Nghề báo
Cộng đồng quốc tế lên án vụ hành quyết nhà báo Sotloff
Submitted by nlphuong on Wed, 03/09/2014 - 15:40Ngay sau khi đoạn băng hành quyết nhà báo Steven Sotloff được phát tán, cộng đồng quốc tế đã ngay lập tức lên án hành động dã man của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS). Hiện Mỹ đang cố gắng xác minh tính xác thực của đoạn video trên.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki. (Ảnh: AFP) |
Phản ứng về việc lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tiếp tục tung ra đoạn video hành quyết nhà báo Mỹ Steven Sotloff, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết Mỹ đang cố gắng xác minh tính chân thực của đoạn video.
Bà Jen Psaki, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Cộng đồng tình báo Mỹ đang khẩn trương tiến hành xác minh tính chân thực của đoạn video này. Nếu đoạn băng này là sự thật, chúng tôi cảm thấy ghê rợn về hành động man rợ khi cướp đi sinh mạng của một công dân Mỹ vô tội nữa”.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest đã từ chối xác nhận tính chân thực của đoạn video nhưng cũng cho biết Chính phủ Mỹ sẽ phân tích đoạn video này một cách cẩn thận.
Bên cạnh các cơ quan Chính phủ Mỹ, Ủy ban Bảo vệ các phóng viên của Mỹ cũng lên án hành động của lực lượng IS và cho rằng lực lượng này đã phạm phải tội ác chiến tranh.
Ông Robert Mahoney, Phó Giám đốc Ủy ban Bảo vệ các phóng viên phát biểu: “Việc sát hại một nhà báo ngay trước ống kính máy quay là điều không thể chấp nhận được. Đây là một tội ác chiến tranh và những kẻ có trách nhiệm cần được đưa ra pháp luật”.
Ủy ban Bảo vệ các phóng viên cũng cho biết, hiện có khoảng 20 nhà báo vẫn đang bị bắt giữ làm con tin ở Trung Đông, đồng thời tỏ ra quan ngại vì có quá ít nỗ lực để giải cứu những nhà báo này.
Ngọc Anh, Lê Quý
Nguồn: vtv.vn
Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam
Submitted by nlphuong on Tue, 02/09/2014 - 09:00Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng nước ta, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là một nhà báo xuất sắc.
Ảnh: Tư liệu |
Từ những năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài để tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Người đã có tầm nhìn chiến lược và sự hiểu biết sâu sắc về tầm quan trọng của báo chí cách mạng. Người hiểu rằng muốn thức tỉnh quần chúng, muốn trang bị lý luận cách mạng cho quần chúng thì không có phương tiện nào hữu hiệu hơn báo chí. Thời gian hoạt động ở Pháp, Người tham gia sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa và tờ báo Người Cùng Khổ, nhằm tố cáo bản chất tàn bạo của chế độ thực dân Pháp, làm các dân tộc trên thế giới biết đến Việt Nam và ủng hộ nhân dân Việt Nam đấu tranh tự giải phóng. Tại Trung Quốc tháng 6 năm 1925, Người đã tổ chức ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và sáng lập ra Báo Thanh Niên cơ quan ngôn luận của Hội, ra số báo đầu tiên bằng tiếng việt vào ngày 21 tháng 6 năm 1925, sự kiện lịch sử này đánh dấu mốc khởi nguồn và trở thành ngày hội của báo chí cách mạng Việt Nam.
Hồ Chí Minh không chỉ là người sáng lập và là linh hồn của nhiều tờ báo vô sản đầu tiên của nước ta, mà Người còn là một nhà báo tài năng với tầm hiểu biết sâu, rộng, khả năng quan sát tinh tế, nắm bắt vấn đề nhạy cảm và khả năng dự báo thiên tài. Người đã viết bài cho nhiều tờ báo trong nước và ngoài nước, điển hình là các tờ báo: Người Cùng Khổ, Nhân Đạo, Thư Tín Quốc Tế, Đời Sống Công Nhân, Cờ Đỏ…(Báo quốc tế); Thanh Niên, Việt Nam Độc Lập, Nhân Dân…(Báo trong nước). Người viết nhiều thể loại: tin ngắn, tin dài, bình luận, chính luận, trào phúng, tuyên ngôn, hiệu triệu, thơ tự sự, thơ chữ tình… Theo thống kê chưa đầy đủ, trong hoạt động báo chí cách mạng của mình từ năm 1919 đến năm 1969, Nhà báo kiệt xuất Hồ Chí Minh đã từng sử dụng khoảng 90 bút danh khác nhau để viết hơn 2000 bài báo các loại bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Nga, Hoa, Việt, đăng trên 50 tờ báo và tạp chí ở trong nước và nước ngoài. Những bài báo ngắn gọn của Người đã góp phần thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, lên án chủ nghĩa thực dân, đế quốc, chỉ đạo phong trào cách mạng ở thuộc địa. Những bài báo của Người dù viết dưới bút danh gì, ngôn ngữ gì cũng đều chứa đựng lượng thông tin phong phú, trung thực, diễn đạt trong sáng, giản dị, thể hiện tầm uyên bác về trí thức được kết tinh từ vốn văn hoá dân tộc và nhân loại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Báo chí là một mặt trận, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng. Vì thế, cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng.Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” . Người yêu cầu đội ngũ những người làm báo: phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ, đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng. Cho nên, các báo chí của chúng ta đều phải có đường lối chính trị đúng. Người căn dặn các nhà báo trước khi cầm bút viết phải đặt câu hỏi: viết cái gì? (xác định đề tài), viết cho ai? (xác định đối tượng), viết làm gì? (mục đích của bài báo) và viết thế nào? Người thường xuyên nhấn mạnh mục đích viết báo: không phải để một ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ. Vì vậy, khi viết xong bản thảo thì mỗi người phải đọc đi đọc lại. Thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa, thì phải bỏ bớt đi. Đọc đi đọc lại 4, 5 lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại. Mình đọc mấy lần rồi vẫn chưa đủ. Phải nhờ một số đồng chí công, nông, binh đọc lại. Người còn dặn thêm: khi viết xong rồi thì nhờ anh em xem giùm. Chớ tự ái, tự cho bài của mình là tuyệt rồi. Người nhắc nhở phải kiên quyết chống lối viết: tràng giang đại hải, dùng từng đống danh từ lạ, hoặc viết như mật mã, thích ba hoa, viết vừa dài, vừa rỗng, thích khoe chữ, lạm dụng điển tích, sính chữ nước ngoài.
