Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Luật Báo chí và Quy hoạch báo chí không mâu thuẫn nhau

Đó là nội dung tại phần 2 bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son tại phiên họp tổ về Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), chiều ngày 14/11.

Như bài trước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã nhắc lại những quan điểm của Đảng và Nhà nước về báo chí và nhấn mạnh “không tư nhân hóa báo chí, không thương mại hóa báo chí và không để nhóm lợi ích chi phối báo chí”. Đảng và Nhà nước sẽ lãnh đạo, quản lý  báo chí như một bộ phận cấu thành không tách rời. Bởi, Báo chí Cách mạng Việt Nam có vai trò đặc biệt trong đời sống xã hội, là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và Nhà nước.

Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò của báo chí

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Nghị quyết Trung ương 5 Khóa X nêu rõ, công tác tư tưởng, lý luận và báo chí là một bộ phận cấu thành đặc biệt trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Đảng Nhà nước đánh giá rất cao vai trò của báo chí.

Thực tế, trong 90 năm qua, báo chí Cách mạng Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong  vận động quần chúng cách mạng để giành độc lập dân tộc. Bác Hồ đã sáng lập ra báo chí từ ngày 21/6/1925, chính báo chí góp phần vận động cách mạng xây dựng Đảng, thành lập Đảng là công cụ tuyên truyền rất quan trọng.  Trong quá trình chống Pháp, chống Mỹ , báo chí đã thể hiện rất rõ vai trò bảo vệ tổ quốc, đấu tranh giành độc lập dân tộc….

Ngày nay, trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo vệ hòa bình, phát triển kinh tế, chúng ta càng thấy vai trò của báo chí. Trong phòng chống tham nhũng, báo chí cũng là người lính xung kích đi đầu trên khắp mặt trận, về tuyên truyền tư tưởng, đấu tranh chống tham nhũng rất hiệu quả. Là cánh tay nối dài của các cơ quan an ninh, các cơ quan bảo vệ pháp luật. Báo chí cũng góp phần phản biện xã hội, minh bạch xã hội.

Nhiều cơ quan ban ngành được tôn vinh, báo chí của chúng ta cũng được Đảng Nhà nước tôn vinh, với Huân chương Sao Vàng.

“Chính vì vậy, đến giờ phút này Đảng và Nhà nước vẫn khẳng định báo chí Việt Nam là báo chí Cách mạng. Đảng và Nhà nước phải nắm giữ báo chí như một thành phần của mình. Chính vì thế không có báo chí tư nhân”- Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.

Trước những tư tưởng xuyên suốt đó, Bộ trưởng cũng cho rằng, viết Luật Báo chí phải vừa đạt mục tiêu trên nhưng đảm bảo quyền tự do của người dân.

Bộ trưởng dẫn chứng, trước đây liên kết chưa đưa vào luật. Báo chí có phần mở ra một chút. Hiện nay, liên kết báo chí đã được đưa vào luật. Trước đây, Bộ TT&TT đã xây dựng hành lang pháp luật cho liên kết báo chí bằng Thông tư 19. Khi có Luật bỏ thông tư 19, liên kết không phải giấy phép. Khi liên kết chương trình, đài truyền hình được chủ động và chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan quản lý hậu kiểm, chỉ không liên kết chương trình thời sự.

Vì sao phải tổ chức lại báo chí?

Thực tế, diện mạo báo chí có nhiều thay đổi. Hiện nay, lực lượng báo chí đông đảo, với nhiều cơ quan báo chí. Số lượng cơ quan phát thanh truyền hình đã lớn, ngoài ra các cơ quan báo in với 848 cơ quan báo chí in, trong đó trên 600 tạp chí, 199 cơ quan báo in.

