"Duyên thầm" với VietNamNet

Tháng 10 năm 2007 trận lũ quét lịch sử xảy ra trên địa bàn xã Nậm Giải, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Cánh báo chí đủ loại hình ngoài bắc, trong nam đổ về miền tây bắc Nghệ An cập nhật thông tin về quá trình vượt suối lũ đến với bà con Nậm Giải đang bị chia cắt bởi lũ dữ.

Hôm nay (19/12), kỷ niệm 16 năm ngày thành lập báo Điện tử VietNamNet

Trên bàn biên tập của tôi lúc đó có đủ tin, bài ảnh về Nậm Giải do phóng viên mới gửi về. Tôi cũng tranh thủ khai thác thêm tin tức từ các báo bạn và đọc đến cả dòng cuối cùng tin Nậm Giải của báo mạng VietNamNet “Các bạn có thể gửi tin, bài ảnh theo địa chỉ mail…”. Tất nhiên là tôi gõ máy gửi ngay những thông tin mà VietNamNet chưa có. Chỉ một lát sau đã thấy phần tin đó hiển thị. Tôi thầm nói một mình “Đúng là nhanh như báo mạng!”

Ban Thời sự VietNamNet và cả tôi nữa không thể ngờ được rằng, chưa đầy 4 năm sau, cộng tác viên lạ hoắc đó đã có mặt ở 4. Láng Hạ và bây giờ là 156 Xã Đàn 2 để cùng chung vai gánh vác công việc với tất cả mọi người.

***

Thời còn là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chúng tôi may mắn được nghe ròng rã một ngày về câu chuyện khoán 10 trong nông nghiệp tại hội trường lớn Mễ Trì. Tưởng câu chuyện cày cấy phận tro lấm láp, ban đầu ai cũng như đến cho có lệ. Nào ngờ, từ màn mở đầu kể chuyện tiếu lâm đến câu kết thúc cuối cùng, cả hội trường gồm các giáo sư, tiến sỹ cho đến lũ sinh viên nhà quê chúng tôi đều đứng dậy vỗ tay rần rật. Diễn giả đó là ông Việt Phương, tác giả tập thơ Cửa Mở nổi tiếng mà tôi đã mượn đọc ở thư viện khoa Ngữ Văn và trước đó đã chép vào sổ tay nhiều bài.

Trước đó tôi đã nghe một vài người lớn tuổi khẳng định như đinh đóng cột, là ở Việt Nam, người nói chuyện hay nhất, hấp dẫn nhất phải là ông Việt Phương, người từng làm thư ký riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Một ngày chăm chú nghe câu chuyện của ông, thật thấm thía điều thiên hạ bình phẩm. Tôi còn nhớ, giờ nghỉ trưa hôm đó, ông mang cặp lồng cơm ra ăn ngay tại hội trường. Xong buổi, ông thong thả đạp xe rời Mễ Trì bấy giờ xung quanh toàn ruộng lúa để về phố như bao người lam lũ thuở ấy…

Sở dĩ phải nói dài dòng một chút vì tôi có ngờ đâu được gặp lại Nhà thơ Việt Phương ở VietNamNet, biết được vai trò của ông và nhiều người khác trong việc định hướng chiến lược cho tờ báo qua từng thời kỳ, kể cả một hoạt động có ý nghĩa như Hòa nhạc VietNamNet Điều Còn Mãi.

Ông vẫn gửi cho tôi những sáng tác mới nhất và dành riêng cho báo những bài viết hết sức đặc biệt để đăng tải trên Tuần Việt Nam. Sinh nhật VietnamNet 19.12 hàng năm ông đều đến dự, phát biểu chia sẻ tâm tư, tình cảm với mọi người và tất nhiên không bao giờ thiếu Thơ tặng VietNamNet. Và năm nay cũng vậy.

Những lời chúc mừng của nhà thơ Việt Phương dành cho VietNamNet nhân kỷ niệm 16 năm thành lập

Không biết đã có ai như tôi được nghe ông kể về mối tình lãng mạn cách mạng hiếm có của ông bà thời kháng chiến chống Pháp. Bà ngồi bên, thỉnh thoảng lại bổ sung vài chi tiết rất hấp dẫn và …lúng liếng. Ông bà đã hơn 80 xuân rồi, nhưng khi họ cùng kể chuyện, tôi bỗng thấy hiện lên sống động, trẻ mãi một tình yêu không có tuổi của một người lính trẻ tài năng và cô gái thị thành xinh đẹp, giỏi giang. Đến lúc đó tôi mới thấm thía câu thơ ông viết từ những năm 60 thế kỷ trước “Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi”. ..

***

Tôi vẫn thường tí toáy viết và …cộng tác với Tuần Việt Nam, cố thử sức mình đến đâu. Và khá hồi hộp khi đọc lại bài của mình, xem có được biên tập, rút lại tit hay không rồi ngay lập tức nhắn tin khoe với bạn bè, đọc, đọc ngay, có nhiều vấn đề đậm chất nhân sinh nóng hôi hổi đấy. Nhớ báo tin cho người khác cùng đọc, đa cấp đọc nhé. Công việc bận, vả lại có khi cạn vốn, không viết được dòng nào. Thế nên được nhắc nhở “ Lâu không tái xuất là cớ mần răng?” Chỉ cười trừ chứ biết nói năng chi…

Thế rồi có lần một người nói, rằng, em là người đi thực tập năm thứ 3 ở báo anh, được nghe anh nói về nghề báo và nghe đọc thơ nữa.

Vậy ư? Mới có dăm ba năm mà giờ thì không biết ai phải học ai, bạn nhỉ?

Chính những "duyên thầm" đó đã đưa tôi đến với VietNamNet và hẳn trong mỗi người đang cùng nỗ lực không ngừng xây đắp tờ báo chúng tôi, cũng đều có "duyên thầm" như vậy. Điều kỳ diệu của cuộc sống, của nghề báo gian truân, vất vả và đầy kiêu hãnh chính là ở chỗ không ngờ ấy, như câu chuyện ngẫu nhiên mùa lụt bão năm 2007, lần nghe Nhà thơ Việt Phương nói chuyện và bước trưởng thành nhanh chóng của cô sinh viên thực tập năm nào.,.

Bùi Nam Sơn

VietnamNet

Tin nổi bật