Nhiệm vụ của các nhà báo rất nặng nề, đề hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ cách mạng vẻ vang đó, Người yêu cầu các nhà báo phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, đặc biệt là trình độ chính trị, đồng thời phải hòa mình vào đời sống của quần chúng nhân dân để viết cho đúng tâm trạng, nhu cầu và nguyện vọng của họ. Bác khuyên các nhà báo: Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn đã tiến bộ. Trái lại, là các bạn chưa thành công.
Những lời dạy trên đây của Người vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là những đòi hỏi mà những người làm báo cần tu dưỡng, rèn luyện không ngừng để có thể hoàn thành sứ mệnh của những nhà báo chân chính.
Ngày nay, công cuộc xây dựng, phát triển đất nước theo đường lối đổi mới của Đảng là sự tiếp nối thành công con đường cách mạng vẻ vang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn, nhằm thực hiện hoài bão, lý tưởng cao đẹp của Người, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và toàn dân tộc. Bên cạnh những thành tựu, những thuận lợi, đất nước ta còn gặp rất nhiều khó khăn thử thách, hơn lúc nào hết những người làm báo phải thể hiện vai trò người chiến sĩ và tính chiến đấu của báo chí cách mạng trong việc làm sáng tỏ đường lối, chủ trương và các chính sách của Đảng và Nhà nước ta, động viên, cổ vũ lòng hăng hái và tinh thần phấn đấu của nhân dân ta vì sự nghiệp đổi mới. Tính chiến đấu còn phải thể hiện trong việc đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, phê phán các luận điệu xuyên tạc và các hành vi chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.
89 năm đã trôi qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền báo chí Cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển lớn mạnh, đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng nước ta. Lớp các thế hệ nhà báo đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ngày nay, cùng với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, lĩnh vực báo chí ngày càng đổi mới hiện đại và chiếm vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, dù phương tiện có hiện đại đến mấy nhưng chất lượng mỗi bài báo đều do đội ngũ những người cầm bút quyết định. Vì thế tấm gương của chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy của báo chí cách mạng và những lời dạy của Người đối với báo chí vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự sâu sắc. Vẫn tiếp tục tỏa sáng và là những nội dung thiết yếu mà đội ngũ nhà báo cần quán triệt sâu sắc và thực hiện triệt để, nhằm nâng cao phẩm chất và năng lực của mình, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nguyễn Viết Thư
Nguồn: nguoilambao.vn
Nhà báo chính luận vĩ đại
Submitted by nlphuong on Mon, 01/09/2014 - 07:50Một trong muôn vàn biểu hiện sự sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đã phát hiện sớm và trọng dụng đúng nhân tài.
Người đã chọn Võ Nguyên Giáp, một thầy giáo dạy sử, làm người phụ trách quân sự của Đảng ta, để rồi sau này người học trò xuất sắc ấy "Văn lo vận nước, Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn". Vị tướng của nhân dân ấy được biết đến là nhà quân sự, nhà chính trị, nhà khoa học, nhà văn hóa lớn của Việt Nam trong thế kỷ XX, nhưng ít người biết ông còn là nhà báo cách mạng lớn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiểm tra một cung đường vận tải chiến lược Tây Trường Sơn, mùa khô 1972 - 1973. Ảnh tư liệu |
Ông Võ Điện Biên, con trai cả của vị Đại tướng huyền thoại đã tâm sự về người cha đáng kính của mình trong đó có cuộc đời làm báo gần ba phần tư thế kỷ của Đại tướng. Bài báo đầu tiên Võ Nguyên Giáp viết khi ông mới 16 tuổi đang là một học trò Quốc học Huế, được các bạn đồng liêu gửi đăng lên báo L’ Annam nhan đề “À bas la tyranmeau du collège Quốc học!” (Đả đảo tên bạo chúa ở trường Quốc học!). Bài đó không được đăng nhưng theo tác giả (Võ Nguyên Giáp), “đây là bài được viết với tất cả tâm huyết, rất công phu, thật đáng tiếc!”. Bài báo đầu tay của một học trò từ vùng quê nghèo Quảng Bình ra học ở kinh thành Huế được ra đời như vậy!
