Syndicate content

Nghề báo

Trên 17.000 hồ sơ xin cấp thẻ nhà báo 2016 - 2020

(ICTPress) - Trên 17.000 hồ sơ xin cấp thẻ nhà báo giai đoạn 2016 – 2020, ông Nguyễn Thái Thiên, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT cho biết tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước TT&TT tháng 2/2016 sáng nay 2/3.

Ông Nguyễn Thái Thiên cho biết một trong những công việc trọng tâm trong tháng 2/2016 của Cục là tiếp tục tập hợp, phân loại, đề xuất lãnh đạo Bộ cấp thẻ nhà báo giai đoạn 2016 – 2020.

“Công việc này không khó nhưng khối lượng nhiều. Có tới trên 17.000 hồ sơ, phải xem xét từng trường hợp cụ thể theo quy định rõ ràng để hạn chế sơ suất, thiếu sót”, ông Nguyễn Thái Thiên cho biết.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Báo chí, “đây là lần đầu tiên cấp thẻ nhà báo với hình thức thẻ nhựa, in hoàn toàn thay cho một số thông tin được viết tay như trước. Chữ ký của lãnh đạo Bộ TT&TT trên thẻ nhà báo mới được số hóa. Mặc dù gia hạn hiệu lực của thẻ cũ đến 31/3/2016, song với thực tế hiện nay, việc cấp thẻ nhà báo đối với một số tạp chí có thể chậm hơn”.

Chỉ đạo về công tác này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng yêu cầu Cục Báo chí đối soát tốt thông tin cấp thẻ nhà báo, đảm bảo cấp thẻ đúng đối tượng.

Tại Hội nghị, đại diện của Cục Báo chí cũng đánh giá cao báo Xuân, báo Tết năm nay của các cơ quan báo chí. “Cục đã đọc kỹ lại các ấn phẩm, và thấy báo Xuân, báo Tết trên các loại hình báo chí đã thể hiện sinh động toàn cảnh kinh tế chính trị xã hội của đất nước, những thành tựu văn hóa xã hội, tri ân công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối... Khác với mọi năm là không phát hiện ra sai sót gì. Trước đây, có năm phát hiện những sai phạm thậm chí nghiêm trọng, buộc phải đình bản hoặc nhắc nhở”.

Về công tác thông tin tuyên truyền trong tháng qua, theo báo cáo của Bộ TT&TT báo chí tiếp tục tuyên truyền về tình hình biển, đảo cũng như các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Lên án việc Trung Quốc đưa hệ thống tên lửa phòng không tầm xa ra đảo Phú Lâm. Thông tin về Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ trong đó thống nhất biện pháp giải quyết căng thẳng trên Biển Đông. Đưa tin các hoạt động thăm và tặng quà, chúc Tết các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa và Nhà giàn DK1. Đặc biệt, tuyên truyền đậm nét mốc lịch sử 37 năm chiến tranh biên giới phía Bắc (17/2/1979 - 17/2/2016). Báo chí cũng tuyên truyền việc tổ chức đón Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 trong không khí vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và an toàn, gắn với các hoạt động kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2016)...

Các Sở TT&TT cũng phối hợp tốt với các đơn vị liên quan để tổ chức Hội Báo Xuân năm 2016 với nhiều ấn phẩm trình bày đẹp, nội dung phong phú, đa dạng, mang đậm dấu ấn vùng miền, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời tập trung phản ánh được sự phát triển đi lên và những vấn đề quan trọng của quê hương đất nước.

HM

Vì sao kênh Youtube VTV chấm dứt hoạt động?

Một chủ trang web cá nhân đã khẳng định việc ngừng hoạt động của tài khoản “VTV- Đài truyền hình Việt Nam" trên Youtube là do anh đã gửi khiếu nại đến Google.

Người đầu tiên đưa thông tin về việc kênh chia sẻ video trên You tube Đài Truyền hình Việt Nam dừng hoạt động là website cá nhân Trungta.com.vn của Bùi Minh Tuấn sinh năm 1981, thường trú tại Vĩnh Linh-Quảng Trị.

Trên website cá nhân của mình, anh Bùi Minh Tuấn đã khẳng định nhiều videoclip của VTV có sử dụng hình ảnh trong videoclip của anh mà không xin phép, không được sự đồng ý.

Hình ảnh được cho là lấy từ hình ảnh Flycam của Tác giả Bùi Minh Tuấn

Chủ trang web cá nhân này chia sẻ: “ Yamaha Trung Tá là kênh Youtube thông tin, nơi chia sẻ các video cho các thành viên được xem miễn phí. Kênh được thành lập ra với mục đích tạo sân chơi cho anh em đam mê Xe cộ, Sự kiện, Du lịch nói chung và các hình ảnh về quê hương, Đất nước Việt Nam. Hoạt động cho đến nay đã được 4 năm, nhận được sự yêu thích của đông đảo bà con gần xa, báo chí và các kênh truyền thông đưa tin ủng hộ. Tất cả nội dung các videoclip đều được tự sản xuất trên ý tưởng của mình, nội dung các video clip gốc được lưu trữ cẩn thận”.

Thế nhưng, niềm vui và tự hào của Tác giả Bùi Minh Tuấn (Yamaha Trung Tá) chưa được bao lâu, tác phẩm: "Việt Nam qua góc nhìn Flycam" và các video liên quan khác từ kênh Youtube của Yamaha Trung Tá liên tiếp bị sử dụng nhiều lần trên VTV - Đài Truyền hình Việt Nam.

Trao đổi với PV Infonet, anh Bùi Minh Tuấn cho biết: “Tôi đã nhiều lần kiện Đài truyền hình lên các cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay, vẫn chưa được giải quyết. Tôi phải gửi khiếu nại lên Google”.

Theo các văn bản mà Bùi Minh Tuấn cung cấp cho Báo điện tử Infonet, anh đã gửi khiếu nại và bằng chứng đến Cục bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch), ngày 16/11/2015. Đến ngày 12/1/2016, anh Tuấn tiếp tục gửi tài liệu bằng chứng đến Cục Bản Quyền và Cục Bản Quyền đã có văn bản yêu cầu VTV giải trình trước ngày 22/02.

