Báo điện tử làm gì để nhân vật kiểu "bà Tưng" hiểu giá trị thực của sự nổi tiếng

(ICTPress) - Nhân dịp 10 năm thành lập (06/8/2003 - 06/8/2013), Báo điện tử VnMedia vừa đã tổ chức Tọa đàm - Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Báo điện tử và sự nổi tiếng” tại trụ sở Báo điện tử VnMedia, Hà Nội.

Buổi giao lưu với sự tham gia của chuyên gia về CNTT, Internet, ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, nguyên Tổng biên tập Báo điện tử VnMedia cùng ba khách mời là nghệ sĩ, diễn viên đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - những tên tuổi vốn đã rất thân quen với độc giả báo mạng là ca sĩ Tấn Minh, ca sĩ Mỹ Linh và Á hậu Thuỵ Vân.

Các khách mời tham gia Chương trình Tọa đàm - Giao lưu

Báo điện tử - món ăn tinh thần không thể thiếu

Trong giai đoạn hiện nay, Báo điện tử đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của rất nhiều người. Với sự phong phú, cập nhật trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, xã hội, kinh tế, văn hoá, giải trí, thể thao, công nghệ… các báo điện tử đã thu hút hàng triệu lượt truy cập mỗi ngày.

Sự phát triển mạnh mẽ trên đã góp phần tạo nên một thị trường báo chí đa dạng, mới mẻ. Với sức lan toả nhanh của báo điện tử, mọi thông tin từ các ngõ ngách đời sống, xã hội đều được truyền tải tới bạn đọc, cập nhật từng giây, từng phút.

Nhờ sức lan tỏa của báo điện tử, có rất nhiều cá nhân đã trở nên nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn ra cả quốc tế. Các nghệ sĩ trong giới showbiz có lẽ là ví dụ điển hình nhất. Dĩ nhiên, với tài năng của bản thân, họ đã có tiếng, thương hiệu trong lòng người xem, người nghe, song cũng nhờ có những bài viết trên các báo điện tử, họ càng nổi tiếng hơn. Nhờ báo điện tử, các nghệ sĩ cũng có những lợi ích nhất định.

Chẳng hạn như ca sĩ Mỹ Linh, nữ diva của làng ca nhạc Việt Nam. Nhờ sự truyền thông của báo điện tử, hàng loạt các dự án của cô đã được nhiều người biết tới hơn và đem lại sự thành công lớn. Hay Á hậu Thuỵ Vân, giờ cô không chỉ được biết tới là một người đẹp mà còn là một MC của chương trình Bản tin Tài chính được biết đến như mẫu người phụ nữ hiện đại, tài năng và xinh đẹp. Bên cạnh những nỗ lực của chính bản thân những nghệ sĩ, người đẹp, cũng không thể phủ nhận vai trò của truyền thông, báo điện tử đã giúp họ đến được gần hơn với đông đảo công chúng. Và dĩ nhiên, thêm nổi tiếng hơn.

Nhờ sức lan tỏa của báo điện tử, có rất nhiều con người bình dị đã trở nên nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn ra cả quốc tế. Trong những ngày này, khi các trường Đại học công bố điểm thi, đã có rất nhiều học sinh nghèo học giỏi trở thành thủ khoa các trường Đại học danh tiếng được các báo mạng truyền tải đến độc giả. Nhờ có báo điện tử, các em đã trở nên nổi tiếng, trở thành những tấm gương đáng để các lớp học sinh tiếp sau học tập...

Bên cạnh những mặt tích cực được ghi nhận, hiểu được vai trò, sức mạnh của báo điện tử trong việc lan tỏa thông tin, sự nổi tiếng mà nhiều người có được hay cố tìm cách để có trên môi trường báo điện tử một cách phản cảm. Cũng trong giới showbiz, một số nghệ sĩ đã và đang dùng báo điện tử như là một công cụ lăng xê tên tuổi mình thái quá. Gần đây nhất là hiện tượng “bà Tưng” hay một số hotgirl khác tìm cách nổi tiếng bằng cách khoe thân, khoe ngực...

