Nghề báo
Sunday Times đạt kỷ lục lưu lượng đọc phiên bản iPad
Submitted by nlphuong on Fri, 07/09/2012 - 12:21(ICTPRess) - Tờ Sunday Times vừa đạt kỷ lục hơn 100.000 người đọc mỗi số phát hành phiên bản iPad trong tháng 8, giám đốc công nghệ Simon Regan-Edwards cho Diễn đàn thế giới các biên tập viên ở Kiev tuần này cho biết.
Phiên bản iPad của Sunday Times |
Đưa ra những con số mới nhất tại Hội nghị, Regan-Edwards cho biết phiên bản iPad của tờ Sunday Times cũng đạt kỷ lục “lưu lượng cao” trong toàn bộ tháng 8, với 220.000 người đọc. Những con số trong tháng 8 cũng cho thấy một thời gian đọc trung bình là 58 phút/người/số báo.
Ứng dụng iPad của Sunday Times được công bố tháng 12/2010, sau khi ứng dụng iPad của tờ Times được tung ra trước đó và trang web bức tường phí (paywall) của Times vài ngày trước đó.
Truy cập vào ứng dụng này sẵn sàng như phần gói số của Times với giá 2 bảng Anh/tuần cho 3 tháng đầu tiên, sau đó 4 bảng/tuần hoặc một số giá 2,49 bảng.
Đầu năm nay, News International cho biết việc gia tăng tải phiên bản iPad của Sunday Times tăng 80% trong tháng 1 so với tháng 9/2011, đạt tới con số gần 64.000 lượt tải.
Phiên bản iPad của Times tăng 35%, đạt gần 60.000 lượt tải.
Theo các số liệu thống kê được công bố hồi tháng 2, tổng số thuê bao số của Times tăng 2% lên 119.255, so với 116.902 tháng 12, trong khi Sunday Times tăng 3% lên 113.818 từ 110.024.
Năm ngoái, ứng dụng iPad của Sunday Times đã được vinh danh tại Giải thưởng Truyền thông XMA Cross cho sự xuất sắc về cung cấp nội dung đa nền tảng.
Mai Anh
Chụp ảnh từ trong xe hơi
Submitted by nlphuong on Wed, 05/09/2012 - 08:07(ICTPress) - Lượng thời gian để di chuyển chiếm khá nhiều trong mỗi chuyến đi dài. Các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp thường không bỏ phí thời gian ấy để khai thác tối ưu các lợi thế: có vị trí chụp cao hơn lúc bình thường, có góc máy khác lạ, không bị đối tượng chụp phát hiện. Hiển nhiên, họ phải biết giải quyết thỏa đáng khá nhiều những yêu cầu kỹ thuật khác nhau.
Tạo sự khác lạ: Bởi độ cao trên xe khác khi đứng, nên chụp úp máy rất thuận lợi, nhất là khi xe đi qua hoặc dừng lại nơi có các cuộc mít tinh, đám rước, lễ hội hay các sự cố trên đường giao thông. Từ trong xe có thể chụp được mặt đường, các cầu vượt xa gần và hệ thống giao thông, quang cảnh rộng nơi chiếc xe sẽ gặp hoặc vừa mới đi qua… Đây là vị trí mà khi đi bộ, đi xe máy, tản bộ theo các đoàn du lịch, nhà nhiếp ảnh rất khó thực hiện. Từ trong xe (dù không là xe của cá nhân) người chụp có điều kiện “nhặt được” vẻ đẹp của cuộc sống ven đường, từ kiến trúc đến sinh hoạt, nét thú vị của tập quán và phong tục… khác với các vị khách ngoại đạo hay các nhà ảnh không chuyên thường dành thời gian cho giấc ngủ triền mien hay các cuộc tán ngẫu… Nhiều nhà nhiếp ảnh đã tạo ra được ảnh chi tiết rất cần cho các phóng sự, các bộ sưu tập…
Một khoảnh khắc Patuxay |
Quan sát: Quả thật là chẳng dễ dàng gì bởi xe chạy liên tục với các hướng, các tốc độ khác nhau, lúc dừng, lúc rẽ, lúc lên xuống dốc, mưa nắng thất thường. Quan sát phải nhanh để không bỏ mất đi các chi tiết thú vị. Nếu đã có đề cương và kịch bản sẵn rồi thì vẫn đừng quên các tình huống bất ngờ có thể xuất hiện cần ghi lại. Xe sẽ không dừng và quay lại theo ý muốn, nên phải tranh thủ: Một áng mây đẹp, lạ mắt phía trước, một đàn trâu bên sông, mặt trời lên hoặc xuống, vài chú bò thản nhiên trên đường nhựa… tất cả đều rất đáng chụp…
Sẵn sàng hành động: Máy luôn ở tư thế sẵn sàng, cần lưu ý: tốc độ, tiêu cự, ống kính, độ nhạy… sao cho phù hợp. Xe du lịch cỡ lớn có cửa kính to và sạch sẽ tạo điều kiện cho bạn chụp và quan sát từ xa, phán đoán được sớm. Ở nhiều nước có quy định hàng ghế đầu tiên không dành cho quay phim chụp ảnh vì sợ khách bị va đập khi xe dừng đột ngột. Nếu khéo léo biết cách quan hệ tốt với lái xe thì có thể chụp với điều kiện giữ chắc máy và chọn tốc độ hợp lý.
Tiền cảnh là cabin xe không hẳn đã là một trở ngại. Ống kính góc rộng có khi lại thêm chi tiết cho người xem ảnh biết là ảnh được chụp ở đâu, địa phương nào? Ví dụ các dòng chữ có trong cabin cho ta biết xe do nước nào sản xuất, chủ xe là ai…?
Chụp bất cứ khi nào có điều kiện chụp, ngay cả khi xe dừng lại trước đèn đỏ hay trước khi rẽ, rõ ràng là chụp từ trong xe hơi ra ngoài, ống kính tele dài hầu như không có nhiều hiệu quả.
