Bức ảnh phóng viên tác nghiệp vụ 2 bảo mẫu hành hạ trẻ gây nhiều tranh cãi

Tội ác gây căm phẫn của 2 bảo mẫu trường mầm non Phương Anh khi hành hạ trẻ là không thể chối cãi. Nhưng đằng sau đó, một bức ảnh tác nghiệp của các phóng viên về vụ việc này cũng gây nên những tranh cãi không kém phần gay gắt.

Bức ảnh về cảnh tác nghiệp của phóng viên gây nhiều tranh cãi gay gắt.

Mới đây xuất hiện một clip vạch trần bộ mặt tàn ác của 2 bảo mẫu trông trẻ tại trường Mầm non tư thục Phương Anh ((phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP. HCM) . Ngay sau khi xuất hiện, clip đã lan truyền mạnh mẽ trên các diễn đàn mạng, tạo nên một làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Sau đó, hai bảo mẫu được xác định là Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý ngay sau đó đã bị cơ quan công an tạm giam phục vụ cho quá trình điều tra.

Nhưng dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi bức ảnh ghi lại cảnh hậu trường tác nghiệp của các phóng viên báo chí. Trong bức ảnh, 2 bảo mẫu hành hạ trẻ đứng dựa lưng vào tường, cúi gằm mặt để cho một nhóm phóng viên đứng chụp hình. Bức ảnh được một nhà báo chụp vào tối 17/12, khi 2 bảo mẫu Lý và Phương bị triệu tập trên cơ quan công an quận Thủ Đức khiến nhiều người phải suy ngẫm, tạo nên những luồng ý kiến trái chiều.

Một số ý kiến cho rằng, bức ảnh này là hoàn toàn bình thường, không có gì đáng bàn cãi, bởi đây là đặc thù nghề nghiệp của phóng viên, khi có sự kiện, có thông tin thì họ phải tác nghiệp, phải săn tin, chụp ảnh, phỏng vấn… để cung cấp cho độc giả những thông tin chân thực nhất. Bên cạnh đó, 2 bảo mẫu độc ác này đáng bị trừng trị như thế, thậm chí là hơn thế, bởi hành vi mà họ gây ra là không thể chấp nhận được. Nhiều độc giả còn tỏ ra bức xúc, cho rằng nếu mình là một trong những phóng viên có mặt trong bức ảnh, có thể mình còn không giữ được bình tĩnh để chụp ảnh mà lao vào “xử” luôn hai “ác quỷ” này.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, đại đa số ý kiến đều lên tiếng phản đối cách tác nghiệp của các phóng viên trong bức ảnh.

Bạn đọc Hà Lê bày tỏ: “Mình phát điên từ sáng về 2 kẻ kia rồi! Nhưng nói thật, cái cảnh họ đứng dựa tường thế kia, còn phóng viên tác nghiệp hồ hởi đứng lên bàn chĩa máy, phản cảm!”.

Bạn đọc Hoàng Dư Hà chia sẻ: “Có cần phải đến mức này không? Án thì cũng có khung, phạm nhân thì cũng còn gia đình và các mối quan hệ xã hội khác. Hơn nữa, người xấu hôm nay vẫn có thể là người tốt trong tương lai. Còn một góc nhìn nữa cho ta thấy sau khi bị tố, bị bắt, họ đã đang trong thế yếu rồi. Các cụ nhà mình có dạy: “Khôn không quá lẽ, khỏe không quá lời”. Nếu đây là bức ảnh thật thì tôi xin nói với các nhà báo rằng, hãy để lại cho người ta một con đường”.

Bạn đọc Trần Ngọc Thịnh cho rằng: “Có lẽ công an quận Thủ Đức nên chụp một hình và gửi cho phóng viên báo chí khi họp báo thì hay hơn là để các bạn “kền kền” vào xâu xé kiểu “đấu tố” thế này, trông quá phản cảm!”.

 Nhà báo Trần Đăng Tuấn phân tích rõ: “Các nhà báo có thể không hoàn toàn chủ động trong tình huống này. Họ cần có ảnh. Nhưng phải có ai đó quyết định việc để các nhà báo tiếp xúc với nghi phạm trong bối cảnh như thế nào. Để việc hành nghề báo chí diễn ra trong bối cảnh như thế này là không nên, là không phù hợp cả về khía cạnh pháp lý và đạo đức. Cho dù các nghi phạm đã làm điều vô cùng xấu xa, vẫn phải dành cho người ta những điều kiện bình thường của công dân khi báo chí tiếp cận”.

Ngay sau một loạt tranh cãi nổ ra, một phóng viên có mặt trong bức ảnh, là người trèo lên bàn tác nghiệp và được cho là có nụ cười “bí hiểm” cũng đã lên tiếng: “Xin chào các anh/chị/bạn/em đồng nghiệp hay không phải đồng nghiệp. Mình là người đứng hả hê trên bàn chụp ảnh phản cảm, con kền kền trong bầy kền kền, thành viên đội hành quyết… mà một số anh/chị/bạn/em đồng nghiệp hay không phải đồng nghiệp nhận xét. Trước hết mình xin cảm ơn mọi người vì đã nhận xét chân thật. Về nghề nghiệp, bạn nào làm báo trong trường hợp đó nói riêng và trong một sự kiện nhạy cảm nói chung, khẳng định trực tiếp với tôi sẽ không chụp?

 Tôi đứng trên bàn để chụp vì tính tôi không thích lẫn lộn góc nhìn của mình với bất kỳ ai dù cùng một sự kiện. Về lương tâm nghề nghiệp thì tôi cười trong lúc tác nghiệp có gì là sai nhỉ? Vì lúc đó tôi trêu một nữ đồng nghiệp rằng em ơi em đứng sát đối tượng quá người ta nhầm bây giờ. Các nhà đạo đức báo chí làm ơn nhớ rằng đây không phải tác nghiệp đám tang. Tôi cũng là người đầu tiên và duy nhất chia sẻ với đồng nghiệp rằng đây là bản án đầu tiên mà 2 bảo mẫu phải nhận. Kêu gọi mọi người dừng chụp, họ đủ ê chề rồi cũng là tôi…”.

Còn rất nhiều ý kiến xung quanh bức ảnh ấy, bênh vực có, phản đối có, và chắc chắn rằng trong suốt thời gian tới, dư luận sẽ còn nhiều lần phải nhắc đến chuyện này bởi vụ việc đan trở thành điểm nóng trên các diễn đàn mạng và cả dư luận ngoài xã hội.

 Anh Thư

 Nguồn: Báo Đời sống & Pháp luật

Tin nổi bật