Nghề báo
2 triệu bảng Anh - BBC chi trả cho đi lại trong nước
Submitted by nlphuong on Wed, 11/04/2012 - 11:35(ICTPress) - Tờ Telegraph cho biết BBC đã phải chi 2 triệu bảng Anh trong 2 năm cho chi phí đi lại của toàn bộ đội ngũ nhà báo, khách mời, trong đó chí phí đi lại đường sắt tăng 30% trong năm qua.
Tờ báo này cho biết 1,84 triệu bảng đã được BBC chi vào vé tàu và hơn 77.000 bảng cho các chuyến bay giữa Manchesster và London.
Phát ngôn viên BBC cho biết: BBC là một tổ chức truyền thông lớn với các trụ sở sản xuất ở khắp nước Anh, do đó việc chi cho đi lại là không thể tránh được.
Tờ báo này cũng cho biết số tiền mà BBC chi cho đi tàu đã tăng gần 30% trong 12 tháng qua và chi phí đi lại cho các khách mời tham gia vào các chương trình radio và truyền hình cũng như cho đội ngũ tác nghiệp.
Theo Telegraph, hơn 10.500 chuyến tàu với hơn 805.000 bảng Anh đã được chi trong năm 2009/2010. Việc chi trong 2010/2011 đã tăng hơn 1 triệu bảng và cho 13.500 chuyến đi.
Con số này là các chuyến đi tàu giữa London và Salford được đặt qua mạng intranet của công ty, và các chuyến bay từ các sân bay lớn của London. Con số này cũng bao gồm cả thời gian khi nhân viên vẫn đang ở các văn phòng trên đường Oxford của BBC.
Theo một thông tin riêng của tờ tin buổi chiều Manchester cho biết họ có con số lớn hơn 850 bảng Anh về việc đi lại đến Manchester từ tháng 5 đến tháng 12/2011. Trong tổng số này, 650 bảng đã được chi cho vé tàu, 160.373 bảng được chi cho taxi và 45.158 bảng cho vé máy bay, trong đó có chuyến 1.502 bảng đến Dubai.
Phát ngôn viên của BBC cho biết: Chúng tôi quan tâm tới việc chi tiêu công và chúng tôi nỗ lực để duy trì chi tiêu cho việc đi lại tối thiểu. Một số chi phí này sẽ dành đặt vé cho các khách mời
BBC hiện nay có hơn 400 nhà báo ở Salford mặc dù vậy một số nhân viên vẫn chọn đi lại thường xuyên bằng xe bus, xe lửa, ô tô từ London hàng tuần hoặc hàng ngày. Đối với các nhà báo tự do sống ở phía đông Nam nhưng làm việc ở Salford, BBC vẫn duy trì chính sách không thanh toán chi phí đi lại.
Mai Anh
Theo Telegraph
Các tờ báo Hà Lan thiết lập kiosk chung để cung cấp nội dung số
Submitted by nlphuong on Mon, 09/04/2012 - 07:44(ICTPress) - Ba nhà xuất bản báo lớn nhất Hà Lan đang hợp tác để cùng tạo ra một kiosk số - giống như Spotify (dịch vụ âm nhạc trực tuyến) - ở đây bạn đọc có thể mua báo theo yêu cầu hay một phần của đặt báo theo tháng từ 7 tờ báo khác nhau.
Hệ thống này được dự định tung ra vào cuối năm nay, hoạt động độc lập với các paywall (bức tường phí) riêng hiện tại của từng tờ báo và cho phép người đọc kết hợp và hài hòa nội dung từ 7 từ báo.
Sáng kiến này được vận hành dựa trên sự hỗ trợ của De Persgroep, NRC Media và FD Media.
Nhà phân tích của Deloitte, Marieke van der Donk, người đã tiến hành nghiên cứu về quan điểm của khách hàng đối với việc chi trả cho nội dung số, cho biết hoàn toàn có thị phần bên cạnh paywall. Ý tưởng là mọi người có thể tự kết hợp các nội dung thành một tờ báo nữa.
Chuyên gia về nội dung trả trước Piano Media cho biết đã triển khai các chương trình paywall quốc gia ở Sloviakia và gần đây là Slovenia, nơi có tới 9 nhà xuất bản tham gia đã đạt doanh thu 26.000 euro trong tháng đầu tiên.
Mai Anh
Theo PressGazzete/vknl
Báo trực tuyến của Đảng Cộng sản Trung Quốc lên sàn chứng khoán
Submitted by nadung on Thu, 05/04/2012 - 17:19Ngày 5/4, tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo dự tính huy động 527 triệu nhân dân tệ (84 triệu USD) bằng cách niêm yết trang Web của tờ báo trên sàn chứng khoán, trở thành cơ quan truyền thông nhà nước đầu tiên gia nhập thị trường chứng khoán.