Với dòng xe Sedan mui trần không chuyên dùng cho quay phim chụp ảnh… chỉ nên khai thác sử dụng thiết bị này khi xe dừng lại hoàn toàn bằng cách thò đầu qua cửa nóc nhưng lưu ý bảo vệ các ống kính và chân máy nếu có sử dụng.
Không phải loại máy ảnh nào cũng có đủ điều kiện để sử dụng khi chụp ảnh từ trong xe hơi. Các loại ống kính AF chất lượng thấp sẽ khó khăn khi gặp các vật cản chắn phía trước, nhất là khi từ ghế ngồi phía sau chụp nhanh ra bên sườn xe hơi.
Hãy đừng bỏ lỡ một cơ hội để tạo ra những bức ảnh khác lạ.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Huyến
Báo Đất Việt ngừng xuất bản hằng ngày, chấm dứt toàn bộ hợp đồng lao động
Submitted by nadung on Fri, 31/08/2012 - 09:05"Chuyển tòa soạn từ TPHCM ra Hà Nội, thanh lý hợp đồng với toàn bộ lao động, Báo Đất Việt sẽ trở thành tờ tuần san trong đầu tháng 9-2012" - ông Vũ Hữu Nghị, Tổng Biên tập Báo Đất Việt, cho biết
* Phóng viên: Thưa ông, tình hình hoạt động của Báo Đất Việt thời gian qua ra sao?
- Ông Vũ Hữu Nghị: Chúng tôi mới thành lập và có mặt trong làng báo Việt Nam gần 5 năm. Dù khá non trẻ nhưng Đất Việt đã thành công về mặt thương hiệu, được nhiều bạn đọc biết đến và có thể so sánh với một số tờ báo lâu năm trong lĩnh vực chính trị - xã hội. Mảng khoa học, quốc phòng là thế mạnh của chúng tôi và được dư luận đánh giá cao. Đầu năm nay, chúng tôi đã mở thêm 2 ấn phẩm phụ là Bóng đá toàn cầu và nguyệt san VIP Đất Việt.
Hiện nay, có một số khó khăn buộc chúng tôi phải cải tổ. Việc chuyển từ nhật báo thành tuần san chỉ là tạm thời. Sau này, khi có điều kiện, chúng tôi lại xin cấp phép để trở thành một tờ nhật báo.
* Việc chuyển tòa soạn từ TPHCM ra Hà Nội, phải chăng bộ phận sản xuất tại TPHCM làm việc không hiệu quả?
- Không hẳn là như thế mà chỉ là chưa hợp lý thôi. Chúng tôi gặp khó khăn vì trụ sở chính và nơi sản xuất nằm cách xa nhau, hằng ngày phải họp trực tuyến qua internet. Vả lại, cơ quan chủ quản của Báo Đất Việt là Liên hiệp Các hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam nên chuyển tòa soạn về Hà Nội là tốt hơn.
* Cơ quan chủ quản có hỗ trợ Báo Đất Việt về mặt tài chính không, thưa ông?
- Không. Liên hiệp Các hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam có gần 200 tờ báo, tạp chí và tất cả hoạt động theo cơ chế tự lập về thu - chi. Tuy nhiên, chúng tôi có sự hỗ trợ nhất định về mặt tài chính của các mạnh thường quân nhưng lúc này họ đang gặp khó khăn nên không thể tiếp tục, đó cũng là điều dễ hiểu.
* Nhiều phóng viên Báo Đất Việt rất bất ngờ trước sự thay đổi này. Phải chăng đã có một sự cố không lường trước dẫn đến những quyết định nói trên?
- Chúng tôi đã có giấy phép cho tờ tuần san nên không thể nói là không có sự chuẩn bị. Việc chuyển từ nhật báo thành tuần san là xuất phát từ nhu cầu của báo và được Bộ Thông tin - Truyền thông cho phép.
* Phát triển rất nhanh trong thời gian đầu để rồi phải rút gọn lại cả về nội dung lẫn nhân sự, ông có cho rằng Báo Đất Việt đã quá nóng vội?
- Từ 2 lên 3 rồi 6 số/tuần chỉ trong khoảng 7 tháng sau ngày đi vào hoạt động có thể hơi nhanh, nhưng đó là tiến độ hợp lý, phù hợp với sức vóc của Đất Việt.
* Tới đây, bạn đọc sẽ đón nhận một Đất Việt tuần san như thế nào?
- Chúng tôi vẫn sẽ là một tờ báo trong lĩnh vực chính trị - xã hội. Thay vì đưa tin, tường thuật sự kiện hằng ngày, Đất Việt tuần san sẽ đi sâu vào phân tích và bình luận.
* Đất Việt điện tử và các ấn phẩm phụ thì sao, thưa ông?
- Việc cải tổ lần này chỉ diễn ra ở báo giấy, còn những ấn phẩm khác vẫn hoạt động bình thường.
* Ông nghĩ sao về những khó khăn có thể xảy đến với 180 cán bộ, nhân viên và phóng viên Báo Đất Việt trước việc chấm dứt hợp đồng?
- Chúng tôi chấm dứt toàn bộ hợp đồng lao động và tổ chức lại. Theo đó, một bộ phận vẫn tiếp tục phục vụ cho báo online và 2 ấn phẩm phụ. Khó khăn thì chắc chắn rồi, tôi rất thông cảm với họ nhưng hoàn cảnh hiện nay là phải chấp nhận. Tất nhiên, chúng tôi sẽ thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về lao động. Cắt giảm để tồn tại, giữ được thương hiệu và phát triển mạnh dần lên còn hơn là cố duy trì để tất cả cùng "chìm xuồng"!
Quý Lâm (thực hiện)
(Theo Người lao động)
Tham vọng quá lớn của New York Times
Submitted by nadung on Tue, 28/08/2012 - 10:04Từ tháng 11 tới, nguyên Tổng giám đốc Hãng hãng tin Anh BBC Mark Thompson sẽ tới Mỹ làm TGĐ điều hành tập đoàn truyền thông The New York Times Company (NYT Co).