Văn bản được cho là gửi đến Đài truyền hình Việt Nam

Trước đó, Infonet đưa tin về việc tài khoản có nhiều videoclip nhất, mang tên VTV- Đài truyền hình Việt Nam đã bị chấm dứt hoạt độngtrên Youtube mà chưa rõ nguyên nhân. Trả lời phỏng vấn phóng viên Infonet qua điện thoại chiều 29/2, ông Nguyễn Thành Lương - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, cho biết đang kiểm tra thông tin và chưa có câu trả lời.

Tới sáng nay, lên tiếng trên trang VTV.vn, Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng, nguyên nhân dẫn đến khiếu nại này là trong quá trình tác nghiệp, một số biên tập viên của VTV đã không thực hiện đúng quy trình sản xuất, sử dụng tư liệu trên mạng đưa vào nội dung chương trình mà chưa được sự chấp thuận của tác giả chủ sở hữu nội dung. Hiện, VTV đã và đang triển khai những biện pháp xử lý nghiêm, chặt chẽ trong vấn đề bảo vệ bản quyền, quyền tác giả. "Sau khi kênh Youtube VTV - Đài Truyền hình Việt Nam tạm ngưng hoạt động, Đài Truyền hình Việt Nam đã tích cực làm việc với các bên liên quan để giải quyết triệt để vấn đề bản quyền khai thác và sớm khôi phục lại kênh Youtube bị tạm ngưng" nội dung đăng trên VTV.vn ghi rõ.

Hồng Chuyên

Infonet

Kênh Youtube của VTV dừng hoạt động

Ngày 29/2, người dùng Youtube bất ngờ thấy kênh chia sẻ Video của VTV đã bị dừng hoạt động. Theo thông báo ghi trên trang Youtube, do tài khoản này đã vi phạm bản quyền.

Khi click vào tài khoản có tới gần 10 nghìn video, mang tên VTV bắt đầu hoạt động từ ngày 8/06/2014. Tính đến thời điểm 14h ngày 29/2, chúng tôi vào tài khoản vẫn không hoạt động, theo thông tin ghi trên Youtube, tài khoản hoạt động từ 20 giờ trước, nghĩa là khoảng cuối ngày 28/2.

Người đọc sẽ thấy thông tin thông báo màu đỏ: "VTV - Đài Truyền hình Việt Nam đã bị chấm dứt do chúng tôi nhận được nhiều khiếu nại của bên thứ ba về việc vi phạm bản quyền liên quan đến tài liệu mà người dùng đã đăng".

Phóng viên Infonet đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Thành Lương - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, ông cho biết Đài đang kiểm tra thông tin này.

Hồng Chuyên

Infonet

Thủ tướng sẽ không duyệt xây tháp truyền hình nếu không hiệu quả

Hiện nay các Bộ, ngành và Hà Nội đang xây dựng báo cáo tiền khả thi để trình Thủ tướng xem xét.

Tại họp báo Chính phủ chiều 29/2, báo chí quan tâm đặc biệt đến chủ trương xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới, trong đó tập trung vào các nội dung về tính hiệu quả, khả năng huy động vốn, vai trò chức năng của chủ đầu tư, việc đầu tư ngoài ngành...

Ông Nguyễn Khắc Định trả lời câu hỏi báo chí.

Trả lời các nội dung liên quan đến vấn đề này, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định cho biết kế hoạch xây dựng tháp truyền hình của VTV vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và chỉ được xem xét dựa trên hiệu quả thực tế.

Chủ trương xây tháp truyền hình đã có từ Đại hôi Đảng VIII. Đến năm 1995, trong quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát thanh - truyền hình có nhắc tới việc xây dựng tháp. Khi đó, công trình này được xác định là đa mục tiêu, ngoài phục vụ truyền hình còn là điểm nhấn du lịch, phát triển thương mại...

Đến 1997, VTV trình phương án tháp cao 350m, song do ngân sách khó khăn khi đó, thường trực Chính phủ đã bàn nhiều lần, quyết định dừng lại, ưu tiêu các mục tiêu khác. Tới 2013, Đài truyền hình tiếp tục trình chủ trương như quy hoạch 1995.

Khi đó, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, trong đó có Bộ Quốc phòng, Tài chính, Xây dựng và thành phố Hà Nội cho ý kiến, thống nhất với VTV về việc trình phương án xây tháp đa mục tiêu, tạo điểm nhấn cảnh quan, không dùng ngân sách, đảm bảo lợi ích cho người dân, thành phố và phục vụ du lịch… Thủ tướng theo đó đã đồng ý về chủ trương, giao VTV xây dựng dự án, chọn nhà đầu tư, mời tư vấn nước ngoài thực hiện.

Cũng theo ông Định, ở đề án nêu trên, VTV có đề xuất một số cơ chế chính sách, nhưng Thủ tướng yêu cầu cơ quan này cùng các bộ làm dự án tiền khả thi, bao gồm tất cả các vấn đề để xem xét.

"Cái gì thuộc các bộ thì bộ xử lý, cái gì vượt thì trình Thủ tướng. Dự án đang trong giai đoạn tiền khả thi, sau khi có báo cáo tiền khả thi sẽ giao các bộ thẩm định, trình Thủ tướng. Nếu không hiệu quả thì chắc chắn Thủ tướng không phê duyệt", ông Định nói. 

Tuy vậy, theo quan điểm của ông Định, nếu sử dụng vốn xã hội hóa, thành phố Hà Nội lại có công trình cao 636, thu hút khách du lịch, giải quyết công ăn việc làm… các bên đều có lợi thì cũng đáng xây dựng.

Tháp VTV cao 636m, hơn tháp cao nhất châu Á hiện nay là Sky Tree ở Tokyo - Nhật Bản (634m) và tháp truyền hình Quảng Châu - Trung Quốc (600m). Nguồn tin từ chủ đầu tư sau đó cho hay bản thiết kế tháp truyền hình Việt Nam đang được Công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) xây dựng và dự kiến trình hội đồng chủ đầu tư trong năm 2015./.

