Hội báo toàn quốc: “Nóng” vấn đề ứng dụng ChatGPT và văn hóa báo chí

Sự xuất hiện của AI và ChatGPT tạo cơ hội và thách thức lớn cho báo chí. Việc nhận diện, định hướng tiếp cận, ứng dụng các công nghệ này như thế nào là vấn đề các cơ quan báo chí và nhà báo quan tâm.

Gian hàng của Thông tấn xã Việt Nam tại Hội Báo toàn quốc năm 2022. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hội Báo toàn quốc là ngày hội của những người làm báo cả nước, là dịp tăng cường giao lưu, gặp gỡ giữa người làm báo với công chúng, qua đó khích lệ giới báo chí thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng tăng của nhân dân, nâng cao uy tín của báo chí cách mạng Việt Nam.

Hội Báo toàn quốc năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày (17-19/3) với nhiều hoạt động chuyên môn, tọa đàm, hội thảo, trưng bày. Nhân dịp này, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về những nét mới trong khuôn khổ Hội Báo.

Văn hóa, sáng tạo là yếu tố bao trùm

- Thưa ông, Hội Báo toàn quốc năm 2023 có chủ đề “Đoàn kết-Chuyên nghiệp-Văn hóa-Sáng tạo.” Xin ông cho biết các hoạt động sẽ bám sát chủ đề này như thế nào?

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Bên cạnh coi trọng yếu tố đoàn kết, chuyên nghiệp, Hội Báo năm nay nhấn mạnh tới yếu tố văn hóa và sáng tạo. Đây là những yếu tố quan trọng mà báo chí cần chú ý, đề cập đến hiện nay.

Vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Kế hoạch Phát động và triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” với trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa, khắc phục tình trạng phi văn hóa trong hoạt động tác nghiệp và trong các tác phẩm báo chí.

Có thể nói văn hóa trong báo chí đôi lúc còn bị xem nhẹ. Vì vậy, Ban tổ chức, Ban chỉ đạo Hội Báo thật sự chú trọng đến yếu tố văn hóa trong các hoạt động, các sự kiện tổ chức tại hội báo, điểm nhấn là tọa đàm “Văn hóa báo chí” ngày 18/3. Hiện đã có một số đơn vị báo chí đăng ký tham gia chủ đề này.

Chúng tôi mong muốn Hội Báo thực sự là một ngày hội của những người làm báo và công chúng báo chí. Do đó, tinh thần văn hóa sẽ bao trùm trong các hoạt động và hình thức thể hiện của Hội Báo. Năm nay, các nghệ sỹ Nhà hát Tuổi trẻ sẽ trình diễn nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Bảo tàng Hà Nội cũng có một loạt các hoạt động bên lề.

Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại họp báo về Hội Báo toàn quốc 2023. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

- Ở góc độ “Sáng tạo,” Hội Báo năm nay tiếp tục có những sự kiện liên quan đến xu hướng chuyển đổi số báo chí, ông có thể giải thích rõ hơn về ý nghĩa và nội dung của những hoạt động này?

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Chúng tôi cho rằng báo chí hiện nay rất cần tính sáng tạo trong việc phát hiện chủ đề, trong phương thức tác nghiệp, sản xuất, tiếp cận thông tin và truyền thông tin tới độc giả… Cách tiếp cận thông tin của công chúng đã thay đổi nên cách đưa thông tin của báo chí cũng phải thay đổi. Nếu báo chí vẫn làm theo lối mòn thì sự tiếp cận thông tin của công chúng sẽ bị hạn chế.

Vấn đề chuyển đổi số đã được đề cập đến từ các kỳ hội báo trước và tiếp tục được cập nhật trong sự kiện năm nay. Các cơ quan báo chí nếu không chuyển đổi số, không áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), tổ chức các tòa soạn hội tụ, đa phương tiện… thì không thể tồn tại tại và hoàn thành nhiệm vụ. Có thể nói, chuyển đổi số là sự sống còn của các cơ quan báo chí. 

Gần đây, chúng ta thấy dư luận quan tâm nhiều đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo AI trong làm báo và sự xuất hiện của ứng dụng ChatGPT trong sáng tạo nội dung.

Rõ ràng, sự xuất hiện của AI đã tạo cơ hội và thách thức lớn cho báo chí. Việc nhận diện, định hướng tiếp cận, ứng dụng các công nghệ này như thế nào là vấn đề nhiều cơ quan báo chí và nhà báo quan tâm.

Để tạo ra một diễn đàn bàn luận có chiều sâu về vấn đề này, chúng tôi tổ chức một hội thảo “AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn.” Các chuyên gia sẽ tập trung thảo luận về cách ứng dụng AI để tạo ra những thay đổi trong các tòa soạn, sự thay đổi trong phương thức làm báo, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số báo chí, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của Cách mạng 4.0.