Ảnh minh họa (Nguồn: k-international) |
Phiên bản trực tuyến của Nhân dân nhật báo, thuộc tờ báo giấy Nhân dân nhật báo, sẽ phát hành 69,1 triệu cổ phiếu, theo một tuyên bố với Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải, nơi công ty sở hữu tờ báo dự kiến sẽ được chào bán.
Trung Quốc đang hối thúc các hãng truyền thông nhà nước lớn niêm yết trên thị trường để hoạt động theo các nguyên tắc cung cầu, tăng tính thương mại và sức cạnh tranh.
Khoảng 10 trang Web sở hữu nhà nước, bao gồm Nhân dân nhật báo và Tân Hoa xã, dự kiến sẽ được niêm yết.
"Sự kiện này có tầm quan trọng chính trị đặc biệt", Zhang Qi, một nhà phân tích tại công ty chứng khoán Haitong nói với AFP. "Động thái này cho thấy Trung Quốc ủng hộ về dài hạn với việc tái cấu trúc ngành truyền thông".
Nhân dân nhật báo nói họ sẽ sử dụng số tiền huy động được để nâng cấp công nghệ cũng như cho ra mắt các sản phẩm mới để nâng cao tính cạnh tranh. Các mạng xã hội và những trang mạng mang tính cộng đồng ở Trung Quốc như Sina hay Sohu, đang là thách thức lớn với các trang Web của nhà nước trong việc thu hút người đọc.
Trần Trọng
(Theo VietnamPlus)
Tờ Independent có Phó Tổng biên tập trẻ nhất trong lịch sử
Submitted by nlphuong on Thu, 05/04/2012 - 06:27(ICTPress) - Archie Bland vừa được bổ nhiệm làm Phó Tổng biên tập thứ 2 của nhật báo Independent (Độc lập).
Archie Bland |
Mới 28 tuổi, Archie Bland trở thành Phó Tổng biên tập trẻ nhất trong lịch sử của Independent và là Phó tổng biên tập trẻ nhất của một tờ báo quốc gia của Anh. Phản hồi tin tức này, Bland cho biết rất hồi hộp và khiêm tốn: "Tôi biết tôi vẫn còn nhiều thứ phải học từ tập thể các nhà báo tài năng và đầy kinh nghiệm xuất sắc tại Independent và tôi đang hướng tới xây dựng trên những thành công của của một tập thể các nhà báo”.
Sự bổ nhiệm của Bland là mới nhất trong hàng loạt sắp xếp đội ngũ biên tập tại 2 tờ báo do tập đoàn Independent Print Limited sở hữu sau khi Sarah Sands tiếp quản biên tập viên tờ Evening Standard sau khi Geordie Greig chuyển sang tờ Mail on Sunday.
Independent được Independent Print Limited thuộc sở hữu của tỉ phú Alexander Lebedev, xuất bản. Được thành lập năm 1986, đây là một trong những nhật báo quốc gia trẻ nhất ở Anh. Phiên bản phát hành hàng ngày của Independent đã đoạt giải Tờ báo quốc gia của năm (National Newspaper of the Year) tại Giải Báo chí Anh năm 2004. Từng là một tờ báo khổ rộng, nhưng từ năm 2003, The Independent đã chuyển sang xuất bản khổ nhỏ. Tờ Independent có các bài viết và bình luận đang dạng.
Evgeny Lebedev, Chủ tịch của Independent Print Ltd cho biết: "Những bổ nhiệm mới này để kết hợp tài năng làm báo trải nghiệm với sức trẻ, nhạy cảm và sức sống. Tôi hy vọng rằng việc bổ nhiệm này sẽ củng cố đáng kể khả năng báo chí của chúng ta ở cả hai mặt trận báo in và báo điện tử”.
Mai Anh
Theo PressGazzete
Ưu điểm, thành tích và hạn chế đều liên quan đến phóng viên, biên tập viên
Submitted by nlphuong on Sat, 31/03/2012 - 13:00(ICTPress) - “Cả ưu điểm, thành tích và hạn chế thiếu sót đều liên quan nhân tố con người - tức đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên”, Đồng chí Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo đã cho biết tại tổng kết Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2012.
Ảnh: QĐND |
Hội nghị này được Ban Tuyên giáo trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức tại Quảng Ninh trong 2 ngày 29 và 30/3/2012.
Tại Hội nghị này, các đồng chí: Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư T.Ư; Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Bắc Son, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, dự và chỉ đạo Hội nghị.
Dự hội nghị còn có các đồng chí: Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phạm Minh Chính, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh; Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể T.Ư và địa phương; cùng gần 600 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản, cơ quan báo chí cả nước.