Trong bản thông báo cho các nhân viên ngày 14.8, ông Arthur Sulzberger Jr, Chủ tịch tập đoàn cho biết: "Mark sẽ làm việc cùng với ban điều hành và tôi để mở rộng hoạt động kinh doanh báo điện tử của chúng ta ra khắp toàn cầu". Tuy nhiên, đây là tham vọng quá lớn của NYT Co.
9 tháng ròng cho "ứng viên lý tưởng"
Trước khi ký hợp đồng với Mark Thomson, NYT Co có 9 tháng trời "bơ vơ". Bởi kể từ tháng 31/12/2011, khi NYT Co phải cắn răng móc hầu bao tới hơn 15 triệu USD, gọi là "phí hỗ trợ thôi việc" để "đuổi khéo" Tổng giám đốc Janet Robinson, NYT Co vẫn không thể tìm cho mình một "ứng viên lý tưởng" cho vị trí đang khuyết.
Thời cơ (đúng lúc Mark Thomson muốn rời bỏ BBC, cộng với mức lương khủng 1 triệu USD/năm, khoản thưởng "nóng" khổng lồ 3 triệu USD) đã giúp NYT Co kéo về mình vị TGĐ điều hành mà họ cho là đáp ứng hoàn hảo những tiêu chí mà họ đề ra.
Không quá khó hiểu trước nỗi vui mừng của NYT Co khi nhận được cái gật đầu của Mark Thomson. Thị hiếu truyền thông hiện nay cho thấy truyền thông kỹ thuật số đã trở thành xu thế không thể khác, nếu không muốn nói là sự lựa chọn tối ưu của mọi loại hình truyền thông, trong đó có báo in. Và một trong những nhân vật truyền thông đương đại được đánh giá là tài ba nhất trong việc này chính là Mark Thomson.
Gần 10 năm nắm quyền lãnh đạo BBC, công lao lớn nhất mà người đàn ông 55 tuổi này mang lại cho hãng tin nhà nước Anh này là việc mở rộng BBC sang lĩnh vực truyền thông đa phương tiện, thông qua các website, dịch vụ tin tức và các kênh kỹ thuật số. Trong đó nổi bật nhất là sự phát triển iPlayer, một dịch vụ giúp người xem theo dõi mọi sản phẩm của BBC trên mạng. Bên cạnh đó là việc biến trang BBC Online trở thành trang tin tức nổi tiếng nhất trên thế giới. Và đây chính là điều NYT Co đang cần: đưa những tờ báo của NYT Co vào tương lai số hóa một cách hiệu quả.
"Tốt không phải bao giờ cũng hay"
Câu ví von này có vẻ khá giống với tình cảnh hiện nay của Mark Thomson và NYT Co. Không ai có thể phủ nhận "năng lực điều hành một tổ chức lớn, lớn hơn nhiều so với NYT Co" của Mark Thomson, chỉ có điều, ai cũng biết NYT Co không hề là bản sao, nếu không muốn nói là phiên bản hoàn toàn khác với BBC.
Trong đó nét khác biệt lớn nhất là việc BBC là một hãng tin nhà nước, sống chủ yếu nhờ những đồng tiền ngân sách do chính phủ cấp. Còn NYT Co, đơn thuần là một tổ hợp truyền thông tư nhân, hoạt động trong một môi trường báo chí thuần thương mại, sống nhờ nguồn quảng cáo và doanh thu phát hành. Bởi vậy, nhiều người nghi ngại cho rằng Thompson có thiên hướng của một chính trị gia hơn là một nhà quản trị và những thành công ông thu được, là tại một hãng truyền thông nhà nước với môi trường làm việc tách biệt với các áp lực thương mại từ lĩnh vực truyền thông tư nhân.
"NYT Co phải chứng tỏ bản thân mỗi ngày để giữ độc giả và các nhà quảng cáo. BBC dĩ nhiên không cần làm thế tại nước Anh" - Nhà nghiên cứu độc lập từ công ty tư vấn Huber Research Partners Craig Huber tỏ ra thận trọng. Thế nên, nói như nhà bình luận Roy Greenslade: sự lựa chọn Thompson làm người lãnh đạo kế tiếp của NYT Co là vừa có thể là một quyết định sáng tạo vừa là một "quyết định rủi ro".
Một cái khó lớn nữa mà Mark Thomson sẽ phải đối mặt là việc dù là một tổ chức tin tức tiếng tăm và lâu đời, sở hữu những tờ báo lẫy lừng như New York Times, International Herald Tribune, Boston Globe... nhưng NYT Co cũng không tránh khỏi thảm cảnh kinh doanh bi đát.
NYT Co đã đánh mất 7 tỷ USD trên thị trường chứng khoán kể từ năm 1999 tới nay do kinh doanh thua lỗ trên mảng quảng cáo. 5 năm gần đây, tập đoàn liên tiếp sụt giảm doanh thu và đã mất hơn 300 triệu USD lợi nhuận ròng. Để cắt bỏ những mảng hoạt động sa sút và bù đắp thua lỗ, NYT Co đã phải bán đứt quyền sở hữu tới 16 địa phương và tiến hành thu phí trực tuyến (tháng 3/2011). Tuy nhiên, những giải pháp đó chưa đủ giúp NYT Co chống chọi với khó khăn. NYT Co trông đợi vào tài lãnh đạo của Thompson để khôi phục tốc độ tăng doanh số và thúc đẩy hoạt động trên Internet. Nhưng, đây rõ ràng là gánh kì vọng quá nặng đổ lên vai Mark Thomson.
Hà Trang
(Theo Công luận)
New York Times bán About.com với giá 300 triệu USD
Submitted by nlphuong on Tue, 28/08/2012 - 07:35(ICTPress) - New York Times vừa thông báo đã bán About.com cho công ty IAC/InterActive với giá 300 triệu USD.