Trong khi hầu như các tờ báo điện tử chính thống có quan điểm rõ ràng, đúng đắn về các hiện tượng nêu trên, thậm chí là tẩy chay thì vẫn có một số báo điện tử và đặc biệt là các trang thông tin điện tử vốn là cổng thông tin của doanh nghiệp lại tiếp tay cho sự lố lăng, phản cảm này bằng những thông tin câu khách, rẻ tiền, thậm chí còn ăn cắp cả trí tuệ, chất xám để xào xáo lại thành sản phẩm của mình.

Vậy làm sao báo điện tử có thể đấu tranh và giúp những nhân vật như "bà Tưng" hiểu được giá trị thực của sự nổi tiếng? Các tờ báo điện tử “quen” giật gân câu khách, những trang thông tin điện tử “quen” ăn cắp thông tin, chất xám của người khác sẽ có sự nhìn nhận, hành động đúng đắn hơn?

Người làm báo không biến mình thành công cụ cho những người thích nổi tiếng kiểu bà Tưng

Chia sẻ quan điểm của mình trước câu hỏi, sau gần 20 năm, sự phát triển của Báo điện tử Việt Nam so với thế giới như thế nào? ông Vũ Hoàng Liên cho rằng, sự phát triển Internet đem lại sự thay đổi ngỡ ngàng đối với kinh tế xã hội. Ban đầu Internet được coi là môi trường hạ tầng nhưng nay chuyển sang môi trường thông tin. Chính điều đó tạo ra môi trường rất lớn cho báo điện tử. Sự phát triển báo điện tử Việt Nam đang song hành chung với báo điện tử thế giới. Tôi có thể khẳng định Internet Việt Nam không hề thua kém thế giới mà còn nhiều chỉ số tốt hơn mặt bằng trung bình, và thậm chí một số nước phát triển. Tuy nhiên, điều đáng nói chính là phần hồn của Internet. Hiện nay vẫn chưa thắng được Internet phần hồn và nếu làm được điều đó thì mới đáng tự hào và người Việt Nam có thể giành được và vươn lên so với thế giới.

Trả lời câu hỏi: có nên lợi dụng báo điện tử để đánh bóng tên tuổi? theo ông Vũ Hoàng Liên, những người muốn nổi tiếng tận dụng môi trường Internet, Báo điện tử là hoàn toàn đúng. Báo điện tử có sức mạnh lan tỏa mạnh mẽ và Internet trở thành môi trường thông tin và thậm chí trong tương lai, môi trường thông tin này sẽ đóng vai trò thống trị. Hiện Việt Nam có trên 30 triệu người dùng Internet nhưng con số thực chưa đến dừng đó. Điều đó nói lên rằng, một bộ phận lớn của xã hội đang truy cập vào mạng Internet. Đây chính là bộ phận tích cực của xã hội. Chính bộ phận tích cực này đem lại sức lan tỏa của mạng, Tuy nhiên, song hành mặt tốt vẫn còn có mặt trái. Nhưng mặt trái đó không thể đổ lỗi cho báo điện tử, Internet mà là do người dùng đã lạm dụng và không biết sử dụng nó. Những người tận dụng điều này để tạo ra sự nổi tiếng không có gì sai mà sai là ở chủ thể muốn nổi tiếng, họ muốn gì và mục tiêu của họ là gì. Họ đã biết cân đối hợp lý giữa cái được và cái mất hay chưa. Những người muốn nổi tiếng thường chỉ nghĩ tới mục đích của bản thân mình và chưa cân đối được cái lợi và cái hại.

Là một người nổi tiếng với rất nhiều thông tin được cập nhật trên báo mạng, anh có suy nghĩ gì về tác động của báo mạng hiện nay? Trả lời câu hỏi này của MC, Ca sĩ Tấn Minh cho rằng, báo mạng vô cùng tiện ích, hiện giờ các tờ báo giấy cũng đều có trang web. Trong thời đại nhịp sống đang chuyển động rất nhanh, báo điện tử trở thành niềm yêu thích mọi người. Buổi sáng ngủ dậy chỉ cần cầm chiếc điện thoại lên là có thể lướt được các thông tin nóng. Và khi bước chân ra khỏi nhà là đã có những thông tin thời sự để có thể trao đổi mọi người. Tôi nghĩ không chỉ các nghệ sĩ mà tất cả mọi người đang được hưởng lợi từ báo mạng nói riêng và môi trường thông tin Internet nói chung.

