4K và nghề báo

(ICTPress) - Ngày 18/7, TS. Trần Bá Dung, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam đã trao đổi nhiều câu hỏi về nghiệp vụ làm báo với các hội viên nhà báo Liên chi hội nhà báo TT&TT.  

Trao đổi về câu hỏi của một hội viên nhà báo là: nhà báo cần có những tố chất nào để có thể sáng tác được những tác phẩm báo chí có chất lượng? TS. Trần Bá Dung đã có bài viết “4K và nghề báo”. ICTPress trân trọng giới thiệu đến đồng nghiệp và bạn đọc.

1. Xu thế tích hợp truyền thông và sự biến đổi cách thức tiếp nhận của công chúng

Sự phát triển của công nghệ truyền thông đã tạo ra sự bùng nổ của Internet. Quá trình này đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của báo chí thế giới, hình thành xu thế vận động mới trong hoạt động  báo chí - truyền thông: Tích hợp các phương tiện truyền thông. Đó là quá trình các phương tiện truyền thông, các thiết bị truyền thông và các kênh thông tin đại chúng, các loại hình báo chí, được tích hợp lại trên nền internet. Internet vừa là phương tiện truyền thông thứ tư (sau báo in, truyền hình, phát thanh), vừa là sự tích hợp của cả ba phương tiện trên.

Sự tích hợp các loại hình truyền thông trên nền Internet đã tạo ra nhu cầu mới trong tiếp nhận thông tin của công chúng, cho phép công chúng thu nhận thông tin bằng cả hình ảnh, âm thanh, văn bản.

Phương thức tiếp nhận thông tin của người dân đã và đang thay đổi nhanh chóng, do khả năng kết nối dễ dàng vào mạng Internet toàn cầu, với lượng thông tin khổng lồ được chuyển tải trên hàng trăm kênh truyền hình quốc tế, hàng ngàn kênh phát thanh và hàng triệu websites … Đã có sự dịch chuyển, thay đổi lớn ở nơi người dân, trong cách thức, mục đích và nội dung tiếp nhận thông tin từ các phương tiện truyền thông.

Xu hướng thay đổi này trong cách tiếp nhận thông tin và xu thế tích hợp truyền thông, rõ ràng đang đặt ra thách thức với các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông. Từ mục tiêu, nội dung đến phương thức đào tạo các nhà báo - nhà truyền thông tương lai, rõ ràng cần có những thay đổi phù hợp.

Bài viết này tiếp cận vấn đề từ góc độ đào tạo kĩ năng nghề báo trong xu thế tích hợp truyền thông và xu hướng thay đổi phương thức tiếp nhận thông tin của công chúng.

2. Vấn đề kĩ năng nghề báo và 4K

Nghề báo đòi hỏi tri thức tổng hợp cao và khả năng phân tích sâu các vấn đề xã hội. Ngay cả khi đề cập một vấn đề chuyên môn, nó phải được đặt dưới góc nhìn xã hội, mang tính xã hội, mới được công chúng đón nhận.

Nghề báo cần những gì để đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng hiện nay?

Thực ra, đã có nhiều kiến giải của nhiều nhà báo, nhà giáo giàu kinh nghiệm về câu hỏi này, dưới nhiều góc độ khác nhau.

Tác giả Nguyễn Đức An, trong một bài viết đăng trên Vietnamnet.vn đã gợi mở nhiều vấn đề đáng suy nghĩ:

Mỗi nghề nghiệp đều cần phải dựa trên một hệ thống kiến thức chuyên biệt mà ai muốn vào nghề phải nắm vững qua quy trình giáo dục bài bản, thường là đại học chuyên ngành. Hệ thống tri thức đó vừa trừu tượng, vừa cụ thể, bao gồm kỹ thuật nghiệp vụ lẫn tư duy và sự am hiểu nghề (kể cả luật pháp về nghề). Vì nếu hành nghề không đúng sẽ gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Nhưng ở ta, để vào được nghề báo, hình như người ta chỉ cần một thứ năng lực cơ bản: viết lách (hay chụp ảnh) tốt. Cho nên, nghề báo vô tình bị hạ thấp vì được xem là năng khiếu bẩm sinh hơn là kết quả từ một quá trình giáo dục. Ta vẫn đang trong một nền báo chí không hoàn toàn tách rời khỏi địa hạt văn chương. Với chất văn chi phối, không ít nhà báo cầm bút viết và đi “quá đà” vì không ghìm cảm xúc, tự do áp đặt chủ quan trên dữ kiện. Hiện thực, vô tình hay cố ý, đã bị bóp méo”.