Bài báo chính thức đầu tiên của ông được đăng trên tờ Tiếng dân (1929) với tựa đề “Vũ trụ và tấn hóa” (bút danh Hải Anh) khi ông vừa tròn 18 tuổi! Từ buổi ban đầu, Võ Nguyên Giáp đã chọn đối tượng cho các bài báo của mình là những người có trình độ học vấn trung bình trở lên, ông chuyên sử dụng thể loại văn chính luận với lập luận vững vàng, bố cục chặt chẽ, phân tích rất khoa học, lý giải hết sức sắc bén.
Trong thời kỳ hình thành và phát triển của Mặt trận dân chủ (1936 - 1939), ông tham gia Ban Biên tập của báo Le Travail. Ông là người viết nhiều bài nhất, như những đòn tấn công quyết liệt vào trận địa của kẻ thù. Sau đó ông là cây bút chủ lực, vừa viết bài, vừa sửa bài trên báo Notre Voix (1939). Chặng đường báo chí trong thời kỳ này phản ánh rõ bản lĩnh chính trị, trí tuệ tài năng, phẩm chất của một người chiến sĩ cách mạng thời trai trẻ.
Thời kỳ đánh Pháp đuổi Nhật (1941-1945), Võ Nguyên Giáp kể lại hồi ức của mình qua bài viết “Từ nhân dân mà ra”; sau đó ông làm chủ bút các báo Nước Nam mới, Quân giải phóng... ông viết về những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thời kỳ kháng chiến chống Pháp với hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên”. Hồi ký có kể về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã làm nên bản hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam - như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.
Trong thời kỳ chống Mỹ hào hùng, quân và dân ta xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, Võ Nguyên Giáp đã viết nhiều bài trên các Tạp chí Học tập, Quân đội nhân dân, Báo Quân đội nhân dân... với rất nhiều chủ đề. Bài báo để lại ấn tượng sâu sắc nhất và dài nhất của Đại tướng là “Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân” (sau này được in thành sách với 246 trang!) được coi như tác phẩm Binh thư Việt Nam thứ hai trong lịch sử Việt Nam. Những trang viết, tiếng nói của Nhà báo - Đại tướng có sức hấp dẫn đặc biệt với mọi người đã làm ông trở thành Anh bộ đội Cụ Hồ Việt Nam đẹp nhất, vị Tổng Tư lệnh trí dũng vẹn toàn. Những ai đã có dịp nghe Đại tướng nói chuyện hẳn không thể nào quên được nguồn cảm hứng vô tận mà ông đã khơi dậy ở người nghe; sức thuyết phục của bài viết, bài nói của ông và con người nhân văn đức độ với trí tuệ uyên bác đến tuyệt vời luôn tỏa sáng từ ông!
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong số ít những nhà lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, quân đội nhiều năm được sống và làm việc trực tiếp với Bác Hồ; được sự chỉ bảo tận tình của Người và ông đã tỏ rõ là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông viết và nói về con người và sự nghiệp vĩ đại của người thầy - Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa lớn của thế giới bằng phân tích lý luận kết hợp với diễn giải những hoạt động thực tiễn hết sức phong phú, chứa chan tình cảm, nên có sức lôi cuốn đặc biệt đối với người đọc, người nghe.
Một điều rất đáng khâm phục nữa ở Võ Nguyên Giáp, đó là ông đã sớm nhận ra tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông chủ biên cuốn “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam” (1977) và ba bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản (1996) với chủ đề xoay quanh tư tưởng Hồ Chí Minh để làm sáng tỏ tư tưởng sáng tạo của Người. Ông khẳng định: Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn sống mãi và mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Điều khẳng định của ông cách đây gần một phần tư thế kỷ đã được thực tiễn chứng minh một cách vô cùng sinh động và trở thành một chân lý thời đại.
Là một trí thức cách mạng, ham học, biết rộng và sâu; sau này ông lại là một nhà cầm quân để rồi trở thành một huyền thoại lịch sử; một trong những thiên tài lớn nhất của tất cả các thời đại. Nhưng hơn hết thảy những điều đó, ông có một tâm hồn thấm đẫm chất nhân văn hiếm có của một người làm Tướng. Những bài báo của nhà báo Võ Nguyên Giáp mang một hàm lượng trí tuệ rất lớn, làm ông thực sự trở thành một nhà báo chính luận vĩ đại. Những bài báo của ông đã góp phần phát huy bản chất truyền thống cách mạng, rèn luyện đội ngũ cách mạng. Đây là một kho tàng văn hóa rất lớn về tinh thần, chính trị, quân sự vô cùng quý báu cần giữ gìn, khai thác, phát huy cho ngày nay và các thế hệ mai sau; là một nguồn tự hào của nhân dân ta đóng góp vào kho tàng văn hóa thế giới.
