Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Sự thật và chính nghĩa luôn ở phía chúng ta!

“Tôi cho rằng hành động sai trái của Trung Quốc đã thể hiện rõ âm mưu, ý đồ của họ. Dù báo chí của họ có xuyên tạc, dựng chuyện như thế nào thì sự thật và chính nghĩa luôn ở phía chúng ta” - Ông Nguyễn Bắc Son - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định trong cuộc trò chuyện với báo Nhà báo và Công luận xung quanh sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam, ngang ngược đâm tàu Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông Nguyễn Bắc Son

Sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam, ngang ngược đâm tàu Việt Nam đang tạo ra một làn sóng phẫn nộ trong nhân dân. Xin Bộ Trưởng cho biết, vai trò của giới báo chí trong nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về vấn đề này?

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động tại khu vực thuộc Lô dầu khí 143 nằm sâu trong thềm lục địa Việt Nam từ ngày 2/5 là hoàn toàn vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết, gây gia tăng căng thẳng trên biển Đông. Nhân dân cả nước phẫn nộ vì hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam một cách trắng trợn của Trung Quốc.

Báo chí cả nước đã đồng lòng lên án hành động trên của Trung Quốc với một thái độ kiên quyết, mạnh mẽ, đồng thời, báo chí đã kịp thời truyền tải lòng yêu nước, tiếng nói ủng hộ của mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc, của kiều bào ta ở nước ngoài đối với Đảng và Chính phủ. Báo chí đưa tin bằng tấm lòng yêu nước của hàng vạn phóng viên đang ngày đêm bám sát hiện trường và sự kiện. Qua phản ánh của báo chí trong nước, nhân dân cả nước đã nắm bắt đầy đủ thông tin, ủng hộ và động viên các lực lượng đang kiên cường đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, thể hiện niềm tin vững chắc với Đảng, Chính phủ. Hoạt động thông tin đối ngoại của ta cũng đã phát huy tốt hiệu quả, cộng đồng quốc tế đã kịp thời bày tỏ quan điểm, lên án hành động vi phạm luật pháp quốc tế và làm mất ổn định tình hình trong khu vực của Trung Quốc.

Có lần tôi đã chia sẻ với anh em báo chí, rằng báo chí không chỉ truyền tải, cung cấp thông tin mà còn có nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền để xây dựng và củng cố lòng tin, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Nhân sự kiện nay, tôi cũng muốn nhắc thêm rằng báo chí cần phải luôn tỉnh táo, đưa thông tin chính thống, thận trọng khi đưa tin để tránh sơ hở, tránh bị lợi dụng. Thông tin không đầy đủ, không chính xác, định hướng không đúng tất dẫn đến những tin đồn thất thiệt, suy đoán lệch lạc ảnh hưởng đến đại cục.

Đánh giá chung những ngày qua, chúng ta về cơ bản đã làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, qua đó góp phần củng cố sự đoàn kết toàn dân, tạo dũng khí, chí khí và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo, củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Lịch sử hào hùng của dân tộc ta đã chứng minh rằng sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, lòng yêu nước và tinh thần quật cường của nhân dân trong sự nghiệp chính nghĩa bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, khi biết kết hợp với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế sẽ trở thành sức mạnh của thời đại, giúp đất nước vượt qua mọi thử thách. Thời gian tới, báo chí của chúng ta cần tiếp tục phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trước tổ quốc, trước nhân dân, thể hiện rõ nét tính chiến đấu của báo chí cách mạng. Tôi tin tưởng báo chí nước nhà luôn là người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng sẽ tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thực tế hiện nay, báo, đài Việt Nam coi việc tuyên truyền về sự kiện là nhiệm vụ hàng đầu. Theo ông, công tác truyền thông của chúng ta hiện nay đã thực sự đúng, trúng và phù hợp với tình hình?

Việc tuyên truyền về sự kiện là chức năng của báo, đài. Nếu như báo, đài không phản ánh nhanh nhậy, kịp thời về các sự kiện trong đời sống xã hội thì sẽ làm mất đi chức năng phản ánh của báo chí. Những gì liên quan đến cuộc sống của người dân, lợi ích của nhân dân và dân tộc thì báo, đài không thể đứng ngoài cuộc. Những ngày qua, các báo, đài đã dành dung lượng, thời lượng và vị trí quan trọng để thông tin về vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam, đưa tàu và máy bay quân sự vi phạm sâu vào vùng biển và vùng trời của Việt Nam. Điều này cho thấy báo chí đã nhanh nhậy trong phản ánh sự kiện, đồng thời, thể hiện một cách có trách nhiệm trong thực hiện sứ mệnh tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Người dân TP.HCM phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong hải phận của đất nước.

Cùng với việc phản ánh các sự kiện thời sự, báo, đài của chúng ta không quên tích cực truyền thông về nhiều nội dung liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đơn cử như, truyền thông trong xóa đói, giảm nghèo, phòng chống dịch bệnh, phòng chống tội phạm, về bình đẳng giới, chống kỳ thị với các đối tượng bị tổn thương..vv.. Đặc biệt, báo, đài tiếp tục làm tốt việc truyền thông tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, báo chí của chúng ta đã bền bỉ trong nhiều năm qua tuyên truyền để người dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài hiểu rõ và nâng cao ý thức về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế,….