Là người ít dính scandal trên báo, Tấn Minh có chia sẻ gì về những hiện tượng đang lợi dụng báo mạng để được nhiều người biết đến? Với câu hỏi này, ca sĩ Tấn Minh chia sẻ, với tốc độ phát triển của xã hội như bây giờ, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Câu chuyện Bà Tưng không chỉ có ở Việt Nam, mà ở các nước khác cũng những chuyện như vậy. Điều tôi lo ngại nhất là những hiện tượng này đang ảnh hưởng đến các thế hệ khác, đặc biệt là thế hệ trẻ.Chúng ta có thể đủ lớn, đủ tỉnh táo để phân biệt thật giả, đúng sai. Tuy nhiên, thế hệ trẻ thì lại tin vào những thông tin mà báo chí trong đó có báo mạng đăng tải. Tôi hy vọng các bạn làm báo không biến thành công cụ cho những người thích nổi tiếng kiểu bà Tưng. Và cũng hy vọng mọi người sẽ cân nhắc thông tin đưa lên.

Trả lời câu hỏi: Từ ngày bạn đăng quang Á hậu Việt Nam năm 2008 ở Hội An, thì báo điện tử nói chung đã giúp bạn như thế nào trong con đường bạn chọn. Bạn nghĩ thế nào về sức mạnh của báo điện tử khi trở thành người nổi tiếng?, Á hậu Thụy Vân cho hay, sự phát triển của Internet mang lại cho nhân loại và Việt Nam chúng ta rất nhiều thứ. Báo mạng trong thời gian tới sẽ trở thành một phương tiện cực kỳ  chủ lực. Độc giả sẽ ngày càng tiếp cận báo mạng nhiều hơn rất nhiều so với báo giấy vì họ chỉ cần dùng một chiếc điện thoại thông minh hay điện thoại cá nhân, laptop hay Ipad là có thể tiếp cận với mọi thông tin, thậm chí tiếp cận cả truyền hình bằng Internet nhiều hơn việc đến một sạp báo để mua một tờ báo giấy để đọc. Bởi vậy tôi nghĩ rằng không ai có thể phủ nhận được sự tiện lợi của Internet.

Còn riêng với bản thân tôi, năm 2008 khi bước vào cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, khi đó tôi còn là sinh viên nên chưa thể tưởng tượng được sức lan truyền của báo mạng mạnh mẽ đến như vậy. Báo điện tử có tốc độ cập nhật tin tức rất nhanh và đem đến tin tức mới nhất ở một sự kiện nóng cho khán giả rất tốt. Và Thụy Vân cũng được hưởng lợi từ điều đó, sẽ nhiều người biết đến Thụy Vân hơn và nhiều người ủng hộ Thụy Vân hơn thông qua các bài báo mà các anh chị phóng viên viết về mình. Cho đến ngày hôm nay, 7 năm sau khi đăng quang, tôi nghĩ là sự không quên của khản giả dành cho Thụy Vân có lẽ cũng một phần là nhờ báo mạng, tất nhiên cũng có những bài báo giấy viết về Thụy Vân nhưng sức lan tỏa của báo mạng lại mạnh mẽ hơn cả và sẽ giúp cập nhật những thông tin gần với mình nhất. Qua đó, độc giả có thể biết được cô Á hậu Thụy Vân đang làm gì, hay các sự kiện như Thụy Vân lập gia đình, sinh em bé đều được báo mạng cập nhật thường xuyên để những người yêu quý và quan tâm đến Thụy Vân có thể theo dõi và chia sẽ.

Bên cạnh mặt tích cực, bạn đánh giá thế nào về mặt tiêu cực của báo mạng nói chung, sự lạm dụng báo điện tử như một công cụ để nổi tiếng mặc dù không có tài? Với câu hỏi này, Á hậu Thụy Vân bày tỏ quan điểm, không phủ nhận sự tiện lợi, sự cập nhật thông tin của báo mạng, tuy nhiên việc lợi dụng báo mạng để nổi tiếng cũng thực sự tồn tại. Ở trên thế giới cũng có hiện tượng đó, bởi vậy khi hiện tượng này xảy ra ở Việt Nam cũng không có gì lạ. Tuy nhiên, trên thế giới họ phân định rất rõ đâu là báo chính thống, đâu là báo lá cải.

