Báo HàNộimới Cuối tuần - “đọc chậm”, thấm sâu, đậm “chất” Hà Nội

Ra đời trong những năm đầu của thời kì đổi mới khi nền kinh tế- xã hội đang có nhiều chuyển biến tích cực, Báo Hànộimới Chủ nhật (tiền thân của Hànộimới Cuối tuần- HNMCT) đã không ngừng lớn mạnh phản ánh đậm nét hơi thở của đời sống xã hội, đồng hành cùng đất nước trong suốt 3 thập niên đổi mới.

Tờ báo có bản sắc, đậm chất “tuần”

Ngày 2/4/1989, một tờ báo tuần là cơ quan ngôn luận của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã chính thức gia nhập làng báo Việt Nam. Đây là tờ báo phát hành ngày chủ nhật đầu tiên ở Hà Nội và là tờ báo chủ nhật thứ hai trong cả nước, chỉ sau “người đàn anh” Báo Nhân dân Chủ nhật (nay là Báo Nhân dân Cuối tuần - Báo Nhân dân) đúng 2 tháng.

HNMCT ra số kỉ niệm 30 năm ngày ra số báo đầu tiên

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Nguyên Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho rằng muốn HNMCT là một tờ báo đọc chậm theo tuần nhưng thông tin không bị “nguội”, không bị nhàm, mà vẫn tạo được bản sắc riêng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của bạn đọc thì người viết phải biết chọn vấn đề mà độc giả quan tâm. Tờ báo tuần không cần “nóng” mà phải đạt được tiêu chí càng đọc càng thấy thấm, càng thấy hay và muốn chia sẻ. Nó đòi hỏi một độ lắng, một độ sâu và như thế cách chọn vấn đề là tiêu chí đầu tiên. 

Tiếp đến là cách đề cập phù hợp và tinh tế. Người viết phải có cách viết chạm đến trái tim của người đọc, khơi dậy được cảm xúc của họ. Quan trọng nhất, muốn đứng được trong lòng bạn đọc, phải không ngừng đổi mới, không được hài lòng với những gì mình đã có. Không thể nói rằng ngày xưa tốt rồi thì bây giờ cứ thế mà làm. Ngay cả các chuyên mục, chuyên trang cũng phải đổi mới để dòng chảy của cuộc sống mới ùa vào trong các trang báo. Một phần vì ngày nay nhu cầu bạn đọc ngày càng cao và thường hấp dẫn bởi những cái mới. 

Mặt khác, bản thân mình cũng phải nhận thấy nhu cầu tự đổi mới nếu không sẽ bị tụt hậu. Cụ thể, phải tiếp cận các xu hướng mới của thời đại, đặc biệt là các xu hướng về lối sống, cách nghĩ của lớp trẻ. Phải nghĩ cái họ nghĩ, sống cùng với họ. Đối tượng bạn đọc mình phải hướng đến nhiều người chứ không phải chỉ hướng đến những người lớp trước, những người đã ăn quen những món ăn của mình.

Hà Nội là một Thủ đô đặc biệt, vì vừa có đô thị vừa có nông thôn vừa có miền núi thậm chí có cả vùng sâu vùng xa. Mật độ dân số đông, một thành phố vừa phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa rất mạnh nhưng lại có một vùng nông thôn rộng lớn nên cái gì của Hà Nội cũng có tính đặc thù. Văn hóa cũng vậy. Văn hóa của Thủ đô là nền văn hóa mang tính đại diện, làm gương rất cao. Vì thế theo nhà báo Hồ Quang Lợi thì Báo HNMCT phải có nhiệm vụ tuyên truyền, tạo đà cho những nét đẹp văn hóa của người Hà Nội ăn sâu “bén rễ” trong đời sống, góp phần bồi đắp nền tảng văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. 

Hơn nữa, muốn tờ báo đậm “chất” Hà Nội, nhà báo Hồ Quang Lợi cũng mong muốn người làm báo phải đắm mình vào trong đời sống của Thủ đô, phát hiện những cái hay, cái cần nói, cần viết về thành phố của mình. Nhà báo phải thực sự yêu nghề, yêu Hà Nội mới có thể phát hiện trong cuồn cuộn của nhịp sống đô thị Hà Nội vẫn còn đó những khoảng lặng. Chính cái khoảng lặng trong cái cuồn cuộn của nhịp sống đô thị đôi khi chính là nét đẹp của Hà Nội.

Tiếp tục đổi mới để không ngừng phát triển

Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin kéo theo sự lấn lướt của công nghệ truyền hình, báo điện tử, mạng xã hội...đã dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, khốc liệt trên thị trường báo chí. Trong bối cảnh như vậy, một ấn phẩm báo giấy, lại mang phong cách “đọc chậm” đặc trưng như HNMCT càng chịu không ít sức ép. 

Phóng viên Báo HNMCT đi tác nghiệp tại cơ sở (Ảnh: Báo HNMCT)

Trong một bài viết mới đây, nhà báo Nguyễn Hoàng Long, Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho rằng: “Để trả lời được câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại?”, không những thế còn đương đầu với những thách thức mang tính thời đại, phát triển, đứng vững trong cơ chế thị trường, HNMCT cần phải tiếp tục đổi mới, bứt phá, nâng cao chất lượng cả về hình thức và nội dung.

Đổi mới để tờ báo luôn tươi mới, phù hợp với nhu cầu của độc giả và đáp ứng yêu cầu của thời đại, nhưng phải làm sao vẫn trân trọng, duy trì được bản sắc, phong cách riêng của ấn phẩm báo tuần mà các thế hệ đi trước đã dày công gây dựng. Đặc biệt, ấn phẩm phải làm sao kết nối hài hòa với các ấn phẩm khác của Báo Hànộimới là báo điện tử, báo in hằng ngày và ấn phẩm Hà Nội Ngày nay (hiện xuất bản hằng tháng) - tạo thành một dòng chảy thông tin với những đặc trưng riêng, sức hấp dẫn riêng của từng ấn phẩm gắn với đặc tính phát hành theo giờ, ngày, tuần, tháng, nhưng vẫn lại hòa quyện trong tổng thể thương hiệu “Hànộimới”.

Bởi vậy mà đầu tháng 4/2018, Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng ấn phẩm HNMCT đã được Ban Biên tập Báo Hànộimới phê duyệt và đưa vào triển khai. Bên cạnh việc gắn với chủ trương sắp xếp lại vị trí, việc làm, Đề án đã xác định rõ hơn đối tượng độc giả chính hiện tại của tờ báo, từ đó chỉ ra định hướng tuyên truyền cho HNMCT, đó là tập trung vào chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của Đảng bộ và chính quyền thành phố Hà Nội trong các lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, làm nổi bật bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, truyền thống thanh lịch, văn minh cũng như tiềm năng, thế mạnh để phát triển văn hóa, du lịch của Thủ đô... 

Bên cạnh đó, với những bài viết mềm mại, hấp dẫn, những chuyên đề bàn luận sâu sắc, thể hiện quan điểm “viết báo để góp phần xây dựng, cải tạo hiện thực, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Viết báo để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, HNMCT sẽ hình thành một kênh/tuyến thông tin chuyên biệt, rõ tính “đọc chậm” trong hệ thống báo Đảng của Thủ đô, giúp người đọc hiểu sâu, hiểu rõ hơn các vấn đề nảy sinh trong đời sống văn hóa xã hội, góp phần nâng cao dân trí...”, nhà báo Nguyễn Hoàng Long khẳng định./.

Nguồn: HL/congluan.vn

Tin nổi bật