Nguồn: Vũ Hạnh/vov.vn

Kiến nghị thiết lập cơ quan trọng tài phán quyết về các hành vi xâm phạm quyền tự do báo chí

Thời gian gần đây, thông tin cho thấy trên khắp cả nước thỉnh thoảng lại có phóng viên bị đánh khi tác nghiệp. Điều này khiến nhiều người đặt ra vấn đề làm thế nào để bảo vệ quyền tác nghiệp của phóng viên nhà báo, cao hơn là đảm bảo quyền tự do báo chí?

Việc thực thi các điều trong Luật Báo chí đang có những khoảng trống khiến cho việc tác nghiệp của nhà báo gặp rất nhiều trở ngại. (Phóng viên bị cản trở tác nghiệp trong một vụ cháy ở Hà Nội Ảnh: T.N)

Trên 80% nhà báo gặp cản trở khi tác nghiệp

Từ năm 1989, Luật Báo chí đã nêu rất rõ ở Điều 2: “Bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí”. Cụ thể, điều luật này ghi rõ: “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân…”

Tuy nhiên, tại Hội thảo “Quyền tiếp cận thông tin & Quyền Tự do Báo chí của Công dân” diễn ra mới, Nhà báo Hà Đức Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hoà Bình đã nêu lên thực trạng: Qua tham vấn ý kiến của hội viên Hội Nhà báo Hoà Bình, việc phóng viên bị giam giữ trái phép khi đang hoạt động nghiệp vụ nhưng đối tượng giam giữ (lãnh đạo xã và cấp phòng ở huyện) không bị xử lý nghiêm khiến cho tình trạng cản trở, hành hung, phá hoại phương tiện tác nghiệp của nhà báo đang ở mức cao.

Theo kết quả nghiên cứu của RED (Trung tâm truyền thông và phát triển) năm 2011, có trên 80% số nhà báo thường xuyên bị cản trở tác nghiệp, mức cản trở phổ biến nhất là bị né tránh cung cấp thông tin, cao hơn là bị đe dọa, hành hung, hủy hoại phương tiện tác nghiệp. Tại các cuộc khảo sát vào năm 2015 tình hình trên có được cải thiện nhưng không đáng kể do thiếu cơ chế phán quyết và xử lý.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hoà Bình cho rằng: Hiện chưa có tội danh cản trở nhà báo tác nghiệp hoặc cản trở quyền tự do ngôn luận để xử lý các tổ chức, cá nhân cố tình tấn công huỷ hoại phương tiện tác nghiệp của nhà báo.

Đa số các vụ việc tương tự đều được cơ quan tố tụng xem xét theo các tội danh “Cố ý gây thương tích” hoặc “Huỷ hoại tài sản”, tức là xem việc nhà báo tác nghiệp bị cản trở như xem xét các tranh chấp thông thường giữa các công dân, nên mới phát sinh các giai đoạn giám định thương tật và giám định giá trị tài sản bị huỷ hoại dẫn đến kéo dài tiến trình xử lý. Do đó, tuyệt đại đa số các vụ việc cản trở tấn công nhà báo thời gian qua đều tự hoà giải hoặc “chìm xuống” khiến cho các vụ mới tiếp tục xảy ra.

Ngoài ra, hiếm khi có trường hợp cơ quan báo chí, nhà báo sử dụng quyền khởi kiện khi bị xâm phạm do các thủ thục tố tụng quá rườm rà, phức tạp nhất là khâu thi hành án khiến cho giải pháp xử lý tranh chấp bằng toà án ít được đề cao.

Thiết lập cơ quan trọng tài

Thực tế trên đã cho thấy, việc thực thi Luật Báo chí đang có những khoảng trống không hề nhỏ khiến cho việc tác nghiệp của nhà báo; việc thực thi quyền tự do ngôn luận của công dân vẫn gặp rất nhiều trở ngại.

Theo ông Bạch Hùng Dương – Giám đốc Trung tâm truyền thông MEC: Ở dự thảo trình Kỳ họp Quốc hội vào tháng 10/2015 (dự thảo 18) và luật Báo chí 1989, luật sửa đổi bổ sung Luật Báo chí 1999 đều được thiết kế thiên về quản lý báo chí chứ không phải quy định trình tự, thủ tục và cơ chế bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân.

Dự thảo luật quá chi tiết về thủ tục, điều kiện cấp phép hoạt động của báo chí, văn phòng đại diện, tiêu chuẩn người đứng đầu, phóng viên thường trú, thẻ nhà báo, các thủ tục quản lý khác… Nhưng lại thiếu các trình tự luật, thủ tục và cơ chế để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân.

Do đó, ông Dương đề xuất: Cần thiết lập cơ quan trọng tài phán quyết về các hành vi xâm phạm quyền tự do báo chí; Xây dựng chế tài đối với tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân. Đồng thời xây dựng điều khoản riêng trong Dự thảo luật về “Cơ chế khiếu nại khi quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận bị xâm phạm”.

“Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế phán quyết khi có tranh chấp về việc thực hiện quyền tự do báo chí. Cơ chế này cần phải độc lập với nhà nước; độc lập với cơ quan báo chí và nhà báo để đảm bảo tính khách quan, vô tư. Bên cạnh đó để các phán quyết có hiệu lực, hiệu quả, cần xây dựng các chế tài về kinh tế, dân sự, thậm chí hình sự để xử lý các chủ thể xâm phạm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân”, ông Dương nhận định.

Nguồn: Giang Phan/congluan.vn

Nhìn lại báo Tết Bính Thân 2016?

Đã thành thông lệ từ nhiều năm nay, cứ mỗi dịp sắp đón Tết cổ truyền, độc giả lại tìm đến báo Tết như một thú vui không thể thiếu dịp đầu xuân. Tuy nhiên, nhiều người tìm đến báo chí chủ yếu là quan tâm đến nội dung, chất lượng thông tin, dung lượng tri thức là chính chứ không phải là hình thức. Vậy nên người ta vẫn muốn nhìn nhận vấn đề này ở báo Tết Bính Thân 2016 ra sao.

