Báo QĐND đoạt Giải A Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII với loạt bài các vấn đề cốt tử của nền kinh tế (*)

Loạt bài Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của Báo Quân Đội Nhân Dân đạt Giải A Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII-2012 là một vinh dự lớn cho nhóm tác giả: Nguyễn Minh Phong, Hồ Quang Phương, Vũ Nhữ Thăng, Nguyễn Huyền Nga.

Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên - Tổng biên tập Báo Quân Đội Nhân Dân trao đổi, giao nhiệm vụ cho nhóm tác giả của loạt bài.

Loạt bài này giá trị ở chỗ, nó được ra đúng thời điểm, phản ánh khá toàn diện, sâu sắc bức tranh khó khăn của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012, từ đó đưa ra được các giải pháp sát thực, khả thi và đã có những hiệu quả trên thực tế.

Trong những tháng đầu năm 2012, nền kinh tế nước ta bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu khiến sản xuất kinh doanh lao đao: chỉ số sản xuất công nghiệp ở mức thấp, chỉ số hàng tồn kho cao, sức mua của thị trường giảm, tốc độ tăng trưởng thấp, hàng loạt doanh nghiệp bị phá sản, không ít người lao động mất việc làm. Nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ gây mất ổn định xã hội, dẫn tới những bất ổn khác khó lường hết. Trước thực trạng đó, ngày 10.05.2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Nghị quyết đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ, tiếp sức cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế vượt qua cơn "bĩ cực". Tuy nhiên, để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, tạo hiệu quả thực tế thì còn nhiều vấn đề đặt ra.

Trước đòi hỏi cấp thiết của tình hình, cần phải có ngay sự định hướng, những lời giải, Ban biên tập Báo Quân Đội Nhân Dân mà trực tiếp là Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên - Tổng biên tập - quyết định báo sẽ ra một loạt bài chuyên đề Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh với mục đích phản ánh, chỉ ra những khó khăn của nền kinh tế vào thời điểm đó; phân tích, kiến nghị các giải pháp để không những thực hiện tốt Nghị quyết 13/NQ-CP mà còn gợi mở thêm các phương hướng cải thiện tình hình. Phản ánh khó khăn, đề ra giải pháp không phải là để "bôi đen" mà niềm tin, động viên sự vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp, các giai cấp, tầng lớp nhân dân thành một sức mạnh tổng hợp để giúp nền kinh tế, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Phong cách tiếp cận vấn đề ấy được phát huy từ truyền thống, tinh thần vượt khó của bộ đội Cụ Hồ. Đây cũng là cách để bảo vệ chế độ XHCN, để đất nước tiếp tục vững bước đi lên CNXH. Theo chỉ đạo của ban biên tập, để tăng chiều sâu, tăng tính thuyết phục, loạt bài cần có sự tham gia tích cực của các chuyên gia kinh tế, các nhà tham mưu, hoạch định chính sách về kinh tế.

Nhiệm vụ thực hiện loạt bài được ban biên tập giao cho phòng biên tập Kinh tế - Xã hội - Nội chính. Đại tá Đỗ Phú Thọ - Trưởng phòng - đã triệu tập cuộc họp toàn phòng để bàn cách thức triển khai. Ngay sau đó, nhóm tác giả bao gồm cả phóng viên của báo và những chuyên gia kinh tế thân thiết với báo đã được liên hệ, phân công đề tài cụ thể.

Loạt bài được khởi đăng từ ngày 15.05.2012, tức là chỉ 5 ngày sau khi có Nghị quyết 13/NQ-CP, bao gồm các bài: Bài 1 - Thực trạng nền kinh tế Việt Nam hiện nay, Bài 2 - Nút thắt ở lãi suất tín dụng, Bài 3 - Phao "cứu hộ" doanh nghiệp, Bài 4 - Cần sòng phẳng, minh bạch khi thực hiện gói hỗ trợ doanh nghiệp, Bài 5 - Nên đột phá vào khâu hỗ trợ thị trường. Trong đó có 4 bài phản ánh và một bài phỏng vấn.

