Syndicate content

Nghề báo

4 kỹ năng dịch trực tuyến cho nhà báo

(ICTPress) - Hiện nay khoảng cách vật lý không còn ý nghĩa nữa là nhờ có thông tin số, ngôn ngữ là một trong những rào cản thực tiễn cuối cùng trong việc “tiêu thụ” thông tin.

Nhưng thậm chí trở ngại đó gần như lỗi thời, vì các chức năng như thanh biên dịch có sẵn trong Google Chrome, Google Translate, FreeTranslation.com, Bing Translator hay vô số công cụ trực tuyến nào khác.

Trong một đăng tải trên Storyful của Mike Sefanov, một biên tập viên chính của trang này đã gợi ý cho các nhà báo 4 cách để đảm bảo thông tin được sắp xếp và được biên dịch một cách chính xác.

1. Chú ý dịch quá nghĩa đen

Phần lớn các công cụ trực tuyến có xu hướng biên dịch các từ cố định và các tên nơi chốn quá theo nghĩa đen, Sefanov cho biết. Ví dụ, trong một đăng tải (tweet) Ả rập có từ “Hajar Aswad,”, “một hàng xóm của thủ đô Syria Damascus”, cái tên này được chuyển sang tiếng Anh bằng công cụ biên dịch của Google - Google Translate là “Thành phố đá đen” (the city of the Black Stone). “Phần lớn có ít nhất một số khó khăn khi chuyển dịch các tiếng lóng, cảm xúc, và sắc thái”, Sefanov cho biết về các nguồn lực dịch trực tuyến.

2. Sử dụng đồng thời hai công cụ dịch

Bởi vì quá khó để biên dịch trực tuyến chính xác, hãy sử dụng nhiều hơn 1 trang biên dịch để giúp bạn tránh sự nhầm lẫn. Trong trường hợp từ “Hajar Aswad,”, đặt các từ Ả rập này có nghĩa “đá đen” sau từ “Syria” lên Google Maps để khẳng định các kết quả lân cận đang còn trong nghi vấn. Bên cạnh đó, bạn hãy sử dụng ít nhất hai công cụ riêng rẽ để dịch 1 từ để tránh được nhầm lẫn do có quá nhiều định nghĩa. Ví dụ từ Ả rập “الصحافة” được dịch sang tiếng Anh nhờ FreeTranslation.com thành từ “The Press” (Báo chí), có nghĩa là tất cả các phương tiện truyền thông, trong khi Google Translate dịch là “printing press” (báo in), có thể liên hệ đến thiết bị in mực.

3. Nhận biết sự thay đổi của âm thanh

Mặc dù các trang biên dịch thường cung cấp phát âm bằng âm thanh, đây thường là nguồn không tin cậy, Sefanov cho biết. “Google Translate không đại diện cho các giọng vùng miền, do đó thực tế thường chỉ đáp ứng như là một hướng dẫn cho thông tin bổ sung. Và tất nhiên giá trị của các nguồn lực đa ngôn ngữ thực sự có thể giúp thẩm định nghĩa của văn bản hay âm thanh từ một clip YouTube không thể được thay thế bằng âm thanh của một công cụ dịch trực tuyến”.

4. Xây dựng các nguồn tin cậy nhờ sử dụng truyền thông xã hội

Các nhà báo viết tin bằng ngôn ngữ thứ hai nên sử dụng nhiều nguồn đa ngôn ngữ trên các trang truyền thông xã hội để có phản hồi biên dịch chính xác và hiệu quả, Sefanov cho biết. Trong khi các nhà báo nên thận trọng các nguồn có thể bị xuyên tạc nghĩa nội dung vì các mục đích riêng, Tham gia nhiều trận tuyến và nhờ nhiều người biên dịch cũng có thể bổ sung vào một loạt các công cụ xã hội để giúp nhà báo gần hơn với sự thật”.

Mai Anh

4K và nghề báo

(ICTPress) - Ngày 18/7, TS. Trần Bá Dung, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam đã trao đổi nhiều câu hỏi về nghiệp vụ làm báo với các hội viên nhà báo Liên chi hội nhà báo TT&TT.  

Trao đổi về câu hỏi của một hội viên nhà báo là: nhà báo cần có những tố chất nào để có thể sáng tác được những tác phẩm báo chí có chất lượng? TS. Trần Bá Dung đã có bài viết “4K và nghề báo”. ICTPress trân trọng giới thiệu đến đồng nghiệp và bạn đọc.

1. Xu thế tích hợp truyền thông và sự biến đổi cách thức tiếp nhận của công chúng

Sự phát triển của công nghệ truyền thông đã tạo ra sự bùng nổ của Internet. Quá trình này đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của báo chí thế giới, hình thành xu thế vận động mới trong hoạt động  báo chí - truyền thông: Tích hợp các phương tiện truyền thông. Đó là quá trình các phương tiện truyền thông, các thiết bị truyền thông và các kênh thông tin đại chúng, các loại hình báo chí, được tích hợp lại trên nền internet. Internet vừa là phương tiện truyền thông thứ tư (sau báo in, truyền hình, phát thanh), vừa là sự tích hợp của cả ba phương tiện trên.

Sự tích hợp các loại hình truyền thông trên nền Internet đã tạo ra nhu cầu mới trong tiếp nhận thông tin của công chúng, cho phép công chúng thu nhận thông tin bằng cả hình ảnh, âm thanh, văn bản.

Phương thức tiếp nhận thông tin của người dân đã và đang thay đổi nhanh chóng, do khả năng kết nối dễ dàng vào mạng Internet toàn cầu, với lượng thông tin khổng lồ được chuyển tải trên hàng trăm kênh truyền hình quốc tế, hàng ngàn kênh phát thanh và hàng triệu websites … Đã có sự dịch chuyển, thay đổi lớn ở nơi người dân, trong cách thức, mục đích và nội dung tiếp nhận thông tin từ các phương tiện truyền thông.

Xu hướng thay đổi này trong cách tiếp nhận thông tin và xu thế tích hợp truyền thông, rõ ràng đang đặt ra thách thức với các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông. Từ mục tiêu, nội dung đến phương thức đào tạo các nhà báo - nhà truyền thông tương lai, rõ ràng cần có những thay đổi phù hợp.

Bài viết này tiếp cận vấn đề từ góc độ đào tạo kĩ năng nghề báo trong xu thế tích hợp truyền thông và xu hướng thay đổi phương thức tiếp nhận thông tin của công chúng.

2. Vấn đề kĩ năng nghề báo và 4K

Nghề báo đòi hỏi tri thức tổng hợp cao và khả năng phân tích sâu các vấn đề xã hội. Ngay cả khi đề cập một vấn đề chuyên môn, nó phải được đặt dưới góc nhìn xã hội, mang tính xã hội, mới được công chúng đón nhận.

Nghề báo cần những gì để đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng hiện nay?

Thực ra, đã có nhiều kiến giải của nhiều nhà báo, nhà giáo giàu kinh nghiệm về câu hỏi này, dưới nhiều góc độ khác nhau.