Đại hội Đảng là tâm điểm

Điểm mạnh nổi bật bao trùm lên hầu hết các tờ là thực hiện được những bài chất lượng trong việc nhìn lại những nét nổi bật nhất trong năm qua ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, ngoại giao…. Nhiều tờ đã hoặc là mời được những chuyên gia giỏi, có uy tín trong từng lĩnh vực trực tiếp viết bài, hoặc là thực hiện dạng bài phỏng vấn. Đây là nội dung quan trọng nhất khiến bất cứ tờ báo nào dù ở Trung ương hay địa phương, báo ngành hay đoàn thể cũng coi trọng, tô đậm các trang báo Tết.

Những kỳ họp Quốc hội trong năm với việc đánh giá tình hình phát triển đất nước thời gian qua và kiện toàn, cho ra đời nhiều luật mới đã được nhiều tờ đề cập trong báo Tết. Những sự kiện quan trọng như sự ra đời Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP : Trans Paci c Strategic Economic Partnership Agreement), thành lập cộng đồng ASEAN được các báo đề cập với những thông tin đầy đủ, chi tiết. Về ngoại giao, nhiều tờ cũng phân tích sâu sắc những chuyến thăm một số nước của các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã nâng mối quan hệ giữa nước ta với các nước lên một tầm cao mới.

Khi thực hiện bài vở cho báo Tết, Đại hội Đảng CSVN đã cận kề với không khí chuẩn bị cho Đại hội rất khẩn trương, sôi nổi qua những hội nghị TW (khóa XI) liên tiếp diễn ra. Báo Tết Bính Thân đã phản ảnh khá sinh động không khí này với nhiều bài viết có chất lượng. Nhiều báo còn thực hiện được những bài phỏng vấn, ghi lại được nhiều cảm tưởng, ý nghĩ của các tầng lớp quần chúng nhân dân hào hứng hướng về Đại hội Đảng lần thứ XII với nhiều kỳ vọng lớn. Một niềm hứng khởi của xã hội bao trùm lên những trang báo Tết khiến mỗi trang báo càng thêm thơm ngát sắc hương.

Một nội dung phong phú được nhiều báo đề cập là phản ánh đời sống của người dân ở khắp các vùng miền trên Tổ quốc đón xuân. Những bài phóng sự, ghi chép về cảnh sắc thiên nhiên, tập tục đón Tết của đồng bào các dân tộc ít người ở những vùng sâu, vùng xa khá hấp dẫn được độc giả thích đọc. Báo Tết năm nay không chỉ viết về những mảng sáng mà còn nêu cả những mảng tối của đời sống xã hội, đặc biệt là cuộc sống còn nhiều khó khăn, gieo neo của người dân ở các miền trên lãnh thổ, nhất là khu vực nông thôn và miền núi. Thường thì báo Tết vẫn né tránh việc phản ánh những mặt trái, tiêu cực của xã hội mà thiên về viết những gì nhẹ nhàng, vui vẻ, ghi nhận, biểu dương, tôn vinh. Điều này đã làm cho không ít trang báo trở nên ít nhiều xuôi chiều, hời hợt, khiến bạn đọc không mặn mà tìm đọc.

Báo Tết năm nay đã phần nào khắc phục được tình trạng này. Bên cạnh những trang báo đậm màu hồng như đã nói đã xuất hiện nhiều bài báo bộc lộ nỗi lo lắng, băn khoăn về những khó khăn, thách thức không nhỏ đang chờ chúng ta ở phía trước. Đó là những bài báo phân tích rất sâu sắc cơ hội, thời vận mới, mở ra nhiều thuận lợi cho chúng ta tiếp tục hội nhập rộng và toàn diện hơn, nhưng cũng đầy gian nan, thử thách không dễ vượt qua nếu chúng ta không mạnh dạn đổi mới hơn nữa. Hiệp định TPP ra đời, việc thành lập ngôi nhà chung ASEAN là những cơ hội lớn, lần đầu tiên chúng ta có được, đã mở ra những triển vọng hết sức tốt đẹp cho việc phát triển kinh tế đất nước với điều kiện toàn Đảng, toàn dân phải cố gắng hết mình, nhanh chóng khắc phục những yếu kém cố hữu của nền kinh tế chưa thực sự phát triển căn cơ và bền vững.

Nhiều tờ báo lớn như Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, Sài Gòn giải phóng… số Tết vừa qua đã có những bài viết, bài trả lời phỏng vấn của những chuyên gia kinh tế hàng đầu với sự phân tích sâu sắc bằng cái nhìn đầy tinh thần trách nhiệm của người trong cuộc. Đó là những bài báo thực sự bổ ích đối với bạn đọc. Chỉ tiếc những bài dạng này còn chưa nhiều trên các trang báo Tết mà thay vì là những bài quá nặng về giải trí nhưng nhạt, chưa gây được hứng thú cho người đọc.

Những nhược điểm cố hữu

Nếu cái hay, điểm mạnh của báo Tết năm nay như đã nói thì một nhược điểm cố hữu vẫn chưa được khắc phục từ rất nhiều năm qua là số lượng những bài dông dài, vô thưởng vô phạt còn chiếm tỷ lệ lớn ở nhiều tờ báo. Tình trạng khai thác quá nhiều con vật là biểu trưng của năm với những bài không có gì mới đã làm nhạt hóa nhiều tờ. Để thực hiện bài báo này, tôi đã chịu khó tìm lại báo Tết năm Giáp Thân 2004 thì nhận ra có bài đã xuất hiện trên báo chí Tết năm đó nóivề khỉ,sau12nămlạicóởbáonăm nay. Tất nhiên là không nguyên văn chữ nghĩa 100% và tên người viết cũng đã thay đổi. Nhưng kể cả khi người viết chỉ tham khảo mà không phải là “sao chép” – một việc hoàn toàn có thể chấp nhận vì không phải là “đạo” – cũng chẳng nên vì sẽ khiến bài báo nhạt do không khai thác được gì mới.