Dân tộc ta, nhân dân ta biết đến ông với những võ công sánh Lý, Trần; lại được biết đến ông với những đóng góp to lớn của ông cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ông mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc ta trong một thời đại vẻ vang nhất của lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc - thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.
Nguồn: HaNoiMoi
Phạt 140 triệu đồng 6 báo quảng cáo thực phẩm chức năng sai phép
Submitted by nlphuong on Sat, 30/08/2014 - 21:15Mới đây, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định xử phạt 6 báo với tổng số tiền lên đến 140 triệu đồng vì quảng cáo thực phẩm chức năng sai phép.
Thực phẩm chức năng (ảnh minh họa) |
Ngày 28/8, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định xử phạt báo Đời sống & pháp luật với mức phạt 25 triệu đồng do đăng quảng cáo sai phép đối với các sản phẩm Trà Tam thanh, Cốt Bách Bổ, Entive Dược Viramax, Maxhair không phù hợp với nội dung xin phép.
Báo Sức khỏe & Đời sống bị xử phạt 25 triệu đồng do đăng các sản phẩm Phụ Bì Khang, Ích Tâm Khang… không đúng cấp phép.
Báo Kinh doanh & Pháp luật bị phạt 25 triệu đồng do đăng quảng cáo không đúng cấp phép với các sản phẩm sau: Định Tràng Đơn, Bonioxy, Boni Gut, Boni Happy, Vương Tâm Thống, Minh Nhãn Khang, Cốt Thoái Vương, Boni Ancol, Boniseal…
Phạt báo Gia đình Việt Nam 20 triệu đồng do đăng sai phép các sản phẩm BoniStar, Bảo Khí Khang, Phụ Lạc Cao…
Phạt báo Phụ nữ Việt Nam 20 triệu đồng do đăng sai phép các sản phẩm Dầu tỏi tía Tuệ Linh trên ấn phẩm Hạnh phúc gia đình số 34.
Trước đó, Thanh tra Bộ TT&TT đã xử phạt Báo tuổi trẻ mức phạt 25 triệu đồng do đăng sai phép các sản phẩm Viên uống Hoa Thiên, Trà Tam Thanh, Mãnh Chúa Diệu Khang.
Căn cứ xử phạt 6 báo kể trên theo điểm a, khoản 2, điều 70 Nghị định 158/2013/NĐ-CP, tháng 11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Trước đó, trả lời Báo điện tử Infonet, Thạc sĩ Nguyễn Văn Nhiên, Trưởng phòng Công tác Thanh tra, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khẳng định, việc quảng cáo thực phẩm chức năng sai phép có nhiều tác hại, trước hết có thể nói ngay là người tiêu dùng chịu thiệt nhất, bởi các thông tin quảng cáo không chính xác có thể gây ra sự hiểu lầm sản phẩm thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh, làm cho người bệnh lầm tưởng có thể chữa được bệnh, tốn kém tiền của sử dụng để điều trị trong một thời gian dài mà không mang lại hiệu quả. Trong thời gian đó, bệnh có thể đã diễn biến nguy hiểm, nặng hơn, khó điều trị hơn.
Việc quảng cáo thực phẩm chức năng sai quy định tạo sự không công bằng trong việc kinh doanh sản xuất sản phẩm thực phẩm giữa các doanh nghiệp; dẫn đến việc mất niềm tin của người tiêu dùng vào thực phẩm chức năng, ảnh hưởng uy tín các loại thực phẩm chức năng thực sự có công dụng tốt cho con người, ảnh hưởng đến chiến lược chăm sóc bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Ngoài ra, việc quảng cáo sai còn ảnh hưởng ít nhiều đến nền kinh tế quốc dân, khi thực phẩm chức năng bị mất uy tín trong nước và Quốc tế…
Infonet
Thế hệ “vàng” của Báo chí cách mạng
Submitted by nlphuong on Sat, 30/08/2014 - 10:05Cứ mỗi độ Tháng Tám thu về là những người làm báo trẻ hôm nay lại nhớ về một thế hệ những người làm báo cách mạng, những cây bút “vàng” đã để lại cho họ ngọn lửa làm nghề nhiệt huyết, đam mê, đầy trách nhiệm trước thời cuộc. Họ là…
1. Nhà báo Xuân Thủy, người có hơn năm mươi năm hoạt động cách mạng, một nhà báo lớn, tiêu biểu cho lớp nhà báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ông viết báo từ những năm 30 của thế kỷ trước, bị địch bắt giam ở nhà tù Hoả Lò, nhà tù Sơn La. Trong nhà tù đế quốc, Xuân Thuỷ làm chủ bút báo Suối reo - tờ báo bí mật của những người cộng sản ở nhà tù Sơn La tham gia đấu tranh chống lại sự đàn áp dã man của địch, giữ vững chí khí cộng sản. Năm 1944 ra tù, Đảng cử ông phụ trách Báo Cứu Quốc bí mật - cơ quan của Tổng bộ Việt Minh, một trong những tờ báo cách mạng bí mật phổ biến nhất lúc bấy giờ. Lúc bấy giờ, Báo Cứu Quốc do Xuân Thuỷ làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút là tờ báo hàng ngày duy nhất của cách mạng, tích cực tham gia cuộc đấu tranh chính trị, làm rõ âm mưu thâm độc của thực dân Pháp và các thế lực phản động, cổ vũ quần chúng đoàn kết, góp công góp của bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, tham gia kháng chiến giữ vững nền độc lập dân tộc.