Hội nghị lần này đã nghiêm khắc nhận rõ 4 hạn chế, thiếu sót sau đây:
- Một số cơ quan và cán bộ báo chí chưa nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, trách nhiệm của báo chí trước xã hội và trước sự nghiệp đổi mới của đất nước; nhận thức, sự nhạy bén chính trị còn hạn chế, bất cập; chưa coi trọng việc phát hiện, biểu dương, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ chính; thiếu nhạy bén trong xử lý thông tin, nhất là những thông tin quan trọng, phức tạp liên quan đối ngoại, biển đảo, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng luật pháp và sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Thậm chí, có trường hợp một số cơ quan báo chí bị lôi cuốn làm nóng một số vụ việc, vấn đề, gây trở ngại cho việc xử lý, giải quyết, ổn định tình hình xã hội.
- Xu hướng “thương mại hoá” hoạt động báo chí, hạ thấp chất lượng chính trị, văn hoá, khoa học, nghiệp vụ chưa được đẩy lùi. Thậm chí, ở một số cơ quan báo chí điện tử, báo in, chuyên san, phụ san xu hướng này có lúc nghiêm trọng khiến xã hội lo ngại, công chúng bức xúc. Biểu hiện rõ nhất là việc khai thác thiếu chọn lọc, xô bồ các sự việc, vấn đề, nội dung giật gân, câu khách như chuyện “khoe hàng”, “lộ hàng”, các vụ án ly kỳ, rùng rợn… nhằm chiều theo thị hiếu thiếu lành mạnh của một bộ phận công chúng hạn chế, lệch lạc về thẩm mỹ, lối sống.
- Một số cơ quan và một số nhà báo đưa thông tin thiếu chuẩn xác, thiếu trách nhiệm, thậm chí vi phạm đạo đức người làm báo, lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi.
- Một số đài truyền hình, chạy theo xu hướng mở thêm nhiều kênh sóng, trong khi năng lực sản xuất có hạn, dẫn đến lệ thuộc các đối tác nước ngoài; phát chiếu quá nhiều chương trình nước ngoài, trong đó có nhiều chương trình, không phù hợp tâm lý, lối sống, thẩm mỹ của dân tộc, ảnh hưởng tiêu cực đến công chúng, nhất là giới trẻ.
Đồng chí Đinh Thế Huynh cho biết giải pháp cũng được bàn kỹ với sự thống nhất rất cao tại Hội nghị là: điều quan trọng, có tính quyết định để làm chuyển biến tình hình là phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ báo chí. Cần thật sự coi trọng, đề cao công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí cả về nhận thức và bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Phải làm đều, làm thường xuyên, gắn với việc nghiên cứu, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” trong các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần rà soát quy trình tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên, tòa soạn để chủ động tránh các sai sót đáng tiếc. Để làm được điều này, cần rút kinh nghiệm sâu sắc từ một số va vấp trong thời gian qua.
Như Báo cáo đã xác định và đồng chí Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã chỉ đạo, năm 2012, cùng với tuyên truyền nhiều sự kiện, vấn đề quan trọng khác, báo chí cần tập trung tuyên truyền đưa Nghị quyết, các văn kiện Đại hội XI của Đảng, các kết luận và Nghị quyết của Hội nghị Trung ương - trong đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt - vào cuộc sống, gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo Kết luận Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI), Nghị quyết 11 của Chính phủ; công tác đối ngoại, an ninh - quốc phòng; xây dựng luật, trong đó công tác sửa đổi, bổ sung Hiến pháp… là rất quan trọng.
Trước khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu chất lượng rất cao, cùng những thuận lợi khá cơ bản, nhiệm vụ nặng nề trên triển khai trong bối cảnh, điều kiện nhiều khó khăn, thách thức, đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị các cơ quan báo chí chú ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, như trên đã phân tích, công tác thông tin, tuyên truyền luôn được khẳng định như một giải pháp trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, nhất là NQ TW4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, các Nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ. Do vậy, báo chí phải tiếp tục bám sát định hướng chính trị tư tưởng của Đảng và Nhà nước, nêu cao tinh thần chủ động, tuyên truyền thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, sáng tạo bằng những hình thức hấp dẫn, sinh động, thuyết phục.
Giải pháp để làm tốt nhiệm vụ này như đã nêu ở phần trên là tập trung sức nâng cao chất lượng đội ngũ những người làm báo từ Tổng Biên tập, Giám đốc, Ban Biên tập, Ban lãnh đạo các cơ quan báo chí đến đội ngũ phóng viên, biên tập viên cả về nhận thức, bản lĩnh, sự nhạy bén về chính trị, trình độ nghiệp vụ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
Thứ hai, bám sát thực tiễn của đất nước, phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân, đồng thời tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tệ nạn và tiêu cực xã hội. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống diễn biến hòa bình, phản bác các thông tin và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.
Tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của báo chí trong công tác giám sát, phản biện xã hội. Giám sát, phản biện là cần thiết, nhằm góp phần hoàn thiện các chủ trương, chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, phản biện, góp ý phải có lý, có tình, cân nhắc liều lượng, mức độ, thời điểm; đặc biệt, góp ý, phản biện phải xuất phát từ động cơ lành mạnh, khách quan, công bằng, với thái độ ứng xử văn hóa và tinh thần xây dựng. Mọi sự quy kết, áp đặt, cường điệu, “làm nóng” vấn đề không những không có tác dụng tích cực mà còn có thể tạo nên những bức xúc xã hội không đáng có.
Thứ ba, cần kiên quyết khắc phục khuynh hướng “thương mại hóa”. Đây là thiếu sót, khuyết điểm đã kéo dài từ nhiều năm. Cơ quan chỉ đạo, quản lý đã nhiều lần lưu ý, phân tích, chỉ ra các biểu hiện, mức độ, hậu quả. Nguyên nhân chủ yếu của khuyết điểm này là ở chỗ báo chí bị chi phối bởi lợi nhuận.
Rõ ràng, vấn đề tài chính hiện đang là sự quan tâm, đồng thời là khó khăn của nhiều cơ quan báo chí. Tuy nhiên, cần thấy rằng, báo chí cách mạng không thể thu lợi từ những nội dung phi văn hóa, thiếu lương thiện. Báo chí cách mạng là một bộ phận của công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng, không thể thoát ly chức năng cao quý là góp phần chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục con người, nhất là thế hệ trẻ; không thể vì lợi ích cục bộ của một vài cơ quan báo chí mà coi nhẹ ý nghĩa chính trị, giá trị thẩm mỹ, văn hóa, làm phương hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Điều này, chính một số cơ quan báo chí cũng đã đề cập, lên tiếng, cảnh báo.
Thứ tư, tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí với các cơ quan chủ quản báo chí và từng cơ quan báo chí, trong đó, cần đặc biệt coi trọng, phát huy hơn nữa vai trò cơ quan chủ quản. Những năm gần đây, chúng ta đã thực hiện định kỳ, có chất lượng giao ban báo chí định kỳ, giao ban các cơ quan chủ quản báo chí.
Ngoài ra, căn cứ yêu cầu, Ban, Bộ, Hội cũng tổ chức một số cuộc họp đột xuất với các cơ quan chủ quản để xử lý các vấn đề cụ thể. Thông qua đó, chúng ta chủ động cung cấp, chia sẻ thông tin; thống nhất nhận thức, hướng xử lý; cách thức chỉ đạo, định hướng, tuyên truyền các nhiệm vụ quan trọng của đất nước.
Thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giao ban báo chí theo hướng đảm bảo đúng thành phần; giữ vững kỷ luật thông tin; tăng cường cung cấp thông tin, đối thoại, trao đổi giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí; từ đó có quyết tâm cao và tự giác hơn trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần tính đến việc xây dựng văn bản quy định phương thức chỉ đạo của cơ quan chỉ đạo với cơ quan chủ quản trong chỉ đạo báo chí theo hướng các cơ quan chủ quản phải thật sự đề cao vai trò của mình với hoạt động của các cơ quan báo chí thuộc phạm vi phụ trách.
Thứ năm, tăng cường cung cấp thông tin và định hướng thông tin cho báo chí. Trong nhiều trường hợp, công tác định hướng đi sau thông tin báo chí. Nguyên nhân quan trọng là các bộ, ban, ngành còn chưa chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cũng như cho báo chí. Vì lẽ đó, cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí thiếu cơ sở để định hướng; báo chí thiếu nguồn tin chính thống để thông tin, phải phụ thuộc vào các nguồn tin tự khai thác nên nhiều khi không đảm bảo tính chuẩn xác.
Bên cạnh đó, Quy chế người phát ngôn đã được Chính phủ quy định chưa được thực hiện tốt. Trong thời gian tới, các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí cần đề nghị, yêu cầu các ngành, các cấp, các địa phương quan tâm, chú ý hơn đến các nội dung, vấn đề nêu trên để phục vụ tốt hơn hoạt động tác nghiệp của các cơ quan báo chí.
Thứ sáu, các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về báo chí. Để đảm bảo tính khoa học, công việc này cần được triển khai trên tinh thần nhận thức rõ tính chất đặc thù của công tác báo chí cũng như hoạt động tác nghiệp của nhà báo; phân biệt rõ đặc điểm từng loại hình báo chí, cơ quan báo chí… gắn với quy hoạch, sắp xếp hệ thống báo chí theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Nếu triển khai tốt, việc làm này sẽ giúp cho chúng ta tránh được lãng phí nguồn lực, quản lý chặt chẽ hơn, tạo điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển một cách bền vững, thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí.
