Báo chí dẫn dắt truyền thông xã hội để quảng bá thương hiệu quốc gia

(ICTPress) - “Báo chí đã có đóng góp rất lớn đối với phát triển thương hiệu Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã khẳng định tại “Diễn đàn Thương hiệu quốc gia với truyền thông và cộng đồng” hôm nay 20/4 tại Hà Nội.

Diễn đàn được Cục Xúc Tiến - Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia, Bộ Công thương tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4 và chuẩn bị cho Lễ Công bố các doanh nghiệp Việt Nam đạt Thương hiệu Quốc gia lần thứ 5 năm 2016.

Góp phần khơi dậy phát triển thương hiệu Việt

Thủ tướng Chính phủ từ năm 2003 đã phê duyệt Chương trình Thương hiệu Quốc gia (THQG).  Bộ Công Thương được giao là cơ quan thường trực, phối hợp với các Bộ/ngành triển khai. Chương trình được thực hiện nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, tạo được uy tín vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế.

Trong điều kiện nguồn lực thực hiện Chương trình còn nhiều hạn chế, Bộ Công Thương, cơ quan trực tiếp thực hiện là Cục Xúc tiến thương mại – Ban Thư ký Chương trình đã nỗ lực xây dựng và đổi mới các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN), thu hút sự đồng hành tích cực của DN trong nhiều hoạt động của Chương trình, quy tụ nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp quyết tâm đưa hàng hóa dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam tương xứng với vị thế mới của đất nước. 

Trong những nỗ lực đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải tại Diễn đàn đã nhấn mạnh: “Báo chí đã có đóng góp rất lớn đối với phát triển thương hiệu Việt Nam và cộng đồng DN. Sự đồng hành, hợp tác chặt chẽ của các cơ quan thông tấn báo chí trong việc tuyên truyền giới thiệu mục đích, ý nghĩa và nội dung hoạt động của Chương trình THQG cũng như khơi dậy phong trào phát triển thương hiệu Việt Nam, tôn vinh các DN, thương hiệu sản phẩm uy tín đạt THQG”.

Được biết ngay từ giai đoạn đầu triển khai, Chương trình THQG đã ký kết thỏa thuận hợp tác với những đối tác truyền thông hàng đầu Việt Nam như Đài Truyền hình VN (VTV), Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), Thông tấn xã Việt Nam, Thời báo Kinh tế VN, Thời báo Kinh tế Sài gòn, Báo Công Thương… để thực hiện nhiều hoạt động quảng bá, tăng cường sự nhận biết đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, tạo sự tin cậy, ưa thích của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với hàng hóa, dịch vụ và nhà sản xuất Việt Nam. Ngoài ra, không thể thiếu mạng lưới các cơ quan thông tấn báo chí trên cả nước luôn sát cánh đưa tin trong tất cả các hoạt động của Chương trình, chuyển tải kịp thời thông điệp của Chương trình tới cộng đồng xã hội.

Với tư duy thời sự nhạy bén, nhận định sắc sảo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết báo chí đã nêu ra những tồn tại, hạn chế trong thực trạng xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu tại Việt Nam, những thách thức mà quốc gia, cộng đồng DN đang và sẽ phải đối mặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Qua đó, giúp các cơ quan chức năng điều chỉnh chính sách phù hợp, có ý kiến phản biện xã hội cần thiết khi xây dựng các chính sách mới. Báo chí cũng kịp thời phản ánh ý kiến của người tiêu dùng đối với nhà sản xuất và thương hiệu sản phẩm của Việt Nam, giúp DN có thông tin định hướng để xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh và thương hiệu bền vững hơn đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng.

Báo chí dẫn dắt truyền thông xã hội để tuyên truyền THQG

Có rất nhiều yếu tố đóng góp cho sự phát triển thành công một THQG, nhưng vai trò của truyền thông rất quan trọng, không thể thiếu PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Đại học Thương Mại đã nhấn mạnh tại Diễn đàn.

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng nêu vai trò này hiện nay không chỉ có cơ quan thông tấn. Với sự phát triển của Internet, mạng xã hội, mỗi một người dân đều có thể trở thành một người viết báo tự viết, tự biên tập, tự đăng bài. Trong thời gian gần đây, những “bài báo” như vậy có một tác động không hề nhỏ tới quan niệm, nhận định của xã hội. Chỉ cần một chụp một bức ảnh đưa lên là có một cảm giác “buồn không hề nhỏ” bởi lập tức có ngay khoảng 100 - 200 người “like”, việc tuyên truyền đã trở nên rùm beng.

Bởi vậy, báo chí sẽ phải là kênh truyền thông chính thức, dẫn dắt truyền thông xã hội, góp phần quảng bá THQG để hình ảnh Việt Nam dần khẳng định, ông Thịnh nêu.

Cũng trao đổi về vai trò của công tác tuyên truyền đối với phát triển hình ảnh và THQG Việt Nam, ông Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn và nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ nhận thức và sự quan tâm chưa đầy đủ của các cấp, các ngành, DN. Để phát triển hình ảnh và THQG, ông cho rằng, vai trò công tác thông tin tuyên truyền thời gian tới cần được các cấp, các ngành, DN nhận thức đầy đủ hơn.

Cũng theo ông Bùi Thế Đức, chương trình THQG nên đầu tư chiến lược hơn cho công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, nhất là những sản phẩm có lợi thế so sánh, làm tốt công tác tôn vinh, khen thưởng sản phẩm, dịch vụ Việt Nam có chất lượng cao và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và phối hợp hơn giữa DN và cơ quan truyền thông.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết xây dựng THQG để khẳng định bản sắc trên thị trường thế giới trong bối cảnh hội nhập là cách đi đúng hướng. Chúng ta có thể kỳ vọng việc khẳng định thương hiệu Việt trên thương trường quốc tế là có triển vọng. Song phải có thời gian, phải có lộ trình để tích tụ năng lực và kinh nghiệm; vừa bằng sự hỗ trợ của nhà nước, các bộ ngành, địa phương và sự nỗ lực của mỗi DN, các hiệp hội ngành hàng, mới tạo ra bước đột biến. Đó cũng chính là thông điệp mà Diễn đàn ngày hôm nay mong muốn chuyển tải tới cộng đồng DN, báo chí và giới truyền thông.

Phương Dung

Tin nổi bật