Cục trưởng Cục Báo chí: Nhiều cơ quan báo chí buông lỏng quản lý VPĐD

Theo ông Lưu Đình Phúc, một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt sai phạm của các VPĐD là do cơ quan báo chí “khoán trắng” cho VPĐD. Khi đó, các cơ quan báo chí không kiểm soát được VPĐD đang làm gì và đang làm thế nào.

Sáng 31/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí về hoạt động của văn phòng đại diện (VPĐD) và phóng viên thường trú (PVTT) độc lập của cơ quan báo chí.

Toàn cảnh cuộc họp.

Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc nhấn mạnh hiện trạng không chỉ ở một tờ báo mà nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt là các tạp chí đã buông lỏng quản lý VPĐD.

“Nhiều VPĐD cấp giấy giới thiệu cho cộng tác viên tràn lan, có cả loại giấy chứng nhận phóng viên, phát sinh tình trạng bán giấy giới thiệu, giấy chứng nhận. Có trường hợp bán cho đối tượng không liên quan báo chí, thậm chí bán cho người buôn bán sắt thép, lợi dụng để đi làm”, Cục trưởng Lưu Đình Phúc cho biết.

Cũng theo ông Lưu Đình Phúc, một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt sai phạm của các VPĐD là do cơ quan báo chí “khoán trắng” cho VPĐD. Khi đó, các cơ quan báo chí không kiểm soát được VPĐD đang làm gì và đang làm thế nào.

Nhiều VPĐD, phóng viên thường trú (PVTT) hoạt động không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. Có phóng viên chuyên về vấn đề sức khỏe, ô tô xe máy… nhưng đi vào cả vấn đề xây dựng, quy hoạch, Thậm chí tạp chí khoa học chuyên ngành cũng đề cập vấn đề xã hội.

Nhiều VPĐD có phóng viên hoạt động độc lập không thông báo với chính quyền địa phương, khi chấm dứt hoạt động trưởng VPĐD cũng không thông báo. 

Hiện nay, công tác tuyển chọn PVTT độc lập, cộng tác viên ở địa phương rất dễ dãi, không có nghiệp vụ, yếu kém về chính trị, đạo đức nghề báo. Có trường hợp từng chống người thi hành công vụ, vận chuyển quặng trái phép; có trường hợp đã bị truy nã, từng cướp tài sản công dân  giờ lại làm cộng tác viên "vác máy" đi phỏng vấn.

Đáng lưu ý, có nhiều phóng viên quan hệ với xã hội đen và những đối tượng chống phá chính quyền, quan hệ với kẻ cơ hội chính trị, tham gia tổ chức phản động và những đối tượng hay viết bài chống phá chế độ. Nhiều trường hợp tống tiền xong lại chuyển cho người khác tống tiền tiếp. Đây là thực trạng đáng báo động.

“Ở góc độ quản lý, chúng tôi thấy nếu như cơ quan báo chí tiếp tục xảy ra vi phạm nghiêm trọng, nhiều lần và kéo dài thì cơ quan chủ quản phải có biện pháp xử lý người đứng đầu. Cơ quan chủ quản cần rà soát, xem xét nếu cơ quan báo chí không đảm bảo tài chính hoạt động thì sẽ xem xét đình bản. Các cơ quan báo chí cần thắt chặt việc cấp giấy giới thiệu, ban hành giấy chứng nhận và các loại thẻ”, Cục trưởng Cục Báo chí đề xuất.

Đồng tình với việc cần thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại hạn chế, khó khăn trong hoạt động của các VPĐD, PVTT (đã có những diễn đàn khác khen ngợi, ghi nhận thành tích), ông Trần Thanh Lâm, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị lãnh đạo Bộ TT&TT, Cục Báo chí, từ việc nhận định, chỉ ra thực trạng, phải cho thông tin lan tỏa tới tất cả lãnh đạo cơ quan chủ quản, báo chí thấy được bức tranh chung, trong đó có nhiều vấn đề đặt ra để có giải pháp cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị thì mới hiệu quả.

Đặc biệt, với 8 đợt thanh tra các VPĐD, PVTT vừa qua, phải có thông báo rất chi tiết đến cơ quan liên quan đang có những hạn chế, sai phạm, sau đó đánh giá xem khắc phục đến đâu để ghi nhận hoặc xem xét xử lý tiếp.

Mặt khác, lãnh đạo Bộ TT&TT cần tiếp tục chỉ đạo để có các đoàn thanh tra liên ngành, không chỉ thanh tra thường xuyên mà nên thanh tra đột xuất để có thể nắm bắt sát hơn nữa, có thể thanh tra đột xuất cả những đơn vị đã kiểm tra rồi.

Bình Minh/Infonet.vn


Tin nổi bật