Thời gian tới, chúng ta cần tập trung hơn nữa trong thông tin đối ngoại, huy động sức mạnh tổng hợp các lực lượng trong hệ thống chính trị, trong đó, truyền thông đại chúng giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Trong tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, cần có chiến lược, chiến thuật trong thông tin, xác định đối tượng, địa bàn cụ thể, lựa chọn phương thức thông tin phù hợp. Phát huy được sức mạnh của truyền thông là phát huy được sức mạnh của khoa học kỹ thuật, sức mạnh của thời đại trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Có một vấn đề là trên mạng xã hội đang rất “nóng”, gây nhiễu thông tin, có nhiều thông tin chưa chính xác về vấn đề, thậm chí mang tính kích động, chưa phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước… Theo Bộ trưởng, báo chí phải làm gì trước tình hình đó?

Mạng xã hội là nơi truyền tải, chia sẻ thông tin nhanh nhất, độ phủ thông tin rộng khắp trên toàn cầu. Tính tương tác nhanh của mạng xã hội đang được giới trẻ ưa thích và sử dụng. Những ngày qua, phản ứng về hành động sai trái của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam được cộng đồng mạng liên tục cập nhật, chia sẻ trên mạng xã hội. Tựu chung, đó là sự thể hiện tình cảm, lòng yêu nước của những người dân Việt Nam đối với tổ quốc. Rất, rất nhiều bạn trẻ và người dân cả nước đã treo cờ tổ quốc trên trang cá nhân của mình, đã thể hiện nhiệt huyết sục sôi sẵn sàng hy sinh vì đất nước. Điều đó thật đáng trân trọng và tự hào.

Bên cạnh đó, cũng còn nhiều ý kiến, suy nghĩ, thông tin với những nhận thức còn khác nhau xung quanh sự kiện này. Trong đó, có những ý kiến thể hiện quan điểm quá khích hoặc kích động, có cả thông tin sai sự thật. Tôi cho rằng, hơn lúc nào hết, báo chí cần thể hiện vai trò xung kích, dẫn dắt dư luận, trước hết bằng thông tin chính xác, tuyên truyền phổ biến kịp thời chủ trương của Đảng, Nhà nước trên mọi phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó chú trọng đến truyền thông trên mạng do tính phổ biến và lan tỏa nhanh ra khắp thế giới. Báo chí cũng cần hướng người dân biến tình cảm, lòng yêu nước của mình thành những hành động thiết thực để xây dựng nền kinh tế-quốc phòng ngày càng vững mạnh. Đây là công việc mang tính chiến lược mà báo chí chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai thường xuyên, liên tục để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, bảo vệ biên giới, biển đảo.

Trong những ngày này, hàng loạt hãng tin thế giới đã đưa tin về việc tàu Trung Quốc hung hăng tấn công tàu Việt Nam sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam, gây thêm căng thẳng cho tình hình trong khu vực. Bộ trưởng nhận định như thế nào về sự ủng hộ của truyền thông quốc tế đối với Việt Nam?

Trước hết, phải khẳng định rằng, truyền thông quốc tế đang phản ánh bản chất của sự việc, đó là việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Truyền thông quốc tế đã phản ánh khách quan những phát ngôn của cá nhân, tổ chức, đại diện ngoại giao và các quan chức ở các cấp khác nhau, ở các nước khác nhau, bày tỏ sự quan tâm, lo ngại và phản đối hành vi khiêu khích và hăm dọa của Trung Quốc. Dư luận nhiều nước như Nhật Bản, Ấn Độ trong khu vực, hay ở xa như Liên minh châu Âu… đều đã thể hiện thái độ quan ngại trước hành động đơn phương khiêu khích của Trung Quốc. Tôi tin rằng dư luận luôn đứng về lẽ phải, và truyền thông quốc tế sẽ tiếp tục lên án những hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, trên một số tờ báo của Trung Quốc như Thời báo Hoàn cầu, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng… đã có những luận điệu doạ dẫm, thông tin thiếu chính xác về sự kiện. Truyền thông Việt Nam hẳn là không thể làm ngơ trước điều này, thưa ông?

Tôi cho rằng hành động sai trái của Trung Quốc đã thể hiện rõ âm mưu, ý đồ của họ. Dù báo chí của họ có xuyên tạc, dựng chuyện như thế nào thì sự thật và chính nghĩa luôn ở phía chúng ta. Những thông tin sai lệch mà Trung Quốc đưa ra trong họp báo và trên truyền thông càng cho thấy bản chất thực sự của họ. Báo chí của chúng ta đã kịp thời vào cuộc phản bác lại các luận điệu sai trái đó, đồng thời tái khẳng định những bằng chứng xác thực về chủ quyền của Việt Nam, cũng như bằng chứng về sự vi phạm ngang ngược của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trong thời gian tới chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp đấu tranh ngoại giao, chính trị và truyền thông để nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Trung Quốc mà tôi tin là có nhiều người có lương tri sẽ hiểu rõ sự thật và thấy rõ những hành động này của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế, ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình, ổn định và phồn vinh trong khu vực và thế giới, vi phạm Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa được ký ngày 11/10/2011 tại Bắc Kinh với sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào cùng hai Đoàn đại biểu cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Vâng, xin cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trò chuyện này!

Hà Vân  (thực hiện)

Nguồn: congluan.vn

Tin nổi bật