“Lửa đổ thêm dầu”

Từ nửa đêm 31/3 (giờ Mỹ), mạng lưới truyền hình RT của Nga đã không còn được phát sóng ở thủ đô Washington, một trong những thị trường hàng đầu của kênh truyền hình này tại Mỹ. Các hãng khai thác truyền hình cáp ở thủ đô Washington như Comcast và Cox Communications cũng sẽ phải cắt kênh truyền hình này của Nga. 

Theo giới quan sát, việc RT bất ngờ bị “khai tử” trên đất Mỹ chẳng khác nào “cú đạn pháo” mới mà chính quyền Mỹ vừa nã vào cuộc chiến truyền thông vốn đã âm ỉ từ nhiều năm qua và bất chợt trở nên vô cùng khốc liệt suốt từ cuối năm 2017 đến nay.

“Cuộc chiến không tiếng súng” bắt đầu trở nên đặc biệt gay gắt từ đầu tháng 10/2017 khi Bộ Tư pháp Mỹ vào đầu tháng 10 đã bất ngờ yêu cầu RT phải đăng ký hoạt động dưới danh nghĩa một “tác nhân nước ngoài” khi hoạt động tại Mỹ và đặt hạn chót là ngày 17/10 (sau đó lùi đến 13/11) phải đăng ký theo Đạo luật Đăng ký cơ quan nước ngoài (FARA). Nên nhớ luật FARA vốn được Mỹ thông qua từ năm 1938 nhằm trấn áp các hoạt động tuyên truyền của Đức quốc xã. 

Ngoài tập đoàn truyền hình RT, các hãng truyền thông lớn khác của Nga như TASS, Sputnik cùng nhiều tờ báo và nhà báo của Nga cũng bị cản trở hoạt động hoặc gây khó dễ tại Mỹ. RT đã buộc phải thực hiện yêu cầu của phía Mỹ để được tiếp tục hoạt động ở nước này. Điện Kremlin đã chỉ trích mạnh mẽ rằng, Mỹ đang cố tình gây “sức ép chưa từng thấy”, “chưa từng có tiền lệ” đối với các hãng truyền thông lớn của Nga hoạt động tại Mỹ và đây là một sự vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do truyền thông, đồng thời cảnh báo sẽ có hành động đáp trả tương xứng.

Một trường quay thời sự của kênh truyền hình RT

Nói là làm. Hội đồng liên bang (tức Thượng viện) Nga ngày 22/11 đã thông qua dự luật yêu cầu các cơ quan truyền thông đại chúng được tài trợ từ nước ngoài phải đăng ký dưới danh nghĩa “cơ quan đại diện nước ngoài”. Trước đó, Dự luật này cũng đã được Duma Quốc gia (tức Hạ viện) Nga thông qua với đa số tuyệt đối trước đó đúng một tuần (ngày 15/11). 3 ngày sau, ngày 25/11, Tổng thống Putin đã ký thông qua đạo luật. 

Theo luật mới, các cơ quan truyền thông của Mỹ và các nước khác sẽ phải tự giới thiệu mình là “cơ quan đại diện nước ngoài” trong mọi giấy tờ và sẽ bị tăng cường kiểm tra về nhân viên cũng như tài chính. Cơ quan báo chí nào được công nhận theo quy chế này sẽ phải chịu những hạn chế và nghĩa vụ như các đại diện tại Nga của tổ chức phi lợi nhuận nước ngoài và sẽ phải chịu trách nhiệm như các tổ chức trên khi vi phạm pháp luật.

Chưa hết, ngày 17/1, Đại sứ quán Nga tại Mỹ ra tuyên bố nhấn mạnh Moskva sẽ đáp trả thích đáng, nếu Mỹ tiếp tục áp đặt các biện pháp hạn chế đối với truyền thông Nga.

Tại sao luôn là RT?

Không khó khăn để nhận ra rằng trong cuộc chiến truyền thông Nga - Mỹ, mạng lưới truyền hình Nga RT luôn là tâm điểm. Theo các nhà quan sát, điều này có căn nguyên của nó. RT, trước đây được biết tới với cái tên Russia Today, đã bị nhà chức trách Mỹ đưa vào “tầm ngắm” kể từ tháng 1/2017 khi các cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc kênh truyền hình này và một mạng lưới phát thanh của nó đã được sử dụng như một phần trong chiến dịch của Nga nhằm can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. 

Cuối tháng 9/2017, ban lãnh đạo Twitter từng khai trước Quốc hội Mỹ rằng RT đã chi bộn tiền (274.100 USD) cho các chiến dịch quảng cáo ở Mỹ trong năm 2016. Bên cạnh đó, tài khoản của RT trên Twitter đã đăng hơn 1.800 dòng trạng thái “rõ ràng hoặc có ẩn ý nhằm vào nước Mỹ”. Đáp lại, RT khẳng định mọi quảng cáo trên Twitter của mình đều hợp pháp.

Không chỉ quan hệ truyền thông, quan hệ ngoại giao Nga - Mỹ cũng ngày càng “căng như dây đàn”. Ngày 29/3/2018, Nga đã tuyên bố trục xuất 150 nhà ngoại giao phương Tây, trong đó có 60 nhân viên ngoại giao Mỹ, và đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ tại thành phố St. Petersburg. Trước đó ngày 26/3, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại Seattle để đáp trả cái mà họ cáo buộc là Nga đứng sau âm mưu đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal tại Anh.

 Một lối thoát khả dĩ cho sự bức bối này dường như vẫn là điều bất khả thi trong thời điểm này.

Nguồn: Nguyễn Hà/congluan.vn