Ba ngày cuối cùng của Sài Gòn trước khi giải phóng qua cái nhìn của nhà báo Italia

Chân thực, khách quan, sống động là những gì độc giả có thể tìm thấy ở cuốn sách "GIẢI PHÓNG" của tác giả người Italia Tiziano Terzani do Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông - Chi nhánh Hà Nội tổ chức biên dịch, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật thẩm định và xuất bản đúng dịp kỷ niệm 44 năm Ngày chiến thắng 30/4/1975. Bản dịch của Nguyễn Hiền Thu. Bối cảnh của tác phẩm là 3 ngày cuối cùng của Sài Gòn trước khi giải phóng và 3 tháng sau ngày 30/4/1975 của nước Việt Nam thống nhất.

Tiểu thuyết chiến tranh từ những tư liệu tại Việt Nam

Tiziano Terzani (1938 – 2004) là nhà báo, nhà văn nổi tiếng người Italia. Ông là một trong những phóng viên nổi tiếng ở Đông Á, Đông Nam Á và là đặc phái viên cho tuần báo Der Spigel tại Đông Nam Á, đến Sài Gòn vào năm 1971. Tháng 7 năm 19975, ông là một trong số ít nhà báo phương Tây đã ở lại Sài Gòn và trở thành nhân chứng của thời điểm lịch sử đó.

Bìa cuốn sách

Giữa tháng 3/1975, ông nhận được lệnh của chính quyền Sài Gòn trục xuất khỏi miền Nam Việt Nam với lý do là một trong những bài báo của ông đã xúc phạm Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Ngay lúc đó, Tiziano Terzani đã linh cảm rằng ngày tàn của chế độ Việt Nam Cộng hòa đã đến, nên ông tìm mọi cách để ở lại miền Nam Việt Nam nhằm chứng kiến giây phút cuối cùng của chiến tranh. Ông được chứng kiến cảnh xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập – kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.

Ba tháng sau ngày 30/4/1975 lịch sử của dân tộc Việt Nam, ông đã rời Việt Nam từ Hà Nội với chiếc vali đầy tài liệu ghi chép và sưu tầm được với 14 cuốn sổ ghi chép, 20 băng cátxét ghi lại các cuộc phỏng vấn, bài phát biểu, cuộc trò chuyện với người dân trên phố, và nhiều tập báo, tài liệu và các bản dịch. Từ những tài liệu đó, cuối năm 1975, ông cho ra đời tác phẩm "GIẢI PHÓNG" nổi tiếng kể lại 3 ngày cuối cùng của chiến tranh trước khi Sài Gòn được giải phóng và 3 tháng Tiziano Terzani quan sát đất nước Việt Nam sau khi thống nhất và bước vào giai đoạn đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đáng chú ý, trong 3 tháng ở lại Việt Nam, ông đã đi gần như xuyên suốt Việt Nam, gặp những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước Việt Nam; và chứng kiến những thay đổi sau ngày 30/4/1975.

Đến năm 1976, cuốn sách Giải phóng được John Shepley dịch từ tiếng Italia ra tiếng Anh và được Nhà xuất bản St. Martin's Press xuất bản. Hơn 20 năm sau ngày ra đời, cuốn sách lại được tái bản tại Thái Lan với tên sách Sài Gòn 1975: " 3 ngày và 3 tháng".

3 ngày và 3 tháng: Độ lùi cần thiết của sự chân thực

"GIẢI PHÓNG" được tác giả xác định là "tiểu thuyết chiến tranh". Nếu theo cách hiểu thông thường ở thể loại tiểu thuyết, hẳn nhiều người cho rằng sẽ có phần nào đó hư cấu. Tuy nhiên trong tác phẩm "GIẢI PHÓNG", tác giả đã sử dụng phần lớn những chất liệu mang tính tư liệu lịch sử, với người thật việc thật theo diễn biến của cuộc chiến… Bởi vậy cuốn sách mang đến cho độc giả sự chân thực, không lấy hư cấu, cảm hứng làm chủ đạo.

Nhà báo, nhà văn Italy Tiziano Terzani. Ảnh: Vov

Một điểm đáng chú ý nữa là tác giả của cuốn sách là người nước ngoài – nhà văn, nhà báo Italia.Ngòi bút của tác giả khi nhìn nhận về cuộc chiến sẽ khiến độc giả cho rằng trung lập và có tính khách quan. Góc nhìn của ông không bị phụ thuộc vào chính quyền Mỹ, Thiệu hay Quân Giải phóng. Bởi vậy, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trong Lời nhà xuất bản đã nhận xét: Trong cuốn sách có những thông tin, những ý kiến nhận đinh xuất phát từ góc nhìn cá nhân nên mang tính chủ quan của riêng tác giả và không phải là quan điểm của Nhà xuất bản. Tuy nhiên, để tôn trọng ý kiến, nhận định của tác giả và để bạn đọc thuận tiện nghiên cứu, tham khảo, NXB Chính trị quốc gia Sự thật giữ nguyên các quan điểm ấy –quan điểm của riêng tác giả.