Thứ bảy, mấy năm gần đây, báo điện tử trên mạng Internet có bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống báo chí và xã hội. Tuy nhiên, báo chí điện tử cũng bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót về nội dung thông tin. Để giải quyết những tồn tại, yếu kém của loại hình báo chí điện tử, cần có những hội nghị chuyên sâu, song tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo các cơ quan báo chí điện tử chủ động quan tâm hơn nữa tới quá trình tác nghiệp của phóng viên, quy trình biên tập xuất bản báo của các tòa soạn để khắc phục một cách cơ bản sai sót, khuyết điểm trong thời gian tới.
Mai Anh
Hội nhà báo Việt Nam có Chủ tịch mới
Submitted by nlphuong on Thu, 29/03/2012 - 18:28(ICTPress) - Tại Hội nghị toàn thể lần thứ ba Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam Khóa IX (nhiệm kì 2010 - 2015), ngày 27/3, đồng chí Thuận Hữu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân đã được bầu làm Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam.
Đồng chí Trần Gia Thái, Chủ tịch Hội nhà báo Hà Nội, Tổng Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội được bầu là Phó Chủ tịch. Chủ tịch Đinh Thế Huynh và Phó Chủ tịch Tạ Ngọc Tấn được Đảng cho thôi giữ các chức vụ trong Hội, để dành thời gian cho trọng trách công tác mới.
Đồng chí Thuận Hữu, Tân Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (Ảnh: HNBVN) |
Hội nghị bầu bổ sung 2 ủy viên Ban Thường vụ Hội là đồng chí Lê Phúc Nguyên, Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân và đồng chí Mai Đức Lộc, Chủ tịch Hội nhà báo, Tổng Biên tập báo Đà Nẵng; bầu bổ sung 4 ủy viên Ban Chấp hành Hội gồm các đồng chí: Trần Bá Dung, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nghiệp vụ, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội; Phạm Việt Dũng, Tổng Biên tập Cổng thông tin điện tử Chính phủ; Nguyễn Quý Hòa, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Gia Thụy, Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Thuận Hữu nhấn mạnh: “Đồng chí Đinh Thế Huynh đã cùng Ban Chấp hành lãnh đạo Hội trong 7 năm, thu được nhiều thành công trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị và củng cố tổ chức Hội, không ngừng nâng cao vị thế của Hội, đem đến cho công tác Hội luồng sinh khí mới, để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, nhiều thành tựu mới rất đáng ghi nhận. Đồng chí Tạ Ngọc Tấn cũng đã có nhiều công lao góp sức xây dựng, phát triển hội lớn mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo - bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, một trong những chức năng quan trọng trong hoạt động Hội. Chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng, mặc dù không còn đảm đương công việc của Hội, nhưng với tình cảm, tâm huyết, kinh nghiệm hoạt động báo chí, các đồng chí vẫn luôn luôn quan tâm tới công tác Hội dù ở cương vị công tác nào. Ban Chấp hành mới nguyện sẽ phát huy thành tựu đã đạt được, tiếp tục lãnh đạo Hội, củng cố khối đoàn kết, thống nhất, xây dựng Hội ngày càng lớn mạnh, xứng đáng với sự tin yêu dìu dắt của Đảng, sự đùm bọc che chở của nhân dân”.
Mai Anh
Nhà báo Reuters đoạt giải Vàng ảnh báo chí ở Trung Quốc
Submitted by nlphuong on Tue, 27/03/2012 - 07:08(ICTPress) - “Cuộc chiến ở Libi”, tác phẩm của nhà báo ảnh Goran Tomasevic, đã giành giải Vàng tại cuộc thi ảnh báo chí của Trung Quốc, Ban tổ chức cuộc thi này vừa cho biết.
Một bức ảnh được Goran Tomasevic chụp đã đạt giải thưởng bức ảnh của năm tại cuộc thi ảnh báo chí quốc tế. Đây là bức ảnh nằm trong seri ảnh “Cuộc chiến ở Libi” đã dành giải Vàng ở thể loại các câu chuyện tin tức về chiến tranh và thảm họa. |
Tại cuộc thi ảnh báo chí quốc tế lần thứ 8 này với chủ đề “Hòa Bình và Phát triển”, 11 nhiếp ảnh gia nước ngoài và 5 nhiếp ảnh gia Trung Quốc đã dành các giải cao ở 8 tiêu chí như cuộc sống, chiến tranh, thiên nhiên và văn hóa, Chủ tịch Cuộc thi Yu Ning cho biết tại buổi họp báo tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang.