- Thưa ông, cá nhân ông có đánh giá như thế nào về vai trò, ảnh hưởng của AI và ChatGPT đối với hoạt động tác nghiệp của những người làm báo?

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Ứng dụng này có những mặt tích cực trong một số khía cạnh như công tác sưu tầm tư liệu hoặc chuẩn bị nội dung cơ bản. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo chưa thể thay thế con người và tôi nghĩ là không thể thay thế con người. Lý do  là một bài báo hấp dẫn không chỉ có thông tin, tư liệu mà còn phải có cảm xúc.

Tuy nhiên, chúng ta phải đối xử với ChatGPT cũng như các phần mềm khác, các sản phẩm công nghệ mới với một cách tiếp cận tỉnh táo, khoa học, phát huy được lợi thế của nó đồng thời hạn chế những tiêu cực.

Tập hợp sức mạnh các cấp hội

- Thưa ông, Ban tổ chức có sự cải tiến, rút kinh nghiệm như thế nào từ những bất cập trong khâu tổ chức hội báo những năm trước?

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Phải thừa nhận rằng những năm trước có hiện tượng các phóng viên và khách tham quan chen lấn, xô đẩy tại các sự kiện trọng điểm hoặc khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan gian hàng. Thực tế, có những người quản lý gian hàng trực tiếp ra mời đại biểu vào tham quan, trải nghiệm khu vực của mình gây mất trật tự và xáo trộn lịch trình hoạt động mà Ban tổ chức đã sắp xếp.

Năm nay, chúng tôi đã rút kinh nghiệm và có sự thay đổi trong khâu tổ chức để không còn tình trạng nói trên.

Hội báo luôn chú trọng tính tương tác giữa các cơ quan báo chí và độc giả. Do đó, chúng tôi khuyến khích các đơn vị xây dựng gian hàng trưng bày có nội dung bắt mắt, có tính tương tác, trải nghiệm cao. Song, Ban tổ chức cũng có sự sắp xếp hợp lý, tránh tình trạng các gian hàng cạnh nhau cùng tổ chức hoạt động tương tác gây ồn ào.

Độc giả trải nghiệm ký họa chân dung tại gian hàng Báo Thanh niên (Hội Báo năm 2022). (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

- Nhìn vào chương trình năm nay, dễ dàng nhận thấy Ban tổ chức dành nhiều dung lượng cho các hoạt động tọa đàm chuyên môn. Nhìn từ những năm trước, ông có đánh giá như thế nào về tính ứng dụng và hiệu quả của các cuộc tọa đàm này?

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Hội Nhà báo Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, có chức năng tổ chức các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Hội không thể “cầm tay chỉ việc” cho các cơ quan báo chí. Do đó, chúng tôi chỉ có thể tổ chức các sự kiện, nêu lên vấn đề, gợi mở các giải pháp, còn việc triển khai như thế nào, hiệu quả ra sao tùy thuộc vào cơ quan báo chí và lãnh đạo các đơn vị. Tất nhiên, chúng tôi rất mong mỏi, kỳ vọng ở kết quả và tính ứng dụng của các cuộc hội thảo đề cập đến nội dung mà báo chí hiện nay đang rất cần chú trọng.

- Hội báo năm nay có sự phối hợp và tham gia của nhiều đơn vị. Xin ông cho biết Ban tổ chức có sự phối hợp như thế nào để các hoạt động diễn ra hiệu quả mà vẫn đảm bảo tôn chỉ, mục đích, chủ đề mà Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa ra?

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Theo tôi, đã là tổ chức của người làm báo thì chúng ta cần phải huy động sức mạnh của toàn thể đội ngũ hội viên và tất cả các tổ chức hội, từ đó chúng ta mới có sức mạnh riêng. Cơ quan trung ương Hội nhà báo Việt Nam không thể đứng một mình mà cần có sự tập hợp lực lượng. Tất nhiên, nếu một sự kiện có nhiều “đầu mối” thì cũng có thể dẫn đến việc thiếu kết nối và thống nhất. Chúng tôi đã đo lường được vấn đề này và tiến hành nhiều cuộc họp giữa các đơn vị tham gia tổ chức để thiết kế chương trình chung.

Cho đến nay, chương trình đã được thống nhất và công tác chuẩn bị đã tương đối hoàn chỉnh. Tôi tin là chúng ta sẽ có một kỳ Hội Báo toàn quốc thành công.

- Xin trân trọng cảm ơn ông và chúc hội báo thành công tốt đẹp!

Nguồn: Minh Thu (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/hoi-bao-toan-quoc-nong-van-de-ung-dung-chatgpt-va-van-hoa-bao-chi/850458.vnp

Tin nổi bật