Văn hóa, văn nghệ, thể thao đương nhiên là một nội dung không thể thiếu ở báo Tết. Nhưng nhiều tờ đã quá lạm dụng để dành cho nội dung này một tỷ lệ hơi nhiều, lấn át các vấn đề xã hội khác xem ra cần thiết hơn. Nhìn lại những sự kiện, thành tựu trong văn hóa thể thao với những thành tích thi đấu, huân, huy chương của các vận động viên, những đóng góp đáng kể của các văn nghệ sỹ là cần và nên. Nhưng sa đà vào việc khai thác cuộc sống riêng tư của những nhân vật gọi là “sao” nhưng chưa hẳn đã có tài năng, cống hiến đặc biệt, nhất là chỉ được một bộ phận công chúng trẻ tuổi ở thành thị biết tới đã hạn chế tính thuyết phục nên người đọc đã không để ý.

Cần nhớ rằng ngay cả phục vụ cho nhu cầu giải trí của bạn đọc trong dịp Tết vui vẻ cũng không thể hoàn toàn thoát ly ý thức chính trị, bởi giải trí sao chăng nữa cũng không thể vô ý thức. Nếu chỉ nhìn cho đẹp mắt, vui mắt do có ảnh nữ diễn viên trẻ đẹp, trang phục “mát mẻ” thì người ta đã mở mạng internet chứ không cần giở trang báo. Vậy nên thu nhận thông tin mới mẻ, bổ ích, thú vị vẫn là nhu cầu chính của người đọc báo. Không thiếu gì những văn nghệ sỹ tài danh có những bài thơ, bài hát, tác phẩm văn nghệ nổi tiếng viết về mùa xuân đã ít được giới thiệu, khai thác trên báo Tết năm nay mà thay vì là những bài có khuynh hướng “mát mẻ”, nhẹ nhàng nhưng tầm phào như đã nói.

Thơ, truyện ngắn, câu đối đương nhiên không thể thiếu trên báo Tết. Nhưng nhìn chung vẫn có phần bầy biện cho đủ mâm hơn là thực sự có chất lượng để người đọc ưa thích. Quá lạm dụng đăng thơ vẫn là tình trạng xảy ra ở nhiều tờ báo Tết mà nhiều năm nay không được khắc phục. Báo từ 50 trang trở lên thì tổ chức 2 trang thơ, từ 2 đến 3 trang truyện ngắn là vừa. Không ít tờcó đến 5-7 trang thơ.Thậm chí có tờ báo ở Hà Nội không phải chuyên về văn nghệ mà có đến tổng cộng 8 trang thơ, chưa kể còn nhiều bài rải rác xen kẽ các bài viết khác. Vì quá nhiều nên thơ dở, nhạt là điều không tránh khỏi, nhất là khi người chọn thơ không có “gu” sành, không phân biệt được thơ hay, dở và có khi lại thiếu khách quan, vô tư trong việc chọn thơ để đăng. (Chọn tác giả chứ không chọn tác phẩm). Có nhiều trang thơ không tìm được một bài nào khả dĩ có thể đọc được mà thay vì toàn những câu thơ dông dài đại loại : “Chào, anh đến !/ Anh thẫn thờ say đắm/Tim rộn ràng để nói tiếng… yêu em” (NĐTX –Báo Du lịch).

Quả hiếm hoi những câu thơ như sau: “Hội làng khép mở bao lần/ Trở mình ướm một bàn chân mơ hồ” (Nguyễn Quang Hưng –Báo Kinh tế & Đô thị). Về truyện ngắn, thấy rõ quanh đi quẩn lại chỉ có chừng dăm bảy cái tên tác giả đã quá quen thuộc từ nhiều năm nay xuất hiện trên báo Tết. Đành rằng họ là những nhà văn tài danh, nhưng vì phải cung cấp truyện ngắn mới cho quá nhiều tờ nên không thể có chất lượng. Đã xảy ra tình trạng “người khôn nói lắm cũng nhàm”. Ở đây thấy rõ sự lười biếng của những biên tập viên lo mảng bài vở về văn nghệ cho số Tết đã không chịu tìm kiếm những sáng tác của nhiều cây bút khác.

Báo Tết là nhu cầu không thể thiếu đối với nhiều người mỗi dịp đón xuân. Mong sao những năm sau, sản phẩm tinh thần này được nâng cao chất lượng hơn, đáp ứng hơn nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của độc giả.

Nguồn: Mai Hoa/congluan.vn

Sẽ thông qua Luật Báo chí sửa đổi tại kỳ họp thứ 11

Theo dự kiến chương trình, Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, trong đó có Luật Báo chí sửa đổi. Ngoài ra, tại kỳ họp này, QH sẽ cho ý kiến về Luật Biểu tình.

Theo kế hoạch dự kiến, chiều thứ Tư, ngày 24/2, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật báo chí (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội (QH) sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật báo chí (sửa đổi).

Luật Báo chí sửa đổi đã được đưa ra QH thảo luận tại kỳ họp thứ 10. Tuy nhiên, do còn ý kiến về 8 nhóm vấn đề khác nhau nên tại phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ QH đã đưa nội dung này ra thảo luận.

Tại buổi thảo luận sáng ngày 18/2, nhiều đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị dự thảo luật này là rất chu đáo, nhiều vấn đề đặt ra đã được giải quyết. Tuy nhiên, một số ý kiến thảo luận tỏ ra lo lắng vì Dự thảo Luật báo chí không điều chỉnh đối với trang mạng xã hội và trang thông tin điện tử.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu ý kiến tại phiên làm việc của Ủy ban TVQH về dự thảo Luật Báo chí sửa đổi. (Ảnh: Tuấn Minh)

Lý giải về việc này, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cho rằng, khác với sản phẩm thông tin do cơ quan báo chí thực hiện và một số sản phẩm thông tin có tính chất báo chí khác (bản tin, đặc san), trang mạng xã hội hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm, đồng thời người viết và tham gia bình luận thường chỉ sử dụng biệt danh, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và truyền thông không cấp phép, cũng không quản lý trang mạng xã hội, mà chỉ quản lý đơn vị cung cấp dịch vụ mạng.