IAC đã dành chiến thắng kéo dài 1 tháng để mua được trang web About.com, trang web Hỏi - Đáp. 4 tuần trước, Answers.com đã ký vào thỏa ước hợp đồng để mua About.com từ tay New York Times với giá 270 triệu USD. Chủ tịch của Answers.com, Peter Horan, trước đây là CEO của About.com.
Nhưng IAC đã đột kích với giá cao hơn vào tuần trước. Công ty truyền thông tương tác và quảng cáo dự định tích hợp About.com vào công cụ tìm kiếm của riêng mình và dịch vụ Hỏi - Đáp, Ask.com.
“Bản chất bổ sung của hai công ty này là mang lại động cơ thúc đẩy đáng kể, và do đó chúng tôi hy vọng About.com sẽ mang lại nhiều lợi nhuận như là một phần của Ask.com và IAC hơn so với vài năm trước”, CEO IAC Greg Blatt trong một thông báo chuẩn bị.
New York Times lần đầu mua About Group vào năm 2005 với giá 140 triệu USD. Lợi nhuận đã sụt giảm sau khi Google thay đổi thuật toán tìm kiếm của mình vào năm 2011. Việc này làm giảm lưu lượng và doanh thu của bộ phận này của New York Times.
Tuy nhiên, IAC, trông đợi một sự lật ngược đối với trang web dưới sự sở hữu mới. Công ty này cũng sở hữu Match.com và Urbanspoon, trong nhiều tài sản khác.
New York Times gần đây đã có một sự thay đổi khác là Mark Thompson của BBC trở thành CEO mới của New York Times.
Bên cạnh tờ báo hàng ngày, các tài sản khác của New York Times còn có tờ International Herald Tribune và The Boston Globe. Doanh thu năm 2011 của New York Times là 2,3 tỷ USD.
Mai Anh
400 phóng viên, BTV tham dự bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh 2012
Submitted by nlphuong on Mon, 27/08/2012 - 16:40(ICTPress) - Sáng nay 27/8, tại Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã khai mạc lớp Tập huấn Bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng - An ninh cho 400 cán bộ, phóng viên, biên tập viên của các báo, đài trung ương và địa phương trên toàn quốc. Lớp học thường niên năm 2012 sẽ diễn ra từ 27 - 29/8/2012.
Khai mạc Lớp học, đồng chí Trần Đức Lai đánh giá cao chương trình kế hoạch của Ban Tổ chức và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giảng viên, đại biểu. Thứ trưởng Trần Đức Lai nêu cao vai trò của Quốc phòng - An ninh trong thời kỳ mới, đặc biệt là công cuộc chống Diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ và phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Thay mặt Lãnh đạo TP. Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Phùng Tấn Viết chân thành cám ơn Bộ TT&TT đã tổ chức lớp tập huấn rất bổ ích và kịp thời, chào mừng đội ngũ giảng viên và đại biểu đến với thành phố biển xinh đẹp nhân Hội nghị này.
Lớp Bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng - An ninh cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên sẽ là một diễn đàn để đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên có cái nhìn tổng quát về tình hình an ninh, quốc phòng, từ đó có được định hướng trong quá trình tác nghiệp.
Các phóng biên, biên tập viên sẽ được nghe vào thảo 5 chuyên đề: Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước hiện nay về báo chí; Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ mới; Phòng chống Diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam; Tổng hợp một số vấn đề chiến lược quốc phòng an ninh Biển Đông; và Quan điểm, chủ trương của Đảng về an ninh quốc gia và xây dựng thế trận an ninh nhân dân trong thời kỳ mới.
Trịnh Quang
Chú thích ảnh - Một cách quyến rũ bạn đọc
Submitted by nlphuong on Tue, 21/08/2012 - 07:37(ICTPress) - Mở tờ báo, người đọc có xu hướng hình ảnh trước rồi họ sẽ quyết định xem có nên tiếp tục đọc nữa không? Tấm ảnh tham gia vào việc đưa thông tin sao cho hấp dẫn, quyến rũ người đọc. Có không ít những những tấm ảnh tốt đủ cho bạn đọc hiểu trọn vẹn mọi vấn đề, bên cạnh những ảnh thiếu thông tin hoặc gây hiểu nhầm.
Tác phẩm “Lộng gió Trường Sa” của nhà báo Vũ Anh Tuấn |
Không phải lúc nào cũng có thể dùng ảnh để thay cho lời nói, bài viết. Có trường hợp “một bức ảnh có giá trị hơn cả bài diễn văn”, như ảnh một đám cháy có thể nói nhiều hơn một bài tường thuật về đám cháy. Nhưng nếu như cần có một bức ảnh minh họa tốt cho báo cáo của chính phủ về vấn đề kinh tế thì lại là một vấn đề khác?
Nhiều nghiên cứu về nhiếp ảnh báo chí và truyền thông đã nói đến sự hiện diện của những bức ảnh khiến người đang đọc báo phải dừng lại để suy ngẫm, tức là khả năng bạn đọc tiếp tục đọc báo sẽ tăng lên, trường hợp khác, ảnh còn là nơi “thư giãn” sau khi người đọc nghiền ngẫm các bài báo viết dài với nhiều vấn đề phức tạp. Các ảnh với khuôn khổ khác nhau, ngang, dọc hoặc vuông… đứng độc lập hoặc bên cạnh nhau (trong một nhóm ảnh, phóng sự ảnh…) hoặc minh họa cho bài viết… đã tạo sự uyển chuyển trên một tờ báo, điều mà hình ảnh trên truyền hình với một kích thước và hình dáng không đổi… không bao giờ có được.