Tác giả Nguyễn Đức An, trong một bài viết đăng trên Vietnamnet.vn đã gợi mở nhiều vấn đề đáng suy nghĩ:

Mỗi nghề nghiệp đều cần phải dựa trên một hệ thống kiến thức chuyên biệt mà ai muốn vào nghề phải nắm vững qua quy trình giáo dục bài bản, thường là đại học chuyên ngành. Hệ thống tri thức đó vừa trừu tượng, vừa cụ thể, bao gồm kỹ thuật nghiệp vụ lẫn tư duy và sự am hiểu nghề (kể cả luật pháp về nghề). Vì nếu hành nghề không đúng sẽ gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Nhưng ở ta, để vào được nghề báo, hình như người ta chỉ cần một thứ năng lực cơ bản: viết lách (hay chụp ảnh) tốt. Cho nên, nghề báo vô tình bị hạ thấp vì được xem là năng khiếu bẩm sinh hơn là kết quả từ một quá trình giáo dục. Ta vẫn đang trong một nền báo chí không hoàn toàn tách rời khỏi địa hạt văn chương. Với chất văn chi phối, không ít nhà báo cầm bút viết và đi “quá đà” vì không ghìm cảm xúc, tự do áp đặt chủ quan trên dữ kiện. Hiện thực, vô tình hay cố ý, đã bị bóp méo”.

Từ góc độ lý luận báo chí và từ thực tiễn hoạt động báo chí, chúng tôi khái quát theo công thức 4K sau đây:

Nhà báo chuyên nghiệp = Kiến thức + Kĩ năng + Kinh nghiệm + Kiến giải

2.1. Kiến thức (Knowlegd):

Kiến thức giúp nhà báo phát hiện vấn đề.

Người ta chỉ có thể có được những phát hiện trong so sánh tương quan. Và đương nhiên, càng phong phú kiến thức về cùng một lĩnh vực, về nhiều lĩnh vực có liên quan, càng dễ bật ra những so sánh mới, những nhận xét mới mang tính phát hiện.

Kiến thức không chỉ học trong trường, mà đối với nhà báo, điều quan trọng là tích luỹ thông tin, nhất là thông tin chuyên ngành mà mình theo dõi. Khi tác nghiệp, rõ ràng ai có nền học vấn văn hoá rộng, lại tích luỹ kiến thức sâu về lĩnh vực theo dõi, người đó sẽ xử lý thông tin nhanh và có hiệu quả hơn.

Báo chí có vai trò lớn là phản biện xã hội. Không có nền kiến thức xã hội rộng và am hiểu kiến thức chuyên ngành, nhà báo thật khó thực hiện vai trò người phản biện xã hội. Bài báo “Kẽ hở pháp luật - ô tô chui lọt” (Báo Pháp luật) phát hiện vấn đề: Nhà nước đề ra chính sách cấm nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, ngay lập tức một số doanh nghiệp nhập ô tô mới dưới dạng tháo rời ra, nhập khung riêng, nhập các thiết bị riêng,... là một ví dụ về vai trò phản biện xã hội tức thời của báo chí.

Lao động báo chí ngày nay đã khác xa với một thập kỉ trước đây. Nó là tổng hợp các yếu tố nghề nghiệp, các phương tiện kĩ thuật, các phương pháp làm việc khác nhau, các loại kiến thức khác nhau... Tổng hợp và phân tích, phân tích và tổng hợp, không loại trừ nhau. Thậm chí có những nhà báo ngồi tại chỗ, tổng hợp tin tức  trên thế giới để phân tích một vấn đề trong nước và ngược lại (hay đồng thời), tổng hợp thông tin trong nước thông qua một cách nhìn, một sự phân tích tin tức thế giới.

Quy trình làm báo, tính chất đối thoại - tương tác của báo chí ngày nay cũng đòi hỏi nhà báo một vốn liếng kiến thức đủ để “tác chiến” ngay lập tức. Tính online tính tương tác trực tuyến của báo chí hiện đại đặt các nhà báo trong tư thế luôn luôn sẵn sàng ứng phó, dù tờ báo của anh có lên mạng internet hay không. Công chúng có thể có ý kiến đồng tình hay phản đối ngay lập tức trên mạng khi báo vừa phát hành hay lên mạng. Người viết, do vậy, cũng phải phản hồi ngay, nếu không muốn xa rời công chúng của mình.

2.2. Kĩ năng (Skills):

Kĩ năng giúp nhà báo thể hiện vấn đề.

Kĩ năng là khả năng vận dụng những kiến thức thu nhận được trong một lĩnh vực vào thực tế công việc chuyên môn. Nhưng vận dụng như thế nào, lại là phương pháp của từng người. Khi những phương pháp này được vận dụng đạt đến trình độ điêu luyện, thuần thục, nó trở thành kĩ xảo. Trong lĩnh vực báo chí điện tử hiện nay, nhà báo cần có kĩ xảo nghề nghiệp trong hoạt động nghiệp vụ.

Ngày nay thành tựu tri thức khoa học của nhân loại tăng theo cấp số nhân và thông qua mạng internet nó trở thành tài sản chung của nhân loại. Kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin đang là đòi hỏi bắt buộc đối với mỗi nhà báo để có thể khai thác và làm chủ được thông tin trên mạng toàn cầu và trong nước. Vấn đề không phải chỉ là kĩ năng sử dụng công nghệ mới vào làm báo, không phải chỉ là hiện đại hoá thiết bị, mà quan trọng hơn, khi vận dụng những kĩ năng này, buộc chúng ta phải thay đổi cách nghĩ, cách tư duy, cách làm việc, hình thức hoạt động và hiệu quả của nó. Tính phổ cập, tính đa chiều của thông tin mạng ngày càng chiếm lĩnh đời sống tinh thần, buộc nhà báo phải hoà nhập trước, thích nghi trước, với những kĩ năng mới.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều học giả cho rằng, thế kỉ XXI là thế kỉ của phương pháp. Đó là sự đánh giá cao vai trò của phương pháp, kiến thức về phương pháp. Không có phương pháp thích hợp, rốt cuộc sẽ chìm ngập, loay hoay trong dòng thác thông tin, trong biển cả tri thức.

J.Vos và G.Dryden trong cuốn sách nổi tiếng thế giới The Learning Revolution (Cách mạng học tập) đã đặc biệt coi trọng phương pháp nắm bắt kiến thức và phương pháp vận dụng kiến thức, được khái quát trong một từ MASTER (M = Mind set for success, A = Acquire knowledge, S = Search out the meaning, T = Trigger the mimory, E = Exhibit knowledge, R = Reflect how to learn) (Ý chí quyết tâm đạt thành công, Thu nhận tri thức, Tìm ý nghĩa của tri thức, Thúc đẩy - khởi động trí nhớ, Trình bày tri thức, Suy nghĩ về cách học).

