Hồ sơ 'lừng lẫy' của biên tập viên CCTV - Trung Quốc vừa bị bắt

Người dẫn chương trình hàng đầu của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), Rui Chenggang đã bất ngờ bị bắt ngay trước giờ lên sóng với nghi án lạm dụng chức vụ và tham nhũng.

Rui Chenggang (37 tuổi) là một phát thanh viên khá nổi tiếng của đài CCTV, Trung Quốc. Rui dẫn chương trình mảng tài chính phát sóng ban đêm Economic News và là một trong những nhân vật được mến mộ nhất tại Trung Quốc với khả năng nói tiếng Anh thành thạo. Anh này từng được trực tiếp phỏng vấn cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. 

Tuy nhiên, hôm 11/7, chỉ trước thời điểm lên sóng vài giờ, Rui đã bị cảnh sát và các nhà điều tra tham nhũng thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc giải đi cùng ông Li Yong, phó giám đốc kênh tin tức tài chính của CCTV và một nhà sản xuất không rõ danh tính.

Người dẫn chương trình nổi tiếng của CCTV Rui Chenggang đã bị bắt giữ hôm 11/7.

Hồi tháng trước, hàng loạt quan chức cấp cao của CCTV cũng đã bị bắt giữ trong chiến dịch điều tra tham nhũng mở rộng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng hồi năm ngoái. Trong số các quan chức CCTV bị bắt giữ còn có Guo Zhenxi, giám đốc kênh Economic News - chương trình Rui phụ trách.  

Hồi tháng Hai, một quan chức hàng đầu Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Công An Lý Đông Sinh cũng đã bị sa thải vì "vi phạm kỷ luật". Ông này từng là người đứng đầu đài CCTV. 

Hôm 14/7, công tố viên hàng đầu Trung Quốc cho biết ông Lý bị điều tra cùng 2 quan chức khác từng là những nhà lãnh đạo cấp cao trong Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC). Cả 3 nhân vật này đều có mối quan hệ mật thiết với "con hổ" Chu Vĩnh Khang, Cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc và từng là một trong những nhân vật quyền lực nhất dưới thời cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào trước khi về nghỉ hưu hồi năm ngoái. 

Trong nhiều tháng qua, ông Chu đã không còn xuất hiện trước dư luận nhưng những nhân vật có mối quan hệ với ông này đã liên tục bị bắt giữ trong các đợt trấn áp nạn tham nhũng quy mô lớn nhất suốt nhiều thập niên qua tại Trung Quốc. Hiện không rõ việc biên tập viên nổi tiếng của CCTV Rui Chenggang bị bắt giữ có liên quan gì tới ông Chu hay không. 

Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc đưa tin biên tập viên Rui đang nắm trong tay lượng cổ phần lớn tại một công ty truyền thông do anh này và một quan chức thuộc Tập đoàn truyền thông toàn cầu Edelman, đồng sáng lập. 

Trong khi đảm nhận vai trò biên tập viên tại CCTV, công ty truyền thông của Rui đã giành được nhiều bản hợp đồng từ CCTV, giúp thu hút các doanh nhân và khách nước ngoài nổi tiếng tới chương trình của anh này. 

Công ty Edelman vẫn chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào về mối quan hệ với biên tập viên Rui. Hồi đầu năm nay, Edelman từng cộng tác với Rui tham gia các chương trình của công ty tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos. Trong suốt 10 năm qua, Rui cũng đã trở thành một khách mời quen mặt tại sự kiện kinh tế toàn cầu này.

Theo một công ty truyền thông tại Trung Quốc, công ty của Rui đã giành được các bản hợp đồng từ CCTV tại sự kiện hội nghị thượng đỉnh Davos năm 2009. Thậm chí, Rui còn được chọn làm người tổ chức một số sự kiện trong Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2009. 

"Ở vị trí dẫn chương trình kênh tài chính của CCTV, Rui đã thu về nhiều khoản tiền và thông tin đáng kể. Nhiều nhà lãnh đạo còn nhân cơ hội xuất hiện trên chương trình của Rui để quảng bá bản thân. Toàn bộ số tiền thu được đã khiến Rui bị nghi ngờ tội lạm dụng chức vụ", Ren Jianming, chuyên gia chống tham nhũng thuộc Đại học Beihang tại Bắc Kinh trả lời tờ Thời báo Hoàn Cầu. 

Việc người dẫn chương trình Rui bị bắt giữ là một cú giáng mạnh với CCTV khi mới đây, đài truyền hình này đã đổ hàng tỷ USD để mở rộng phạm vi phát sóng ra toàn cầu. Trong đó, kênh tài chính do Rui đảm nhận là một trong những chương trình được yêu thích nhất. 

Trong những ngày qua, thông tin về việc ngôi sao truyền hình Rui bị dẫn giải trước giờ phát sóng đã làm xôn xao cộng đồng mạng Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ - những người coi Rui như thần tượng và ngưỡng mộ khả năng nói tiếng Anh thành thạo cũng như quan điểm dân tộc mạnh mẽ.

Năm 2007, Rui bắt đầu gây dựng danh tiếng từ việc dẫn đầu chiến dịch buộc một cửa hàng Starbucks tại Tử Cấm Thành phải đóng cửa khi cho rằng một công ty nước ngoài không thể xuất hiện tại vị trí di tích lịch sử quốc gia.

Tới năm 2010, Rui càng trở nên nổi tiếng khi phản đối việc Tổng thống Mỹ Barack Obama trao cơ hội đặt câu hỏi cho một phóng viên nói tiếng Hàn Quốc tại hội nghị thượng đỉnh G-20. Rui đã giật lấy chiếc mic và nói: "Tôi là người Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ mình có thể đại diện cho toàn thể châu Á". 

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Hindu, nhật báo tiếng Anh tại Ấn Độ, đặt trụ sở tại Chennai với lượng độc giả lên tới 2,2 triệu người. 

Minh Thu (lược dịch)

Infonet

Tin nổi bật