106 tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIII - năm 2018

Giải báo chí quốc gia lần thứ XIII – năm 2018 sẽ tổ chức trao giải cho 6 giải A, 24 giải B, 42 Giải C và 34 Giải Khuyến khích vào đúng ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2019 tại Hà Nội.

Thông tin được công bố tại buổi họp báo do Hội đồng Giải báo chí Quốc gia tổ chức chiều 13/6/2019, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo, Phó Chủ tịch Hội đồng giải, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi và Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam Trần Bá Dung trả lời các câu hỏi của báo giới về Giải

Mỗi mùa Giải báo chí quốc gia đều là sự kiện lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí cả nước, là giải thưởng cao quý nhất dành tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất hằng năm.

Hội đồng Chung khảo Giải năm nay đã chấm 147 tác phẩm thuộc 11 loại giải báo chí, được chọn từ 1671 tác phẩm đủ điều kiện vào sơ khảo, trên tinh thần nghiêm túc, công tâm và có trách nhiệm cao. Đây là năm có số lượng tác phẩm dự giải ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Giải năm nay có hơn 120 đơn vị cấp hội và 222 cộng tác viên, tham dự 11 loại giải theo quy định; trong đó có 57 đơn vị Liên chi hội và chi hội trực thuộc. Đặc biệt năm nay là năm thứ hai liên tiếp có 63 Hội nhà báo tỉnh, thành phố tham dự. Điều này cho thấy các cấp Hội và hội viên trong cả nước đã ngày càng thật sự quan tâm đến Giải.

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam thông tin về Giải

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam khẳng định qua 13 năm tổ chức, đến nay, Giải ngày càng được sự tham gia chủ động, tích cực, hào hứng của các cấp Hội, các cơ quan báo chí và hội viên nhà báo, cộng tác viên trong cả nước.

Các tác phẩm tham dự Giải năm nay phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2018 như: tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết 04 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; các nghị quyết, chính sách điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ trong năm 2018; các hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong năm 2018; về xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công cuộc giảm nghèo bền vững; các vấn đề xử lý cán bộ sai phạm trong công tác cán bộ, sai phạm trong công tác quản lý đất đai, quản lý giáo dục, tín dụng đen.

Các tác phẩm dự Giải cũng đề cập những đề tài truyền thống như lịch sử, văn hoá, an ninh, quốc phòng, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến.

Những vấn đề mới cũng được đề cập như khuyến khích thúc đẩy kinh tế tư nhân, sản xuất nông nghiệp sạch, xây dựng đô thị thông minh, cách mạng công nghiệp 4.0 và sự tác động tới cuộc sống…

Nhiều tác phẩm thể hiện bài bản, công phu, chuyên nghiệp, mang tính phát hiện, tính phản biện tốt, đi đến tận cùng vấn đề, có hiệu quả xã hội mạnh mẽ, tích cực, có sức ảnh hưởng lan toả cao.

Mặt bằng chất lượng chung của các tác phẩm dự Giải đồng đều hơn, nhất là sự vươn lên của các Hội nhà báo tỉnh, thành phố. Nhiều bài có tính phát hiện tốt, phản ánh những vấn đề nóng bỏng, được dư luận quan tâm.

Nhiều tác phẩm của các cơ quan báo chí địa phương trong các nhóm thể loại Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (báo in, báo điện tử) và Tin, phóng sự, ký sự; phim tài liệu (báo hình), được Hội đồng sơ khảo đánh giá cao.

Ở khối phát thanh và ruyền hình, khoảng cách về chất lượng giữa đài trung ương và địa phương ngày càng rút ngắn. Nhiều đài địa phương có sự vượt trội. Một số đài năm nay có những thể nghiệm mới trong nghiệp vụ khá thành công, có tác phẩm chất lượng tốt được chọn vào chung khảo.

Toàn cảnh buổi họp báo

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm vẫn còn những hạn chế, cần được khắc phục nhất là về chất lượng. Các tác phẩm báo in tham dự Giải còn trùng lặp đề tài, chưa có nhiều sáng tạo, đột phá. Nhóm bình luận các tạp chí, nhất là tạp chí khối Đảng tham gia tương đối ít, còn thiếu dấu ấn, đặc biệt trong các bài chính luận; không có xã luận, ít bình luận, một số bài chuyên luận chưa hay, tính chuyên luận chưa cao. Thể loại ký báo chí còn ít, thiếu vắng phóng sự viết về văn hoá. Ảnh báo chí vẫn còn ít, chưa phản ánh đúng đời sự ảnh báo chí…

Quá trình chấm chung khảo được thực hiện đúng Điều lệ Giải và quy chế làm việc, thể thức bỏ phiếu của Hội đồng Giải. Trong số 147 tác phẩm được vào Chung khảo, Hội đồng đã chọn 106 tác phẩm báo chí xuất sắc, gồm 6 giải A, 24 giải B, 42 Giải C và 34 Giải Khuyến khích.

Ghi nhận những thể hiện mới trong các tác phẩm báo chí

Cũng tại buổi họp báo, ông Trần Bá Dung, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam cho biết năm nay có nhiều tác phẩm báo chí đã có những thể hiện rất mới, sáng tạo.

Ông Trần Bá Dung, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam

Điển hình, như tác phẩm phát thanh “Bông Mai trắng và cuộc chiến với quả cầu gai” của Đại Phát thanh Hải Phòng hay tác phẩm truyền hình của Hà Tĩnh “Đảng viên đi trước” thời lượng 30 phút để nhân vật tự nói, tự kể, tự xuất hiện chính thể hiện cách làm mới tác phẩm phát thanh, truyền hình bớt đi sự đơn điệu, được đánh giá cao về phương thực thể hiện.

Về tác phẩm báo điện tử, tiếp tục ghi nhận có nhiều tác phẩm sử dụng dạng thức mới là megastory (Báo Tuổi trẻ và các báo khác), longform (nhiều nhất là Báo Lao động) thể hiện được nhiều hình ảnh, video clip, lời, infographic tạo nên tác phẩm báo chí sinh động. Trong 12 tác phẩm báo điện tử đoạt giải thì có 7 tác phẩm megastory.

Về báo in có 17 tác phẩm báo chí điều tra thì có 12 tác phẩm từ 2 đến nhiều kỳ, giúp “chuyên chở” nhiều thông tin, thể hiện sự đồ sộ.

Lễ tổng kết và trao Giải báo chí quốc gia lần thứ XIII – năm 2018 sẽ được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2019 và sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV, VOV1 và một số Đài truyền hình địa phương.

Lan Phương/ictvietnam.vn

Tin nổi bật