Syndicate content

Nghề báo

TGĐ Trần Bình Minh: “VTV7 phát triển theo xu hướng xã hội truyền thông hiện đại”

Tối 8/1, Lễ ra mắt kênh truyền hình Giáo dục quốc gia VTV7 với chủ đề “Bay lên những ước mơ” đã diễn ra tại Đài Truyền hình Việt Nam.

Buổi lễ ra mắt có sự tham dự của ông Trần Bình Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài THVN; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận; Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC; khách mời quốc tế đến từ các đài truyền hình giáo dục nổi tiếng hợp tác cùng VTV như Đài NHK (Nhật Bản), Đài EBS (Hàn Quốc)…, các tổ chức phi chính phủ về giáo dục, văn hóa và các cơ quan ngoại giao.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự buổi lễ ra mắt kênh VTV7.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Bình Minh - Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho biết: “Kênh VTV7 đã được phát sóng thử nghiệm từ ngày 20/11/2015 và từ ngày 1/1/2016 đã phát sóng chính thức trên các hạ tầng truyền dẫn của Đài Truyền hình Việt Nam, truyền hình cáp và vệ tinh cũng như trên hạ tầng Internet”.

“Xây dựng xã hội học tập là một chủ trương lớn trong phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước ta. Để hiện thực hóa Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, tôi nghĩ rằng đó không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục. Với vai trò là Đài Truyền hình quốc gia, những người làm truyền hình chúng tôi đã trăn trở suy nghĩ từ nhiều năm nay là có thể làm được gì thiết thực đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục này. Đến hôm nay, mong muốn đó đang trở thành hiện thực với sự ra đời của một kênh truyền hình chuyên biệt về giáo dục - kênh VTV7”. 

Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh phát biểu trong buổi lễ ra mắt.

Tổng Giám đốc Trần Bình Minh cũng bày tỏ kỳ vọng vào thành công của kênh truyền hình VTV7: “Bằng các chương trình có bản sắc riêng, bổ ích và dễ tiếp nhận, tôi hy vọng VTV7 sẽ truyền tải những kiến thức trong chương trình giáo dục phổ thông, đại học và dạy nghề ở mọi cấp đến đối tượng chính của kênh là các học sinh, sinh viên, học nghề… dù các em ở nơi có điều kiện thuận lợi hay khó khăn”.

“Đài Truyền hình Việt Nam nói chung, kênh truyền hình quốc gia Giáo dục VTV7 nói riêng đang và sẽ phát triển theo xu hướng của xã hội truyền thông hiện đại là mọi lúc, mọi nơi và bằng mọi phương tiện đều có thể dễ dàng tiếp cận. Chúng tôi cũng hy vọng rằng, kênh VTV7 bằng các chương trình hấp dẫn, độc đáo sẽ tạo cảm hứng học tập cho tất cả các em học sinh trong hành trình học tập trọn đời”.

 Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cũng khẳng định, kênh truyền hình Giáo dục quốc gia VTV7 lên sóng là một sự kiện trọng đại đối với ngành giáo dục, là nguồn lực bổ sung quan trọng để thực hiện công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo nước nhà. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đưa ra cam kết ngành giáo dục và Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ phối hợp chặt chẽ với Đài Truyền hình Việt Nam để xây dựng kênh VTV7, góp phần xây dựng một xã hội học tập và thực hiện học tập suốt đời. 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận

 Sau những chia sẻ từ các khách mời là các tiết mục nghệ thuật sinh động, hấp dẫn trên một sân khấu được thiết kế như một quyển sách, ở đó mỗi trang sách mở ra một thế giới rộn rã sắc màu, âm nhạc và những điều bí ẩn chờ khám phá.

Sân khấu được biến hóa thành một cuốn sách mở nhiều màu sắc.

Cậu bé bong bóng - nhân vật đại diện của kênh VTV7 - đã dẫn dắt khán giả qua chuyến hành trình thú vị để cùng tìm hiểu về những chương trình, thông điệp ý nghĩa. Không chỉ vậy, một lớp học lịch sử rộn ràng với Hip-hop, một chuyến hành trình trên khinh khí cầu khám phá vẻ đẹp Việt Nam từ trên cao, một  lớp học Cầu vồng vui vẻ cũng được tái hiện trên sân khấu với những giai điệu của niềm lạc quan, niềm vui học tập. Đặc biệt, hai ca khúc Reo vang bình minh và Như hòn bi xanh lần đầu tiên được hòa trộn theo phong cách Acapella và Beat box là tiết mục tạo điểm nhấn cho chương trình.

MC Hạnh Phúc khuấy động chương trình cùng các em nhỏ.
Các tiết mục sinh động với sự tham gia của nhiều em nhỏ.

 Thông qua chương trình nghệ thuật này, buổi lễ ra mắt kênh VTV7 đã chuyển tải một phần không khí sôi nổi của một xã hội học tập với tinh thần yêu đời và luôn ngập tràn cảm hứng, đúng như tiêu chí của các chương trình trên kênh VTV7.

Nguồn: vtv.vn

Chuyên gia: "Tăng người đọc trả phí mới là tương lai của báo chí"

"Bán quảng cáo là chiến lược ngắn hạn, tăng người đọc trả phí mới là tương lai của báo chí" là tiêu đề bài viết của Ernst-Jan Pfauth, đồng sáng lập và chủ biên nền tảng báo chí De Correspondent của Hà Lan, đăng tải trên trang medium.com.

Trong bối cảnh phát triển ồ ạt các ứng dụng chặn quảng cáo (adblocker), sự phụ thuộc vào các nền tảng cùng sự thống trị của Facebook và Google trên thị trường quảng cáo di động, có lẽ chưa bao giờ đòi hỏi “đầu tư” vào mối quan hệ với độc giả lại quan trọng đối với các nhà xuất bản tin tức đến vậy.

Nhiều cơ quan báo chí đang chọn cách bán nội dung có quảng cáo – “branded content” hay còn được dùng một thuật ngữ là “native ads” – một hình thức quảng cáo không chỉ đe dọa tính độc lập về nội dung của một tòa soạn mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ với độc giả. Giữa lúc đó, hết website tin tức này đến website tin tức khác bỏ tính năng bình luận (comments) dưới bài viết, chặn luôn tiếng nói của độc giả thay vì đầu tư xây dựng một cộng đồng đóng góp nội dung gồm cả các nhà báo và các độc giả. Làm tổn hại mối quan hệ với người đọc là điều dứt khoát không được, ấy vậy mà dường như nó lại là chiến lược của nhiều tờ báo.

Đang có đòi hỏi phải thay đổi các mô hình kinh doanh truyền thông. Cần phải trao quyền hạn cho các nhà báo và khôi phục niềm tin của độc giả bằng cách áp dụng mô hình thu  phí.

Ảnh minh họa: Getty Images

Trong cuốn sách “Hãy tin tôi, tôi đang nói dối: Lời thú tội của một kẻ thao túng truyền thông,” chuyên gia marketing Ryan Holiday đã mô tả kỹ lưỡng cách mà báo mạng bị phá vỡ. Hầu hết các website lâu nay kiếm tiền bằng cách bán quảng cáo, như vậy có nghĩa là càng có nhiều người truy cập thì càng thu được nhiều tiền quảng cáo. Nhưng điều đó biến các phóng viên báo mạng trở thành “tù nhân” của một hệ thống đòi hỏi họ tạo ra lượng truy cập lớn. Họ chính là những nạn nhân của kiểu kinh doanh này, được trả tiền để viết những sản phẩm nhằm câu view.

Các chuyên gia marketing và “những người thao túng truyền thông” như Holiday cung cấp cho nhà báo tất cả những gì họ cần để có thể tạo nên những nội dung lôi kéo độc giả, trong khi tiếp tục duy trì nghị trình marketing của họ. Trong những trang đầu của cuốn sách, Holiday chia sẻ một kinh nghiệm của bản thân như sau:

• Anh ta thiết kế một biển quảng cáo gây tranh cãi cho khách hàng và giành một vị trí tốt ở Los Angeles.

• Anh ta mua một hộp sơn xịt và xịt lên chính biển quảng cáo của mình.

• Holiday lái xe ngang qua và chụp ảnh biển quảng cáo bị xịt sơn lem nhem, rồi gửi cho một blogger. Tất nhiên người này rất vui mừng đăng lên trang của mình.

• Các trang blog tiếng tăm hơn chộp được tin tức này và đăng lại. Câu chuyện trở nên ầm ĩ.

Tất nhiên ví dụ này chưa có gì là ghê gớm. Nhưng hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi các trang tin tức bắt đầu theo dõi các ứng cử viên tổng thống chỉ để thu hút lượng truy cập, nhằm tăng doanh thu quảng cáo? CEO của kênh CBS gần đây nói với các nhà đầu tư rằng những phát biểu có phần quá đáng của Donald Trump là một “hiện tượng” để tăng doanh thu quảng cáo, và ông ta hy vọng ông Trump sẽ tiếp tục tăng cường độ.

Hóa ra mô hình quảng cáo thậm chí đã thay đổi cả vũ đài chính trị và ảnh hưởng đến các nền dân chủ.

Việc quá chú trọng thu hút người đọc và bán quảng cáo đang dần dần hủy hoại báo chí từ bên trong. Để hiểu lý do, chúng ta hay xem xét những ví dụ khác.