Hơn 2.300 nhà báo ảnh từ hơn 50 quốc gia và khu vực đã dự thi với hơn 30.000 tác phẩm. Các nhiếp ảnh gia nước ngoài đóng góp tới 60% tổng số tác phẩm dự thi.
Ban Tổ chức cho biết các tác phẩm đã thể hiện được những hình ảnh sinh động của cuộc sống kinh tế, chính trị và văn hóa của con người, cuộc vật lộn giữa con người, chiến tranh và thảm họa, và sự theo đuổi hòa bình, phát triển của con người.
Cuộc thi được Hiệp hội nhà báo ảnh Trung Quốc, Tập đoàn Zhejiang Daily, Triển lãm Tây Hồ Hàng Châu và chính quyền thành phố Hàng Châu phối hợp tổ chức.
Mai Anh
Theo Xinhua
Chụp ảnh báo chí - những cảm xúc dai dẳng
Submitted by nlphuong on Mon, 26/03/2012 - 08:34(ICTPress) - Denis Balibouse, nhà báo ảnh của Reuters vừa có một tác nghiệp khó khăn ở Sierre, Tây Thụy Sỹ về một vụ tai nạn và chia sẻ những cảm xúc, kinh nghiệm và trên hết là những tấm hình biết nói qua bài viết dưới đây.
Tôi đã có giấc mơ trở thành nhiếp ảnh gia, đó sẽ là kết hợp làm việc kiểu Ansel Adams, Michael Kenna và Hirochi Sugimoto, bất chấp thiên nhiên và chụp ảnh phong cảnh đen và trắng. Tuy nhiên, tôi là một nhà báo ảnh, và ảnh tôi chụp liên quan đến tin tức: phần lớn là thể thao, chính trị và tài chính, nhưng đôi khi cả những sự kiện thót tim.
Tuần trước tôi ở Sierre, Tây Thụy Sỹ, một xe bus chở 52 người bị đâm vào đường hầm, 6 người lớn và 22 trẻ em tử nạn.
Đêm thứ 3 tuần trước tôi ở nhà, sau một ngày bình lặng đang làm các công việc thủ tục hành chính. 10h31' tối, tôi nhận được một tin nhắn. Tin nhắn ngắn nhưng mô tả một tai nạn liên quan đến một xe bus nước ngoài ở một đường hầm trên đường của mô tô. Tin nhắn cho biết có nhiều người thương vong và cấm báo chí vào đường hầm.
Sau một cuộc gọi ngắn tới nhân viên cảnh sát đang trực để đánh giá tình hình, tôi cầm ngay đồ nghề, nói với vợ là tôi sẽ trở về sớm nhất có thể và lái xe 120 km đến Sierre. Thường thì những câu chuyện như thế này qua rất nhanh, và đôi khi không đáng để đưa lên mặt báo, nhưng tôi thấy một cảm giác bất an về điều này.
Trong khi lái xe tôi đã có thời gian nghĩ về cách để tác nghiệp. Tôi cố gắng chuẩn bị nhiều thứ tôi có thể vì biết rằng tại hiện trường nhiều thứ có thể thay đổi nhanh chóng. Tôi đến được chỗ đó ngay trước lúc nửa đêm và kiếm một chỗ an toàn trên cầu trên đường ra của mô tô, quan sát cửa ra của đường hầm, cách 365,5m hiện trường.
Có 4 chiếc trực thăng đỗ ở giữa các nhà báo và những người ở hiện trường trên chiếc cầu và cửa đến đường hầm. Tầm nhìn trên cầu hạn chế. Tình hình tồi tệ hơn lại buộc tôi phải bình tĩnh. Tôi chỉ nhìn thấy hai xe cấp cứu trong một giờ đồng hồ.
Lúc 1 giờ sáng tất cả các cơ quan báo chí đều có 1 người chụp ảnh tại hiện trường. Tôi nhận được một tin nhắn khác thông báo một cuộc họp báo lúc 5 giờ sáng. Khi chúng tôi không thể trở về nhà, phóng viên ảnh địa phương đã mời chúng tôi đến chỗ ở của cô ấy uống café.
Sau khi uống café, chúng tôi đã quyết định quay trở lại đường hầm khi nhân viên báo chí không thông báo cho chúng tôi có thể tiếp cận hiện trường tai nạn vào buổi sáng hoặc liệu xe bus có được kéo ra trước 5 giờ sáng.
Ngay sau 5 giờ sáng, trưởng đồn cảnh sát Valaisan Cantonal đã thông báo có 28 thương vong. Mức độ của thảm kịch đến như là một thảm họa đối với tất cả chúng tôi.