Cố Tổng Bí thư Trường Chinh nhận xét: “…Ông Xuân Thuỷ được Đảng phân công phụ trách Báo Cứu quốc từ thời kỳ hoạt động bí mật và suốt cả thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Chúng ta có báo Cứu Quốc Trung ương, lại có báo Cứu Quốc địa phương ở khắp các Liên khu kháng chiến. Đó là tờ báo hàng ngày duy nhất của Đảng và nhân dân ta trong thời kỳ này. Chỉ riêng việc ra báo đều đặn suốt 3.000 ngày trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn cũng có thể nói, đó cũng là một kỳ tích của nhân dân ta. Báo Cứu Quốc là niềm tự hào của Báo Đại đoàn kết ngày nay và cũng là niềm tự hào chung của báo chí cách mạng nước ta”.
2. Nói đến thế hệ “vàng” của báo chí cách mạng không thể không nhắc tới nhà báo Hà Văn Lộc với bút danh Thép Mới. Ông tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945, viết tờ báo Tự trị của phong trào sinh viên yêu nước thời phát xít Nhật chiếm đóng nước ta. Sau Cách mạng tháng Tám, ông công tác tại tòa soạn các báo của Đảng Cộng sản Đông Dương như: Cờ Giải Phóng (1945 - 1946), Sự thật (1946 - 1951), Nhân dân (từ năm 1951).
Thép mới (trái) và Trường Chinh (phải) trong rừng Việt Bắc tháng 3/1951 |
Trong cuộc đời làm báo của mình, Thép Mới đi nhiều chiến trường, đến những nơi chiến đấu ác liệt, lăn lộn cùng đồng bào, đồng chí, vừa làm báo vừa chiến đấu. Ông viết một loạt phóng sự như: Những ngày đầu tháng Chạp nóng bỏng, Hà Nội cầm súng chiến đấu… miêu tả không khí chiến đấu hào hùng với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Thủ đô. Đọc tác phẩm của Thép Mới có thể hình dung được khí thế những năm tháng cách mạng của nhân dân ta lúc bấy giờ. Từ đó, hiểu hơn cuộc chiến đấu trên mặt trận tuyên truyền của những cây bút sắc sảo, mang đậm dấu ấn của một nhà báo – chiến sĩ. Khi làm phóng viên Báo Cờ giải phóng, cơ quan Trung ương của Đảng, nhiều bài viết sắc sảo của ông đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng trong công chúng như: Điểm qua các biểu ngữ (Cờ Giải phóng 12/9/1945), Trung thu độc lập đầu tiên (20/9/1945), Giấy bạc Tàu và giấy bạc Đông Dương (Cờ Giải phóng 20/9/1945), Phái bộ Anh đọc lại Hiến Chương Đại Tây Dương và cựu Kim Sơn (Cờ Giải phóng 27/9/1945), Không bị khiêu khích (Cờ Giải phóng 4/10/1945), Họ “cách” cái “mạng” (Cờ Giải phóng 7/10/1945), Căm hờn (Cờ Giải phóng 21/10/1945), Lửa bất diệt (Cờ Giải phóng 25/10/1945)… Có thể nói, nhà báo Thép Mới với tầm nhìn, sức sống của một cây bút với tình yêu nước, yêu cách mạng, cháy bỏng lý tưởng đã để lại cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của tình yêu nghề và đam mê cống hiến.
Hà Vân
Nguồn: congluan.vn
Xử phạt 180 triệu đồng 3 báo đăng tin sai sự thật rất nghiêm trọng
Submitted by nlphuong on Wed, 27/08/2014 - 20:05(ICTPress) - Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa ký các quyết định số 665, 666, 667/QĐ-XPVPHC ngày 27/8/2014 xử phạt Báo điện tử Đất Việt, Báo điện tử Kiến thức, Báo Tiền Phong, mức phạt tiền mỗi báo 60.000.000 đ (Sáu mươi triệu đồng).