Năm ngoái, trên tờ The New Yorker có bài viết về “Ông Trùm câu view” Emerson Spartz, một nhân vật ám ảnh về lượng truy cập và thậm chí được gọi là “viral guy” – đại khái là người rất giỏi làm cho thông tin lan truyền trên mạng Internet. Mô hình kinh doanh của anh này là phủ đầy quảng cáo lên các trang web của mình. Tính nguyên gốc không phải là tiêu chuẩn kinh doanh của anh ta, và việc cắt dán những nội dung đang thu hút độc giả từ các trang đối thủ cạnh tranh lại tạo ra doanh thu tốt mà chẳng phải cố gắng gì. Hãy xem tiêu đề một số bài viết được đọc nhiều trên trang site Dose.com để hiểu Spartz mang loại nội dung gì đến với công chúng:

• 21 chiếc bánh quá hạn của Disney được bán cho trẻ em… Thật kinh khủng

• Xem chuyện gì xảy ra khi cô gái này đề nghị làm tình với 100 người đàn ông

• Theo dõi phản ứng của cựu diễn viên múa 102 tuổi khi bà lần đầu tiên xem các video cũ của mình 

Tất nhiên, Spartz có thể chọn bất cứ mô hình kinh doanh nào anh ta thích, và thực tế việc anh ta có thể xây dựng nên một công ty như vậy cũng là điều đáng nể. Nhưng vấn đề ở chỗ “Ông Trùm câu view” này đang khiến cho ngày càng nhiều phóng viên buộc tờ báo của họ phải cạnh tranh với Spartz. Họ cảm thấy cần phải làm theo thủ thuật đó.

Nghĩ đến việc tiếp cận độc giả thì cũng tốt, nhưng hạ thấp các tiêu chuẩn báo chí để bài viết được lan truyền trên mạng thì lại không tốt chút nào. Và đó chính là điều xảy đến khi các nhà xuất bản tin tức coi Emerson Spartz như cảm hứng để làm theo. Họ sẽ chỉ tập trung vào lượng truy cập và không quan tâm đến việc xây dựng quan hệ với độc giả. Độc giả của họ chỉ là các nhóm đối tượng dễ bị dụ đọc các bài thuộc dạng “listicle,” tức là những nội dung được trình bày theo kiểu danh mục.

Đây là một chiến lược ngắn hạn để tạo lượng truy cập và tăng doanh thu quảng cáo. Và một khi nhà sản xuất nội dung đi theo con đường này thì khó mà quay trở lại. Điều này thật đáng lo ngại, vì mô hình quảng cáo đang ngày càng chịu nhiều sức ép từ 3 mối đe dọa lớn sau đây.

Mối đe dọa 1: Các phần mềm chặn quảng cáo sẽ trở nên phổ biến hơn

Việc ngày càng có nhiều người sử dụng các phần mềm adblocker đang gia tăng sức ép lên nguồn thu quảng cáo. Tới nay đã có 198 triệu người sử dụng các ứng dụng chặn quảng cáo trên toàn thế giới, và hậu quả là các công ty truyền thông bị mất chừng 22 tỷ USD doanh thu quảng cáo trong năm 2015. Trong thời gian từ 2013 đến 2014, số người sử dụng adblocker toàn cầu đã tăng 41%. Và theo các nghiên cứu mới nhất thì đây mới là phần nổi của tảng băng, vì một số ứng dụng chặn quảng cáo mới thậm chí đang hoạt động ở cấp độ cao hơn là chặn từ hãng điện thoại chứ không chỉ trên thiết bị đầu cuối.

Mối đe dọa 2: Những nền tảng như Facebook sẽ cướp mối quan hệ giữa độc giả và các phương tiện truyền thông

Nhiều ấn phẩm và trang báo chí đang phụ thuộc vào các nền tảng như Facebook và Snapchat trong nỗ lực tiếp cận càng nhiều người dùng càng tốt. Đương nhiên, các nền tảng này tạo ra lượng truy cập, nhưng chúng cũng chiếm luôn mối quan hệ với độc giả. 

Facebook càng biết nhiều về một người dùng thì nó càng có thể đưa quảng cáo chính xác đến với người dùng đó. Và đương nhiên họ không muốn người dùng chạy sang các website khác. Gần đây Facebook tung ra Instant Articles, một dịch vụ đăng tải nội dung của nhiều trang web lớn trực tiếp trên môi trường Facebook. Lập luận đưa ra với cả độc giả lẫn các nhà xuất bản tin tức là để tiết kiệm thời gian, vì họ không phải chờ “load” bài viết từ bên thứ ba. Nhưng một lý do khác là độc giả không cần rời khỏi Facebook mà vẫn biết hết mọi tin tức.

Các nhà xuất bản cũng chẳng có lựa chọn nào khác và phải chấp thuận, vì họ đang ngày càng lệ thuộc vào lượng truy cập mà Facebook mang lại. Hậu quả là họ sẽ phải chia sẽ doanh thu quảng cáo với Facebook và sẽ dần dần mất đi mối quan hệ với độc giả. Và một khi những người dùng Facebook quen với việc tiêu dùng tin tức trên nền tảng này, thì Facebook có thể bắt đầu tự sản xuất nội dung của mình (giống nư các nền tảng khác đã làm khi thị phần đủ lớn, chẳng hạn Netflix), và đẩy các nhà xuất bản tin tức ra rìa.

Mối đe dọa 3: Tương lai là mobile, còn Facebook và Google sở hữu thị trường quảng cáo

Ngày càng nhiều người dùng truy cập các website qua thiết bị di động, và thực tế này đã tạo ra một thị trường quảng cáo hoàn toàn mới, do Facebook và Google chi phối.

Hậu quả là các trang báo chí trên toàn thế giới chứng kiến doanh thu quảng cáo sụt giảm. Nhưng họ đã tìm ra một giải pháp thay thế.

Các giải pháp thay thế cho quảng cáo truyền thống làm phương hại mối quan hệ với độc giả

Các nhà xuất bản đang tìm kiếm các nguồn doanh thu thay thế nhằm duy trì hoạt động báo chí, và hình thức phổ biến nhất là “quảng cáo nội tại” (native advertising),” hoặc “nội dung có quảng cáo” (branded content). Ngoài ra, một nhà xuất bản tin tức cũng có thể bán nội dung cho một nhà quảng cáo. Các phóng viên của họ sau đó sẽ tạo ra một bài viết hoặc một đoạn video cho một khách hàng thương mại. Người ta cho rằng độc giả sẽ đọc kỹ hoặc xem nội dung đó – nói cách khác là quảng cáo trông giống như một bài viết. Họ cũng không quan tâm độc giả xem quảng cáo đó từ nơi nào, vì nhà quảng cáo đã chi tiền cho việc tạo ra bài viết hay video đó, thì việc xem trên Facebook hay trên website của nhà xuất bản tin tức chúng chẳng tạo sự khác biệt nào trong doanh thu.

Nghiên cứu mới được công bố của BI Intelligence cho thấy native ads sẽ ngày càng tăng trưởng mạnh:

Hình mẫu nội dung có quảng cáo đang chứng tỏ thành công vang dội và đã tạo ra hàng tỷ USD. Tuy nhiên, khía cạnh tiêu cực của quảng cáo nội tại - thậm chí lớn và không thể chấp nhận được – là nó ảnh hưởng đến tính toàn vẹn về báo chí. Mặc dù chúng ta thường thấy từ “được bảo trợ” hoặc “được giới thiệu bởi [tên doanh nghiệp]” bên cạnh một native ad, nhiều nghiên cứu cho thấy hầu hết người dùng không nhận thức được rằng họ đang xem quảng cáo. Điều này chính là sức mạnh và chủ đích của một native ad: mọi người tiếp nhận thông điệp mang tính thương mại như thể nó từ một nguồn độc lập. Một nghiên cứu do công ty Contently thực hiện đã chỉ ra rằng 62% người đọc cảm thấy một trang tin tức đã bị mất tính toàn vẹn khi đăng tải quảng cáo dạng native advertising.

Native advertising làm xói mòn báo chí. Nếu các trang tin tức cho phép các nhà quảng cáo chiếm dụng các khoảng lẽ ra phải dành cho nội dung báo chí độc lập thì họ đã từ bỏ tài sản giá trị nhất của mình: sự độc lập về nội dung. Và tính độc lập đó vô cùng quan trọng nếu báo chí thực hiện vai trò là cơ quan giám sát nền dân chủ. Hơn nữa, bản chất của native advertising là lừa dối độc giả. Khảo sát của Contently cho thấy 48% người đọc cảm thấy bực tức khi nhầm một quảng cáo là bài viết.

Tập trung vào quảng cáo thì sẽ không còn độc giả trung thành

Các nhà xuất bản tin tức không chỉ đe dọa tính độc lập về nội dung của các phóng viên mà họ cũng đặt mối quan hệ với độc giả trước nguy cơ lớn. Điều đó thật mỉa mai, vì khi doanh thu quảng cáo sụt giảm thì mối quan hệ với độc giả lại trở nên quan trọng.

Giờ đây, hơn bao giờ hết, là lúc đầu tư vào mối quan hệ với độc giả.

Nhưng các nhà xuất bản tin tức lại đang làm tổn hại mối quan hệ đó. Vì thế khi doanh thu quảng cáo không đủ cho một ấn phẩm hoạt động thì họ sẽ không thể xin tài trợ hoặc áp dụng thu phí. Họ chẳng còn những độc giả trung thành nữa. Kết cục là họ chỉ còn cách ngồi chờ thêm chút truy cập từ Facebook. “Facebook nên chiếm 80% nỗ lực của bạn,” “Ông Trùm câu view” tuyên bố như thế.

