Dư luận báo chí viết về đề xuất chuyển Học viện Công nghệ BCVT về Viettel

Trong những ngày qua những thông tin về đề xuất chuyển Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) về Tập đoàn Viettel đã gây xôn xao dư luận và được các cơ quan báo chí chuyển tải dưới nhiều góc nhìn và nhận định, đánh giá đa chiều.

Các bài báo đều tập trung phân tích về việc chuyển Học viện Công nghệ BCVT (Học viện) về Viettel là chưa hợp lý, cần xem xét thấu đáo, chưa đúng chủ trương và gây ảnh hưởng lớn trong tư tưởng đối với nội bộ học viện cũng như đông đảo CBCNVC Ngành Thông tin và Truyền thông. 

Ngày 1/7/2014, thực hiện Quyết định 888 của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có quyết định tách Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ra khỏi Tập đoàn VNPT và thuộc sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong bài viết “Không có đại học công nằm trong doanh nghiệp” của Báo điện tử Vietnamnet ngày 8/5/2015 đã đề cập về nguồn gốc của đề xuất chuyển Học viện CN BCVT: “Ngày 25/4, Bộ Quốc phòng đã có tờ trình số 3346 gửi Văn phòng Chính phủ về việc chuyển nguyên trạng Học viện Bưu chính - Viễn thông về Tập đoàn Viettel. Đến ngày 27/4, Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn số 2999 xin ý kiến các Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc chuyển nguyên trạng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về Tập đoàn Viettel. Trong công văn xin ý kiến của Văn phòng Chính phủ có đính kèm dự thảo Quyết định, nêu rõ, nếu được phê duyệt, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ bắt đầu chuyển giao về Tập đoàn Viettel từ ngày 1/6 tới đây.”

Bài báo cũng nêu rõ: “Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, nên nhiều ý kiến cho rằng: việc điều chuyển một mô hình trường công sang trực thuộc tập đoàn kinh tế là không phù hợp với điều kiện giáo dục đại học ở Việt Nam.” Đồng thời bài báo cũng trích ý kiến của các chuyên gia nguyên là lãnh đạo cấp vụ thuộc Bộ Giáo dục, lãnh đạo đương nhiệm và lãnh đạo trước đây của Học viện. Ngoài ra, Báo điện tử Vietnamnet còn có 2 bài viết về vấn đề này dưới nhan đề: “Điều chuyển Học viện về DN là đi ngược chủ trương” và “Đề xuất không chuyển Học viên BC-VT về Viettel”.

Trên trang báo điện tử của Báo Bưu điện Việt Nam ngày 10/5 có bài “Chuyển Học viện Công nghệ BCVT về Viettel sẽ gây bức xúc cho cả Ngành Bưu điện”. Bài báo tập trung nêu các ý kiến của các cán bộ và cán bộ lãnh đạo cấp cao trong ngành Bưu điện trước đây về vấn đề này. Trong đó có đoạn nêu ý kiến của ông Nguyễn Huy Luận, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo TT&TT, nguyên Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nguyên Giám đốc Học viện CNBCVT: “Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu VNPT, Học viện đã được chuyển về trực thuộc Bộ TT&TT. Việc bàn giao Học viện về Bộ TT&TT cũng tạo nên những lưu luyến, tâm tư trong đội ngũ cán bộ nhân viên VNPT cũng như Học viện qua các thời kỳ. Nhưng vì sự phát triển của Học viện, vì khả năng nâng tầm hoạt động phục vụ cho xã hội, chúng tôi vẫn ủng hộ. Tuy nhiên, nếu Học viện lại tiếp tục được chuyển về Viettel quản lý thì điều này không những không phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, nhân viên của VNPT và của Học viện qua các thời kỳ mà còn không đúng theo tinh thần của Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”.

Trong bài báo “Điều chuyển Học viện về DN là đi ngược chủ trương” đăng trên Vietnamnet cũng trích đăng ý kiến của ông Nguyễn Huy Luận: “Trong trường hợp nếu để một doanh nghiệp bưu chính viễn thông và CNTT quản lý học viện thì xin chuyển lại về Tập đoàn VNPT quản lý như trước đây".