Có những tấm ảnh rõ ràng và đẹp đến nỗi tưởng như không cần phải chú thích vì ảnh đã nói lên tất cả? Chuyện quá khứ và chuyện sắp đến thì sao nói được? Ảnh nghệ thuật thì thông tin không là mục đích hàng đầu. Nói không cần chú thích là muốn nhấn tới nhu cầu trang trí chứ không đến nhu cầu thông tin. Loichervouet – Tổng giám đốc Trường Đại học Báo chí Lile (Cộng hòa Pháp) trong cuốn “Viết cho độc giả” có nêu trường hợp các tờ báo hoặc bản tin nội bộ thường đặt trên trang đầu một ảnh đẹp chụp đàn bướm, vườn hoa, cảnh hoàng hôn… đôi khi chiếm cả trang nhất mà không có lời chú thích nào. Theo ông đó như một lời tự thú là “trong ruột tôi chẳng có thông tin gì đâu” (?!). Ông coi đó là lối làm báo không chuyên nghiệp.
Dưới đây là một số dạng, cách chú thích ảnh:
1. Kiểu tin vắn: Loại này không nên viết quá dài, cần nêu sự kiện. Dưới ảnh cần viết sao cho người xem hiểu thêm địa điểm, thời gian xảy ra sự kiện. Ví dụ một ảnh chụp tai nạn giao thông, xe hơi đâm vào xe máy cần có chú thích: ở đâu, lúc nào, có mấy người bị thương?
Với ảnh chụp một người nổi tiếng thì đừng nghĩ là người đọc nào cũng biết về họ. Phải viết tên người đó. Nếu ảnh chụp nhiều người thì phải chỉ vị trí của nhân vật cần giới thiệu kèm theo chức danh của họ.
Nhưng nếu chụp đông người thì cũng không nên “từ phải sang trái…”, bởi không phải ai cũng có thì giờ để xem hết lời chú thích dài dằng dặc như thế.
2. Gợi sự tò mò: Có thể chỉ là một con số, lời bình dí dỏm. Ảnh chụp hai người thi chạy đang ở bục xuất phát, chú thích có thể gợi: “Liệu anh X. có tiếp tục là nhà vô địch?” hoặc “Ai sẽ đoạt huy chương Vàng?”.
3. Diễn giải: Tuy là thông tin sự kiện nhưng lời chú thích sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm những gì sau tấm ảnh, hướng họ vào chủ đề nào? Ai cũng biết từ ngữ dễ gây hiểu lầm, ảnh đôi khi gây hiểu lầm tai hại vấn đề là chú thích sao cho bạn đọc tan đi mọi điều còn nghi vấn.
Ảnh chụp người đàn ông đang đọc báo ở hành lang rộng và sạch sẽ. Ảnh này có thể chú thích “Báo chí ngày ngày đến với người dân”, “Bệnh viện X. mở rộng trên quy mô… hay tạo điều kiện cho người nhà đến thăm người thân”, hoặc “Hồi hộp đợi chờ người nhà trong phòng cấp cứu”… Vấn đề là người chụp định giới thiệu, đưa thông tin nào đến với người xem?
4. Tổng hợp: Là cách để bổ sung thông tin, là cách lợi dụng để tạo ra một thông tin độc lập. Ví dụ: Dưới tấm ảnh chụp đ/c Nguyễn Cộng Hòa - Phó đô đốc quân chủng Hải quân đang nghe điện thoại di động có thể ghi chú thích: “Niềm vui đến từ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa khi Viettel đã phủ sóng toàn bộ” hoặc “Đồng chí phó đô đốc gọi điện chúc mừng các chiến sỹ ở DK1”.
Chú thích ảnh nên ở đâu? Dồn tất cả chú thích xuống cuối trang và ghi “ảnh bên trái… ảnh bên phải…” không phải là cách làm hay, ngay cả trong trường hợp để như vậy nhìn trang báo có gọn và đẹp hơn, hoặc giả đóng số 1, 2, 3, 4, 5 trong cái khung như trường hợp đăng 1 phóng sự ảnh.
Tốt và hay hơn cả vẫn là chú thích bao giờ cũng nằm sát ảnh, không bị lẫn lộn.
Nhớ lại báo CAND tháng 9.2011 có đăng bài giới thiệu báo nhà báo V.H “U70 vẫn đắm say với nghề” kèm 2 ảnh: Lúc ở chiến trường Lào (1971) và lúc lên thăm lại Định Hóa - Thái Nguyên nơi Bác Hồ ký sắc lệnh ngày thành lập nhiếp ảnh (ảnh này tôi bế một cháu bé địa phương). Do xếp chú thích nhầm chỗ nên khi ở Nam Lào (1971) nhà báo V.H trông lại già hơn rất nhiều khi ở Thái Nguyên (năm 2007).
Chú thích là một cách thu hút người đọc, cần có sự đầu tư lớn của người chụp, thư ký tòa soạn và họa sỹ. Người biên tập ảnh ngồi ở tòa soạn phải rất kỹ càng cẩn thận bởi người chụp khi nộp ảnh hầu như không biết ảnh của mình được sử dụng ở số báo nào, ở trang nào, dùng để minh họa hay đưa ra bìa, và người viết khi nộp bài lại không biết là ảnh nào sẽ được tòa soạn chọn minh họa cho bài của mình.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Huyến
Cán bộ phóng viên không nhiều, nhưng cộng tác viên thì đông vô kể *
Submitted by nlphuong on Thu, 16/08/2012 - 09:18
Ở Hội Báo Xuân 2012 (Ảnh: Nguyễn Thực) |
Khi tôi về làm phóng viên của Báo Phụ nữ Thủ đô, báo vừa mới được cấp phép xuất bản. Cả phụ trách lẫn phóng viên chỉ vẻn vẹn 5 người. Tôi, Linh Giang và Trần Thu Hằng là 3 phóng viên trẻ. Hồi đó, chúng tôi rất buồn cười vì có một nhà báo lão thành thường kéo từng đứa một ra một góc to nhỏ đầy nghiêm trọng: “Các cậu làm nghề này, phải có ước mơ trở thành một nhà báo tầm cỡ quốc tế!”. Tôi không biết trả lời sao, nên leo lên cây khế ngọt đầu hồi khu nhà hái xuống cho mọi người ăn.