Trong công thức này, khâu cuối cùng - suy nghĩ về cách học -  có vẻ như tách rời, nhưng thực ra lại có vai trò rất quan trọng, bởi thiếu nó, các khâu kia sẽ khó thực hiện được. Vẫn là vấn đề phương pháp học, cách học. Đối với nghề báo, cập nhật thông tin không chỉ là áp lực công việc mà còn là nhu cầu tự thân, nếu không muốn tự mình đào thải. Và con đường tự hoàn thiện tốt nhất đối với nhà báo, là con đường tự học. Kĩ năng chỉ có được thông qua rèn luyện phương pháp trong hoạt động nghiệp vụ hàng ngày, và cũng thông qua cách tự học, tự đào tạo, tự sáng tạo là chính.

Quách Mạt Nhược, nhà lãnh đạo và là nhà thơ hiện đại nổi tiếng của Trung Quốc, từng viết: “Yêu cầu thực hành cơ bản nhất của học tập chính là sự tự học. Khi đó người ta biết tự đi tìm kiến thức, tự rèn luyện kỹ năng, thay vì chờ kiến thức tới từ sự dạy dỗ”.

2.3. Kinh nghiệm (Pass Through):

Đối với nhà báo, kinh nghiệm nghề nghiệp là vốn liếng lí thuyết đã được kiểm chứng và vốn liếng thực hành đã được bản thân vận dụng, kể cả kinh nghiệm nghề nghiệp của đồng nghiệp mà họ rút ra được. Kinh nghiệm giúp đánh giá, kiểm soát thông tin khi họ thu thập và phân tích, xử lý thông tin. Kinh nghiệm nghề nghiệp là sự tự phản biện đối với mỗi nhà báo. Nó cũng là tự bảo hiểm cho chính mình. Trình độ nghề nghiệp đã được kiểm nghiệm trong thực tế, giúp nhà báo không rơi vào tình huống “phát minh ra chiếc xe đạp” trong thế giới ngày nay.

Đối với công chúng, kinh nghiệm cá nhân của nhà báo mang ý nghĩa như một sự bảo đảm về giá trị của thông tin mà nhà báo đưa ra, mặc dù kinh nghiệm này không phải bao giờ cũng lộ ra. Mỗi nhà báo thường chuyên sâu một lĩnh vực, một vấn đề mà họ am hiểu. Lao động báo chí của nhà báo là lao động quá khứ. Với những nhà báo giàu kinh nghiệm, những gì họ viết ra hôm nay, mang trong nó những lượng thông tin đã trở thành những giá trị riêng. Và đó chính là giá trị thương hiệu của một nhà báo, theo cách nói hiện nay. Một nhà báo có tên tuổi được công chúng đón đọc, đồng nghĩa với nhà báo giàu kinh nghiệm về những vấn đề mà họ viết.

Cùng viết về một sự kiện lịch sử báo chí Việt Nam, nhưng khi đọc những thông tin của Dương Trung Quốc, người ta dễ nhận thấy những giá trị riêng, tin cậy, khách quan, bị thuyết phục, mặc dù ông khá kiệm lời.

Đọc Xuân Ba, nhiều khi thấy sự kiện, nhân vật của ông không có gì đặc biệt. Nhưng trong cách viết tưởng như chơi chơi, khi nghe Xuân Ba kể, Xuân Ba nghĩ, vừa có chất phong trần, từng trải, lịch lãm, lại vừa mang một chút chiêm nghiệm triết lí phương Đông, nên dễ đọc, dễ chấp nhận, mặc dù ông không thuyết giáo. Những kinh nghiệm cuộc đời và nghề báo, với vốn văn hoá rộng, có lẽ, đã làm nên một giá trị, một phong cách Xuân Ba,...

2.4. Kiến giải (Opinion):

Sự thật khách quan có tiếng nói riêng của nó. Nhưng công chúng chỉ nhận biết được ý nghĩa riêng ấy thông qua lăng kính chủ quan của nhà báo. Nêu quan điểm, chính kiến, chủ kiến, cao hơn là sáng kiến, phát kiến của người viết, chính là kiến giải vấn đề. Có thể trực diện, cũng có thể qua cách trình bày nội dung và để sự kiện tự nó bộc lộ quan điểm người viết.

Đây là yêu cầu cao đối với nhà báo, nhất là khi đứng trước những vấn đề đang gây tranh cãi trong dư luận xã hội. 

Muốn kiến giải khách quan, phải có tâm và có tầm. Tầm là kiến thức, một kiến thức nền rộng và hiểu biết sâu vấn đề mình viết. Voskobôinhicốp và Iyriev (Nga), viết: Nhà báo là “người mà luôn quan tâm tới cuộc sống của thế giới xung quanh, có đặc điểm là biết một cái gì đó về tất cả và biết tất cả về một cái gì đó”. Một nhà báo chuyên nghiệp, có tầm, sẽ “khác với nhà báo nghiệp dư ở chỗ là anh ta không bao giờ chỉ biết tin vào cái mà người ta dùng để lấy lòng mình. Anh ta chỉ gạn lọc thông tin, mà những người được nhận nó sẽ không thấy có gì đáng nghi ngờ” (Nhà báo - Bí quyết kĩ năng - nghề nghiệp, Nguyễn Văn Dững, Hoàng Anh dịch).

Tâm khó hơn nhiều. Vì nó không chỉ học mà có, tích luỹ mà có. Nó còn phải được giáo dục trong môi trường văn hoá lành mạnh, tự giáo dục và có gương soi, hay nói cách khác phải có chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp để làm theo. Một nhà báo có uy tín có lần nói rằng, ở ta có một lớp nhà báo cũng thích làm việc theo kiểu CNN, nhưng mục đích xã hội của họ thì có vấn đề: lên công trình thuỷ điện chỉ xăm xăm tìm ra đập nào rạn nứt, phỏng vấn nhà khoa học cũng phải xoay cho được cái gì thật giật gân, kể cả vi phạm đời tư... Mặc dù họ là người xông xáo, thông minh, viết đúng, có khi còn viết hay và không phải là xấu, nhưng suy cho cùng có những người viết vì cái danh của chính họ.

Leonard Ray Teel Ron Taylor - hai nhà báo nổi tiếng Hoa Kỳ, từng viết: “Sự thật là những gì bạn viết không tránh khỏi động chạm đến cuộc sống của những người khác, và những bài báo thực sự có thể huỷ hoại cuộc đời, cũng như chúng có thể làm nổi danh hoặc gây nên sự vô danhtruất quyền sở hữu...” của người khác. Trên thực tế, trong một số trường hợp (như: trẻ em hoặc phụ nữ bị xâm hại nhân phẩm, hoặc đương sự trong các vụ án dân sự), báo chí - qua cách cung cấp thông tin hoặc chỉ vài lời nhận xét, đã xâm hại đời tư của họ lần hai còn tồi tệ hơn, ảnh hưởng xã hội còn nặng nề hơn khi họ bị xâm phạm lần đầu.

Khó khăn lớn nhất là làm sao để công chúng được tiếp nhận và tự suy nghĩ trên sự kiện, trong khi nhà báo lại cần phải thể hiện quan điểm của nhà báo, của tờ báo?