Những tờ báo lá cải có tác động xấu đến cộng đồng. Tuy nhiên chúng ta không thể trách những phóng viên, những nhà báo mà chúng ta cần xây dựng ý thức cộng đồng. Chúng ta cần phải tự chắt lọc thông tin, chắt lọc những tờ báo có chất lượng, những thông tin chính thống nào đáng xem, đáng đọc.

Đôi khi chúng ta nhầm lẫn giữa việc được mọi người biết đến và sự nổi tiếng. Một người nổi tiếng, hay một sự nổi tiếng cần phải có giá trị đích thực. Nổi tiếng không đơn thuần là để mọi người biết đến mà phải là sự nổi tiếng ở đây phải được mọi người công nhận, ghi nhận bởi những gì chúng ta đã cống hiến. Điều đó mới có giá trị lâu bền lâu dài.

Báo điện tử có sa đà vào thị hiếu tầm thường?

Một bạn đọc hỏi ông Vũ Hoàng Liên hay đọc gì trên báo điện tử? Ông có cho rằng báo điện tử đang sa đà vào phục vụ những thị hiếu tầm thường không?

Ông Vũ Hoàng Liên cho biếtTôi có đọc báo nhưng không giành nhiều thời gian cho báo điện tử. Tôi không nghĩ báo điện tử bị sa đà vào những thứ tầm thường. Bởi vì một tờ báo cũng phải đưa cả thông tin quan trọng, thông tin đi vào đời sống hàng ngày. Tôi nghĩ thông điệp dẫn dắt người nghe để lý giải giá trị cho tin tức đó là gì và báo điện tử nên lưu ý. Cái ý nghĩa của thông điệp muốn truyền tải cho bạn đọc là gì và đó mới là giá trị thực. Nếu thông tin trọng đại mà không truyền tải được thông điệp cho bạn đọc thì cũng không có giá trị. Nói chung quan trọng là cách truyền tải của báo điện tử. Nhiều thông tin chỉ dừng ở hiện tượng nên có thể trở nên tầm thường”.

Báo điện tử trong tương lai sẽ có vai trò chính vì xu hướng hội tụ của các media, nên báo in đã từng cuốn vào báo điện tử thì trong tương lai báo hình cũng phải diễn đạt theo hình thức của báo điện tử. Báo điện tử hiện nay cũng có những vai trò lấn át báo in nhưng tương quan so với kênh truyền thông truyền hình, báo điện tử vẫn còn khoảng cách rất xa. Nhưng trong tương lai, báo điện tử sẽ là vai trò chính không dừng lại ở giới hạn Internet.

Trả lời câu hỏi sự phát triển của báo điện tử đã góp phần thế nào trong sự phát triển của Internet nói chung. Hiệp hội Internet đã có những chính sách, hỗ trợ gì đối với sự phát triển của Báo điện tử? Ông Vũ Hoàng Liên cho biết báo điện tử kế thừa môi trường Internet để phát huy vai trò của mình. Đồng thời đóng góp tạo nên sức sống thật của Internet. Trước kia người ta chỉ nghĩ Internet như một hạ tầng mạng và bây giờ nhìn thấy sức sống của nó. Hiệp hội Internet có mối quan hệ với các báo điện tử, cộng đồng báo chí nói chung trong các hoạt động của mình, bản thân lĩnh vực Internet của Việt Nam đã được cộng đồng báo chí ủng hộ từ thời kỳ đầu cho đến quá trình phát triển như hiện nay. Có thể khẳng định, Internet phải biết ơn cộng đồng báo chí và báo điện tử. Hiệp hội Internet trong chương trình hoạt động chưa có nội dung cụ thể hỗ trợ cho báo điện tử. Đây cũng là sự nhắc nhở để Hiệp hội có sự quan tâm tới báo điện tử.

Với thời hạn 2 giờ đồng hồ, buổi toạ đàm trực tuyến đã phần nào giải đáp được những câu hỏi xung quanh chủ đề Báo điện tử và sự nổi tiếng hiện nay.

Minh Anh (Tổng hợp)

Tin nổi bật