Khi độc giả mất kiên nhẫn với mấy trò câu view, họ sẽ quay đi tìm một phương án thay thế: những nội dung phân tích chuyên sâu. Một website tin tức tập trung vào việc giúp cho độc giả có thông tin thay vì nghiện, Một trang có một cộng động hiểu biết và sống động. Một trang mà họ sẵn sàng trả tiền.

Ai cũng có lợi từ mô hình thu phí

Đó chính là lý do mô hình thu phí là nền tảng tương lai của báo chí. Mô hình này sẽ được tưởng thưởng là niềm tin của độc giả.

Mô hình quảng cáo thì không được như vậy. Khi bán quảng cáo, bạn phải quyết định tiến xa đến mức nào trong việc lừa dối độc giả. Tôi sẽ đặt dòng “tài trợ bởi” to chừng nào? Tôi có nên đưa chùm ảnh này vào slideshow chỉ để hút thêm lượt xem? Có nên đặt câu hỏi trên tiêu đề để dụ người đọc nhấn vào xem, cho dù bài viết không thực sự có câu trả lời?

Độc giả biết rõ một trang báo đang đầu tư vào họ hay bán đứng họ. Khi một trang báo đầu tư vào độc giả, họ sẵn sàng đầu tư lại, bằng cách trả phí.

Với tư cách là đồng sáng lập nền tảng báo chí De Correspondent không có quảng cáo và dựa vào thu phí, tôi có thể nói từ kinh nghiệm của mình rằng thực sự tôi cảm thấy tự do khi phục vụ nhu cầu của 43.000 người trả phí (65 USD/năm) chứ không phải nhu cầu của các nhà quảng cáo. Thay vì coi các thành viên là các nhóm đối tượng quảng cáo, chúng tôi có thể tập trung phục vụ những vấn đề mà họ quan tâm. Thay vì bắt đầu với những mục nặng quảng cáo như du lịch hoặc nghề nghiệp, chúng tôi có thể đưa ra quyết định về nội dung hoàn toàn dựa trên tầm quan trọng của vấn đề. Thay vì chạy theo pageviews, chúng tôi chạy theo những câu chuyện có ý nghĩa.

Chúng tôi không làm cho phóng viên của mình phân tâm với đòi hỏi phải viết về những chuyện đang gây sốt; chúng tôi trao quyền cho họ bằng cách đề nghị họ tập trung vào việc cung cấp thông tin cho độc giả một cách tốt nhất. Chúng tôi cũng mong các phóng viên của mình đầu tư vào cộng đồng. Thay vì cố gắng tiếp cận càng nhiều người càng tốt, chúng tôi đề nghị họ khích lệ độc giả chia sẻ những kiến thức của mình. Các phóng viên của chúng tôi tích cực tham gia vào phần bình luận dưới bài viết và thâm chí tìm thấy nhiều nguồn tin ở đó. Do độc giả chỉ có thể gửi bình luận khi trả phí, giọng điệu trong các bình luận rất văn minh. Rốt cục, mọi người đều cảm thấy là một phần của cùng một cộng đồng.

Mô hình thu phí từng cứu báo chí

“Kẻ thao túng truyền thông” Ryan Holiday mô tả cách các nhật báo từ thế kỷ 19 trở nên hấp dẫn ra sao. Ban đầu vì một cậu bé bán báo trên phố cần những tiêu đề giật gân để bán báo. Niềm tin với tờ báo bị xói mòn. Một người chủ biên tên là Adolph Ochs đưa ra cách giải quyết: Ông áp dụng hình thức thu phí trước. Kể từ khi đó, tờ báo nằm sẵn trên bậc tam cấp trước cửa nhà độc giả, dù tiêu đề có giật gân hay không.

Mô hình thu phí cho phép các nhà báo tập trung viết những câu chuyện quan trọng và bỏ qua những nội dung rẻ rúng. Nó đã dẫn đến sự phát triển của một trong những tờ báo hàng đầu thế giới: The New York Times. Ochs đã tạo ra cơ hội để tránh xa thứ báo chí dễ dãi bằng cách áp dụng thu phí.

Tương tự, các nhà xuất bản tin tức qua website hiện nay có thể thoát khỏi cuộc đua quảng cáo. Làm thế nào? Rất đơn giản: hãy tập trung phục vụ nhu cầu của độc giả, xây dựng cộng đồng với họ và duy trì những nguyên tắc báo chí cơ bản./.

 Nguồn: vietnamplus.vn

VTV "than" nhiều cơ quan Nhà nước chưa cởi mở cung cấp thông tin

"Việc một số Bộ ngành và địa phương, trong nhiều trường hợp, chưa thực sự cởi mở trong việc cung cấp thông tin cũng khiến cho ở nhiều thời điểm, các chương trình bình luận của chúng tôi chưa đạt được chất lượng như mong muốn", lãnh đạo Đài nói.

Từ thực tế hoạt động của cơ quan mình, ông Lê Quang Minh, Phó Trưởng Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) khẳng định: "Việc phát triển các chương trình bình luận từ lâu đã trở thành yêu cầu bắt buộc trong nỗ lực hoàn thiện hệ thống thông tin thời sự chính luận. Bình luận là thể loại báo chí có vai trò quan trọng trong việc định hướng dư luận xã hội".

Sự kiện & Bình luận là một trong những chương trình bình luận của VTV được công chúng đánh giá cao. Ảnh: Internet.

Để phát huy hiệu quả thể loại bình luận, các cơ quan báo chí cần xây dựng một đội ngũ nhà báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm chắc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tinh thông về nghiệp vụ, có khả năng bình luận sắc sảo, nhạy bén với thời cuộc, luôn xuất hiện tiên phong trong việc định hướng dư luận ở những vấn đề nóng, được xã hội quan tâm.

"Kinh nghiệm phát triển đội ngũ làm báo của VTV đã cho thấy, những nhà báo này phải được hưởng cơ chế đãi ngộ đặc biệt, để họ thật sự chuyên tâm vào công việc chuyên môn. Những nhà báo này, cùng với các bài bình luận của họ, cũng sẽ chính là nhân tố quyết định làm nên thương hiệu chính luận của một tờ báo. Ngoài ra, cũng cần có cơ chế huy động một cách hiệu quả đội ngũ các chuyên gia, nhà nghiên cứu để họ tham gia vào các chương trình bình luận nhằm cung cấp thông tin có chiều sâu tới công chúng", ông Lê Quang Minh phân tích.

Phó Trưởng Ban Thời sự của VTV đặc biệt lưu ý: "Để có được những chương trình bình luận kịp thời, hiệu quả, cũng cần có sự chủ động trong cung cấp thông tin của các cơ quan chức năng. Muốn bình luận được phải có thông tin. Bình luận không thể dựa vào những con số hay lập luận mơ hồ. Việc một số Bộ, ngành và địa phương, trong nhiều trường hợp, chưa thực sự cởi mở trong việc cung cấp thông tin cũng khiến cho ở nhiều thời điểm, các chương trình bình luận của chúng tôi chưa đạt được chất lượng như mong muốn".

Chia sẻ thêm về tầm quan trọng và hiệu quả lớn của việc các Bộ, ngành chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, ông Lê Quang Minh dẫn chứng: "Nhiều cơ quan này đã thành công khi chủ động cùng với báo chí định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Ví dụ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những chiến dịch cung cấp thông tin rất chủ động cho báo chí khi xây dựng Luật Quy hoạch và Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Bộ Giao thông vận tải trong việc thông qua Dự án sân bay Long Thành; Bộ Xây dựng trong khi làm luật Xây dựng và Luật kinh doanh Bất động sản; Ngân hàng Nhà nước trong quá trình triển khai tái cơ cấu ngân hàng thương mại và điều hành chính sách tiền tệ... .

Đặc biệt, khi đánh giá quá trình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, có nhiều ý kiến cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước mua lại một số ngân hàng thương mại yếu kém với giá 0 đồng mà không gây ra bất cứ một sự đổ vỡ nào, không xuất hiện tình trạng rút tiền ồ ạt của người dân... là một điều kỳ diệu. Đó là một nhận xét xác đáng cho thấy vai trò quyết định của việc chủ động định hướng dư luận thông qua các cơ quan báo chí".

 ----

Bên cạnh các chương trình đã có thương hiệu như Vấn đề hôm nay, Sự kiện & Bình luận, Đối thoại chính sách, VTV còn đang phát triển nhiều chương trình bình luận và giải thích chính sách trong từng lĩnh vực chuyên biệt, như Chính sách Kinh tế & Cuộc sống, Hội nhập, Nông thôn mới, Quốc hội với cử tri, Toàn cảnh thế giới, Lao động việc làm, Công nghệ và Đời sống, Câu chuyện văn hóa... với các hình thức thể hiện khác nhau".

Bình Minh

Infonet

Đài Tiếng nói Việt Nam với Tổng tuyển cử đầu tiên

Một ngày sau chương trình phát thanh đầu tiên, Tổng biên tập Đài TNVN họp bàn công bố Lệnh Tổng tuyển cử và thực hiện công tác tuyên truyền trên làn sóng.

Ngày 3/9/1945, một ngày sau lễ Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chủ tịch chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời, đề ra 6 vấn đề cấp bách của đất nước, trong đó “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền  ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, giồng giống.”

Ngày 8/9/1945, một ngày sau chương trình phát thanh đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) phát sóng, Tổng biên tập Trần Lâm họp bàn công bố Lệnh Tổng tuyển cử và thực hiện công tác tuyên truyền trên làn sóng.