Từ góc độ lý luận báo chí và từ thực tiễn hoạt động báo chí, chúng tôi khái quát theo công thức 4K sau đây:

Nhà báo chuyên nghiệp = Kiến thức + Kĩ năng + Kinh nghiệm + Kiến giải

2.1. Kiến thức (Knowlegd):

Kiến thức giúp nhà báo phát hiện vấn đề.

Người ta chỉ có thể có được những phát hiện trong so sánh tương quan. Và đương nhiên, càng phong phú kiến thức về cùng một lĩnh vực, về nhiều lĩnh vực có liên quan, càng dễ bật ra những so sánh mới, những nhận xét mới mang tính phát hiện.

Kiến thức không chỉ học trong trường, mà đối với nhà báo, điều quan trọng là tích luỹ thông tin, nhất là thông tin chuyên ngành mà mình theo dõi. Khi tác nghiệp, rõ ràng ai có nền học vấn văn hoá rộng, lại tích luỹ kiến thức sâu về lĩnh vực theo dõi, người đó sẽ xử lý thông tin nhanh và có hiệu quả hơn.

Báo chí có vai trò lớn là phản biện xã hội. Không có nền kiến thức xã hội rộng và am hiểu kiến thức chuyên ngành, nhà báo thật khó thực hiện vai trò người phản biện xã hội. Bài báo “Kẽ hở pháp luật - ô tô chui lọt” (Báo Pháp luật) phát hiện vấn đề: Nhà nước đề ra chính sách cấm nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, ngay lập tức một số doanh nghiệp nhập ô tô mới dưới dạng tháo rời ra, nhập khung riêng, nhập các thiết bị riêng,... là một ví dụ về vai trò phản biện xã hội tức thời của báo chí.

Lao động báo chí ngày nay đã khác xa với một thập kỉ trước đây. Nó là tổng hợp các yếu tố nghề nghiệp, các phương tiện kĩ thuật, các phương pháp làm việc khác nhau, các loại kiến thức khác nhau... Tổng hợp và phân tích, phân tích và tổng hợp, không loại trừ nhau. Thậm chí có những nhà báo ngồi tại chỗ, tổng hợp tin tức  trên thế giới để phân tích một vấn đề trong nước và ngược lại (hay đồng thời), tổng hợp thông tin trong nước thông qua một cách nhìn, một sự phân tích tin tức thế giới.

Quy trình làm báo, tính chất đối thoại - tương tác của báo chí ngày nay cũng đòi hỏi nhà báo một vốn liếng kiến thức đủ để “tác chiến” ngay lập tức. Tính online tính tương tác trực tuyến của báo chí hiện đại đặt các nhà báo trong tư thế luôn luôn sẵn sàng ứng phó, dù tờ báo của anh có lên mạng internet hay không. Công chúng có thể có ý kiến đồng tình hay phản đối ngay lập tức trên mạng khi báo vừa phát hành hay lên mạng. Người viết, do vậy, cũng phải phản hồi ngay, nếu không muốn xa rời công chúng của mình.

2.2. Kĩ năng (Skills):

Kĩ năng giúp nhà báo thể hiện vấn đề.

Kĩ năng là khả năng vận dụng những kiến thức thu nhận được trong một lĩnh vực vào thực tế công việc chuyên môn. Nhưng vận dụng như thế nào, lại là phương pháp của từng người. Khi những phương pháp này được vận dụng đạt đến trình độ điêu luyện, thuần thục, nó trở thành kĩ xảo. Trong lĩnh vực báo chí điện tử hiện nay, nhà báo cần có kĩ xảo nghề nghiệp trong hoạt động nghiệp vụ.

Ngày nay thành tựu tri thức khoa học của nhân loại tăng theo cấp số nhân và thông qua mạng internet nó trở thành tài sản chung của nhân loại. Kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin đang là đòi hỏi bắt buộc đối với mỗi nhà báo để có thể khai thác và làm chủ được thông tin trên mạng toàn cầu và trong nước. Vấn đề không phải chỉ là kĩ năng sử dụng công nghệ mới vào làm báo, không phải chỉ là hiện đại hoá thiết bị, mà quan trọng hơn, khi vận dụng những kĩ năng này, buộc chúng ta phải thay đổi cách nghĩ, cách tư duy, cách làm việc, hình thức hoạt động và hiệu quả của nó. Tính phổ cập, tính đa chiều của thông tin mạng ngày càng chiếm lĩnh đời sống tinh thần, buộc nhà báo phải hoà nhập trước, thích nghi trước, với những kĩ năng mới.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều học giả cho rằng, thế kỉ XXI là thế kỉ của phương pháp. Đó là sự đánh giá cao vai trò của phương pháp, kiến thức về phương pháp. Không có phương pháp thích hợp, rốt cuộc sẽ chìm ngập, loay hoay trong dòng thác thông tin, trong biển cả tri thức.