Cụ thể đối với Báo Đất Việt đã đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính thông tin sai sự thật rất nghiêm trọng trong bài viết “Bài văn của trẻ khiến giáo viên và phụ huynh ngã ngửa” đăng ngày 7/8/2014 quy định tại điểm a, khoản 5 Điều 8 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Quyết định xử phạt đối Báo Kiến thức đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính thông tin sai sự thật rất nghiêm trọng trong bài viết “Xôn xao con gái gửi thư cho bố công tác xa” đăng ngày 8/8/2014 quy định tại điểm a, khoản 5 Điều 8 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Quyết định xử phạt đối với báo Tiền Phong đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính thông tin sai sự thật rất nghiêm trọng trong bài viết “Thư gửi bố: Chú CA phường ngày nào cũng đến ăn cơm” đăng trên chuyên trang Tấm gương ngày 7/8/2014 quy định tại điểm a, khoản 5 Điều 8 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, sáng 27/8/2014, cơ quan chức năng của Bộ TT&TT đã mời lãnh đạo các cơ quan báo chí gồm: Báo điện tử Đất Việt thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam và Báo điện tử Kiến thức thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Báo Tiền Phong thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tới Trụ sở Bộ TT&TT để làm việc và xem xét, xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về báo chí.
Tại buổi làm việc, Lãnh đạo các cơ quan báo chí nêu trên đều thừa nhận lỗi vi phạm và nhận thức rõ khuyết điểm, thiếu sót trong việc xuất bản các bài báo có nội dung vi phạm; xin nghiêm túc kiểm điểm và có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với những cá nhân có sai phạm.
Bộ TT&TT đã yêu cầu các báo chấm dứt ngay hành vi vi phạm; nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, kiểm soát chặt chẽ việc xuất bản tin, bài, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật trong hoạt động báo chí, không để xảy ra sai sót tương tự.
Đối với các trang thông tin điện tử tự biên tập, tổng hợp các bài viết có nội dung sai phạm tương tự, Bộ TT&TT cũng đã thu thập tài liệu để xem xét, xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Minh Anh
Cái gọi là “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”, họ là ai?
Submitted by nlphuong on Tue, 26/08/2014 - 22:10Cái gọi là Hội Nhà báo độc lập Việt Nam (HNBĐLVN) đã ra đời bất hợp pháp, bởi dù họ có là gì đi chăng nữa thì cũng phải tuân thủ pháp luật chứ không thể đứng ngoài, đứng trên pháp luật. Họ hoàn toàn không đăng ký, xin phép hoạt động. Đây là một điều không thể chấp nhận không chỉ ở Việt Nam mà ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới - các tổ chức xã hội ra đời đều phải đăng ký, được pháp luật thừa nhận.
Ở Việt Nam, chỉ có Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp duy nhất, “mái nhà chung” của những người làm báo Việt Nam. Hội Nhà báo Việt Nam có quyền và nghĩa vụ tham gia xây dựng và góp phần thực hiện chính sách quốc gia về thông tin - báo chí; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo. Hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam phù hợp với Hiến pháp và pháp luật. Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức đại diện tập hợp, đoàn kết, động viên các nhà báo Việt Nam phát huy khả năng sáng tạo, cùng các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp khác và nhân dân cả nước phấn đấu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Hội Nhà báo Việt Nam góp phần xây dựng báo chí Việt Nam thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Những người làm báo Việt Nam tự nguyện tham gia Hội, tuân thủ Điều lệ của hội. Hội Nhà báo Việt Nam đã ra đời, hoạt động từ năm 1950, cách đây hơn 64 năm, đã qua 9 lần Đại hội. Hội là tổ chức chính thức đại diện cho những người làm báo Việt Nam được quốc tế thừa nhận, có quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức báo chí quốc tế. Cả về mặt pháp lý và thực tiễn, cái gọi là HNBĐLVN hoàn toàn không có giá trị, không cần thiết đối với những người làm báo Việt Nam chân chính, tuân thủ mục tiêu và bổn phận “phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”.
Sau khi tự tuyên bố ra đời, cái gọi là HNBĐLVN đã đưa ra một số thông cáo và một vài hoạt động bước đầu có dấu hiệu trái pháp luật, đăng tải, phát tán thông tin có nội dung xấu trên trang web và mạng xã hội. Họ đưa ra những thông tin cho biết, HNBĐLVN là “hậu duệ” - sự tiếp tục của Câu lạc bộ nhà báo tự do là điều đáng cảnh báo. Câu lạc bộ nhà báo tự do là một tổ chức chống đối Đảng, Nhà nước, chống đối nhân dân, đi ngược lại quyền lợi của đất nước, hoạt động trái pháp luật. Những cá nhân tham gia tổ chức này đã bị xử lý hình sự. Nếu như HNBĐLVN vẫn đi theo vết xe đổ ấy, có bằng chứng hoạt động trái pháp luật sớm muộn cũng sẽ bị các cơ quan chức năng xử lý, dư luận lên án. Không riêng gì HNBĐLVN mà bất cứ ai hoạt động trái pháp luật thì cũng sẽ bị xử lý.