Công việc làm báo hồi đó thật khác với bây giờ. Tôi vừa làm công việc của phóng viên chính, viết phóng sự điều tra, văn hóa văn nghệ, lại kiêm cả hôn nhân, gia đình. Ngoài ra, phải làm cả tạp vụ, văn thư kiêm thêm đánh máy, tổ chức mạng lưới phát hành cho báo. Ngoài giờ làm việc, tôi, Hằng và Linh Giang đạp xe khắp thành phố rải báo cho các sạp báo, cả tư nhân và bưu điện. Chúng tôi hoàn toàn không ngờ được rằng, mình đang đi gây dựng thị trường, điểm then chốt cho tiền đồ một tờ báo.
Chỉ một năm sau khi tờ báo có mặt trên làng báo, báo Phụ nữ Thủ đô lại làm cho làng báo Thủ Đô ngỡ ngàng vì đã tự nguyện không nhận khoản lương bao cấp từ thành phố, một khoản lương đương nhiên mà các tờ báo Thủ đô đều được hưởng, để hạch toán kinh doanh tự nuôi nhau.
Cán bộ phóng viên không nhiều, vẻn vẹn mấy người. Nhưng cộng tác viên thì đông vô kể. Các bác, các chị cán bộ hội như bác Nguyễn Kim Hỷ, chị Dương Thị Vịn, chị Yên Khánh, chị Quỳnh Lộc… và các hội viên đều là tai, là mắt, và là những cây bút rất xông xáo. Hồi đó cô Lý Thị Trung, người trực tiếp phụ trách báo lại là nhà văn, nên các nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội thường xuyên lui tới công tác với báo luôn.
Nhưng phải nói, thời kỳ nhà báo Lê Thị Túy là Tổng Biên tập, Báo PNTĐ có những bước phát triển đột phá cả về uy tín xã hội cũng như số lượng phát hành. Những vụ chống tiêu cực hưởng ứng phong trào “Những việc cần làm ngay” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh do Báo PNTĐ vào cuộc đã gây tiếng vang trong làng báo và trong công chúng… Là phóng viên của một tờ báo như vậy, chúng tôi không khỏi tự hào.
Hành trình xây dựng và phát triển của Báo PNTĐ không đi ngoài hành trình xây dựng và phát triển của làng báo cả nước. Từ bấy đến nay, biết bao thăng trầm, biết bao khó khăn một tờ báo phải đối mặt. Áp lực cạnh tranh của thị trường, sự tăng giá, áp lực của các vấn đề phát triển công nghệ, các vấn đề xã hội hiện đại… Luôn luôn phải cập nhật, thích ứng, tự làm mới, phải tiến lên, một hành trình không ngừng, không nghỉ. Đội ngũ cán bộ phóng viên khi xưa đã nghỉ hưu, bây giờ là các em rất trẻ, lại rất hăng hái bước vào nghề.
Hành trang của các em đã khác chúng tôi xưa, đi làm là có máy ảnh, máy ghi âm, laptop, xe máy… tất cả đều xịn. Xưa, những thứ đó, chúng tôi đều không có. Giống nhau chăng, là sự hăng hái, lòng yêu nghề thêm một chút ngây thơ… Niềm tự hào về tờ báo có lẽ cũng giống nhau chăng? Nhưng bây giờ Báo PNTĐ đã có tới 4 ấn phẩm: Tuần báo Phụ nữ Thủ đô, tuần san Đời sống Gia Đình, Đặc san Đang Yêu, và Website: baophunuthudo.vn với một lượng phát hành có thể nói là đáng mơ ước trong làng báo. Nhưng điều đáng nói, chính là uy tín xã hội và sự yêu mến của bạn đọc dành cho tờ báo ngày một tăng cùng với hàng loạt những hoạt động xã hội mà tờ báo hướng đến. Nhân kỷ niệm ngày thành lập báo, ngoảnh lại một chặng đường để thấy bề dày, và cũng để vui và tin rằng, Báo Phụ nữ Thủ đô vẫn chưa dừng lại trên chặng đường phát triển.
Giáng Vân
Phụ nữ Thủ đô
(* Tít bài do ICTPress đặt lại)
TBT báo Lao động - Xã hội và tạp chí Gia đình & Trẻ em: phải vừa chạy vừa... ngó nghiêng
Submitted by nadung on Mon, 13/08/2012 - 13:30"Bạn cứ tưởng tượng, tôi làm tổng biên tập hai tòa soạn, phải trả lương cho khoảng 100 người. Như vậy thì một tháng tôi phải kiếm ra khoảng 1 tỷ đồng tiền lãi mới có thể đủ trang trải."
Khá tò mò khi biết anh là Tổng biên tập duy nhất đoạt giải trong Giải báo chí Quốc gia năm 2011 vừa qua mà lại ở thể loại phóng sự điều tra, bút kí, tôi đã gặp anh ngay sau kỳ trao giải.
Cuộc trò chuyện với nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thành Phong đầy thú vị. Hiện là tổng biên tập một tờ báo, một tờ tạp chí, anh trải lòng về công việc của người làm quản lý với nhiều áp lực, thách thức trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.
Nhà báo Nguyễn Thành Phong tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. |
Uy tín của tờ báo là danh hiệu của Tổng biên tập
+ Tôi ấn tượng về loạt tác phẩm 2 kỳ "Cuộc giải cứu của lòng người" và "Bay trong bão cát" vừa đoạt giải B giải báo chí Quốc gia và càng bất ngờ khi đó là tác phẩm của một tổng biên tập bận rộn như anh?