J.Vos và G.Dryden trong cuốn sách nổi tiếng thế giới The Learning Revolution (Cách mạng học tập) đã đặc biệt coi trọng phương pháp nắm bắt kiến thức và phương pháp vận dụng kiến thức, được khái quát trong một từ MASTER (M = Mind set for success, A = Acquire knowledge, S = Search out the meaning, T = Trigger the mimory, E = Exhibit knowledge, R = Reflect how to learn) (Ý chí quyết tâm đạt thành công, Thu nhận tri thức, Tìm ý nghĩa của tri thức, Thúc đẩy - khởi động trí nhớ, Trình bày tri thức, Suy nghĩ về cách học).

Trong công thức này, khâu cuối cùng - suy nghĩ về cách học -  có vẻ như tách rời, nhưng thực ra lại có vai trò rất quan trọng, bởi thiếu nó, các khâu kia sẽ khó thực hiện được. Vẫn là vấn đề phương pháp học, cách học. Đối với nghề báo, cập nhật thông tin không chỉ là áp lực công việc mà còn là nhu cầu tự thân, nếu không muốn tự mình đào thải. Và con đường tự hoàn thiện tốt nhất đối với nhà báo, là con đường tự học. Kĩ năng chỉ có được thông qua rèn luyện phương pháp trong hoạt động nghiệp vụ hàng ngày, và cũng thông qua cách tự học, tự đào tạo, tự sáng tạo là chính.

Quách Mạt Nhược, nhà lãnh đạo và là nhà thơ hiện đại nổi tiếng của Trung Quốc, từng viết: “Yêu cầu thực hành cơ bản nhất của học tập chính là sự tự học. Khi đó người ta biết tự đi tìm kiến thức, tự rèn luyện kỹ năng, thay vì chờ kiến thức tới từ sự dạy dỗ”.

2.3. Kinh nghiệm (Pass Through):

Đối với nhà báo, kinh nghiệm nghề nghiệp là vốn liếng lí thuyết đã được kiểm chứng và vốn liếng thực hành đã được bản thân vận dụng, kể cả kinh nghiệm nghề nghiệp của đồng nghiệp mà họ rút ra được. Kinh nghiệm giúp đánh giá, kiểm soát thông tin khi họ thu thập và phân tích, xử lý thông tin. Kinh nghiệm nghề nghiệp là sự tự phản biện đối với mỗi nhà báo. Nó cũng là tự bảo hiểm cho chính mình. Trình độ nghề nghiệp đã được kiểm nghiệm trong thực tế, giúp nhà báo không rơi vào tình huống “phát minh ra chiếc xe đạp” trong thế giới ngày nay.

Đối với công chúng, kinh nghiệm cá nhân của nhà báo mang ý nghĩa như một sự bảo đảm về giá trị của thông tin mà nhà báo đưa ra, mặc dù kinh nghiệm này không phải bao giờ cũng lộ ra. Mỗi nhà báo thường chuyên sâu một lĩnh vực, một vấn đề mà họ am hiểu. Lao động báo chí của nhà báo là lao động quá khứ. Với những nhà báo giàu kinh nghiệm, những gì họ viết ra hôm nay, mang trong nó những lượng thông tin đã trở thành những giá trị riêng. Và đó chính là giá trị thương hiệu của một nhà báo, theo cách nói hiện nay. Một nhà báo có tên tuổi được công chúng đón đọc, đồng nghĩa với nhà báo giàu kinh nghiệm về những vấn đề mà họ viết.

Cùng viết về một sự kiện lịch sử báo chí Việt Nam, nhưng khi đọc những thông tin của Dương Trung Quốc, người ta dễ nhận thấy những giá trị riêng, tin cậy, khách quan, bị thuyết phục, mặc dù ông khá kiệm lời.

