này khách chủ yếu là nhà báo. Người coi sóc quán này cũng là một người trong nghề: nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến (báo Hà Nội mới). Vì thế cách bày biện bài trí đồ vật trong quán cũng rất… báo chí. Ở đây còn trưng bày bộ sưu tập những vật dụng thời bao cấp mà nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến kỳ công sưu tập trong nhiều năm. Tiếc là bây giờ, không gian ấy đã không còn, và nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến đành mang theo cái thương hiệu “cà phê Báo” mà chưa biết… đặt ở đâu.

Quán cà phê cũng là nơi "hút" cánh nhà báo, phóng viên

Còn không gian có phần phóng khoáng và đa dạng thậm chí khá ồn ào nữa ở Hà Nội, đó là trước cửa Nhà thờ Lớn và góc phố Hàng Hành. Nếu góc phố Hàng Hành trước đây được nhiều người làm báo chọn vì sự thuận tiện, thì nay điểm lý tưởng và “hút” nhất là quanh Nhà thờ Lớn. Mấy quán cà phê ở đây là điểm tập kết của các phóng viên ở nhiều cơ quan thông tấn khác nhau. Nhất là các nghệ sĩ nhiếp ảnh hay ngồi “chém gió”. Cánh nhà báo trẻ cũng thường gọi điện hoặc nhắn tin một câu rất nhanh gọn: "Nhà thờ nhé". Thế là biết ngay một cuộc hẹn đã được ấn định, chỉ việc phóng xe đến. Và những câu chuyện đường gần đường xa, những câu chuyện buồn vui của nghề lại được chia sẻ.

Theo Hoàng Thu Phố

Người Hà Nội

Tin nổi bật