Chính bởi vậy, tác phẩm "GIẢI PHÓNG" sẽ mang đến cho độc giả những ấn tượng mạnh mẽ, sống động và những thông tin giá trị về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, đồng thời lý giải sự thất bại và những "hậu trường" của trước, trong và sau cuộc chiến của phía chính quyền Sài Gòn và Hoa Kỳ.

Ảnh chụp lại từ bìa cuốn sách

Cuốn sách còn tập trung phản ánh quá trình tiếp quản Sài Gòn sau ngày giải phóng với những vấn đề cụ thể như: khắc phục thiệt hại về kinh tế; ổn định tình hình chính trị; đăng ký cán bộ, sĩ quan, binh lính ngụy để tiến hành đào tạo lại; chiến dịch chống văn hóa đồi trụy do lối sống Mỹ để lại; chống các thành phần ngoan cố,v.v… Qua đó bác bỏ các luận điệu xuyên tạc của thế lực phản cách mạng, những câu chuyện đồn đại về "các cuộc thảm sát đẫm máu" mà cơ quan tuyên truyền của Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu dựng đứng lên để làm mất uy tín của Quân Giải phóng, hòng củng cố tinh thần kháng cự của quân đội Sài Gòn và thuyết phục Quốc hội Mỹ viện trợ thêm nhằm cứu vãn cuộc chiến đang đi đến hồi kết…

Hình ảnh người dân Sài Gòn tưng bừng chào đón Quân Giải phóng ngày 30/4/1975 cũng như sự giết chóc đã không hề xảy ra như những gì Mỹ - Ngụy đã phao tin để gieo rắc nỗi sợ hãi trong nhân dân. Trong ngày giải phóng, ở Sài Gòn không có sự thanh toán, trả thù lẫn nhau, không có việc lùng bắt những người theo chủ nghĩa phát xít; kẻ bại trận không bị phơi bày làm nhục trước công chúng.

Chẳng hạn đã Tiziano Terzani đã viết: "Không ai đi dạo buổi chiều ngày 27 tháng 4 ở Sài Gòn. Mọi người vội vã, trên xe ô tô chở đầy người thân và vali; dưới đất ngổn ngang các gói và bọc; người thì cố gắng rời đi; người thì tìm kiếm ngôi nhà khác an toàn hơn để bảo vệ trước một cuộc tấn công mà người ta có thể cảm nhận được trong bầu không khí; người thì quay trở lại chợ để mua tích trữ gạo, cá khô, thịt hộp. Thực phẩm tươi sống không có nữa vì con đường từ Đà Lạt tới thành phố đã bị đóng và con đường từ vùng châu thổ sông Cửu Long cũng vậy"…

"Ngày 29/4: cuộc di tản vẫn đang tiếp tục diễn ra. Suốt đêm, khoảng không đen thẫm của bầu trời lại lóe sáng bởi những ánh lửa đỏ rực ngắt quãng của những "con chim săn mồi" kỳ lạ đang dần hạ thấp xuống nóc nhà và tự định hướng bằng những vệt sáng dài của thứ ánh sáng từ một mắt của chúng, đỗ lại khoảng 4 hoặc 5 phút, sau đó chở đầy người đi"…

"Ngày 30/4/1975. Hòa bình! Hòa bình rồi!.Đàn ông khóc, trẻ nhỏ phất cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Những lá cờ màu xanh – đỏ giờ được treo tại tất cả các ngôi nhà. Các nhóm thanh niên đeo băng tay tháo các khẩu hiệu của chế độ cũ xuống. Những đống quân phục, mũ bảo hiểm, giầy quân sự được bỏ lại la liệt khắp nơi"…

Ảnh chụp lại từ cuốn sách Giải phóng

"Tối ngày 30/4/1975 Sài Gòn lặng tiếng súng. Các chiến sĩ Quân Giải phóng giặt giũ quần áo và phơi trên hàng rào rắt của Dinh Độc Lập. Xe tăng, xe tải, khẩu đội phòng không, súng máy phủ đầy bùn đất và cành cây ngụy trang tập trung dưới những cây me cao ở quảng trường giữa nhà thờ và Dinh Độc Lập".

Viết về 3 ngày trước Sài Gòn giải phóng và 3 tháng sau ngày 30/4/1975 của nước Việt Nam thống nhất để chứng minh khi có một độ lùi, một sự kiểm chứng cần thiết đã tạo nên những lát cắt vô cùng quan trọng và giá trị của những sự kiện lịch sử.Tác giả đã chứng minh những nhận định của mình về cuộc chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trước và sau ngày giải phóng là một sự nhất quán. Nó cho thấy một cuộc chiến không chỉ giải quyết những vấn đề bằng một ngày chiến thắng vinh quang của cả dân tộc.Ngày chiến thắng là dấu son chói lọi, nhưng đằng sau đó còn là bao vấn đề phải giải quyết, phải dựng xây với bao tâm huyết mà người Việt Nam đã làm như thế trong hơn 40 năm trước.

Cuốn sách vì thế tự thân đã mang trong mình những giá trị to lớn của lịch sử mà có lẽ bạn đọc nhiều thế hệ sẽ còn tìm đọc và trân trọng.

 Nguồn: Hiền Nguyễn/toquoc.vn
Tin nổi bật