Đọc Xuân Ba, nhiều khi thấy sự kiện, nhân vật của ông không có gì đặc biệt. Nhưng trong cách viết tưởng như chơi chơi, khi nghe Xuân Ba kể, Xuân Ba nghĩ, vừa có chất phong trần, từng trải, lịch lãm, lại vừa mang một chút chiêm nghiệm triết lí phương Đông, nên dễ đọc, dễ chấp nhận, mặc dù ông không thuyết giáo. Những kinh nghiệm cuộc đời và nghề báo, với vốn văn hoá rộng, có lẽ, đã làm nên một giá trị, một phong cách Xuân Ba,...

2.4. Kiến giải (Opinion):

Sự thật khách quan có tiếng nói riêng của nó. Nhưng công chúng chỉ nhận biết được ý nghĩa riêng ấy thông qua lăng kính chủ quan của nhà báo. Nêu quan điểm, chính kiến, chủ kiến, cao hơn là sáng kiến, phát kiến của người viết, chính là kiến giải vấn đề. Có thể trực diện, cũng có thể qua cách trình bày nội dung và để sự kiện tự nó bộc lộ quan điểm người viết.

Đây là yêu cầu cao đối với nhà báo, nhất là khi đứng trước những vấn đề đang gây tranh cãi trong dư luận xã hội. 

Muốn kiến giải khách quan, phải có tâm và có tầm. Tầm là kiến thức, một kiến thức nền rộng và hiểu biết sâu vấn đề mình viết. Voskobôinhicốp và Iyriev (Nga), viết: Nhà báo là “người mà luôn quan tâm tới cuộc sống của thế giới xung quanh, có đặc điểm là biết một cái gì đó về tất cả và biết tất cả về một cái gì đó”. Một nhà báo chuyên nghiệp, có tầm, sẽ “khác với nhà báo nghiệp dư ở chỗ là anh ta không bao giờ chỉ biết tin vào cái mà người ta dùng để lấy lòng mình. Anh ta chỉ gạn lọc thông tin, mà những người được nhận nó sẽ không thấy có gì đáng nghi ngờ” (Nhà báo - Bí quyết kĩ năng - nghề nghiệp, Nguyễn Văn Dững, Hoàng Anh dịch).

Tâm khó hơn nhiều. Vì nó không chỉ học mà có, tích luỹ mà có. Nó còn phải được giáo dục trong môi trường văn hoá lành mạnh, tự giáo dục và có gương soi, hay nói cách khác phải có chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp để làm theo. Một nhà báo có uy tín có lần nói rằng, ở ta có một lớp nhà báo cũng thích làm việc theo kiểu CNN, nhưng mục đích xã hội của họ thì có vấn đề: lên công trình thuỷ điện chỉ xăm xăm tìm ra đập nào rạn nứt, phỏng vấn nhà khoa học cũng phải xoay cho được cái gì thật giật gân, kể cả vi phạm đời tư... Mặc dù họ là người xông xáo, thông minh, viết đúng, có khi còn viết hay và không phải là xấu, nhưng suy cho cùng có những người viết vì cái danh của chính họ.

Leonard Ray Teel Ron Taylor - hai nhà báo nổi tiếng Hoa Kỳ, từng viết: “Sự thật là những gì bạn viết không tránh khỏi động chạm đến cuộc sống của những người khác, và những bài báo thực sự có thể huỷ hoại cuộc đời, cũng như chúng có thể làm nổi danh hoặc gây nên sự vô danhtruất quyền sở hữu...” của người khác. Trên thực tế, trong một số trường hợp (như: trẻ em hoặc phụ nữ bị xâm hại nhân phẩm, hoặc đương sự trong các vụ án dân sự), báo chí - qua cách cung cấp thông tin hoặc chỉ vài lời nhận xét, đã xâm hại đời tư của họ lần hai còn tồi tệ hơn, ảnh hưởng xã hội còn nặng nề hơn khi họ bị xâm phạm lần đầu.

Khó khăn lớn nhất là làm sao để công chúng được tiếp nhận và tự suy nghĩ trên sự kiện, trong khi nhà báo lại cần phải thể hiện quan điểm của nhà báo, của tờ báo?

Một vấn đề có thể có những kiến giải khác nhau. Bài báo hay phụ thuộc nhiều vào sự kiến giải sâu sắc, độc đáo hoặc táo bạo. Trên thực tế không ít nhà báo đã kiến giải một cách dễ dãi, vô thưởng, vô phạt, theo kiểu: “Các cơ quan chức năng cần vào cuộc” hoặc “Vấn đề này cần sớm được … giải quyết”!. Đã là việc của cơ quan chức năng thì đương nhiên họ phải vào cuộc, không cần nhà báo phải “kiến giải” như thế!