Người dân đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội tại Hà Nội ngày 5/1/1946 (Ảnh tư liệu)

Ông nhấn mạnh: Mỗi một công dân cầm lá phiếu đầu tiên trên tay phải biết, phải hiểu và phải “ba chống” là chống giặc đói, chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm. Trong đó chống giặc dốt không ồn ào, nhưng vô cùng quyết liệt.

Ngày 10/4/1945, Bác Hồ ra lời kêu gọi chống thất học, nêu rõ: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh, nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ”.

Người nhấn mạnh: “Phụ nữ lại càng cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm, đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử.” Lời kêu gọi của Bác được phát nhiều lần trên làn sóng Đài TNVN.

Ông Trần Lâm và nhiều người làm việc tại Đài lúc bấy giờ sinh hoạt trong hội “Truyền bá Quốc ngữ” của cụ Nguyễn Văn Tố nên có nhiều sáng kiến tuyên truyền nhiệm vụ quan trọng và cấp bách này.

Bà Dương Thị Ngân, phát thanh viên đầu tiên của Đài từng kể lại là trong những ngày sôi động ấy rất muốn về cơ sở, nhưng cơ quan còn ít người, công việc quá nhiều nên loanh quanh trong phòng thu với bàn biên tập. Bà muốn nhin thấy bà con miền quê đêm đêm đốt đuốc đến lớp bình dân học vụ như các anh phóng viên kể lại. Nhưng nào có được, bởi bà là phát thanh viên nữ duy nhất.

Rồi một ngày đầu tháng 1/1946, ông Trần Lâm đi họp về, vẻ mặt quan trọng hỏi bà Ngân đã soạn xong chương trình chưa? Có những phần gì? Bà Ngân lúng túng, không biết thủ trưởng muốn kiểm tra hay phải thay chương trình.

Nhìn nữ phát thanh viên vân vê tà áo, ông Trần Lâm hiểu ra, cười khà: “Có gì đâu, chương trình trưa nay phải thay đổi một chút, rút bài bình luận ra, đưa bài này vào, quan trọng lắm đấy, cô phải đọc rõ ràng, mạch lạc, mềm, không được cương giọng. Để phần tin tôi đọc cho.”

Bình tĩnh, lướt qua bài báo, bà Ngân cất giọng: “Mời đồng bào nghe bài: “Ý nghĩa Tổng tuyển cử” của Cụ Hồ Chí Minh:

“Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử. Hễ là công dân đều là có quyền đi bầu cử. Không chia trai, gái, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó cho nên tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết. Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội, Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân.

Vậy nên khẩu hiệu cuộc Tổng tuyển cử thứ nhất của nước Việt Nam ta phải là:

Kháng chiến đến cùng để hoàn toàn độc lập

Ra sức phấn đấu để xây dựng nước nhà.

Tôi mong rằng toàn thể quốc dân sẽ hăng hái tham gia cuộc Tổng tuyển cử này.”

Bài báo giản dị, dễ hiểu mà sâu sắc của Bác được đọc nhiều lần trên làn sóng Đài phát thanh Quốc gia. Nhiều nơi, cán bộ tuyên truyền chép lại, đọc qua loa cầm tay.

Ông Nguyễn Văn Nhất, biên tập viên, phát thanh viên giọng nam đầu tiên của Đài kể lại: Càng gần đến ngày Tổng tuyển cử, cấp trên càng thúc giục Đài phải tuyên truyền rầm rộ hơn nữa, cụ thể hơn nữa, phải kêu gọi thiết thực để dân đi bầu càng nhiều, càng đông càng tốt. Chương trình nào cũng hô khẩu hiệu: “Mỗi lá phiếu là một viên gạch xây nền dân chủ, cộng hòa”, “Mỗi lá phiếu là một viên đạn bắn thẳng vào đầu giặc.”

Ngày 5/1, ông Nguyễn Văn Nhất soạn chương trình, nêu khẩu hiệu thiết thực, giục giã: “Ngày mai, mọi nam phụ lão ấu hãy đi bỏ phiếu.”

Duyệt chương trình, ông Trần Lâm cho rằng dùng từ “hãy” có vẻ ra lệnh quá, không khiêm nhường, nên sửa lại là: “Ngày mai, mọi người, già trẻ gái trai rủ nhau cùng đi bỏ phiếu”.

Ông Nguyễn Văn Nhất được phân công viết bài bình luận hô hào toàn dân đi bỏ phiếu theo yêu cầu ngắn gọn, thiết thực, dễ hiểu, nhưng phải cuốn hút.

Ông Nhất tâm sự: thủ trưởng chỉ đạo như vậy, nhưng người thực hiện mới thật sự khó. Đặt bút xuống là tuôn ra những lời hô hào sáo rỗng, chung chung.

Đang loay hoay thì Tổng biên tập Trần Lâm đi họp về, mang theo lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu của Hồ Chủ tịch.

Vậy là chương trình thời sự chiều 5/1/1946 ông Nguyễn Văn Nhất và bà Dương Thị Ngân thay nhau đọc nhiều lần lời kêu gọi của Bác:

“Ngày mai mùng 6 tháng giêng năm 1946.

Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ.

Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình.

Ngày mai dân ta sẽ tỏ cho các chiến sỹ ở miền Nam rằng: về mặt quân sự thì các chiến sỹ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn.

Ngày mai quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng: Dân Việt Nam ta đã:

Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ

Kiên quyết chống bọn thực dân

Kiên quyết tranh quyền độc lập

Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho dân mình, và gánh vác việc nước.

Ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên có người được cử, có người không được cử.

Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: vì lợi nước quên lợi nhà, vì lợi chung quên lợi riêng.

Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc.

Người không trúng cử cũng không nên ngả lòng. Mình đã tỏ lòng hăng hái với nước, với dân thì phải luôn luôn giữ lòng hăng hái đó. Ở trong Quốc hội hay ở ngoài Quốc hội, mình cũng cứ ra sức giúp ích nước nhà. Lần này không được cử, ta cố gắng làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta, thì lần sau quốc dân nhất định cử ta.

Ngày mai, tất cả các bạn cử tri đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai mọi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”

Cũng ngày 5/1, trong buổi lễ ra mắt ứng cử viên tổ chức tại Việt Nam đại học xá (nay là trường Đại học Bách khoa Hà Nội) Bác Hồ nói: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”.

Trước đó, tại Hà Nội, 118 chủ tịch các Ủy ban Nhân dân và tất cả đại biểu các giới, làng xã công bố một bản kiến nghị yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh được miễn phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới, vì Cụ được toàn dân suy tôn làm Chủ tịch vĩnh viễn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đáp lại nguyện vọng tha thiết của đồng bào, Hồ Chủ tịch đã gửi thư cho nhân dân ngoại thành Hà Nội. Bức thư được phát trên sóng Đài TNVN ngày 15/12/1945. Bức thư có đoạn: “Tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ứng cử ở thành phố Hà Nội, nên không thể ra ứng cử nơi nào khác nữa”.

7h ngày 6/1/1946, tiếng chuông từ các nhà thờ, nhà chùa ngân vang, tiếng trống giục giã, tiếng pháo nổ giòn, kéo dài mươi, mười lăm phút, mở đầu cuộc bỏ phiếu. Bác Hồ đi bầu đại biểu Quốc hội tại hòm phiếu đặt ở nhà số 10 phố Hàng Vôi. Sau khi làm xong nghĩa vụ công dân, Bác đi thăm một số khu vực bỏ phiếu ở Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê, làng Hồ Khẩu và Ô Đông Mác.

Ở đâu Bác cũng nói chuyện thân mật vui vẻ với cử tri. Các phóng viên ảnh đã chụp được những bức ảnh quý hiếm về Bác Hồ trong ngày Tổng tuyển cử đầu tiên. Còn phóng viên nhà Đài tiếc ngẩn ngơ, vì không thu được tiếng nói của Bác với cử tri. Bởi lúc ấy Đài Quốc gia chưa có máy ghi âm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất: 98,4%.

Trong 133 đại biểu Quốc hội đầu tiên có 7 vị thuộc lớp người đầu tiên xây nền đắp móng cho Đài Phát thanh Quốc gia và ngành phát thanh cả nước. 

Đó là ông Trần Kim Xuyến, nhà thơ Cù Huy Cận, Xuân Diệu; nhà văn, nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi; nhà báo, nhà văn Nguyễn Văn Nguyễn; nhà sử học Trần Huy Liệu và nhà hoạt động xã hội Huỳnh Văn Tiểng./.

Nguồn: Vĩnh Trà/vov.vn

Bắt giữ nghi can chủ mưu vụ truy sát Nhà báo

Thông tin từ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, đơn vị này đã bắt giữ Phạm Anh Huy, nghi can chủ mưu trong vụ truy sát Nhà báo Nguyễn Ngọc Quang.

Cụ thể, sáng 4/1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) – Công an tỉnh Thái Nguyên đã bắt được Phạm Anh Huy (24 tuổi, trú tại xóm Ngò, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Phạm Anh Huy là nghi can chủ mưu trong vụ truy sát Nhà báo Nguyễn Ngọc Quang – Phó Trưởng phòng Thời sự, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thái Nguyên hồi tháng 9/2015.

Chu Văn Thế tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Thái Nguyên.(Ảnh: Đài NPT-TH Thái Nguyên).

Huy bị bắt giữ vào ngày 2/1/2016 khi đang lẩn trốn tại một bệnh viện tâm thần trên địa bàn Hà Nội.

Liên quan đến vụ án, ngày 19/9/2015, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên cũng đã bắt giữ Chu Văn Thế (24 tuổi, trú xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang) và Dương Nghĩa Hậu (22 tuổi, trú ở xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Cả hai đều là nghi phạm hành hung Nhà báo Nguyễn Ngọc Quang.

