Vai trò của Việt Nam khi tham gia Ủy ban Vô tuyến quốc tế (RRB)

(ICTPress) - Vừa qua, đại diện cho Việt Nam, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan đã trúng cử vào Ủy ban Vô tuyến quốc tế (RRB) của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) nhiệm kỳ 2015 - 2018.

Tại Hội nghị Toàn Quyền lần thứ 19 (PP-14) được tổ chức từ ngày 20/10/2014 đến ngày 7/11/2014 tại thành phố Busan, Hàn Quốc. Trong phiên họp Toàn thể lần thứ 10, đã có 168 quốc gia thành viên tham gia vòng bỏ phiếu kín đề bầu ra các vị trí cho Ủy ban Thể lệ vô tuyến quốc tế (RRB).

Toàn cảnh hội nghị
Đoàn công tác của Việt Nam tại PP-14

Việt Nam nằm trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, khu vực được phân bổ 3 ghế trong Ủy ban. Trong cuộc tranh cử gồm 6 ứng cử viên để lựa chọn ra 3 ứng cử viên đại diện cho khu vực vào Ủy ban Thể lệ vô tuyến của ITU, ông Đoàn Quang Hoan phải cạnh tranh với các ứng cử viên đến từ các nước gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Iran.

Lần đầu tiên Việt Nam trúng cử RRB

Đây là lần đầu tiên, Việt Nam trúng cử vào RRB - Một Ủy ban đặc biệt của ITU bao gồm 12 chuyên gia được lựa chọn từ 5 khu vực. RRB có quyền lực cao nhất giữa các kỳ Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới (được tổ chức 4 năm một lần) trong việc đưa ra các hướng dẫn và giải quyết các vấn đề liên quan đến sử dụng tần số/quỹ đạo vệ tinh và thực thi các quy định của Thể lệ vô tuyến điện.

Các quyết định của Ủy ban Vô tuyến quốc tế phụ thuộc hoàn toàn vào đánh giá và quyết định của các thành viên. Do đó, các thành viên của RRB là các chuyên gia hàng đầu thế giới về kiến thức chuyên môn, thông thạo các quy định quốc tế và kinh nghiệm giải quyết tranh chấp quốc tế về tần số và quỹ đạo vệ tinh.

Việc bầu chọn thành viên Ủy ban Vô tuyến quốc tế được tiến hành theo hình thức bỏ phiếu kín bởi 193 nước thành viên của ITU. Tham gia vòng bỏ phiếu trong phiên toàn thể ngày 27/10/2014 có trên 160 nước tham gia bỏ phiếu. Ngay sau khi kết quả kiểm phiếu công bố ông Đoàn Quang Hoan trúng cử Ủy ban Vô tuyến quốc tế, Việt Nam đã nhận được sự chúc mừng nồng nhiệt của bạn bè quốc tế, đặc biệt từ các chuyên gia về tần số cũng như của Ban lãnh đạo ITU. Đây là sự ghi nhận đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với các nỗ lực đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực quản lý tần số cũng như thể hiện uy tín trên trường quốc tế của ông Đoàn Quang Hoan.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Malcolm Johnson và Tổng thư ký ITU TS. Hamadoun Touré chúc mừng Cục trưởng Đoàn Quang Hoan

RRB hiện tại bao gồm 12 thành viên được bầu tại các hội nghị PP. Để đạt được sự cân bằng giữa các khu vực, các thành viên của RRB được lựa chọn từ 5 khu vực bao gồm: Vùng A (Châu Mỹ): 2 thành viên; Vùng B (Tây Âu): 2 thành viên; Vùng C (Đông Âu và Bắc Á gồm các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan and Uzbekistan): 2 thành viên; Vùng D (Châu Phi): 3 thành viên; Vùng E (Châu Á và châu Úc): 3 thành viên.

Theo đó, Hội nghị PP-14 đã bầu ra thành viên của Ủy ban Thể lệ vô tuyến quốc tế gồm:

Vùng A: Ông Rcardo Luis Teran (Argentina); Bà Joanne Wilson (Mỹ)

 Vùng B: Ông Alfredo Magenta (Italia); Bà Lilian Jeanty (Hà Lan)

Vùng C: Ông Victor Strelets (Nga); Ông Ievgen Khairov (Ukraine)

Vùng D: Ông Stanley K. Kibe (Kenya); Ông Simon Koffi (Côte d’Ivoire), Ông Mustapha Bessi (Morocco)

Vùng E: Ông Đoàn Quang Hoan (Việt Nam); Ông Yasuhiko Ito (Nhật); Ông Nasser Bin Hammad (UAE).