“Tuy nhiên, có quá nhiều cơ quan báo chí, như một số tổ đại biểu quốc hội đã nêu, có nhiều cơ quan báo chí do nhà nước thành lập dùng ngân sách nhà nước dẫn đến nặng nề cho Nhà nước. Có hiện tượng cơ quan Nhà nước cấp tiền in báo, Nhà nước bỏ tiền mua báo đó chuyển đến các đơn vị, còn đọc hay không chúng ta không biết hết…

Vì vậy phải quy hoạch báo chí. Làm sao báo chí ngày càng gọn, càng tinh hơn. Chính vì vậy Bộ Chính trị kết luận: Quy hoạch báo chí là rất quan trọng”- Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, quy hoạch có thể do Thủ tướng ban hành nhưng phải do Bộ Chính trị thảo luận lần thứ 3. Trung ương cũng phải thảo luận 1 lần và cho ý kiến. Báo chí là vấn đề mang chính trị, rất nhạy cảm, phức tạp ảnh hưởng đến nhiều đối tượng. Thấy rằng, quy hoạch báo chí rất “ăn nhập” với Luật báo chí. Làm sao nâng cao chất lượng báo chí, tổ chức cơ quan báo chí làm sao gọn nhẹ, đồng thời giảm thiểu cấp ngân sách Nhà nước.

Do vậy, báo chí vừa tự chủ về kinh tế, nhưng vẫn phải là vũ khí tư tưởng của Đảng và Nhà nước. Đây là bài toán khó khăn cho người làm báo và cơ quan quản lý, cho người làm luật và cơ quan thực thi pháp luật.

Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, song song với việc này, các tỉnh thành quán triệt nội dung chính về quy hoạch báo chí, mà Trung ương đã cho ý kiến. Bộ Chính trị chỉ đạo rõ, dễ làm trước, khó làm sau.

Bộ trưởng đặt câu hỏi, trong quá trình quy hoạch đó, cơ quan báo chí, mà Nhà nước phải bỏ tiền ra in rồi bỏ ra mua báo thì có nên để tồn tại không? Tồn tại thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son lý giải, trong 1 tỉnh thành chỉ có 1 cơ quan báo chí, như vậy chúng ta sẽ thay chủ quản. Cơ quan báo chí sẽ ở 1 ngành, một địa phương trước đây không phải cơ quan của thành ủy nhưng sản phẩm báo chí có lượng đọc rất lớn. Tờ báo này không phải chỉ trong phạm vi một sở, một ngành nhỏ của địa phương nữa mà trở thành tờ báo có ý nghĩa toàn quốc, lượng đọc lớn nguồn thu lớn, sai phạm ít được chấn chỉnh, hoàn thành nhiệm vụ có nên để? Hay để tờ báo Nhà nước bỏ tiền ra in rồi bỏ tiền ra mua,  bưu chính bưu ta chuyển đến.

Thay đổi cơ quan báo chí, thay đổi chủ quản, những tờ báo đó sẽ trở thành UBND tỉnh/ thành hoặc Thành, tỉnh ủy. Tờ báo đưa về cùng đầu mối, tờ nào sáp nhập tờ nào?

Theo quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, như sáp nhập doanh nghiệp, bao giờ đơn vị yếu kém sẽ phải nhập vào đơn vị cùng ngành nghề nhưng mạnh hơn. Bộ trưởng lấy ví dụ,  cũng như EVN Telecom nhập vào Viettel.

Về quan điểm quy hoạch báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết: “Bộ Chính trị nêu, khi xem xét cơ quan báo chí phải xem xét tinh giảm đầu mối báo chí không ảnh hưởng đến những nhà báo có nhiều năm phục vụ. Những tờ báo có lượng đọc lớn.

“Luật Báo chí tạo điều kiện hành lang cho báo chí phát triển, tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tự do báo chí. Các nhà báo cũng được thực hiện trách nhiệm của mình trong tác nghiệp báo chí. Đó là những thông tin cho thấy quy hoạch không có mâu thuẫn gì với Luật Báo chí”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao những góp ý của các đại biểu Quốc hội, cộng đồng xã hội. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và chỉnh lý sao phù hợp nhất.

Hồng Chuyên

Infonet

Tin nổi bật