Một vấn đề có thể có những kiến giải khác nhau. Bài báo hay phụ thuộc nhiều vào sự kiến giải sâu sắc, độc đáo hoặc táo bạo. Trên thực tế không ít nhà báo đã kiến giải một cách dễ dãi, vô thưởng, vô phạt, theo kiểu: “Các cơ quan chức năng cần vào cuộc” hoặc “Vấn đề này cần sớm được … giải quyết”!. Đã là việc của cơ quan chức năng thì đương nhiên họ phải vào cuộc, không cần nhà báo phải “kiến giải” như thế!

Nhà báo nổi tiếng của Thuỵ Điển - Thomas Kanger chia sẻ kinh nghiệm kiến giải như sau: Thứ nhất, tác giả cần đưa ra chứng cứ đủ thuyết phục (chỉ xuất bản bài báo khi có đủ chứng cứ cần thiết), logic các chứng cứ làm kết luận vấn đề xem thuộc trách nhiệm của ai, cơ quan, đơn vị nào? Thứ hai, tìm một ví dụ, một mô hình đã từng là giải pháp tốt cho vấn đề đã nêu. Thứ ba, sử dụng ý kiến của chuyên gia.

Tuy nhiên, làm thế nào để có được những điều đó lại phụ thuộc hoàn toàn vào sự nỗ lực của bản thân mỗi nhà báo.

3. Cần chuyên nghiệp hóa đào tạo kĩ năng nghề báo

Trên thực tế, chúng ta đang có nhiều phương thức đào tạo báo chí khác nhau. Không ít người làm công tác giảng dạy báo chí cũng thừa nhận phương thức đào tạo báo chí của ta chưa thật sự phù hợp - tình trạng nặng về lý thuyết mà nhẹ về thực hành (căn bệnh phổ biến của giáo dục đại học Việt Nam nói chung). Điều đó có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm đào tạo - sinh viên báo chí ra trường.

Đào tạo báo chí ở các nước có nền báo chí phát triển (Thụy Điển, Anh, Pháp, Mỹ…), hết sức chú trọng dạy nghề (kỹ năng ứng dụng nghề nghiệp), thậm chí có trường còn thuần nhất là dạy nghề. Có giảng viên báo chí từng nói: “Một nền báo chí chuyên nghiệp là một nền báo chí có đào tạo”.

Muốn chuyên nghiệp hóa đào tạo kĩ năng nghề báo cho sinh viên báo chí, trước hết, cơ cấu chương trình đào tạo cần chú trọng nhiều hơn đến đào tạo kĩ năng làm báo chuyên ngành (chẳng hạn, các kĩ năng làm báo in, kĩ năng làm báo phát thanh, kĩ năng làm báo hình, kĩ năng làm báo điện tử). Trong chương trình hiện nay, tuy đã có nhưng chưa sâu, chưa cập nhật và chưa bám sát thực tiễn đời sống báo chí. Điều này không mâu thuẫn với xu thế tích hợp truyền thông - truyền thông đa phương tiện. Muốn tổ chức được sản phẩm truyền thông đa phương tiện, người làm báo phải bắt đầu từ sự am hiểu, và phải có kĩ năng thực hiện được từ những sản phẩm báo chí cụ thể ở từng loại hình báo chí (chẳng hạn: biết làm một phóng sự báo in, một phóng sự thu thanh, một video clip,…).

Ngay trong đào tạo kĩ năng làm báo theo từng loại hình báo chí như vừa nêu, lại cần chuyên sâu theo nhiều hướng. Ví dụ: kĩ năng phỏng vấn cho báo viết khác với kĩ năng phỏng vấn truyền hình; kĩ năng khai thác tài liệu của phóng viên phát thanh khác nhiều với phóng viên báo in, báo điện tử, v.v… Đặc biệt, ngày nay xu hướng làm báo đa phương tiện đòi hỏi người làm báo phải được trang bị kiến thức, kĩ năng theo hướng đa năng, nhà báo "3 trong 1" (biết quay phim, chụp ảnh, ghi âm, biết viết đúng thể loại, biết tổ chức sản phẩm báo chí) và sử dụng thành thạo máy tính, khai thác internet phục vụ cho nghề báo.

Các cơ sở đào tạo báo chí cần được đầu tư trang bị các phương tiện kĩ thuật hiện đại để có thể đào tạo các kĩ năng nghề báo một cách chuyên nghiệp ngay trong nhà trường. Việc phối hợp cho sinh viên được thực hành rèn kĩ năng nghề nghiệp tại các cơ quan báo chí là không thể thiếu. Nhưng nó sẽ thuận lợi hơn, dễ dàng hơn, nếu những kĩ năng này của sinh viên đã được nhà trường chuẩn bị kĩ từ trước.

TS. Trần Bá Dung

Facebook hướng dẫn các nhà báo lấy tin Olympics London

(ICTPress) - Facebook đã hướng dẫn các nhà báo cập nhật các thông tin từ các vận động viên, các đội thể thao, các môn thể thao, các hãng đưa tin và nhà tài trợ bằng cách sử dụng công cụ Explore London 2012.

Facebook vừa thông báo việc mở trang Explore London 2012, một trang được thiết kế để hỗ trợ các fan Olympics và các nhà báo để theo dõi các tin tức mới nhất về Thế vận hội London 2012.

Trang này kết hợp các trang về vận động viên, đội tuyển quốc gia và các môn thể thao, và đang bổ sung các trang Facebook cho các hãng tin NBC, BBC và cho các nhà tài trợ.

Theo một thông báo, Joanna Shields, Phó chủ tịch và giám đốc điều hành châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) ở Facebook cho biết công cụ này có nghĩa là “tất cả các vận động viên có thể có một khán giả” và “chia sẻ các câu chuyện với thế giới”.

Mark Adams, giám đốc truyền thông tại Ủy ban Olympics quốc tế (IOC) cho biết trong một thông báo “Olympics London 2012 sẽ là kỳ Thế vận hội “xã hội” đầu tiên thực sự”.

Các vận động viên của Vương quốc Anh cung cấp các thông tin cập nhật gồm Tom Daly, Jessica Ennis, và đội đua xe đạp.

Không phải chỉ có Facebook đưa tin về Olympics mà Google cũng có những cổng riêng trên Google+, cũng như một trang Twitter, một sự kiện được cập nhật hàng ngày với Foursquare (tin trong ngày Olympic), một dự án với Tumblr, và một trang chuyên khác với Instagram.

Và ở Trung Quốc, bởi vì có quá nhiều lưu lượng truyền thông xã hội trên tràn sang các trang địa phương, Olympics cũng đã làm việc với các trang mạng xã hội Sina Weibo và Youku, Mark Adams, Giám đốc truyền thông của IOC cho biết.

Facebook cũng thực hiện hướng dẫn các nhà báo cách làm thế nào và có thể tìm những câu chuyện và thông tin về Olympics trên Facebook theo các cách sau:

1. Đăng ký tài khoản

Sử dụng thuê bao (Subscribe) trong tài khoản cá nhân của bạn để “truyền những thông tin của bạn đi xa hơn nữa và trở thành nhà báo cập nhật về Olympics” (Hãy xem guide on how to use Facebook Subscribe as a journalist – Hướng dẫn cách sử dụng đăng ký Facebook khi là một nhà báo).