Nhóm tác giả đã phản ánh, mổ xẻ các vấn đề như: mức lãi suất tín dụng quá cao; doanh nghiệp khó khăn trong vay vốn, khó khăn trong đầu ra cho sản phẩm, làm ăn thua lỗ; ngân hàng có tiền cũng không dám cho vay vì sợ rủi ro... đều là những điểm yếu cốt tử của nền kinh tế trong thời điểm đầu năm 2012. Các tác giả quan ngại trước lãi suất cho vay lên tới hơn 20%/năm, cao gấp từ 3 - 4 lần so với các nước trong khu vực. Bất cập ở chỗ, trong lúc phần đông các doanh nghiệp đang thoi thóp trước sức ép khủng khiếp của lãi suất cao thì các ngân hàng lại được "ngồi mát, ăn bát vàng vàng" bởi tỷ lệ chênh lệch giữa lãi suất đầu vào (lãi suất huy động) và lãi suất đầu ra (lãi suất cho vay) lên tới 8-10%, trong khi theo tính toán chỉ cần 2,5%-3% là đủ để bù chi phí. Vì thế, lương, thu nhập của nhân viên ngân hàng khá cao, lên tới hàng chục triệu đồng, hàng trăm triệu đồng một tháng, trong lúc lương của người lao động tại các doanh nghiệp khác thì "ba cọc, ba đồng", thậm chí là thất nghiệp vì doanh nghiệp phá sản.

Cùng với Nghị quyết 13/NQ-CP, Chính phủ đã công bố gói hỗ trợ doanh nghiệp có tổng giá trị là 29.000 tỷ đồng bao gồm nhiều giải pháp rất tích cực, trong đó có giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 cho doanh nghiệp nhỏ và vừa... Đây được coi như "cái phao" cứu sinh, tạo ra rất nhiều hi vọng cho doanh nghiệp. Nhưng bên cạnh đó cũng xuất hiện những lo ngại về tác động của các nhóm lợi ích hòng bẻ cong, làm chệnh hướng từ đó dẫn tới giảm hiệu quả của gói hỗ trợ doanh nghiệp đúng đắn của Nhà nước. Nguy cơ hiển hiện là những doanh nghiệp trong diện được hỗ trợ thì không được hưởng, những doanh nghiệp không đáng được hỗ trợ, không thuộc diện hỗ trợ có khi lại được hưởng. Đó cũng là vấn đề đã được loạt bài thẳng thắn chỉ ra.

Từ những khó khăn, yếu kém của nền kinh tế, loạt bài đã đề ra các kiến nghị, giải pháp mà hiện nay hầu hết đều đang được thực hiện như: Hạ lãi suất cho vay theo cơ sở khách quan, không duy ý chí, nhất là cần bảo đảm hạ lãi suất cho vay trên thực tế, từ đó giúp doanh nghiệp bớt khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng. Tiếp tục mở rộng giảm thuế cho doanh nghiệp để khoan sức cho nền kinh tế. Nhà nước tổ chức mua nợ xấu của doanh nghiệp và ngân hàng. Hỗ trợ về thị trường cho doanh nghiệp. Hỗ trợ đúng đối tượng, đúng địa chỉ, đúng mục tiêu và kịp thời theo mức độ khó khăn của doanh nghiệp... Các tác giả cũng kiến nghị: Gói hỗ trợ doanh nghiệp cần được thực hiện một cách "minh bạch, sòng phẳng".

Loạt bài Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh không có những pha nhập vai, những hoạt động phóng viên ly kỳ, hồi hộp như trong những loạt phóng sự điều tra. Hoạt động của nhóm tác giả chủ yếu là phản ánh, phân tích, nhận định và đề xuất giải pháp trên cơ sở những hiện tượng, những số liệu của nền kinh tế. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là các tác giả của loạt bài không có phẩm chất của sự dấn thân. Bởi, các vấn đề kinh tế mà loạt bài đề cập đều là những vấn đề nhạy cảm, liên quan đến lợi ích của các bên, có ý kiến nhiều chiều. Tham gia viết về các vấn đề ấy, các tác giả cũng phải sẵn sàng tâm lý để chịu những sức ép nhất định từ nhiều phía. Thế nhưng đáng mừng là, ngay khi loạt bài được khởi đăng, Báo Quân Đội Nhân Dân đã liên tục nhận được những lời khen ngợi, động viên của các vị lãnh đạo cấp cao, của dư luận, nhân dân cũng như của các doanh nghiệp. Thực tế là sau đó, các cơ quan, bộ ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã rất nỗ lực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Lãi suất huy động và cho vay được giảm từng bước. Hiện nay, lãi suất cho vay còn khoảng 13%/năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, hàng tồn kho giảm dần. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế có dấu hiệu dần phục hồi.

Loạt bài Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đạt Giải A Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII-2012 là niềm hạnh phúc vượt ngoài mong đợi của nhóm tác giả. Tuy vậy, giải thưởng cao không phải là mục đích đầu tiên và cũng không phải mục đích cuối cùng của nhóm tác giả Báo Quân Đội Nhân Dân. Những người lính cầm bút chỉ mong đóng góp được sức mình vì sự ổn định trở lại của nền kinh tế, từ đó phục hồi nhịp độ phát triển cao, vì sự vững bước đi lên của đất nước, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Quang Hưng

Tạp chí Người làm báo

(*) Tít bài do ICTPress đặt lại

Tin nổi bật