- Đó là một sự kiện rất lớn và quan trọng mà tôi là người trực tiếp đi tác nghiệp. Đã giao nhiệm vụ cử người tham gia với những yêu cầu về năng lực, ngoại ngữ, sức khỏe... nhưng Ban Phóng viên không lựa chọn được ai để yên tâm. Tác nghiệp ở chuyến đi này là bất thường, phải theo sát chiến dịch giải cứu hơn 10 ngàn lao động Việt Nam làm việc tại Libya đang bời bời chiến sự... Không có ai có thể đi được... thì tổng biên tập phải đi thôi... Và khi đi làm phóng viên ở sự kiện này, tôi mới nhận ra rằng, quyết định mình tham gia là rất đúng... Nếu không có kinh nghiệm và một chút vốn ngoại ngữ thì không thể xử lí được những tình huống khó khăn và khó hoàn thành nhiệm vụ.
+ Giải thưởng là cách ghi nhận giá trị sức lao động của người viết. Anh nghĩ gì về danh hiệu của người làm báo đằng sau những con chữ?
- Nói thực, tôi nghĩ rằng một tờ báo phát triển tốt thì phải có những phóng viên bình thường đoạt giải báo chí chứ không phải là lãnh đạo tờ báo. Vinh quang của một tờ báo chính là ở đó. Tổng biên tập đã là người quản lý thì phải tập trung lo nhiều việc khác chứ đâu thể chẻ nhỏ mình ra để lăn lộn với nghề viết mãi được. Người phóng viên cần danh hiệu từ bài viết, nhưng người lãnh đạo thì khác. Tờ báo của anh chính là danh hiệu của anh. Tờ báo của anh dưới sự quản lí của anh được bạn đọc biết đến, có vị trí trong lòng công chúng...và đó mới là danh hiệu lớn nhất của người tổng biên tập. Tình huống đi tác nghiệp và có tác phẩm đoạt giải vừa rồi quả thực là...vạn bất đắc dĩ đối với tôi.
+ Nhưng tôi nhớ nhà báo lão thành Hữu Thọ có nói rằng: Làm tổng biên tập bận, ít thời gian nhưng đã làm báo thì phải viết. Viết được thì nói anh em mới nghe. Trong đời người ta nhớ cây bút chứ ai nhớ lãnh đạo tờ báo. Anh nghĩ sao?
- Quả đúng như vậy. Mà hay hơn cả vẫn là bản thân người lãnh đạo trưởng thành từ một cây bút, từ một phóng viên, phải viết, phải vật lộn với nghề, với con chữ... Bản thân tôi, long đong với nghiệp báo, là phóng viên nhiều năm, chuyển hết cơ quan này đến cơ quan khác, ở nhiều vị trí khác nhau, tôi thấu hiểu sự nhọc nhằn của nghề nghiệp nên càng hiểu và cảm thông với phóng viên của mình hơn. Người quản lí kinh qua những công việc của người viết sẽ đánh giá đúng năng lực và biết nuôi dưỡng những sáng tạo của phóng viên. Đó là cách đẩy tờ báo đi lên, phát triển trong bối cảnh cần thiết phải có bản sắc, có lối đi riêng và có sự sáng tạo như hiện nay. Kì thực không mấy khi người ta nhớ đến người lãnh đạo tờ báo cả. Tôi không biết ông tổng biên tập là ai nhưng tôi thấy thời gian này, giai đoạn này tờ báo này có khá hơn, có nổi bật hơn... Như thế là hạnh phúc rồi.
Tổng biên tập mà không có khả năng tức là ngồi nhầm ghế
+Tôi nghĩ về nghề tổng biên tập quả thực nhiều người mơ ước, danh vọng có, tiền bạc có, thưa anh?
- Đó chỉ là hình thức bề ngoài. Phải nói rằng, nghề tổng biên tập hiện nay là một nghề khó. Bởi vì báo chí hiện nay chịu sự cạnh tranh rất lớn. Thời nay là thời của những cơn lốc truyền thông, thông tin bủa vây người đọc, đuổi theo người đọc để giành giật công chúng. Làm tổng biên tập chúng tôi đâu chỉ đuổi theo mà nói thực, phải vừa chạy vừa ngó nghiêng đấy. Ngó nghiêng ở đây là phải làm sao để phát triển kinh tế báo chí, nâng cao chất lượng đời sống nhân viên. Bạn cứ tưởng tượng, tôi làm tổng biên tập hai tòa soạn, phải trả lương cho khoảng 100 người. Như vậy thì một tháng tôi phải kiếm ra khoảng 1 tỷ đồng tiền lãi mới có thể đủ trang trải.
+ Một tỷ đồng bằng nghề... buôn thông tin mỗi tháng ở một tờ báo ngành, trong tình hình hiện nay ư?
- Đó mới là khó chứ. Với một doanh nghiệp kinh doanh thì con số này không khó nhưng bán thông tin để có con số lãi như thế quả thực là một gánh nặng với một tổng biên tập. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà khó khăn gõ cửa từng tòa soạn, áp lực của người lãnh đạo càng lớn, tổng biên tập như chúng tôi phải lao tâm khổ tứ với công tác quản lý và hơn hết phải lo cho cuộc sống, đảm bảo cuộc sống cho phóng viên, để họ yên tâm, chuyên tâm vào nghề viết. Thế nên rất nhiều người mơ ước công việc tổng biên tập nhưng nếu người không có đủ khả năng mà ngồi trên chiếc ghế này thì tức là đã ngồi...nhầm ghế. Tòa soạn đó sẽ lụn bại, không phát triển được. Sự phát triển của tòa soạn, vai trò quyết định chính là người đứng đầu.
+ Xin cảm ơn anh!
Hà Vân (thực hiện)
(Theo Công luận)
Mê cung mới của CNN
Submitted by nadung on Mon, 13/08/2012 - 12:42Với tất cả những PV, BTV, cổ đông và những khán giả yêu mến hãng truyền hình cáp Mỹ CNN, ngày 27/7/2012 là một ngày "giông bão".
Ngày đó, Chủ tịch Jim Walton, người đã góp công đầu trong việc vực dậy CNN khỏi cơn suy thoái trong những năm 1990- 2004, bất ngờ tuyên bố từ chức. "Gã khổng lồ" của làng truyền hình Mỹ đang đứng chơi vơi trong mê cung của sự bế tắc về đường hướng phát triển.