Hội nhà báo Việt Nam yêu cầu hội viên của mình không tham gia, cổ vũ cái gọi là HNBDLVN. Những nhà báo hội viên Hội Nhà báo Việt Nam có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp sẽ không bao giờ chấp nhận, tham gia cái gọi là HNBĐLVN. Hội Nhà báo TP.HCM và nhiều cấp hội thuộc Hội Nhà báo Việt Nam đã có thông báo, nghị quyết khẳng định, HNBĐLVN là một tổ chức bất hợp pháp, được một vài cá nhân không phải là nhà báo đứng ra thành lập, thu nạp những đối tượng chống đối trong và ngoài nước, công khai tuyên bố theo đuổi mục tiêu đa nguyên chính trị, tư nhân hóa báo chí nhằm chống đối chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực quản lý xã hội và báo chí; yêu cầu hội viên không tham gia, không cổ vũ cái gọi là HNBĐLVN. Ban chấp hành Hội nhà báo tỉnh Đồng Nai cũng đã có nghị quyết phê phán cái gọi là HNBĐLVN.
Với một số người có tên trong danh sách HNBĐLVN, được biết không có ai còn là Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam được cấp thẻ hội viên và thẻ nhà báo thời kỳ 2011-2015 và không hoạt động cho bất cứ cơ quan báo chí nào, do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp phép xuất bản. Trường hợp cá biệt, nếu như có hội viên nào đó cố tình tham gia HNBĐLVN, thì sẽ bị xóa tên khỏi danh sách Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, vì đi theo cái gọi là HNBĐLVN là đi ngược lại, trái với Điều lệ Hội nhà báo Việt Nam.
Về những người tự xưng là ban lãnh đạo của cái gọi là HNBĐLVN, uy tín nghiệp vụ, uy tín làm báo của họ thấp - có người chưa phải là nhà báo. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam là những trí thức có bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp, không có ai có thể thuyết phục, lôi kéo được họ. Với họ, sự phát triển và đi theo ngọn cờ chiến đấu của một nền báo chí cách mạng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, ngòi bút, trang giấy của họ là vũ khí chiến đấu, vì lợi ích của đất nước, lợi ích của nhân dân. Đó là điều tối thượng.
Nguyên Minh
Nguồn: nguoilambao.vn
Báo chí cùng vào cuộc mạnh mẽ để hội nhập
Submitted by nlphuong on Mon, 25/08/2014 - 14:40(ICTPress) - Sáng nay 25/8, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị Hợp tác quốc tế 2014: Thông tin và Truyền thông: Hội nhập trong thời kỳ mới.
Hội nghị nhằm phổ biến, quán triệt và nâng cao nhận thức đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và ngành TT&TT về công tác hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới. 150 đại biểu là lãnh đạo cấp ủy, chuyên môn và các cán bộ đối ngoại của các cơ quan đơn vị thuộc Bộ TT&TT và Sở TT&TT phía Bắc, các doanh nghiệp TT&TT đã tham dự.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Đại hội lần thứ XI của Đảng năm 2011 đã tiếp tục khẳng định Hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, đặc biệt Đảng và Nhà nước ta với chủ trương triển khai đồng bộ toàn diện, có hiệu quả các hoạt động đối ngoại trên tất cả các kênh song phương và đa phương dựa trên sự phối hợp chặt chẽ giữa ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, đối ngoại của Đảng. Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra chủ trương chủ động tích cực hội nhập quốc tế. Chủ trương này đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 31 của Chính phủ mới được ban hành ngày 13/5/2014.
Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Trần Quốc Khánh chia sẻ thông tin cho Hội nghị về tình hình đàm phán thương mại quốc tế cũng như các quan điểm về chính sách chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, cung cấp yêu cầu tiếp cận trong thời đại số hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức, nhất là ngành TT&TT đi đầu đột phá ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển đất nước.
Thông tin đến Hội nghị về tình hình hợp tác quốc tế trong ngành TT&TT, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã thông báo các điểm quan trọng của Nghị quyết 22 và 31.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết về một số hoạt động hội nhập quốc tế của ngành TT&TT. Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ Công thương để đàm phán 7 Hiệp định thương mại tự do với các đối tác kinh tế toàn diện: Hiệp định TPP, hiệp định thương mại tự do sâu và rộng nhất mà nước ta hiện nay tham gia; Hiệp định Thương mại tự do song phương với Liên minh châu Âu gồm 28 nước châu Âu; Hiệp định Thương mại tự do song phương với Liên minh Hải quan bao gồm Nga, Belarus, Kazakhstan; Hiệp định thương mại tự do với khối thương mại tự do châu Âu bao gồm Na Uy, Thụy Sỹ, Liechtenstein; Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc; Hiệp định đối tác toàn diện ASEAN - Nhật Bản và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực ASEAN và các đối tác Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand.
Thông qua đàm phán 7 Hiệp định đàm phán tự do thương mại, có thể nói Việt Nam đang mở rộng thương mại với toàn thế giới. Xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các thể chế kết nối toàn cầu đang dần định hình trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật. Các quốc gia đang dần trở thành mắt xích trong chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu. Trong lĩnh vực TT&TT sự liên kết mạnh mẽ hơn cả là sự kết nối mạng Viễn thông Internet, phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, là sự dịch chuyển của công nghệ và trao đổi thông tin đang diễn ra trong một thế giới phẳng mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều tiềm ẩn, rủi ro nhất là trong các tác động tiêu cực trong không gian mạng hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết.