Phạm Anh Huy là đối tượng bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên phát lệnh truy nã toàn quốc ngay sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 nghi can trực tiếp ra tay hành hung đối với Nhà báo Nguyễn Ngọc Quang hồi 30/9/2015.

Trước đó, sáng 4/9, có hai đối tượng đi xe máy che kín biển kiểm soát, đeo khẩu trang bám theo xe của Nhà báo Nguyễn Ngọc Quang. Đến khu vực cầu Gia Bảy (thuộc phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên), hai đối tượng đã ép xe ô tô của Nhà báo Quang vào lề đường. Ngay lập tức, 1 tên dùng búa đập vỡ cửa kính bên phía tay lái, tên còn lại dùng dao chém anh Quang. Hoảng loạn, anh Quang cùng vợ mở cửa tháo chạy nhưng vẫn bị bọn chúng đuổi theo, chém nhiều nhát vào vai, tay, thắt lưng.

Được biết, Huy từng có thời gian công tác tại Công an huyện Định Hóa, Thái Nguyên. Do vi phạm một số quy định của ngành nên đã viết đơn xin ra khỏi ngành.

Nguồn: Trần Linh/congluan.vn

Cả nước có trên 18.000 nhà báo được cấp thẻ

Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2015 của Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016 vừa được tổ chức mới đây cho biết.

Ảnh minh họa: Internet

Về báo chí in: Hiện cả nước có 857 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo chí in (86 báo trung ương, 113 báo địa phương), 658 tạp chí (521 tạp chí trung ương, 137 tạp chí địa phương), 01 hãng thông tấn quốc gia. 

Năm 2015, số lượng cơ quan báo chí in tăng 12 cơ quan, chủ yếu là các tạp chí nghiên cứu khoa học chuyên ngành của các trường đại học. Nhiều cơ quan báo chí đã ra báo điện tử hoặc trang thông tin điện tử tổng hợp nhằm phục vụ nhu cầu thông tin nhanh của công chúng. Trong 5 năm (2011-2015), số lượng cơ quan báo chí tăng 71 cơ quan (05 báo, 66 tạp chí).

Về báo chí điện tử: Hiện cả nước có 105 báo, tạp chí điện tử (tăng 7 báo so với năm 2014). Trong đó có 83 báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo chí in và 22 báo, tạp chí điện tử độc lập. Tổng số trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí được cấp phép là 248. 5 năm qua, số lượng cơ quan báo chí điện tử tăng 44 cơ quan.
 
Về phát thanh, truyền hình (PTTH): Hiện cả nước có 67 đài PTTH (02 đài quốc gia là Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC trước đây thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, nay đã  chuyển sang trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam; 64 đài địa phương). 

Số kênh chương trình PTTH quảng bá là 183 kênh, với 106 kênh chương trình truyền hình quảng bá, 77 kênh chương trình phát thanh quảng bá (năm 2015 cấp mới kênh FM cảm xúc và kênh Tiếng Anh 24/7; cấp mới 01 kênh truyền hình quảng bá, kênh Giáo dục - VTV7, cho Đài Truyền hình Việt Nam); 75 kênh chương trình truyền hình trả tiền.
 
Trong giai đoạn 2011-2015, một số đơn vị mới tham gia hoạt động truyền hình, đánh dấu sự phát triển của truyền hình trong xu thế hội tụ và sử dụng chung hạ tầng, là các đơn vị: Đài Tiếng nói Việt Nam (Kênh Truyền hình VOV TV, Kênh Truyền hình Quốc hội); Trung tâm PTTH, Điện ảnh Công an nhân dân của Bộ Công an (Kênh Truyền hình ANTV); Trung tâm Truyền hình thông tấn - TTXVN (Kênh VNews); Trung tâm PTTH Quân đội (Kênh Truyền hình Quốc phòng); Báo Nhân dân (Kênh Truyền hình Nhân dân).
 
Về tình hình tài chính của các cơ quan báo chí: Hiện có 300/857 cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Khối cơ quan báo Đảng phần lớn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Báo của các bộ, ngành và các tổ chức đoàn thể phần lớn tự hạch toán, tiếp tục gặp nhiều khó khăn. 

Khối tạp chí của các viện nghiên cứu cơ bản được bù lỗ; khối tạp chí giải trí mặc dù cân đối được thu chi nhưng lượng quảng cáo và lượng phát hành tiếp tục giảm. Một số cơ quan báo chí có doanh thu cao trước đây (Tuổi trẻ TP.HCM, Thanh Niên, Bóng đá, các báo ngành Công an...) năm qua tiếp tục sụt giảm doanh thu đáng kể. 

Nhiều cơ quan báo chí in đã xin ra báo điện tử, trang tin điện tử tổng hợp để thu hút công chúng, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của thông tin. Trước xu hướng tăng nhanh số người sử dụng internet và truyền thông xã hội, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, quảng cáo trên báo điện tử vẫn tăng trưởng chậm, phần lớn quảng cáo chỉ tập trung ở một số báo điện tử có số lượng người truy cập lớn.
 
Trong lĩnh vực PTTH, nhờ có sự đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình, mở rộng hoạt động hợp tác, liên kết, nguồn thu của nhiều đài phát thanh, truyền hình cơ bản tăng hơn so với các năm trước. 

Tổng doanh thu 2015 (trước thuế) tính đến ngày 30/11/2015 của toàn ngành PTTH là 11,1 nghìn tỷ đồng (năm 2012 là 8,5 nghìn tỷ đồng; năm 2013 là 9,9 nghìn tỷ đồng; năm 2014 là 10,3 nghìn tỷ đồng). 

Đáng lưu ý, doanh thu quảng cáo trên tổng doanh thu của các đài PTTH vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn  (đài THVN: 4373/4962 tỷ đồng; đài PTTH Vĩnh Long: 1700/1854 tỷ đồng; đài TH TPHCM: 1442/1950; đài PTTH Hải Phòng: 125/131…).
 
Đến nay, trong số 67 đài PTTH cả nước, đã có 10 đài PTTH, đài truyền hình thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính: đài PTTH Vĩnh Long tự chủ từ năm 2002; đài PTTH Hà Nội (2003); đài Truyền hình Việt Nam (2005); đài truyền hình TP.HCM (2006); đài PTTH Khánh Hòa (2007); đài PTTH Đồng Nai (2008); đài PTTH Hải Phòng và đài PTTH Kiên Giang (2009); đài PTTH Bình Dương (2012); đài PTTH An Giang và đài PTTH Đồng Tháp (2013). 
 
Về đội ngũ cán bộ, phóng viên và nguồn nhân lực báo chí: Cả nước có trên 18.000 nhà báo được cấp thẻ (tăng 1500 người so với năm 2011) và khoảng trên 5.000 phóng viên đang làm việc tại các cơ quan báo chí, nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo. Số người làm việc trong lĩnh vực báo chí khoảng trên 35.000  người (tăng trên 3.000 người so với năm 2011). 

Phần lớn số người làm việc trong lĩnh vực báo chí đều có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Năm 2011, tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học là 88% và trên đại học là 5%. Đến năm 2015, tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học là khoảng 94% và trên đại học là 5,5%. Số liệu trên cho thấy chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực báo chí đang có những chuyển biến tích cực.

Nguồn: MIC

Phát sóng loạt chương trình truyền hình về các dân tộc rất ít người ở VN trên VTC1

(ICTPress) - Các chương trình truyền hình tuyên truyền về các dân tộc rất ít người ở VN sẽ được phát sóng trên kênh VTC1 của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC vào 20h45 phút vào thứ Bảy hàng tuần. Đây là thông tin được Bộ TT&TT chính thức thông báo tại buổi Họp báo chiều nay 30/12/2015.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi Họp báo

Theo đó, các chương trình sẽ bắt đầu phát sóng từ ngày 2/1/2016, phát lại ở các kênh khác của Đài Truyền hình VTC, kênh VTV5 của Đài Truyền hình Việt Nam và các kênh, các đài truyền hình khác.

Loạt chương trình truyền hình về chủ đề nêu trên gồm 18 tập, mỗi tập có thời lượng 30 phút. Trong đó 16 tập đầu, mỗi tập tuyên truyền về một dân tộc (Lô Lô, Pà Thẻ, Pu Péo, Cờ Lao, Bố Y, Phù Lá, Lự, Mảng, Si La, Cống, La Ha, Ơ Đu, Chứt, Rơ Măm, Brâu); hai tập cuối, một tập đề cập đến những giá trị cốt lõi về văn hóa của các dân tộc rất ít người và một tập có chủ đề về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển đối với các dân tộc rất ít người.

Với sự hỗ trợ tích cực của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và sự giúp đỡ nhiệt tình của các cơ quan chức năng ở trung ương, các địa phương và các dân tộc rất ít người, đơn vị sản xuất chương trình đã vượt lên những khó khăn, chọn cách tiếp cận văn hóa (khắc họa cuộc sống của những cộng đồng dân tộc rất ít người từ góc độ văn hóa). Với cách tiếp cận này, những khó khăn, vất vả của một số dân tộc rất ít người được ghi nhận như là một lối sống đã duy trì từ nhiều đời nay, gắn với những tập tục, những quan niệm tâm linh, những giá trị bền vững… mà với cuộc sống đó, đồng bào dân tộc rất ít người cảm thấy rằng, họ mới là chính mình! Bởi thế, quan điểm được thể hiện trong các chương trình là tôn trọng cái riêng, sự khác biệt của dân tộc rất ít người.