Facebook cho biết các lợi ích gồm có: “các câu chuyện của bạn có thể len lỏi như virus bằng cách truyền tải trực tiếp thông qua các phản hồi tin tức từ bạn đọc và bạn bè của bạn”, “bạn có thể tham gia trao tranh luận” bằng cách thông báo cho bạn đọc; bạn có thể bổ sung một số người”; cung cấp các khám phá khi đang tìm kiếm, cho phép bạn đọc để “tìm timeline của bạn và các bài báo được chia sẻ dễ dàng hơn:, và bạn có thể tìm các nguồn và những người phỏng vấn tiềm năng.

2. Tìm kiếm các đăng tải công chúng

Facebook tư vấn các nhà báo sử dụng công cụ tìm kiếm. “Nếu có một sự khởi động không thành công hay một vận động viên chiến thắng bất ngờ, bạn có thể tìm thấy những đăng tải để cho mọi người thấy phản ứng ngay lập tức của mọi người.

Nếu bạn tìm một lời trích dẫn mà bạn muốn sử dụng, bạn có thể vào timeline của họ và gửi tin nhắn riêng đến họ nếu họ có chức năng này đã được khởi động do đó bạn có thể biết họ có đồng ý cho trích dẫn mà không cần phải là bạn bè trên Facebook”.

Hướng dẫn này cũng tư vấn bạn tìm kiếm các nhóm và các trang Facebook “để tìm kiếm các nguồn tin liên quan đến các tổ chức và nhóm cụ thể. Cũng có những nhóm sẽ tập trung các thông tin về các anh hùng hay những người say mê và các xu hướng Olympics ở London”.

3. Các danh sách ưa thích

Hướng dẫn tư vấn cho các nhà báo để “đăng ký vào danh sách Olympics - Olympics list trên Facebook để xem các cập nhật từ các đội tuyển, vận động viên và các tổ chức tham gia Thế vận hội ngay khi có tin tức.

"Tìm kiếm những danh sách ưa thích liên quan và bạn có thể tạo riêng cho mình tại đây."

4. Dữ liệu

Facebook cũng sẽ chia sẻ các dữ liệu Facebook công chúng trong suốt thế vận hội để cung cấp “một ý tưởng về mọi thứ mà công chúng đang bàn luận.

“Hãy nhớ những gì mà công chúng đã bàn luận xung quanh đám cưới Hoàng gia hay phẩn lớn các chủ đề nổi bật trong năm 2011 để có một ý tưởng cho những thông tin mà chúng ta cung cấp”.

Hãng ãng PR Nelson Bostock của Facebook ở Anh cũng sẽ cung cấp các cập nhật dữ liệu. Hãng PR này mời các nhà báo đăng ký để có những cập nhật bằng cách gửi thư đến facebook ở nelsonbostock.com.

Mai Anh

Hai báo điện tử phải dừng xuất bản

(ICTPress) - Từ ngày 20/7, hai báo điện tử Tầm nhìn và Doanh nhân Việt Nam toàn cầu đã dừng xuất bản theo quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hai báo điện tử này đều bắt đầu nhận giấy phép hoạt động từ năm 2010.

Báo điện tử Tầm nhìn (tamnhin.net) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN, còn Báo Doanh nhân Việt Nam toàn cầu (dvt.vn) là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nhân VN ở nước ngoài.

Hôm qua (20/7), Ban Biên tập Báo Tầm nhìn đã có thông báo tới độc giả và nói "sẽ chấp hành theo đúng quy định của luật báo chí và của cấp trên. Khi hội tụ đủ điều kiện tiếp tục hoạt động chúng tôi xin thông báo tới quý vị và độc giả được biết".

Báo Doanh nhân Việt Nam toàn cầu không đăng thông báo chính thức về sự việc, nhưng theo quan sát, hoạt động xuất bản trên báo điện tử này đã ngừng từ ngày 19/7.

Trên báo Tuổi trẻ, Tổng biên tập Báo Doanh nhân Việt Nam toàn cầu Nguyễn Sĩ Đại đã xác nhận thông tin và cho biết sở dĩ dvt.vn phải dừng xuất bản là do kinh tế khó khăn, nguồn nhân lực không đủ đáp ứng cho hoạt động của tờ báo.

Minh Anh

VnExpress sắp ra mắt trang Số Hóa phiên bản mới

(ICTPress) - VnExpress vừa cho biết đang thử nghiệm phiên bản mới của chuyên trang Số hóa tại địa chỉ beta.sohoa.vnexpress.vn để tiến tới ra mắt chính thức.

Trang thông tin công nghệ mới này sẽ là sự kết hợp nội dung của chuyên trang Số Hóa cũ và chuyên mục Vi Tính trên VnExpress.

Giao diện thử nghiệm trang chủ Số Hóa mới.

Theo VnExpress, với giao diện mở rộng ở phần tin nổi bật và hiển thị được nhiều nội dung hơn trên màn hình, trang Số Hóa bản mới sẽ cung cấp cho độc giả đa dạng thông tin về sản phẩm số, các bài đánh giá chuyên sâu, những phân tích, bình luận xu hướng, cùng nhiều nội dung đời sống công nghệ, giải trí, cộng đồng mạng... được ưa thích trong mục Vi Tính của VnExpress.

Ở trang mới, phần trải nghiệm sản phẩm tiếp tục được đề cao và mục này được đặt ở vị trí quan trọng. Các bài đánh giá sản phẩm được trình bày theo style chuẩn của các trang web quốc tế uy tín như Cnet, PCW, có chấm điểm từng sản phẩm theo chuẩn của Ban biên tập và theo cảm nhận của độc giả.

VnExpress cũng cho biết, phiên bản mới chú trọng nhiều hơn tới tương tác với độc giả. Mục Cộng đồng dành riêng cho thành viên để chia sẻ kinh nghiệm, những câu chuyện công nghệ của mình, đặt câu hỏi tư vấn mua sắm cũng như tư vấn sửa chữa với người cùng sở thích.

Mục Ảnh độc giả trong Cộng đồng, nơi tổ chức các cuộc thi cho người yêu thích nhiếp ảnh đã được bố trí lại với khung lớn, nhìn đẹp hơn rất nhiều so với phiên bản cũ. Tại đây, độc giả có thể đăng những bức ảnh mình tâm đắc mà không cần theo một chủ đề nào của tháng.

Minh Anh

YouTube, mang hơi thở mới cho báo chí

(ICTPress) - Trang video hàng đầu của Web hiện nay là nơi cho một phương thức báo chí hình tương tác mới, nơi “những chứng kiến của công dân” đang vươn tới hàng triệu người bằng những tin tức trong ngày, theo một báo cáo mới của Trung tâm nghiên cứu Pew.

