Hành vi cản trở tác nghiệp báo chí ngày càng tinh vi, khó xử lý

Tại “Hội thảo và tập huấn xử lý hành chính hành vi cản trở tác nghiệp báo chí” do Sở Thông tin và Truyền thông Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) tổ chức ngày 26/2, nhiều đại biểu đã tỏ ý quan ngại về thực trạng là có rất nhiều hành vi cản trở tác nghiệp báo chí nhưng chưa bị xử lý hoặc xử phạt chưa thỏa đáng.

Cản trở, đe dọa phóng viên tác nghiệp diễn ra khá phố biến

Theo ông Trần Nhật Minh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển, năm 2011 RED đã khảo sát, nghiên cứu các hành vi cản trở tác nghiệp báo chí. Qua trả lời từ 384 phóng viên, nhà báo cho thấy có khoảng 12 nhóm hành vi cản trở gồm: Né tránh cung cấp thông tin, gây khó dễ, mua chuộc, đe dọa, gián tiếp ngăn chặn hoạt động tác nghiệp, thu giữ phương tiện tác nghiệp... Nhiều ý kiến cũng cho rằng phần lớn những vụ xử phạt hành chính cản trở nhà báo trong lúc tác nghiệp chưa thỏa đáng.

Ông Minh cho biết: Hành vi đe dọa phóng viên, nhà báo hiện nay khá nghiêm trọng, nhiều trường hợp có dấu hiệu hình sự. Đáng chú ý là có tới 175 (45,57%) phóng viên, nhà báo được hỏi cho rằng hành vi đe dọa, khủng bố nhiều khi không nhằm vào phóng viên, nhà báo mà lại vào thân nhân, gia đình họ. 71 người từng là nạn nhân của hành động đe dọa, khủng bố (nhằm vào họ hoặc vào người thân); chiếm tỷ lệ 18,49% trong tổng số 384 người được hỏi.

Trong 12 nhóm hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp thì hành vi gây khó dễ cực kỳ đa dạng, và nhiều trường hợp rất tinh vi, đủ để người làm báo và cơ quan báo chí không thể dùng điều luật hay quy định nào về cung cấp thông tin để gây sức ép. Trong 384 người được khảo sát, có 183 người xác nhận từng bị cản trở theo cách này (47,66%). Tiếp đến là hành vi gián tiếp ngăn chặn hoạt động tác nghiệp là một hình thức cản trở rất “hiệu quả”.

Trên thực tế, trong rất nhiều trường hợp, phóng viên, nhà báo bị những đối tượng hoàn toàn không có thẩm quyền, không thuộc cơ quan chức năng nào... giằng giật máy ảnh. Bản thân những nhân viên thuộc cơ quan công quyền cũng có những người lạm dụng quyền hạn, chức vụ để yêu cầu phóng viên, nhà báo giao nộp máy ảnh một cách vô lối, không theo quy định nào.

Ông Ngô Huy Toàn - Trưởng phòng Thanh tra báo chí xuất bản Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: “Ở nước ta, việc nhà báo, phóng viên bị cản trở, bị hành hung khi tác nghiệp hợp pháp xảy ra ở nhiều nơi, một số vụ rất nghiêm trọng, nếu tình trạng này không được ngăn chặn kịp thời sẽ làm nản lòng những người cầm bút khi thực hiện sứ mệnh thông tin. Rõ ràng, bảo vệ quyền tác nghiệp hợp pháp của nhà báo, phóng viên là bảo vệ lợi ích chung của xã hội”.

PV

Nguồn: Nhà báo và Công luận

Tin nổi bật