Báo in thế giới: Ánh sáng vẫn le lói cuối đường hầm

Báo in thế giới đang chịu áp lực cạnh tranh nặng nề từ các phương tiện truyền thông điện tử. Tuy nhiên, không thể nói, nền báo in từ tất cả các quốc  gia đều ảm đạm.

“Báo chí giờ là “vùng ngọt” ở Ấn Độ

Đó là cách ví von của giới quan sát khi nhìn nhận về những thành quả đáng ngạc nhiên của báo chí Ấn Độ hiện nay. Trong bối cảnh ngành báo in truyền thống trên thế giới đối mặt với tương lai ảm đạm, báo in Ấn Độ lại phát triển mạnh do ngày càng có nhiều người từ các thành phố nhỏ gia nhập tầng lớp trung lưu, thúc đẩy số lượng phát hành và doanh thu quảng cáo. Nhật báo tiếng Hindi “Amar Ujala” (mang nghĩa “Ánh sáng vĩnh cửu” trong tiếng Hindi) vừa lắp đặt thêm các máy in tại nhà máy ở ngoại ô thủ đô New Delhi, cho phép tờ báo tăng công suất in ấn lên 30%.

Từ năm 2011, số lượng phát hành của “Amar Ujala” đã tăng 64%, tới khoảng 2,3 triệu bản. Doanh thu quảng cáo cũng tăng 61%. Số lượng độc giả tại đất nước đông dân thứ 2 thế giới này đang gia tăng tỷ lệ thuận với tỉ lệ người biết đọc, biết viết cũng như thu nhập: Theo thống kê dân số mới nhất của Ấn Độ, số lượng người biết đọc, viết đã tăng tới 74% trong năm 2011 so với 65% của một thập kỷ trước đây. Các bang nông nghiệp nghèo như Bihar và Jharkhand ghi nhận sự gia tăng đáng kể nhất. Càng ở vùng sâu, vùng xa, nông dân Ấn Độ  đang có xu hướng chuyển sang đọc báo in thay vì báo mạng vì họ không tiếp cận được máy tính và điện thoại thông minh (smartphone) có kết nối Internet. Các công ty quảng cáo tìm tới nhóm đối tượng độc giả mới cho rằng báo in là sự đánh cược tốt nhất của họ.

Những tờ báo lớn trên thế giới.

Theo Hiệp hội báo và nhà xuất bản tin thế giới, báo in chiếm hơn 43% chi tiêu quảng cáo của Ấn Độ, trong khi truyền hình chiếm 38%. Công ty tư vấn KPMG ghi nhận từ năm 2010-2014, các báo in Ấn Độ ghi nhận doanh thu quảng cáo tăng 40%, dự kiến tăng hơn 9% trong năm nay. Tăng trưởng quảng cáo ở báo in tiếng Hindi và các thứ tiếng địa phương Ấn Độ khác đạt trung bình 10%/năm, vượt xa tăng trưởng 5% của các báo tiếng Anh của nước này. Dự kiến, tổng doanh thu báo tiếng Anh sẽ đạt 109 tỷ rupee (1,63 tỷ USD) vào năm 2017, thua xa các báo ngày và báo tiếng Hindi, với doanh thu ước đạt lần lượt là 110 tỷ ruppe và 113 tỷ rupee. Ngoài ra, các tờ báo tiếng Anh đang đối mặt với sự cạnh tranh gắt gao với chi nhánh truyền thông phương Tây như Buzzfeed và Quartz, đã mở các trang mạng hướng tới đối tượng độc giả Ấn Độ. Tờ “The Hindu”, báo tiếng Anh lớn thứ 3 Ấn Độ, cho hay báo này đã bán hơn 300.000 số báo phiên bản tiếng Tamil/ngày, dù phiên bản này mới ra đời cách đây 2 năm.  “Báo in Ấn Độ chưa từng gặp thời cơ tốt như bây giờ. Số lượng độc giả tiềm năng đủ lớn cho báo in sống tốt trong thập kỷ tiếp theo”- khẳng định của một nhân vật trong làng báo Ấn Độ.

Xu hướng báo chí thế giới 2015: 2,7 tỷ người vẫn đọc báo giấy

Báo cáo Xu hướng Báo chí Thế giới 2015 do Hiệp hội Báo chí và các nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA) phát hành mới đây cho biết khoảng 2,7 tỷ người trưởng thành trên thế giới hiện nay vẫn đang đọc báo giấy, chiếm tới một nửa dân số người trưởng thành toàn cầu. Bên cạnh đó, có khoảng 800 triệu người truy cập vào các nội dung báo chí điện tử, tức là chiếm gần một nửa tổng lượng người sử dụng Internet. Chưa bao giờ số lượng độc giả báo chí lại lớn đến như vậy.Báo chí, bao gồm cả báo in và báo điện tử – đạt doanh thu hàng năm gần 180 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với công nghiệp xuất bản sách, sản xuất âm nhạc và phim ảnh.

Báo cáo cũng cho biết lần đầu tiên trong thế kỷ này, lượng phát hành báo chí đã vượt qua quảng cáo để trở thành nguồn doanh thu lớn nhất của các nhà xuất bản. Doanh thu từ lưu thông báo in và báo điện tử toàn cầu đạt tổng cộng 92 tỷ USD hồi năm ngoái, trong khi doanh thu từ quảng cáo chỉ đạt 86 tỷ USD. Lượng phát hành báo in đã tăng +6,4% toàn cầu trong năm 2014 so với năm trước đó và đã tăng tổng cộng +16,5% trong 5 năm. Con số này chủ yếu nhờ vào việc tăng lượng phát hành báo in tại Ấn Độ và một số nơi khác ở châu Á; ngành kinh doanh báo chí tại Ấn Độ vẫn là ngành công nghiệp báo in ổn định nhất thế giới.

Sáu thị trường báo chí lớn nhất thế giới lần lượt là Mỹ (37 tỷ USD), Nhật Bản (18 tỷ USD), Đức (16 tỷ USD), Trung Quốc (14 tỷ USD), Anh (8 tỷ USD) và Ấn Độ (7 tỷ USD).  Tại các thị trường này, báo chí đang thông qua các chiến lược mới nhằm kiếm được nhiều doanh thu hơn từ lượng người theo dõi ít hơn. Những chiến lược này bao gồm tăng giá bìa và giảm chi phí sản xuất qua việc giảm số lần in.  Tính trên toàn cầu, hơn 93% doanh thu báo chí đến từ báo in, và báo in vẫn sẽ tiếp tục là nguồn doanh thu chính trong nhiều năm nữa.

Nguồn: Nguyễn Hà/congluan.vn

Tin nổi bật