 

 

Còn trang thông tin điện tử tổng hợp không phải do cơ quan, tổ chức sáng tạo nội dung tin, bài mà lấy thông tin từ các báo, biên tập lại và phát hành trên mạng.

“Hiện nay, hoạt động của trang thông tin điện tử và mạng xã hội được điều chỉnh bởi Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 174/2013/NĐ-CP”, ông Thi cho biết.

Tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng, trong thế giới phẳng, truyền thông xã hội trên Internet ngày càng phát triển, nhưng được quản lý bằng các văn bản quy phạm pháp luật khác chứ không quản lý bằng Luật báo chí.

Do đó, quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan thẩm định của Quốc hội cũng đề xuất Luật Báo chí không điều chỉnh trang tin điện tử, mạng xã hội.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, ông Ksor Phước lo ngại: “Xu hướng chung bây giờ là tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tìm kiếm, đọc, nghe, xem thông tin trên Internet ngày càng nhiều, nếu không đưa trang thông tin điện tử và mạng xã hội vào Luật Báo chí thì không thể nào quản lý nổi”.

“Nhiều đại biểu Quốc hội cũng như bản thân tôi sau khi trả lời phỏng vấn, phát biểu, được báo chí đăng tải, các trang thông tin điện tử xào xáo lại, cắt xén, gọt dũa làm mất hết ý, thậm chí trái với quan điểm của câu phát biểu nhưng không thể xử lý được”, ông Phước phát biểu và đề nghị Luật báo chí phải chế tài đối với trang thông tin điện tử cũng như mạng xã hội để nếu vi phạm có hình thức xử lý thích đáng như cơ quan báo chí vi phạm.

Vẫn theo ông Phước, không luật hóa trang mạng xã hội và trang thông tin điện tử là không phù hợp, bởi trên thực tế báo chí chính thống sau khi đăng tin bài, người dân tha hồ comment và đều được đăng tải hết.

“Cũng có bình luận rất hay, nhưng rất nhiều bình luận phản cảm, ác ý, thậm chí trái với thuần phong mỹ tục, kích động, chia rẽ. Vấn đề này cần phải siết chặt thì không có lý do gì lại không quản lý đối với trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử bởi suy cho cùng phần comment của báo chí chính thống cũng là một dạng trang mạng xã hội”, ông Phước bình luận.

Hiện dự thảo luật đang tiếp tục được hoàn thiện để trình ra QH xem xét, thảo luận, thông qua tại kỳ họp thứ 11 tới. Dự kiến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra từ ngày 21/3-9/4/2016.

Tuấn Minh

Infonet

Những bức ảnh báo chí đẹp và gây ám ảnh nhất năm 2015

Mới đây, những bức ảnh xuất sắc nhất trong cuộc thi Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới 2015 đã được công bố. Những bức ảnh đề cập đến các vấn đề thời sự trên toàn thế giới đều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem.

