Bốn ảo tưởng đe dọa bóp méo thông tin

Bốn loại ảo tưởng có thể ảnh hưởng trực tiếp việc đưa tin của nhà báo: ảo tưởng loài, ảo tưởng cộng đồng, ảo tượng công cộng và ảo tưởng nhà hát.

Nhà báo Hoàng Quốc Dũng

Nhà báo Hoàng Quốc Dũng, Trưởng ban Biên tập báo Tiền Phong và cũng là Phó Chủ tịch Diễn đàn Nhà báo Môi trường Việt Nam, chia sẻ với các sinh viên và phóng viên tại tọa đàm "Kỹ năng tác nghiệp báo chí trong vùng thiên tai", do Câu lạc bộ Nhà báo xanh phối hợp với dự án Connect Youth (Kết nối Thanh niên) tổ chức ngày 9/12.

Các bạn trẻ làm báo nên ý thức về sự tồn tại của bốn ảo tưởng trên vì chúng có thể bóp méo thông tin, gây ra các rủi ro dẫn đến đưa tin không chính xác, phản ánh không đúng bản chất của sự việc, nhà báo kỳ cựu từng nhận một giải thưởng báo chí của Mỹ năm 2008, cảnh báo. "Đây là những gì tôi cóp nhặt được từ kinh nghiệm bản thân," ông Dũng vui vẻ cho biết. Bốn ảo tưởng trên xuất hiện trong nghiên cứu của Francis Bacon (1561 – 1626), nhà triết học nổi tiếng người Anh, người mở đường cho tinh thần triết học mới thời cận đại ở Anh nói riêng và châu Âu nói chung.

Ảo tưởng loài sinh ra do việc loài người thường xuyên nhầm lẫn bản chất trí tuệ của mình với bản chất khách quan của sự vật. Dưới tác động của ảo tưởng loài, phóng viên có thể dễ dàng gán cho các thông tin mình tiếp cận các suy nghĩ chủ quan. 

Nhà báo Hoàng Quốc Dũng hướng dẫn bài tập về ảnh hưởng của các ảo tưởng loài đến hành động.

Ảo tưởng hang động đề cập đến sự ảnh hưởng từ tâm sinh lý, thành phần xuất thân và học vấn của phóng viên đối với cách nhìn sự vật, hiện tượng cũng như cách đưa tin của họ.

Ảo tưởng công cộng là sự hùa theo đám đông, thực hiện các quy tắc đang thịnh hành mà thực chất chịu chi phối của tình cảm, cảm xúc của nhóm hay cộng đồng. Từ đó, biến việc thông tin, sự việc cần phải thẩm định thành sự thừa nhận vô điều kiện.

Ảo tưởng nhà hát đề cập đến ảnh hưởng có hại của nhiều học thuyết, quan niệm thống trị làm cản trở quá trình nhận thức chân lý. Nhiều phóng viên có xu hướng đánh giá sự việc, sự kiện dựa trên niềm tin, kiến thức, phát ngôn của những người nổi tiếng. Xu hướng này có thể khiến người đưa tin bỏ qua nhiều thông tin có giá trị hay thông tin khác biệt với những gì người có danh đưa ra.

Nhiều bạn trẻ lắng nghe chăm chú và phản hồi tích cực với cách dẫn dắt thông tin, phân tích và các ví dụ của nhà báo Hoàng Quốc Dũng. "Dù là nhà báo nhưng kiến thức và kinh nghiệm của thầy giống như học giả. Thực sự rất bổ ích," bạn Đặng Mỹ Linh, điều phối viên Câu lạc bộ Nhà báo xanh, cho biết.

"Nhiều khi càng có nhiều kinh nghiệm càng dễ sai do họ bảo thủ, bám vào những gì đã biết mà bỏ qua những cái mới không giống những gì đã biết," ông Dũng cho biết. Qua đó, nhà báo có hơn 30 năm kinh nghiệm theo nghề, khuyến khích các bạn trẻ luôn dấn thân học cái mới và mở rộng hiểu biết.

Bà Nguyễn Thị Yến (đứng, thứ nhất từ trái sang), Cố vấn chương trình Biến đổi khí hậu và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, Care International Việt Nam

Nhiều chuyên gia cũng đưa ra các gợi ý giúp những người làm báo trong hiện tại và tương lai đa dạng nguồn tin. "Các bạn có thể cập nhật thông tin về thiên tai và biến đổi khí hậu với nhóm chuyên gia thuộc hai mạng lưới của chúng tôi - nhóm Công tác Biến đổi khí hậu và nhóm Công tác Quản trị Thiên tai," Bà Nguyễn Thị Yến, Cố vấn chương trình Biến đổi khí hậu và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, Care International Việt Nam: "Chúng tôi thường họp hàng tháng và luôn rộng cửa đón các bạn".

Bên cạnh đó, bà Đỗ Hải Linh, Trưởng ban Truyền thông của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cũng trao đổi việc phát hiện đề tài và nguồn tin thông qua việc chịu khó đọc các nghiên cứu mới, mở rộng mạng lưới thông tin bằng việc kết nối các chuyên gia, nhà quản lý, người dân trong các hội thảo, tọa đàm và tập huấn.

Nguồn: Diệp Diệp/hanoitv.vn

Tin nổi bật