Liên tiếp các nhà báo bị nhắn tin đe dọa hành hung tại Nghệ An

Trong 3 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 3 vụ đe dọa các nhà báo, PV. Điều đó đặt ra câu hỏi cho dư luận, chế tài nào đủ mạnh để bảo vệ các PV, nhà báo giúp họ tác nghiệp hiệu quả, an toàn?

Tại tỉnh Nghệ An, từ đầu năm 2013 đã xảy ra 2 vụ đe dọa nhà báo. Chiều 28-9, số điện thoại 01237.309.534 đã nhắn tin vào số máy của nhà báo Văn Hiền, nguyên Phó Tổng biên tập báo Nghệ An, Trưởng đại diện tạp chí Người làm báo (Hội Nhà báo Việt Nam) - VP đại diện Bắc miền Trung tại Nghệ An. Tin nhắn thể hiện những lời lẽ đe dọa, như: “Ông đã qua tuổi hưởng dương rồi đang trong vòng hưởng thọ. Có lẽ ông chán sống rồi thì phải. Tôi khuyên ông nên giữ mình để con cháu ông được nhờ. Việc gì thuộc về lợi ích của ông thì ông bảo vệ. Đừng nên nói xấu người khác mà tội người ta. Tôi theo dõi. Nếu ông còn giữ thói cũ thì ông mua quan tài đi nhé”.

Được biết, một ngày trước khi nhận được tin nhắn đe dọa, ông Văn Hiền đã tham gia cuộc họp chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập TP Vinh và có phát biểu đề nghị cơ quan chức năng quản lý tốt cách tuyên truyền, tránh hiện tượng một số cá nhân giả danh nhà báo để trà trộn vào tác nghiệp tại lễ kỷ niệm. 

Một bài báo của PV Trọng Đức trước khi bị dọa chặt tay. Ảnh: PV

Trước đó, ngày 9-4-2013, PV Trọng Đức - Báo Lao động Nghệ An cũng nhận được một cuộc điện thoại lạ. Sau vài lời hỏi thăm, xác nhận đúng người, phía đầu dây bắt đầu đề cập đến loạt bài viết của PV này đăng trên báo Lao động Nghệ An về việc nhiều cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn TP Vinh xây dựng các ki-ốt cho tư nhân thuê. Trong cuộc điện thoại, kẻ lạ đã đe dọa sẽ chặt tay, giết chết. Người này còn nhắc đến nhà báo Hùng Vỹ (báo Thương mại) bị giết chết vào năm 2007, nhà báo Thanh Mai (báo Nông nghiệp Việt Nam) bị chém trọng thương vào năm 2011.

Dễ nhận thấy, nguyên nhân các nhà báo bị đe dọa, hành hung đa phần đều vì đấu tranh chống tiêu cực, cái xấu… mà các đối tượng bị điều tra tìm cách che đậy. Không thể ra tay, các đối tượng này nhờ vào bàn tay xã hội đen vốn ngông cuồng, coi thường pháp luật. Đã có nhiều văn bản pháp luật quy định hành lang pháp lý cũng như các chế tài giúp nhà báo tác nghiệp hiệu quả, tuy nhiên trong thực tế vẫn có nhiều nhà báo bị cản trở, đe dọa, hành hung, đặc biệt trong thời gian gần đây. Vậy các chế tài chưa đủ mạnh? Các cơ quan chức năng chưa thực sự quyết liệt để xử lý nghiêm những người cản trở, đe dọa nhà báo tác nghiệp hay chưa? 

Ông Nguyễn Quốc Hiếu - Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo tỉnh Nghệ An cho biết: Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra nhiều vụ việc các nhà báo, PV bị nhắn tin đe dọa, hành hung. Nhà báo Văn Hiền mặc dù không có nhiều bài viết chống tiêu cực nhưng ông thường phát biểu khá “thẳng thắn” trong các cuộc giao ban hàng tháng. “Dù cá nhân, công dân hay nhà báo, PV nào nhắn tin với lời lẽ đe dọa, hội cũng đề nghị CQĐT vào cuộc làm rõ để xử lý nghiêm trước pháp luật. Đồng thời, các nhà báo nên có những hành vi, chuẩn mực đúng vai trò của mình khi tác nghiệp. Đối với những vấn đề nhạy cảm, thì nên để bút danh để tránh bị trả thù”, ông Hiếu cho biết quan điểm. Ông Hiếu cho biết: Theo kế hoạch, cuối năm nay, Hội nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo tại TP Huế với nội dung, Nhà báo phải biết tự bảo vệ với sự tham dự của chi hội nhà báo các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Anh Quân

 Nguồn: Báo Pháp luật và Xã hội

Tin nổi bật