Các công việc của RRB

RRB là cơ quan có quyền lực cao nhất trong việc đưa ra các quyết định về thông tin vô tuyến giữa hai nhiệm kỳ của Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới (WRC) được tổ chức 4 năm một lần.

Một trong các nhiệm vụ quan trọng và phức tạp nhất của RRB là giám sát việc tuân thủ Thể lệ vô tuyến. Trên thực tế Thể lệ vô tuyến điện là văn kiện pháp lý phức tạp với sự đan xen của các quy định pháp lý, các thủ tục và điều kiện kỹ thuật được phê chuẩn, sửa đổi và bổ sung tại các kỳ họp WRC. Yêu cầu tuân thủ các quy định của Thể lệ là nhiệm vụ của Cục Thông tin vô tuyến của ITU (BR). Tuy nhiên có khả năng xảy ra việc áp dụng không chính xác và nhất quán Thể lệ cũng như việc xung đột lợi ích giữa các nước thành viên. Điều này đặt ra vai trò hàng đầu của RRB là một cơ quan trung lập đứng ra dàn xếp và giải quyết các tranh chấp. Các quyết định của RRB chỉ có thể được thay thế bởi WRC.

Ngoài ra RRB còn thực hiện các công việc: Đưa ra các hướng dẫn thực hiện Thể lệ vô tuyến. Các hướng dẫn này sẽ được BR sử dụng trong việc giải quyết các vấn đề về tần số và quỹ đạo vệ tinh; Giải quyết các vấn đề mà BR không giải quyết được; Đưa ra các tư vấn tới các Hội nghị WRC và RA (Hội nghị Hội đồng thông tin vô tuyến); Xem xét các khiếu nại đối với các quyết định của BR liên quan đến ấn định tần số; thực hiện bất kỳ các nhiệm vụ bổ sung theo yêu cầu bởi hội nghị có thẩm quyền và bởi Hội đồng (Council).

Tiền thân của RRB là Ủy ban đăng ký tần số quốc tế (IFRB). Hội nghị Toàn quyền bổ sung (PP-92) năm 1992 đã quyết định tách các hoạt động quốc tế và Thể lệ khỏi các công tác quản lý nội bộ văn phòng của IFRB. Trên cơ sở quyết định trên, PP-92 đã quyết định thành lập RRB thực hiện các nhiệm vụ về Thể lệ và hoạt động quốc tế của IFRB và kết hợp các công tác quản trị của IFRB với Hội đồng tư vấn vô tuyến quốc tế (CCIR) để thành lập Cục Thông tin vô tuyến (BR).

Phương pháp làm việc của RRB

RRB sẽ tổ chức từ 3 đến 4 phiên họp trong một năm để đưa ra các quyết định đối với các vấn đề tần số và quỹ đạo vệ tinh. Nội dung phiên họp bao gồm: Xem xét báo của của Giám đốc BR, Phê duyệt bản mới hoặc sửa đổi của Rules of Procedure, Xem xét các quyết định của BR theo yêu cầu của Cơ quan quản lý, mà không thể xử lý được theo các quy định của RoP, Xem xét các khiếu nại đối với quyết định của BR hoặc bất kỳ các yêu cầu khác được gửi từ một cơ quan quản lý, Xem xét các báo cáo về can nhiễu và báo cáo về việc vị phạm và không tuân thủ các quy định của Thể lệ; Xem xét các vấn đề khác mà không thể giải quyết bởi BR; Các vấn đề liên quan đến WRC; Rà soát các vấn đề để hỗ trợ việc áp dụng các quy định của Thể lệ được yêu cầu bởi bất kỳ cơ quan quản lý; Xem xét nội dung được yêu cầu mởi bất kỳ thành viên nào của RRB; Xem xét nội dung được yêu cầu bởi giám đốc BR và các công tác khác.

RRB đưa ra các quyết định trên nguyên tắc đồng thuận. Trong trường hợp không đạt được sự đồng thuận thì cần ít nhất 2/3 thành viên của RRB tán thành.

Ý nghĩa của việc trúng cử vào RRB

Sự phát triển bùng nổ của thông tin vô tuyến trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, khiến nhu cầu sử dụng phổ tần số ngày càng cao. Các ứng dụng thông tin vô tuyến ngày càng trở nên đa dạng như thông tin di động, phát thanh truyền hình, hàng không, hàng hải. Thực tế, tần số đã ngày càng trở thành tài nguyên quý giá phục vụ cho nhiều lĩnh vực.

Việc Việt Nam trúng cử vào RRB có ý nghĩa rất lớn giúp tăng cường vị thế, uy tín và tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế về quản lý tần số và quỹ đạo vệ tinh, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia về tần số và quỹ đạo vệ tinh.

 QM

Tin nổi bật