70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng: Mở ra kỷ nguyên mới cho Lịch sử báo chí Việt Nam

Lớp dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chính là viên gạch đầu tiên của Tổng bộ Việt Minh xây nền đắp móng cho báo chí Việt Nam, mở kỷ nguyên mới cho lịch sử báo chí Việt Nam.

Báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử để càng lớn mạnh và trưởng thành. Trường học làm báo Huỳnh Thúc Kháng mở ra trong 3 tháng cũng là một trang lịch sử không thể nào quên đối với báo chí Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 70 năm Thành lập Trường dạy học làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Báo Nhà báo & Công luận xin giới thiệu lại lời nhận xét của những bậc chí sĩ hiền tài, những lão thành cách mạng, nhà báo lỗi lạc của Việt Nam về vai trò của lớp học này.

 Bài viết  về những nhận xét này đã được đăng trên số đặc biệt về lớp dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng của báo Cứu quốc số 1344 đăng ngày 12/9/1949.

"Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tuyên tuyền là một hình thức chiến tranh không kém hiệu lực so với chiến tranh thực tế. Tổng bộ Việt Minh mở lớp dạy làm báo đã nêu cao hình thức tuyên truyền trong cuộc chiến tranh giải phóng và sẽ giúp vào công việc kháng chiến một phần quan trọng.

Bút tích của đồng chí Trường Chinh về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Ông Trường Chinh: Khóa thứ nhất Trường Huỳnh Thúc Kháng này là một thí nghiệm rất hay. Tôi tin rằng sau khi rút ra kinh nghiệm của khóa này Tổng bộ Việt Minh sẽ thành công hơn trong việc đào tạo cán bộ chiến đấu với quân thù bằng ngòi bút và hướng dẫn dư luận quốc dân.

Ông Lý Ban: Địa vị những người làm báo nước ta không được đề cao đấy là do chúng ta hiếm có những người viết báo xuất sắc, do người làm của chúng ta thiếu sự tu dưỡng về kỹ thuật, học thức cần thiết cho nghề chuyên môn của mình thêm nữa là không biết cách nâng cao địa vị của mình. Lớp Huỳnh Thúc Kháng là lớp đào tạo những người làm báo đúng với cái tên “ người làm báo”.

Ông Nguyễn Quang Huy: Lớp huấn luyện viết báo Huỳnh Thúc Kháng chính là viên gạch đầu tiên của Tổng bộ Việt Minh xây nền đắp móng cho báo chí Việt Nam, ghi thêm một sự nghiệp lớn lao nữa cho Tổng bộ Việt Minh trên sự nghiệp tranh đấu, giải phóng dân tộc. Lớp Huỳnh Thúc Kháng mở một kỷ nguyên mới cho lịch sử báo chí Việt Nam.

Ông Hoàng Tuấn: Tinh thần kỷ luật và dân chủ, lòng ham muốn học hỏi của các cán bộ bốn phương tập hợp lại đây làm cho tôi thêm vững lòng, tin tưởng vào nền văn hóa tương lai của dân tộc.

Ông Nam Cao: Giá hồi mới bước vào nghề tôi đã được như các bạn ngày nay, được một lớp như lớp Huỳnh Thúc Kháng này hướng dẫn thì tôi đã tránh khỏi mất biết bao nhiều thì gian mò mẫm…

Ông Lê Quang Đạo: Chắc chắn chúng ta sẽ có một đội quân hùng mạnh trên mặt trận văn hóa".

Các học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

43 học viên học trong 3 tháng được đón 29 giảng viên: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyên Tuân, Quang Đạo… Ba tháng nhưng học viên lĩnh hội một chương trình đồ sộ của 3 phần: lý thuyết, chuyên môn và thực hành.  43 học viên và 29 giảng viên là những hạt nhân của báo chí cách mạng Việt Nam luôn tỏa sáng và góp phần to lớn để có nền báo chí hôm nay.

Theo: Trọng Diễn/ Báo Công luận

Tin nổi bật