Báo Singapore cải chính thông tin sai về vụ Bình Dương như thế nào?

Câu chuyện về báo The Straits Times (ST), tờ báo lớn nhất của Singapore, sử dụng một bức ảnh hoàn toàn sai với sự thực ở Việt Nam khiến dư luận ồn ào. Nhờ sự nỗ lực làm rõ sự thật của những độc giả VN, ST đã cải chính.

Kết quả là ST đã rút bức ảnh sai trên các website của mình, cải chính và xin lỗi nhân dân Việt Nam. Đây là một trong những nỗ lực bảo vệ hình ảnh Tổ quốc của những người dân Việt Nam trong đó có những nhà báo tại Việt Nam và Singapore. Để hiểu hơn về quá trình yêu cầu ST cải chính như thế nào, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với chị Thục Minh, Phóng viên Báo Thanh Niên thường trú tại Singapore, người góp phần lớn vào việc yêu cầu ST cải chính, xin lỗi Việt Nam.

Bức ảnh bị chú thích sai và lời cải chính xin lỗi của Straits Times (ảnh Thục Minh)

Người Việt Nam đó là chị Phạm Kiều Oanh, đã chụp bài báo với bức ảnh bị chú thích sai, đăng lên Facebook cá nhân và chia sẻ với một số bạn ở Việt Nam, trong số đó có nhà báo Mai Phan Lợi của báo Pháp Luật TP.HCM. Anh Mai Phan Lợi lập tức báo cho chị Thục Minh biết về sai sót này. Và chị đã gọi ngay cho một biên tập viên của ST. Sự việc sai sót lập tức được báo cáo lên các lãnh đạo tòa soạn ST và bức ảnh đã bị rút ngay khỏi các trang web chính lẫn trang phụ của ST. Sự việc được chị Thục Minh kể lại, dù ở Singapore và có tờ báo trong tay từ sáng sớm nhưng do bận rộn chị đã không đọc kỹ chú thích bức ảnh. Việc phát hiện ra sai sót của ST do một người từ Việt Nam đến Singapore đúng ngày 16/5. Tờ ST đã dùng ảnh những công nhân Việt Nam bị ngộ độc ở Thanh Hóa và chú thích thành: “công nhân Trung Quốc bị người biểu tình khống chế trong một nhà máy ở Bình Dương”. Đây là một sai sót vô cùng có hại cho hình ảnh Việt Nam. Ngay lập tức người Việt Nam đó đã tìm cách phản ánh lại thông tin với báo chí.

 Đồng thời chị Thục Minh cũng gửi email đến Tổng biên tập, Trưởng ban Quốc tế, và một số người khác của báo ST, cung cấp thông tin cụ thể về bức ảnh, và yêu cầu  đính chính trên báo in. 

Trong vòng chưa đầy một giờ, Trưởng ban ảnh của ST đã đại diện tờ báo này gửi email đến chị Thục Minh, trong đó thừa nhận sai sót, xin lỗi và hứa sẽ đính chính ngay trong số báo hôm sau. Và ST đã đăng tin đính chính kèm lời xin lỗi trong số báo ngày 17/5. 

Email ST gửi chị Thục Minh có đoạn: “Sáng nay, chúng tôi đã nhận ra chúng tôi đã sai khi nhầm lẫn bức ảnh của người bị thương trong cuộc đụng độ phản đối Trung Quốc. Chúng rôi rất tiếc vì sai lầm đã xảy ra và đã xóa bức ảnh trên website cũng như các sản phẩm trực tuyến khác, ngay khi nhận  ra nhầm lẫn này. Chúng tôi sẽ công bố nhầm lẫn này trong tin cải chính xuất bản vào sáng mai”.

Chị Thục Minh, Phóng viên thường trú tại Singapore của báo Thanh Niên (ảnh Giản Thanh Sơn)

Sự việc giải quyết tốt đẹp bảo vệ được hình ảnh Việt Nam trước thông tin sai sót, nhầm lẫn. Tuy nhiên, một số người vẫn nghi ngờ nguyên nhân đằng sau việc nhầm lẫn này. Để giải tỏa khúc mắc này, chị Thục Minh đã quyết tâm tìm hiểu đến cùng. Dưới đây là chia sẻ của chị trên Facebook cá nhân chiều 19.5 về việc tìm ra tác giả bức ảnh. Được sự cho phép của tác giả, Infonet xin được chia sẻ cùng bạn đọc:

ZHANG HUSHENG - Tác giả bức ảnh báo Straits Times chú thích nhầm là ai?