YouTube đã trở thành nơi cho một loại hình tin tức mới do công dân sản xuất và chia sẻ

Một ví dụ điển hình cho việc này là trận sóng thần đổ vào Nhật Bản hồi tháng 3/2011. Trong tuần sau cùng với vụ động đất làm nhiều người chết, 20 video tin tức được nhiều người xem nhất trên YouTube đã nhận được 96 triệu lượt xem, theo báo cáo này. Phần lớn cảnh quay thảm họa này không phải là từ những người chuyên quay phim mà từ những người đang ở trung tâm của thảm họa đã cướp đi 18.000 sinh mạng.

“Các công dân đang tạo ra những video riêng về tin tức và đăng tải chúng. Các công dân cũng đang tích cực chia sẻ các video tin tức do các nhà báo chuyên nghiệp sản xuất. Và các cơ quan báo chí đang tận dụng ưu điểm nội dung của công dân và kết hợp ưu điểm này vào nghề làm báo của mình”, báo cáo này được công bố hôm 16/7.

“Đổi lại những người xem đang nắm lấy sự tương tác trong những gì họ xem và chia sẻ, tạo ra một hình thức tin tức truyền hình mới”.

Trong thực tế, Pew mô tả có một sự hợp tác mới giữa các loại hình báo chí giữa quầy báo chí truyền thống và các nhà báo công dân. Trong khi nhiều video về trận sóng thần do người sử dụng tạo ra, những video này đã được nhiều người xem sau khi được các cơ quan báo chí chuyên nghiệp chia sẻ trên trang báo.

CNN đã chính thức đi theo hướng báo chí công dân kể từ năm 2006 với CNN iReport, khuyến khích người sử dụng trên toàn thế giới chia sẻ tin tức, ý kiến, hình ảnh và video về rất nhiều đề tài. Giải thưởng iReport hàng năm lần thứ hai trong tháng này đã vinh danh một cảnh quay tận mắt chứng kiến của iReporter về sự sụp đổ sân khấu Indiana State Fair 2011, trong số nhiều video clip khác được gửi đến.

Dự án của Trung tâm nghiên cứu Pew về sự chuyên nghiệp trong báo chí đã nghiên cứu giá trị của các video tin tức của 15 tháng từ 1/2011 và tháng 3/2012, ghi lại 5 video phổ biến nhất mỗi tuần trên kênh “Tin tức và chính trị” trên YouTube.

Dữ liệu này phản ánh một mối quan hệ phức tạp, cộng sinh đã hình thành giữa các công dân và các đơn vị báo chí trên YouTube, một mỗi quan hệ gần đi tới “đối thoại” báo chí không ngừng nghỉ mà nhiều nhà quan sát đã dự báo sẽ trở thành báo chí trực tuyến mới.

Các tìm kiếm khác của nghiên cứu này:

- Video về các thảm họa thiên nhiên thu hút nhiều sự chú ý nhất

- Những sự kiện tin tức bên ngoài nước Mỹ đứng đầu danh sách. Ba chủ đề có số người xem nhiều nhất là sóng thần, bầu cử ở Nga và tình trạng bạo động ở Trung Đông. Pew cho biết 70% lưu lượng của YouTube đến từ bên ngoài nước Mỹ.

- Hơn 1/3 (39%) các video được nhiều người xem là do công dân làm và 51% khác - tổng cộng 90% tất cả các video được nghiên cứu - đến từ các cơ quan tin tức nhưng có cả nội dung do người dùng làm nên.

- Các nhân vật nổi tiếng dường như không phải là một cái gì ghê gớm đối với người săn tin trên YouTube. Không có cá nhân nào xuất hiện trong hơn 5% top đầu của các video tin tức, chỉ có tổng thống Barack Obama cao nhất với 4%.

Trong khi những con số là ấn tượng, thì vẫn còn ít khi so sánh với số người xem của các tin tức truyền hình truyền thống. Báo cáo so sánh tuần có 96 triệu người xem video sóng thần với gần 22 triệu người xem các chương trình tin tức trên mạng mỗi tối. (Có 154 triệu người xem trong 1 tuần, và chưa tính đến tin tức trên truyền hình cáp hay địa phương).

Sự khác biệt, Pew cho biết, là các trang như YouTube cung cấp tin tức theo “món”, giúp người sử dụng có thể tự làm chương trình cho mình.

Báo cáo này cũng đề cập đến một vấn đề có thể xảy ra về chia sẻ tin tức trên YouTube. Để các video tin cậy, báo cáo cho biết, video có thể bị làm mờ, một vấn đề xuất phát từ việc thiếu các nguyên tắc nghề nghiệp rõ ràng.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các ví dụ của các trang tin truyền thống hiện sử dụng các video được công dân sản xuất mà không truy cứu các video đó rõ ràng cũng như các dân công đăng tải tài liệu bản quyền mà không được phép.

“Tất cả điều này tạo ra khả năng cho tin tức được sản xuất, hoặc thậm chí bị xuyên tạc, mà không cho khán giả không biết ai sản xuất hoặc làm thế nào để thẩm định”.

Mai Anh

Phát động Giải Báo chí Việt Nam về HIV/AIDS lần thứ 3

(ICTPress) - Hội nhà báo Việt Nam vừa thông báo Giải Báo chí Việt Nam về HIV/AIDS lần thứ 3, năm 2011 - 2012 được do Câu lạc bộ Nhà báo Việt Nam với công tác phòng, chống HIV/AIDS tổ chức dưới sự bảo trợ của Hội Nhà báo Việt Nam và Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.

Chung tay phòng chống HIV/AIDS (Ảnh: bell.org.vn)

Nội dung các tác phẩm dự Giải phản ánh tình hình lây nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam và trên thế giới; công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam; những gương điển hình và các điển hình, mô hình hiệu quả của các tập thể, cá nhân làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt gương các nhà lãnh đạo đi tiên phong trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; việc chống kỳ thị đối với người nhiễm HIV hoặc bệnh nhân AIDS; gương những người nhiễm HIV hoặc bệnh nhân AIDS vượt lên bệnh tật, hòa nhập cộng đồng, sống có ích…

Các tác phẩm báo chí dự Giải thuộc các loại hình: Báo in (kể cả ảnh báo chí), phát thanh, truyền hình, báo điện tử và ở tất cả các loại: Tin, bài, phản ánh, ghi chép, phỏng vấn, bút ký, phóng sự, điều tra, chính luận, ảnh báo chí (ảnh đơn, nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh).

Đối với phát thanh, truyền hình và báo điện tử có thể bao gồm cả diễn đàn, tọa đàm, giao lưu trực tuyến. Không chấp nhận các tác phẩm hư cấu.

Các tác phẩm tham dự Giải là các tác phẩm báo chí được đăng phát từ ngày 1/1/2011 - 30/9/2012 trên các phương tiện thông tin đại chúng do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.