Tôi bắt đầu biên tập các bức ảnh của cuộc họp báo khi nhận được sự đồng ý tiếp cận hiện trường và chụp công tác di rơi rời những mảnh vụn. Những bức ảnh của tôi đến lúc đó chỉ là bắt đầu của câu chuyện thảm kịch. Tôi biết rằng điều gì sẽ đến và nóng lòng đợi chờ những gia đình nạn nhân xấu số.
Tôi nghĩ thật khó khăn khi chụp ảnh sự đau khổ của người khác, nhưng phần công việc của chúng tôi là phải chịu đựng để chứng kiến các sự kiện này. Tất cả chúng tôi đều biết máy ảnh có thể là một loại rào cản, ngăn chúng tôi khỏi những cảm xúc đang diễn ra trước mắt. Tôi đã có nhiều cảm xúc như vậy khi đi nơi này đến nơi khác chụp ảnh và tôi có thể cảm nhận cảm xúc xung quanh thảm kịch đang dấy lên trong lòng.
Những câu chuyện như thế này luôn dẫn đến những câu hỏi về cách làm thế nào để đưa tin. Ở một nơi yên tĩnh và trật tự như Thụy Sỹ, nơi tồn tại một thỏa thuận của một lời hứa danh dự với cảnh sát là không chụp những bức ảnh làm xáo lộn hay người đã mất, vậy làm thế nào để chúng tôi ghi lại những nỗi đau của những người đã bị chấn động bởi sự kiện khủng khiếp này?
Khi tôi so sánh những gì tôi nhìn thấy từ khu vực tai nạn hoặc thậm chí những bức ảnh chụp bên ngoài hiện trường nơi các đồng nghiệp người Bỉ đang tác nghiệp khi có sự xuất hiện của các em học sinh và bố mẹ sau vụ tai nạn này, tôi bắt đầu tự vấn về “tin” nào công chúng có quyền được biết bắt đầu và kết thúc?
Liệu cảnh sát có cho chúng tôi vào hầm để chụp ảnh những mảnh vỡ sau khi các dịch vụ cấp cứu đã hoàn thành công việc của mình. Còn cô bé xấu số đang ôm hoa và khóc bên ngoài, liệu có nên chụp cô bé vào lúc đó? Có nhiều câu trả lời cho những câu hỏi khi chúng tôi có nhiều bạn đọc khác nhau; quá nhiều văn hóa và nhiều cách để đưa tin.
Những ngày sau cuộc họp báo 5 giờ sáng đó là đầy những nỗi đau nhưng cũng là những ngày làm việc nhóm và hợp tác rất tuyệt vời giữa các bức ảnh, tin tức và ban truyền hình của Reuters. Làm việc nhóm là yêu cầu rõ ràng của nghề này nhưng có thể khó nắm bắt vào nhiều thời điểm. Tôi rất vui vì có cảm xúc tình bạn trong một nghề khó khăn này, và vào những khoảnh khắc như trưởng phòng ảnh của tôi và một đồng nghiệp khác gọi tôi họ đang đi nghỉ và nhờ giúp đỡ và tôi đã ở đây như thế nào.
Sau 3 ngày đêm, tôi đã về nhà, mệt mỏi nhưng sẵn sàng ôm vợ và con như chưa bao giờ chặt thế, đầu óc của tôi vẫn chưa thoát khỏi hình ảnh những gia đình đã mất mát quá nhiều ở Sierre.
Mai Anh
Theo Reuters
Một thư ký tòa soạn bị sát hại tại nhà riêng
Submitted by nadung on Sun, 25/03/2012 - 06:25Cơ quan công an xác định Nguyễn Hữu Lợi - giám đốc một công ty tại TP.HCM là kẻ đã cố ý sát hại ông Nguyễn Đức Thành, 54 tuổi, thư ký toà soạn Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam.
Công an quận Gò Vấp, TP.HCM đang truy xét đối tượng Nguyễn Hữu Lợi - Giám đốc công ty TNHH SX-TM-XNK Nguyễn Lê, trụ sở đóng tại quận Tân Phú, TP.HCM, chuyên sản xuất nước uống đóng chai, để làm rõ vụ án xảy ra vào đêm 20.3 tại nhà số 8/24K đường Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp.
Cơ quan công an xác định Lợi chính là hung thủ đã cố ý sát hại ông Nguyễn Đức Thành, 54 tuổi, thư ký toà soạn kiêm phó trưởng đại diện phía Nam của Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam, trụ sở đóng tại địa bàn quận Gò Vấp.