Thưa các bạn, mấy ngày qua, chuyện bức ảnh trên báo Straits Times (ST) ngày 16.5 chụp công nhân Việt Nam bị ngộ độc nước uống ở Thanh Hóa được chú thích là công nhân Trung Quốc bị người biểu tình khống chế trong một nhà máy ở Bình Dương khiến dân mình đặt ra nhiều nghi vấn.

Cũng rất nhiều bạn đặt câu hỏi Zhang Husheng - người được ghi trên báo ST là tác giả bức ảnh - là ai?

Ngay từ những phút đầu tiên, với kinh nghiệm của người làm báo và kinh nghiệm của người theo dõi ST gần 7 năm qua, mình tin là bức ảnh do một công nhân của Trung Quốc (cái tên được phiên âm như thế thì chỉ là người TQ thôi, chứ không giống tên người gốc Hoa ở các nước khác) đang làm việc tại Việt Nam cung cấp cho ST, vì báo này hiện không có người thường trú ở nước ta. Việc chú thích nhầm có thể là do người cung cấp ảnh cố tình nhầm với động cơ xấu.

Đêm 16.5, một nhà báo ở Việt Nam nói với mình rằng người của ST cho hay bức ảnh được mua của hãng tin Reuters, hãng tin ngày hôm trước đã đưa thông tin được cho là thất thiệt rằng có 21 người chết trong vụ ẩu đả ở Hà Tĩnh.

Mình không tin. Vì thông thường, khi đăng hình mua của các hàng thông tấn, ST ghi "PHOTO: TÊN HÃNG TIN" chứ không ghi tên phóng viên chụp ảnh. Càng không có chuyện ghi "PHOTO: COURTESY OF TÊN AI ĐÓ" như họ ghi cho bức ảnh này.

Đêm 18.5, một người Việt ở Singapore báo cho mình biết rằng khi search cái tên Zhang Husheng trên mạng thì ra một ông là Phó tổng biên tập của một tạp chí Trung Quốc. Và từ chỗ này, một thuyết âm mưu ghê gớm được đặt ra: Phải chăng ST câu kết với phía TQ để đăng bức ảnh bất lợi choViệt Nam?

Tuy nhiên, khi mình xem đường link người này gửi, thấy ông nội Zhang Husheng đã rất già, và cũng không còn là phó Tổng biên tập gì nữa. Mình tin chẳng qua là trùng tên họ thôi.

Straits Times đã sơ xuất?

Sáng nay, một em người Việt cần mẫn ở Singapore cũng search trên mạng và tìm ra: Cũng trên số báo ngày 16.5, ST có đăng một bài khác về chuyện công nhân Việt Nam biểu tình, và có nói rõ: Zhang Husheng là công nhân Trung Quốc 34 tuổi, quê Trùng Khánh, làm việc trong nhà máy giày Baoyuan ở Bình Dương (vì gần nhau về địa lý, người Singapore hay gọi Bình Dương là Thành phố Hồ Chí Minh).

Anh này kể qua điện thoại với phóng viên của ST thường trú ở Bắc Kinh chuyện 500 công nhân của nhà máy mình phải trốn bên trong khi "những người Việt Nam thân thiện" thường ngày bỗng dưng trở nên hung hăng, đập phá. (kèm ảnh chụp bài báo)

Không rõ việc trao đổi thông tin, hình ảnh và bài vở như thế nào giữa Đồng Nai, Thanh Hóa, Bắc Kinh, Bangkok (là nơi Văn phòng Đông Dương của ST tọa lạc, và người viết bản tin có kèm bức ảnh sai là trưởng Văn phòng này) và Singapore, rồi khâu xử lý tại tòa soạn ở đảo sư tử diễn ra làm sao mà cuối cùng ST lại gắn chuyện ở Bình Dương với ảnh ở Thanh Hóa.

Để bữa nào sóng yên biển lặng, mình hỏi các biên tập viên của ST xem sai sót xảy ra ở chỗ nào.

Túm lại, mình tin là có thể loại bỏ nghi vấn có bàn tay Trung Quốc "chọt" vào vụ sai sót này, hay ST cố tình "chơi" Việt Nam.

Trong thời buổi mạng internet phổ biến đến khắp hang cùng ngỏ hẻm của thế giới, chuyện thâm sơn cùng cốc nào cũng thể bị phanh phui sau vài cái nhấp chuột, ST chẳng ngu gì mà cố tình biến chuyện này thành chuyện khác như vậy. Họ chỉ SƠ Ý thôi.

Hồng Chuyên (ghi)

Theo infonet.vn

Tin nổi bật