Các tác giả là các nhà báo chuyên nghiệp và các cộng tác viên báo chí ở Trung ương và các địa phương. Tác giả dự Giải cần photo tác phẩm của mình và ghi rõ tác phẩm được đăng trên báo, tạp chí nào, thời gian tác phẩm được đăng. Đối với tác phẩm phát thanh, truyền hình cần ghi vào đĩa và ghi rõ thời gian, cơ quan phát sóng tác phẩm đó. Đối với ảnh báo chí, ngoài bản photocopy tác phẩm được in trên báo, tạp chí cần gửi kèm theo ảnh gốc kích thước 13cm x 18cm.

Tác phẩm tham dự xin gửi về Câu Lạc bộ Nhà báo Việt Nam với công tác phòng, chống HIV/AISD - Nhà văn hóa - Hội Nhà báo Việt Nam, 59 Lý Thái Tổ, Hà Nội.

Hạn cuối cùng nhận tác phẩm ngày 10/10/2012 (tác giả ở xa tính theo dấu bưu điện). Tác giả cần ghi rõ bút danh, tên thật, địa chỉ và điện thoại để tiện liên hệ.

Các tác giả đạt Giải sẽ nhận được bằng chứng nhận và tiền thưởng kèm theo gồm: 3 giải Nhất, 6 giải Nhì, 9 giải Ba, 12 giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban Tổ chức sẽ tặng thưởng cho các tập thể và cá nhân có nhiều tác phẩm dự Giải.

Mai Anh

Tiếc nuối một "món đặc sản" làng báo Việt

Đến kì Euro 2012 lần này, các sạp báo đã vắng đi rất nhiều tờ tin nhanh bóng đá quen thuộc, thay vào đó là tin bài trên báo truyền thống và thông tin dày đặc liên tục được cập nhật trên báo mạng.

Euro 2012 vừa đi qua sau một tháng đầy thăng trầm, buồn vui cả trên và ngoài sân cỏ. Riêng với giới hâm mộ túc cầu Việt Nam, ngoài niềm tiếc nuối cho những đội bóng yêu thích đã trượt mất cơ hội chạm đến cúp vàng danh giá, không ít người hẳn cũng bâng khuâng tiếc nuối sự "mỗi năm mỗi vắng" của một món "đặc sản" - các tờ tin nhanh bóng đá.

Một điều rất thú vị là loại báo tin nhanh này có lẽ... chỉ ở Việt Nam mới có. Vì như một nhà báo thể thao kì cựu từng có kể, anh đã thử dò hỏi tất cả bạn đồng nghiệp của mình ở  nhiều nước trên thế giới, và tất cả đều nói rằng nước họ không có loại báo nào gọi là "tin nhanh" cả, những gì liên quan đến bóng đá đều được in lên ấn phẩm báo thường ngày, hay trên các trang báo điện tử.

Vậy nên khi nhắc tới World Cup hay Euro, dù Việt Nam chưa bao giờ tham gia những ngày hội bóng đá lớn như thế, nhưng chúng ta vẫn có thể tự hào vì có món "đặc sản" tin nhanh bóng đá để khoe với thế giới.

Tính đến Euro này, tin nhanh bóng đá ở Việt Nam đã tròn 30 năm tuổi đời. Tờ tin nhanh đầu tiên là về vòng chung kết World Cup 1982 ở Tây Ban Nha của báo Thể thao & Văn hóa. Nhanh chóng nhận ra cơn khát thông tin của bạn đọc, nhiều tờ báo khác sau đó cũng vào cuộc làm tin nhanh phục vụ người hâm mộ.

Tôi nhớ cha tôi kể lại, những năm đầu tiên có tin nhanh, mỗi buổi sáng người ta xếp hàng dài trước cửa các đại lý phát hành báo. Nếu mua được thì rất mừng, còn không thì tiếc hùi hụi. Có khi một khu tập thể chia nhau lịch đi mua tin nhanh, hai ba nhà cùng đi mua để về chuyền tay nhau trong các gia đình mà đọc.

Thời ấy điều kiện còn thiếu thốn, những tờ tin nhanh in ra chất lượng còn hạn chế, thường chỉ có 4 trang hai màu đen trắng. Tuy nhiên, chúng đã thỏa mãn nhu cầu thông tin của bạn đọc thời ấy, không những thế, còn trở thành tư liệu của rất nhiều bình luận viên bóng đá nổi tiếng ngày nay.

Dần dần, khi công nghệ làm báo phát triển, những tờ tin nhanh cũng được cải tiến về chất lượng cũng như số lượng, những tờ tin nhanh màu xuất hiện nhiều hơn với nội dung phong phú, đa dạng. Tờ nào cũng phải có ít nhất một vài chuyên gia tham gia dự đoán, phân tích kèm các thông tin bên lề về văn hóa, về không khí tại nơi diễn ra.

Thời kì hoàng kim của báo tin nhanh có lẽ là dịp World Cup 2006, khi có hàng loạt các ấn phẩm tin nhanh ra đời. Vào mùa bóng, mỗi fan đều phải "lận lưng" một tờ tin nhanh World Cup. Độc giả hồi ấy cũng phải choáng với mật độ tin nhanh dày đặc như vậy, đến mức đâm phân vân khi lựa chọn một tờ tin nhanh để đọc mỗi sáng.

Đối với dân ghiền bóng đá, hồi ấy không gì thú vị hơn việc mỗi buổi sáng tụ tập quanh bàn cà phê, vừa nhấm nháp vừa cầm tờ tin nhanh theo dõi thông tin và bàn tán sôi nổi về trận đấu tối qua hay dự đoán về trận đấu sắp tới. Khuya coi bóng đá, sáng cầm tờ tin nhanh, nhâm nhi cà phê "bình loạn" với chiến hữu ở "thông tấn xã vỉa hè" đã là thói quen và thú vui của bao thế hệ mê bóng đá. Thiếu niên tụi tôi thời đó còn có thói quen chờ người nhà đọc xong báo thì xin lại để cắt hình những cầu thủ mà mình yêu thích.

Hồi đó tin nhanh vẫn còn rẻ, chỉ cần 200 hay 500 đồng là đã có một tờ tin nhanh mới ra lò còn "nồng nàn" mùi mực in. Đám thiếu niên đứa nào cũng tranh thủ dậy sớm chạy ra sạp báo gần nhà, vì không nhanh chân người ta sẽ mua hết.

Các tờ tin nhanh bóng đá dần vắng bóng trên các sạp báo. Ảnh minh họa. Nguồn: Đất Việt

Với riêng tôi, những tờ tin nhanh hồi ấy có một sức hút kì lạ, không chỉ vì hình ảnh của những Zidane hay "người ngoài hành tinh" Ronaldo, mà còn ở cách mô tả không khí ở các sân vận động làm người ta muốn đến đó ngay lập tức. Rồi thật thú vị là mục "bàn thắng đẹp", nơi mà các họa sĩ cặm cụi vẽ nhanh hình mô tả bàn thắng đẹp của lượt trận đêm hôm trước để kịp mang đi in.

Đã có thời việc làm tin nhanh bóng đá cũng đồng nghĩa là một cuộc cách mạng về kỹ thuật, phương tiện và cả phương pháp xử lý nội dung của các tờ báo giấy. Thường thì sau một kỳ World Cup hoặc EURO thì những tờ báo làm tin nhanh cũng biến chuyển đột ngột về số lượng.