Ngoài ra, Báo Bưu điện còn có các bài viết khác dưới các nhan đề sau: “VNPT xin giữ Học viện CNBCVT, giờ chuyển sang Viettel là không sòng phẳng" và “Chủ tịch VNPT: “Hãy để Học viện CNBCVT ở Bộ TT&TT””.

Bài “VNPT xin giữ Học viện CNBCVT, giờ chuyển sang Viettel là không sòng phẳng" của Báo Bưu điện đăng ngày 11/5 có đoạn nêu ý kiến của Thứ trưởng Bộ TT và TT Lê Nam Thắng:

"Tập đoàn VNPT đã dành rất nhiều tâm huyết, tiền của, công sức để gây dựng và phát triển Học viện. Mặt khác, khi còn là đơn vị trực thuộc Tập đoàn VNPT, Học viện là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Tập đoàn, giúp Tập đoàn củng cố và ngày càng lớn mạnh. Mối quan hệ của VNPT với Học viện là mối quan hệ đặc biệt trong thời gian dài từ khi thành lập đến nay. Vì vậy, khi thực hiện tái cơ cấu, mặc dù VNPT hoàn toàn đủ nguồn lực để tiếp tục đầu tư, phát triển Học viện và cũng có nguyện vọng giữ lại Học viện nhưng Tập đoàn đã nghiêm túc chấp hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (tách Học viện ra khỏi Tập đoàn nhằm bảo đảm đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu các tập đoàn tổng công ty nhà nước).

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, nếu nay lại chuyển Học viện ra CNBCVT về Viettel, một tập đoàn có cùng ngành nghề kinh doanh tương tự như VNPT thì cán bộ công nhân viên VNPT không khỏi hoang mang, suy nghĩ có chút gì không bình đẳng, không sòng phẳng với Tập đoàn VNPT ở đây? Thêm vào đó, trong bối cảnh hai tập đoàn đang là đối thủ cạnh tranh trên thị trường, đều cần nguồn nhân lực chất lượng cao thì việc điều tài sản, nguồn lực cả hữu hình và vô hình vốn sinh ra từ VNPT sang Viettel sẽ là việc làm không phù hợp với yêu cầu cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng mà Chính phủ đang chỉ đạo."

Trong bài viết “Chủ tịch VNPT: “Hãy để Học viện CNBCVT ở Bộ TT&TT”” đăng ngày 11/5 trên Báo Bưu điện nêu về ý kiến của VNPT và những phát biểu của Chủ tịch Tập đoàn VNPT, bài viết có đoạn:  

“Ngày 6/5/2014, VNPT chính thức có văn bản gửi Bộ TT&TT để phản đối đề nghị của Bộ Quốc phòng về việc điều chuyển Học viện CNBCVT về Viettel.

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT cho biết, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (tiền thân là Trường Đại học Bưu điện - Vô tuyến điện được tổ chức thành lập từ tháng 9/1953) trong thời gian qua đã có nhiều đóng góp và giúp cho Tập đoàn VNPT xây dựng, đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng cao về quản lý, kỹ thuật chuyên ngành viễn thông - CNTT. Thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc tổ chức đào tạo chuyên ngành viễn thông - CNTT - truyền thông cho xã hội nói chung và cho các doanh nghiệp viễn thông, CNTT, truyền thông của Việt Nam nói riêng, Tập đoàn VNPT đã bàn giao Học viện về Bộ TT&TT quản lý theo đúng các nội dung Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

 Ông Trần Mạnh Hùng cho biết, Tập đoàn VNPT đang trong quá trình thực hiện tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh và chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động nên nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ lao động của VNPT, nghiên cứu triển khai gắn kết sản xuất kinh doanh là rất lớn và rất cần một đơn vị như Học viện CNBCVT (đơn vị có chức năng đào tạo, nghiên cứu triển khai chuyên ngành viễn thông - CNTT và truyền thông trực thuộc Bộ TT&TT quản lý) để thực hiện các chương trình nghiên cứu và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ của mình.