Nhà báo nổi tiếng của Thuỵ Điển - Thomas Kanger chia sẻ kinh nghiệm kiến giải như sau: Thứ nhất, tác giả cần đưa ra chứng cứ đủ thuyết phục (chỉ xuất bản bài báo khi có đủ chứng cứ cần thiết), logic các chứng cứ làm kết luận vấn đề xem thuộc trách nhiệm của ai, cơ quan, đơn vị nào? Thứ hai, tìm một ví dụ, một mô hình đã từng là giải pháp tốt cho vấn đề đã nêu. Thứ ba, sử dụng ý kiến của chuyên gia.

Tuy nhiên, làm thế nào để có được những điều đó lại phụ thuộc hoàn toàn vào sự nỗ lực của bản thân mỗi nhà báo.

3. Cần chuyên nghiệp hóa đào tạo kĩ năng nghề báo

Trên thực tế, chúng ta đang có nhiều phương thức đào tạo báo chí khác nhau. Không ít người làm công tác giảng dạy báo chí cũng thừa nhận phương thức đào tạo báo chí của ta chưa thật sự phù hợp - tình trạng nặng về lý thuyết mà nhẹ về thực hành (căn bệnh phổ biến của giáo dục đại học Việt Nam nói chung). Điều đó có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm đào tạo - sinh viên báo chí ra trường.

Đào tạo báo chí ở các nước có nền báo chí phát triển (Thụy Điển, Anh, Pháp, Mỹ…), hết sức chú trọng dạy nghề (kỹ năng ứng dụng nghề nghiệp), thậm chí có trường còn thuần nhất là dạy nghề. Có giảng viên báo chí từng nói: “Một nền báo chí chuyên nghiệp là một nền báo chí có đào tạo”.

Muốn chuyên nghiệp hóa đào tạo kĩ năng nghề báo cho sinh viên báo chí, trước hết, cơ cấu chương trình đào tạo cần chú trọng nhiều hơn đến đào tạo kĩ năng làm báo chuyên ngành (chẳng hạn, các kĩ năng làm báo in, kĩ năng làm báo phát thanh, kĩ năng làm báo hình, kĩ năng làm báo điện tử). Trong chương trình hiện nay, tuy đã có nhưng chưa sâu, chưa cập nhật và chưa bám sát thực tiễn đời sống báo chí. Điều này không mâu thuẫn với xu thế tích hợp truyền thông - truyền thông đa phương tiện. Muốn tổ chức được sản phẩm truyền thông đa phương tiện, người làm báo phải bắt đầu từ sự am hiểu, và phải có kĩ năng thực hiện được từ những sản phẩm báo chí cụ thể ở từng loại hình báo chí (chẳng hạn: biết làm một phóng sự báo in, một phóng sự thu thanh, một video clip,…).

Ngay trong đào tạo kĩ năng làm báo theo từng loại hình báo chí như vừa nêu, lại cần chuyên sâu theo nhiều hướng. Ví dụ: kĩ năng phỏng vấn cho báo viết khác với kĩ năng phỏng vấn truyền hình; kĩ năng khai thác tài liệu của phóng viên phát thanh khác nhiều với phóng viên báo in, báo điện tử, v.v… Đặc biệt, ngày nay xu hướng làm báo đa phương tiện đòi hỏi người làm báo phải được trang bị kiến thức, kĩ năng theo hướng đa năng, nhà báo "3 trong 1" (biết quay phim, chụp ảnh, ghi âm, biết viết đúng thể loại, biết tổ chức sản phẩm báo chí) và sử dụng thành thạo máy tính, khai thác internet phục vụ cho nghề báo.

Các cơ sở đào tạo báo chí cần được đầu tư trang bị các phương tiện kĩ thuật hiện đại để có thể đào tạo các kĩ năng nghề báo một cách chuyên nghiệp ngay trong nhà trường. Việc phối hợp cho sinh viên được thực hành rèn kĩ năng nghề nghiệp tại các cơ quan báo chí là không thể thiếu. Nhưng nó sẽ thuận lợi hơn, dễ dàng hơn, nếu những kĩ năng này của sinh viên đã được nhà trường chuẩn bị kĩ từ trước.

TS. Trần Bá Dung

Tin nổi bật