Báo chí nước ngoài đánh giá thế nào về thương mại điện tử Việt Nam?

Việt Nam là thị trường đầy hứa hẹn cho thương mại điện tử và triển vọng đó đã tăng lên trong năm 2020 bất chấp đại dịch COVID-19.

53% dân số ở Việt Nam đã tham gia bán lẻ trực tuyến. Ảnh: TTXVN

Trang tiếng Anh của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đăng bài viết nhận định với nền kinh tế đang phát triển và dân số hơn 97 triệu người, Việt Nam là thị trường đầy hứa hẹn cho thương mại điện tử và triển vọng đó đã tăng lên trong năm 2020 bất chấp đại dịch COVID-19.

Bài viết dẫn báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương, công bố hồi đầu năm 2021, cho biết 53% dân số Việt Nam đã tham gia bán lẻ trực tuyến.

Trong khi đó, báo cáo “E-conomy SEA 2020” của Google, Temasek và Bain & Company chỉ ra rằng thương mại điện tử ở Việt Nam tăng trưởng 46% hàng năm và tăng trưởng mạnh mẽ trên hầu hết các lĩnh vực, trừ du lịch.

Báo cáo cho rằng đến năm 2025, kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt giá trị 52 tỷ USD, đứng thứ ba Đông Nam Á.

Lý giải nhận định trên, bài viết cho rằng tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh là động lực thúc đẩy chi tiêu, với 33 triệu người vào năm 2020, tăng so với mức 12 triệu người trong năm 2012.

Khi tầng lớp trung lưu tăng, mối quan tâm đối với các thương hiệu cao cấp hàng đầu cũng tăng lên.
Theo Giám đốc điều hành của công ty tư vấn kinh doanh toàn cầu RBNC Robert Trần, nhóm nhân khẩu học mới là HENRY (người có thu nhập cao, nhưng chưa giàu), có thu nhập hàng năm khoảng 75.000-100.000 USD.

Ông Robert Trần nêu rõ: “Cùng với những người có thu nhập trên 100.000 USD mỗi năm, họ thường mua sản phẩm từ các thương hiệu cao cấp bằng cách đặt hàng trực tiếp hoặc thông qua người bán cung cấp dịch vụ đặt hàng và giao hàng"..
Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận nghiên cứu và tư vấn của Savills Việt Nam cũng đề cập tới thực trạng nhiều người đã đến các thị trường lân cận, có các trung tâm mua sắm lớn như Hong Kong và Singapore, chỉ để mua túi Gucci hoặc đồng hồ Rolex.

Chính do đó, ngày càng nhiều thương hiệu chú ý đến Việt Nam trong những năm gần đây. Cụ thể, Gucci, Louis Vuitton và Saint Laurent đều đã mở cửa hàng tại Việt Nam.
Bất chấp sự hiện diện của các cửa hàng này, kênh mua sắm phổ biến thứ hai để mua sắm hàng hiệu cao cấp tại Việt Nam là thông qua mạng xã hội.

Điều này hoàn toàn hợp lý khi người Việt Nam trung bình dành khoảng 7 giờ mỗi ngày để truy cập Internet, chủ yếu là trên Facebook, YouTube và cả Zalo (một ứng dụng trò chuyện trong nước) và Instagram.
Cho đến nay, Facebook vẫn là nền tảng ưu tiên cho thương mại điện tử. 89% người trả lời khảo sát của Asia Plus Inc. năm 2019 lựa chọn sử dụng Facebook.

Theo trang mạng worldpopulationreview. com, với hơn 66,7 triệu người dùng Facebook vào năm 2020, Việt Nam đứng thứ 7 trên thế giới.
Tất cả điều này cho thấy Việt Nam có thể là “mỏ vàng” cho những người bán hàng nhỏ lẻ với các cửa hàng trực tuyến tư nhân.

Theo khảo sát của Asia Plus, thời trang và làm đẹp là hai nhóm hàng được tìm kiếm và mua bán trực tuyến phổ biến nhất, lần lượt ở mức 55% và 30%.
Cũng theo bài viết, bất chấp dịch COVID-19 bùng phát, thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh tại Việt Nam.

Một báo cáo do iPrice Group và App Annie thực hiện cho thấy tổng lượt truy cập vào các ứng dụng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam trong quý II/2020 đạt 12,7 tỷ lượt, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng 43% so với quý I/2021.

Trong sáu tháng đầu năm 2020, mức chi tiêu bình quân cho mua sắm trực tuyến của người Việt Nam tăng 31% so với cùng kỳ năm 2019./.

Nguồn: TTXVN

 https://bnews.vn/bao-chi-nuoc-ngoai-danh-gia-the-nao-ve-thuong-mai-dien-tu-viet-nam/198006.html
Tin nổi bật