Một người đàn ông tị nạn đang cố gắng đưa 1 đứa trẻ qua hàng rào dây thép gai ở biên giới Serbia - Hungary vào ngày 28/8/2015. Bức ảnh giúp tác giả Warren Richardson giành giải nhất hạng mục Tin tiêu điểm.
Những người di cư cập bến ngôi làng Skala nằm trên đảo Lesbos, Hy Lạp trên con thuyền đơn sơ nhỏ bé. Bức ảnh chụp vào ngày 16/11/2015 giúp tác giả , tác giả Sergey Ponomarev nhận giải nhất hạng mục Tin tức tổng hợp.
Một bác sĩ đang xoa thuốc mỡ vào vết bỏng cho 1 tay súng 16 tuổi của tổ chức nhà nước hồi giáo IS có tên Jacob tại 1 bệnh viện ở ngoại ô Hasaka, Syria vào ngày 1/8/2015. Bức ảnh của tác giả Mauricio Lima giành giải nhất hạng mục Tin tức tổng hợp.
Những đứa trẻ thổ dân chơi đùa trên dòng sông Tapajos ở Brazil vào ngày 10/2/2015. Đây là nơi sinh sống của bộ lạc Sawré Muybu. Bức ảnh do tác giả Mauricia Lima thực hiện giành giải Nhì hạng mục Cuộc sống hàng ngày.
Một người phụ nữ gào khóc thảm thương khi thi thể của con gái được đưa ra khỏi đống đổ nát sau trận động đất mạnh 7,9 độ Richter ở Gumda, Nepal vào ngày 8/5/2015. Đây là trận động đất mạnh nhất ở nước này trong vòng 81 năm qua. Bức ảnh của tác giả Daniel Berehulak giành giải Ba hạng mục Tin tức tổng hợp.
Natasha Schuette, một chuyên gia quân đội 21 tuổi, cho biết cô đã bị ép không được báo cáo vụ việc mình bị trung sỹ huấn luyện quấy rối tình dục trong khóa huấn luyện cơ bản tại Fort Jackson (Columbia, South Carolina). Tuy nhiên sau đó, Natasha đã nói lên sự thật. Trước sự dũng cảm của Natasha, quân đội Mỹ đã quyết định trao thưởng cho cô. Hiện, cô đang đóng quân ở Fort Bragg, 1 trong những căn cứ quân sự lớn nhất nước Mỹ. Bức ảnh do tác giả Mary F. Calvert thực hiện giành giải nhất trong hạng mục Dự án dài hạn.
Những cậu bé nằm ngủ cạnh nhau trên sàn đất của 1 ngôi trường ở Saint Louis, Senegal mà không hề có sự bảo vệ nào. Bức ảnh của tác giả Mario Cruz giành giải nhất hạng mục Những vấn đề đương đại.
Howie và Laurel Borowick (đến từ Chappaqua, New York, Mỹ) ôm nhau sau 34 năm kết hôn và chung sống. Cả 2 cùng phát hiện mắc bệnh ung thư giai đoạn 4 vào cùng một lúc. Bức ảnh giúp tác giả Nancy Borowick giành giải Hai hạng mục Dự án dài kỳ.
Một người đàn ông bị thương thất thần giữa đống khói bụi sau cuộc không kích tại Hamouria, Syria vào ngày 9/12/2015. Ảnh giành giải nhất hạng mục Tin tiêu điểm của tác giả Sameer Al-Doumy.
Một người đàn ông Syria đưa thi thể của 1 đứa trẻ thiệt mạng trong vụ không kích của lực lượng chính phủ ở Douma, Syria vào ngày 7/11/2015. Bức ảnh giành giải Hai hạng mục Tin tổng hợp của nhiếp ảnh gia Abd Doumany.
Biểu tình phản đối khủng bố tại thủ đô Paris, Pháp, sau khi 5 cuộc tấn công xảy ra ở khu vực Ile-de-France, bắt đầu tại trụ sở toà soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo. Bức ảnh của tác giả Corentin Fohlen giành giải Hai hạng mục Tin tiêu điểm.
Ngày 25/4/2015, một trận lở tuyết đã xảy ra khi cơn động đất kinh hoàng rung chuyển cả khu vực đỉnh núi Everest tại Nepal, giết chết 18 nhà leo núi cùng các Sherpa (hướng dẫn viên bản địa) khi đang trên hành trình chinh phục Nóc nhà thế giới. Bức ảnh của tác giả Roberto Schmidt giành giải Hai hạng mục Tin tiêu điểm.
Lamon Reccord,16 tuổi, đối mặt với cảnh sát sau vụ nổ súng tại Laquan McDonald, thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ, ngày 25/11/2015. Bức ảnh đạt giải nhất ở hạng mục Các vấn đề đương đại. Rất nhiều người đã tham gia biểu tình sau khi giới chức Chicago công bố video ghi cảnh một cảnh sát da trắng bắn liên tiếp vào thanh niên da màu một năm trước.
Những người di cư khoác lên người bộ chăn cứu hộ sau khi được giải cứu tại bờ biển Italy. Bức ảnh của tác giả Francesco Zizola giành giải Hai hạng mục Các vấn đề đương đại.
Một người di cư đang giữ chặt bé gái, trong khi những người khác trèo qua hàng rào biên giới để vào Thổ Nhĩ Kỳ. Bức ảnh của tác giả Bulent Kilic giành giải Ba hạng mục Tin tiêu điểm.
Buổi biểu diễn của các thiếu nhi ở trường mầm non Kyongsang, Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Bức ảnh của tác giả David Guttenfelder giành giải Ba hạng mục Dự án dài kỳ.
Bức ảnh chân dung về 1 gia đình tị nạn ở Bekaa, Lebanon. Chiếc ghế trống cho thấy sự thiếu vắng của 1 thành viên trong gia đình, người đã qua đời trong chiến tranh. Bức ảnh của tác giả Dario Mitidieri giành giải Ba hạng mục Con người.
Gương mặt khắc khổ của 1 công nhân mỏ ở Bari, Burkina Faso. Bức ảnh nhận giải Hai hạng mục Con người của tác giả Matjaz Krivic.
Bức ảnh giành giải Hai hạng mục Cuộc sống thường ngày của tác giả Zohreh Saberi cho thấy hình ảnh của 1 người phụ nữ bị khiếm thị. Cô Raheleh đang đứng cạnh cửa sổ để cảm nhận sự ấm áp của những tia nắng mặt trời ở Babol, Mazandaran, Iran.

Theo Trung Đỗ/Trí thức trẻ

Tập đoàn, tổng công ty, sở, ngành sẽ không có báo in, báo điện tử

“Theo đề án quy hoạch báo chí, các tập đoàn, tổng công ty, sở, ngành sẽ không có báo in, báo điện tử như hiện nay. Với các tập đoàn, nếu cần thiết sẽ có tạp chí chuyên ngành”. Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định ngày 18/2 khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Báo chí sửa đổi.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son

Theo Bộ trưởng Son, kênh truyền thông xã hội, trang mạng đang phát triển rất mạnh cả ở trong và ngoài nước. Chúng ta cũng tạo cơ hội cho mọi người dân tiếp cận. Tuy nhiên Luật Báo chí sửa đổi chỉ quản lý các loại hình báo chí thôi. Còn các trang mạng, trang thôn tin điện tử đã được quản lý bởi Nghị định 72 với chế tài quy định chặt chẽ.

“Nếu đưa trang mạng xã hội vào đây (Luật Báo chí sửa đổi), tức là thừa nhận các trang tư nhân đó là báo chí. Loại hình này đã được quản lý bởi Nghị định 72 – quản lý các trang tin ngoài báo chí. Chúng ta không có báo chí tư nhân, nếu đưa vào là chúng ta chấp nhận các loại hình đó là báo chí”, ông Son khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, Luật Báo chí sửa đổi đang được thực hiện song song với đề án quy hoạch báo chí, trong đó tiếp tục khẳng định không tư nhân hóa, không để tư nhân núp bóng cũng không cần nhiều mà chỉ cần tinh. Theo lộ trình thực hiện, tiến tới mỗi tỉnh, thành sẽ chỉ có một tờ báo và nhiều ấn phẩm khác nhau.

Với các Tập đoàn Nhà nước, Tổng công ty như Tập đoàn Dầu Khí, Hàng không, theo lộ trình sẽ rút dần và không có báo chí mà chỉ hoạt động kinh doanh thôi.

Bộ trưởng Son dẫn dụ, trang Vnmedia của Tập đoàn VNPT giờ không còn là báo nữa mà là trang tin nội bộ của tập đoàn. Hay báo điện tử Vietnamnet trước kia của tập đoàn, nay đã chuyển về Bộ TT&TT.

