4 lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Những năm tháng làm báo có lẽ nhiều nhà báo ở các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế đã có may mắn được gặp và phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của quân đội ta.

Các nhà báo trong nước và quốc tế từng ghi trong ký ức: vui vẻ nhất, thoải mái nhất và gần gũi nhất là những lần được Đại tướng tiếp trong các cuộc phỏng vấn và chụp ảnh ở nhà riêng, ở cơ quan và trên đường đi công tác…

"Đưa ý kiến phát biểu của tôi sau ý kiến của anh Ba và Bác Tôn"

Trưa 8/5/1975, tại Sân bay Tân Sơn Nhất diễn ra cuộc gặp gỡ thật cảm động giữa các vị lãnh đạo ở hai miền Nam - Bắc. Tôi được nhà báo Trần Tất Đắc- Trưởng Ban biên tập phát thanh Quân giải phóng giao nhiệm vụ: “Phải làm một bài ghi nhanh thu thanh 10 đến 15 phút để phát trên Đài phát thanh Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh và Đài phát thanh giải phóng”.

10 giờ 30 phút ngày 8/5/1975, chiếc IL-18 hạ cánh xuống đường băng Tân Sơn Nhất. Bác Tôn cùng các đồng chí: Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu… từ cầu thang máy bay bước xuống sân bay. Tôi mở 2 máy ghi âm: R5 và MK23, đi gần đồng chí Lê Duẩn khi đồng chí ôm hôn các đồng chí ra đón và ghi âm lại được một câu nói lặp đi, lặp lại: “Lâu lắm rồi mới gặp. Mừng quá. Chiến thắng vĩ đại quá”. Bác Tôn không nói gì, chỉ ôm hôn các đồng chí thân yêu và khóc. Lo nhất là phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng cách nào đây? Chờ Đại tướng ôm hôn, chào hỏi mọi người xong, tôi ra cửa xe của Bộ quốc phòng, chờ Đại tướng đến và mạnh dạn đề nghị phỏng vấn. Đại tướng hỏi: “Ghi lời anh Ba và Bác Tôn chưa?”. Tôi trả lời: “Dạ! Cháu ghi rồi”. Sau khi nghe câu hỏi phỏng vấn, Đại tướng nói ngay: “Chiến thắng này của dân tộc ta là vô cùng vĩ đại. Nhiệm vụ của toàn quân, toàn dân ta bây giờ là giải quyết hậu quả do chiến tranh để lại, tiếp tục xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong hoàn cảnh mới. Hoà bình, thống nhất rồi càng phải nỗ lực nhiều hơn”. Trước khi lên xe, Đại tướng căn dặn: “Cháu nhớ phát ý kiến của tôi sau lời anh Ba và Bác Tôn nhé”. Nghe Đại tướng dặn dò, tôi càng hiểu ra: Một động tác nghiệp vụ do Đại tướng căn dặn đã nói lên sự khiêm nhường rất sâu xa của Đại tướng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn báo chí.

Cuộc phỏng vấn chỉ trong 10 phút

Trưa ngày 6/12/1976, tôi mang máy ghi âm đi cùng anh Lê Hào - phó Trưởng Ban biên tập phát thanh QĐND - đến nhà khách Bộ Quốc phòng ở sau cổng thành phía Đông để thực hiện cuộc phỏng vấn Đại tướng. Theo lịch tiếp khách của Đại tướng, lúc 13 giờ 30 phút, cuộc phỏng vấn sẽ được thực hiện. Thế nhưng, 13 giờ Đại tướng đã đến. Sau khi bắt tay chào khách, Đại tướng nói trong tình cảm thân mật: “13 giờ 30 mình phải họp Bộ Chính trị để tổng duyệt lần cuối kế hoạch Đại hội IV của Đảng. Để kịp thời gian, mình trả lời luôn ba câu hỏi mà phát thanh Quân đội đặt ra. Về nhà, các đồng chí ráp ba câu hỏi vào sau. Như thế có được không?” Anh Lê Hào thưa: “Báo cáo Đại tướng! Thế là tốt đấy ạ!”. Tôi mở máy ghi âm. Chỉ trong 10 phút, Đại tướng trả lời rất gọn ba câu hỏi. Kết thúc bài trả lời phỏng vấn, Đại tướng bảo: Mở lại một đoạn ghi âm. Nghe xong đoạn đầu, Đại tướng nói: “Thế là được chứ? Mình xin phép nhé!”.

