Báo chí chuyển đổi số, thay đổi phương thức vận hành, mô hình tổ chức

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị các cơ quan báo chí cần xây dựng đội ngũ có tính chuyên nghiệp, có thể coi là những chuyên gia, người am hiểu sâu về lý luận, ngoại giao, kinh tế, nghệ thuật, công nghệ, chuyển đổi số (CĐS).

Ngày 13/4, tại Nha Trang, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Hội năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tham dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự còn có Phó Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Trần Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thuỷ.

Sự kiện càng đặc biệt, ý nghĩa hơn khi được tổ chức đúng vào những ngày tháng 4 lịch sử, kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng Khánh Hòa (2/4/1975 - 2/4/2023), 48 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023) và 73 năm thành lập Hội nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2023).

Báo chí hưởng ứng quá trình chuyển đổi xanh, CĐS

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết trong năm 2022, Hội nhà báo Trung ương và địa phương đã tập hợp, đoàn kết, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo. Phương thức hoạt động của hội có nhiều đổi mới, bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ; đặc biệt là bám sát xu thế toàn cầu để tuyên truyền, hưởng ứng quá trình chuyển đổi xanh, CĐS, phát triển kinh tế tuần hoàn và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển nội dung số trong hoạt động báo chí.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà: Các cơ quan báo chí cần xây dựng đội ngũ có tính chuyên nghiệp, có thể coi là những chuyên gia, người am hiểu sâu về lý luận, ngoại giao, kinh tế, nghệ thuật, công nghệ, CĐS

Phó Thủ tướng đánh giá các nhà báo đã chủ động thâm nhập thực tế, kịp thời đưa tin về những sự kiện nóng, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm,… Nhiều bài báo mang tính phát hiện, đúc kết thực tiễn sinh động, lan tỏa các gương điển hình tiên tiến, cảnh báo những nguy cơ hiện hữu, kiến nghị các giải pháp thiết thực trên các lĩnh vực. Các tác phẩm đã tích cực phản ánh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với nhiều cách tiếp cận sáng tạo, đa dạng, chính xác, tạo sức mạnh dư luận, hỗ trợ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Công tác truyền thông chính sách được triển khai chủ động, hiệu quả, đặc biệt là tuyên truyền định hướng, truyền tải nguyện vọng của nhân dân tới các cơ quan xây dựng chính sách. Việc lấy ý kiến của nhân dân đối với Luật Đất đai là minh chứng rất rõ về sự hiệu quả của các cơ quan truyền thông trong xây dựng chính sách, tạo được sự đồng thuận của dư luận xã hội cũng như phát huy tối đa trí tuệ của các tầng lớp nhân dân.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Trước những khó khăn và thách thức mới trong năm 2023 và các năm tiếp theo, Phó Thủ tướng đề nghị cả hệ thống chính trị cần phải đặt quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để hóa giải các thách thức, tận dụng các thời cơ đưa đất nước phát triển. Hơn bao giờ hết, báo chí cách mạng Việt Nam phải tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa khát vọng Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, cổ vũ động viên tinh thần đổi mới; tiếp thêm năng lượng tích cực để cả hệ thống chính trị, cùng toàn dân vượt qua những khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 và giai đoạn 2021-2025.

Các cấp hội cần định hướng các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, các vấn đề thời sự; phản ánh sâu sắc, sinh động hơi thở, nhịp đập của cuộc sống để có nhiều tác phẩm báo chất lượng, có tính chiến đấu cao, giá trị nhân văn sâu sắc, chân thực, chạm tới cảm xúc của khán giả, từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, không ngừng củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị báo chí thực hiện tốt vai trò là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; quán triệt tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. 

Các cơ quan báo chí cần xây dựng đội ngũ có tính chuyên nghiệp, có thể coi là những chuyên gia, người am hiểu sâu về lý luận, ngoại giao, kinh tế, nghệ thuật, công nghệ, CĐS; đầu tư nhiều hình thức thể hiện, chuyển tải đa dạng, phong phú để trở thành "món ăn tinh thần hằng ngày" không thể thiếu của độc giả, không chỉ người dân mà cả các nhà quản lý.