Qua các chương trình truyền hình tuyên truyền về các dân tộc rất ít người lần này, khán giả xem truyền hình cũng sẽ thấy những vấn đề đang nổi lên, đó là sự tác động từ môi trường bên ngoài đã làm biến đổi nhiều thứ, trong đó có đời sống, thì nhiều phong tục, tập quán, quan niệm đã bị mai một. Các chương trình có nhiều biệt lập ở giữa rừng sâu, qua đó khán giả sẽ được chứng kiến nhiều câu chuyện lạ, kỳ bí, hấp dẫn; đồng thời cũng sẽ có những trăn trở, tiếc nuối trước những gì mà các dân tộc rất ít người đã tự đánh mất đi, rất khó hoặc không còn khả năng để khôi phục.

Khán giả truyền hình cũng sẽ thấy sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các dân tộc, và ngay cả giữa các dân tộc rất ít người. Có những mâu thuẫn lớn, phức tạp đang đặt ra và có nguy cơ ngày càng sâu sắc hơn, đó là mâu thuẫn giữa sự phát triển và bảo tồn, giữa sự hội nhập với thế giới bên ngoài và giữ gìn những bản sắc truyền thống.

Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC cho biết quá trình sản xuất các chương trình truyền hình nêu trên đã gặp không ít khó khăn. Địa bàn sản xuất ở vùng sâu, xa nên những người làm chương trình đã phải tác nghiệp trong điều kiện địa hiểm trở, thậm chí là nguy hiểm; đòi hỏi người làm chương trình cần đầu tư nhiều thời gian, công sức để có thể ghi nhận một cách chân thực cuộc sống, tập quán của từng dân tộc. Nhưng khó khăn lớn nhất đối với những người làm chương trình là hiện còn rất ít dân tộc lưu giữ được nguồn tư liệu cổ về những nét đặc trưng văn hóa, tập quán của mình. Các nghiên cứu về dân tộc rất ít người ở Việt Nam chưa nhiều, nằm rải rác, chưa được hệ thống; một số nghiên cứu đã được tiến hành cách đây nhiều năm, nay có sự khác biệt so với thực tế, nhưng không có điều kiện để điều chỉnh, thậm chí có những thông tin mâu thuẫn với nhau. Trong một số câu chuyện đã được lưu truyền, không có sự hỗ trợ của luận cứ khoa học và thực tiễn chứng minh.

Được biết loạt chương trình chuẩn bị phát sóng phục vụ đông đảo khán giả xem truyền hình cả nước được thực hiện sau hơn 2 năm chuẩn bị và tổ chức sản xuất. Hội đồng thẩm định gồm nhiều chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến từ xây dựng kịch bản loạt chương trình đến từng tập của chương trình.

Họp báo phát sóng chương trình

Phát biểu tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn tin rằng 18 chương trình truyền hình sắp phát sóng sẽ góp thêm thông tin, tư liệu quý, có tính hệ thống về những dân tộc rất ít người. Đồng thời, các chương trình này sẽ góp phần vào tuyên truyền những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về việc quan tâm, hỗ trợ các dân tộc rất ít người và kêu gọi sự giúp đỡ của xã hội để các dân tộc rất ít người hội nhập, phát triển trong cộng đồng các dân tộc VN.

 HM

Các cơ quan báo chí rà soát, kiểm tra thực hiện tôn chỉ, mục đích

(ICTPress) - Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ 2016 đã diễn ra hôm nay 30/12.

Hội nghị đánh giá, năm 2015 và 5 năm thực hiện nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý nhà nước về báo chí; chủ động xây dựng đề án, kế hoạch; phối hợp với các cấp, ngành, địa phương trong việc cung cấp thông tin cho báo chí về các sự kiện lớn, các vấn đề quan trọng của đất nước. Các cơ quan báo chí đã tích cực triển khai nhiệm vụ chính trị của mình, thông tin kịp thời, đầy đủ diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội đất nước, tình hình quốc tế; tích cực tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương khóa XI, các Nghị quyết và hoạt động của Quốc hội, Chính phủ.

Đặc biệt, trong năm 2015, các cơ quan báo chí đã tích cực tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng; làm tốt công tác tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Báo chí tích cực tuyên truyền việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chi Minh” gắn với việc thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”... Nhiều cơ quan báo chí tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phản bác quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị; quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa, thành tựu đổi mới của Việt Nam với bạn bè quốc tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin đối ngoại.

Các báo cáo, tham luận tại Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, tồn tại của hoạt động báo chí trong năm 2015 và những năm qua: tình trạng thông tin không chuẩn xác, thiếu nhạy cảm chính trị vẫn diễn ra; khuynh hướng giật gân, câu khách chưa được khắc phục cơ bản; không ít cơ quan báo chí thiếu quan tâm phản ánh các thông tin tích cực, biểu dương người tốt, việc tốt, có khuynh hướng khai thác nhiều các thông tin tiêu cực, mặt trái xã hội; vi phạm bản quyền diễn biến phức tạp; hoạt động liên kết, xã hội hóa, nhất là trong lĩnh vực truyền hình, chưa được quản lý chặt chẽ, cho ra đời những sản phẩm kém chất lượng.

Vẫn còn cơ quan chủ quản chưa thực sự quan tâm, chăm lo các cơ quan báo chí thuộc phạm vi phụ trách. Một số cán bộ, phóng viên báo chí thiếu ý thức học tập nâng cao nhận thức chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, có những hành vi trái với quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Nhiều cơ quan báo chí chưa tích cực tham gia đấu tranh chống thông tin, quan điểm sai trái... 

Phát biểu tại Hội nghị Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã nhấn mạnh: “Trong năm 2016, Nhà nước cần có cơ chế tài chính, đào tạo đội ngũ để tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần tuý, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí”.

Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu tại Hội nghị

Đánh giá các công tác báo chí năm 2015 tại Hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, kết quả, ưu điểm, thành tích mà các cơ quan báo chí đạt được. Đồng thời đề nghị các cơ quan báo chí nghiêm túc tự phê bình, phê bình về những hạn chế, thiếu sót trong thời gian qua.

Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: “Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cần tạo ra sự chuyển biến thực sự mạnh mẽ về mọi mặt, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Để đạt mục tiêu trên, cùng với cả hệ thống chính trị, công tác báo chí cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, nhất là tuyên truyền cao điểm Đại hội XII của Đảng (công tác chuẩn bị của các cấp, các ngành và toàn Đảng nhằm bảo đảm cho Đại hội thành công; không khí phấn khởi, tin tưởng và nguyện vọng của cán bộ, Đảng viên, các tầng lớp nhân dân hướng về Đại hội)".

Cũng theo đồng chí Đinh Thế Huynh, “các cơ quan báo chí cần tích cực tuyên truyền nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016; tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam; tuyên truyền về hoạt động bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2020”.

Đồng chí Đinh Thế Huynh cũng chỉ đạo trong năm tới, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và cơ quan chủ quản báo chí phải thực hiện tốt hơn công tác rà soát, kiểm tra việc thực hiện định hướng chính trị, tư tưởng, tôn chỉ, mục đích của các cơ quan bá chí; Xử lý kiên quyết các trường hợp sai phạm; Tích cực triển khai Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bổ sung chính sách, pháp luật và sửa đổi Luật Báo chí, tạo điều kiện cho báo chí hoạt động thuận lợi hơn về mọi mặt, cũng như đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn đời sống báo chí.

Tại Hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh đã trao tặng Bằng Khen cho 20 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền báo chí năm 2015, gồm: Ban Xây dựng Đảng, Báo Nhân Dân; Chuyên mục Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản; Phòng Chính trị, Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam; Hệ Thời sự Chính trị tổng hợp, Đài Tiếng nói Việt Nam; Ban Biên tập tin trong nước, Thông tấn xã Việt Nam;

Chuyên mục “Làm thất bại chiến lược diễn biến hòa bình”, Báo Quân đội nhân dân; Phòng Nghiên cứu - Biên tập chính trị, Tạp chí Quốc phòng toàn dân; Ban Biên tập Thời sự - Chính trị - Nghiệp vụ, Báo Công an nhân dân; Chuyên mục Xây dựng Đảng, Báo Hà Nội mới; Chuyên mục Làm theo gương Bác, Báo Sài Gòn Giải Phóng;

Chuyên đề Thời sự Chính trị, Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM; Chuyên trang Người lính, Báo Tiền phong; Chuyên trang Thanh niên và giáo dục, Báo Thanh Niên; Chuyên đề Kinh tế hội nhập, Báo Tuổi Trẻ TP.HCM; Ban Thời sự Kinh tế, Báo Công Thương;

Ban Đầu tư, báo Đầu tư; Phòng Nội chính - Xây dựng Đảng, Báo Quảng Trị; Phòng Thời sự, Đài PTTH Bình Dương; Phòng Thời sự Chính trị, Đài PTTH Thanh Hóa; Chuyên đề Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Báo Cà Mau.

 HM

Truyền thông thế giới 2015: Vẫn những câu chuyện cũ!