Nạn nhân Nguyễn Đức Thành |
Theo kết quả điều tra ban đầu, khoảng 22h đêm 20.3 ông N.H.T (37 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) đang dạo mát trước nhà thì nghe tiếng kêu cứu trong nhà, nơi ông Thành sinh sống một mình. Ông T vội chạy đến thì phát hiện cửa đã bị khóa từ bên trong.
Khi những người dân xung quanh kéo đến thì một người đàn ông mở cửa từ trong nhà đi ra và bất ngờ bỏ chạy. Trong nhà, ông Thành đang nằm quằn quại trên vũng máu. Nạn nhân được nhanh chóng đưa đi cấp cứu, thương tích gồm 1 vết cắt ở cổ, 2 vết cứa ở mặt và 1 vết ở tay. Hiện ông Thành đã qua cơn nguy kịch.
Ngay trong đêm, cơ quan CSĐT công an quận Gò Vấp đã có mặt tại hiện trường, thu giữ một số tang vật có liên quan gồm: 1 dao Thái Lan, 1 USB, 1 đồng hồ đeo tay và 2 đôi dép da.
Theo lời khai của ông Thành, kẻ muốn sát hại ông chính là Nguyễn Hữu Lợi. Hiện công an quận Gò Vấp đang truy bắt Lợi để làm rõ vụ việc.
Linh Đan
(Theo Dân Việt)
Daily Mail - tờ báo của năm do đeo bám vụ án Stephen Lawrence
Submitted by nlphuong on Thu, 22/03/2012 - 00:33(ICTPress) - Tờ Daily Mail vừa được vinh danh là tờ báo của năm tại Giải thưởng báo chí của Anh cùng với trang web Mail Online của tờ báo này cũng nhận được giải thưởng trang web của năm.
Tờ Daily Mail nhiều năm theo đuổi đưa tin về vụ án Stephen Lawrence |
Daily Mail đã nhận được tới 7 giải thưởng, trong đó có chiến dịch đưa tin về vụ án Stephen Lawrence trong năm 2011 và 2 kẻ sát nhân liên quan đến vụ án đã bị kết tội.
Stephen Lawrence, sinh viên 18 tuổi ấp ủ hoài bão trở thành một kiến trúc sư, bị một nhóm thanh niên da trắng phân biệt chủng tộc đâm chết ở khu Eltham, vùng đông London, trong tháng 4/1993. Và ai cũng biết rõ danh tính của 5 tên giết người này. Nhưng, bất chấp cuộc điều tra tiêu tốn hết 30 triệu bảng Anh, Cảnh sát London vẫn không thể truy tố vụ án ra tòa đủ để mọi người nhìn thấy công lý được thực thi. Cuối cùng chẳng ai bị buộc tội cả. Trong khi đó, đơn tố cáo 5 hung thủ giết người của gia đình nạn nhân cũng không có được thành công.
Đầu năm 1997, tờ Daily Mail đã cho đăng tải hình ảnh của 5 tên giết người lên trang nhất dưới tựa đề "Những kẻ giết người", cùng với lời thách thức tờ báo sẵn sàng bị kiện ra tòa nếu đó là sự sai lầm! Tuy nhiên, Cảnh sát London phản ứng rất chậm chạp. Và người ta bắt đầu nghi ngờ Cảnh sát London có thái độ "phân biệt chủng tộc". Không có ai bị buộc tội cả. Một sự truy tố cá nhân được tư vấn không tận tình do gia đình của Stephen tiến hành chống lại 5 nghi can chính cũng không thành công.
Tháng 11/2007, Daily Mail đưa tin về bằng chứng pháp y mới "rất có sức thuyết phục" được các chuyên gia nghiên cứu vụ án Stephen phát hiện ra.
Vào ngày 3/1 vừa qua, tội ác cuối cùng cũng bị vạch trần trước ánh sáng công lý khi Tòa án hình sự Anh đã thu thập đủ mọi chứng cứ để khép Gary Dobson và David Norris vào tội danh giết người, giành lại công lý cho gia đình Lawrence. Cái chết oan ức của Stephen Lawrence đã không được làm sáng tỏ trong suốt 18 năm và có lúc đã phải khép lại một cách không minh bạch biến vụ án trở thành một điểm đen đáng hổ thẹn trong lịch sử hiện đại của lực lượng cảnh sát Anh.
Các giải thưởng được vinh danh trong giải báo chí Anh năm nay của còn có rất nhiều giải thưởng cá nhân như giải thưởng nhà báo trẻ, nhà báo chính trị, nhà báo nước ngoài, nhà báo thể thao… Riêng tác giả Craig Brown của tờ Mail on Sunday nhận được tới ba giải thưởng, trong đó có mục của năm (phổ thông), phê bình của năm và Giải thưởng Hài hước với tác phẩm của mình trên Daily Mail và Mail on Sunday.
Mai Anh
Theo Daily Mail/BBC