Mỗi người làm báo phải luôn không ngừng trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, cập nhật thông tin; năng động, sáng tạo, bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của xu hướng công nghệ mới; luôn ý thức được trách nhiệm của mình với tư cách là những sứ giả cho sức mạnh mềm của Việt Nam; mang những giá trị văn hóa tốt đẹp “Chân - Thiện - Mỹ” của dân tộc, hình ảnh một Việt Nam có trách nhiệm với các vấn đề toàn cầu đối với độc giả quốc tế, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị làm rõ vấn đề cơ chế thị trường và định hướng XHCN trong hoạt động báo chí. Đầu tư tương xứng về nguồn lực, con người, công nghệ để giúp các cơ quan báo chí phát triển chính quy, bài bản, hiện đại, thực hiện tốt vai trò là công cụ truyền thông sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân và là phương tiện giám sát, phản biện xã hội hiệu quả.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành phải gắn bó hơn nữa với báo chí, chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan báo chí, nhà báo tác nghiệp đúng chuyên môn, nghiệp vụ, chủ động phản ánh những bất cập, khó khăn, vướng mắc để cơ quan quản lý có phản ứng chính sách kịp thời, nhanh nhạy; có các chuyên đề, nghiên cứu rất hệ thống, đồng bộ, đưa ra những mô hình, cách làm hay, nhân rộng những cơ chế, chính sách mới, thậm chí đề xuất hướng tháo gỡ vướng mắc.

Hội Nhà báo Việt Nam cần phải tiên phong trong bồi dưỡng và xây dựng bản lĩnh chính trị cho các nhà báo, hội viên, đồng thời tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, từ đó giúp “chấn chỉnh” những “lệch chuẩn” về đạo đức nghề nghiệp, nhân lên những giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí.

Hơn 500 đại biểu từ các cấp hội nhà báo toàn quốc tham dự Hội nghị

Báo chí đẩy mạnh CĐS, thay đổi phương thức vận hành, quản lý, phân phối nội dung, mô hình tổ chức

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn các nhà báo: “Trước khi đặt bút xuống trang giấy, người viết cần tự mình thật sáng tỏ, ta “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”.

Theo Phó Thủ tướng, lời dạy đó của Người càng đúng trong xã hội có sự phân hóa trong cảm thụ, tiếp nhận thông tin, nhất là giới trẻ. Cùng với đócông nghệ số, AI đã làm thay đổi mạnh mẽ các phương tiện truyền thông, dẫn đến xu thế truyền thông hội tụ và thông tin đa phương tiện; sự nổi lên của công nghệ định hướng, dẫn dắt người dùng. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh CĐS, thay đổi phương thức vận hành, quản lý, phân phối nội dung, mô hình tổ chức; nghiên cứu, cập nhật các xu thế phát triển của thông tin hiện đại, thị hiếu của từng nhóm đối tượng để đổi mới tư duy, cách làm báo, trên cơ sở kết hợp giữa nội dung tốt và công nghệ hiện đại, nền tảng số để tiếp cận với độc giả, dựa vào độc giả để tiếp tục lan tỏa thông tin rộng rãi”.

Có như vậy, theo Phó Thủ tướng, báo chí chính thống mới huy động, tập hợp được lực lượng thống nhất, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, đóng vai trò dòng chảy chính trên xa lộ tin tức không ngừng nghỉ, cập nhật từng phút, từng giờ, từ đó đa dạng hóa thị trường, kinh tế báo chí, đa dạng hóa nguồn thu nâng cao mức sống cho người làm báo.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh nhấn mạnh: “CĐS đã và đang là xu thế tất yếu. Báo chí cần phải đi đầu về CĐS”.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh: CĐS đã và đang là xu thế tất yếu. Báo chí cần phải đi đầu về CĐS

“Báo chí luôn là lực lượng xung kích tuyên truyền hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, luôn gắn bó và đồng hành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Lê Quốc Minh khẳng định.

Bằng nhiều hình thức và hoạt động thiết thực, Hội và các cấp Hội thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao trong việc phát huy tốt vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của nhà báo trong hành nghề và giáo dục nhà báo tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy định và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo.

Ban hành Điều lệ Hội nhà báo Việt Nam để tiếp tục đổi mới, CĐS

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg về chiến lược CĐS báo chí để đẩy nhanh lộ trình CĐS; Quyết định số 375/QĐ-TTg ngày 12/4/2023 phê duyệt Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam để tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho báo chí thực hiện làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền, phục vụ sự nghiệp cách mạng của đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước, CĐS, đảm bảo đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới, thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số hiện đại, hội nhập ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định ban hành Điều lệ Hội nhà báo Việt Nam được phê duyệt ngày 12/4 tại Hội nghị

Phó Thủ tướng khẳng định: Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí; tạo lập môi trường để những người làm báo phát huy sức sáng tạo có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước. Đồng thời phát triển ngành công nghiệp truyền thông của Việt Nam hiện đại, hội nhập ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực; tiếp tục chỉ đạo các ban, bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan báo chí, nhà báo tác nghiệp đúng chuyên môn, nghiệp vụ./.

Nguồn: ictvietnam.vn

Tin nổi bật