Năm 2015, sẽ là không quá lời khi nói rằng đây là năm buồn tẻ của làng truyền thông thế giới. Những sự kiện truyền thông “nóng” nhất trong năm, thực chất, vẫn mang dáng vẻ của những câu chuyện đã rất cũ: truyền thông xã hội tiếp tục “lũng đoạn”, báo giấy ngày càng suy thoái, tính mạng người làm báo bị đe dọa, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo ngày càng đáng báo động…

Truyền thông thế giới 2015

Số nhà báo bị bắt cóc gia tăng đột biến

Câu chuyện bảo vệ tính mạng các nhà báo đã được bàn thảo từ rất lâu nhưng thật đáng buồn là cho tới nay, vẫn chưa có một giải pháp hữu hiệu nào được đưa ra. Phát biểu nhân ngày Quốc tế bảo vệ các nhà báo 2/11/2015, TTK LHQ Ban Ki-moon cũng phải thừa nhận chỉ có 7% số vụ sát hại nhà báo được xử lý. Trong khi đó, số lượng nhà báo thiệt mạng, bị thương khi đang tác nghiệp hàng năm vẫn không ngừng gia tăng.

Trong vài năm trở lại đây, khi nhóm Nhà nước Hồi giáo IS hoành hành, các vụ nhà báo bị lực lượng khủng bố này bắt cóc rồi giết hại một cách vô cùng dã man liên tục xảy ra. Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) ngày 15/12 công bố báo cáo thường niên cho thấy số các nhà báo bị bắt cóc trong năm 2015 đã gia tăng đột biến. Trong năm 2015, có tới 54 nhà báo bị bắt làm con tin, tăng 35% so với năm ngoái. Syria là quốc gia có số lượng lớn nhất các nhà báo rơi vào tay các đối tượng có quan điểm cực đoan hoặc các tổ chức tội phạm, với 26 người.

Tổng thư ký RSF Christophe Deloire khẳng định “vấn nạn bắt cóc các nhà báo đang ngày càng gia tăng tại các khu vực xung đột”. Chỉ riêng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bắt cóc tới 18 phóng viên, chủ yếu tại Syria và Iraq.

Gây rúng động nhất làng báo quốc tế trong năm 2015 vừa qua là vụ IS xả súng tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo ngày 7/1 làm 12 người trong tòa soạn này thiệt mạng. Tờ báo hàng đầu của Pháp Le Monde đã ví vụ tấn công như một vụ “11-9 của nước Pháp”. Hơn 20 ngày sau, ngày 31/1/2015, cả nước Nhật một lần nữa sốc, đau đớn và phẫn nộ khi IS tung lên mạng đoạn video quay cảnh hành quyết nhà báo Kenji Goto.

Trước những quan ngại về các hành động bạo lực thường xuyên diễn ra đối với các nhà báo đưa tin về các cuộc xung đột vũ trang, Hội đồng Bảo an LHQ ngày 27/5 đã đồng thuận thông qua nghị quyết lên án các hành động bạo lực chống lại các nhà báo, đồng thời lấy làm tiếc khi chưa có những biện pháp trừng phạt thích đáng đối với các hành động đó.

Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thực hiện những bước đi đúng đắn để bảo đảm tính trách nhiệm đối với các hình thức tội phạm chống lại các nhà báo và các chuyên gia truyền thông trong các cuộc xung đột. Trước đó, ngày 13/2/2015, Tổ chức Bảo vệ tự do báo chí quốc tế đã công bố “Lời kêu gọi xây dựng các nguyên tắc và quy định an toàn toàn cầu” với những hướng dẫn mới về việc bảo vệ các cộng tác viên và nhà báo tự do sau hàng loạt vụ bắt cóc giết người tại một số vùng xung đột.

Nhưng từ lời kêu gọi đến hiện thực là quãng đường xa ngái. Máu của người làm báo vẫn không ngừng đổ xuống. Nhiều nhà báo chiến trường đành phải thú nhận rằng, giờ đây họ nản lòng và chùn bước trước việc tác nghiệp tại các “điểm nóng”.

Đạo đức nghề nghiệp – những câu chuyện tồi tệ

Một tờ báo phương Tây đã nói rằng năm 2015 là năm của những câu chuyện báo chí tồi tệ khi có quá nhiều những scandal liên quan đến việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp của những người làm truyền thông trên khắp thế giới. Tháng 3, làng truyền thông thế giới ồn ã trước việc ban tổ chức cuộc thi Ảnh báo chí thế giới World Press Photo (WPP) lần thứ 58 (năm 2014) quyết định tước giải Vấn đề đương đại của bộ ảnh “Dark Heart of Europe” (tạm dịch “Trái tim đen tối của châu Âu”), tác giả Giovanni Troilo người Italia vì bộ ảnh đã được dàn dựng, điều đó đồng nghĩa với việc vi phạm vào thuộc tính chân thực cần phải có của ảnh báo chí.

Tháng 4, tờ tạp chí âm nhạc nổi tiếng của Mỹ Rolling Stone đã phải xin lỗi và rút lại bài báo viết về vụ cưỡng hiếp tập thể ở ĐH Virginia được tờ tạp chí này đăng tải trong số báo ra tháng 11/2014 với lý do “đã có những thông tin không khớp trong câu chuyện”. Dư luận chỉ trích Rolling Stone cho rằng “không khớp” không hoàn toàn chính xác trong trường hợp này, đúng ra là phải chỉ thẳng ra rằng bài báo này hoàn toàn chỉ là “sản phẩm của trí tưởng tượng”.

Hãng tin Anh BBC ngày 3/6 đã phải xin lỗi và tiến hành điều tra nội bộ sau khi một phóng viên đăng lên tài khoản Twitter thông tin Nữ hoàng Elizabeth II… qua đời. Tháng 9, làng truyền thông lại một lần nữa tranh cãi ồn ào bởi “một cú ngáng chân”. Đoạn video ghi lại giây phút Petra Lazlo- nữ phóng viên đài truyền hình N1TV của Hungary- tay cầm camera, chân ngáng vào một người cha di cư đang bế con trai chạy trốn cảnh sát gần biên giới giữa Hungary và Serbia khiến họ ngã chúi đầu xuống đất, đã khiến dư luận lên tiếng chỉ trích đó là hành vi tác nghiệp bất chấp, thiếu tình người. Trước phản ứng của dư luận, Đài N1TV đã ngay lập tức phải ra thông cáo về vụ việc đồng thời buộc phải ra quyết định sa thải Petra Laszlo…

Ngày 2/10/2015, tạp chí Thụy Sĩ (Schweiz Magazin) cho biết qua thăm dò dư luận, 60% số người Mỹ hiện không tin truyền thông. Dư luận nghi ngại đặt câu hỏi: phải chăng, cuộc khủng hoảng niềm tin đối với truyền thông đang gia tăng hiện nay chính là sự tỉ lệ thuận với những scandal vi phạm đạo đức nghề nghiệp? Và như vậy, rõ ràng, những người làm truyền thông, chẳng thể trách ai ngoài chính bản thân mình.

Mạng xã hội- vẫn là “ông vua” khuynh đảo truyền thông toàn cầu

Năm 2015 tiếp tục là năm thống lĩnh và khuynh đảo làng truyền thông toàn cầu của mạng xã hội, trong đó chứng tỏ sức mạnh vượt trội là Facebook. Đến nay, Facebook đã có 1,55 tỷ người sử dụng tích cực hàng tháng với tổng doanh thu lên tới 4,50 tỷ USD. Cả doanh thu lẫn lợi nhuận của Facebook đều tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu quảng cáo được dự kiến ​​sẽ tăng đến 2,8 tỷ USD vào năm 2017.

Hầu hết các sự kiện nóng nhất trong năm đều là dịp để mạng xã hội này chứng tỏ sức mạnh vượt trội của mình so với các loại hình truyền thông khác. Vụ khủng bố nhắm vào người dân Paris đêm 13/11 là một ví dụ. Hầu như tất cả các cơ quan truyền thông trên thế giới đều đồng loạt dốc sức bước vào “cuộc đua” thông tin về sự kiện nóng bỏng này. Tuy nhiên, dù có “tăng tốc” đến mấy, báo in và truyền hình cũng không thể “địch nổi” với Facebook cả về độ cập nhật lẫn tính chất phong phú của thông tin. Nhiều tờ báo lớn của Pháp và thế giới thậm chí đã phải dẫn lại những thông tin được người dùng cập nhật, chia sẻ trên mạng xã hội về vụ khủng bố.

Nhiều hãng tin sử dụng chính tài khoản Facebook, Twitter… của mình để chia sẻ trực tiếp về vụ việc hay như một cổng giao tiếp để tiếp nhận thông tin trực tiếp từ những người dùng mạng xã hội khác có mặt tại hiện trường. Không chỉ dừng lại ở việc cập nhật tin tức, mạng xã hội còn chứng tỏ lợi thế riêng biệt mà không một phương tiện truyền thông nào có được là tạo ra ứng dụng Safety Check và là nơi để người người bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ những người dân Paris.

Trong nỗi đau thương gây nên bởi tội ác man rợ của chủ nghĩa khủng bố, nhờ sự kết nối của mạng xã hội, người dân trên toàn cầu sát cánh gần nhau hơn. Bên cạnh đó, nhiều năm trở lại đây, “mạng xã hội” đã trở thành vũ khí tranh cử hữu dụng. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 là minh chứng. Mạng xã hội đã trở thành một trong những phương thức hữu hiệu để tăng khả năng nhận diện thương hiệu và tìm kiếm sự hậu thuẫn.

Không bằng lòng với những “chiến tích” huy hoàng đã đạt được. Trong năm 2015 vừa qua, “Ông vua” của mạng xã hội toàn cầu liên tục gia tăng sức ảnh hưởng, trong đó đáng chú ý nhất là việc liên tiếp tiến hành các cuộc tấn công “tổng lực” vào báo chí. Được chính thức tung ra từ ngày 13/5/2015, dự án Instant Articles – đọc báo tức thì của Facebook – ngay lập tức khiến làng báo in thế giới sôi động.