Đánh giá công tác thông tin đối ngoại và hợp tác quốc tế trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết công tác hợp tác quốc tế trong ngành TT&TT đã có sự phát triển, trưởng thành về nhiều mặt, đã tranh thủ được các nguồn lực quốc tế về vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và đào tạo nguồn nhân lực để hỗ trợ phát triển và đưa cơ sở hạ tầng Viễn thông - Thông tin - Truyền thông trong nước lên mức tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới, duy trì và nâng cao vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, phối hợp nhịp nhàng với các Bộ ngành đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, cũng như việc đấu tranh bảo vệ biên giới chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng nhấn mạnh thành công của hội nhập quốc tế cần phải có sự đồng thuận và tham gia tích cực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và các doanh nghiệp tầng lớp dân cư. Bởi vậy, hệ thống các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin truyền thông cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Để hội nhập thành công cần phải quán triệt phát huy nội lực, năng lực và sức cạnh tranh của quốc gia. Với thế mạnh của ngành TT&TT đang quản lý nhà nước trên các lĩnh vực báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, CNTT đã và đang cung cấp phương tiện phát triển mới, hiệu quả và bền vững, đúng xu thế của thời đại, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời những lĩnh vực do Ngành quản lý cũng là những công cụ phương tiện hữu hiệu nhất trong việc triển khai các chủ trương của Đảng và Nhà nước.
HM
Hội LHPNVN kiến nghị rà soát tin bài nhạy cảm giới
Submitted by nlphuong on Sun, 24/08/2014 - 06:25(ICTPress) - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) vừa gửi công văn hoan nghênh Bộ TT&TT đã kịp thời xử sai phạm của báo điện tử Trí thức trẻ với bài viết Gái miền Tây và 3 chữ "N" nổi danh thiên hạ" đăng ngày 12/8.
Trong công văn gửi Bộ TT&TT, Hội LHPNVN nêu rõ: Trong thời gian qua, dư luận nói chung và phụ nữ nói riêng rất bất bình về một số bài báo đưa ra những hình ảnh tiêu cực hoặc thiếu toàn diện về phụ nữ Việt Nam, điển hình là bài "Tổng Giám đốc Bảo Tín Minh Châu: Đàn ông thông minh không bao giờ lấy phụ nữ thành đạt", "Cố ép cho thành thì sản phẩm méo mó".
Để thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và những cam kết của Nhà nước với cộng đồng quốc tế về bình đẳng giới, Hội LHPNVN cũng đề nghị lãnh đạo Bộ TT&TT tăng cường chỉ đạo các cơ quan hữu quan rà soát, thanh tra việc đăng tin, bài của các báo, đặc biệt là báo điện tử, để giảm thiểu tình trạng đăng các bài viết thiếu nhạy cảm giới, thậm chí mang nặng định kiến giới; kịp thời xử lý các cơ quan báo chí vi phạm theo nghị định 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới.
Hội LHPNVN sẽ tăng cường phối hợp với Bộ TT&TT để phát hiện, kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm.
Bộ TT&TT ngày 15/8 đã ra quyết định phạt 207 triệu đồng, đình bản báo điện tử Trí Thức Trẻ 3 tháng do vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về báo chí, gây bức xúc trong dư luận khi đăng tải bài viết “Gái miền Tây và 3 chữ “N” nổi danh thiên hạ”.
Minh Anh
Tạm đình chỉ 1 biên tập viên, 1 thư ký tòa soạn Trí thức trẻ
Submitted by nlphuong on Fri, 22/08/2014 - 20:47Báo điện tử Trí thức trẻ đã đình chỉ công việc một biên tập viên và một thư ký tòa soạn thực hiện việc xử lý bài viết “Gái miền Tây và ba chữ “N” nổi danh thiên hạ”.
Ngày 21-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nghiêm Quốc Bảo - chủ tịch Hội Trí thức khoa học và công nghệ trẻ VN, đơn vị chủ quản của báo điện tử Trí Thức Trẻ - cho hay Hội Trí thức khoa học và công nghệ trẻ VN đã nhận được giải trình của ban biên tập báo và xác minh bài báo “Gái miền Tây và ba chữ “N” nổi danh thiên hạ” không phải là bài viết của phóng viên, mà có nguồn gốc từ... thư bạn đọc.
“Theo giải trình của tòa soạn, đây là bài viết của độc giả, gửi đến mục tâm sự, không phải phóng viên trực tiếp viết bài. Chúng tôi xác định đây là một “tai nạn”. Trước mắt, báo đã đình chỉ công việc một biên tập viên và một thư ký tòa soạn thực hiện việc xử lý bài viết này để đăng tải trên trang Trí thức trẻ. Thời gian tạm đình chỉ công việc với hai nhân sự này tương đương với thời gian báo bị đình bản là ba tháng” - ông Bảo nói.