Dấu ấn Jim Walton
Với CNN, Jim Walton - người đứng trên cương vị Chủ tịch Hãng gần 10 năm qua - thực sự là vị cứu tinh.
Đầu năm 2003 - thời điểm Jim Walton chính thức tiếp quản CNN từ tay Walter Isaacson, CNN thực sự đang trong cơn bĩ cực, lạc lối trong mê cung phát triển. Từ vị thế kênh tin tức số 1 nước Mỹ, với lượng khán giả kỷ lục 1 tỷ người xem/ngày, CNN bị Fox News vượt về tỷ lệ khán giả ngay cả trong lĩnh vực tin tức – thế mạnh của CNN.
Trong khoảng ba năm, từ 2000 đến 2003, hoạt động kinh doanh của CNN hầu như không mang lại lợi nhuận nếu không nói là còn phải chịu lỗ. Time Warner – công ty mẹ của CNN đã từng thất vọng tới mức tính đến khả năng sát nhập CNN và ABC News, thậm chí còn có ý định bán đứt CNN.
Bất chấp mọi hoài nghi, vượt qua mọi e ngại, người cựu phóng viên xuất sắc của CNN, bằng sự thấu hiểu đến gan ruột hãng truyền hình mà mình yêu mến gắn bó, bằng bản lĩnh, tài năng và sự quyết đoán, đã cải tổ CNN đến cùng.
Tháng 09/2003, chín tháng sau khi trở thành người đứng đầu CNN, Walton chính thức khẳng định trước Hội đồng quản trị Time Warner rằng mình hoàn toàn đủ sức làm sống lại CNN. Walton liên tiếp thực hiện nhiều kế hoạch cải tổ sâu sắc, trong đó phải kể đến việc phát triển CNN ở thế ba gọng kìm: mạng lưới truyền hình và lĩnh vực tin tức và Internet. Bên cạnh đó là sắp xếp hợp lý hóa công tác quản lý về nhân sự cũng như công việc.
Lợi nhuận của CNN liên tục tăng, năm này cao hơn năm trước. Từ năm 2004, mức tăng trưởng bình quân hàng năm của đế chế CNN ở mức 20% - một con số đáng nể. Và từ đó cho đến khoảng thời gian 2008, 2010, lợi nhuận mỗi năm tăng từ 200 triệu USD lên gần 400 triệu USD. CNN cũng đã trở lại vị trí thượng phong quen thuộc trong lĩnh vực cập nhật tin tức.
Năm 2007, CNN dồn sức cho mặt trận thu hút cư dân mạng. Đó là lý do CNN.com. Ngay lập tức, trang web này một mình làm mưa làm gió trên mạng. Một thời, cư dân Internet đã dành thời gian ghé thăm CNN.com vượt mặt cả Wikipedia, Yahoo News và MSNBC.com.
"Với vai trò người dẫn dắt CNN, Walton đã giúp hãng "tăng gấp ba thu nhập, nhân đôi lợi nhuận và đưa mức tăng trưởng hàng năm của CNN lên 15%", Jeff Bewkes - Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Time Warner – cho hay.
"CNN phải thay đổi tư duy"
Chủ tịch Walton đã nhấn mạnh như vậy trong email "giã biệt" gửi tới đội ngũ nhân viên của CNN. Lá thư có đoạn: "Tôi đã gắn bó với công việc hiện tại trong suốt 10 năm qua và đã đến lúc phải thay đổi. CNN cần một tư duy mới. Việc thay thế người đứng đầu sẽ mang lại cho CNN một quan điểm mới, một kinh nghiệm mới và một kế hoạch mới, đồng thời sẽ tạo nền tảng tuyệt vời cho CNN trong tương lai".
Động thái từ chức và lời nhắn nhủ thống thiết này cho thấy một nhà lãnh đạo can trường, vị thánh cứu tinh của CNN một thời, rốt cuộc cũng bất lực trước thực trạng tồi tệ hiện nay của CNN. Những "chiêu trò" vô cùng hữu dụng mà Walton tung ra cho CNN cách đây 4,5 năm dường như vô nghĩa lý trước những bế tắc hiện thời của CNN.
Tính đến tháng 7/2012, lượng người xem của CNN chỉ bằng 1/5 so với năm ngoái. So với số liệu thống kê trong tháng 7/2011, tổng số người xem của CNN đã giảm tới 20%, trong khi tại các chuyên mục khác, tỷ lệ người xem thậm chí còn tồi tệ hơn bao giờ hết. Theo Media Bistro, đối với nhóm người xem độ tuổi từ 24 đến 54 tuổi, CNN đã mất khoảng 23% lượng khán giả trong năm nay. Lượng khán giả chuyển kênh sang CNN trong thời gian phát sóng giờ vàng cũng giảm 26%.
Lối thoát nào để dẫn bước CNN ra khỏi mê cung của sự bế tắc, tìm về với vị thế hãng tin tức số 1 thế giới, lâu nay đang thuộc về Fox News và MSNBC? Nhiều chuyên gia truyền thông cho rằng cách đây hơn 30 năm, khi ra đời, CNN đã gây chấn động cả thế giới truyền thông khi tạo ra được cuộc "cách mạng về tin tức truyền hình", là kênh truyền hình đầu tiên chuyên phát tin tức thời sự 24h/ngày, tạo được cho khán giả cảm giác đến với CNN là đến với thế giới của tin tức vào bất kể lúc nào và về bất cứ nơi nào trên thế giới. Và bây giờ, để giành lại ngôi vị số 1, có lẽ, CNN phải tìm cách tạo lại cho những khán giả của mình cảm giác ấy, dĩ nhiên là khó hơn thời những năm 1990 rất nhiều, bởi những "kình địch" như Fox News và MSNBC cũng đã trưởng thành lên rất nhiều.
Hà Trang
(Theo Công luận)