Công văn của VNPT khẳng định, để phát huy hiệu quả các nguồn lực (hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất, lao động) mà Tập đoàn VNPT đã đầu tư cho Học viện CNBCVT trong suốt những năm qua; cũng như để huy động được các nguồn lực của xã hội trong việc phát triển những hoạt động đào tạo, nghiên cứu triển khai chuyên ngành viễn thông - CNTT - truyền thông, Tập đoàn VNPT và Học viện sẽ đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực: đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ thông qua thỏa thuận hợp tác chiến lược và trên cơ sở hợp đồng kinh tế giữa hai đơn vị dưới sự chỉ đạo, phối hợp chung của Bộ TT&TT.

 “VNPT kính đề nghị Bộ TT&TT xem xét tiếp tục để Học viện CNBCVT trực thuộc Bộ TT&TT quản lý, đáp ứng yêu cầu về đào tạo chuyên ngành viễn thông - CNTT - truyền thông cho các doanh nghiệp viễn thông, CNTT và truyền thông của Việt Nam nói chung và cho Tập đoàn VNPT nói riêng”, ông Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh.”

Báo Đất Việt sáng ngày 11/5 có bài: “Chuyển học viện BCVT về Viettel: Đủ lý do từ chối”. Bài báo phân tích về các ý kiến của Học viện kiến nghị tiếp tục ở lại Bộ TT và TT đồng thời bài báo cũng nêu rõ ý kiến của TS Vũ Văn San, Phó Hiệu trưởng phụ trách Học viện: “Trường Đại học Điện lực chuyển về Bộ Công thương, Trường Đại học Dầu khí đang chuyển đổi mô hình và tạm dừng tuyển sinh. Do đó, mô hình trường đại học công lập trực thuộc doanh nghiệp nhà nước hiện không còn phù hợp với điều kiện của giáo dục đại học ở Việt Nam ". Ngoài ý kiến của Học viện, bài báo cũng cho biết: “Ngày 7/5 Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có công văn trả lời Văn phòng Chính phủ. Theo đó, Bộ Thông tin và truyền thông đưa ra nhiều lý giải cụ thể và chính thức đề nghị Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được tiếp tục là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. ”

Báo điện tử VnExpress, Báo điện tử Dân trí, sáng 11/5 cũng đều có bài về vấn đề này dưới 2 tiêu đề: “Học viện CNBCVT không đồng ý chuyển về Viettel” và “Kiến nghị để Học viện CNBCVT tiếp tục trực thuộc Bộ TT và TT”.

Cùng ngày, Báo Thanh Niên và Báo Tuổi trẻ cũng có 2 bài viết dưới tiêu đề: “Quyền tự chủ đại học bị đe dọa” và “Người trong cuộc không đồng ý”.

Hai bài báo trên tập trung nêu ý kiến của sinh viên, của các chuyên gia cũng như “tiết lộ” Bộ TT và TT cũng đã có ý kiến trả lời Văn phòng Chính phủ không đồng ý về việc chuyển Học viện về Viettel. Ngoài ra bài viết của Báo Thanh Niên còn trích đăng nhiều ý kiến phản hồi trong đó có ý kiến của Tiến sĩ Tân Hạnh (Phó giám đốc HV Công nghệ bưu chính viễn thông cơ sở TP.HCM):“Sao quay trở lại mô hình vừa thay đổi chưa tới 1 năm? Tháng 7.2014, HV Công nghệ Bưu chính Viễn thông chuyển cơ quan chủ quản từ VNPT qua trực thuộc Bộ TT-TT. Nay nếu chuyển HV về với Viettel thì tiếp tục quay trở lại mô hình cũ vừa được thay đổi chưa tới 1 năm. Với số lượng sinh viên trên 20.000, việc chuyển HV về Viettel cần phải xem xét đảm bảo nguyện vọng của người học”.

Thiết nghĩ, việc đổi mới luôn là cần thiết trong quá trình phát triển của mỗi ngành nghề hay từng đơn vị trong các ngành nghề đó, đặc biệt là trong ngành giáo dục và giáo dục liên quan tới kỹ thuật - công nghệ cao. Nhưng đổi mới cũng luôn cần phải được tính toán, xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trên nhiều mặt, nhiều yếu tố về xu thế, chính sách… và đảm bảo hài hòa xuyên suốt quá trình của quá khứ, hiện tại và tương lai.

Thảo Hoàng

VNMedia

Tin nổi bật