Cũng theo lộ trình, tiến tới mỗi tỉnh, thành cũng chỉ có một tờ báo và nhiều ấn phẩm. Các sở, ngành sẽ không được ra báo nữa mà chỉ có cấp tỉnh trở lên. Đối với các bệnh viện, Viện hàn lâm, tập đoàn chỉ có loại hình tạp chí.

“Theo quy hoạch, các tập đoàn, tổng công ty, sở, ngành sẽ không có báo in, báo điện tử như hiện nay. Với các tập đoàn, nếu cần thiết sẽ có tạp chí chuyên ngành, còn báo in và báo điện tử đang có như hiện nay, sau này sẽ không còn”, Bộ trưởng Son khẳng định.

Theo Tiền Phong

Nhiều khán giả xem Táo Quân 2016 hơn 1 lần

(ICTPress) - Ông Vũ Đình Thường, Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương đã nêu một số đánh giá về chương trình Táo Quân 2016 tại Hội nghị giao ban báo chí đầu Xuân Bính Thân diễn ra ở Hà Nội ngày 16/2/2016.

Toàn cảnh buổi giao ban báo chí đầu Xuân Bính Thân

Theo đó, ông Vũ Đình Thường cho biết Chương trình Táo QuânTết Bính Thân 2016 là chương trình được chờ đợi nhất. So với Táo quân 3 năm qua, chương trình Táo quân qua có nhiều ưu điểm vượt trội, được khán giả ghi nhận đánh giá cao, được kỳ vọng trúng và đúng những vẫn đề nóng được quan tâm trong năm vừa qua, kết cấu sáng tạo có điểm nhấn, cách thể hiện sinh động hài nhưng quá trào trong ngôn ngữ và diễn xuất, trang phục đẹp

“Thành công của Táo Quân năm 2016 thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của VTV và những người thực hiện chương trình và nhiều khán giả cho biết hơn một lần xem Táo Quân”, ông Vũ Đình Thường cho biết.

Cũng tại Hội nghị giao ban, ông Vũ Đình Thường đã công bố những các số liệu cụ thể về các ấn phẩm Xuân 2016 đã được thống kê.

Theo đó, các báo có số trang nhiều nhất gồm: Báo Giao thông – 196 trang; Thời báo Kinh tế Việt Nam 140 trang; Báo Nông nghiệp Việt Nam 128 trang; Báo Lao động 120 trang, Báo Hà Tĩnh 116 trang.

Các tạp chí có số trang nhiều nhất gồm: Tri thức và phát triển (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội) 264 trang; Kiến thức ngày nay (thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) 224 trang; Nội chính 196 trang; Khoa học chính trị 182 trang; Doanh nhân 179 trang; Gia đình và trẻ em 129 trang; Xây dựng Đảng 132 trang.

Các ấn phẩm Tết Dương lịch có tổng số trang ít nhất gồm: Báo Lào Cai, Báo Nam Định, Báo Thái Bình.

Các ấn phẩm có nhiều trang quảng cáo nhất gồm: Báo Giao thông 111 trang; Báo Nông nghiệp Việt Nam 55 trang; Báo Đại đoàn kết 52 trang; Báo Thừa Thiên – Huế 51 trang; Báo Doanh nhân Sài Gòn 50 trang..

Một số ấn phẩm có rất ít hoặc không có trang quảng cáo như Báo Đăk Nông, Tạp chí Khoa học chính trị, ấn phẩm Hôn nhân và Pháp luật (của Báo Đời sống và Pháp luật), ấn phẩm Người cao tuổi.

Cũng theo thống kê của Vụ Báo chí – Xuất bản, giá bán phổ biến các ấn phẩm Tết và Xuân Bính Thân từ 20.000 đồng đến 65.000 đồng. Giá bán trung bình khoảng 35.000 đồng/ ấn phẩm (tương đương giá bán các năm trước).

Một số ấn phẩm có giá bán cao là Báo Hà Tĩnh – 60.000 đồng; Báo Bình Thuận 56.000 đồng; Báo Hà Nội mới 50.000 đồng; Báo Đồng Khởi 40.000 đồng; Tạp chí Sức khỏe và môi trường 60.000 đồng; Tạp chí Văn hóa doanh nhân 57.000 đồng; ấn phẩm Vietnam Economic News của Báo Công Thương 56.000 đồng...

Những ấn phẩm Tết Dương lịch có giá bán thấp là Báo Quảng Ngãi, Báo Đăk Nông - 4.000 đồng; Báo Công an Đà Nẵng 3.700 đồng.

Đánh giá chung về công tác báo chí Tết Bính Thân 2016, Vụ trưởng Vũ Đình Thường cho biết: "Cả nước có 231 cơ quan báo chí in thực hiện việc xin phép xuất bản ấn phẩm phát hành trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán với tổng số 370 ấn phẩm. Hầu hết các tạp chí ra hàng tháng, hàng quý xuất bản số tết với số trang như thường kỳ.

Nhìn chung, các báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình đều tập trung đầu tư, chăm chút kỹ cả về nội dung và hình thức, thể hiện sống động nét xuân và không khí Tết cổ truyền của dân tộc. Nhiều cơ quan báo chí thực hiện ấn phẩm Tết theo hướng xây dựng trục chủ đề, xuyên suốt để tạo điểm nhấn, bản sắc và chiều sâu (chẳng hạn như Báo Bưu điện Việt Nam có chủ đề chính là "Tâm thế mới"). Có thể xem đây là cách làm sáng tạo".

Các chủ đề nổi bật của các ấn phẩm Xuân năm nay gồm: Mùa xuân, Đảng, Bác Hồ; Chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIIII và các nghị quyết của Đảng; Thành tựu 30 năm đổi mới, kỳ vọng và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng; Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành chăm lo Tết cho nhân dân; Không khí đón xuân, lễ hội đầu xuân khắp mọi miền đất nước; Tình cảm hướng về quê hương của kiều bào; Khí thế ra quân lao động, sản xuất đầu năm; Văn hóa Tết gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc…

HM