Điểm mới và cũng là điểm ưu việt nhất của Instant Articles là dịch vụ này sẽ “bắn” tin tức đến di động của người dùng, hiển thị chúng nhiều hơn, nhanh hơn và cho tương tác, thay vì hiển thị rất hạn chế trên News Feed như hiện nay. Ngoài ra, chỉ những bản tin được các hãng tin chọn lọc mới xuất hiện, không phải tất cả. Điểm quan trọng nữa là Instant Articles sẽ khắc phục triệt để những bức bối của người dùng khi phải chờ đợi một bài báo được tải xuống sau khi nhấp vào một liên kết trong bảng tin của Facebook.

Instant Articles sẽ giúp tải những tin tức mới về ứng dụng di động Facebook nhanh hơn 10 lần so với hầu hết các bài báo đăng trên nền web di động. Chính vì vậy, dù không khỏi lo ngại Instant Articles có thể tác động đến doanh thu bán quảng cáo của báo và việc xuất bản trên Facebook khiến lượt truy cập trên website gốc bị giảm đi, các cơ quan truyền thông danh tiếng vẫn phải lần lượt bắt tay với mạng xã hội này.

Báo giấy- loay hoay trong khoảnh đất hẹp

Trước thái độ ngày càng lạnh nhạt của độc giả, sự tấn công ngày càng khốc liệt của mạng xã hội, để tồn tại, báo giấy chỉ còn cách là loay hoay trong khoảnh đất hẹp và “nương” theo sức mạnh của truyền thông xã hội như việc bắt tay với Facebook với ứng dụng Instant Articles. Đây thực sự là sự chuyển biến cơ bản “về chất” khi chỉ cách đây vài năm, giới nghiên cứu truyền thông còn khẳng định báo chí và mạng xã hội là mối quan hệ mang tính phụ thuộc, dè chừng thì nay, chính họ lại cho rằng mối quan hệ đó đang chuyển mạnh sang hình thức hợp tác, đôi bên cùng có lợi.

Sự hợp tác là không thể khác. Kết quả từ cuộc điều tra Xu hướng Báo chí Thế giới (World Press Trends) thường niên được Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản tin tức (WAN-IFRA) công bố ngày 1/6/2015, cho thấy lần đầu tiên trong thế kỷ này, doanh thu từ phát hành báo chí thế giới đã vượt qua doanh thu từ quảng cáo trên báo chí. Ông Larry Kilman, Tổng thư ký (TTK) WAN-IFRA, đã mừng rỡ khẳng định: “Đây là một sự chuyển dịch chấn động”.

Tuy nhiên, những người thận trọng đã nhanh chóng nhận ra rằng thực chất sự dịch chuyển này không quá chấn động hay đáng mừng như ông TTK nói. Theo số liệu của WAN-IFRA, hiện có khoảng 2,7 tỷ người trên thế giới đọc báo giấy. Tuy nhiên, phần đa trong số này đến từ châu Á, trong đó chủ yếu từ Ấn Độ. Và lý do lý giải vì sao báo giấy vẫn thịnh hành đến thế tại quốc gia Nam Á là sự… thiếu thốn trong điều kiện sống của người dân. Những người nông dân ở những bang nông nghiệp nghèo, càng ở vùng sâu, vùng xa càng thích đọc báo giấy vì họ… không tiếp cận được máy tính và điện thoại thông minh (smartphone) có kết nối Internet.

Còn tại những nơi mà điện thoại thông minh đã trở thành người bạn đồng hành không thể xa rời của người dân thì “cuộc sống” của báo giấy vẫn trong cảnh ngày càng chật vật. Không cần chỉ ra những con số, chỉ cần chứng kiến hàng loạt tờ báo phải trong cảnh “mua đi bán lại”, hợp nhất hay sa thải nhân sự cũng có thể thấy rõ thực trạng đáng buồn của báo giấy.

Cách đây hơn hai năm, Dame Marjorie Scardino- một quan chức cao cấp của Pearson từng mạnh miệng tuyên bố rằng Financial Times sẽ chỉ bị bán “nếu bước qua xác tôi”. Ngày 23/7, Nikkei Inc- tập đoàn truyền thông- xuất bản lớn nhất Nhật Bản đã đạt thỏa thuận mua lại FT Group, công ty xuất bản tờ Financial Time (FT), từ tập đoàn Pearson với giá 1,3 tỷ USD. “Pearson nhìn chung làm ăn không được tốt, cách tốt nhất để đảm bảo sự thành công về mặt báo chí và thương mại cho FT chính là chuyển họ về một công ty tin tức điện tử toàn cầu”, CEO Pearson – John Fallon chua chát lý giải.

Bởi trên thực tế, dù là thương hiệu đình đám nhất của Pearson, cũng như các báo in khác, FT đang phải vật lộn duy trì lượng phát hành và doanh thu quảng cáo, bất chấp nội dung vẫn được giới tài chính và người đọc yêu kinh doanh đánh giá cao. Năm 2015 vừa qua, nhật báo Mỹ nổi tiếng Wall Street Journal (WSJ) cũng phải giảm mạnh lượng nhân sự, đóng cửa và giảm quy mô hoạt động tại châu Âu và châu Á, tập trung vào một đầu mối tại Washington, Mỹ và tập trung vào mục tiêu trở thành một hãng tin kỹ thuật số hàng đầu thế giới.

Playboy phải quyết định từ tháng 3/2016 sẽ ngừng đăng ảnh nude của phụ nữ- truyền thống kéo dài 62 năm từng biến tạp chí này trở thành tờ tạp chí ăn khách nhất trong nhiều thập kỷ- cũng chỉ vì không thể “địch” nổi với Internet.

Nguồn: Hồng Sâm/congluan.vn

Giải báo chí "70 năm Quốc hội VN" trao 4 giải A

(ICTPress) - Tối nay 28/12, tại Hà Nội, Lễ tổng kết và trao giải báo chí “70 năm Quốc hội Việt Nam” đã được Văn phòng Quốc hội và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao Giấy chứng nhận, cúp cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải A "Giải báo chí 70 năm Quốc hội VN" (Ảnh: Thái Anh)

Phát biểu tổng kết Giải báo chí “70 năm Quốc hội Việt Nam”, nhà báo Hà Minh Huệ, Trưởng Ban Tổ chức giải báo chí "70 năm quốc hội Việt Nam" cho biết mục đích và yêu cầu của giải đặt ra là để ghi nhận, tôn vinh tác giải, tác phẩm báo chí xuất sắc về đề tài Quốc hội. Thông qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, số lượng tác phẩm tuyên truyền về Quốc hội. Cuộc thi này còn nhằm nâng cao nhận thức xã hội về vị trí vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội để cùng nhau ôn lại và tự hào với lịch sử hình thành và phát triển, đồng thời ghi nhận thành tựu của Quốc hội Việt Nam trong 70 năm qua.

Chỉ trong 3 tháng kể từ ngày phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 396 tác phẩm báo chí của 44 cơ quan báo chí trong cả nước, thuộc 4 loại hình: báo in, báo điện tử, báo nói và báo hình. Không chỉ các cơ quan báo chí lớn ở Trung ương mà cả các cơ quan báo chí ở những nghĩa tình miền núi, vùng sâu, vùng xa như Lai Châu, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Cần Thơ cũng nhiệt tình hưởng ứng.

Nhà báo Hà Minh Huệ cho biết các tác phẩm tham dự đã bám sát chủ đề tuyên truyền 70 năm Quốc hội Việt Nam - lịch sử 70 năm phát triển và thành tựu của Quốc hội trong thời kỳ đổi mới. Các đề tài được phản ánh đa dạng, phong phú, bảo đảm thông tin thời sự, nhanh nhạy. Nhiều tác phẩm có những điểm độc đáo, đặc sắc trong phát hiện, thể hiện đề tài Quốc hội, thể hiện được sức lao động, cá tính sáng tạo của nhà báo, dấu ấn của cơ quan báo chí trong định hướng thông tin.

“Cái được lớn nhất của các tác phẩm dự Giải là phản ánh một cách chân thực, sinh động và thuyết phục về hoạt động của Quốc hội, của các đoàn đại biểu Quốc hội và của các đại biểu Quốc hội. Thông qua đó, khắc họa hình ảnh một Quốc hội của dân, do dân, vì dân, thực hiện tốt 3 chức năng: lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước”, nhà báo Hà Minh Huệ nhấn mạnh.

Hội đồng Chung khảo Giải báo chí 70 năm Quốc hội đã chọn 55 tác phẩm tiêu biểu  vào Vòng Chung khảo. 

Theo đó, các tác giả có tác phẩm được trao giải A gồm: GS.TS nhà báo Đinh Xuân Dũng, Báo Nhân dân với tác phẩm “Những giá trị cơ bản cốt lõi của văn hóa trong Hiến pháp”; Nhà báo Đỗ Phú Thọ, Báo Quân đội nhân dân với loạt bài “Nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật”; Nhà báo Thanh Hà và nhóm phóng viên (Báo điện tử Đại biểu nhân dân) với loạt bài về “Tổng tuyển cử - Dấu mốc lịch sử trong tiến trình xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa”; Nhóm tác giả Truyền hình Quốc hội: “Quốc hội năm 1946: Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng nhà nước pháp quyền”.

Hội đồng chung khảo cũng đã chọn và trao 8 giải B, 8 giải C và 12 giải Khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả tại buổi Lễ trao giải.

Nguyễn Quyên