Năm 1982, TTVH là tờ thể thao ra tin nhanh bóng đá đầu tiên. Tuy nhiên, làng báo cũng rất nhanh chóng bắt kịp. Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Thể Thao TP.HCM, Lao Động, Người Lao Động... sau đó đều làm tin nhanh. Kỳ World Cup 1990 ở Italia đã có hàng chục đầu báo ra tin nhanh. Các tờ tin nhanh đặc biệt sôi động ở kỳ World Cup 2006. Thời điểm ấy, người ta còn thấy cả một số đầu báo như Pháp Luật, Nông Thôn cũng không chịu đứng ngoài cuộc chơi. Gần 20 đầu báo làm tin nhanh.

Đó có thể xem như thời đỉnh cao của báo giấy khi các sạp báo tràn ngập tin nhanh. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện kỹ thuật số, kỹ thuật truyền phát sóng vệ tinh, cáp quang... truyền thông đa phương tiện đã bắt đầu cất tiếng nói của mình. Báo mạng với ưu thế thông tin nóng, nhanh chóng tạo nên sức cạnh tranh quyết liệt với báo giấy.

Bóng đá plus

Không chỉ vậy, những tờ tin nhanh còn giúp độc giả tiếp nối mạch cảm xúc còn đọng lại sau trận đấu đêm hôm trước. Người thì vui vẻ đọc bình luận trận đấu mà đội mình hâm mộ thắng trận, kẻ thì ngậm ngùi xem người ta nhận xét trận thua của đội mình yêu thích thế nào. Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác khi cầm tờ Tin nhanh Tuổi Trẻ World Cup 2010, đọc bài bình luận trận thua đậm 1-7 của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên trước Bồ Đào Nha, lúc đó vừa ngại ngần, vừa buồn buồn thế nào.

Đến kì Euro 2012 lần này, có lẽ vì điều kiện kinh tế khó khăn cũng như sự phát triển của báo mạng, mà số lượng tờ tin nhanh năm nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Các sạp báo đã vắng đi rất nhiều tờ tin nhanh quen thuộc, thay vào đó là tin bài trên báo truyền thống và thông tin dày đặc liên tục được cập nhật trên báo mạng. Tuy vậy, vẫn có những báo trung thành với tờ tin nhanh báo giấy, vẫn đều đặn ra các số tin nhanh với chất lượng hình ảnh và bài viết có đầu tư kĩ lưỡng.

Và dĩ nhiên, chúng vẫn được rất nhiều người hâm mộ đón nhận và trân trọng. Dù sự phát triển của công nghệ giúp mọi người có thể theo dõi thông tin mới nhất trên điện thoại hay máy tính, nhưng tôi tin những tờ tin nhanh vẫn có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ. Còn gì vui bằng mỗi sáng ta bỏ vài ngàn đồng cho tờ báo, vừa theo dõi những tin tức nóng hổi nhất từ trận đấu đêm qua, vừa nhâm nhi cà phê với bạn bè và tán dóc về những đội bóng. Đơn giản, đó là một "món đặc sản" rất Việt Nam.

Giang Phạm

VietnamNet

Financial Times tung ứng dụng phiên bản web beta Chrome cho Android

(ICTPress) - Thời báo Tài chính (Financial Times - FT) vừa thông báo tung ra một ứng dụng Web trên Chrome cho tất cả các thiết bị Android, chỉ 1 năm sau khi FT tung ứng dụng web cho iPad và iPhone.

Ứng dụng mới cho điện thoại Android và các máy tính bảng cung cấp thêm 1 lựa chọn nữa cho ứng dụng nguyên bản của FT cho Android, đã được tung ra hồi tháng 12 năm ngoái. FT cho biết đã hợp tác chặt chẽ với Google để đảm bảo ứng dụng web chạy thông suốt trên Chrome cho Android.

Cơ sở mã lõi tương tự sẽ được sử dụng để tăng cường các ứng dụng FT cho điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính để bàn và trong trường hợp này đã được kết hợp với các thành phần tốt nhất từ Chrome cho Android. Ứng dụng web FT cho Chrome vẫn đang ở dạng beta và sẽ được tung ra đầy đủ trong những tháng tới đây. FT bảo đảm rằng không có dữ liệu độc giả FT nào sẽ được chia sẻ với Google.

FT đặt mục tiêu là kênh trung gian, theo đó cung cấp báo chí FT trên bất cứ kênh báo in, báo điện tử hay thiết bị di động để bạn đọc có thể sử dụng. Bạn đọc của FT có thể đăng nhập một lần hoặc đăng ký dài hạn, theo đó có thể truy cập nội dung FT bất cứ lúc nào, ở đâu trên một PC và nhiều thiết bị, cho phép chúng ta duy trì mối quan hệ trực tiếp với các bạn đọc.

Sau khi đăng ký người sử dụng có thể truy cập miễn phí qua ứng dụng web beta trên Chrome trong một thời gian giới hạn, nhưng đồng thời ứng dụng “sẽ được tích hợp vào mô hình truy cập FT.com ở nơi sau khi đăng ký, người sử dụng có thể xem trước nội dung trước khi đăng ký đăng ký bạn đọc dài hạn.

Việc tung ra ứng dụng Web trên Chrome “mới chỉ là bước đầu” và một phiên bản máy tính để bàn của ứng dụng sẽ được công bố sớm, và sẽ hiện diện trên tất cả các trình duyệt web hiện đại. Điều này cho phép người đọc có thể truy cập đầy đủ vào FT trên tất cả các thiết bị của mình thậm chí cả khi ngoại tuyến. Đây là điều vô cùng đặc biệt đối với những người sử dụng điện thoại vô cùng lớn của FT.

Tháng trước, giám đốc điều hành của FT.com Rob Grimshaw cho biết dự báo sẽ có 50% bạn đọc số sẽ truy cập qua các thiết bị di động trong vòng 3 năm. Theo một thông báo, ứng dụng web của FT đã được tải về hơn 2,5 triệu lần kể từ khi tung ra vào năm ngoái.

Mai Anh

Báo Tiền Phong có Tổng Biên tập mới

(ICTPress) - Hôm qua (27/6), Trung ương Đoàn đã trao quyết định bổ nhiệm nhà báo Lê Xuân Sơn làm Tổng Biên tập báo Tiền Phong.

Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập mới của Báo Tiền Phong. Ảnh: Tiền Phong.

Theo đó, ông Xuân Sơn sẽ giữ chức Tổng Biên tập báo Tiền Phong từ ngày 1/7/2012, với quyết định có thời hạn trong 5 năm.

Ông Lê Xuân Sơn sinh năm 1963, nguyên là Phó Tổng Biên tập thường trực báo Tiền Phong. Ông Sơn được Trung ương Đoàn giao giữ vị trí Quyền Tổng Biên tập báo Tiền Phong từ ngày 7/5/2012.

Minh Anh