"Tôi cũng là nhà báo mà"

Tháng 8/2001, nhân kỷ niệm tròn 90 năm ngày sinh của Đại tướng, Hội nhà báo Việt Nam tổ chức một đoàn đại biểu đem hoa đến mừng thọ Đại tướng ở nhà riêng.

Theo lịch tiếp đoàn do văn phòng Đại tướng sắp xếp, chiều 24/8/2001 (Trước một ngày so với ngày sinh của Đại tướng), đoàn của Hội vào phòng khách. Đại tướng đã ngồi chờ ở đó. Anh Nguyễn Văn Huyên - thư ký của Đại tướng báo cáo với Đại tướng về thành phần của đoàn. Đại tướng trân trọng nhận bó hoa chúc mừng của giới báo chí Việt Nam và ân cần mời khách: “Tôi rất cảm ơn các nhà báo. Bây giờ ngồi quây quần ở đây, ta nói chuyện. Tôi cũng là nhà báo mà”.

Sau khi nghe Lãnh đạo Hội nhà báo Việt Nam báo cáo về hoạt động của báo chí cả nước và hoạt động của Hội, Đại tướng chậm rãi và vui vẻ: “Ngày xưa báo chí cách mạng tham gia rất tích cực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, đánh thắng ngoại xâm, giành thống nhất đất nước. Bây giờ, sự nghiệp xây dựng và bảo về Tổ quốc là nhiệm vụ trọng tâm. Cần thường xuyên cổ vũ cho công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Công cuộc đổi mới thành công thì công cuộc bảo vệ Tổ quốc càng vững chắc. Biểu dương, cổ vũ cái mới, cái tốt đẹp phải là nhiệm vụ hàng đầu nhưng cũng phải cương quyết chống “giặc nội xâm” như Bác Hồ từng căn dặn. Cả xây và chống đều phải lấy sự ổn định đất nước làm mục đích. Có như vậy báo chí mới hoàn thành sứ mạng vẻ vang của mình”.

Chuyện trò vui vẻ, không ai muốn về. Song, lịch bố trí chỉ 30 phút đã hết. Kỷ niệm về vị nhà báo lão thành, vị Đại tướng quý mến đã khắc sâu trong tâm trí các nhà báo.

"Xin lỗi anh em, chờ tôi ăn xong bát cháo…"

Chiều 12/12/2005, theo lịch hẹn, đoàn đại biểu Báo Hải Phòng do nhà báo Nguyễn Quân - Tổng biên tập dẫn đầu đã có mặt ở phòng khách tại nhà riêng Đại tướng vào lúc 15 giờ. Anh Huyên vui vẻ đón đoàn và trao đổi lại: “Đại tướng dặn: Anh em vui lòng chờ một chút, tôi ăn xong bát cháo sẽ ra tiếp anh em”. Nghe anh Huyên nói, mọi người rất cảm động vì lịch làm việc, ăn uống và luyện tập hàng ngày của Đại tướng là rất khoa học, không bao giờ có sự xáo trộn.

15 giờ 10 phút, Đại tướng cùng cô Hà (phu nhân của Đại tướng) ra tiếp đoàn, Đại tướng hỏi rồi bắt tay anh Nguyễn Quân đầu tiên, sau đó, lần lượt bắt tay từng người. Sau khi nghe anh Nguyễn Quân báo cáo, Đại tướng nói: “Sự kiện Bác Hồ thăm Cộng hoà Pháp rồi về nước theo đường cảng Hải Phòng tháng 10/1946 có ý nghĩa lịch sử to lớn. Tôi đã viết trong hồi ký: “Những năm tháng không thể nào quên”. Anh em đọc và nghiên cứu thêm”. Đại tướng trao cho anh Nguyễn Quân bức thư, cảm ơn lãnh đạo thành phố, Ban biên tập Báo Hải Phòng và giải thích: Báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, diễn đàn của nhân dân. Sau khi nhận được công văn của báo, biết được lãnh đạo thành phố có chủ trương kỷ niệm sự kiện Bác Hồ thăm cộng hoà Pháp và về cảng Hải Phòng 60 năm trước, tôi rất xúc động và hoan nghênh. Tôi chỉ có mấy lời chúc Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang thành phố giành nhiều thắng lợi to lớn hơn.

Trong câu chuyện kéo dài, kỷ niệm của Đại tướng về những ngày đón Bác Hồ về Hải Phòng năm ấy và chuyện nghề nghiệp làm báo giữa chủ và khách càng làm mọi người hiểu sâu sắc về tính cẩn trọng trong nguyên tắc làm việc nói chung và làm báo nói riêng của Đại tướng.

Khánh Toàn

Nguồn: Báo Nhà báo và Công luận

Tin nổi bật